Các anh chị và các bạn ơi,
Nhân dịp đầu năm mới, Ninh Hà xin gửi lời kính chúc các vị tiền bối trưởng lão, thân chúc tất cả anh chị em bạn bè cùng gia đình một năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc và tình yêu cuộc đời.
Thời gian qua, vì bận nên Ninh Hà chưa đóng góp được gì nhiều cho ttstbnd cả.
Nay nhân ngày Tết, "tâm hồn ăn uống" dào dạt lắm, Ninh Hà xin gửi góp vui tới các bạn một bài viết cho báo Tết. Chúc các bạn ngon miệng nhé!
13/02/2013 10:35 SA
Ninh-Hà
______
Đấu giá nước mắm – tại sao không?
Nhớ những ngày vừa đặt chân lên đất Pháp hai ba chục năm về trước. Hồi đó, dù nước này có mối liên hệ “dây mơ rễ má” khá lâu đời với Việt Nam và các nước Đông Nam Á nói chung, thì cũng không dễ tìm được một chai nước mắm ngay tại thủ đô Paris hoa lệ. Người Việt nhớ món quê thường phải tới Quận 13 - “China Town” của Kinh đô Ánh sáng - mua nước mắm Thái Lan, hương vị dĩ nhiên cũng “Thái nhiều hơn Việt”.
…Bắc nồi thịt kho lên bếp (trong khu ký túc xá trường đại học), tôi lên phòng làm nốt vài việc. Lúc trở xuống, hương thịt kho vẫn còn vương vất nhưng nồi thịt đã không cánh mà bay! Đang tìm quanh, bỗng một cậu sinh viên đi vào: “Cái nồi của cậu tớ vứt vào sọt rác rồi!”. “Trời đất!” – tôi chưa kịp nói gì, anh bạn tiếp: “Cậu nấu cái gì hôi quá!”. Tôi chỉ còn có thể thầm tự trách mình sơ ý rồi quay sang “giả lả” với bạn: “Bọn tớ nấu đồ ăn phải có nước mắm, cũng như các cậu nấu bò, nấu thỏ phải có rượu vang vậy!”.
Làm nước mắm từ cá cơm có lẽ là ngon nhất |
Người thì bảo, có nước mắm nhĩ người ta cũng để cho nhà ăn, ai bán mà đòi mua. Người lại phân bua: Nếu đúng là nước mắm nguyên chất thì mặn lắm, khách hàng không thích, bây giờ người ta thích pha ra cho đỡ mặn, và phải ngọt đạm. Có người chịu bán cho loại nước mắm “nhà ăn” (“nhà tui cũng chỉ ăn thứ này thôi!”), còn dẫn ra sau vườn cho tận mắt nhìn thấy hàng thùng ủ, nhưng khi thuận mua thì nước mắm mỗi chai một màu! Vào siêu thị thì… hoa cả mắt vì không biết đâu là nước mắm “công nghiệp”, đâu là nước mắm thủ công truyền thống, bởi bản chất của hai thứ nước chấm cùng được gọi tên là “nước mắm” này khác nhau nhiều lắm. Ngược lại, nếu may mắn mua được chai nước mắm ngon thì không biết chính xác ai làm, bằng cá gì, ở đâu, niên vụ nào…, có khác gì người chơi tranh mà không cần biết ai là họa sĩ! Liệu sẽ tới một ngày người Việt mua nước mắm chỉ bằng cách nhìn chai và giá tiền, mà quên đi cả câu chuyện huyền thoại chứa trong từng giọt hổ phách “quốc hồn quốc túy”? Bởi không đâu trên thế giới có cách làm nước mắm như cách làm của người Việt ta, không đâu có nước mắm ngon hơn thứ nước mắm do người Việt ta truyền đời làm ra.
Người Pháp có truyền thống đầu tư vào rượu vang, đặc sản tinh hoa của đất nước họ. Rượu càng có tuổi càng ngon. Rượu ngon để càng lâu càng có giá. Rượu càng hiếm giá càng cao, càng được nhiều người tìm kiếm, càng quý. Rượu vang là thứ sản phẩm của đất trời. Giống nho ấy, thổ nhưỡng ấy, nắng gió ấy… sẽ cho ra thứ rượu ấy. Vì thế mới có các loại vang gắn liền với tên tuổi của “domaine” (vùng trang trại) này, của “château” (“lâu đài”, cũng tức là trang trại) nọ. Giống như whisky của Scotland vậy, loại mạch ấy, trồng trên cánh đồng ấy, dùng nước suối ấy, với loại men và cách ủ ấy… sẽ cho ra thứ single đặc trưng của lò rượu ấy. Hơn thế nữa, cùng một loại vang nhưng mùa trước mùa sau không hoàn toàn giống nhau. Những năm gió bão, mưa nhiều, ít nắng, nho kém ngọt, rượu cũng kém ngon. Đầu tư vào rượu vang, với người ít kinh nghiệm, giống như bỏ tiền vào mê hồn trận vậy. Để giúp người yêu rượu có cơ sở lựa chọn,ở Pháp người ta xuất bản những cuốn sách miêu tả tỷ mỷ từng loại rượu, kèm theo “lý lịch chi tiết” của chúng và ý kiến đánh giá của chuyên gia. Những chai quý hiếm thường được mang ra bán đấu giá, vì người muốn mua thì nhiều mà lượng vang thì có hạn…
Một tòa lâu đài với ruộng nho ở vùng Bordeaux, Pháp |
Thế rồi vẩn vơ ao ước rằng nước mắm Việt Nam cũng sẽ có một “catalogue” riêng. Bởi vì cho tới bây giờ, kiến thức về nước mắm của tôi vẫn mù mờ lắm. Tôi chỉ “cảm giác” rằng vị nước mắm Nha Trang, Phan Thiết hay nước mắm Phú Quốc không hoàn toàn giống nhau, hiển nhiên rồi. Nước mắm miền Trung có lẽ vì mang trong mình hạt muối mặn, giọt nắng trong của vùng đất này nên sắc hơn một chút. Nước mắm của miền cực nam Tổ quốc, nơi khí hậu ôn hòa, vị dịu đằm hơn một chút… Nếu khách ẩm thực biết được hành trình của chú cá cơm nhỏ từ khi lọt lưới ngư phủ đến lúc được bỏ vào thùng ủ chung với muối, để từ từ theo ngày tháng thoát xác thành thứ chất lỏng tinh túy tan nơi đầu lưỡi thì thú vị lắm.
Để mình có thể vừa ăn hạt cơm trắng vừa “nhâm nhi” câu chuyện về giọt nước chấm kết tinh cả biển trời xứ Việt. Còn những mẻ nước mắm tuyệt hảo sẽ được mang ra bán đấu giá, như một báu vật quốc gia vậy…
Ninh Hà NGUYỄN QUỐC (Canada)
(Nguồn ảnh: sưu tầm trên net)
Chào các thành viên TTSTBND
Trả lờiXóaĐầu Xuân Quý Tỵ 2013...mình chúc tất cả các bạn thành viên cùng gia đình TTSTBND vạn sự như ý, may mắn và thịnh vượng !..
Cám ơn bạn Ninh Hà đã viết một bài về nươc mắm Phú Quốc làm mình nhơ đến chuyến đi Phú Quốc năm 2004 với ba mẹ mình...cũng thăm một cơ sở chế biến nuoc mắm (Khải Hoàn)...
Mình gửi link để các bạn xem..
http://youtu.be/L_mFggnje8s
Lê Thanh Bình
(con chú Lê Bình)
Ngoài cảm xúc và ý tứ của người viết, mình luôn cảm nhận được sự trau chuốt, gọt giũa cẩn thận cho từng chữ, từng câu khi đọc bài của Ninh Hà - Nên chắc là ttst bnd năm nay cũng gặp "hên" đây.
Trả lờiXóaCám ơn Ninh Hà đã khai bút Xuân trên blog ttst bnd!
Thân mến,
Hiếu Dân
Em là Thu Hà con ba Lê Bình. Chị Ninh Hà chắc không nhớ em vì em chỉ đi sơ tán ở Trại trẻ BND 1-2 tuần khi Ních xơn ném bom B52 Hà Nội, còn thời Giôn xơn thì em đi sơ tán theo Trại trẻ của Nhà in BND; Em học cùng với Nhung con cô Nhị- Chú Vị. Em đã nghe nhiều về chị Hà học giỏi - học sinh A1, một đôi lần gặp chị tại Tòa soạn BND khi có liên hoan cho con em Báo hoặc cơ quan tổ chức chiếu phim. Em vẫn nhớ ba chị -chú Tuất Việt vì thỉnh thoảng chú có đến gặp ba em ở nhà .
Trả lờiXóaNhân đọc bài về nước mắm của chị, em muốn chia sẻ một số thông tin về nước mắm Phú Quốc với các anh chị và các bạn TTSTBND.
Nước mắm Phú Quốc - Sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tên gọi xuất xứ tại Liên minh Châu Âu
Từ năm 2008, Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại đa biên (MUTRAP II) đã đưa chuyên gia EU vào làm việc với Hội sản xuất Nước mắm Phú Quốc, để hỗ trợ Hội và UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ Tên gọi xuất xứ cho Nước mắm Phú Quốc tại Liên minh châu Âu.
Kể từ ngày 30 tháng 10 năm 2012, tên “Phú Quốc” đã chính thức được đăng bạ là “Xuất xứ được bảo hộ” (PDO, Protected Designation of Origin) cho sản phẩm nước mắm chiết xuất từ cá của Việt Nam trên toàn bộ lãnh thổ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và là sản phẩm thứ 11 bên ngoài EU (sau cà phê Columbia, Chè Darjeeling Ấn độ và 8 sản phẩm của Trung Quốc) được nhận quy chế bảo hộ tên gọi xuất xứ (Protected Designation of Origin) tại EU.
Hiện nay mới chỉ có 3 doanh nghiệp là Thanh Hà, Hưng Thành và Hưng Thịnh xuất khẩu nước mắm Phú Quốc vào Liên minh châu Âu, mỗi năm khoảng 150.000 lít (số liệu 2010 của Hội SXNMPQ). Các nước nhập khẩu là Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Cộng Hòa Séc, Thụy Điển.
Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội SXNM PQ, việc đăng bạ thành công Tên gọi xuất xứ cho Nước mắm Phú Quốc sẽ mang lại lợi ích chính đáng cho các nhà sản xuất nước mắm Phú Quốc vì sẽ kiểm soát được hàng nhái, hàng giả Nước mắm Phú Quốc khi nhập khẩu vào Liên minh châu Âu. Vấn đề cần làm là bảo vệ và duy trì danh tiếng, uy tín của Nước mắm Phú Quốc, khai thác tốt hơn thị trường này.
Lê Thu Hà
P.S @ chị Ninh Hà - Nếu chị hoặc các bạn muốn tìm hiểu thêm về đặc tính sản phẩm Nước mắm Phú Quốc, qui trình đánh bắt cá và chế biến nước mắm... em có thể cung cấp tài liệu :)
Thương hiệu 'Nước mắm Phú Quốc" từng có nguy cơ bị chiếm đoạt:
XóaTheo thông tin trên mạng, có loại nước mắm Phú Quốc Made in Thailand nhưng họ không đăng ký nhãn hiệu ở nước nào cả. Chỉ có Công ty Việt Hương, có trụ sở tại Mỹ đã đăng ký bản quyền nhản hiệu “Nước mắm Phú Quốc” ở Mỹ, Âu Châu và Úc, với hình bản đồ VN và đảo Phú Quốc trên nhãn hàng. Năm 2011 Cty Việt Hương (Hồng Kông) đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu độc quyền nước mắm Phú Quốc tại Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.
Sau khi Nước mắm Phú Quốc được bảo hộ Tên gọi xuất xứ tại Liên minh châu Âu thì VN sẽ có căn cứ để yêu cầu hủy bỏ đăng ký nhãn hiệu của Cty Việt Hương tại châu Âu. Còn tại Trung Quốc em chưa rõ kết quả thụ lý đơn của Cty Việt Hương HK thế nào, nhưng nếu Việt Nam (Hội SX Nước mắm PQ) không có những hành động pháp lý phản đối đơn của Cty VH thì rất có thể nhãn hiệu Nước mắm Phú Quốc sẽ được cấp cho Cty Việt Hương Hồng Kông.
_____
http://sgtt.vn/Thoi-su/153170/Ai-se-kien-vu-nuoc-mam-Phu-Quoc-bi-dang-ky-o-Hong-Kong.html
http://www.thanhniennews.com/2010/pages/20111021-vietnam-at-risk-of-losing-fish-sauce-trademark-in-china.aspx
Những tài liệu nói về đặc điểm chất lượng và cách làm nước mắm Phú Quốc truyền thống mà Thu Hà giới thiệu làm cho mình thêm hiểu biết và rất thú vị. Có xem mới hiểu vì sao nước mắm Phú Quốc lại có mùi thơm và vị đặc trưng rất ngon, khác nhiều với các sản phẩm cùng loại ở nơi khác.
XóaCám ơn Thu Hà nhiều.
Cám ơn Thu Hà, anh Lê Bình, anh Hiếu Dân đã chia sẻ những suy nghĩ của Ninh Hà.
Trả lờiXóaThật là một tin tốt đẹp khi được biết rằng nước mắm Việt Nam nay có thể "sánh vai" với cà phê Colombie, trà Darjeeling... trên trường quốc tế.
Ninh Hà rất muốn biết nước mắm Phú Quốc (và nước mắm nói chung - ngày xửa ngày xưa nước mắm Tonkin Bắc Bộ đã nổi tiếng là nước mắm ngon rồi) được làm như thế nào? thế nào là nước mắm ngon, dựa trên tiêu chuẩn gì? phân biệt nước mắm "công nghiệp" và nước mắm truyền thống ra sao?... Thu Hà giúp nhé.
Cám ơn Thu Hà rất nhiều.