28/1/09

Mở mạng mà nghe ...

Hà Thanh

Nước mình có truyền thống ăn nói nhã nhặn, vì ăn nói nhã nhặn không thiệt gì, các cụ dặn: “Lời nói không mất tiền mua; liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau…” (nếu lời nói mà phải mua, tỷ như vào chốn công quyền, tình hình có thể khác).

Ngày thường còn muốn làm nhau vui lòng, cái sự chúc tụng bởi vậy là chuyện cơm bữa. Nói gì đến ngày Tết, hớn hở khí xuân, hy vọng tràn trề, việc chúc tụng nhau từ ngàn xưa lại vốn được quy định là phong tục đẹp, nên đương nhiên thiên hạ chúc nhau náo nhiệt và rầm rộ. Rầm rộ đến nỗi đã có lần Tú Xương đã phát bực lên mà phải bảo: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau…”.

Mật độ chúc Tết ngày xưa, thời Tú Xương hoặc trên nữa, nhiều đến mức độ nào khó kiểm định, từ ngày có điện thoại di động, có internet, mới biết sự dồn dập chúc nhau ngày Tết là vô cùng. Nghẽn mạch, nỗi lo thời công nghệ thông tin mỗi tối giao thừa, nhiều năm nay thành nỗi lo không của riêng ai. Thành thử chưa sang năm mới, đang bộn bề mâm cỗ thắp hương khấn gia tiên, đã nghe điện thoại bíp bíp báo tin nhắn từng hồi, người lo xa hay chúc mừng năm mới trước khi năm cũ qua hẳn, phòng khi message(1) đầy ân tình của mình lang thang nhầm sóng trên trời, mãi không đến đúng địa chỉ mobile(2). Thế rồi đến tận sáng hôm sau, có bao nhiêu người thân trong danh bạ là có bấy nhiêu tin nhắn đủ vẻ đủ hình. Đang vội cũng phải bỏ cả bánh chưng bóc dở mà lễ độ cám ơn và chúc lại, hoặc bỗng dưng tắt bếp rán nem để nhắn vội một cái tin chợt nhớ ra, kẻo bị trách, lời tử tế đi trước cũng là lời khôn!

Việc chúc Tết có từ thời nào chẳng rõ. Bắt nguồn từ Trung Quốc, như nhiều phong tục Tết khác. Lời chúc chẳng thể truy nguồn gốc từ đâu. Sinh ra biết nói là có lời rồi. Thiếp chúc tết còn dễ tìm niên đại. Người ta bảo thiếp chúc tết xuất hiện sớm nhất dưới thời Tống, căn cứ vào bức tranh "Tuế chiêu đồ", tức là buổi sáng đầu năm, của Lý Tung, một họa sĩ nổi danh thời Nam Tống, vẽ cảnh cả nhà chủ nhân tiếp đón khách trong viện, còn gia nhân phòng bên thu nhận những thiếp đỏ mừng năm mới. Thời đó thấy bảo rất thịnh hành việc chúc tết hàng năm. Lời chúc trên thiếp, cả ngàn năm nay chắc chỉ loanh quanh Phúc - Lộc - Thọ. Nào Vạn sự như ý! nào An khang! Thịnh vượng! Cát Tường...! Đơn điệu lắm. Chữ nghĩa rườm rà là ở câu đố Tết, dân gian màu mè là ở tranh Tết..., chứ chúc tụng nhau thì cứ giản đơn có gì chúc nấy, miễn là toàn gia khỏe mạnh, phát tài, làm ăn năm nay bằng năm bằng mười năm ngoái. Đại khái nhà bác đánh cá, năm nay chúc đánh được cá to; nhà bác dệt chiếu, năm nay chúc bác cói tốt, trời khô ráo. Buôn bán thì nhất bản vạn lợi, học hành thì đỗ đạt, đỗ đạt rồi thì thăng tiến...

Phải nói chúc Tết thời công nghệ thông tin phong phú hơn hẳn. Nghe nói vốn từ vựng nước Anh nhiều nhất thế giới, mà có chúc, thì chỉ Happy New Year!(3) Thử làm một cuộc sưu tầm những câu chúc mừng năm mới mình, vừa bắt đầu thôi dễ thường cũng hoa cả mắt. Mấy năm nay, các mạng di động, các trang báo điện tử gần Tết có riêng một đội văn hay chữ tốt chuyên thảo ra các câu chúc để kinh doanh. Có mạng còn tổ chức cả cuộc thi các lời chúc tết sao cho độc đáo. Nhưng để đạt được sự độc đáo nói chung không dễ. Quanh đi quẩn lại, 1001 câu chúc được gọi là hay vẫn cứ chỉ là "Năm mới Tết đến, rước hên vào nhà; quà cáp bao la; một nhà no đủ; vàng bạc đầy hũ; gia chủ phát tài; già trẻ gái trai; sum vầy hạnh phúc..."; "Chúc bạn có một bầu trời sức khỏe, một biển cả tình thương, một đại dương tình bạn..." Mấy năm trước, câu "Tôi thay mặt Đảng, Chính phủ, Quốc hội..." trịnh trọng, hay câu chúc tính toán chi li : "Chúc bạn 365 ngày hạnh phúc, 52 tuần như ý, 12 tháng an vui...cho đến tận 52.600 phút may mắn" làm nhiều người vui cười, năm vừa rồi đã là nhàm. Có chịu khó nghĩ hơn một tý, sáng tạo cho vui thì năm con nào làm thơ về con đó. chẳng hạn năm Chó "Chúc mừng năm con Chó; trở nên người giàu có; chẳng có việc gì khó...", năm con Heo "Chúc Tết năm Heo; có nhiều người theo; tình chặt như keo...", năm con Chuột "năm nay là năm Tý; chúc các em bồ nhí; vạn sự được như ý...". (Năm nay năm Sửu, chẳng hiểu vần ỉu rồi sẽ chúc thế nào). Trong một buổi sáng mùng Một, có khi nhận được đến dăm mười tin giống nhau. Hết muốn cười. Có người nghĩ hộ lời chúc, tự dưng người ta đâm lười, nhấn send(4) là chuyển đi, forward(5) cả loạt. câu chúc có hay mấy cũng không phải lời chúc của mình. Chúc một câu mình nghĩ ra, dẫu có vụng dại hơn một chút, nhưng đảm bảo chân thành. Nhưng nghĩ đến cả một cái danh sách dài cần nhắn, cũng thấy khó. Cứ chúc mừng năm mới có khi lại hay. Cái thời chúc Tết thủ công hình như qua lâu rồi, mấy ai căm cụi nghĩ xem chúc thế nào. Thành thử tin nhắn gửi đi nhiều khi trung tính đến độ không phân biệt tuổi tác, giới tính. Mình nhận được bao nhiêu tin sáo rỗng có khi cũng chuyển đi ngần ấy.

Nhưng biết làm sao được, thôi thì Tết đến, lời chúc nào cũng quý, thấy còn có người nhớ đến mình, thấy mình còn trách nhiệm nhớ đến người. nội dung lời chúc quan trọng gì đâu, miễn là có mình trong nỗi nhớ bao la ấy, nỗi nhớ mở mạng (di động và internet) mà xem họ chúc nhau./.

Người Đan Mạch chúc tụng: Hip hip horray!
----------------
Một số từ tiếng Anh thông dụng trong bài:
(1) message: tin nhắn, thư tín, điện, thông báo, thông điệp
(2) mobile: di động, chuyển động (ý nói cái điện thoại di động)
(3) Happy New Year!: Năm Mới Hạnh Phúc! (lời chúc)
(4) send: gửi thư, gửi tin nhắn đi
(5) forward: gửi chuyển tiếp (bức thư, tin nhắn... đến địa chỉ mới)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét