9/6/08

Mười ba năm

Hiếu Dân

Người thân gặp lại nhau sau vài năm, thấy mặt mũi thêm nếp, tóc ngả thêm màu, thường có câu "Ừ nhỉ, thời gian trôi nhanh như chó chạy!". Quả là một cách tếu tý chút để che dấu cảm xúc.

Hôm nay hồi hộp đến thăm một người Mẹ. Lần cuối cách lâu lắm rồi, từ 13 năm trước - năm 1995, mình có vào Sài Gòn thăm cô Bình Định, nay mới lại có thêm dịp nữa.

Vừa bước vào cửa, cô đã nói ngay "Hiêu đấy à, cô nghe Minh nói hôm nay con đến mà cứ mong mãi, cô mừng lắm!". Cô Bình Định trông vẫn đẹp, vẫn tươi như xưa, nét mặt, điệu cười, giọng nói vẫn như xưa, duy có đẫy đà hơn chút và mái tóc trắng màu thời gian.

Thật sung sướng, mà hơn thế nữa, cảm giác lâng lâng khó tả khi được cô nhận ra mình ngay, với tình cảm ấm áp như thế! Những tưởng giờ tóc minh đã sương muối, mặt mũi nhăn nheo, thế mà vẫn được cô, người mẹ của trại trẻ hơn 40 năm trước, đọc đúng tên hiệu cúng cơm là "Hiêu".

Như biết bao cuộc gặp, tràn ngập tình cảm và kỷ niệm, cô - cháu cứ chuyện cũ, chuyện mới mãi như không dứt được. Ngày xưa mình ngủ cùng giường với anh Trần Dũng, cô coi mình như anh Dũng, mà cũng như thế với bao nhiêu đứa khác trong trại, chẳng thấy bị cô mắng bao giờ, mặc dù nghịch ngợm làm phiền lòng các cô rất nhiều.

Cô bảo "Hiêu còn nhớ Dũng bị rắn cắn mà còn giấu mãi không?". Mình nhớ chứ, làm sao quên được vụ mấy anh em Dũng, Phương, Dân, Chính, Nhi lỉnh ra đồng chơi, anh Dũng bị rắn đớp một nhát kêu toáng lên "Ôi, tao bị rắn cắn rồi!". Con rắn trườn mất hút. Cả bọn hoảng quá, sợ nhất là phải rắn độc thì toi, vội vàng cởi khăn quàng đỏ, quấn ga-rô trên bắp chân, thay nhau cõng anh Dũng về làng. Anh Phương có vẻ bình tĩnh nhất, còn nhắc anh em chuyện lâu lâu phải ga-rô dịch lên phía trên cho chân khỏi "chết". May sao được mấy người làng chỉ cho đường vào nhà chị y tá dân quân. Anh Dũng được chị ta rửa, rồi cạo vết răng rắn cắn, nặn máu, nhỏ nhựa đu đủ vào vết rắn cắn rồi bảo "Không sao đâu, cho về được rồi!". Mấy anh em đứng lô nhô xung quanh thấy Dũng không chết mừng quá.

Mình hỏi "Thế cô có biết lần Dũng trèo cành xoan bị gãy, ôm cả cành xoan gãy trên cao 3 - 4 thước cùng rơi xuống nằm lịm một lúc mới tỉnh dậy được không?", "Cô không biết, thế chắc là giấu cô vì sợ rồi!". Anh Dũng có lẽ là nghịch thứ nhất trại!

Lại có Minh ngồi cạnh nữa, chuyện trò miên man. "Cô ơi, cô có được Minh cho xem blog của chúng cháu không? Bọn cháu có nhiều bài và ảnh rất hay!", "Thế à, cô thích xem lắm!". Trần Minh đáp ứng ngay, mang laptop ra, mở hai trang blog của Trại trẻ. Cô Bình Định vừa xem vừa trầm trồ mãi vì thích. Mấy bức ảnh quý do anh Hiệp gửi lên blog được cô đọc thêm ra rất nhiều tên người nữa so với ghi chú của anh Hiệp.

Rồi cũng đến lúc chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm và chia xa. Thật là tiếc, vì mình chỉ tranh thủ được ít thời gian, không đến thăm được nhiều thêm các cô, chú đáng kính ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà nay đều đã ngoài tám mươi.

Bốn mươi ba năm*, mười ba năm... thời gian như chớp mắt!
---------------------------------------------
Ảnh đông người: Trần Minh, Mỹ Linh và mẹ Mỹ Hà (con gái lớn và vợ anh Minh), cô Bình Định (năm nay đã 83), Hiếu Dân

* Bốn mươi ba năm: từ 1965 (Hiếu Dân nhập Trại trẻ khi trại mới chuyển về Tuy Lai) đến nay, 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét