Các anh chị và các bạn ơi,
Nhân dịp đầu năm mới, Ninh Hà xin gửi lời kính chúc các vị tiền bối trưởng lão, thân chúc tất cả anh chị em bạn bè cùng gia đình một năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc và tình yêu cuộc đời.
Thời gian qua, vì bận nên Ninh Hà chưa đóng góp được gì nhiều cho
ttstbnd cả.
Nay nhân ngày Tết, "tâm hồn ăn uống" dào dạt lắm, Ninh Hà xin gửi góp vui tới các bạn một bài viết cho báo Tết. Chúc các bạn ngon miệng nhé!
13/02/2013 10:35 SA
Ninh-Hà
______
Đấu giá nước mắm – tại sao không?
Nhớ những ngày vừa đặt chân lên đất Pháp hai ba chục năm về trước. Hồi đó, dù nước này có mối liên hệ “dây mơ rễ má” khá lâu đời với Việt Nam và các nước Đông Nam Á nói chung, thì cũng không dễ tìm được một chai nước mắm ngay tại thủ đô Paris hoa lệ. Người Việt nhớ món quê thường phải tới Quận 13 - “China Town” của Kinh đô Ánh sáng - mua nước mắm Thái Lan, hương vị dĩ nhiên cũng “Thái nhiều hơn Việt”.
…Bắc nồi thịt kho lên bếp (trong khu ký túc xá trường đại học), tôi lên phòng làm nốt vài việc. Lúc trở xuống, hương thịt kho vẫn còn vương vất nhưng nồi thịt đã không cánh mà bay! Đang tìm quanh, bỗng một cậu sinh viên đi vào: “Cái nồi của cậu tớ vứt vào sọt rác rồi!”. “Trời đất!” – tôi chưa kịp nói gì, anh bạn tiếp: “Cậu nấu cái gì hôi quá!”. Tôi chỉ còn có thể thầm tự trách mình sơ ý rồi quay sang “giả lả” với bạn: “Bọn tớ nấu đồ ăn phải có nước mắm, cũng như các cậu nấu bò, nấu thỏ phải có rượu vang vậy!”.
|
Làm nước mắm từ cá cơm có lẽ là ngon nhất |
Ăn chén cơm gạo thơm với vài giọt nước mắm nhĩ – có lẽ không người Việt xa xứ nào lại chưa từng một lần ước ao điều giản dị ấy. Sau này, mỗi dịp về nước, tôi đều để tâm tìm kiếm một chai “vang Việt” thật ngon. Khi thì được bạn bè tặng cho xị mắm nhĩ rút ra từ thùng cá do chính mẹ bạn ấy làm, khi thì “xông thẳng” vào nhà người làm nước mắm đòi mua thứ mà… nhà họ vẫn ăn, khi thì “nhờ vả mối quen” để mua được nước mắm ngon Phú Quốc, cũng không ngại “sưu tập” nhiều “hiệu” nước mắm khác nhau về để nếm (như nếm rượu)… nhưng cái hương vị mà tôi thầm nhớ bao năm có lẽ chỉ tồn tại trong ký ức riêng mình mà thôi!
Người thì bảo, có nước mắm nhĩ người ta cũng để cho nhà ăn, ai bán mà đòi mua. Người lại phân bua: Nếu đúng là nước mắm nguyên chất thì mặn lắm, khách hàng không thích, bây giờ người ta thích pha ra cho đỡ mặn, và phải ngọt đạm. Có người chịu bán cho loại nước mắm “nhà ăn” (“nhà tui cũng chỉ ăn thứ này thôi!”), còn dẫn ra sau vườn cho tận mắt nhìn thấy hàng thùng ủ, nhưng khi thuận mua thì nước mắm mỗi chai một màu! Vào siêu thị thì… hoa cả mắt vì không biết đâu là nước mắm “công nghiệp”, đâu là nước mắm thủ công truyền thống, bởi bản chất của hai thứ nước chấm cùng được gọi tên là “nước mắm” này khác nhau nhiều lắm. Ngược lại, nếu may mắn mua được chai nước mắm ngon thì không biết chính xác ai làm, bằng cá gì, ở đâu, niên vụ nào…, có khác gì người chơi tranh mà không cần biết ai là họa sĩ! Liệu sẽ tới một ngày người Việt mua nước mắm chỉ bằng cách nhìn chai và giá tiền, mà quên đi cả câu chuyện huyền thoại chứa trong từng giọt hổ phách “quốc hồn quốc túy”? Bởi không đâu trên thế giới có cách làm nước mắm như cách làm của người Việt ta, không đâu có nước mắm ngon hơn thứ nước mắm do người Việt ta truyền đời làm ra.
Người Pháp có truyền thống đầu tư vào rượu vang, đặc sản tinh hoa của đất nước họ. Rượu càng có tuổi càng ngon. Rượu ngon để càng lâu càng có giá. Rượu càng hiếm giá càng cao, càng được nhiều người tìm kiếm, càng quý. Rượu vang là thứ sản phẩm của đất trời. Giống nho ấy, thổ nhưỡng ấy, nắng gió ấy… sẽ cho ra thứ rượu ấy. Vì thế mới có các loại vang gắn liền với tên tuổi của “domaine” (vùng trang trại) này, của “château” (“lâu đài”, cũng tức là trang trại) nọ. Giống như whisky của Scotland vậy, loại mạch ấy, trồng trên cánh đồng ấy, dùng nước suối ấy, với loại men và cách ủ ấy… sẽ cho ra thứ single đặc trưng của lò rượu ấy. Hơn thế nữa, cùng một loại vang nhưng mùa trước mùa sau không hoàn toàn giống nhau. Những năm gió bão, mưa nhiều, ít nắng, nho kém ngọt, rượu cũng kém ngon. Đầu tư vào rượu vang, với người ít kinh nghiệm, giống như bỏ tiền vào mê hồn trận vậy. Để giúp người yêu rượu có cơ sở lựa chọn,ở Pháp người ta xuất bản những cuốn sách miêu tả tỷ mỷ từng loại rượu, kèm theo “lý lịch chi tiết” của chúng và ý kiến đánh giá của chuyên gia. Những chai quý hiếm thường được mang ra bán đấu giá, vì người muốn mua thì nhiều mà lượng vang thì có hạn…
|
Một tòa lâu đài với ruộng nho ở vùng Bordeaux, Pháp |
Thế rồi vẩn vơ ao ước rằng nước mắm Việt Nam cũng sẽ có một “catalogue” riêng. Bởi vì cho tới bây giờ, kiến thức về nước mắm của tôi vẫn mù mờ lắm. Tôi chỉ “cảm giác” rằng vị nước mắm Nha Trang, Phan Thiết hay nước mắm Phú Quốc không hoàn toàn giống nhau, hiển nhiên rồi. Nước mắm miền Trung có lẽ vì mang trong mình hạt muối mặn, giọt nắng trong của vùng đất này nên sắc hơn một chút. Nước mắm của miền cực nam Tổ quốc, nơi khí hậu ôn hòa, vị dịu đằm hơn một chút… Nếu khách ẩm thực biết được hành trình của chú cá cơm nhỏ từ khi lọt lưới ngư phủ đến lúc được bỏ vào thùng ủ chung với muối, để từ từ theo ngày tháng thoát xác thành thứ chất lỏng tinh túy tan nơi đầu lưỡi thì thú vị lắm.
Để mình có thể vừa ăn hạt cơm trắng vừa “nhâm nhi” câu chuyện về giọt nước chấm kết tinh cả biển trời xứ Việt. Còn những mẻ nước mắm tuyệt hảo sẽ được mang ra bán đấu giá, như một báu vật quốc gia vậy…
Ninh Hà NGUYỄN QUỐC (Canada)
(Nguồn ảnh: sưu tầm trên net)