31/12/12

Ác mộng giữa Paris


Thân gửi BBT blog ttst bnd,

Trước tiên, xin phép được gửi tới các anh cùng tất cả các thành viên của Trại trẻ một năm mới vui vẻ, ấm cúng và nhiều thành công trong công việc cũng như cuộc sống riêng tư.

Đối với những người phải sống xa nhà thì Tết là dịp để người ta nghĩ nhiều hơn về quê hương với bao tình cảm vui buồn lẫn lộn.

Thay cho một thiếp chúc Tết, Vũ gửi tới các anh và các bạn một truyện ngắn mới đăng trên Văn Nghệ số 44 cách đây không lâu.

Thân ái
Vũ Tuấn Hoàng


Ác mộng giữa Paris


Truyện ngắn


Nữ thi sĩ già Marielle run run đặt bàn tay gầy gò, lốm đốm đồi mồi lên lan can chiếc cầu bắc qua sông Seine. Đôi mắt đầy xúc động rơm rớm lệ hướng về phía hoàng hôn đang xuống dần trên nóc các tháp chuông và cung điện tráng lệ, niềm tự hào của nước Pháp. Bà cứ đứng lặng đi một lúc lâu, mái đầu bạc trắng như tuyết, trông chẳng khác gì một di tích có niên đại hòa quyện vào trong tổng thể kiến trúc xung quanh. Đạo diễn Lâm Quang lo lắng hỏi:

- Bà có mệt không? Hay chúng ta quay trở về khách sạn nghỉ?

Nữ thi sĩ Pháp khoát tay một cái như gạt đi nỗi lo âu của hai vị khách phương xa, và bằng một giọng vẫn còn khỏe và vang so với cái tuổi thất thập của mình, nói:

- Cuốn phim tuyệt vời của ông trong Festival hôm qua khiến tôi mất ngủ vì nhớ lại một kỷ niệm khó quên trong đời, lúc mới mười tám tuổi. Không phải vô lý mà tôi đưa hai bạn ra đây, đúng vào giờ này, ngay tại vị trí tôi đang đứng đây... Năm giờ chiều – Bà gõ gõ ngón tay tô móng đỏ chót lên mặt kính chiếc đồng hồ đeo tay - Tôi muốn các bạn thử suy nghĩ xem, có thể làm được một bộ phim từ chất liệu tôi sắp kể ra đây, hay không? Tôi đã… giết người. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời. Tôi giết người và trở thành nổi tiếng, thậm chí trở thành thần tượng. Thơ của tôi có mùi máu. Tất nhiên, chỉ mình tôi cảm nhận được thôi. Các nhà phê bình đặt cho nó đủ các thứ danh hiệu mỹ miều, trường phái này nọ, nhưng đều không đúng. Thơ của tôi được tưới bằng máu và nỗi đau khổ của con người.

Nghe đến đây, không hiểu sao khuôn mặt béo tốt hồng hào của ông đạo diễn trạc ngoài sáu mươi hơi thất sắc. Ông luống cuống nhìn sang bà vợ - nữ diễn viên Trúc Quỳnh nổi tiếng, hàng chục năm trên màn bạc chuyên đóng những vai phụ nữ có thân phận éo le, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Mặc dù đã có tuổi, vẻ đẹp của bà trong chiếc áo dài màu tím Huế vẫn còn làm cho các lữ khách đi ngang qua phải ngoái đầu quay lại nhìn. Bà không hiểu tiếng Pháp nên chồng phải dịch ra.

- Những cảnh quay cuối cùng về đôi voi rừng làm tình dưới trời mưa tầm tã, trên nền của ngôi nhà rông sau trận bom, xung quanh còn lăn lóc những mảnh thi thể, những đồ vật dụng hàng ngày vỡ nát, thật đầy chất triết lý. Ông đã chinh phục được ban giám khảo khó tính bởi chính trường đoạn cuối này.

Nữ thi sĩ Pháp vừa nói vừa đưa tay lần rờ những chiếc khóa sắt móc đầy trên thành cầu. Bao nhiêu đôi trai gái từ khắp nước Pháp và cả thế giới đã đến đây để lưu lại dấu vết của hai trái tim đang yêu bằng những chiếc khóa, đủ kiểu về hình dạng cũng như kích thước. Bởi vậy, chiếc cầu này được gọi tên là cầu Tình Yêu.

- Bà hơi quá khen – Lâm Quang thốt ra một câu chỉ để chứng tỏ mình khiêm tốn, nhưng trong bụng niềm kiêu hãnh cứ rộ lên.

- Ôi, những buôn làng Tây Nguyên treo leo trên đỉnh núi Ngok Linh quanh năm trắng mây, những cơn mưa rừng Tây Nguyên mịt mùng dai dẳng.

- Người phương tây chúng tôi làm sao biết được trên thế giới này có một cái góc bị nhân loại lãng quên đó!? Tôi đặt tên cho nó là Thiên Đường, nơi mà mỗi mùa mưa tới lại như một lần khai thiên lập địa, nơi có tháng Ninh Nông với tiếng cồng chiêng vang vọng như tiếng ngân của hồn đất hồn rừng, nơi mà cả làng trút bỏ hết cả quần áo kéo nhau vào rừng thật sâu, để sống lại cuộc sống săn bắn hái lượm hàng ngàn năm trước, tắm mình trong các dòng suối nguồn trong vắt, hú gọi linh hồn tổ tiên trở về …

- Người ta bảo làm thế để gột rửa toàn bộ con người, cả về tâm linh cũng như thể xác – Đạo diễn Lâm Quang giải thích thêm.

- Còn bầu trời bên trên họ là gì? Là những chiếc máy bay ném bom B52, là sắt thép là chất độc da cam, bom napan.. được gọi chung bởi một danh từ mỹ miều – “ thế giới văn minh”. Cái Thiên đường đó cần gì phải biết tới sự tồn tại của thế giới văn minh đâu, mà họ vẫn hạnh phúc! Những gương mặt của người già, thanh niên, phụ nữ, trẻ con mới ngời sáng làm sao! Những bộ vú trần căng mẩy đầy sức sống của các thiếu nữ ! Cảm ơn ông đã cho khán giả phương tây được nhìn thấy tội ác của cái gọi là thế giới văn minh. Những người dân lành trên dãy Trường Sơn đó đã làm nên tội tình gì để phải chịu cái chết thê thảm của bom na-pan ngay trong ngày Hội thiêng liêng của dân tộc mình? Họ đe dọa an ninh nước Mỹ? Hay, họ không đáng được sống chung dưới ánh mặt trời cùng các dân tộc “thượng đẳng” khác, nơi mà ngay một con chó còn được chăm sóc chu đáo và tốn kém hơn. – Nữ thi sĩ im lặng một lát rồi chợt hạ giọng, nói - Hai ông bà có muốn để lại trên thành cầu này một chiếc khóa sắt không? Để kỷ niệm tình yêu lâu bền và hạnh phúc của mình?

- Có lẽ, chúng ta cũng nên theo phong tục ở đây, không phải dễ mà hai vợ chồng mình có dịp cùng tới Paris - Đạo diễn Lâm Quang quay sang nói nhỏ với vợ.

Nữ thi sĩ Pháp ôm lấy bờ vai của Trúc Quỳnh và tiếp lời:

- Tôi sẽ mang tới khách sạn tặng các bạn một chiếc khóa thật lớn.

- Chị chu đáo quá!

- Tôi muốn được bày tỏ lòng mến phục tài năng của ông… Nếu Chúa trời cho tôi sức khỏe, tôi sẽ quay lại Việt Nam một lần nữa và sẽ lên Tây Nguyên, tới những bản làng - Thiên Đường đó, tôi cũng muốn, dù chỉ một lần trong đời, được tham gia lễ hội Ninh Nông. Tôi muốn được gột rửa cái tội lỗi mà mình đã phạm phải khi mới 18 tuổi đời… Nói đến đây, bà chợt ngừng lại, quỳ xuống sàn cầu, xoa xoa tay lên lớp đá lát đã mòn nhẵn vì bước chân của khách thập phương – máu của chàng thanh niên Đức đó đã đổ ra ướt đẫm những viên gạch này. Nữ du kích trẻ là tôi lúc đó, đã bắn lén từ phía sau lưng và anh ta ngã sấp mặt vào chiếc giá vẽ. Bức tranh “Hoàng hôn trên sông Seine” còn dở dang đã vấy đầy máu. Tôi còn chạy tới để xem anh ta đã chết chưa. Kẻ thù của nước Pháp kháng chiến lúc đó có một khuôn mặt quá ngây thơ và non nớt. Đôi mắt xanh màu da trời của anh ta vẫn còn mở to, như vẫn còn ngưng đọng vẻ thán phục đến si mê trước vẻ đẹp của chiều hoàng hôn cuối cùng của đời mình…

Ngừng một lát để lau đi những giọt nước mắt, Nữ thi sĩ nói tiếp, vẫn quỳ trên sàn cầu :

- Chiều hôm đó, khung cảnh thiên nhiên cũng như lúc này đây, vậy mà đã hơn nửa thế kỷ! Tôi cứ cảm tưởng như mới hôm qua vậy! Chính đôi mắt xanh như bầu trời kia cứ đeo đuổi tôi suốt gần cả cuộc đời và biến tôi thành một nhà thơ. Để rồi, những câu thơ, những tập thơ sau đó, không là gì khác ngoài những nỗi niềm ân hận, xót xa cho một hành động thời trẻ, một hành động được ca ngợi là anh hùng. Có thể, viên đạn của tôi đã giết chết một Van Gogh của nước Đức và cũng là của nhân loại…

Gió cuốn những chiếc lá khô lăn tròn trên thảm cỏ xanh mượt. Ba người chậm rãi nắm tay nhau tản bộ dọc kè đá bờ sông Seine. Bóng của họ đổ dài trên con đường đã chứng kiến bao cuộc gặp gỡ và chia ly. Đạo diễn Lâm Quang chợt dừng bước, lấy mũi giày đá mạnh một viên sỏi văng tõm xuống nước. Cả ba cùng đứng lại nhìn những vòng tròn sóng lan rộng trên mặt sông. Không ai nói với ai câu nào. Một chiếc thuyền du lịch màu trắng toát ầm ì rẽ nước chạy tới.

Paris ngập màu hoàng hôn như trong tranh của Claude Mone.

*

Đạo diễn Lâm Quang chợt thức giấc vì hình như nghe thấy tiếng động sột soạt trong phòng vệ sinh, có tiếng nước xối xả. Ông nghĩ là vợ nên lại nhắm mắt ngủ tiếp.

- Mấy giờ rồi? Ông cất tiếng hỏi trong trạng thái mơ màng.

Không có tiếng trả lời. Ông lại cất giọng hỏi một lần nữa, to hơn. Cũng chỉ có tiếng tích tắc của đồng hồ treo tường vọng lại. Ông vội nhỏm người dậy trên giường và nhìn sang chỗ vợ nằm. Bà Trúc Quỳnh vẫn ngủ say mê mệt sau một ngày đi dạo Paris đầy ấn tượng. Có kẻ trộm đột nhập! suy nghĩ đó như một luồng điện mạnh chạy vụt qua người khiến ông tỉnh hẳn. Ông hấp tấp bật chiếc đèn ngủ ở đầu giường. Ánh sáng khiến ông trở nên bình tĩnh hơn. Ông khẽ khàng đi chân đất về phía nhà vệ sinh và mở mạnh cửa. Chẳng có ai trong đó cả. Ông cúi người xuống đưa tay ấn thử nút giật nước và thấy lạnh cả gáy. Nước trong bồn đã cạn. Ông hấp tấp mở các cánh cửa tủ và cả cửa thông ra ban công – không hề có điều gì khác thường. Bên tai ông vẫn như nghe văng vẳng đâu đó tiếng tù và lẫn lộn với tiếng cồng chiêng lúc xa lúc gần, tiếng voi gầm mơ hồ xa xăm...

- Đúng là mình mơ ngủ! Ông thầm nghĩ.

Vừa lúc đó, đèn trong phòng khách chợt vụt sáng khiến ông thót tim.

- Ai ngoài đó đấy? Giọng ông như nghẹn lại vì khiếp sợ, hình dung một bóng người mặc đồ đen bịt mặt, tay cầm súng bước ra.

Không hề có tiếng đáp lại. Ông định lay gọi vợ dậy nhưng lại sợ bà ấy cười cho vì cái tính yếu bóng vía, thần hồn nát thần tính của mình. Ông bước sang phòng khách, đến ngưỡng cửa thì chợt đứng khựng lại như bị sét đánh vì nghe thấy tiếng vợ vừa kêu vừa thổn thức khóc lóc, ú ớ trong mơ: “Anh Nam ơi! Đợi em với, đừng bỏ em!”.

Đến lúc này thì đạo diễn Lâm Quang bủn rủn hết cả chân tay, lưng toát mồ hôi lạnh. Ông phải vịn tay vào bờ tường và ngồi phịch xuống chiếc ghế đi-văng ở gần đó. Tim đập thình thịch trong lồng ngực như trống trận.

- Lẽ nào, lại chính là anh ta hiện về? Ông buột miệng lẩm bẩm và chợt nhớ đến chuyện của nữ thi sĩ Pháp chiều hôm qua trên cầu Tình yêu. Hơn ba chục năm trước, vào mùa mưa ác liệt năm 1968, trong một cánh rừng heo hút trên đỉnh Ngok Linh của dãy Trường sơn, ông cũng phải đối diện với một đôi mắt đang hấp hối không thể nào quên nổi, đôi mắt của Nam, một nhà quay phim trẻ tài năng của Xưởng, người chồng sắp cưới của Trúc Quỳnh.

“Đúng là trong giấc mơ, bà ấy đã gặp lại anh ta. Điều này chứng tỏ mấy chục năm qua, sống với mình, ăn, ngủ, có con chung và làm việc cùng nhau, nhưng tâm tưởng bà ấy vẫn thuộc về anh ta. Thế mà mình vẫn lầm tưởng rằng tiền tài, danh vọng và tình yêu như nô lệ của mình đã chiếm được trái tim của bà ấy. Mình đã lầm” – Vừa nghĩ ông vừa đưa mắt nhìn bao quát toàn bộ căn phòng khách sạn sang trọng. Thành quả của cả cuộc đời theo đuổi điện ảnh đang được bày cả ra trước mắt. Trên chiếc bàn lớn kê giữa phòng khách là bức tượng bằng pha lê trong suốt giành cho bộ phim tư liệu đoạt giải vàng tại liên hoan Phim quốc tế Paris. Những lẵng hoa tươi sặc sỡ ngát hương, những đóa hồng khổng lồ của khán giả hâm mộ và các tổ chức quốc tế chúc mừng. Nhà phê bình điện ảnh Pháp nổi tiếng Marcel Martin đã vỗ vai ông nói rằng: “Giờ thì anh có thể hội nhập với điện ảnh thế giới được rồi”. Một thành quả nữa, có thể nói còn quan trọng và đáng giá hơn phần thưởng kia, là người phụ nữ đang nằm ngủ trên chiếc giường bên tay trái ông đây. Một minh tinh màn bạc, thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên. Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của bà đã khiến ông mù quáng phạm tội ác. Một tội ác mà ông đinh ninh rằng không một ai biết được và nó sẽ theo ông xuống mồ. Tại chính thời điểm huy hoàng nhất của cuộc đời nghệ thuật, thời điểm mà ông đã đổ mồ hôi hàng chục năm lao động để có được, bằng cả tài năng cộng với mưu mô mánh khóe thì một câu nói vô thức từ cửa miệng vợ thốt ra trong giấc mơ đã khiến mọi cái sụp đổ. Phần thưởng mà bao người mong ước đó, giờ đây đối với ông trở nên vô nghĩa. Bởi vì, mục đích chính của đời ông không phải là giải thưởng danh giá. Ông chỉ muốn dùng nó để chinh phục trái tim của người phụ nữ đang nằm ngủ kia, muốn chứng minh với bà rằng mình giỏi hơn, tài năng hơn và xứng đáng hơn người chồng đầu tiên của bà, cũng là bạn đồng nghiệp ngấm ngầm ganh đua của ông thủa còn chập chững những bước đầu tiên trước ngôi đền Điện ảnh tráng lệ đầy sức hấp dẫn.

Ông gục đầu xuống ngực và từ trong cổ họng bật ra một âm thanh, không hiểu là tiếng nấc hay là tiếng gầm gừ uất hận vì cảm thấy mình ghen tỵ cả với người đã khuất.

*

Từ lúc thức dậy cho đến khi hai vợ chồng xuống tầng một của khách sạn ăn sáng, không ai nói với ai câu nào. Tự nhiên, giữa hai người như có một cái gì đó gượng gạo, nặng nề. Trong phòng ăn, một số người nhận ra ông qua buổi truyền hình lễ trao giải của liên hoan phim trong chương trình Le Temps đêm hôm qua, đã đến tận bàn ăn bắt tay chúc mừng và vồn vã bày tỏ cảm tưởng.

- Bà tận mắt chứng kiến nhé, mình là dân của một nước nhược tiểu mà làm cho Tây phải kính nể, thật không dễ chút nào, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Tôi đã đánh chiếm được Paris và đặt dưới chân bà đó! – Đạo diễn Lâm Quang nói, không kìm giữ nổi vẻ thỏa mãn, hãnh diện cứ tràn ra cả các cơ trên mặt, rồi hùng dũng lấy dĩa xiên một lát phomát lớn và giơ lên trước mặt vợ - Bà ăn đi chứ, sao cứ ngồi thừ ra thế ? Không thích đồ ăn tây à?

Giọng nói kiểu gia trưởng thường có của chồng mỗi khi ở chỗ đông người và cung cách ăn uống bỗ bã khiến mặt bà hơi cau lại, khó chịu.

- Không, tôi thấy hơi nhức đầu, chắc hôm qua… giường lạ nên giấc ngủ… cứ mộng mị suốt. Ông ngủ được không?

- Bà còn lạ gì, tôi được cái tính nông dân, đặt lưng xuống là ngáy tít, chả còn phân biệt được trời tây hay trời ta nữa, chỉ đến khi bà nằm mơ… – Lâm Quang vừa nói vừa nhai nhồm nhoàm, nhưng cặp mắt một mí nhỏ và sắc của ông quan sát rất kỹ những biểu hiện trên khuôn mặt vợ. Ông rất muốn biết xem đêm qua vợ mơ thấy gì. Ông không tin, nhưng cũng không dám phủ nhận hiện tượng báo mộng.

- Đêm qua bà mơ gì mà kêu la to thế? Lâm Quang đột ngột hỏi và nhìn chăm chú vào mắt vợ.

- Ông cũng nghe thấy à? Bà Trúc Quỳnh hơi bối rối nhìn xuống đĩa của mình – Tôi không thể tin nổi... Đúng là ác mộng.

- Ối dào, chuyện mộng mị tin làm gì!

- Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng cứ như ngoài đời thật vậy…

- Thôi, bà ăn nhanh đi! Chương trình hôm nay còn rất nhiều việc, bà văn sĩ chắc sắp đến bây giờ. Người đâu mà nhiệt tình thế!

Bà Trúc Quỳnh chợt ngẩng đầu lên và nhìn thẳng vào mặt chồng.

- Có lẽ … hôm nay tôi ở nhà thôi, ông cứ đi một mình...

- Sao lại như thế được? Hay đêm qua bà mơ thấy điềm gì không lành? Bà có biết rằng tất cả các phần thưởng vinh dự này, tôi làm chỉ vì bà không? Lâm Quang nói, giọng đột ngột trở nên cáu giận – Bà có nhận ra điều đó không hay cố tình làm ngơ? Chả nhẽ, giữa chỗ đông người này, chúng ta lại cãi cọ nhau thì còn ra thể thống gì . Bà có biết bao diễn viên trẻ đẹp, tài năng ghen tỵ với chuyến đi của bà lần này hay không?

Lâm Quang đặt mạnh chiếc tách sứ đang uống dở xuống bàn khiến nước cà phê nâu sẫm sánh cả ra khăn bàn trắng tinh có thêu những bông hồng nổi. Vết ố loang rộng ra bên cạnh bàn tay cục mịch với những ngón ngắn tun hủn, hơi run run của ông.

- Trong làng điện ảnh, không phải ai cũng dễ có được trải nghiệm những giây phút vinh quang như tôi với bà hôm trao giải. Cuộc đời con người ta, những giây phút đó chỉ diễn ra không quá một lần đâu, bà có hiểu không?

- Nhưng ông có biết, chính trong những giây phút đó, tôi nghĩ gì không? Bà Trúc Quỳnh bất ngờ hỏi lại, trong ánh mắt và giọng nói có một cái gì đó khác thường.

Đạo điễn Lâm Quang hơi chột dạ và im bặt.

- Trên bục danh dự, đáng lẽ còn phải có một người nữa... chắc ông cũng hiểu ý tôi muốn nói tới ai? Vậy mà ông không hề nhắc tới và hình như cũng không muốn nhắc tới con người đó. Mặc dù, ông đã sử dụng những thước phim vô giá đã thấm máu anh ấy, những thước phim mang lại cho ông giải thưởng quốc tế này...

Bà Trúc Quỳnh bật khóc, khiến mấy vị khách ngồi bàn bên cạnh quay cả lại nhìn chẳng hiểu chuyện gì.

- Tôi già rồi... nên cũng chả cần phải che dấu tình cảm thật của mình. Nhưng tôi không thể im lặng mãi được trước cái lối cư xử vô lương tâm ấy của ông...

Khuôn mặt của đạo diễn Lâm Quang trắng nhợt ra như chiếc khăn trải bàn.

Ông từ từ đứng lên với ánh mắt thất thần như thể bất ngờ chợt nhận ra người đang ngồi trước mặt ông đây, hàng chục năm nay vẫn đeo một chiếc mặt nạ và đóng một vai diễn với chính ông. Lâm Quang bất ngờ gạt mạnh tay một cái khiến cốc chén rơi vỡ tan tành trên nền nhà, rồi loạng choạng ôm lấy ngực bước về phía cửa trước bao cặp mắt nhìn theo kinh ngạc của những người đang ăn trong phòng…

Nữ thi sĩ Pháp xoay xoay chiếc ổ khóa trong ngón tay trỏ, mắt ngước lên phía cửa sổ căn phòng trên tầng 7 của khách sạn Majetic. Vẻ bồn chồn, bà hết nhìn đồng hồ lại đứng lên ngồi xuống chiếc ghế dài ở ngay cổng. Bỗng, từ ngoài đường vọng vào tiếng còi xe cấp cứu. Ngay sau đó, bà nhìn thấy chiếc đèn hiệu khẩn cấp màu xanh quay tít trên mui xe thấp thoáng sau rặng cây thông. Một thoáng lo lắng vụt qua tâm trí như mỗi khi nhìn thấy chiếc xe đó nổi còi chạy trên đường phố Paris. Chiếc xe vừa lùi đít vào cổng khách sạn thì bà trông thấy Trúc Quỳnh hớt hải từ trong tầng trệt chạy ra.

Chiếc ổ khóa tuột ra khỏi ngón tay của bà và rơi xuống nền đá lát đường, phát ra một tiếng “cạch” khô khốc.

*

Nghề văn có họ hàng ruột thịt với nghành khảo cổ. Từ một mẩu xương, tái tạo nên một con người. Từ bình gốm vỡ, trả lại cả một nền văn minh. Một truyện ngắn chào đời từ một câu nói vô tình và cả một cuốn tiểu thuyết được xây dựng từ mẩu tin tình cờ đọc được trong tờ báo gói đồ ăn sáng. Song, thực tế cuộc sống được phản ánh sinh động nhất và dễ làm rung động lòng người nhất lại thuộc về thể loại văn học hồi ký, nhất là những hồi ký không được công bố mà chỉ truyền tay nhau đọc. “Phim trường - Chốn bon chen khốc liệt” là dạng hồi ký như vậy của nữ diễn viên gạo cội Trúc Quỳnh

Chúng ta hãy cùng nhau lật giở những trang đánh máy lem nhem, quăn mép và đầy những dấu gạch chân hay dấu hỏi bên lề của bao người đã cầm cuốn hồi ký không bình thường này trong tay. Chương XXIII. Ai đó đã dùng bút bi đỏ khoanh tròn lại, chứng tỏ đây là một chương đáng được chú ý.

Paris. Thật khó diễn tả nổi những cảm xúc đầu tiên khi đặt chân tới thủ đô của nước Pháp. Một cái gì đó rung động, hồi hộp giống như đến với cuộc hò hẹn đầu tiên với anh ấy vậy. Nhưng có lẽ, hào quang của văn hóa Pháp qua bao thế kỷ là tác nhân chính tạo nên cảm giác này. Lúc máy bay hạ cánh xuống sân bay De Gaulle, không hiểu sao trong đầu tôi lại nảy ra một suy nghĩ “đáng lẽ, người ngồi bên cạnh tôi đây phải là anh Nam chứ không phải ông ấy”. Sao ông trời lại bất công đến như vậy? Kể cũng thật là khủng khiếp, không biết trong cuộc đời thật có người phụ nữ nào giống tôi không, hàng chục năm trời sống với một người mà trong đầu vẫn cứ vương vấn đến một người đàn ông khác. Có lẽ, đây mới là vai diễn khó khăn nhất, có thể gọi là vai “chung thân” trong nghiệp diễn đầy sóng gió của đời tôi. Rất nhiều nữ diễn viên trẻ ghen tỵ với vai trò “vợ đạo diễn”. Đúng là “ trẻ người non dạ” như chính bản thân tôi hơn bốn chục năm trước. Nhưng con người tôi đâu có đủ can đảm để bước ra khỏi cái vòng cám dỗ đó, mặc dù đã nhiều lần rắp tâm. Tôi chỉ có một lối thoát duy nhất – đó là chui hẳn đầu vào các vai diễn để quên đi thực tại. Đối với tôi, điện ảnh chính là Tôn giáo. Nó đem lại niềm vui sống, nghị lực. Nó an ủi và che chở, làm cho tôi lấy lại được cân bằng trong cuộc sống gia đình.

Thật không ngờ, chuyến đi Paris lần đầu tiên này lại là màn chót của vở diễn ngoài đời mà tôi thủ vai chính.

Không hiểu sao, tôi vẫn tiếc là trong chuyến đi này không kết hợp tổ chức được triển lãm những bức tranh vừa ký họa vừa sơn dầu của anh Nam về giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh sau Tết Mậu Thân năm 1968 tại Trị Thiên và Tây Nguyên. Anh ấy có một cái nhìn về chiến tranh không giống phần đông các nghệ sĩ khác trong Xưởng phim, chính vì thế mà cấp trên không ưa. Bằng con mắt của người họa sĩ, các thước phim anh quay về chiến tranh rất độc và lột tả được sự khốc liệt đến vô nghĩa của cuộc chiến. Tính tình anh lại quá thẳng, không ưa ai là anh bộc lộ ra mặt. Có người nói rằng những ai có vợ đẹp thường bị cấp trên trù úm. Sự ghen tỵ của những con đực trong bầy đàn. Anh Nam có ước mơ một ngày nào đó được đem tranh và phim của mình đến Paris để triển lãm. Ngày ấy đã đến, nhưng anh đã không còn. Tôi đã đặt vấn đề nhiều lần. Ông ta ngoài miệng thì làm ra vẻ tán thành, cổ vũ nhưng bên trong lại tìm cách ngăn cản, vin vào lý do tài chính không cho phép. Tôi thực sự ghê tởm con người ấy và cũng ghê tởm luôn cả chính mình vì đã lấy ông ta chỉ vì nghĩ đến con đường tiến thân của một diễn viên. Sắc đẹp có nhưng thân cô thế cô, từ một vùng quê nghèo lên Hà Nội lập thân. Nói chính xác là chân vẫn còn dính đầy bèo tấm, tóc còn lẫn cả bụi trấu và nghe điện thoại báo giờ tự động vẫn cảm ơn rối rít.

Câu chuyện của nữ thi sĩ Pháp Marielle trên cầu Tình yêu bắc qua sông Seine khiến tôi xúc động. Đúng là nghệ sĩ lớn, họ đứng trên cả các tham vọng chính trị tầm thường và hướng tới những giá trị vĩnh cửu. Trên đường trở về khách sạn, tôi cứ bị ấn tượng của câu chuyện và liên tưởng tới cái chết của anh Nam. Một cái chết mà ngay từ giây phút nhận được tin đầu tiên, tôi đã linh cảm có một cái gì đấy oan nghiệt. Tôi chỉ linh cảm được thôi, khi chứng kiến cảnh ông ấy, sau chuyến đi công tác Tây Nguyên trở ra, đặt lên trên bàn trong phòng cán bộ của Xưởng phim mấy thứ đồ dùng tùy thân còn lại của anh: chiếc bi đông nước, khăn quàng do tôi mua tặng, chiếc ba lô bị thủng mấy chỗ do mảnh bom và cuốn tiểu thuyết Phục Sinh của Tolstoy bị cháy nham nhở. Quan trọng nhất là chiếc máy quay phim của anh mà bây giờ vẫn còn được lưu giữ trong phòng bảo tàng của ngành Điện ảnh. Lúc đó, tôi đã ngã ra và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, đầu tiên là tôi thấy khuôn mặt ông ấy đang nhìn xuống. Đôi mắt của ông ta lúc đó, trong một khoảnh khắc, tràn đầy niềm vui sướng kiêu hãnh như của một con thú trong mùa sinh sản sau khi đã hạ gục được tình địch. Phải hàng chục năm sau tôi mới tình cờ hiểu được ánh mắt của ông ta lúc đó, trong một cơn mơ, ông đã thốt ra những câu: “Mày nằm lại đây thôi, đằng nào cũng chết!”. Tôi bỗng nảy ra nghi ngờ cái kịch bản mà ông ấy bày đặt để báo cáo với Ban giám đốc Xưởng phim về chuyến công tác Tây Nguyên mùa mưa năm 1968. Thật kinh khủng! Chưa một vai diễn nào trước đó của tôi sánh được. Nhiều lần, trong đầu tôi đã mơ hồ nảy ra ý định và kế hoạch giết ông ta để trả thù cho một tội ác không có bằng chứng. Nhưng đứa con chung với ông ấy đã chặn bạn tay tôi lại. Nhưng rồi, chính tại Paris, cái ý định giết chồng của tôi đã trở thành hiện thực. Nó xảy ra quá nhanh ngoài sức tưởng tượng. Đêm hôm đó, trong khách sạn Majetic tôi đã nằm mơ thấy anh, hay nói đúng hơn như được xem một cuốn phim quay chậm về cái chết của anh. Tôi không biết lý giải việc này như thế nào, đó là kết quả của hàng chục năm ám ảnh, dằn vặt, trăn trở vì xác anh mất tích hay thực sự có một mối liên hệ nào đó giữa hai thế giới Âm và Dương?

Vừa chợp mắt, tôi bỗng nghe thấy tiếng cồng tiếng chiêng, rồi hiện lên cảnh những bản làng người dân tộc trong một ngày hội, rồi có tiếng máy bay gầm rú, những cột khói đen sì bốc cao, lửa cháy khắp nơi, những thân hình trần truồng chạy toán loạn, tiếng gào khóc của một đứa trẻ đang ôm lấy bầu vú rỉ máu của một người đàn bà cụt đầu… Không hiểu sao lại xuất hiện hình ảnh bức tranh Guernica của danh họa Picaso đang bốc cháy, rồi những lò thiêu người ở Ôxvenxim... có tiếng thở hổn hển của ai đó như đang bị rượt đuổi… tiếng mưa trút tầm tã kèm theo cả sấm chớp, rồi… một tiếng súng đanh gọn và khô khốc vang lên. Những vòm cây xà nu quay tít. Bóng một người đàn ông đang ôm máy quay phim lảo đảo ngã vật xuống vũng đất lầy lội. Tôi bỗng nhận ra anh Nam qua chiếc khăn quàng mà tôi mua tặng anh hôm đi tiễn. Tôi gào lên khi thấy anh từ từ bay lên trời, về phía những đám mây trắng đang bồng bềnh trôi. Anh quay lại cười với tôi và giơ tay vẫy. Bỗng, ông ấy xuất hiện, trong tay cầm một khẩu súng ngắn nòng vẫn còn bốc khói. Ông ta tung khẩu súng lên cao và cất tiếng cười đắc thắng. Tôi chợt nhìn thấy đôi mắt của ông ấy chính là đôi mắt mà bốn chục năm trước đã nhìn xuống tôi khi tôi ngất đi trong Phòng cán bộ của Xưởng. Tôi chỉ thẳng vào mặt ông ta, hét lên “Ông là kẻ giết người!” và choàng tỉnh. Từ ngoài cửa sổ căn phòng ngủ của khách sạn, vọng vào tiếng chuông du dương của lễ cầu nguyện buổi sớm tại một nhà thờ ở gần đó…

*

Trong mục tin vặt của tờ Le Post ra chiều thứ bảy ở Paris có đăng một mẩu tin trên trang cuối: “Một số nhân chứng đã kể lại cho cảnh sát viên điều tra rằng bà già trước khi nhảy từ trên cầu Tình yêu xuống sông Seine tự tử còn kịp móc lên thành cầu một chiếc ổ khóa lớn có in hình hai trái tim hồng. Phải chăng, đây là Une femme Amoureuse?(*) một vụ tự tử vì tình như hàng trăm vụ vẫn diễn ra hàng ngày tại thủ đô? Việc xác minh danh tính của nạn nhân đang được tiến hành”...

Vũ Tuấn Hoàng

(*) Người đàn bà đang yêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét