23/6/08

Bốn bước của cuộc đời

Chiều qua, 22/6/2008, 6 - 7 người bạn rủ nhau, cùng đại diện Ban LL Hà Nội, nghe tin anh Lê Việt Trung ốm nặng đã tới thăm, động viên anh ở nhà riêng tại phố Quan Thánh, hiện anh đang sống cùng mẹ - cô Lê Mai (vợ chú Anh Vũ).

Cô Lê Mai, một người mẹ giàu nghị lực và vô cùng thương con, xưa nay phục vụ cơm nước, chăm sóc, giúp đỡ Trung, bây giờ Trung không ăn được cơm, thường khẩu phần là tý cháo hoặc bún, phở - cô cũng chỉ ăn theo cùng một món cho tiện, cô rất vui và cảm động vì tình cảm của các cháu, bạn bè của Trung 40 năm nay.

Anh Lê Tương Lai cùng ở đó nhưng khác nhà, đã buồn buồn tâm sự với mọi người tình trạng rất đáng ái ngại của ông anh, tuy bệnh mới được phát hiện, nhưng có thể đã ở giai đoạn cuối của "K" tuyến tuỵ và ruột. Có điều không ai dám nói rõ với Trung, chỉ động viên anh cố gắng theo phương pháp điều trị của bác sỹ (đã được chỉ định sử dụng hoá chất trong tuần này).

Lại thêm một chuyện nữa để chia sẻ với các bạn, vừa qua gọi điện thăm hỏi anh Huỳnh Dũng Nhi ở Vũng Tàu (anh Hiếu Dân kể lại), được vợ anh Nhi cho biết dạo này anh rất yếu, từ lâu đã ăn kiêng vì gan hư nặng, nay đến cháo loãng hoặc xúp chị bón cho anh cũng không muốn ăn, lại hay mê man. Ngoài ra, còn thêm mấy bệnh hiểm nghèo khác như của tuổi già. Điều an ủi duy nhất mà chị kể là anh chị đã có cháu ngoại...


Vậy TTST BND xin thông báo, để nếu ai tình cờ có chút ít kinh nghiệm nào đó có thể chia sẻ với anh Trung và anh Nhi, hoặc gọi điện thoại thăm hỏi!

Nhưng dù sao, quy luật đời sống bốn bước Sinh - Lão - Bệnh - Tử là phổ biến, không mấy ai trong chúng ta đốt cháy giai đoạn, vừa sinh ra đã lão, hoặc tệ hơn nữa là sinh ngay vào cửa tử. Cho nên, cũng có thể an ủi mình bằng cách tự hỏi "quá nửa đời rồi đấy nhỉ?".

Để cùng giúp đỡ lẫn nhau, cho càng thêm nhiều lần gặp gỡ, blog của TTST BND đã mở sẵn một mục tên là "Giữ mãi tuổi xuân xanh", rất mong các bạn sưu tầm hoặc viết bài về kinh nghiệm chữa bệnh, sống khoẻ, sống lâu và có ích... gửi về làm tài sản chung, biết đâu nhiều khi cần đến!

21/6/08

Chúc mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

BBT Blog TTSTBND thân mến,

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, cho Ninh Hà gửi lời chúc mừng và thăm hỏi sức khỏe tới tất cả các nhà báo lão thành, các nhà báo 'đương nhiệm', các nhà báo 'tay ngang', các con của nhà báo, cùng toàn thể gia quyến.
Xin chúc tất cả một ngày lễ thật hạnh phúc và niềm vui!

(Sáng nay, qua đài truyền hình HTV, Ninh Hà được biết Huỳnh Dũng Nhân có viết bài hát "Cầm bút lên!" dành tặng các nhà báo, nhưng tiếc là chưa được nghe. Từ hồi đi học, Nhân đã là người đa tài. Luôn giữ được 'lửa' cho cây viết như thế thật đáng quá).

Nhân dịp này, cho Ninh Ha 'góp vui' với bài viết 'Hãy cứu dấu chấm phảy!' mới đăng trên tạp chí Hồn Việt số ra tháng 6 vừa qua, hy vọng được các nhà báo và con nhà báo quan tâm! (Bên tạp chi có biên tập lại chút ít nhưng không đáng kể - chữ 'phảy ' của Ninh Hà không có mũ, nhưng bản in trên tạp chí thì có).

Cảm ơn các bạn thật nhiều!
Ninh-Hà
__________________________________

Pháp: Hãy cứu dấu chấm phảy !

Mọi chuyện bắt đầu từ một bài báo của Rue89 (báo điện tử Pháp) số ra ngày 1-4 mang tựa đề “Điện Elysée khởi động chiến dịch cứu sống dấu chấm phảy”. Bài viết giải thích rằng tổng thống Nicolas Sarkozy “muốn phục hồi vị trí của dấu chấm phảy trong văn bản của các cấp chính phủ”.

Tất nhiên đó chỉ là một câu chuyện “bịa đặt” – một “con cá tháng Tư” nữa của cánh nhà báo Pháp nhưng bài viết đã gióng lên “hồi chuông báo động”, khiến không ít người giật mình nhìn lại để nhận thấy quả thực dấu chấm phảy đang ngày càng ít được sử dụng, có nguy cơ… bị tuyệt chủng! Bằng chứng là, trước đó, trong một cuộc phỏng vấn của Đài phát thanh quốc tế Pháp France Inter, Sylvie Prioul – đồng tác giả cuốn sách L’Art de la ponctuation (tạm dịch là “Nghệ thuật sử dụng dấu ngắt câu”), cùng với tác giả Olivier Houdart – cho hay đã tìm dấu chấm phảy “mỏi mắt” trên các trang báo của Le Nouvel Observateur (tờ tạp chí Người quan sát mới), cuối cùng thì tìm được nó trong mục thư gửi bạn đọc! Hay như trong tờ L’Humanité (báo Nhân đạo) số ra ngày 22-12-2005, người ta chỉ tìm thấy một dấu chấm phảy duy nhất “ngụ” tại bài xã luận!

“Tình cảnh” của dấu chấm phảy đúng là đáng lo ngại. Nếu “tần suất” sử dụng nó không “đạt” được một ngưỡng cần thiết nào đó thì dấu chấm phảy có nguy cơ bị xóa sổ. Các nhà chuyên môn đã cất công tìm hiểu nguyên nhân xem vì sao nên nỗi và nhận thấy rằng lý do khiến dấu chấm phảy “không được yêu mến” có lẽ là do tính “lai tạo”, “mập mờ”, “phảy mạnh chấm yếu” của nó: Không hoàn toàn là một dấu chấm mà cũng chẳng hẳn là một dấu phảy! Dùng dấu chấm phảy ở đâu? Lúc nào? Liệu đó có là một cái dấu của giới “élite”? Hay văn chương, ngôn ngữ ngày nay đang nghèo đi (những câu văn dài “lâm chung”, nhường chỗ cho lối hành văn ngày càng ngắn)?... Khi không hiểu rõ ý nghĩa, công dụng của dấu, người ta khó mà dùng được nó một cách chính xác.

Cho đế
n tận cuối thời kỳ Trung cổ, dấu chấm phảy vẫn có vai trò như dấu chấm câu ngày nay. Sang thế kỷ 18, nó trở thành một loại dấu… lưng chừng giữa dấu chấm và dấu phảy: hoặc để phân cách hai bộ phận có nội dung khác nhau nhưng liên quan với nhau trong cùng một câu (vai trò của dấu chấm, hay “có tính chấm nhiều hơn phảy”); hoặc để giúp cho cấu trúc câu được rõ ràng, sáng sủa, khi mà trong câu đã có nhiều dấu phảy (vai trò của “siêu dấu phảy”, hay “có tính phảy nhiều hơn chấm”). Các tác giả của L’Art de la ponctuation đã liệt kê những chức năng chủ yếu của dấu chấm phảy. Có thể tham khảo thêm nguyên tắc ngữ pháp tiếng Pháp.

Dẫu vậy, cũng còn một điều an ủi là hiện tại, dấu chấm phảy vẫn được sử dụng thường xuyên trong các văn bản hành chính và các chương trình tin học, nhất là sự hiện diện rất sống động của dấu chấm phảy trong “ngôn ngữ” của thế giới “e-mail”và “chat”, nơi nó tượng trưng cho… cái nháy mắt!

Cuối cùng, theo tờ Guardian của Anh - có phần đùa cợt, “chỉ ở nước Pháp mới có thể xảy ra một cuộc tranh luận tương tự, nơi người ta dành cho các nhà trí thức (intellectuel) một vị trí mà người khác dành cho các cầu thủ bóng đá, vợ cầu thủ bóng đá hay các ngôi sao nhạc rock”. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình với “chiến dịch giải cứu dấu chấm phảy”, chống lại việc đơn giản hóa cách sử dụng dấu ngắt câu đặc biệt này…

NINH-HÀ N.Q. (theo Le Nouvel Observateur)

(Ảnh: Bìa cuốn sách Nghệ thuật dùng dấu ngắt câu)

13/6/08

Lá thư bạn bè

Những người bạn lâu ngày không gặp, nhưng vẫn nhớ về nhau với những tình cảm nồng nàn .
Trong khi xem lại các e-mail, Hải Đường tìm thấy một bức thư thú vị và muốn chia sẻ những kỷ niệm một thời thật đẹp của họ (Hồng, Thủy Tiên, H.Đường, Thụy, T.Lai, Yến...) với mọi người.

TTSTBND

Chào Hồng, Hải Đường...

Hồng ơi, tớ là Huỳnh Ngọc Thụy đây, con mẹ Lý, Hồng còn nhớ không. lâu lắm lắm rồi chúng mình không liên lạc. Nhớ đến Hồng, Thụy nhớ đến kỷ niệm 2 đứa mình trốn trại trẻ đạp xe về Hà nội chơi rồi lại về lại nơi sơ tán cũng trong ngày hôm đó, bước vào nhà trong sự kinh ngạc (có thể là cả "thán phục" nữa - vì đã làm được một việc tày trời như thế ) của Huỳnh Dũng Nhân, Trần Minh... lúc đó chúng mình mấy tuổi nhỉ, đó là đợt sơ tán lần 2 rồi, năm 1968 - 1973.

Bây giờ Hồng ở đâu, có vào Sài gòn không? Thật tiếc là Thụy không thể thu xếp ra Hà nội chơi trong dịp 23/9 được. giá mà Anh Khánh thu xếp đợt nghỉ nào có 2-3 ngày thì sẽ nhiều người thu xếp tham dự hơn. Bây giờ đang đợt năm học mới nên khó thu xếp nghỉ lắm. Các cháu con Hồng thế nào, gia đình bạn thế nào, cho T biết tin nhé, còn Thủy Tiên nữa, Hồng có liên lạc được không?

Thụy đã vào blog của trại trẻ, hay lắm. Thụy sẽ kiếm lại ảnh hồi sơ tán để gửi cho mọi người cùng xem. Thế nhé. Mong nhận tin của Hồng, và rất thích là có một ngày nào đó, ngày đẹp trời nhất, chúng mình sẽ cùng được ngồi ôn kỷ niệm xưa dưới gốc cây đa già của Báo Nhân Dân, nơi mà từ đó hơn 50 năm trước, chiếc xe tải lăn bánh chở một lũ con nít chúng mình khóc lóc mếu máo vì xa ba mẹ, đi vào nơi sơ tán...

Còn nhiều kỷ niệm lắm, những khi trốn ngủ trưa, lang thang trưa hè nắng gắt, hái mâm xôi, tuốt mầm lúa non ăn sống, ngọt và thơm đến giờ còn nhớ hương vị, rồi ngồi trên bờ đê ngắm hoàng hôn, nhìn mây trôi với bao biến đổi hình thù kỳ lạ. Hồi đó lứa chúng mình có Hiếu Nam, Hải Đường, Thủy Tiên, Tương Lai, Yến ... còn ai nữa Hồng có nhớ không. ngày đó đi học ngang qua bầy ngan ngỗng gì đó vươn cổ dài ngoẵng làm cả bọn sợ hãi không thể đi qua, nhờ Hiếu Nam đứng ra làm người hùng xua bầy ngỗng cho chị em mình đi qua, bây giờ Hiếu Nam làm gì rồi, có còn galand như ngày xưa?

Mong tin Hồng nhé.
Thụy
(
21, tháng 9 năm 2007 10:38 AM)

9/6/08

Mười ba năm

Hiếu Dân

Người thân gặp lại nhau sau vài năm, thấy mặt mũi thêm nếp, tóc ngả thêm màu, thường có câu "Ừ nhỉ, thời gian trôi nhanh như chó chạy!". Quả là một cách tếu tý chút để che dấu cảm xúc.

Hôm nay hồi hộp đến thăm một người Mẹ. Lần cuối cách lâu lắm rồi, từ 13 năm trước - năm 1995, mình có vào Sài Gòn thăm cô Bình Định, nay mới lại có thêm dịp nữa.

Vừa bước vào cửa, cô đã nói ngay "Hiêu đấy à, cô nghe Minh nói hôm nay con đến mà cứ mong mãi, cô mừng lắm!". Cô Bình Định trông vẫn đẹp, vẫn tươi như xưa, nét mặt, điệu cười, giọng nói vẫn như xưa, duy có đẫy đà hơn chút và mái tóc trắng màu thời gian.

Thật sung sướng, mà hơn thế nữa, cảm giác lâng lâng khó tả khi được cô nhận ra mình ngay, với tình cảm ấm áp như thế! Những tưởng giờ tóc minh đã sương muối, mặt mũi nhăn nheo, thế mà vẫn được cô, người mẹ của trại trẻ hơn 40 năm trước, đọc đúng tên hiệu cúng cơm là "Hiêu".

Như biết bao cuộc gặp, tràn ngập tình cảm và kỷ niệm, cô - cháu cứ chuyện cũ, chuyện mới mãi như không dứt được. Ngày xưa mình ngủ cùng giường với anh Trần Dũng, cô coi mình như anh Dũng, mà cũng như thế với bao nhiêu đứa khác trong trại, chẳng thấy bị cô mắng bao giờ, mặc dù nghịch ngợm làm phiền lòng các cô rất nhiều.

Cô bảo "Hiêu còn nhớ Dũng bị rắn cắn mà còn giấu mãi không?". Mình nhớ chứ, làm sao quên được vụ mấy anh em Dũng, Phương, Dân, Chính, Nhi lỉnh ra đồng chơi, anh Dũng bị rắn đớp một nhát kêu toáng lên "Ôi, tao bị rắn cắn rồi!". Con rắn trườn mất hút. Cả bọn hoảng quá, sợ nhất là phải rắn độc thì toi, vội vàng cởi khăn quàng đỏ, quấn ga-rô trên bắp chân, thay nhau cõng anh Dũng về làng. Anh Phương có vẻ bình tĩnh nhất, còn nhắc anh em chuyện lâu lâu phải ga-rô dịch lên phía trên cho chân khỏi "chết". May sao được mấy người làng chỉ cho đường vào nhà chị y tá dân quân. Anh Dũng được chị ta rửa, rồi cạo vết răng rắn cắn, nặn máu, nhỏ nhựa đu đủ vào vết rắn cắn rồi bảo "Không sao đâu, cho về được rồi!". Mấy anh em đứng lô nhô xung quanh thấy Dũng không chết mừng quá.

Mình hỏi "Thế cô có biết lần Dũng trèo cành xoan bị gãy, ôm cả cành xoan gãy trên cao 3 - 4 thước cùng rơi xuống nằm lịm một lúc mới tỉnh dậy được không?", "Cô không biết, thế chắc là giấu cô vì sợ rồi!". Anh Dũng có lẽ là nghịch thứ nhất trại!

Lại có Minh ngồi cạnh nữa, chuyện trò miên man. "Cô ơi, cô có được Minh cho xem blog của chúng cháu không? Bọn cháu có nhiều bài và ảnh rất hay!", "Thế à, cô thích xem lắm!". Trần Minh đáp ứng ngay, mang laptop ra, mở hai trang blog của Trại trẻ. Cô Bình Định vừa xem vừa trầm trồ mãi vì thích. Mấy bức ảnh quý do anh Hiệp gửi lên blog được cô đọc thêm ra rất nhiều tên người nữa so với ghi chú của anh Hiệp.

Rồi cũng đến lúc chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm và chia xa. Thật là tiếc, vì mình chỉ tranh thủ được ít thời gian, không đến thăm được nhiều thêm các cô, chú đáng kính ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà nay đều đã ngoài tám mươi.

Bốn mươi ba năm*, mười ba năm... thời gian như chớp mắt!
---------------------------------------------
Ảnh đông người: Trần Minh, Mỹ Linh và mẹ Mỹ Hà (con gái lớn và vợ anh Minh), cô Bình Định (năm nay đã 83), Hiếu Dân

* Bốn mươi ba năm: từ 1965 (Hiếu Dân nhập Trại trẻ khi trại mới chuyển về Tuy Lai) đến nay, 2008

8/6/08

Tin buồn

Cụ bà Nguyễn Thị Dự, sinh năm 1918, mẹ chồng chị Trương Hải Đường, đã tạ thế ngày 4 tháng sáu năm 2008.
Lễ an táng sẽ được tổ chức vào hồi 12:30 đến 14:00 ngày 9 tháng sáu năm 2008 tại nhà tang lễ số 5 Lê Thánh Tông, Hà Nội.

Chúng tôi xin chân thành gửi tới chị Hải Đường và gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất!

Thay mặt Trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân