19/12/08

Vẫn tràn đầy tâm hồn báo chí

Vừa rồi, tạp chí Nghề báo có in bài về các cô bác hưu trí của báo Nhân Dân của chú Ngô Lê Dân. Mình gửi cả nhà cùng xem để nhớ lại những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa của các phụ huynh chúng ta nhé.
Huỳnh Dũng Nhân
Chú Ngô Lê Dân (người thứ 5 từ trái sang) trong buổi gặp mặt
tại TP.HCM 19/02/2008 - Nguồn ảnh: Hà Huy Hiệp

Các cựu phóng viên, biên tập viên Báo Nhân Dân:
VẪN TRÀN ĐẦY TÂM HỒN BÁO CHÍ

Họ gồm hơn hai chục người, nguyên là phóng viên, biên tập viên của báo Nhân Dân (ND) nghỉ hưu tại TP.HCM và mấy tỉnh, thành phố lân cận như Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Lạt, Cần Thơ. Người công tác lâu nhất ở báo ND cũng ngót nghét 40 năm, người ít cũng dăm, bảy năm. Họ ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, trong đó một số người đã từ trần. Có thể nhắc tới một số tên tuổi như Thép Mới, Nguyễn Kiến Phước, Hùng Lý, Đinh Phong, Vũ Tuất Việt, Trần Thanh Phương v.v... Ngày trước họ lặn lội trên khắp các chiến trường, nhà máy, hợp tác xã, hay ngồi tại tòa soạn viết luận văn tuyên truyền. Cũng có người chuyển qua viết văn, viết báo ở miền Bắc hay đi chiến trường.

Nay nghỉ hưu, họ lại thường gặp nhau ở TP. Hồ Chí Minh vào ngày 21 tháng 6, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày báo chí cách mạng Việt Nam, “ngày sinh” của báo ND 11 tháng 3. Mỗi lần gặp nhau, họ mừng mừng tủi tủi, hỏi thăm “bạn bè ta ai còn ai mất”, ôn lại kỷ niện của những năm tháng sôi nổi ngày nào. Họ còn tổ chức những chuyến “dã ngoại” ở các tỉnh thành phía Nam như Vũng Tàu, Đà Lạt, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương… Những chuyến đi dài ngày họ thường được Tỉnh ủy nơi đó chăm sóc chu đáo, từ sắp xếp nơi ăn ở, đến hướng dẫn lịch trình đi thăm những di tích lịch sử, cách mạng, danh lam thắng cảnh; lại còn được tặng các đặc sản địa phương như rượu vang Đà Lạt, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phan Thiết… Những chuyến đi ấy còn là cuộc giao lưu giữa các nhà báo ”lão làng” với lãnh đạo và đồng nghiệp báo chí địa phương. Có người lưu giữ được hàng trăm tấm hình kỷ niệm những nơi mình thăm quan, như khu mộ cổ Đình Chiểu, quê hương Đồng Khởi (Bến Tre), chiến khu D (trên địa bàn tỉnh Đồng Nai), trường Dục Thanh (Phan Thiết), căn cứ kháng chiến núi Minh Đạm (Bà Rịa), vườn quốc gia Cát Tiên, khu du lịch suối khoáng nóng Bình Châu v.v...

Ngay ở Sài Gòn mỗi năm “Xuân thu nhị kỳ” họ lại có dịp gặp gỡ các nhà báo “đồng trang lứa” của câu lạc bộ các nhà báo cao tuổi TP. Hồ Chí Minh. Câu lạc bộ này từ 5 năm nay mỗi năm cho xuất bản một cuốn hồi ký “Một thời làm báo”, tặng cho mỗi thành viên, biên tập viên báo ND thường xuyên thăm dự các buổi họp mặt và viết bài cho các tập hồi ký của câu lạc bộ này.

Nhà báo nghỉ hưu nay mỗi người một nghề. Một số người cộng tác, viết bài cho một số tờ báo của TP.Hồ Chí Minh và của Trung ương; có người viết sách; có người trở thành nhà sưu tập nổi tiếng; có người tham gia công tác tuyên huấn, báo chí của địa phương… cũng có người về vui thú điền viên, sum họp cùng con cháu.

Người xưa có câu: “Kính lão đắc thọ”. Lãnh đạo một số cơ quan chủ quản rất quan tâm đến “các cụ” nghỉ hưu. Báo ND thì dành một khoản trong quỹ phúc lợi, hàng năm cấp cho việc thăm quan du lịch, họp mặt, chúc thọ và khám sức khỏe định kỳ cho các cụ. Văn phòng TW Đảng hàng năm cấp một số suất đi nghỉ mát ở Nha Trang. Câu lạc bộ nhà báo cao tuổi TP.Hồ Chí Minh mỗi năm tổ chức hai cuộc họp mặt và tặng cuốn hồi ký cho mỗi người…

Người ta thường nghĩ, một số cán bộ nghỉ hưu thường bị hụt hẫng vì chuyển từ môi trường làm việc sang môi trường nghỉ ngơi. Nhưng những người làm báo có lẽ khác. Họ tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận báo chí; tiếp tục viết lách, sinh hoạt nghề nghiệp tại một số câu lạc bộ; đi thăm quan - du lịch – giao lưu để tích lũy thêm cho cái kho tàng nhân văn và tâm hồn… báo chí của mình. Những câu lạc bộ nghề báo là môi trường tốt để các nhà báo giao lưu, tiếp tục viết, sống thảnh thơi lúc tuổi xế chiều. Trong tình cảm ấy, bà Hoa Lý, một cán bộ báo Nhân Dân nghỉ hưu đã làm mấy câu thơ tặng các đồng nghiệp một thời: “hôm nay đây tạm ngưng tất cả, mọi âu lo gác lại một bên, Stress cũng quên ưu phiền rũ sạch, tất cả chỉ dành cho ngày họp mặt, tràn ngập niềm vui đầy ắp tiếng cười, quên tuổi già sống lại tuổi đôi mươi, như thủa xuân xanh xúm ba tụm bảy, dưới gốc cây đa Báo Nhân Dân ngày ấy…”.

NGÔ LÊ DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét