15/12/12

Hồ sơ - Tư liệu: 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”


Báo Thời Nay số 302, 303 có loạt bài

Nhân kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ trên không:

 

Bốn bức ảnh độc đáo của Trịnh Hải

 

Đặng Minh Phương

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải được đông đảo người biết qua hằng vạn tấm ảnh ông chụp hơn nửa thế kỷ được đăng trên báo và trưng bày trong nhiều cuộc triển lãm của Hà Nội và toàn quốc. Là phóng viên Báo Nhân Dân, ngoài nhiệm vụ chính là thường trực chụp ảnh thời sự chính trị ngoại giao, Trịnh Hải có dịp đi nhiều nơi trên khắp đất nước, chụp nhiều mặt trong cuộc sống muôn mầu của nhân dân, nhất là từ khi về hưu. Nay ở tuổi 80, ông mới dành thời gian sưu tập thành mấy bộ ảnh với các đề tài “Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, “Chân dung”, “Phong cảnh”, “Cuộc sống muôn màu”.

Giữa đống đổ nát ở bệnh viện Bạch Mai, Giáo sư bác sĩ Trần Hữu Tước xót xa kể lại những mất mát...

Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông có hằng loạt ảnh bộ đội, dân quân từ miền núi phía bắc đến Vĩnh Linh luyện tập, chiến đấu, nhân dân miền bắc vượt qua bao khó khăn gian khổ trên mọi mặt trận kinh tế, văn hóa, xã hội, quyết tâm vì sự nghiệp giải phóng miền nam, bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. Có thể kể những ảnh chỉ mình ông chụp được như “Trận địa pháo trên núi Quyết, “Nữ dân quân pháo bờ biển Thái Bình”, “Tự vệ thủ đô trực chiến trên tầng cao”, “Phân xưởng sơ tán” của Nhà máy cơ khí Hà Nội sản xuất trong lũy đất, nông dân đồng thời là dân quân vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Có những ảnh chưa lần nào được công bố làm người xem ngạc nhiên như ảnh “Chú bé 11 tuổi Trần Đăng Khoa đọc thơ trên trận địa pháo cao xạ”. “Sinh viên Trường Đại học Kinh tế kế hoạch bảo vệ luận án tốt nghiệp trong hầm” nơi sơ tán, bệnh viện Quỳnh Lưu có hầm sâu để mổ và đỡ đẻ, các cháu học sinh học nhóm trong hầm chữ A. vv…

“Ních xơn hủy diệt khối nhà - Giết người phá của lòng ta không sờn!

Bốn ảnh rút trong tập “Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của Trịnh Hải là những ảnh độc đáo nay mới đăng trên Báo Thời Nay vào dịp kỷ niệm chẵn 40 năm 12 ngày đêm sôi động hào hùng. Những ngày đó, quân dân thủ đô đã bắn rơi 82 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay chiến lược B52, bắt sống giặc lái. Tuy phải hứng chịu những loạt bom rải thảm man rợ, mất nhiều người và của, nhưng cuộc sống của người dân Hà Nội vẫn không hề nao núng xáo trộn. Đây là chiến thắng lẫy lừng đánh trả máy bay Mỹ làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Sau những hồi còi báo động và những loạt bom đạn, Trịnh Hải đã cùng với nhà báo Thép Mới, nhà văn Nguyễn Tuân, các nhà thơ Huy Cận, Chế Lan Viên có mặt kịp thời tại những địa điểm giặc Mỹ vừa gây tội ác giữa lòng thủ đô. Tại bệnh viện Bạch Mai, Trịnh Hải chụp giữa đống đổ nát, các nhà văn nhà báo nghe Anh hùng lao động Giáo sư bác sĩ Trần Hữu Tước xót xa kể lại những mất mát về người và các phương tiện y tế quan trọng để cứu người khi đó đã rất ít ỏi của bệnh viện. Một bức ảnh khác chụp ở Khâm Thiên, giữa đống gạch ngói tan hoang còn lại một bức tường. Trên tường, ai đó viết hai câu lục bát: “Ních xơn hủy diệt khối nhà (Chữ X được cách điệu thành dấu thập ngoặc phát xít) - Giết người phá của lòng ta không sờn”. Lởi thách thức viết thành thơ. Ở phố Yết Kiêu, Trịnh Hải cũng chụp được ảnh một cô mậu dịch viên đội mũ sắt bán hàng lưu động bằng xe đẩy sau khi có còi báo yên. Ba bức ảnh kể trên nói lên sự bình tĩnh và quyết tâm của người Hà Nội, dù đế quốc Mỹ có vũ khí tối tân vượt trội gấp nhiều lần, tàn ác đến mấy cũng không làm nhụt được ý chí của dân ta. Cũng ở ngõ chợ Khâm Thiên, Trịnh Hải lại chụp được một cảnh đến nay chắc ai xem cũng phải suy nghĩ. Đó là nhà số 13, cửa buộc dây thừng sơ sài, che bằng mảnh giấy nhỏ. Bên cạnh tường viết nguệch ngoạc vội vàng: “Nhà đi sơ tán. Tài sản vứt bừa. Mong dân phòng khối chú ý!”. Ôi! Sao mà ngày ấy tinh thần kỷ luật của người dân Hà Nội cao đến thế. Và người ta sống có nhiều khó khăn về chật chất mà tình đoàn kết, tương thân tương ái với nhau lại mặn mà đến thế. Lòng tin hoàn toàn gửi gắm nhà và tài sản cho anh em dân phòng. Trong hoạn nạn, cả nước một lòng chống giặc, sự đùm bọc nhau vô cùng cao cả, đẹp đẽ.

Sau tiếng còi báo yên

Được xem năm bộ ảnh rất phong phú về đề tài và thể loại của Trịnh Hải đang sưu tập, thấy rõ tình yêu nhân dân, đất nước, tài năng nghệ thuật và lòng say mê của tác giả. Riêng bốn ảnh chụp trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” nay mới được chọn lọc công bố, hẳn gây nhiều suy nghĩ cho người xem, xứng đáng là những tấm ảnh mãi mãi chứng minh cho lịch sử chống giặc, giữ nước của nhân dân thủ đô và cả nước.

“Nhà đi sơ tán. Tài sản vứt bừa. Mong dân phòng khối chú ý!”

_____

Hồ sơ - Tư liệu

40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

 

Ký ức về 12 ngày đêm sục sôi máu lửa

Phạm Thanh

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chẳng những là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta mà còn làm bạn bè quốc tế nức lòng ca ngợi. Dù đã qua 40 năm, nhưng các phóng viên của báo Nhân Dân - những người bám sát hiện trường, trận địa vẫn không quên những ngày sục sôi, tràn đầy lòng yêu nước và tinh thần quả cảm ấy.

Kỳ 1: “Thúc đẩy hòa bình” bằng dội bom rải thảm


Cuối năm 1972, dù Kissinger tuyên bố “hòa bình trong tầm tay”, song dự đoán về sự thất bại trong đàm phán Hiệp định Paris theo các yêu cầu của phía Mỹ, ngày 14-12-1972 Nixon gửi tối hậu thư tới Chính phủ Việt Nam yêu cầu trong 72 giờ phải quay trở lại ký theo phương án do Mỹ đề xuất, nếu không sẽ ném bom lại Bắc Việt Nam. Và 19 giờ 30 phút ngày 18-12-1972, còi báo động từ Nhà hát Lớn - Hà Nội vang lên, kéo dài đến mức để dân chúng Thủ đô biết cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ đã leo thang đến mức trầm trọng. Cùng lúc, trên đài Đài Phát thanh Hà Nội vang lên giọng đọc dõng dạc, xúc động, nghiêm trang của nữ phát thanh viên Hoa Kim Dung: “Đồng báo chú ý, nghe lệnh của Chủ tịch Hội đồng phòng không thành phố. Giặc Mỹ có âm mưu điên cuồng đánh phá Hà Nội. Khi có báo động mọi người nhất thiết phải xuống hầm, không ai được đi lại đứng ngồi trên mặt đất!”.

Nghe đài xong, tôi gọi ngay dây nói lên Đài quan sát phòng không đặt trên nóc tòa nhà Ngân hàng Nhà nước, xem có thông tin gì mới. Anh Tín, A trưởng trinh sát của Bộ Tư lệnh Phòng không Thủ đô trả lời gấp gáp: “Bò đen sắp vào Hà Nội, lên ngay đi”. Vậy là nhóm phóng viên chiến tranh nhanh chóng lên xe thường trực phòng không, vọt ra khỏi trụ sở báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hà Nội).

Đường phố lúc này vắng ngắt. Hà Nội luôn cảnh giác, hơn 500 nghìn người già trẻ, và tất cả các trường học đã đi sơ tán. Số người còn lại hoặc đã xuống hầm, hoặc đang trực chiến trên trận địa, chỉ còn những ai cần làm nhiệm vụ như chúng tôi mới được phép lưu thông trên mặt đất. Buổi chiều đông lạnh giá không còn yên ắng nữa. Điện tắt. Bom đạn đã nổ. Sấm gầm chớp giật nổi lên bốn phía Hà Nội. Xe chúng tôi bị hơi bom có lúc xô dạt vào vỉa hè. Vốn chúng tôi quen biết với điểm hẹn Đài quan sát phòng không, anh bảo vệ nhanh chóng đẩy cánh cửa cho chúng tôi chạy lên đài quan sát.

Anh Tín rồi cả anh Chính - A trưởng trinh sát cho Bộ Tư lệnh phòng không Hà Nội, cho biết: Bò đen là ám hiệu B52. Những loạt bom nổ vừa rồi chỉ là của bọn tiêm kích đánh vỗ mặt nhằm làm cho ta lạc hướng. Còn những “thiên thần hắc ám pháo đài bay” đang bay trên độ cao 10 nghìn mét sắp vào. Thế là con chủ bài B52, “lực lượng răn đe” của Mỹ đã được huy động vào chiến dịch tổng lực của Không lực Mỹ tập kích vào Hà Nội và châu thổ sông Hồng. Trận đụng đầu lịch sử thế là đã khai màn!

Trên đài quan sát hôm ấy, chúng tôi nghe những chiến sĩ trinh sát liên tục báo hướng các tốp B52, liên tục báo tên lửa của ta bay về hướng đông, hướng nam máy bay ta xuất kích; pháo tầm cao của ta gầm lên. Trời Hà Nội nổi cơn thịnh nộ, lưới lửa của ta đánh bung đội hình máy bay Mỹ dù nó ở tầm cao hay tầm thấp. Đêm 18-12 ấy, B52 đã rải thảm nhiều đợt bom xuống Đức Giang (Gia Lâm); Uy Nỗ - Cổ Loa (Đông Anh). Cũng trong đêm ấy, ba B52 bị bắn cháy, xác tan vỡ thành những cụm lửa chao đảo, nhào lộn ngay trên những mảnh đất, nơi chúng vừa gây tội ác.

Suốt đêm thức trắng theo dõi những điểm bị bom B52 trút xuống xen kẽ những trận hợp đồng đánh trả, sáng hôm sau 19-12, nhóm phóng viên báo Nhân Dân gồm tôi và các anh Đỗ Quảng, Trần Quỳnh, Văn Bang vội lên Uy Nỗ và những nơi B52 rơi. Khó mà tưởng tượng nổi, mới buổi chiều hôm trước những cánh đồng lúa đông - xuân và rau màu của hai xã Uy Nỗ, Cổ Loa còn xanh mơn mởn, vậy mà buổi sáng hôm sau đã tan hoang với hơn 5.000 hố bom dày đặc, chi chít. Nhà cửa tan nát, bị dập vùi, san bằng. Hàng chục người chết và bị thương do trận bom trước, chưa kịp chôn, thì loạt bom thứ hai, thứ ba thả xuống làm bay mất xác. Một vệt bom cắt chéo qua ba vòng thành Cổ Loa, tàn phá nặng nề một di tích lịch sử của nước Việt Nam.

Tội ác chồng chất tội ác, sau Uy Nỗ - Cổ Loa, B52 đánh sâu vào nội thành. Vào hồi 5 giờ 15 phút, ngày 21-12, cả khu lao động An Dương bị bom B52 rải thảm, gây nên cái chết của 135 người, và làm bị thương 126 người, có 10 gia đình không còn ai sống sót. Vào hồi 3 giờ 15 phút, ngày 23-12, B52 lại rải thảm hàng trăm quả bom xuống ga Hàng Cỏ, bệnh viện Bạch Mai - một cơ sở chữa bệnh và nghiên cứu khoa học lớn nhất nước ta thời đó, phá hủy hoàn toàn các cơ sở nghiên cứu và chữa bệnh, giết chết 28 người, gồm bác sĩ, y tá, sinh viên y khoa thực tập và bệnh nhân.

Vẫn chưa hết, đỉnh cao tội ác của không lực Hoa Kỳ đối với Hà Nội xảy ra hồi 22 giờ 30 phút ngày 26-12-1972, Mỹ dùng 30 lượt B52 trút bom rải thảm trong nửa giờ xuống phố Khâm Thiên (dài hơn một km, rộng hơn 50m) có hơn 60 ngõ hẻm chật chội, mật độ dân cư đông đúc hơn 30.000 người. Bom Mỹ đã giết hại 287 người, làm bị thương 290 người, trong số người chết có 40 cụ già, 91 phụ nữ, làm 112 cháu nhỏ lâm vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ; 534 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hơn 1.200 ngôi nhà khác bị hư hại nặng. Những con số thống kê như thấm đầy máu trong số ghi chép của của chúng tôi.

Trong cái đêm đau thương tột cùng ấy, xe phóng viên chúng tôi đến Khâm Thiên, phải dừng ở đầu phố vì gạch, ngói, bê-tông lấp kín đường vào. Điện không có, anh Đặng Dung, lái xe của báo bật đèn pha để lấy ánh sáng cho xe gạt, xe vào cứu thương, cứu sập, rồi khi xe chở quan tài đến, lần lượt chuyển vào… Anh em phóng viên cùng các lực lượng cứu hộ bới gạch đá, khiêng một số người chết, người bị thương gom vào từng khu trên vỉa hè mới được san gạt trước cửa số nhà từ 41 đến 51. Không gì có thể diễn tả nổi sự đau đớn và căm hận của chúng tôi lúc ấy.

Thành phố Hà Nội bị tàn phá nặng nề, nhưng người Hà Nội không suy sụp. Như nữ tự vệ Phạm Thị Viễn trong đội tự vệ bắn rơi tại chỗ máy bay F111 “cánh cụp cánh xòe” vào đêm 22-12 đã nói khi chúng tôi đến thăm trận địa bên sông Hồng: “Cha mẹ em đã bị bọn Mỹ giết hại. Em không để nước mắt làm nhòe mặt kẻ thù”. Tâm hồn người Hà Nội là thế. Phẩm chất anh hùng, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam, người Hà Nội là thế. Liệu đối phương có hiểu ra không? Tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt của nữ nghệ sĩ Mỹ Jane Fonda khi dứng trước cảnh đổ nát ở An Dương, Bạch Mai, Khâm Thiên khi chị nói “Xấu hổ cho nước Mỹ!”.
Còn nữa

Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã huy động bình quân mỗi ngày 140 lượt máy bay chiến lược B52, kết hợp với 30 máy bay F111 và từ 500 - 700 lần chiếc máy bay chiến đấu các loại khác. Hơn 100 nghìn tấn bom ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Riêng Hà Nội hứng chịu hơn 40 nghìn tấn bom hủy diệt 350 điểm dân cư, kinh tế, văn hóa, giáo dục, gây thương vong 2.579 người, hơn nửa trong số đó đã bị chết. Gây ra những tội ác như vậy mà vào ngày 19-12 năm ấy, người phụ trách báo chí của Nhà Trắng vẫn nói “đây là một cử chỉ thúc đẩy hòa bình”.

40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

 

Ký ức về 12 ngày đêm sục sôi máu lửa

Phạm Thanh

Kỳ 2: Đòn trừng phạt

(Tiếp theo và hết)

Đánh phá Hà Nội, Mỹ chọn toàn loại B52 cải tiến, hiện đại, giá đắt gấp năm lần B52 thông thường. Mỗi máy bay có sải cánh 56,39 mét, trọng lượng cất cánh 217 tấn, mang theo 30 tấn bom. Vì đã được chỉ huy lên dây cót tinh thần: “Không sao đâu. Yên tâm. Bám đuôi nhau mà đi rồi về. Vào Hà Nội coi như đang cưỡi ngựa trên thảo nguyên. Sam 2 (tên lửa), Mig 21(máy bay) không làm gì được B52”, nên phi công Mỹ những tưởng sẽ không phải lo lắng khi bay vào “tọa độ lửa” Hà Nội. Nhưng mọi sự đâu như họ nghĩ…

Sáng 19-12, chúng tôi đến trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 7 - đơn vị đầu tiên bắn rơi tại chỗ B52. Đồng chí Đinh Thế Văn, phân đội trưởng cho biết: Suốt đêm 18, đơn vị của anh “đánh trắng hệ”. Bao nhiêu tháng luyện tập đánh B52, lần này mới có dịp thử sức. Bước vào trận đánh, thủ trưởng cấp trên chỉ thị: Bắn rơi tại chỗ B52 là trách nhiệm chính trị của bộ đội tên lửa chúng ta. Cho phát sóng truy lùng, gạt “sương mù” (máy bay chiến thuật ném bom, hoặc bay bảo vệ) ra, bắt chính xác “mây đen” (B52) là đối tượng chính. Các chiến sĩ radar của ta đã luyện tập khá thành thạo cách lọc nhiễu, không chỉ gạt “sương mù”, đánh tạt nhiễu sóng điện, còn gạt sạch nhiễu giấy bạc kim loại bao phủ cả trăm km2 trên bầu trời để tóm chặt B52 khi nó còn bé như con bọ gậy. Từ đó các chiến sĩ tiêu đồ dẫn nó đi cùng đường bay trên tấm bản đồ mica, đến lúc nó hiện hình to dần, tín hiệu rõ hơn là lúc sĩ quan điều khiển kíp chiến đấu Nguyễn Văn Đức nín thở ấn vào nút đỏ. Tên lửa phóng lên lao thẳng vào B52, đạn nổ, con “quái vật” tan thành trăm mảnh, rơi tại chỗ.

Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Riêng Hà Nội hạ 23 B52 và 3 F111.

Ngày 3-1-1973 đồng chí Lê Đức Thọ đáp máy bay sang Paris ký kết hiệp định hòa bình. Mỹ phải ngừng ném bom miền bắc, rút quân khỏi miền nam, trao trả tù binh. Từ đây cụm từ giặc lái Mỹ được gọi là “nhân viên quân sự Hoa Kỳ” được trao trả nhiều đợt cho Mỹ ở sân bay Gia Lâm- Hà Nội.
Đêm đầu tiên B52 vào Hà Nội gây tội ác, ngay lập tức chúng phải đền tội. Xác B52 rơi vãi trên đường làng ngõ xóm, trên đồng ruộng ngoại thành. Đến chân núi Đôi, phía Bắc Đông Anh, tôi nhìn rõ trên thân xác B52 còn có cái phù hiệu biểu tượng cho sức mạnh của Bộ Chỉ huy không quân chiến lược Hoa Kỳ, viết tắt là “SAC”. Chiếc phù hiệu ấy in đậm một nắm tay thép sơn màu đen, nắm chặt ba tia sét bên cành ô-liu!

Ngày 21-12, tôi đến Tiểu đoàn tên lửa 57 trong lúc B52 đang trút bom xuống Khu lao động An Dương trên bãi bồi sông Hồng. Bên cánh cửa xe điều khiển, người sĩ quan trẻ Nguyễn Đình Kiên bắt tay tôi, giọng nửa vui nửa ấm ức. Vui vì mới nhận được thông báo của cấp trên công nhận đơn vị của anh đã bắn rơi một B52. Ấm ức vì chiếc B52 ấy không rơi tại chỗ (nó có tám động cơ, dù có bắn hỏng bốn động cơ, nó vẫn cố bay ra biển). Vậy hôm nay thì sao? Kiên nói kíp chiến đấu đã rà soát mọi động tác, thao tác nào chưa thuần thục phải luyện đi luyện lại, bởi các anh biết rằng bắn rơi B52 tại chỗ có giá trị cao hơn nhiều. Toàn kíp vẫn ở chế độ trực chiến cấp 1, tức là mức báo động. Trận trước do nóng vội, trận này rút kinh nghiệm phải đánh ăn chắc. Mặc cho lũ máy bay chiến thuật hung hăng lao qua lao lại, vừa ra oai vừa che chắn tầng dưới cho B52, các chiến sĩ ta kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc B52 lọt vào tầm phóng, Nguyễn Đức Kiên mới ấn nút. Một B52 dính đạn bốc cháy chưa kịp biết nó rơi xuống nơi nào, thì mươi phút sau lại có báo động. Trong lúc xe điều khiển còn rung chuyển vì hơi bom ở An Dương, Kiên ấn nút phóng quả tên lửa thứ hai. Hai quả đạn bắn rơi tại chỗ hai B52 trong nội thành. Đòn trừng phạt thật đích đáng, nhân dân Hà Nội hả lòng, hả dạ.

Ba ngày liền 19, 21, 22-12 họp báo công bố số lượng hình ảnh B52 rơi tại chỗ đồng thời đưa những phi công lái máy bay B52 và nhiều loại máy bay khác bị bắt sống ở Hà Nội và các tỉnh chung quanh được đưa ra trình làng tại Câu lạc bộ quốc tế, Hà Nội.
Từ cánh đồng Phủ Lỗ (Đông Anh) dẫn về viên Thiếu tá Richard Edgar Johnson, hoa tiêu radar - kẻ đứng đầu danh sách phi công B52 bị bắt sống. Cùng bị bắt với Richard Johnson còn có viên phi công phụ lái, Đại úy William Thomas Mayor. Bốn phi công còn lại chết cháy trong máy bay. Đó là một kíp B52 từ căn cứ Anderson đến, chết bốn còn hai. Một kíp B52 từ Utapao đến, chết hai, bị bắt sống bốn trên cánh đồng An Khánh - Hoài Đức, gồm Thượng sĩ bắn súng máy Louis Edward Le Bland, Đại úy Henry Charles Browne; Viên hoa tiêu radar - Đại úy Robert Gland Shorten, và đặc biệt là Viên sĩ quan điện tử - Đại úy Richard Thomas Simpson. Các “cục cưng” của không lực Hoa Kỳ thành khẩn nói: Được phổ biến nhiệm vụ đánh vào Hà Nội, chúng tôi lo ngại nhìn nhau. Thế là hết Noel! Henry Charles Browne được giải từ Hà Tây về, đầu còn quấn khăn trắng che gần kín mặt, buồn bã than phiền: “Tưởng chiến tranh sắp chấm dứt, bỗng lại phải bay vào Hà Nội, thật đáng sợ lưới lửa của các ông. Chỉ huy chúng tôi nói Sam2 chả làm gì được B52, ai ngờ các ông đánh giỏi thế, chúng tôi bất lực về kỹ thuật”.

Trong 12 ngày B52 đánh vào Hà Nội và châu thổ sông Hồng, ngày nào phi công lái B52 cũng bị bắt sống, nhất là hai ngày 26, 27-12, hai ngày được coi là đánh đẹp nhất, chiến thắng nhiều mầu sắc nhất. Không chỉ tên lửa mà cả không quân ta phối hợp bắn rơi tại chỗ mười máy bay B52, bằng tổng số B52 bị bắn rơi tại chỗ từ ngày 18 đến 25-12. Đưa B52 vào sâu nội thành thì xác B52 vương vãi nhiều trên đường phố. Hai đêm ấy đạn pháo đất đối không của ta sáng rực bầu trời Hà Nội như sao sa, cùng đường đạn tên lửa vạch trời ngang dọc như chớp lóe. Tiếng máy bay ta ầm ầm xuất kích trở thành những âm thanh hào hùng không thể nào quên. Trong đêm 27-12, biên đội của Phạm Tuân và Hồ Oanh đã hạ gục chiếc B52 do Trung tá John Harry Yuill lái chính. Được lệnh cất cánh, biên đội Phạm Tuân băng qua các máy bay F4 chặn đường, lao thẳng về phía nam. Sở chỉ huy thấy Phạm Tuân đã vào khoảng cách tầm bắn có hiệu quả, ra lệnh: “Xạ kích! Thoát ly ngay bên trái!”, Phạm Tuân chỉnh đường ngắm, lao máy bay vào gần hơn: “Nghe tốt. Tôi bắn đây!” Một quả, hai quả đạn lao thẳng vào chiếc B52. Đó là lúc 22 giờ 30 phút. B52 bốc cháy rơi xuống theo chiều thẳng đứng. Thế là chỉ sau 20 phút tính từ khi cất cánh, chiếc MIG 21 của Phạm Tuân đã lập công oanh liệt, hạ cánh an toàn xuống sân bay trong niềm vui lớn của đồng đội. John Harry Yuill bị bắt sống, mặc áo kẻ sọc ngồi trong trại giam Hỏa Lò. Phi công có thâm niên 18 năm trong nghề, đã bay hơn 5.000 giờ, trong đó có 3.200 giờ bay B52 không biết đã nghĩ ngợi gì mà tha thiết xin gặp người lái MIG 21 đã hạ đo ván mình. Cấp trên để Phạm Tuân gặp và diễn lại cho anh ta biết một đường bay xuyên mây lên cao, thời điểm nào ấn nút phóng… John Harry Yuill chỉ còn biết gật đầu thán phục: Thật là một đường bay mưu trí, táo bạo và gan dạ!

Hai ngày 26, 27-12 năm ấy, những phóng viên chiến tranh ở khắp Hà Nội như chúng tôi hầu như không lúc nào chợp mắt, chiến sự diễn ra dồn dập, “bội thu” tin tức, tin nào cũng nóng hổi, hấp dẫn, lôi cuốn. Vừa đến Đuôi Cá, nhìn thấy xác B52, lại chạy ngay lên nhìn xác B52 khác nằm vật vã giữa đường Hoàng Hoa Thám và Công viên Bách Thảo, người lái chiếc máy bay này chết tại chỗ trên ghế lái. Rồi từ đấy, chúng tôi tạt sang Ngọc Hà ghi lại hình ảnh chiếc B52 chìm sâu trong ao, chiếc bánh xe của nó chổng ngược lên trời. Hết đến nơi B52 rơi, lại vội đến chỗ bắt sống giặc lái ở xã Bát Tràng, ở Bến phà Khuyến Lương, bãi đá Phương Liệt… Trong đêm giá buốt, mà chúng tôi trong lòng như có lửa nóng, bởi đã có dịp nào mà xe của chúng tôi lại được đi “hộ tống” giặc lái vào Hỏa Lò như thế này đâu. Lại được nghe viên Trung tá sĩ quan điện tử William Walter Conlee, không biết học tiếng Việt từ bao giờ mà nói khá rõ với đồng chí Trương Xuân Huy, thủy thủ Bến phà Khuyến Lương và hai đồng chí cảnh sát giao thông Đoàn Kim Tuyến, Nguyễn Đăng Đạt - những người đang ghì tay anh ta đưa lên xe cái câu: “Xin các ông tha chết!”

Chiều 28-12, số phi công B52 bị bắt sống, chưa kể một chục người bị thương, còn một chục người lành lặn được đưa ra họp báo. Sáng hôm sau 29-12, số này được đưa đến An Dương, Bạch Mai, Khâm Thiên… để ngắm nhìn “chiến tích” của họ. Họ ném bom ở điểm nào, ảnh của họ được phóng to đặt ở đấy. Họ cúi đầu thừa nhận: “Chúng tôi bị lừa”. Cuộc chiến này không sản sinh ra những anh hùng, cũng không sản sinh ra những bài ca chiến thắng cho nước Mỹ…

Niềm hy vọng cuối cùng của Nixon trông vào sức mạnh B52 đã tan thành mây khói. Thực tế quá đỗi cay đắng, ngày 28-12, Nixon gửi thông điệp, sốt sắng yêu cầu ta nối lại đàm phán ở Paris và đúng 7 giờ sáng 30-12-1972, Nixon ra lệnh ngừng ném bom bắn phá miền bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã thất bại hoàn toàn. Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt tám năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Những phóng viên chúng tôi hạnh phúc được là người chứng kiến và sống trọn vẹn trong niềm vui chiến thắng ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét