4/11/10

Leningrad du ký

Trung tâm lịch sử của thành phố (wikipedia)
Sắp tới ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7/11), nhớ chuyến du lịch "dù" đến Leningrad cách đây 37 năm, viết một bài gửi các bạn đọc chơi.

Thân ái
Huỳnh Dũng Nhi


Chuyến đi đó là vào tháng 8 năm 1973, sau kì nghỉ phép đi về Việt Nam thăm gia đình, đứng lại thêm một lần trên cái nền nhà đã trở thành sân thượng sau một đợt bom B.52 tháng 12-1972, ra ga lần cuối tiễn “người tình qua những lá thư” đi Liên Xô, rồi mấy ngày sau rời Hà Nội lên tàu liên vận đi Budapest.

Đến Moskva lần thứ ba, cùng các bạn đồng hành Việt Nam đi Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc ở tại Zalatoi kalos một ngày rưỡi chờ tàu đi tiếp. Nghe nói, có thể ở lại bao lâu cũng được, khi nào đi mới đem vé ra ga đăng ký, tôi quyết định nhân cơ hội này đi Leningrad một chuyến. Người ta bảo đến nước Nga mà chưa đi Leningrad thì coi như chưa biết nước Nga. Tôi lại có thằng bạn thân học ở Leningrad. Hồi đó, lưu học sinh việt Nam ở các nước Đông Âu muốn “xuất ngoại” rất khó, nếu như không nói là không thể được. Vậy thì đây là cơ hội tốt. Ý định “bắc du” của tôi được Bích Thuận, cô bạn học ở Đức nhiệt tình hưởng ứng. Tôi quen với Thuận năm 1970, khi hai đứa cùng trong đoàn học sinh Việt Nam chuẩn bị đi Đức. Chuyện tôi bị chuyển từ đội đi Đức sang đội Hung là một chuyện giống như cầu thủ bị tung vào sân phút 89, tôi nghi là có liên quan đến quyền lợi của một “con ông cháu cha” nào đó, nhưng thôi chẳng nhắc lại ở đây, lạc đề.

Ngay ngày hôm sau, tôi và Thuận ra ga mua vé đi Leningrad. Xếp hàng đã đời, đến lượt mình thì người ta không bán, nói xì xà xì xồ gì đó chẳng hiểu gì cả. Thuận nói tiếng Đức, bà bán vé cứ “nhet, nhet”. Tôi thì chẳng thử nói tiếng Hung làm gì. Trên thế giới hơn 3 tỷ rưỡi người này, chỉ có khoảng 15 triệu người nói tiếng Hung, mà bà bán vé - một trong hai trăm rưỡi triệu công dân Xô-viết ít có khả năng biết tới thứ tiếng có ngữ pháp được coi là khó nhất thế giới đó. Thuận đi từ đầu hàng đến cuối hàng, gặp ai cũng “Haben Sie Deutsch sperechen ?”. May quá, một cậu sinh viên có học tiếng Đức, nhận lời làm trung gian đối thoại với bà bán vé. Thì ra họ đòi mình phải có giấy phép của Intourist. Vậy là “đaxviđanhia”. Trở lại Zalatoi kalos, Thuận quyết định đăng ký vé đi Đức gặp ông người yêu nghiên cứu sinh đã ba tháng ròng mong đợi. Còn tôi thì không bỏ cuộc. Tối hôm đó, mọi người đi Hung mang hành lý lên tàu, tôi xách hai cái valy ra Metro đến Lomonosov.

Không nhớ bằng cách nào mà tôi lọt được vào Lomonosov, trường Đại học nổi tiếng thế giới kiêm cả ký túc xá này. Chị Cậy, người yêu của anh Cừ học cùng trường với tôi, vui mừng đến ngỡ ngàng đón tôi. Sau những câu chuyện thăm hỏi về “hòn ngọc bên bờ sông Đanuyp” xa xôi mà gần gũi với chị, chị cho biết là chuyện đi Leningrad của tôi dễ ợt, có thể giải quyết một cái một. Hôm sau, chị cùng một cô bạn gái Nga có cái tên dễ thương và khó nhớ ra ga. Tối đó, chị tiễn tôi lên tàu đi Leningrad. Chị đưa tôi thêm ít tiền làm lộ phí, gửi gắm tôi cho một anh Nga cùng toa nhờ giúp đỡ rồi chúc tôi thượng lộ bình an. .

Trên tàu, tôi bắt đầu “chia động từ” với anh bạn mới người Nga. Nào là “Ja uchus vờ vengrii”, nào là “môi bratôm zưvet vờ Leningradze”, rồi chìa mảnh giấy và “êtơ evo adress”. Anh ta nói gì đó, đại khái là từ ga về, anh ta cũng đi ngang ký túc xá đó, sẽ báo cho tôi khi cần xuống. Vốn liếng tiếng Nga học suốt năm lớp 4 và lớp 6, bị tiếng Hung lấn áp ba năm qua, xem ra cũng còn đủ xài trong những lúc như thế này.

Xuống xe điện, tôi đến đúng số nhà đã ghi. Bước vào là một cái sân rộng, bao quanh là ba khối nhà đồ sộ, không có vẻ gì là ký túc xá . Đang bơ vơ, ngơ ngác thì gặp một bà già. Tôi chìa tờ giấy. Bà ta gật gật đầu, rồi nói cái gì đó, đại loại như “nó ở bên cạnh đấy”. Tôi bước sang. Có kinh nghiệm ra vào các ký túc xá ở Budapest, nên tôi hơi chần chừ trước khi đẩy cửa bước vào, vì mới 6 giờ sáng, vào giờ này thì chắc chắn bị phát hiện là “việt cộng” lạ. Nhưng ngoài trời lạnh quá. Tôi liều bước vào. Ngoài ông thường trực ra, còn có mấy Ivan đang co ro nhún nhảy. Tất cả đều không biết thằng việt cộng ngơ ngác này muốn gì ở đây, vào giờ này, mặc dù tôi đã vận dụng hết vốn từ vựng ruski của mình, cộng thêm sự trợ giúp của mấy câu English. May thay, có mấy việt cộng đi thực tập sớm trên lầu bước xuống. “À, hóa ra mày là thằng Dũng ở bên Hung hả. Thằng Sơn nhắc tới mày hoài”. Rồi quày quả lên lầu, kêu Sơn. Sơn mắt nhắm mắt mở chạy xuống, la lên, nhào vô ôm chầm lấy tôi. Tôi cũng vậy. Hai thằng ôm nhau như hai Sumo , không phải để đấu, mà để biểu lộ hết cái mừng. Đúng là Sơn không thể ngờ là gặp được bạn cũ trên xứ sở mà cả mùa đông và mùa hè đều có cung điện này cả.

Mấy người bạn bỏ buổi đi thực tập, cùng Sơn dẫn tôi lên phòng, sau khi được ông thường trực nhắc nhở là phải báo với bà chủ ký túc xá. Bà này bảo “khơrátsô” nhưng phải được phép của công an thành phố. Sơn “áp tải” tôi đến công an thành phố. Ở đây, sau một cuộc thi vấn đáp bằng tiếng Nga giữa thầy giáo công an và thí sinh Sơn vốn giỏi thực hành món điện trung áp hơn sử dụng thứ tiếng có đến 6 cách này, kết quả nhận được không mấy khả quan. Việc này vượt quá thẩm quyền của công an thành phố, phải lên công an tỉnh. “Thôi kệ mẹ nó, công an thành phố còn khó vậy, công an tỉnh chắc còn khó hơn. Mày chịu khó làm việt cộng nằm vùng vậy. Tụi tao sẽ có cách.” - Sơn bảo tôi vậy. Cách của Sơn là cả bọn chịu khó dậy sớm ra khỏi ký túc xá, đi chơi suốt ngày, rồi về thiệt trễ. Phương án đó được đám bạn nhiệt tình ủng hộ và triển khai thực hiện ngay. Vậy là từ hôm đó, cứ 6 giờ sáng là biến. Một bạn to con nhất hội được phân công khoác áo ba-đờ -suy, dạng tay chống bàn trước mặt ông thường trực, để sau lưng cả bọn, chủ yếu là tôi, chuồn. Tối về cũng vậy. Đi chơi, ngoài tôi và Sơn, anh Ba-đờ-suy đó không thể vắng mặt.

Chính vì vậy mà tôi được đi chơi khá nhiều ở Leningrad. Những chuyến đi thú vị và đáng nhớ nhất là đi thăm Ermitarge, đi Cung điện Mùa Hè, Cung điện Mùa Đông…Tôi thật sự choáng ngợp trước kho tàng nghệ thuật ở Ermitarge. Tôi đặc biệt thích những tác phẩm nghệ thuật của thời renaissence, những tác phẩm tả chân, tả thật vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên đến mức kỳ lạ, mà chữ thiên tài cũng chưa thể nói lên hết tài năng của những vĩ nhân đã tạo nên những tác phẩm đó. Người ta nói phải mất cả tiếng đồng hồ để chiêm ngưỡng một bức tranh, một bức tượng như vậy. Còn tôi, chỉ có thời giờ dừng lại trước mỗi siêu tác phẩm này một hai phút, mà Sơn nói, đi cả ngày mới hết Ermitarge. Vừa say sưa với những tranh, những tượng, tôi vừa nghĩ có lẽ sau chiến công to lớn 900 ngày đêm bảo vệ Leningrad, thì có lẽ là sự bảo vệ an toàn tuyệt đối viện bảo tàng những kiệt tác của nhân loại- Ermitarge-trước những trận oanh tạc, pháo kích của cái thằng vừa hít vừa le ấy, là một kỳ tích đáng ghi vào sử sách.

Cung điện Mùa Đông (wikipedia)
Chúng tôi đi thăm di tích Chiến hạm Rạng Đông, chiến hạm nã đạn pháo vào Cung điện Mùa Đông báo hiệu phút mở màn của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, nhớ người người lính thủy Tôn Đức Thắng kéo cờ đỏ trên chiến hạm France vùng Biển Đen nói lên ý chí bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Mười và chính quyền Xô-viết non trẻ. Đi Cung điện Mùa Hè giữa mùa thu phương Bắc, tuy trời không nóng nực nhưng vẫn cảm thấy mát lạnh với hàng trăm đài phun nước đủ loại, đủ kiểu. Nhưng tượng hình nhân vàng óng gợi nhớ tới nét đẹp con người một thời La mã. Lần đầu tiên tôi đi tàu cánh ngầm trên dòng Neva chui qua “cầu mở trong đêm trắng”, ao ước ngày những chú thiên nga như thế này lướt trên sông Hồng, dưới cầu Long Biên. Chúng tôi đi công viên, chụp hình bên tượng Puskin và Piotr đại đế. Còn đi nhiều nơi khác nữa, không nhớ xuể.

Bốn năm ngày ở Leningrad, hầu như ngày nào tôi cũng được xem phim, phải xem phim, mà phim nói riêng trong những ngày đó, toàn là phim dở ẹt. Xem phim để xài bớt quỹ thời gian thừa thãi trong ngày, thường là 14 tiếng, từ 6 AM đến 8 PM. Và ăn sáng, ăn trưa ở những quán ăn bình dân nhất trong các loại quán ăn. Món ăn Nga không ngon, từ khi được ăn lần đầu tiên trong toa ăn xe lửa trên đất Nga tôi đã cảm nhận như vậy. Món mustar thì cay hơn mustar ở Hung. Sơn đã cảnh báo, nhưng tôi ỷ y coi thường, dích một miếng bự đùng, ăn cay chạy lên tận chân tóc. Rồi đi nhậu bình dân. Bia hơi, và một món gì đó thật rẻ, đại loại tương đương với lạc rang húng lìu bên mình chẳng hạn. Nhớ nem chua Hà Nội. Gặp một ông già áo vét ca-rô, móc trong túi ra một gói giấy báo bọc con cá khô bự đùng, trải tờ báo ra bàn đập cho rớt hết vảy, hào phóng mời mấy chú việt cộng dzô dzô. Riêng tôi được ông ta tặng cho chiếc huy hiệu nhỏ ông đang đeo trên ve áo. Từ lâu tôi đã biết dân Ivan có duyên với vodka, đây là lần đầu tiên gặp ông già uống bia hơi với cá khô. Một lần, 6 giờ sáng, đám di tản tụi tôi bắt gặp một ông già khoác bành tô nằm chò co trên tam cấp một tòa nhà, bên cạnh có chai rượu, chắc không phải là vodka.

Vui với bạn bè, còn ham tìm hiểu về thành phố phương bắc, tôi chưa biết đến lúc nào rồi phải chia tay. Cho đến hôm sảy ra sự cố. Hôm đó phá lệ, không đi ra đường mà ở nhà tìm hiểu đời sống ký túc xá của quân ta. Các bạn ở 6 người một phòng, 4 việt cộng, 2 anh bạn Cu ba da đen “luôn cùng một chiến hào”. Đang tán gẫu thì bà chủ ký túc xá vào. Bà ta đi tìm một chú nào đó từ Rumani sang thăm người yêu, đang trốn chui trốn nhủi trong ký túc xá. Thấy tôi, bà ta hỏi, đám bạn trả lời là không phải, thằng này là sinh viên mới toanh, chưa biết tiếng Nga, học ở trường Đại học Nông Lâm. Nói dóc vậy mà cũng nói được. Ai mà không biết là sinh viên Việt Nam mới sang bao giờ cũng học tiếng Nga một năm trước khi vào đại học. Nhưng bà chủ không quan tâm đến điều đó. Bà lại sực nhớ đến chú nhỏ học ở Hungary tên là Dũng sang thăm bạn mà hôm trước bà bắt phải đi trình diện công an. Bà ta hỏi, thằng đó bây giờ ở đâu. Tụi bạn nói nó đi rồi, chia tay với Leningrad rồi. Bán tín bán nghi, bà ta đi gọi điện thoại hỏi Đại học Nông Lâm. Một thằng bạn đi theo nghe lén, hốt hoảng quay về báo : “Nguy rồi, bên ấy người ta bảo không có ai tên là Dũng cả, không có ai chưa biết tiếng Nga cả. Bà ấy đang quay lại đấy, trốn mau đi”. Thế là vọt lẹ. Đang ở lầu hai, leo lên lầu ba. Bà ta lên lầu ba, chuồn lên lầu bốn. Bà ta lên lầu bốn, trốn lên tầng thượng, tầng mà người ta chứa toàn những ghế gãy chân, xa-lông thủng bụng ấy. May mà bà ta không leo lên tiếp, chắc tại lo lắng cho cái thân hình tám mươi mấy kí lô của mình. Bà ta đi gọi công an, sau khi dặn ông thường trực là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhất là đối với dân việt cộng. Vậy là một cuộc rút quân bí mật lại diễn ra. Anh Ba-đờ-suy nghĩ ngay đến câu chuyên tiếu lâm vừa mới đọc được, dạng tay chống bàn kể cho ông thường trực nghe. Sau lưng anh, cuộc “hành quân đêm” diễn ra lúc khoảng 10 giờ sáng. Ra đến đường, nhìn sang hướng tây, đã thấy bà chủ hăng hái dẫn đường cho hai chú công an đi về phía ký túc xá. Còn chúng tôi đi về hướng Đông, về phía Đại học Nông Lâm không có “Nhi học sinh” chưa biết tiếng Nga đó.

Trong một số tiểu thuyết Nga, bức tượng Kỵ sĩ đồng này
thức dậy và chạy trên đường sá Sankt-Peterburg.(wikipedia)
Bà thường trực ký túc xá Đại học Nông Lâm rất vui vẻ và dễ tính. Đối với bà ta, cái đám choai choai đầu đen mũi tẹt này giống nhau như một bầy chim sẻ, chẳng cần biết và cũng chẳng hại gì nếu trong bầy có một con sẻ lạ, nhất là khi con sẻ ấy cũng đến từ một xứ phe ta. Các bạn ở Đại học Nông Lâm vui vẻ , chân tình đón tiếp các bạn đồng hương di tản. Một bữa tiệc đơn sơ, có cả rượu táo được chuẩn bị chớp nhoáng. Cuối tiệc là phần bàn về kế hoạch hành động sắp tới. Theo kế hoạch đó, ngày mai đồng chí Dũng phải trở về Moskva để đi Budapest. Sáng mai đi mua vé cho chuyến tàu đêm và mua tặng đồng chí một con lật đật, để đồng chí làm quà cho bồ (nếu có).

Tôi chợt nhớ đến “người tình qua những lá thư”. Lần tiễn em đi trên ga Hàng Cỏ là dấu chấm hết cuối cùng của một trăm, trăm rưỡi hay hơn trăm tám lá thư của tôi suốt ba năm qua mà em gói lại cẩn thận, gửi lại trọn vẹn cho tôi với lý do là va ly em đã chật cứng, sau này em về nước em sẽ nhận lại. Một lời cự tuyệt vẹn tròn và khéo léo. Sang đến Liên Xô, em gửi thư cho Sơn. Đọc thư viết cho Sơn, tôi biết em học ở Erevan. Sơn bảo, đến đó phải đi bằng máy bay. Nhưng ai lại bắt các bạn cuối tháng ăn bánh mỳ chấm đường phải lo vé máy bay cho mình để đi tặng con lật đật và trao lại bó thư bị gửi trả.

Buổi tối, các bạn tiễn tôi ra ga. Tạm biệt Leningrad, thành phố tôi mới quen, chưa xa đã nhớ. Tôi không biết cái tên Peterbourgrad đối với người Nga thiêng liêng như thế nào, nhưng trong tôi, hồi trước cũng như bây giờ, Leningrad vẫn mãi mãi là Leningrad.

***

Tàu về đến Moskva vào lúc 6 giờ sáng hôm sau. Lần này cũng nan giải như buổi sáng đặt chân đến Leningrad. Ga vắng và rất lạnh. Ngồi xớ rớ ở đây dễ bị công an tới hỏi thăm, rất nguy hiểm khi mình chỉ biết cười và cám ơn, cho dù ông ta có nói mình là thằng bụi đời ngoại quốc đi chăng nữa. Về Lomomosov thì còn quá sớm, liệu có vào trót lọt như lần trước không. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cứ đi. Vào vành đai một, nơi kiểm tra tất cả mọi người ra vào khu vực trường đại học, không có ai trực cả. Chưa đến giờ học, chưa đến giờ làm việc, chẳng ai ra vô giờ này. Nhưng ở cửa ải thứ hai, nơi có cái lift lên mấy chục tầng lầu của ký túc xá thì lại có người trực. Một bà già ngái ngủ chặn tôi, lúc đó đang cố làm ra vẻ thản nhiên bước vào thang máy, nói một câu gì đó, tất nhiên là chứa đựng nội dung không lấy gì làm thú vị, tôi chỉ nghe được mấy chữ là “gdze bilet ?”.Tôi vò đầu ra vẻ hối hận, đáp cụt ngủn : “vơ komnache.” Bà ta lại xổ ra một tràng dài, chắc là không có quyền để quên thẻ trong phòng, cuối cùng tôi nghe được mấy chữ “Idzi che”. Tôi vội vã cám ơn rồi theo chiếc lift bay bổng lên lầu 21, nơi chị Cậy ở.

Hai hôm sau, chị Cậy tiễn tôi ra ga đi Budapest. Chia tay chị, trong valy chứa đầy quà của các bậc phụ huynh ở Hà Nội gửi cho con học ở Hung, vẫn có đủ chỗ cho gói quà của chị gửi người yêu ở Budapest.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp chị. Năm 2005, gặp anh Cừ ở Vũng Tàu, tôi hỏi thăm, mới biết anh Cừ đã góa vợ, người vợ thân yêu anh đã cưới sau bao nhiêu trắc trở từ hai phía gia đình và những tháng năm xa cách đến hai múi giờ dưới mảnh trời Âu.

Tượng đài Peter Đại đế (wikipedia)
1-11-2010
HUỲNH DŨNG

-----
Sankt Peterburg ngày nay (theo wikipedia):

Trải qua nhiều thế kỉ tên của thành phố cũng bị thay đổi nhiều lần, thí dụ Sankt PeterburgSankt Peterburh. Sau khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, vào năm 1914 người ta đã đổi tên thành phố thành Petrograd để tránh tên gốc Đức (vì Nga đang giao chiến với Đức). Mười năm sau Petrograd lại đổi thành Leningrad, để tưởng niệm Vladimir Ilyich Lenin – vị lãnh tụ đã mất của nước Nga Xô Viết. Cuối cùng, sau khi Liên Xô tan rã thành 15 nước khác nhau, thành phố được trả lại tên ban đầu sau một cuộc trưng cầu dân ý, tên thành phố từ Leningrad đổi thành cái tên cũ là Sankt Petersburg (tiếng Nga: Санкт-Петербург). Nền kinh tế bắt đầu khôi phục lại. Tự do ngôn luận đã tạo một môi trường sôi động cho đời sống xã hội. Các hoạt động tôn giáo và nghệ thuật được phát triển. Du lịch trở thành nền kinh tế chính của thành phố. Các điểm đến du lịch hấp dẫn, như Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè... đẹp tuyệt vời sáng chói giữa phương Bắc lạnh giá của Nga khiến cho thành phố này như một Venice của phương Bắc.

Tuy nhiên, cái góc tối của nó mới là điều ghê sợ. Ở đây từng được mệnh danh là "thủ đô tội phạm". Nếu bạn có du lịch ở đây, bạn không nên đi lại vào buổi tối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét