26/12/12

Tham dự Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu



Vũ Quốc Hùng

Theo lời mời của các anh Khánh Hoài, Khánh Châu, chiều 8/12 chúng tôi gồm 3 người Khánh, Đặng Nam, Quốc Hùng đã đến dự Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu, tổ chức tại nhà Nhà lưu niệm Tố Hữu, Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Ngay ngoài cổng đã thấy anh Khánh Hoài, Khánh Châu com lê cà vạt trang trọng, luôn tay bắt tay, tươi cười chào đón khách đến. Chọn chỗ ngồi và chúng tôi thấy Khánh Như ngồi ghế đằng trước. Sân khấu được bài trí với nền là bài thơ "Tạm biệt" nổi tiếng, bằng chính nét bút của tác giả:

Tạm biệt đời ta yêu quý nhất,
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất,
Sống là cho, Chết cũng là cho.

Bài thơ "Tạm biệt" làm nền cho sân khấu

Trong số đại biểu tới dự chúng tôi nhìn thấy có chú Hà Đăng (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân), chú Đặng Phương Nam.

Sau khi buổi lễ bắt đầu, xen kẽ giữa những bài phát biểu của Giáo sư Hà Minh Đức, của nhà thơ Trần Đăng Khoa, của con gái nhà thơ – chị Thanh Hoa (vợ Khánh Châu) là phần trình diễn những bài thơ để đời của nhà thơ Tố Hữu như: Khi con tu hú, Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du. Người đọc thơ đọc thật hay, tôi nói: Chuẩn như trên đài ý nhỉ. Khánh bẹt trả lời: Ối giời ơi NSƯT Trọng Thủy đấy. Mình nghe thơ trên đài là giọng của tay này đấy. Trên sân khấu còn nhiều bài hát phổ thơ của Tố Hữu như "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, “Mưa rơi”... được các nghệ sỹ nổi tiếng trình bày đầy cảm xúc.

Trần Đăng Khoa, áo sáng màu, bước phía trước chú Hà Đăng

Là người rất gần gũi với nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Trần Đăng Khoa (TĐK) đã kể lại nhiều đối thoại giữa hai người, những lời bình thơ Tố Hữu của TĐK được hoan nghênh nhiệt liệt. Có chị ngồi trước chúng tôi, khi TĐK trích dẫn “Bến phà dào dạt bến nước Bình Tha” đã nói ngay: Sai rồi, “Bình Ca” chứ. Nhưng thế cũng đúng như TĐK nói “Tố Hữu là nhà thơ có nhiều tác phẩm còn sống tới ngày nay và được rộng rãi công chúng thuộc nhất”.

Tôi xin gửi kèm theo bản “tốc ký” bài nói của nhà thơ TĐK tại buổi lễ, mời các bạn chia sẻ.

VQH
_____

Bài nói chuyện của nhà thơ Trần Đăng Khoa
tại Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu

… Tôi đi đâu cũng đọc thơ Tố Hữu (TH) nhất là ở các vùng phía Bắc, ở đâu cũng thấy thơ TH hiện hình, về Thái Nguyên:

Suối ngàn xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn.

Về Việt Bắc, thấy một ánh trăng nhô lên đồi thôi:

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương.

Rồi qua một bến phà:

Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát
Bến phà dào dạt bến nước Bình Ca.

Tôi đã đến Bình Ca đó rồi, nó bé lắm, nhưng đúng là nước nó dào dạt, nó mát mát. Có thể nói ở đâu trên các tuyến phía Bắc về qua những con đèo lại thấy:

Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng Đèo Khế gió sang...

TH là người có biệt tài, có thể nói là vô địch, đưa các địa danh vào thơ. Tôi rất tâm đắc khi có người nói TH là nhà sử học ghi chép lịch sử bằng thơ, cứ mở thơ ông ra là thấy, ta thấy những bước thăng trầm lịch sử nước nhà. Chiến dịch Điện Biên bao nhiêu ngày? Xin thưa:

Năm mươi sáu ngày đêm
Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt.

Chiến dịch mở vào ngày nào? Xin thưa là bắt đầu vào mùa mưa:

Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!

Hoặc nhân dân tiếp vận bằng gì? – Đấy là thồ, gánh:

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát.

Hay là về người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (NVT) chẳng hạn. Gần đây tôi có đến xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam quê hương NVT, tôi hỏi mà nhiều người không biết NVT, thấy buồn vô cùng. TH đã ghi lại toàn bộ 9 phút lịch sử NVT ra pháp trường như thế nào, ông có tài đưa cả khẩu hiệu vào thơ, ví dụ:

Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!

Đó là 3 câu khẩu hiệu người anh hùng NVT đã hô trên pháp trường, nhưng ngay sau 3 câu khẩu hiệu đó TH đã hạ bút 1 câu thơ tài tình vô cùng:

Phút giây thiêng Anh gọi Bác 3 lần!

Chỉ một chữ “gọi” thôi mấy câu khẩu hiệu kia không còn là khẩu hiệu nữa, mà ta ứa nước mắt về giây phút cuối của NVT.

TH là nhà thơ rất bản sắc. Nói khen ông thì thấy buồn cười, thừa thãi, nhưng cứ đi vào các đề tài cụ thể ta thấy ngay. Ví dụ viết về Huế, đúng Huế luôn. Mặc dù có những nhà thơ, có cả những tập thơ về Huế: “Huế đẹp và thơ”, nhưng xin hỏi thơ nào đặc trưng Huế nhất? Xin thưa với các bác không ai hơn TH:

Mây núi hiu hiu chiều lẳng lặng
Mưa nguồn gió biển nắng xa khơi.

Huế vô cùng!

Anh Nguyễn Trọng Tạo có 2 câu thơ rất hay:

Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say.

Rất hay, nhưng thưa với các bác đấy là câu thơ hay viết về rượu chứ không phải viết về Huế. TH còn có 2 câu hay nữa:

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.

Hay vô cùng, tài vô cùng, nhuần nhuyễn vô cùng. Mà mưa là m m, xối xả là x x, trắng trời là tr tr, Thừa Thiên là th th.

Ngay sau khi ông mô tả về trận Điện Biên Phủ, ông kết bằng 2 câu thơ:

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.

Các bác có thấy không, hoàn toàn là mầu sắc: hồng, lam, trắng, cam, vàng, như là một vòng hoa nhiều màu, mà đây là các địa danh đấy chứ.

Hay là đơn cử về tù thôi, chúng ta có rất nhiều nhà thơ viết về tù. Bác Hồ có mảng thơ đặc sắc viết về tù là Nhật ký trong tù, TH cũng có cả mảng thơ về tù gọi là Xiềng xích. Ông bảo tôi sau này có chọn thì chọn Con cá chột nưa. Nhưng không phải, theo tôi có 3 bài đặc sắc nhất, cao thủ nhất, không phải “Con cá chột nưa” đâu, là bài Nhớ đồng, Tiếng hát đi đầy và Khi con tu hú. Bài Khi con tu hú viết về tù mà lại chả có một chữ tù nào.

Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...

Đó là những khoảnh khắc hiện lên trong tâm trí người tù, hiện lên bắt đầu từ tiếng kêu của con tu hú. Người tù trong tù không nhìn thấy, chỉ nghe thôi:

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...

Âm thanh diều sáo lọt vào trong tù, đánh thức người tù dậy:

Ta nghe hè dậy trong lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi.

Ta thấy sự sôi sục của người tù, báo hiệu cho những chuyển mình mạnh mẽ.
Trong một bài thơ rất hay là bài Tiếng hát đi đầy có câu: “quấn áo chen chân” nhưng ta ghi nhầm là “quần áo chen chân”. Bác Xuân Diệu cũng nhiều lần bình về bài thơ này nhưng ông cứ băn khoăn tại sao lại “quần áo chen chân”. Gần đây khi chúng ta kỷ niệm nhà thơ TH do Ban Tuyên giáo TW, Ban Tổ chức TW tổ chức, anh Vũ Quần Phương cũng có nói, quần áo có chân đâu mà chen cái chân. Tôi xin thưa đấy là “quấn áo chen chân”. Bác Xuân Diệu đã phát hiện đấy là cái áo, đúng ra là cái áo của người tù, áo người tù không mặc được. Theo lời kể của Tổng Bí thư Lê Duẩn, các đồng chí lên pháp trường có manh áo là để lại cho bạn tù, thậm chí miếng cơm cuối cùng của đời mình trước khi lên máy chém cũng để lại cho người sau ăn để có sức chiến đấu, mình ra pháp trường với tấm thân không:

Chết còn trút áo cho nhau
Miếng cơm dành để người sau ấm lòng.

Tấm áo ấy không mặc được mà phải quấn vào người, quấn áo chen chân là như vậy.
Có thể nói TH là nhà lịch sử bằng tranh, chép sử bằng thơ. Ông có nói với tôi như thế này: Bác Hồ mất vào ngày 2/9, nhưng ta không thể công bố lúc bấy giờ do hoàn cảnh. Nhưng mình là nhà thơ phải cho mọi người dân được biết sự thật, nhưng mình nói như thế nào? Sau khi Bác mất TH hạ một câu:

Trời thu xanh ngát sáng Tuyên ngôn.

Thế là biết Bác mất 2/9 rồi!

Xin thưa với các bác là TH còn là nhà thơ đi trước thời đại, đặt tên TP HCM ai là người đầu tiên? Đó là TH, bởi vì ngay từ 1954 ông đã gọi Sài Gòn là TP HCM rồi:

Ai vô thành phố
Hồ Chí Minh
Rực rỡ tên vàng.

Và 18 năm sau, mùa hè 1972 Chế Lan Viên nhắc lại ý này:

Một Thế hệ Hồ Chí Minh, ấy là lực lượng
Một Tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là phương hướng
Một Thành phố Hồ Chí Minh, là đích phía chân trời…

Ba câu thơ Chế Lan Viên có thể xem như kim chỉ nam cho Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Rồi mãi đến năm 1976 chúng ta mới đặt tên TP HCM.

Hay là TH cũng là người hy sinh rất nhiều. Ví dụ bài Ta đi tới có 2 câu:

Sông Thao sóng đỏ bồi hồi
Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền.

Nguyên bản ông viết như thế, nhưng hồi đó Bác Hồ có nói: Này chú ơi, sao ngày giải phóng lại buồn thế, sao lại “bồi hồi”? TH nói: thôi mình cũng làm để Cụ vui:

Sông Thao nao nức sóng dồi
Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền.

TH đã tâm sự với tôi về điều đó, và có nói: sau này có khi chú cứ khôi phục lại rồi thêm một đoạn ghi chú là ý Bác Hồ như thế nào để cho thế hệ sau này biết là Bác cũng đúng mà TH cũng đúng. Vì sau chiến chiến thắng có nhiều điều ngùi ngẫm lắm, bao đồng đội nằm lại trên đường, bao nhiêu nhân dân đã hy sinh dọc đường nên “bồi hồi” là đúng.

TH như là nhà sử học, nhà chép sử bằng thơ, người thư ký của thời đại. Có thể sau này cũng như các nhà thơ khác, nhiều bài thơ sẽ bị thời gian quên lãng, nhưng những gì còn lại của ông – một trong những nhà thơ còn lại thơ nhiều nhất, những vần thơ của ông vẫn còn đồng hành cùng dân tộc.

Ngày 8/12/2012
Tại Làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét