31/12/12

Ác mộng giữa Paris


Thân gửi BBT blog ttst bnd,

Trước tiên, xin phép được gửi tới các anh cùng tất cả các thành viên của Trại trẻ một năm mới vui vẻ, ấm cúng và nhiều thành công trong công việc cũng như cuộc sống riêng tư.

Đối với những người phải sống xa nhà thì Tết là dịp để người ta nghĩ nhiều hơn về quê hương với bao tình cảm vui buồn lẫn lộn.

Thay cho một thiếp chúc Tết, Vũ gửi tới các anh và các bạn một truyện ngắn mới đăng trên Văn Nghệ số 44 cách đây không lâu.

Thân ái
Vũ Tuấn Hoàng


Ác mộng giữa Paris


Truyện ngắn


Nữ thi sĩ già Marielle run run đặt bàn tay gầy gò, lốm đốm đồi mồi lên lan can chiếc cầu bắc qua sông Seine. Đôi mắt đầy xúc động rơm rớm lệ hướng về phía hoàng hôn đang xuống dần trên nóc các tháp chuông và cung điện tráng lệ, niềm tự hào của nước Pháp. Bà cứ đứng lặng đi một lúc lâu, mái đầu bạc trắng như tuyết, trông chẳng khác gì một di tích có niên đại hòa quyện vào trong tổng thể kiến trúc xung quanh. Đạo diễn Lâm Quang lo lắng hỏi:

- Bà có mệt không? Hay chúng ta quay trở về khách sạn nghỉ?

Nữ thi sĩ Pháp khoát tay một cái như gạt đi nỗi lo âu của hai vị khách phương xa, và bằng một giọng vẫn còn khỏe và vang so với cái tuổi thất thập của mình, nói:

- Cuốn phim tuyệt vời của ông trong Festival hôm qua khiến tôi mất ngủ vì nhớ lại một kỷ niệm khó quên trong đời, lúc mới mười tám tuổi. Không phải vô lý mà tôi đưa hai bạn ra đây, đúng vào giờ này, ngay tại vị trí tôi đang đứng đây... Năm giờ chiều – Bà gõ gõ ngón tay tô móng đỏ chót lên mặt kính chiếc đồng hồ đeo tay - Tôi muốn các bạn thử suy nghĩ xem, có thể làm được một bộ phim từ chất liệu tôi sắp kể ra đây, hay không? Tôi đã… giết người. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời. Tôi giết người và trở thành nổi tiếng, thậm chí trở thành thần tượng. Thơ của tôi có mùi máu. Tất nhiên, chỉ mình tôi cảm nhận được thôi. Các nhà phê bình đặt cho nó đủ các thứ danh hiệu mỹ miều, trường phái này nọ, nhưng đều không đúng. Thơ của tôi được tưới bằng máu và nỗi đau khổ của con người.

Nghe đến đây, không hiểu sao khuôn mặt béo tốt hồng hào của ông đạo diễn trạc ngoài sáu mươi hơi thất sắc. Ông luống cuống nhìn sang bà vợ - nữ diễn viên Trúc Quỳnh nổi tiếng, hàng chục năm trên màn bạc chuyên đóng những vai phụ nữ có thân phận éo le, nước mắt nhiều hơn nụ cười. Mặc dù đã có tuổi, vẻ đẹp của bà trong chiếc áo dài màu tím Huế vẫn còn làm cho các lữ khách đi ngang qua phải ngoái đầu quay lại nhìn. Bà không hiểu tiếng Pháp nên chồng phải dịch ra.

- Những cảnh quay cuối cùng về đôi voi rừng làm tình dưới trời mưa tầm tã, trên nền của ngôi nhà rông sau trận bom, xung quanh còn lăn lóc những mảnh thi thể, những đồ vật dụng hàng ngày vỡ nát, thật đầy chất triết lý. Ông đã chinh phục được ban giám khảo khó tính bởi chính trường đoạn cuối này.

Nữ thi sĩ Pháp vừa nói vừa đưa tay lần rờ những chiếc khóa sắt móc đầy trên thành cầu. Bao nhiêu đôi trai gái từ khắp nước Pháp và cả thế giới đã đến đây để lưu lại dấu vết của hai trái tim đang yêu bằng những chiếc khóa, đủ kiểu về hình dạng cũng như kích thước. Bởi vậy, chiếc cầu này được gọi tên là cầu Tình Yêu.

- Bà hơi quá khen – Lâm Quang thốt ra một câu chỉ để chứng tỏ mình khiêm tốn, nhưng trong bụng niềm kiêu hãnh cứ rộ lên.

- Ôi, những buôn làng Tây Nguyên treo leo trên đỉnh núi Ngok Linh quanh năm trắng mây, những cơn mưa rừng Tây Nguyên mịt mùng dai dẳng.

- Người phương tây chúng tôi làm sao biết được trên thế giới này có một cái góc bị nhân loại lãng quên đó!? Tôi đặt tên cho nó là Thiên Đường, nơi mà mỗi mùa mưa tới lại như một lần khai thiên lập địa, nơi có tháng Ninh Nông với tiếng cồng chiêng vang vọng như tiếng ngân của hồn đất hồn rừng, nơi mà cả làng trút bỏ hết cả quần áo kéo nhau vào rừng thật sâu, để sống lại cuộc sống săn bắn hái lượm hàng ngàn năm trước, tắm mình trong các dòng suối nguồn trong vắt, hú gọi linh hồn tổ tiên trở về …

- Người ta bảo làm thế để gột rửa toàn bộ con người, cả về tâm linh cũng như thể xác – Đạo diễn Lâm Quang giải thích thêm.

- Còn bầu trời bên trên họ là gì? Là những chiếc máy bay ném bom B52, là sắt thép là chất độc da cam, bom napan.. được gọi chung bởi một danh từ mỹ miều – “ thế giới văn minh”. Cái Thiên đường đó cần gì phải biết tới sự tồn tại của thế giới văn minh đâu, mà họ vẫn hạnh phúc! Những gương mặt của người già, thanh niên, phụ nữ, trẻ con mới ngời sáng làm sao! Những bộ vú trần căng mẩy đầy sức sống của các thiếu nữ ! Cảm ơn ông đã cho khán giả phương tây được nhìn thấy tội ác của cái gọi là thế giới văn minh. Những người dân lành trên dãy Trường Sơn đó đã làm nên tội tình gì để phải chịu cái chết thê thảm của bom na-pan ngay trong ngày Hội thiêng liêng của dân tộc mình? Họ đe dọa an ninh nước Mỹ? Hay, họ không đáng được sống chung dưới ánh mặt trời cùng các dân tộc “thượng đẳng” khác, nơi mà ngay một con chó còn được chăm sóc chu đáo và tốn kém hơn. – Nữ thi sĩ im lặng một lát rồi chợt hạ giọng, nói - Hai ông bà có muốn để lại trên thành cầu này một chiếc khóa sắt không? Để kỷ niệm tình yêu lâu bền và hạnh phúc của mình?

- Có lẽ, chúng ta cũng nên theo phong tục ở đây, không phải dễ mà hai vợ chồng mình có dịp cùng tới Paris - Đạo diễn Lâm Quang quay sang nói nhỏ với vợ.

Nữ thi sĩ Pháp ôm lấy bờ vai của Trúc Quỳnh và tiếp lời:

- Tôi sẽ mang tới khách sạn tặng các bạn một chiếc khóa thật lớn.

- Chị chu đáo quá!

- Tôi muốn được bày tỏ lòng mến phục tài năng của ông… Nếu Chúa trời cho tôi sức khỏe, tôi sẽ quay lại Việt Nam một lần nữa và sẽ lên Tây Nguyên, tới những bản làng - Thiên Đường đó, tôi cũng muốn, dù chỉ một lần trong đời, được tham gia lễ hội Ninh Nông. Tôi muốn được gột rửa cái tội lỗi mà mình đã phạm phải khi mới 18 tuổi đời… Nói đến đây, bà chợt ngừng lại, quỳ xuống sàn cầu, xoa xoa tay lên lớp đá lát đã mòn nhẵn vì bước chân của khách thập phương – máu của chàng thanh niên Đức đó đã đổ ra ướt đẫm những viên gạch này. Nữ du kích trẻ là tôi lúc đó, đã bắn lén từ phía sau lưng và anh ta ngã sấp mặt vào chiếc giá vẽ. Bức tranh “Hoàng hôn trên sông Seine” còn dở dang đã vấy đầy máu. Tôi còn chạy tới để xem anh ta đã chết chưa. Kẻ thù của nước Pháp kháng chiến lúc đó có một khuôn mặt quá ngây thơ và non nớt. Đôi mắt xanh màu da trời của anh ta vẫn còn mở to, như vẫn còn ngưng đọng vẻ thán phục đến si mê trước vẻ đẹp của chiều hoàng hôn cuối cùng của đời mình…

Ngừng một lát để lau đi những giọt nước mắt, Nữ thi sĩ nói tiếp, vẫn quỳ trên sàn cầu :

- Chiều hôm đó, khung cảnh thiên nhiên cũng như lúc này đây, vậy mà đã hơn nửa thế kỷ! Tôi cứ cảm tưởng như mới hôm qua vậy! Chính đôi mắt xanh như bầu trời kia cứ đeo đuổi tôi suốt gần cả cuộc đời và biến tôi thành một nhà thơ. Để rồi, những câu thơ, những tập thơ sau đó, không là gì khác ngoài những nỗi niềm ân hận, xót xa cho một hành động thời trẻ, một hành động được ca ngợi là anh hùng. Có thể, viên đạn của tôi đã giết chết một Van Gogh của nước Đức và cũng là của nhân loại…

Gió cuốn những chiếc lá khô lăn tròn trên thảm cỏ xanh mượt. Ba người chậm rãi nắm tay nhau tản bộ dọc kè đá bờ sông Seine. Bóng của họ đổ dài trên con đường đã chứng kiến bao cuộc gặp gỡ và chia ly. Đạo diễn Lâm Quang chợt dừng bước, lấy mũi giày đá mạnh một viên sỏi văng tõm xuống nước. Cả ba cùng đứng lại nhìn những vòng tròn sóng lan rộng trên mặt sông. Không ai nói với ai câu nào. Một chiếc thuyền du lịch màu trắng toát ầm ì rẽ nước chạy tới.

Paris ngập màu hoàng hôn như trong tranh của Claude Mone.

*

Đạo diễn Lâm Quang chợt thức giấc vì hình như nghe thấy tiếng động sột soạt trong phòng vệ sinh, có tiếng nước xối xả. Ông nghĩ là vợ nên lại nhắm mắt ngủ tiếp.

- Mấy giờ rồi? Ông cất tiếng hỏi trong trạng thái mơ màng.

Không có tiếng trả lời. Ông lại cất giọng hỏi một lần nữa, to hơn. Cũng chỉ có tiếng tích tắc của đồng hồ treo tường vọng lại. Ông vội nhỏm người dậy trên giường và nhìn sang chỗ vợ nằm. Bà Trúc Quỳnh vẫn ngủ say mê mệt sau một ngày đi dạo Paris đầy ấn tượng. Có kẻ trộm đột nhập! suy nghĩ đó như một luồng điện mạnh chạy vụt qua người khiến ông tỉnh hẳn. Ông hấp tấp bật chiếc đèn ngủ ở đầu giường. Ánh sáng khiến ông trở nên bình tĩnh hơn. Ông khẽ khàng đi chân đất về phía nhà vệ sinh và mở mạnh cửa. Chẳng có ai trong đó cả. Ông cúi người xuống đưa tay ấn thử nút giật nước và thấy lạnh cả gáy. Nước trong bồn đã cạn. Ông hấp tấp mở các cánh cửa tủ và cả cửa thông ra ban công – không hề có điều gì khác thường. Bên tai ông vẫn như nghe văng vẳng đâu đó tiếng tù và lẫn lộn với tiếng cồng chiêng lúc xa lúc gần, tiếng voi gầm mơ hồ xa xăm...

- Đúng là mình mơ ngủ! Ông thầm nghĩ.

Vừa lúc đó, đèn trong phòng khách chợt vụt sáng khiến ông thót tim.

- Ai ngoài đó đấy? Giọng ông như nghẹn lại vì khiếp sợ, hình dung một bóng người mặc đồ đen bịt mặt, tay cầm súng bước ra.

Không hề có tiếng đáp lại. Ông định lay gọi vợ dậy nhưng lại sợ bà ấy cười cho vì cái tính yếu bóng vía, thần hồn nát thần tính của mình. Ông bước sang phòng khách, đến ngưỡng cửa thì chợt đứng khựng lại như bị sét đánh vì nghe thấy tiếng vợ vừa kêu vừa thổn thức khóc lóc, ú ớ trong mơ: “Anh Nam ơi! Đợi em với, đừng bỏ em!”.

Đến lúc này thì đạo diễn Lâm Quang bủn rủn hết cả chân tay, lưng toát mồ hôi lạnh. Ông phải vịn tay vào bờ tường và ngồi phịch xuống chiếc ghế đi-văng ở gần đó. Tim đập thình thịch trong lồng ngực như trống trận.

- Lẽ nào, lại chính là anh ta hiện về? Ông buột miệng lẩm bẩm và chợt nhớ đến chuyện của nữ thi sĩ Pháp chiều hôm qua trên cầu Tình yêu. Hơn ba chục năm trước, vào mùa mưa ác liệt năm 1968, trong một cánh rừng heo hút trên đỉnh Ngok Linh của dãy Trường sơn, ông cũng phải đối diện với một đôi mắt đang hấp hối không thể nào quên nổi, đôi mắt của Nam, một nhà quay phim trẻ tài năng của Xưởng, người chồng sắp cưới của Trúc Quỳnh.

“Đúng là trong giấc mơ, bà ấy đã gặp lại anh ta. Điều này chứng tỏ mấy chục năm qua, sống với mình, ăn, ngủ, có con chung và làm việc cùng nhau, nhưng tâm tưởng bà ấy vẫn thuộc về anh ta. Thế mà mình vẫn lầm tưởng rằng tiền tài, danh vọng và tình yêu như nô lệ của mình đã chiếm được trái tim của bà ấy. Mình đã lầm” – Vừa nghĩ ông vừa đưa mắt nhìn bao quát toàn bộ căn phòng khách sạn sang trọng. Thành quả của cả cuộc đời theo đuổi điện ảnh đang được bày cả ra trước mắt. Trên chiếc bàn lớn kê giữa phòng khách là bức tượng bằng pha lê trong suốt giành cho bộ phim tư liệu đoạt giải vàng tại liên hoan Phim quốc tế Paris. Những lẵng hoa tươi sặc sỡ ngát hương, những đóa hồng khổng lồ của khán giả hâm mộ và các tổ chức quốc tế chúc mừng. Nhà phê bình điện ảnh Pháp nổi tiếng Marcel Martin đã vỗ vai ông nói rằng: “Giờ thì anh có thể hội nhập với điện ảnh thế giới được rồi”. Một thành quả nữa, có thể nói còn quan trọng và đáng giá hơn phần thưởng kia, là người phụ nữ đang nằm ngủ trên chiếc giường bên tay trái ông đây. Một minh tinh màn bạc, thần tượng của nhiều thế hệ thanh niên. Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của bà đã khiến ông mù quáng phạm tội ác. Một tội ác mà ông đinh ninh rằng không một ai biết được và nó sẽ theo ông xuống mồ. Tại chính thời điểm huy hoàng nhất của cuộc đời nghệ thuật, thời điểm mà ông đã đổ mồ hôi hàng chục năm lao động để có được, bằng cả tài năng cộng với mưu mô mánh khóe thì một câu nói vô thức từ cửa miệng vợ thốt ra trong giấc mơ đã khiến mọi cái sụp đổ. Phần thưởng mà bao người mong ước đó, giờ đây đối với ông trở nên vô nghĩa. Bởi vì, mục đích chính của đời ông không phải là giải thưởng danh giá. Ông chỉ muốn dùng nó để chinh phục trái tim của người phụ nữ đang nằm ngủ kia, muốn chứng minh với bà rằng mình giỏi hơn, tài năng hơn và xứng đáng hơn người chồng đầu tiên của bà, cũng là bạn đồng nghiệp ngấm ngầm ganh đua của ông thủa còn chập chững những bước đầu tiên trước ngôi đền Điện ảnh tráng lệ đầy sức hấp dẫn.

Ông gục đầu xuống ngực và từ trong cổ họng bật ra một âm thanh, không hiểu là tiếng nấc hay là tiếng gầm gừ uất hận vì cảm thấy mình ghen tỵ cả với người đã khuất.

*

Từ lúc thức dậy cho đến khi hai vợ chồng xuống tầng một của khách sạn ăn sáng, không ai nói với ai câu nào. Tự nhiên, giữa hai người như có một cái gì đó gượng gạo, nặng nề. Trong phòng ăn, một số người nhận ra ông qua buổi truyền hình lễ trao giải của liên hoan phim trong chương trình Le Temps đêm hôm qua, đã đến tận bàn ăn bắt tay chúc mừng và vồn vã bày tỏ cảm tưởng.

- Bà tận mắt chứng kiến nhé, mình là dân của một nước nhược tiểu mà làm cho Tây phải kính nể, thật không dễ chút nào, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Tôi đã đánh chiếm được Paris và đặt dưới chân bà đó! – Đạo diễn Lâm Quang nói, không kìm giữ nổi vẻ thỏa mãn, hãnh diện cứ tràn ra cả các cơ trên mặt, rồi hùng dũng lấy dĩa xiên một lát phomát lớn và giơ lên trước mặt vợ - Bà ăn đi chứ, sao cứ ngồi thừ ra thế ? Không thích đồ ăn tây à?

Giọng nói kiểu gia trưởng thường có của chồng mỗi khi ở chỗ đông người và cung cách ăn uống bỗ bã khiến mặt bà hơi cau lại, khó chịu.

- Không, tôi thấy hơi nhức đầu, chắc hôm qua… giường lạ nên giấc ngủ… cứ mộng mị suốt. Ông ngủ được không?

- Bà còn lạ gì, tôi được cái tính nông dân, đặt lưng xuống là ngáy tít, chả còn phân biệt được trời tây hay trời ta nữa, chỉ đến khi bà nằm mơ… – Lâm Quang vừa nói vừa nhai nhồm nhoàm, nhưng cặp mắt một mí nhỏ và sắc của ông quan sát rất kỹ những biểu hiện trên khuôn mặt vợ. Ông rất muốn biết xem đêm qua vợ mơ thấy gì. Ông không tin, nhưng cũng không dám phủ nhận hiện tượng báo mộng.

- Đêm qua bà mơ gì mà kêu la to thế? Lâm Quang đột ngột hỏi và nhìn chăm chú vào mắt vợ.

- Ông cũng nghe thấy à? Bà Trúc Quỳnh hơi bối rối nhìn xuống đĩa của mình – Tôi không thể tin nổi... Đúng là ác mộng.

- Ối dào, chuyện mộng mị tin làm gì!

- Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng cứ như ngoài đời thật vậy…

- Thôi, bà ăn nhanh đi! Chương trình hôm nay còn rất nhiều việc, bà văn sĩ chắc sắp đến bây giờ. Người đâu mà nhiệt tình thế!

Bà Trúc Quỳnh chợt ngẩng đầu lên và nhìn thẳng vào mặt chồng.

- Có lẽ … hôm nay tôi ở nhà thôi, ông cứ đi một mình...

- Sao lại như thế được? Hay đêm qua bà mơ thấy điềm gì không lành? Bà có biết rằng tất cả các phần thưởng vinh dự này, tôi làm chỉ vì bà không? Lâm Quang nói, giọng đột ngột trở nên cáu giận – Bà có nhận ra điều đó không hay cố tình làm ngơ? Chả nhẽ, giữa chỗ đông người này, chúng ta lại cãi cọ nhau thì còn ra thể thống gì . Bà có biết bao diễn viên trẻ đẹp, tài năng ghen tỵ với chuyến đi của bà lần này hay không?

Lâm Quang đặt mạnh chiếc tách sứ đang uống dở xuống bàn khiến nước cà phê nâu sẫm sánh cả ra khăn bàn trắng tinh có thêu những bông hồng nổi. Vết ố loang rộng ra bên cạnh bàn tay cục mịch với những ngón ngắn tun hủn, hơi run run của ông.

- Trong làng điện ảnh, không phải ai cũng dễ có được trải nghiệm những giây phút vinh quang như tôi với bà hôm trao giải. Cuộc đời con người ta, những giây phút đó chỉ diễn ra không quá một lần đâu, bà có hiểu không?

- Nhưng ông có biết, chính trong những giây phút đó, tôi nghĩ gì không? Bà Trúc Quỳnh bất ngờ hỏi lại, trong ánh mắt và giọng nói có một cái gì đó khác thường.

Đạo điễn Lâm Quang hơi chột dạ và im bặt.

- Trên bục danh dự, đáng lẽ còn phải có một người nữa... chắc ông cũng hiểu ý tôi muốn nói tới ai? Vậy mà ông không hề nhắc tới và hình như cũng không muốn nhắc tới con người đó. Mặc dù, ông đã sử dụng những thước phim vô giá đã thấm máu anh ấy, những thước phim mang lại cho ông giải thưởng quốc tế này...

Bà Trúc Quỳnh bật khóc, khiến mấy vị khách ngồi bàn bên cạnh quay cả lại nhìn chẳng hiểu chuyện gì.

- Tôi già rồi... nên cũng chả cần phải che dấu tình cảm thật của mình. Nhưng tôi không thể im lặng mãi được trước cái lối cư xử vô lương tâm ấy của ông...

Khuôn mặt của đạo diễn Lâm Quang trắng nhợt ra như chiếc khăn trải bàn.

Ông từ từ đứng lên với ánh mắt thất thần như thể bất ngờ chợt nhận ra người đang ngồi trước mặt ông đây, hàng chục năm nay vẫn đeo một chiếc mặt nạ và đóng một vai diễn với chính ông. Lâm Quang bất ngờ gạt mạnh tay một cái khiến cốc chén rơi vỡ tan tành trên nền nhà, rồi loạng choạng ôm lấy ngực bước về phía cửa trước bao cặp mắt nhìn theo kinh ngạc của những người đang ăn trong phòng…

Nữ thi sĩ Pháp xoay xoay chiếc ổ khóa trong ngón tay trỏ, mắt ngước lên phía cửa sổ căn phòng trên tầng 7 của khách sạn Majetic. Vẻ bồn chồn, bà hết nhìn đồng hồ lại đứng lên ngồi xuống chiếc ghế dài ở ngay cổng. Bỗng, từ ngoài đường vọng vào tiếng còi xe cấp cứu. Ngay sau đó, bà nhìn thấy chiếc đèn hiệu khẩn cấp màu xanh quay tít trên mui xe thấp thoáng sau rặng cây thông. Một thoáng lo lắng vụt qua tâm trí như mỗi khi nhìn thấy chiếc xe đó nổi còi chạy trên đường phố Paris. Chiếc xe vừa lùi đít vào cổng khách sạn thì bà trông thấy Trúc Quỳnh hớt hải từ trong tầng trệt chạy ra.

Chiếc ổ khóa tuột ra khỏi ngón tay của bà và rơi xuống nền đá lát đường, phát ra một tiếng “cạch” khô khốc.

*

Nghề văn có họ hàng ruột thịt với nghành khảo cổ. Từ một mẩu xương, tái tạo nên một con người. Từ bình gốm vỡ, trả lại cả một nền văn minh. Một truyện ngắn chào đời từ một câu nói vô tình và cả một cuốn tiểu thuyết được xây dựng từ mẩu tin tình cờ đọc được trong tờ báo gói đồ ăn sáng. Song, thực tế cuộc sống được phản ánh sinh động nhất và dễ làm rung động lòng người nhất lại thuộc về thể loại văn học hồi ký, nhất là những hồi ký không được công bố mà chỉ truyền tay nhau đọc. “Phim trường - Chốn bon chen khốc liệt” là dạng hồi ký như vậy của nữ diễn viên gạo cội Trúc Quỳnh

Chúng ta hãy cùng nhau lật giở những trang đánh máy lem nhem, quăn mép và đầy những dấu gạch chân hay dấu hỏi bên lề của bao người đã cầm cuốn hồi ký không bình thường này trong tay. Chương XXIII. Ai đó đã dùng bút bi đỏ khoanh tròn lại, chứng tỏ đây là một chương đáng được chú ý.

Paris. Thật khó diễn tả nổi những cảm xúc đầu tiên khi đặt chân tới thủ đô của nước Pháp. Một cái gì đó rung động, hồi hộp giống như đến với cuộc hò hẹn đầu tiên với anh ấy vậy. Nhưng có lẽ, hào quang của văn hóa Pháp qua bao thế kỷ là tác nhân chính tạo nên cảm giác này. Lúc máy bay hạ cánh xuống sân bay De Gaulle, không hiểu sao trong đầu tôi lại nảy ra một suy nghĩ “đáng lẽ, người ngồi bên cạnh tôi đây phải là anh Nam chứ không phải ông ấy”. Sao ông trời lại bất công đến như vậy? Kể cũng thật là khủng khiếp, không biết trong cuộc đời thật có người phụ nữ nào giống tôi không, hàng chục năm trời sống với một người mà trong đầu vẫn cứ vương vấn đến một người đàn ông khác. Có lẽ, đây mới là vai diễn khó khăn nhất, có thể gọi là vai “chung thân” trong nghiệp diễn đầy sóng gió của đời tôi. Rất nhiều nữ diễn viên trẻ ghen tỵ với vai trò “vợ đạo diễn”. Đúng là “ trẻ người non dạ” như chính bản thân tôi hơn bốn chục năm trước. Nhưng con người tôi đâu có đủ can đảm để bước ra khỏi cái vòng cám dỗ đó, mặc dù đã nhiều lần rắp tâm. Tôi chỉ có một lối thoát duy nhất – đó là chui hẳn đầu vào các vai diễn để quên đi thực tại. Đối với tôi, điện ảnh chính là Tôn giáo. Nó đem lại niềm vui sống, nghị lực. Nó an ủi và che chở, làm cho tôi lấy lại được cân bằng trong cuộc sống gia đình.

Thật không ngờ, chuyến đi Paris lần đầu tiên này lại là màn chót của vở diễn ngoài đời mà tôi thủ vai chính.

Không hiểu sao, tôi vẫn tiếc là trong chuyến đi này không kết hợp tổ chức được triển lãm những bức tranh vừa ký họa vừa sơn dầu của anh Nam về giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh sau Tết Mậu Thân năm 1968 tại Trị Thiên và Tây Nguyên. Anh ấy có một cái nhìn về chiến tranh không giống phần đông các nghệ sĩ khác trong Xưởng phim, chính vì thế mà cấp trên không ưa. Bằng con mắt của người họa sĩ, các thước phim anh quay về chiến tranh rất độc và lột tả được sự khốc liệt đến vô nghĩa của cuộc chiến. Tính tình anh lại quá thẳng, không ưa ai là anh bộc lộ ra mặt. Có người nói rằng những ai có vợ đẹp thường bị cấp trên trù úm. Sự ghen tỵ của những con đực trong bầy đàn. Anh Nam có ước mơ một ngày nào đó được đem tranh và phim của mình đến Paris để triển lãm. Ngày ấy đã đến, nhưng anh đã không còn. Tôi đã đặt vấn đề nhiều lần. Ông ta ngoài miệng thì làm ra vẻ tán thành, cổ vũ nhưng bên trong lại tìm cách ngăn cản, vin vào lý do tài chính không cho phép. Tôi thực sự ghê tởm con người ấy và cũng ghê tởm luôn cả chính mình vì đã lấy ông ta chỉ vì nghĩ đến con đường tiến thân của một diễn viên. Sắc đẹp có nhưng thân cô thế cô, từ một vùng quê nghèo lên Hà Nội lập thân. Nói chính xác là chân vẫn còn dính đầy bèo tấm, tóc còn lẫn cả bụi trấu và nghe điện thoại báo giờ tự động vẫn cảm ơn rối rít.

Câu chuyện của nữ thi sĩ Pháp Marielle trên cầu Tình yêu bắc qua sông Seine khiến tôi xúc động. Đúng là nghệ sĩ lớn, họ đứng trên cả các tham vọng chính trị tầm thường và hướng tới những giá trị vĩnh cửu. Trên đường trở về khách sạn, tôi cứ bị ấn tượng của câu chuyện và liên tưởng tới cái chết của anh Nam. Một cái chết mà ngay từ giây phút nhận được tin đầu tiên, tôi đã linh cảm có một cái gì đấy oan nghiệt. Tôi chỉ linh cảm được thôi, khi chứng kiến cảnh ông ấy, sau chuyến đi công tác Tây Nguyên trở ra, đặt lên trên bàn trong phòng cán bộ của Xưởng phim mấy thứ đồ dùng tùy thân còn lại của anh: chiếc bi đông nước, khăn quàng do tôi mua tặng, chiếc ba lô bị thủng mấy chỗ do mảnh bom và cuốn tiểu thuyết Phục Sinh của Tolstoy bị cháy nham nhở. Quan trọng nhất là chiếc máy quay phim của anh mà bây giờ vẫn còn được lưu giữ trong phòng bảo tàng của ngành Điện ảnh. Lúc đó, tôi đã ngã ra và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, đầu tiên là tôi thấy khuôn mặt ông ấy đang nhìn xuống. Đôi mắt của ông ta lúc đó, trong một khoảnh khắc, tràn đầy niềm vui sướng kiêu hãnh như của một con thú trong mùa sinh sản sau khi đã hạ gục được tình địch. Phải hàng chục năm sau tôi mới tình cờ hiểu được ánh mắt của ông ta lúc đó, trong một cơn mơ, ông đã thốt ra những câu: “Mày nằm lại đây thôi, đằng nào cũng chết!”. Tôi bỗng nảy ra nghi ngờ cái kịch bản mà ông ấy bày đặt để báo cáo với Ban giám đốc Xưởng phim về chuyến công tác Tây Nguyên mùa mưa năm 1968. Thật kinh khủng! Chưa một vai diễn nào trước đó của tôi sánh được. Nhiều lần, trong đầu tôi đã mơ hồ nảy ra ý định và kế hoạch giết ông ta để trả thù cho một tội ác không có bằng chứng. Nhưng đứa con chung với ông ấy đã chặn bạn tay tôi lại. Nhưng rồi, chính tại Paris, cái ý định giết chồng của tôi đã trở thành hiện thực. Nó xảy ra quá nhanh ngoài sức tưởng tượng. Đêm hôm đó, trong khách sạn Majetic tôi đã nằm mơ thấy anh, hay nói đúng hơn như được xem một cuốn phim quay chậm về cái chết của anh. Tôi không biết lý giải việc này như thế nào, đó là kết quả của hàng chục năm ám ảnh, dằn vặt, trăn trở vì xác anh mất tích hay thực sự có một mối liên hệ nào đó giữa hai thế giới Âm và Dương?

Vừa chợp mắt, tôi bỗng nghe thấy tiếng cồng tiếng chiêng, rồi hiện lên cảnh những bản làng người dân tộc trong một ngày hội, rồi có tiếng máy bay gầm rú, những cột khói đen sì bốc cao, lửa cháy khắp nơi, những thân hình trần truồng chạy toán loạn, tiếng gào khóc của một đứa trẻ đang ôm lấy bầu vú rỉ máu của một người đàn bà cụt đầu… Không hiểu sao lại xuất hiện hình ảnh bức tranh Guernica của danh họa Picaso đang bốc cháy, rồi những lò thiêu người ở Ôxvenxim... có tiếng thở hổn hển của ai đó như đang bị rượt đuổi… tiếng mưa trút tầm tã kèm theo cả sấm chớp, rồi… một tiếng súng đanh gọn và khô khốc vang lên. Những vòm cây xà nu quay tít. Bóng một người đàn ông đang ôm máy quay phim lảo đảo ngã vật xuống vũng đất lầy lội. Tôi bỗng nhận ra anh Nam qua chiếc khăn quàng mà tôi mua tặng anh hôm đi tiễn. Tôi gào lên khi thấy anh từ từ bay lên trời, về phía những đám mây trắng đang bồng bềnh trôi. Anh quay lại cười với tôi và giơ tay vẫy. Bỗng, ông ấy xuất hiện, trong tay cầm một khẩu súng ngắn nòng vẫn còn bốc khói. Ông ta tung khẩu súng lên cao và cất tiếng cười đắc thắng. Tôi chợt nhìn thấy đôi mắt của ông ấy chính là đôi mắt mà bốn chục năm trước đã nhìn xuống tôi khi tôi ngất đi trong Phòng cán bộ của Xưởng. Tôi chỉ thẳng vào mặt ông ta, hét lên “Ông là kẻ giết người!” và choàng tỉnh. Từ ngoài cửa sổ căn phòng ngủ của khách sạn, vọng vào tiếng chuông du dương của lễ cầu nguyện buổi sớm tại một nhà thờ ở gần đó…

*

Trong mục tin vặt của tờ Le Post ra chiều thứ bảy ở Paris có đăng một mẩu tin trên trang cuối: “Một số nhân chứng đã kể lại cho cảnh sát viên điều tra rằng bà già trước khi nhảy từ trên cầu Tình yêu xuống sông Seine tự tử còn kịp móc lên thành cầu một chiếc ổ khóa lớn có in hình hai trái tim hồng. Phải chăng, đây là Une femme Amoureuse?(*) một vụ tự tử vì tình như hàng trăm vụ vẫn diễn ra hàng ngày tại thủ đô? Việc xác minh danh tính của nạn nhân đang được tiến hành”...

Vũ Tuấn Hoàng

(*) Người đàn bà đang yêu

30/12/12

Chúc mừng nhân dịp năm mới 2013


CHÚC MỪNG NĂM MỚI
2013

Sang năm Mới chúc gia đình ANH / CHỊ mạnh khỏe và hạnh phúc!

Hà Dũng (Kiev, Ukraina.)


26/12/12

Tham dự Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu



Vũ Quốc Hùng

Theo lời mời của các anh Khánh Hoài, Khánh Châu, chiều 8/12 chúng tôi gồm 3 người Khánh, Đặng Nam, Quốc Hùng đã đến dự Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu, tổ chức tại nhà Nhà lưu niệm Tố Hữu, Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Ngay ngoài cổng đã thấy anh Khánh Hoài, Khánh Châu com lê cà vạt trang trọng, luôn tay bắt tay, tươi cười chào đón khách đến. Chọn chỗ ngồi và chúng tôi thấy Khánh Như ngồi ghế đằng trước. Sân khấu được bài trí với nền là bài thơ "Tạm biệt" nổi tiếng, bằng chính nét bút của tác giả:

Tạm biệt đời ta yêu quý nhất,
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất,
Sống là cho, Chết cũng là cho.

Bài thơ "Tạm biệt" làm nền cho sân khấu

Trong số đại biểu tới dự chúng tôi nhìn thấy có chú Hà Đăng (nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân), chú Đặng Phương Nam.

Sau khi buổi lễ bắt đầu, xen kẽ giữa những bài phát biểu của Giáo sư Hà Minh Đức, của nhà thơ Trần Đăng Khoa, của con gái nhà thơ – chị Thanh Hoa (vợ Khánh Châu) là phần trình diễn những bài thơ để đời của nhà thơ Tố Hữu như: Khi con tu hú, Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du. Người đọc thơ đọc thật hay, tôi nói: Chuẩn như trên đài ý nhỉ. Khánh bẹt trả lời: Ối giời ơi NSƯT Trọng Thủy đấy. Mình nghe thơ trên đài là giọng của tay này đấy. Trên sân khấu còn nhiều bài hát phổ thơ của Tố Hữu như "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”, “Mưa rơi”... được các nghệ sỹ nổi tiếng trình bày đầy cảm xúc.

Trần Đăng Khoa, áo sáng màu, bước phía trước chú Hà Đăng

Là người rất gần gũi với nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Trần Đăng Khoa (TĐK) đã kể lại nhiều đối thoại giữa hai người, những lời bình thơ Tố Hữu của TĐK được hoan nghênh nhiệt liệt. Có chị ngồi trước chúng tôi, khi TĐK trích dẫn “Bến phà dào dạt bến nước Bình Tha” đã nói ngay: Sai rồi, “Bình Ca” chứ. Nhưng thế cũng đúng như TĐK nói “Tố Hữu là nhà thơ có nhiều tác phẩm còn sống tới ngày nay và được rộng rãi công chúng thuộc nhất”.

Tôi xin gửi kèm theo bản “tốc ký” bài nói của nhà thơ TĐK tại buổi lễ, mời các bạn chia sẻ.

VQH
_____

Bài nói chuyện của nhà thơ Trần Đăng Khoa
tại Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu

… Tôi đi đâu cũng đọc thơ Tố Hữu (TH) nhất là ở các vùng phía Bắc, ở đâu cũng thấy thơ TH hiện hình, về Thái Nguyên:

Suối ngàn xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn.

Về Việt Bắc, thấy một ánh trăng nhô lên đồi thôi:

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương.

Rồi qua một bến phà:

Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát
Bến phà dào dạt bến nước Bình Ca.

Tôi đã đến Bình Ca đó rồi, nó bé lắm, nhưng đúng là nước nó dào dạt, nó mát mát. Có thể nói ở đâu trên các tuyến phía Bắc về qua những con đèo lại thấy:

Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng Đèo Khế gió sang...

TH là người có biệt tài, có thể nói là vô địch, đưa các địa danh vào thơ. Tôi rất tâm đắc khi có người nói TH là nhà sử học ghi chép lịch sử bằng thơ, cứ mở thơ ông ra là thấy, ta thấy những bước thăng trầm lịch sử nước nhà. Chiến dịch Điện Biên bao nhiêu ngày? Xin thưa:

Năm mươi sáu ngày đêm
Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt.

Chiến dịch mở vào ngày nào? Xin thưa là bắt đầu vào mùa mưa:

Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!

Hoặc nhân dân tiếp vận bằng gì? – Đấy là thồ, gánh:

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát.

Hay là về người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (NVT) chẳng hạn. Gần đây tôi có đến xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam quê hương NVT, tôi hỏi mà nhiều người không biết NVT, thấy buồn vô cùng. TH đã ghi lại toàn bộ 9 phút lịch sử NVT ra pháp trường như thế nào, ông có tài đưa cả khẩu hiệu vào thơ, ví dụ:

Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!

Đó là 3 câu khẩu hiệu người anh hùng NVT đã hô trên pháp trường, nhưng ngay sau 3 câu khẩu hiệu đó TH đã hạ bút 1 câu thơ tài tình vô cùng:

Phút giây thiêng Anh gọi Bác 3 lần!

Chỉ một chữ “gọi” thôi mấy câu khẩu hiệu kia không còn là khẩu hiệu nữa, mà ta ứa nước mắt về giây phút cuối của NVT.

TH là nhà thơ rất bản sắc. Nói khen ông thì thấy buồn cười, thừa thãi, nhưng cứ đi vào các đề tài cụ thể ta thấy ngay. Ví dụ viết về Huế, đúng Huế luôn. Mặc dù có những nhà thơ, có cả những tập thơ về Huế: “Huế đẹp và thơ”, nhưng xin hỏi thơ nào đặc trưng Huế nhất? Xin thưa với các bác không ai hơn TH:

Mây núi hiu hiu chiều lẳng lặng
Mưa nguồn gió biển nắng xa khơi.

Huế vô cùng!

Anh Nguyễn Trọng Tạo có 2 câu thơ rất hay:

Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say.

Rất hay, nhưng thưa với các bác đấy là câu thơ hay viết về rượu chứ không phải viết về Huế. TH còn có 2 câu hay nữa:

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.

Hay vô cùng, tài vô cùng, nhuần nhuyễn vô cùng. Mà mưa là m m, xối xả là x x, trắng trời là tr tr, Thừa Thiên là th th.

Ngay sau khi ông mô tả về trận Điện Biên Phủ, ông kết bằng 2 câu thơ:

Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.

Các bác có thấy không, hoàn toàn là mầu sắc: hồng, lam, trắng, cam, vàng, như là một vòng hoa nhiều màu, mà đây là các địa danh đấy chứ.

Hay là đơn cử về tù thôi, chúng ta có rất nhiều nhà thơ viết về tù. Bác Hồ có mảng thơ đặc sắc viết về tù là Nhật ký trong tù, TH cũng có cả mảng thơ về tù gọi là Xiềng xích. Ông bảo tôi sau này có chọn thì chọn Con cá chột nưa. Nhưng không phải, theo tôi có 3 bài đặc sắc nhất, cao thủ nhất, không phải “Con cá chột nưa” đâu, là bài Nhớ đồng, Tiếng hát đi đầy và Khi con tu hú. Bài Khi con tu hú viết về tù mà lại chả có một chữ tù nào.

Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...

Đó là những khoảnh khắc hiện lên trong tâm trí người tù, hiện lên bắt đầu từ tiếng kêu của con tu hú. Người tù trong tù không nhìn thấy, chỉ nghe thôi:

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...

Âm thanh diều sáo lọt vào trong tù, đánh thức người tù dậy:

Ta nghe hè dậy trong lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi.

Ta thấy sự sôi sục của người tù, báo hiệu cho những chuyển mình mạnh mẽ.
Trong một bài thơ rất hay là bài Tiếng hát đi đầy có câu: “quấn áo chen chân” nhưng ta ghi nhầm là “quần áo chen chân”. Bác Xuân Diệu cũng nhiều lần bình về bài thơ này nhưng ông cứ băn khoăn tại sao lại “quần áo chen chân”. Gần đây khi chúng ta kỷ niệm nhà thơ TH do Ban Tuyên giáo TW, Ban Tổ chức TW tổ chức, anh Vũ Quần Phương cũng có nói, quần áo có chân đâu mà chen cái chân. Tôi xin thưa đấy là “quấn áo chen chân”. Bác Xuân Diệu đã phát hiện đấy là cái áo, đúng ra là cái áo của người tù, áo người tù không mặc được. Theo lời kể của Tổng Bí thư Lê Duẩn, các đồng chí lên pháp trường có manh áo là để lại cho bạn tù, thậm chí miếng cơm cuối cùng của đời mình trước khi lên máy chém cũng để lại cho người sau ăn để có sức chiến đấu, mình ra pháp trường với tấm thân không:

Chết còn trút áo cho nhau
Miếng cơm dành để người sau ấm lòng.

Tấm áo ấy không mặc được mà phải quấn vào người, quấn áo chen chân là như vậy.
Có thể nói TH là nhà lịch sử bằng tranh, chép sử bằng thơ. Ông có nói với tôi như thế này: Bác Hồ mất vào ngày 2/9, nhưng ta không thể công bố lúc bấy giờ do hoàn cảnh. Nhưng mình là nhà thơ phải cho mọi người dân được biết sự thật, nhưng mình nói như thế nào? Sau khi Bác mất TH hạ một câu:

Trời thu xanh ngát sáng Tuyên ngôn.

Thế là biết Bác mất 2/9 rồi!

Xin thưa với các bác là TH còn là nhà thơ đi trước thời đại, đặt tên TP HCM ai là người đầu tiên? Đó là TH, bởi vì ngay từ 1954 ông đã gọi Sài Gòn là TP HCM rồi:

Ai vô thành phố
Hồ Chí Minh
Rực rỡ tên vàng.

Và 18 năm sau, mùa hè 1972 Chế Lan Viên nhắc lại ý này:

Một Thế hệ Hồ Chí Minh, ấy là lực lượng
Một Tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là phương hướng
Một Thành phố Hồ Chí Minh, là đích phía chân trời…

Ba câu thơ Chế Lan Viên có thể xem như kim chỉ nam cho Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Rồi mãi đến năm 1976 chúng ta mới đặt tên TP HCM.

Hay là TH cũng là người hy sinh rất nhiều. Ví dụ bài Ta đi tới có 2 câu:

Sông Thao sóng đỏ bồi hồi
Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền.

Nguyên bản ông viết như thế, nhưng hồi đó Bác Hồ có nói: Này chú ơi, sao ngày giải phóng lại buồn thế, sao lại “bồi hồi”? TH nói: thôi mình cũng làm để Cụ vui:

Sông Thao nao nức sóng dồi
Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền.

TH đã tâm sự với tôi về điều đó, và có nói: sau này có khi chú cứ khôi phục lại rồi thêm một đoạn ghi chú là ý Bác Hồ như thế nào để cho thế hệ sau này biết là Bác cũng đúng mà TH cũng đúng. Vì sau chiến chiến thắng có nhiều điều ngùi ngẫm lắm, bao đồng đội nằm lại trên đường, bao nhiêu nhân dân đã hy sinh dọc đường nên “bồi hồi” là đúng.

TH như là nhà sử học, nhà chép sử bằng thơ, người thư ký của thời đại. Có thể sau này cũng như các nhà thơ khác, nhiều bài thơ sẽ bị thời gian quên lãng, nhưng những gì còn lại của ông – một trong những nhà thơ còn lại thơ nhiều nhất, những vần thơ của ông vẫn còn đồng hành cùng dân tộc.

Ngày 8/12/2012
Tại Làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội

15/12/12

Hồ sơ - Tư liệu: 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”


Báo Thời Nay số 302, 303 có loạt bài

Nhân kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ trên không:

 

Bốn bức ảnh độc đáo của Trịnh Hải

 

Đặng Minh Phương

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải được đông đảo người biết qua hằng vạn tấm ảnh ông chụp hơn nửa thế kỷ được đăng trên báo và trưng bày trong nhiều cuộc triển lãm của Hà Nội và toàn quốc. Là phóng viên Báo Nhân Dân, ngoài nhiệm vụ chính là thường trực chụp ảnh thời sự chính trị ngoại giao, Trịnh Hải có dịp đi nhiều nơi trên khắp đất nước, chụp nhiều mặt trong cuộc sống muôn mầu của nhân dân, nhất là từ khi về hưu. Nay ở tuổi 80, ông mới dành thời gian sưu tập thành mấy bộ ảnh với các đề tài “Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, “Chân dung”, “Phong cảnh”, “Cuộc sống muôn màu”.

Giữa đống đổ nát ở bệnh viện Bạch Mai, Giáo sư bác sĩ Trần Hữu Tước xót xa kể lại những mất mát...

Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông có hằng loạt ảnh bộ đội, dân quân từ miền núi phía bắc đến Vĩnh Linh luyện tập, chiến đấu, nhân dân miền bắc vượt qua bao khó khăn gian khổ trên mọi mặt trận kinh tế, văn hóa, xã hội, quyết tâm vì sự nghiệp giải phóng miền nam, bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc. Có thể kể những ảnh chỉ mình ông chụp được như “Trận địa pháo trên núi Quyết, “Nữ dân quân pháo bờ biển Thái Bình”, “Tự vệ thủ đô trực chiến trên tầng cao”, “Phân xưởng sơ tán” của Nhà máy cơ khí Hà Nội sản xuất trong lũy đất, nông dân đồng thời là dân quân vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Có những ảnh chưa lần nào được công bố làm người xem ngạc nhiên như ảnh “Chú bé 11 tuổi Trần Đăng Khoa đọc thơ trên trận địa pháo cao xạ”. “Sinh viên Trường Đại học Kinh tế kế hoạch bảo vệ luận án tốt nghiệp trong hầm” nơi sơ tán, bệnh viện Quỳnh Lưu có hầm sâu để mổ và đỡ đẻ, các cháu học sinh học nhóm trong hầm chữ A. vv…

“Ních xơn hủy diệt khối nhà - Giết người phá của lòng ta không sờn!

Bốn ảnh rút trong tập “Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của Trịnh Hải là những ảnh độc đáo nay mới đăng trên Báo Thời Nay vào dịp kỷ niệm chẵn 40 năm 12 ngày đêm sôi động hào hùng. Những ngày đó, quân dân thủ đô đã bắn rơi 82 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay chiến lược B52, bắt sống giặc lái. Tuy phải hứng chịu những loạt bom rải thảm man rợ, mất nhiều người và của, nhưng cuộc sống của người dân Hà Nội vẫn không hề nao núng xáo trộn. Đây là chiến thắng lẫy lừng đánh trả máy bay Mỹ làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Sau những hồi còi báo động và những loạt bom đạn, Trịnh Hải đã cùng với nhà báo Thép Mới, nhà văn Nguyễn Tuân, các nhà thơ Huy Cận, Chế Lan Viên có mặt kịp thời tại những địa điểm giặc Mỹ vừa gây tội ác giữa lòng thủ đô. Tại bệnh viện Bạch Mai, Trịnh Hải chụp giữa đống đổ nát, các nhà văn nhà báo nghe Anh hùng lao động Giáo sư bác sĩ Trần Hữu Tước xót xa kể lại những mất mát về người và các phương tiện y tế quan trọng để cứu người khi đó đã rất ít ỏi của bệnh viện. Một bức ảnh khác chụp ở Khâm Thiên, giữa đống gạch ngói tan hoang còn lại một bức tường. Trên tường, ai đó viết hai câu lục bát: “Ních xơn hủy diệt khối nhà (Chữ X được cách điệu thành dấu thập ngoặc phát xít) - Giết người phá của lòng ta không sờn”. Lởi thách thức viết thành thơ. Ở phố Yết Kiêu, Trịnh Hải cũng chụp được ảnh một cô mậu dịch viên đội mũ sắt bán hàng lưu động bằng xe đẩy sau khi có còi báo yên. Ba bức ảnh kể trên nói lên sự bình tĩnh và quyết tâm của người Hà Nội, dù đế quốc Mỹ có vũ khí tối tân vượt trội gấp nhiều lần, tàn ác đến mấy cũng không làm nhụt được ý chí của dân ta. Cũng ở ngõ chợ Khâm Thiên, Trịnh Hải lại chụp được một cảnh đến nay chắc ai xem cũng phải suy nghĩ. Đó là nhà số 13, cửa buộc dây thừng sơ sài, che bằng mảnh giấy nhỏ. Bên cạnh tường viết nguệch ngoạc vội vàng: “Nhà đi sơ tán. Tài sản vứt bừa. Mong dân phòng khối chú ý!”. Ôi! Sao mà ngày ấy tinh thần kỷ luật của người dân Hà Nội cao đến thế. Và người ta sống có nhiều khó khăn về chật chất mà tình đoàn kết, tương thân tương ái với nhau lại mặn mà đến thế. Lòng tin hoàn toàn gửi gắm nhà và tài sản cho anh em dân phòng. Trong hoạn nạn, cả nước một lòng chống giặc, sự đùm bọc nhau vô cùng cao cả, đẹp đẽ.

Sau tiếng còi báo yên

Được xem năm bộ ảnh rất phong phú về đề tài và thể loại của Trịnh Hải đang sưu tập, thấy rõ tình yêu nhân dân, đất nước, tài năng nghệ thuật và lòng say mê của tác giả. Riêng bốn ảnh chụp trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” nay mới được chọn lọc công bố, hẳn gây nhiều suy nghĩ cho người xem, xứng đáng là những tấm ảnh mãi mãi chứng minh cho lịch sử chống giặc, giữ nước của nhân dân thủ đô và cả nước.

“Nhà đi sơ tán. Tài sản vứt bừa. Mong dân phòng khối chú ý!”

_____

Hồ sơ - Tư liệu

40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

 

Ký ức về 12 ngày đêm sục sôi máu lửa

Phạm Thanh

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chẳng những là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta mà còn làm bạn bè quốc tế nức lòng ca ngợi. Dù đã qua 40 năm, nhưng các phóng viên của báo Nhân Dân - những người bám sát hiện trường, trận địa vẫn không quên những ngày sục sôi, tràn đầy lòng yêu nước và tinh thần quả cảm ấy.

Kỳ 1: “Thúc đẩy hòa bình” bằng dội bom rải thảm


Cuối năm 1972, dù Kissinger tuyên bố “hòa bình trong tầm tay”, song dự đoán về sự thất bại trong đàm phán Hiệp định Paris theo các yêu cầu của phía Mỹ, ngày 14-12-1972 Nixon gửi tối hậu thư tới Chính phủ Việt Nam yêu cầu trong 72 giờ phải quay trở lại ký theo phương án do Mỹ đề xuất, nếu không sẽ ném bom lại Bắc Việt Nam. Và 19 giờ 30 phút ngày 18-12-1972, còi báo động từ Nhà hát Lớn - Hà Nội vang lên, kéo dài đến mức để dân chúng Thủ đô biết cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ đã leo thang đến mức trầm trọng. Cùng lúc, trên đài Đài Phát thanh Hà Nội vang lên giọng đọc dõng dạc, xúc động, nghiêm trang của nữ phát thanh viên Hoa Kim Dung: “Đồng báo chú ý, nghe lệnh của Chủ tịch Hội đồng phòng không thành phố. Giặc Mỹ có âm mưu điên cuồng đánh phá Hà Nội. Khi có báo động mọi người nhất thiết phải xuống hầm, không ai được đi lại đứng ngồi trên mặt đất!”.

Nghe đài xong, tôi gọi ngay dây nói lên Đài quan sát phòng không đặt trên nóc tòa nhà Ngân hàng Nhà nước, xem có thông tin gì mới. Anh Tín, A trưởng trinh sát của Bộ Tư lệnh Phòng không Thủ đô trả lời gấp gáp: “Bò đen sắp vào Hà Nội, lên ngay đi”. Vậy là nhóm phóng viên chiến tranh nhanh chóng lên xe thường trực phòng không, vọt ra khỏi trụ sở báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hà Nội).

Đường phố lúc này vắng ngắt. Hà Nội luôn cảnh giác, hơn 500 nghìn người già trẻ, và tất cả các trường học đã đi sơ tán. Số người còn lại hoặc đã xuống hầm, hoặc đang trực chiến trên trận địa, chỉ còn những ai cần làm nhiệm vụ như chúng tôi mới được phép lưu thông trên mặt đất. Buổi chiều đông lạnh giá không còn yên ắng nữa. Điện tắt. Bom đạn đã nổ. Sấm gầm chớp giật nổi lên bốn phía Hà Nội. Xe chúng tôi bị hơi bom có lúc xô dạt vào vỉa hè. Vốn chúng tôi quen biết với điểm hẹn Đài quan sát phòng không, anh bảo vệ nhanh chóng đẩy cánh cửa cho chúng tôi chạy lên đài quan sát.

Anh Tín rồi cả anh Chính - A trưởng trinh sát cho Bộ Tư lệnh phòng không Hà Nội, cho biết: Bò đen là ám hiệu B52. Những loạt bom nổ vừa rồi chỉ là của bọn tiêm kích đánh vỗ mặt nhằm làm cho ta lạc hướng. Còn những “thiên thần hắc ám pháo đài bay” đang bay trên độ cao 10 nghìn mét sắp vào. Thế là con chủ bài B52, “lực lượng răn đe” của Mỹ đã được huy động vào chiến dịch tổng lực của Không lực Mỹ tập kích vào Hà Nội và châu thổ sông Hồng. Trận đụng đầu lịch sử thế là đã khai màn!

Trên đài quan sát hôm ấy, chúng tôi nghe những chiến sĩ trinh sát liên tục báo hướng các tốp B52, liên tục báo tên lửa của ta bay về hướng đông, hướng nam máy bay ta xuất kích; pháo tầm cao của ta gầm lên. Trời Hà Nội nổi cơn thịnh nộ, lưới lửa của ta đánh bung đội hình máy bay Mỹ dù nó ở tầm cao hay tầm thấp. Đêm 18-12 ấy, B52 đã rải thảm nhiều đợt bom xuống Đức Giang (Gia Lâm); Uy Nỗ - Cổ Loa (Đông Anh). Cũng trong đêm ấy, ba B52 bị bắn cháy, xác tan vỡ thành những cụm lửa chao đảo, nhào lộn ngay trên những mảnh đất, nơi chúng vừa gây tội ác.

Suốt đêm thức trắng theo dõi những điểm bị bom B52 trút xuống xen kẽ những trận hợp đồng đánh trả, sáng hôm sau 19-12, nhóm phóng viên báo Nhân Dân gồm tôi và các anh Đỗ Quảng, Trần Quỳnh, Văn Bang vội lên Uy Nỗ và những nơi B52 rơi. Khó mà tưởng tượng nổi, mới buổi chiều hôm trước những cánh đồng lúa đông - xuân và rau màu của hai xã Uy Nỗ, Cổ Loa còn xanh mơn mởn, vậy mà buổi sáng hôm sau đã tan hoang với hơn 5.000 hố bom dày đặc, chi chít. Nhà cửa tan nát, bị dập vùi, san bằng. Hàng chục người chết và bị thương do trận bom trước, chưa kịp chôn, thì loạt bom thứ hai, thứ ba thả xuống làm bay mất xác. Một vệt bom cắt chéo qua ba vòng thành Cổ Loa, tàn phá nặng nề một di tích lịch sử của nước Việt Nam.

Tội ác chồng chất tội ác, sau Uy Nỗ - Cổ Loa, B52 đánh sâu vào nội thành. Vào hồi 5 giờ 15 phút, ngày 21-12, cả khu lao động An Dương bị bom B52 rải thảm, gây nên cái chết của 135 người, và làm bị thương 126 người, có 10 gia đình không còn ai sống sót. Vào hồi 3 giờ 15 phút, ngày 23-12, B52 lại rải thảm hàng trăm quả bom xuống ga Hàng Cỏ, bệnh viện Bạch Mai - một cơ sở chữa bệnh và nghiên cứu khoa học lớn nhất nước ta thời đó, phá hủy hoàn toàn các cơ sở nghiên cứu và chữa bệnh, giết chết 28 người, gồm bác sĩ, y tá, sinh viên y khoa thực tập và bệnh nhân.

Vẫn chưa hết, đỉnh cao tội ác của không lực Hoa Kỳ đối với Hà Nội xảy ra hồi 22 giờ 30 phút ngày 26-12-1972, Mỹ dùng 30 lượt B52 trút bom rải thảm trong nửa giờ xuống phố Khâm Thiên (dài hơn một km, rộng hơn 50m) có hơn 60 ngõ hẻm chật chội, mật độ dân cư đông đúc hơn 30.000 người. Bom Mỹ đã giết hại 287 người, làm bị thương 290 người, trong số người chết có 40 cụ già, 91 phụ nữ, làm 112 cháu nhỏ lâm vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ; 534 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn, hơn 1.200 ngôi nhà khác bị hư hại nặng. Những con số thống kê như thấm đầy máu trong số ghi chép của của chúng tôi.

Trong cái đêm đau thương tột cùng ấy, xe phóng viên chúng tôi đến Khâm Thiên, phải dừng ở đầu phố vì gạch, ngói, bê-tông lấp kín đường vào. Điện không có, anh Đặng Dung, lái xe của báo bật đèn pha để lấy ánh sáng cho xe gạt, xe vào cứu thương, cứu sập, rồi khi xe chở quan tài đến, lần lượt chuyển vào… Anh em phóng viên cùng các lực lượng cứu hộ bới gạch đá, khiêng một số người chết, người bị thương gom vào từng khu trên vỉa hè mới được san gạt trước cửa số nhà từ 41 đến 51. Không gì có thể diễn tả nổi sự đau đớn và căm hận của chúng tôi lúc ấy.

Thành phố Hà Nội bị tàn phá nặng nề, nhưng người Hà Nội không suy sụp. Như nữ tự vệ Phạm Thị Viễn trong đội tự vệ bắn rơi tại chỗ máy bay F111 “cánh cụp cánh xòe” vào đêm 22-12 đã nói khi chúng tôi đến thăm trận địa bên sông Hồng: “Cha mẹ em đã bị bọn Mỹ giết hại. Em không để nước mắt làm nhòe mặt kẻ thù”. Tâm hồn người Hà Nội là thế. Phẩm chất anh hùng, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam, người Hà Nội là thế. Liệu đối phương có hiểu ra không? Tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt của nữ nghệ sĩ Mỹ Jane Fonda khi dứng trước cảnh đổ nát ở An Dương, Bạch Mai, Khâm Thiên khi chị nói “Xấu hổ cho nước Mỹ!”.
Còn nữa

Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã huy động bình quân mỗi ngày 140 lượt máy bay chiến lược B52, kết hợp với 30 máy bay F111 và từ 500 - 700 lần chiếc máy bay chiến đấu các loại khác. Hơn 100 nghìn tấn bom ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Riêng Hà Nội hứng chịu hơn 40 nghìn tấn bom hủy diệt 350 điểm dân cư, kinh tế, văn hóa, giáo dục, gây thương vong 2.579 người, hơn nửa trong số đó đã bị chết. Gây ra những tội ác như vậy mà vào ngày 19-12 năm ấy, người phụ trách báo chí của Nhà Trắng vẫn nói “đây là một cử chỉ thúc đẩy hòa bình”.

40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”

 

Ký ức về 12 ngày đêm sục sôi máu lửa

Phạm Thanh

Kỳ 2: Đòn trừng phạt

(Tiếp theo và hết)

Đánh phá Hà Nội, Mỹ chọn toàn loại B52 cải tiến, hiện đại, giá đắt gấp năm lần B52 thông thường. Mỗi máy bay có sải cánh 56,39 mét, trọng lượng cất cánh 217 tấn, mang theo 30 tấn bom. Vì đã được chỉ huy lên dây cót tinh thần: “Không sao đâu. Yên tâm. Bám đuôi nhau mà đi rồi về. Vào Hà Nội coi như đang cưỡi ngựa trên thảo nguyên. Sam 2 (tên lửa), Mig 21(máy bay) không làm gì được B52”, nên phi công Mỹ những tưởng sẽ không phải lo lắng khi bay vào “tọa độ lửa” Hà Nội. Nhưng mọi sự đâu như họ nghĩ…

Sáng 19-12, chúng tôi đến trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 7 - đơn vị đầu tiên bắn rơi tại chỗ B52. Đồng chí Đinh Thế Văn, phân đội trưởng cho biết: Suốt đêm 18, đơn vị của anh “đánh trắng hệ”. Bao nhiêu tháng luyện tập đánh B52, lần này mới có dịp thử sức. Bước vào trận đánh, thủ trưởng cấp trên chỉ thị: Bắn rơi tại chỗ B52 là trách nhiệm chính trị của bộ đội tên lửa chúng ta. Cho phát sóng truy lùng, gạt “sương mù” (máy bay chiến thuật ném bom, hoặc bay bảo vệ) ra, bắt chính xác “mây đen” (B52) là đối tượng chính. Các chiến sĩ radar của ta đã luyện tập khá thành thạo cách lọc nhiễu, không chỉ gạt “sương mù”, đánh tạt nhiễu sóng điện, còn gạt sạch nhiễu giấy bạc kim loại bao phủ cả trăm km2 trên bầu trời để tóm chặt B52 khi nó còn bé như con bọ gậy. Từ đó các chiến sĩ tiêu đồ dẫn nó đi cùng đường bay trên tấm bản đồ mica, đến lúc nó hiện hình to dần, tín hiệu rõ hơn là lúc sĩ quan điều khiển kíp chiến đấu Nguyễn Văn Đức nín thở ấn vào nút đỏ. Tên lửa phóng lên lao thẳng vào B52, đạn nổ, con “quái vật” tan thành trăm mảnh, rơi tại chỗ.

Trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F 111 và 42 máy bay chiến thuật khác. Riêng Hà Nội hạ 23 B52 và 3 F111.

Ngày 3-1-1973 đồng chí Lê Đức Thọ đáp máy bay sang Paris ký kết hiệp định hòa bình. Mỹ phải ngừng ném bom miền bắc, rút quân khỏi miền nam, trao trả tù binh. Từ đây cụm từ giặc lái Mỹ được gọi là “nhân viên quân sự Hoa Kỳ” được trao trả nhiều đợt cho Mỹ ở sân bay Gia Lâm- Hà Nội.
Đêm đầu tiên B52 vào Hà Nội gây tội ác, ngay lập tức chúng phải đền tội. Xác B52 rơi vãi trên đường làng ngõ xóm, trên đồng ruộng ngoại thành. Đến chân núi Đôi, phía Bắc Đông Anh, tôi nhìn rõ trên thân xác B52 còn có cái phù hiệu biểu tượng cho sức mạnh của Bộ Chỉ huy không quân chiến lược Hoa Kỳ, viết tắt là “SAC”. Chiếc phù hiệu ấy in đậm một nắm tay thép sơn màu đen, nắm chặt ba tia sét bên cành ô-liu!

Ngày 21-12, tôi đến Tiểu đoàn tên lửa 57 trong lúc B52 đang trút bom xuống Khu lao động An Dương trên bãi bồi sông Hồng. Bên cánh cửa xe điều khiển, người sĩ quan trẻ Nguyễn Đình Kiên bắt tay tôi, giọng nửa vui nửa ấm ức. Vui vì mới nhận được thông báo của cấp trên công nhận đơn vị của anh đã bắn rơi một B52. Ấm ức vì chiếc B52 ấy không rơi tại chỗ (nó có tám động cơ, dù có bắn hỏng bốn động cơ, nó vẫn cố bay ra biển). Vậy hôm nay thì sao? Kiên nói kíp chiến đấu đã rà soát mọi động tác, thao tác nào chưa thuần thục phải luyện đi luyện lại, bởi các anh biết rằng bắn rơi B52 tại chỗ có giá trị cao hơn nhiều. Toàn kíp vẫn ở chế độ trực chiến cấp 1, tức là mức báo động. Trận trước do nóng vội, trận này rút kinh nghiệm phải đánh ăn chắc. Mặc cho lũ máy bay chiến thuật hung hăng lao qua lao lại, vừa ra oai vừa che chắn tầng dưới cho B52, các chiến sĩ ta kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc B52 lọt vào tầm phóng, Nguyễn Đức Kiên mới ấn nút. Một B52 dính đạn bốc cháy chưa kịp biết nó rơi xuống nơi nào, thì mươi phút sau lại có báo động. Trong lúc xe điều khiển còn rung chuyển vì hơi bom ở An Dương, Kiên ấn nút phóng quả tên lửa thứ hai. Hai quả đạn bắn rơi tại chỗ hai B52 trong nội thành. Đòn trừng phạt thật đích đáng, nhân dân Hà Nội hả lòng, hả dạ.

Ba ngày liền 19, 21, 22-12 họp báo công bố số lượng hình ảnh B52 rơi tại chỗ đồng thời đưa những phi công lái máy bay B52 và nhiều loại máy bay khác bị bắt sống ở Hà Nội và các tỉnh chung quanh được đưa ra trình làng tại Câu lạc bộ quốc tế, Hà Nội.
Từ cánh đồng Phủ Lỗ (Đông Anh) dẫn về viên Thiếu tá Richard Edgar Johnson, hoa tiêu radar - kẻ đứng đầu danh sách phi công B52 bị bắt sống. Cùng bị bắt với Richard Johnson còn có viên phi công phụ lái, Đại úy William Thomas Mayor. Bốn phi công còn lại chết cháy trong máy bay. Đó là một kíp B52 từ căn cứ Anderson đến, chết bốn còn hai. Một kíp B52 từ Utapao đến, chết hai, bị bắt sống bốn trên cánh đồng An Khánh - Hoài Đức, gồm Thượng sĩ bắn súng máy Louis Edward Le Bland, Đại úy Henry Charles Browne; Viên hoa tiêu radar - Đại úy Robert Gland Shorten, và đặc biệt là Viên sĩ quan điện tử - Đại úy Richard Thomas Simpson. Các “cục cưng” của không lực Hoa Kỳ thành khẩn nói: Được phổ biến nhiệm vụ đánh vào Hà Nội, chúng tôi lo ngại nhìn nhau. Thế là hết Noel! Henry Charles Browne được giải từ Hà Tây về, đầu còn quấn khăn trắng che gần kín mặt, buồn bã than phiền: “Tưởng chiến tranh sắp chấm dứt, bỗng lại phải bay vào Hà Nội, thật đáng sợ lưới lửa của các ông. Chỉ huy chúng tôi nói Sam2 chả làm gì được B52, ai ngờ các ông đánh giỏi thế, chúng tôi bất lực về kỹ thuật”.

Trong 12 ngày B52 đánh vào Hà Nội và châu thổ sông Hồng, ngày nào phi công lái B52 cũng bị bắt sống, nhất là hai ngày 26, 27-12, hai ngày được coi là đánh đẹp nhất, chiến thắng nhiều mầu sắc nhất. Không chỉ tên lửa mà cả không quân ta phối hợp bắn rơi tại chỗ mười máy bay B52, bằng tổng số B52 bị bắn rơi tại chỗ từ ngày 18 đến 25-12. Đưa B52 vào sâu nội thành thì xác B52 vương vãi nhiều trên đường phố. Hai đêm ấy đạn pháo đất đối không của ta sáng rực bầu trời Hà Nội như sao sa, cùng đường đạn tên lửa vạch trời ngang dọc như chớp lóe. Tiếng máy bay ta ầm ầm xuất kích trở thành những âm thanh hào hùng không thể nào quên. Trong đêm 27-12, biên đội của Phạm Tuân và Hồ Oanh đã hạ gục chiếc B52 do Trung tá John Harry Yuill lái chính. Được lệnh cất cánh, biên đội Phạm Tuân băng qua các máy bay F4 chặn đường, lao thẳng về phía nam. Sở chỉ huy thấy Phạm Tuân đã vào khoảng cách tầm bắn có hiệu quả, ra lệnh: “Xạ kích! Thoát ly ngay bên trái!”, Phạm Tuân chỉnh đường ngắm, lao máy bay vào gần hơn: “Nghe tốt. Tôi bắn đây!” Một quả, hai quả đạn lao thẳng vào chiếc B52. Đó là lúc 22 giờ 30 phút. B52 bốc cháy rơi xuống theo chiều thẳng đứng. Thế là chỉ sau 20 phút tính từ khi cất cánh, chiếc MIG 21 của Phạm Tuân đã lập công oanh liệt, hạ cánh an toàn xuống sân bay trong niềm vui lớn của đồng đội. John Harry Yuill bị bắt sống, mặc áo kẻ sọc ngồi trong trại giam Hỏa Lò. Phi công có thâm niên 18 năm trong nghề, đã bay hơn 5.000 giờ, trong đó có 3.200 giờ bay B52 không biết đã nghĩ ngợi gì mà tha thiết xin gặp người lái MIG 21 đã hạ đo ván mình. Cấp trên để Phạm Tuân gặp và diễn lại cho anh ta biết một đường bay xuyên mây lên cao, thời điểm nào ấn nút phóng… John Harry Yuill chỉ còn biết gật đầu thán phục: Thật là một đường bay mưu trí, táo bạo và gan dạ!

Hai ngày 26, 27-12 năm ấy, những phóng viên chiến tranh ở khắp Hà Nội như chúng tôi hầu như không lúc nào chợp mắt, chiến sự diễn ra dồn dập, “bội thu” tin tức, tin nào cũng nóng hổi, hấp dẫn, lôi cuốn. Vừa đến Đuôi Cá, nhìn thấy xác B52, lại chạy ngay lên nhìn xác B52 khác nằm vật vã giữa đường Hoàng Hoa Thám và Công viên Bách Thảo, người lái chiếc máy bay này chết tại chỗ trên ghế lái. Rồi từ đấy, chúng tôi tạt sang Ngọc Hà ghi lại hình ảnh chiếc B52 chìm sâu trong ao, chiếc bánh xe của nó chổng ngược lên trời. Hết đến nơi B52 rơi, lại vội đến chỗ bắt sống giặc lái ở xã Bát Tràng, ở Bến phà Khuyến Lương, bãi đá Phương Liệt… Trong đêm giá buốt, mà chúng tôi trong lòng như có lửa nóng, bởi đã có dịp nào mà xe của chúng tôi lại được đi “hộ tống” giặc lái vào Hỏa Lò như thế này đâu. Lại được nghe viên Trung tá sĩ quan điện tử William Walter Conlee, không biết học tiếng Việt từ bao giờ mà nói khá rõ với đồng chí Trương Xuân Huy, thủy thủ Bến phà Khuyến Lương và hai đồng chí cảnh sát giao thông Đoàn Kim Tuyến, Nguyễn Đăng Đạt - những người đang ghì tay anh ta đưa lên xe cái câu: “Xin các ông tha chết!”

Chiều 28-12, số phi công B52 bị bắt sống, chưa kể một chục người bị thương, còn một chục người lành lặn được đưa ra họp báo. Sáng hôm sau 29-12, số này được đưa đến An Dương, Bạch Mai, Khâm Thiên… để ngắm nhìn “chiến tích” của họ. Họ ném bom ở điểm nào, ảnh của họ được phóng to đặt ở đấy. Họ cúi đầu thừa nhận: “Chúng tôi bị lừa”. Cuộc chiến này không sản sinh ra những anh hùng, cũng không sản sinh ra những bài ca chiến thắng cho nước Mỹ…

Niềm hy vọng cuối cùng của Nixon trông vào sức mạnh B52 đã tan thành mây khói. Thực tế quá đỗi cay đắng, ngày 28-12, Nixon gửi thông điệp, sốt sắng yêu cầu ta nối lại đàm phán ở Paris và đúng 7 giờ sáng 30-12-1972, Nixon ra lệnh ngừng ném bom bắn phá miền bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã thất bại hoàn toàn. Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt tám năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Những phóng viên chúng tôi hạnh phúc được là người chứng kiến và sống trọn vẹn trong niềm vui chiến thắng ấy.

14/12/12

Hà Nội - những tháng ngày sơ tán

Nguồn: Tuổi trẻ Online (tuoitre.vn)
Thứ Năm, 29/11/2012, 07:14 (GMT+7)

Hà Nội - những tháng ngày sơ tán - Kỳ 1:

Đồng bào chú ý!... Đồng bào chú ý!... 

 

TT - Những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc (1965-1972), đặc biệt là cao điểm 12 ngày đêm cuối năm 1972, hơn nửa triệu dân nội đô (xấp xỉ 50% dân số Hà Nội lúc đó) đã sơ tán về các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận để tránh thương vong.
Tròn 40 năm sau sự kiện lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, những người trong cuộc đã kể lại câu chuyện khó quên trong đời...
Trên chiếc bàn làm việc của thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên phó cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, chất đầy tài liệu liên quan tới cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Ông bảo ngoài lĩnh vực quân sự, việc ông quan tâm và dành thời gian tìm hiểu là cuộc sơ tán thần tốc của người dân Hà Nội trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất. “Nhờ làm tốt chủ trương này mà Hà Nội đã giảm thiểu được thương vong trước sức công phá ác liệt của các loại vũ khí hiện đại” - vị thiếu tướng đã bước qua tuổi 83 nói.
Tiếng còi từ hầm Bộ Tổng tham mưu
Trải tấm bản đồ về hành trình bay của những máy bay Mỹ trên bầu trời Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972, thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vạch chéo ngón tay ngang nút thắt miền Trung: Nó bay theo hai hướng, từ đảo Guam sang và từ một sân bay Thái Lan. Chuyến đầu tiên này Hà Nội biết trước được bốn giờ để chuẩn bị.
Còi báo động được bấm nút từ hầm Bộ Tổng tham mưu. Chiếc còi lớn tám loa đặt trên nóc tòa nhà Quốc hội sẽ bắt đầu réo lên. Rồi 15 chiếc còi khác trên toàn thành phố cũng đồng loạt báo động. “Mỗi hồi còi báo động thường kéo dài ba hồi. Khi có thông tin từ các trạm thông tin báo về thì tôi sẽ thực hiện lệnh bấm nút. Trong 12 ngày đêm không biết đã bấm nút bao nhiêu lần” - thiếu tướng Ninh nói.
Ông Trần Đức Thịnh (sinh năm 1943), một người lính có nhiệm vụ canh gác tại Bộ Tổng tham mưu (hiện sống tại Phú Bình, Thái Nguyên), lại nhớ về hình ảnh 12 ngày đêm khốc liệt bằng cách khác: “Nhiệm vụ của tôi hơi đặc biệt nên mỗi khi tiếng còi báo động cất lên thì tôi lại phải lên mặt đất chứ không được chui xuống hầm. Lẫn trong tiếng còi báo động là tiếng loa phát thanh khắp nơi: Đồng bào chú ý!... Đồng bào chú ý... Chỉ vài phút sau những tiếng còi là tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom rơi, đạn nổ, những vệt lửa sáng lóe giữa bầu trời. Nhưng khoảnh khắc ấy nhanh thôi. Khi tiếng còi báo yên cất lên là những đoàn người chui lên từ lòng đất. Lại hối hả với công việc dang dở bên những ngôi nhà bị sập và những đoạn đường bị bom cày”.
Ngày 19 và ngày 20-12-1972, từ Cửa Nam nhìn ra, từng dòng người ùn ùn rời thủ đô. Họ đi bộ, xe đạp và cả xe cút kít để chở người già và trẻ em.
Và các nẻo đường
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Ảnh: TẤN ĐỨC
Là một trong số không nhiều phóng viên của VN ghi lại trọn vẹn cuộc sống Hà Nội trong 12 ngày đêm cũng như hình ảnh chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi tại Phủ Lỗ, đạo diễn Việt Tùng (đạo diễn bộ phim Hà Nội Điện Biên Phủ) còn nguyên cảm xúc khi thực hiện những thước phim về 12 ngày đêm tang thương và hào hùng: “Sau loạt ném bom đêm 18-12-1972, mọi ngả đường của Hà Nội rùng rùng người di chuyển ra ngoại thành và các tỉnh lân cận.
Giữa mùa đông lạnh giá, những người sơ tán dường như không mang theo được gì nhiều ngoài những vật dụng cần thiết như chăn màn, quần áo. Tôi còn thấy cả những con cá còn sống trong chuyến di chuyển, có nhà mang theo mấy con lợn, con gà”.
Một cụ già đang bị ốm được con cái đưa đi sơ tán mà đạo diễn Việt Tùng gặp ở Mỗ Lao (Hà Đông) đang run rẩy trong tấm chăn mà không thể ở lại Hà Nội. Một đứa trẻ mắt tròn xoe ngồi trên chiếc gióng ngang xe đạp của bố tay ôm khư khư con búp bê bằng nhựa cũ. “Phần lớn người Hà Nội đã sơ tán trước đó. Họ đã yên ổn được một năm đón tết Hà Nội. Những đứa trẻ, các ngôi trường và cơ quan công xưởng đã được chuyển ra ngoại thành và các tỉnh lân cận”.
Trong ký ức của cụ bà Nguyễn Thị Cúc (87 tuổi, vợ nhà văn Tô Hoài) thì: “Khủng khiếp lắm con ơi”. Khi đó cụ Cúc làm việc tại một xí nghiệp dược trên phố Khâm Thiên, hằng ngày vẫn đi đi về về giữa nơi làm và nơi ở. “Còi báo động được lắp khắp nơi, loa phát thanh gắn vào từng ngõ phố. Chỉ cần nghe tiếng còi báo động và loa phát thanh là chúng tôi chạy xuống hầm rồi. Không ai sợ chết đâu. Gần mười năm chiến tranh, chúng tôi quen với từng khẩu hiệu và tiếng loa phát thanh khi báo động. Đến tận bây giờ ký ức vẫn chưa có gì nguôi phai” - cụ Cúc nói.
Làm việc gấp đôi
“Già vác mai, trẻ vác đất” - ông Lê Quang Châu (80 tuổi, ở số 126, ngách 3, phố Kim Ngưu, P.Thanh Lương, Q.Hai Bà Trưng), cựu giáo viên Trường CĐSP Hà Nội - vẫn nhớ mãi thời gian khó nhưng hào hùng khi ông cùng hàng trăm giáo viên, sinh viên của trường sơ tán về Thạch Thất (Hà Tây).
Ông Châu giải thích thêm: Mai là dụng cụ dùng để đào đất. Ngày ấy mặc dù bận rộn với việc xây cất trường lớp, đào giao thông hào, làm hầm trú ẩn đảm bảo an toàn cho việc dạy học ở nơi sơ tán, nhưng thầy trò Trường CĐSP Hà Nội vẫn hăng say tham gia mở đường giao thông từ chùa Thầy lên chùa Trầm (huyện Thạch Thất).
Bốn mươi năm rồi, ông Châu vẫn nhớ mãi hình ảnh những đồng nghiệp, những sinh viên như Đinh Văn Viên, Nguyễn Văn Thắng “người chỉ chừng 50 cân nhưng luôn cõng trên vai những bao đất ngoài 70 cân” để công trình sớm hoàn thành, việc đi lại, sơ tán của người dân được thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Ở tuổi 87, ông Đỗ Doãn Đại, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, vẫn chưa quên cảm xúc của một thời bi tráng. “Thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, Hà Nội có hai bệnh viện lớn: Bệnh viện Việt - Đức chịu trách nhiệm cấp cứu bệnh nhân các tỉnh phía Bắc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân các tỉnh phía Nam. Từ năm 1965 thực hiện yêu cầu sơ tán, Bệnh viện Bạch Mai đã chia đôi các khoa, phòng. Ai đi được cũng mừng, ai ở lại cũng mừng. Bởi lúc ấy đi được có nghĩa là rủi ro thấp và ở lại thì chẳng có gì đảm bảo được tính mạng, nhưng tôi mừng bởi thêm người ở thì thêm người thực hiện công việc cứu chữa cho bệnh nhân tại Hà Nội, nơi hứng chịu hàng loạt trận mưa bom Mỹ giội xuống”.
Ban đầu bệnh viện được sơ tán về Phú Thọ, rồi sau đó về Ứng Hòa, Chương Mỹ (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Hà Tây). Không kịp để xây dựng cơ sở, dù là tạm bợ, nên bệnh viện sơ tán được đặt rải rác tại nhà dân, đình, chùa và các công trình công cộng. Để đưa được hàng trăm bệnh nhân và hàng tấn trang thiết bị y tế về nơi sơ tán, toàn bộ nhân lực của bệnh viện được huy động làm việc tối đa: “Không có đơn vị nào giúp sức hết, bởi lúc đó mọi người cũng phải lo sắp xếp công việc của cơ quan mình. Vậy mà chỉ trong vòng nửa tháng, một nửa bệnh viện đã được chuyển đi. Chia hai đội ngũ thầy thuốc, có nghĩa là chúng tôi phải làm việc gấp đôi để hoàn thành nhiệm vụ” - ông Đại kể.
TẤN ĐỨC - HOÀNG ĐIỆP
--------------------------------------

Thứ Sáu, 30/11/2012, 10:00 (GMT+7)

Hà Nội - những tháng ngày sơ tán - Kỳ 2:

Rầm rập rời thủ đô

 

TT - Sau đợt bom đầu tiên mở màn cao điểm 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, khoảng 8g tối 18-12, loạt bom thứ hai đã nhằm vào xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh).
Mặc dù đã đoán trước, nhưng người dân Uy Nỗ vẫn không khỏi thảng thốt khi chứng kiến mức độ công phá của các loại vũ khí tối tân. Hàng ngàn người của xã này ngay lập tức phải rời nhà cửa ngay trong đêm.
Phụ nữ và trẻ em đi sơ tán vào những ngày cuối tháng 12-1972 - Ảnh: tư liệu của NXB Kim Đồng
Chuyến sơ tán trong đêm
Ngay trong đêm đó, trong khi máy bay Mỹ vẫn tiếp tục oanh tạc, người dân Uy Nỗ đã lũ lượt kéo nhau đi sơ tán. Ai có xe bò, xe đạp thì chất cả gia đình lên, ai không có thì chạy bộ băng đồng sang các địa bàn lân cận.
Bà Nguyễn Thị Chút (73 tuổi) ở thôn Đản Dị, xã Uy Nỗ (Đông Anh) nhớ lại: “Đêm ấy một tay tôi bế thằng Đào Văn Đức (người con nhỏ nhất) phía trước ngực, đầu cúi gập xuống để che bom đạn cho nó, tay còn lại dắt đứa con kế chạy bổ về hướng Tráng Việt (Mê Linh). Bốn đứa con còn lại tán loạn nhập theo dòng người chạy đạn. Bị lạc mất bốn đứa con, hỏi thăm tôi mới biết chúng chạy về xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh) nhưng không thể đi đón được, đành nhắn người quen nhờ cho ăn uống, chăm sóc hộ”.
Từ tháng 6-1966, Nhà máy cơ khí Hà Nội đã di chuyển an toàn gần 1.500 tấn phương tiện, thiết bị đến 16 địa điểm, trại trẻ của nhà máy lên Hà Bắc; Nhà máy dệt 8-3 với hơn 7.000 công nhân đã phân tán ra nhiều địa điểm nhưng vẫn duy trì sản xuất liên tục. Các đơn vị sản xuất trọng điểm khác như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy gỗ Cầu Đuống, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Xí nghiệp dược phẩm 1,2, Nhà máy in Tiến Bộ... Hàng chục nghìn công nhân viên chức cùng người thân được sơ tán ra khỏi nội thành.
Để duy trì sản xuất, Hà Nội cũng chuyển hướng công nghiệp sang thời chiến, với 17 xí nghiệp địa phương, gần 200 hợp tác xã thủ công và 128 tổ sản xuất được đưa ra khỏi thành phố. Mạng lưới thương nghiệp cũng được mở rộng ra ngoại thành và các tỉnh lân cận với gần 500 điểm bán hàng mới.
Nhưng điều bà Chút lo lắng nhất trong cái đêm “chạy giặc” đáng nhớ ấy là sự an nguy của chồng.
“Đêm ấy trời rét đậm nhưng người tôi ướt đẫm mồ hôi, vì vừa chạy vừa trông lên đầu thấy bom đạn đan nhau sáng rực một góc trời. Mà đâu chỉ một lần, cả đêm ấy có tới ba đợt máy bay ném bom quanh trụ sở ủy ban xã Uy Nỗ, nơi ông nhà tôi đang làm nhiệm vụ. Chừng được tin chồng bình an vô sự, tôi đã bật khóc cảm ơn trời” - bà Chút nhớ lại.
Chỉ riêng trong đêm 18-12 thôi, khoảng 4.000 dân trên địa bàn xã Uy Nỗ đã ra khỏi nhà. Cả trâu bò, lợn gà cũng được đưa đi hoặc cho xuống hầm trú ẩn.
“Đó là cuộc sơ tán vô tiền khoáng hậu. Uy Nỗ gần như trở thành xã trắng, chỉ còn lại trên dưới 100 người làm nhiệm vụ chiến đấu trong những căn hầm, giao thông hào. Nhờ vậy đã tránh được nguy cơ thiệt hại về người và của trong những đợt oanh kích tiếp sau đó” - ông Đào Văn Đạc (76 tuổi), nguyên phó chủ tịch kiêm trưởng Công an xã Uy Nỗ, hồi tưởng.
Nhà văn Tô Hoài, khi đó là cán bộ tổ dân phố, trực tiếp đốc thúc, tuyên truyền cho người dân đi sơ tán, nhớ lại: “Trong suốt gần chục năm Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, người Hà Nội có lẽ đã quen với bom đạn. Thế nhưng sau đêm 18-12 thì dù có quen với tiếng bom nổ đến bao nhiêu người Hà Nội cũng cảm thấy bất an. Vậy là ai nấy kéo nhau đi mà không phải vận động như trước nữa”.
Ông Nguyễn Văn Viễn (67 tuổi, ở phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm), một cư dân phố cổ chính cống, hồ hởi nhớ lại thời trai trẻ: “Phía bên kia Chợ Gạo là bến sông, bà con đi sơ tán nhiều lắm nhưng tôi thì không đi. Gồng gánh, tay xách nách mang hối hả vượt sông Hồng. Hồi ấy tôi được giao nhiệm vụ trực chiến. Nhưng nhiều người trong phố không có nhiệm vụ ở lại cũng chẳng đi sơ tán. Họ nói đâu đâu cũng có hầm, chết sao được. Những người nào đi rồi gửi chìa khóa nhà lại cho hàng xóm để trông hộ. Người ta cứ đi vài hôm lại về nhà để lấy thêm đồ đạc, gạo củi mắm muối. Nên dù là thành phố thời chiến nhưng không hề vắng bóng người. Nó vẫn là một thành phố sống với đủ mọi hoạt động ngày thường: sản xuất, sinh hoạt và các lực lượng tự vệ, tự quản, quân đội cùng phối hợp nhịp nhàng để bắn máy bay Mỹ”.
Sơ tán khỏi Hà Nội bằng tất cả phương tiện có được - Ảnh tư liệu
Đi để trở về
Để cuộc sơ tán được tiến hành nhanh chóng, Hà Nội đã huy động hàng trăm phương tiện, từ tàu điện, xe ca, xe tải, cả xe khách của các tỉnh lân cận về đậu sẵn ở các đầu phố đón người đi sơ tán không thu cước phí. Khắp nơi vang lên tiếng loa vận động, kêu gọi người dân tạm rời trung tâm Hà Nội để tránh thương vong.
“Xe ca đón ở đầu phố từ ngày 21-12 trở đi. Đây là những người đi theo tổ dân phố thôi chứ mọi nhà có quê thì về quê, hoặc đi theo cơ quan, chỉ còn những người nào không có cơ quan mới đi theo tổ dân phố. Ôtô lúc ấy thì ít, nhưng được huy động từ các tỉnh Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phú... đều là xe chở khách cả. Từng đoàn xe rầm rập rời thành phố, hối hả nhưng vẫn bình thản, trật tự. Họ biết đi rồi sẽ trở về, bởi tin rằng chúng ta sẽ thắng” - nhà văn Tô Hoài nhớ lại.
Hướng đi, địa bàn sơ tán đối với dân cư ở từng khu phố đã được chính quyền sắp xếp, liên hệ sẵn, mọi người chỉ việc bước lên xe là đi, không cần phải mang theo nhiều tài sản. “Cán bộ bảo là đi tạm thôi, sẽ có tiếp tế, tiếp viện, có thương nghiệp đi theo phục vụ nên ai cũng an tâm” - ông Trần Văn Tâm ở khu Trung Tự (Q.Đống Đa) kể.
“Sau gần một đêm hết xuống rồi lên khỏi hầm trú ẩn theo còi báo động, báo an, khoảng 5g sáng hôm sau (19-12), tôi cột túi gạo, dưa cà, mắm muối vào hai bên ghiđông chiếc
xe đạp Thống Nhất, đặt con trai đầu 11 tuổi lên yên phía trước, thằng con kế lên yên sau, rồi tới bà vợ ngồi lên sau cùng, kẹp thằng bé ở giữa, cứ thế theo đường 6 mải miết đạp về Lương Sơn (Hòa Bình), quê vợ. Dọc đường đi lúc nào mệt thì dừng lại, trải tấm cao su cho cả nhà nằm nghỉ, lấy cơm nắm ăn rồi đi tiếp. Mọi người đi sơ tán ai cũng làm thế mà” - ông Lê Minh Sơn, nhà ở phố Hàng Cót, P.Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm, kể.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường (Hà Nội) cũng là thành viên trong đoàn người đi sơ tán ngày ấy. Ông kể: “Đầu năm 1972 Hà Nội đã rục rịch đi sơ tán rồi vì ta biết trước thể nào địch cũng đánh Hà Nội. Trường đại học Mỏ - địa chất, nơi tôi công tác, cũng đã sơ tán khỏi Hà Nội từ trước nên đến tháng 12-1972 tôi mang xe đạp về Hà Nội đón mẹ sang Gia Lâm sơ tán. Khi đi hai mẹ con chỉ mang theo một số đồ dùng và vật dụng cần thiết, còn tài sản gần như để lại hết. Đi sơ tán cả tháng nhưng khi về thì tất cả mọi thứ vẫn còn nguyên xi, chả suy suyển gì”.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng tâm sự trong ký ức của ông tuyệt nhiên không có sự sợ hãi, không có hoảng loạn cho dù bom có nổ ngay trên đầu. Nhiều người dân mà ông có dịp trò chuyện ngay trên đường đi sơ tán cũng tỏ ra bình thản đến lạ.
TẤN ĐỨC - HOÀNG ĐIỆP
_______________

Thứ Bảy, 01/12/2012, 06:53 (GMT+7)

Hà Nội - những tháng ngày sơ tán - Kỳ 3:

Lớp học thời sơ tán

 

TT - Trong thời gian cao điểm của chiến tranh phá hoại miền Bắc, đã có khoảng 260.000 học sinh các cấp cùng 50.000 sinh viên, học sinh chuyên nghiệp rời trung tâm Hà Nội sơ tán ra ngoại thành và các tỉnh lân cận.

Chiếc mũ rơm của các em nhỏ Hà Nội thời sơ tán - Ảnh tư liệu của NXB Kim Đồng
Các em tiếp tục đến trường: học chữ, học làm mũ rơm, học làm trường, làm hầm, đào hào... Và từ nơi sơ tán, rất nhiều câu chuyện xúc động giữa thầy và trò trong hoàn cảnh khó khăn.
Lớp học dưới hầm
“Thời gian Mỹ đánh phá ác liệt nhất, thầy trò trường chúng tôi được lệnh chia làm hai nhóm, một nửa sơ tán về Gia Lâm, một nửa sang mãi tận Dạ Trạch (huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Về nơi ở mới, chúng tôi gần như phải bắt đầu lại từ con số không, từ việc lo cơ sở vật chất tới bố trí nơi ăn ở cho giáo viên, học sinh” - nhà giáo ưu tú Hoàng Ngọc Anh, một trong những giáo viên của Trường THPT Lý Thường Kiệt (nay được sáp nhập vào Trường THPT Việt Đức, Q.Hoàn Kiếm) cùng cả trường đi sơ tán, nhớ lại.
Về nơi ở mới (Khoái Châu), việc đầu tiên mà thầy giáo Hoàng Ngọc Anh cùng các đồng nghiệp phải thực hiện là xây cất trường lớp. Được người dân địa phương hỗ trợ, dẫn đường, thầy trò Trường Lý Thường Kiệt cùng đốn cây đào đất, dựng các lớp học. “Gọi thế cho sang, chứ thật ra lớp học chỉ là những căn phòng tạm bợ, được che chắn bằng các tấm phên, bạt cao su”.
Kỳ công hơn thì làm “vách tường” bằng cách trát bùn trộn rơm. Thậm chí không có phên, không có rơm làm vách, thầy trò Trường THPT Lý Thường Kiệt còn đào sâu xuống lòng đất chừng 1,5m như người ta đào ao nuôi cá, rồi đưa cả lớp xuống đó dạy - học.
Bàn ghế là những thanh tre, gỗ tạp được tận dụng từ nhiều thứ. Những lớp học như vậy tuy mất nhiều công sức để đào nhưng có tác dụng phòng tránh bom đạn tốt hơn, lại hạn chế gió lùa nên ấm áp hơn hẳn những lớp trên mặt đất. Vậy là hàng chục phòng học kiểu này đã ra đời trên địa bàn sơ tán. “Nhưng dù bằng cách nào thì mỗi lớp vẫn phải đảm bảo có đủ hầm trú ẩn cá nhân, có giao thông hào để khi nghe tiếng kẻng báo động tất cả thầy trò đều rút xuống cho an toàn” - thầy Hoàng Ngọc Anh kể.
Học sinh vùng sơ tán đào hào tránh bom - Ảnh tư liệu của NXB Kim Đồng
Đói và rét là hai thứ luôn thường trực, đeo bám thầy trò hết ngày này sang ngày khác. Thi thoảng có học sinh được người nhà ở Hà Nội mang một ít gạo, đường lên “tiếp tế” hoặc thầy cô tới tháng nhận hàng trợ cấp, lớp lại vui như tết. “Mỗi em chỉ có 1-2 bộ quần áo, mùa đông cũng như mùa hè.
Ngày nóng nực còn đỡ khổ chứ ngày rét thì lạnh thấu xương. Trong khi đó hầu hết học sinh của tôi đều đi chân đất đến trường, gió lùa tứ phía, vừa học vừa run” - thầy Ngọc Anh hồi tưởng.
Đề phòng gián điệp tìm hiểu các mục tiêu để đánh phá, những đứa trẻ ở Hà Nội được bố mẹ trang bị cho kiến thức để phòng giặc. “Ba không” là một trong những điều mà trẻ em ở Hà Nội hay đi sơ tán phải thuộc nằm lòng. Ba không là không nói, không chỉ, không trả lời khi có người lạ tìm đến nhà, hỏi đường.
Anh Nguyễn Văn Quang (Ngô Quyền, Hà Nội) cho biết: Hành trang đi học của những đứa trẻ thời chiến ngoài sách bút còn có mũ rơm và túi cứu thương, trong túi cứu thương có bông băng và thuốc đỏ. Chúng tôi được học sơ cứu, garo và băng, rửa vết thương nếu chẳng may bị bom đạn.
Chúng tôi còn được học làm mũ rơm, cài lá ngụy trang và được hướng dẫn không mặc áo màu sáng. Các bạn gái thì không dùng kẹp tóc bằng thép màu trắng, nếu dùng phải cuốn sợi len vào che đi”.
Bầu trời không yên tĩnh, còn dưới đất những đứa trẻ tiểu học đối mặt với bao gian nan - Ảnh tư liệu
Mấy năm đi sơ tán ở xã Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội), cứ đến cuối tuần anh Quang lại đi bộ về nhà ở Ngô Quyền. “Khi ấy nhà tôi chỉ còn mẹ, vì bố cũng đưa các em đi sơ tán cả. Cuối tuần tôi về nhà thì gặp được bố, thỉnh thoảng mới gặp các em. Mình về vì nhớ nhà thôi chứ cũng không phải mang theo lương thực thực phẩm gì. Tem phiếu thì mang nộp cho trường và ăn ở nơi sơ tán rồi”.
Kể về sự gắn bó, tình cảm thầy trò từ nơi sơ tán, thầy Hoàng Ngọc Anh bảo không thể nào nhớ hết và kể hết được. Đặc biệt, một món quà rất bất ngờ từ những người học trò thân thương làm cho mình mà đến giờ khi kể lại thầy vẫn còn nguyên sự xúc động.
Trước tết năm ấy, thầy Hoàng Ngọc Anh chơi thể thao bị bong gân chân nên đã báo về gia đình không thể về vui xuân cùng bố mẹ. Hôm rước ông bà về ăn tết, thấy nhà nhà sum vầy, ngôi trường sơ tán cũng vắng hoe, thầy Anh càng thắt lòng. Nhưng chiều 29 tết thầy Ngọc Anh hết sức bất ngờ khi thấy: “Bốn em học sinh mang theo thức ăn, xe đạp và nạng xuống nơi tôi ở trọ, ngỏ ý muốn chở tôi về nhà đón tết”.
Chân vẫn còn đau, đến việc sinh hoạt cá nhân còn khó khăn, nói gì tới di chuyển cả quãng đường gần 30km. “Dù đã biết sẽ ít có khả năng Mỹ ném bom trong những ngày Tết Nguyên đán nhưng tôi vẫn lo. Nhỡ lúc đi đường mà lại bị bom thì không chỉ mình khổ, mà còn phiền lụy cho các em”. Nhưng cuối cùng, những lời thuyết phục của học trò đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy giáo trẻ. “Năm chúng tôi vừa đi xe đạp, vừa đi bộ cùng qua sông để về nhà trước sự ngỡ ngàng của cả gia đình”. Trên đường đi về, tôi có hỏi các em: “Tại sao không ở nhà giúp đỡ bố mẹ?”. Các em trả lời: “Tết là ngày sum họp, thấy thầy phải đón tết một mình các em cũng không vui. Bố mẹ chúng em cũng nghĩ thế!”.
Ngoài những trường hợp sơ tán theo trường như THPT Lý Thường Kiệt, còn có bộ phận không nhỏ học sinh sơ tán theo gia đình hoặc theo cơ quan bố mẹ. Số này sẽ được học ghép cùng học sinh tại địa phương đến. Cùng với học văn hóa, các em còn được dạy kỹ năng sơ cứu thương và bện mũ rơm để phòng tránh thương tích. “Trường tôi đã tiếp nhận nhiều học sinh thuộc diện sơ tán. Dù lạ người, lạ cảnh nhưng đa số các em hòa nhập rất tốt, nhiều em có kết quả học vượt trội so với học sinh địa phương” - thầy Nguyễn Duy Nghĩa, giáo viên Trường THCS Phùng Xá (huyện Thạch Thất) giai đoạn chiến tranh phá hoại miền Bắc, cho biết.
TÂN ĐỨC - HOÀNG ĐIỆP
___________________

Chủ Nhật, 02/12/2012, 10:10 (GMT+7)

Hà Nội - Những tháng ngày sơ tán - Kỳ 4:

Chuyện nhà ông Nguyễn Vinh Phúc

 

TT - Ngày mà năm bố con thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc (sau này là nhà Hà Nội học nổi tiếng) tay xách nách mang nào quần áo, nào chăn màn, sách vở, đồ dùng học tập lếch thếch sang Gia Lâm sơ tán theo trường cũng là lúc cô bé Nguyễn Thị Viền đang học lớp 4 trường làng.

Học sinh rời lớp, đội mũ rơm, xuống giao thông hào ngay khi có kẻng báo động - Ảnh tư liệu
Mấy hôm trước bố đi họp đội sản xuất về đã thông báo: nhà ta sắp có người đến ở sơ tán, nên Viền và anh trai phải biết ý tứ khi có thầy giáo đến ở cùng nhà. Vì vậy, sau giờ đi làm tập thể, mẹ tranh thủ giẫy cỏ sân vườn, cổng ngõ, quét tước cho sạch bóng mọi chỗ. Viền thì được giao nhiệm vụ lấy tro bếp kỳ cọ đến sạch tinh bộ ấm chén uống trà, sắp xếp ngăn nắp sách vở. Bà nội ngả thêm một chum tương nữa. Bố Viền đóng thêm một chiếc bàn dài kê sát cửa sổ và bảo để cho thầy giáo làm việc. Tất cả những việc ấy được làm chỉ bởi lời bố bảo: Sắp có thầy giáo đến ở nhà ta!
Học làm trẻ con nông dân
Ngày thầy giáo Phúc và bốn người con trứng gà trứng vịt đến nhà là ngày mà Viền vui đến mức chỉ muốn chạy sang hàng xóm khoe. Nhưng nhà hàng xóm nào cũng có người từ nội thành sang sơ tán nên nhà nào cũng vui. Nhất là đám trẻ con như Viền. Chẳng đứa nào còn nghĩ đến chuyện Mỹ ném bom và đứa trẻ con nào đi học cũng phải mang theo mũ rơm và túi cứu thương nữa. Cứ có khách là vui đã. Trong nhà có khách, đôi khi có lỗi bố cũng không mắng nhiều, không đánh bằng roi vì còn nể khách.
Không cần đến nửa ngày, Viền và những đứa trẻ con nhà thầy giáo Phúc đã ngay lập tức trở nên thân thiết. Cả mấy chị em cùng kéo nhau ra vườn nhặt cỏ, trồng rau và ra đồng mót lúa. Trẻ con dễ trở nên thân thiện.
Ngôi nhà ba gian của bố mẹ Viền được dành hẳn một gian có giường, có phản cho mấy bố con thầy giáo Phúc. Mọi đồ đạc trong nhà được dọn dẹp tinh tươm, những món nào chiếm nhiều diện tích thì được chuyển xuống bếp. Gian nhà của mấy bố con thầy giáo Phúc nhờ vậy mà sạch sẽ gọn gàng hơn. Hằng ngày ở bên này cửa sổ, Viền vừa mở sách học bài vừa vểnh tai sang bên phía cửa sổ bên kia để nghe thầy Phúc giảng bài cho chị Trinh (con gái lớn). Nghe giảng và lẩm nhẩm đọc theo. Thầy Phúc thấy đứa trẻ nhà chủ chịu khó nghe giảng vậy cũng cố nói to hơn một chút để nó nghe rõ.
Mùa đông, rau khúc mọc đầy trên ruộng cạn. Những lá rau khúc mỏng manh, phủ một lớp lông tơ trắng mượt. Chân trần giẫm trên cuống rạ. Mấy đứa trẻ sung sướng ngắt từng ngọn rau khúc, bất chấp những giọt sương lạnh buốt hay những cuống rạ đâm vào làn da chân tím tái. “Hồi ấy rau khúc nhiều lắm, mùa đông mọc đầy trên những cánh đồng cạn” - bà Viền nhớ lại. Rau khúc dùng để làm bánh khúc. Rau khúc nhặt về giã nát, trộn với đậu xanh đồ chín cùng thịt lợn để làm nhân. Vỏ bánh được làm bằng gạo nếp ngâm kỹ. Nhưng hồi ấy khó khăn, đến gạo tẻ để ăn còn không đủ thì lấy đâu ra gạo nếp. Mấy đứa trẻ hái rau khúc rồi trộn với bột mì làm bánh khúc chia nhau ăn.
Rồi những lúc rảnh rỗi khác, Viền hay dẫn Vân Anh ra đồng bắt cua bắt ốc để cải thiện bữa ăn hằng ngày cho gia đình. “Bởi chị Trinh lớn, sắp học cấp III rồi nên ba Phúc bắt chị học cả ngày, không cho đi chơi”. Hai đứa trẻ mỗi đứa cầm theo một cái rổ, một cái giỏ nhỏ, xắn quần lưng bắp chân đi xúc tép kho cà. Thỉnh thoảng cũng bắt được ít cá diếc to, bà bỏ vào nồi đất kho tương. Ngon lắm. Cũng bởi sự chăm chỉ của mấy cô bé mà bữa ăn trong nhà thỉnh thoảng được cải thiện chút đỉnh. “Những người nông dân ở đó quá tốt. Suốt mấy năm đi sơ tán mà lúc nào họ cũng đối với chúng tôi như khách. Trọng thị và yêu thương” - chị Nguyễn Thị Trinh, con gái thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc, nói.
Từ trái sang: bà Nguyễn Thị Viền, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Thị Trinh trở thành chị em một nhà sau chuyến sơ tán cách đây 40 năm - Ảnh: hoàng điệp
Nếu không có ba Phúc và 6 năm sơ tán...
Câu chuyện của rất nhiều gia đình sơ tán đã dừng lại vào đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết. Nhưng câu chuyện giữa những đứa trẻ của gia đình thầy giáo Phúc và cô bé Viền vẫn chưa dừng lại.
Bởi chị Trinh học hơn Viền một lớp, thế nên mỗi khi chị đọc bài, học bài, Viền lại vểnh tai lên nghe để học lỏm. Thầy Phúc thấy vậy gọi Viền sang giảng thêm cho Viền những bài văn hay, những câu thơ đẹp và giảng giải cho Viền cả những tích xưa trong và ngoài sách. Cũng nhờ có trường sơ tán, lớp sơ tán và những đứa trẻ Hà Nội sơ tán mà những đứa trẻ trong làng như Viền đã có cơ hội được học nhiều hơn. Ngoài giờ làm đồng giúp bố mẹ thì chúng ganh đua nhau để được học như những đứa trẻ ở Hà Nội. Và những đứa trẻ từ Hà Nội về, ngoài việc học lại ra đồng nhặt cỏ, phơi lúa giúp nhau.
Gần hết đợt sơ tán, có đoàn văn công về tuyển Viền làm diễn viên. Bố Viền, một nông dân chính cống, rất muốn con cái thoát ly khỏi cuộc sống ruộng đồng đã nói chuyện với thầy Phúc, đại ý xin thầy một lời khuyên về việc có cho con bé theo đoàn văn công không. Thầy Phúc nói: Con bé thông minh, sáng dạ, nên cho nó đi học tiếp lên cấp III.
Hòa bình, năm bố con thầy giáo Nguyễn Vinh Phúc trở về Hà Nội, mang theo cả cô bé Viền lúc ấy vừa vào lớp 8. “Bố tôi bị bệnh, trước khi mất nhờ ba Phúc chăm lo cho tôi. Ba Phúc nhận lời và nói tôi sẽ là đứa con thứ 6 của ba” - bà Viền nói.
Học hết cấp III, thi vào Đại học Y, Viền tốt nghiệp và đi làm. Ngôi nhà ở số 72 Ngô Quyền (Hà Nội) trở thành nhà của Viền cùng các anh chị em con thầy giáo Phúc. “Tôi nghĩ cuộc đời tôi sẽ không được như hôm nay nếu không có ba Phúc và sáu năm sơ tán. Ba Phúc chăm lo cho tôi từ nhỏ, đến cả khi lấy chồng, mỗi khi gặp chuyện gì bế tắc tôi đều tìm đến ba như một người bạn lớn” - bà Viền tâm sự.
Bây giờ thì bà Viền đã nghỉ hưu. Cả hai người con gái khác của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng thế. Họ vẫn gặp nhau hằng tuần để chia sẻ chuyện gia đình, công việc, con cái. Vẫn ríu rít như chim khi nhắc về những kỷ niệm cách đây hơn 40 năm.
Còn nhớ khi nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc còn sống, có lần ông kể: “Gia đình tôi sơ tán ở chùa Keo Gia Lâm cách Hà Nội 20km cùng với cả trường. Nông dân của ta rất tốt, chào đón và dành những điều kiện tốt nhất cho người sơ tán: dành nhà to, từ đường cho người sơ tán ở, còn gia đình mình thì ở nhà ngang, nhà bếp. Ngay trong cuộc sống cũng có sự tương trợ: có miếng ăn ngon cũng nhường cho những người sơ tán, có rau ngoài vườn thì cho ăn chung, đi tát đồng được ít cua cá cũng chia cho đồng bào...
Những điều đó nói lên cái gì? Đó chính là tinh thần cộng đồng được đặt lên trên hết, trong khó khăn người và người chia sẻ cho nhau. Thành ra người đi sơ tán yên tâm, người ở lại nội thành cũng yên tâm, nông dân cũng hài lòng vì đã giúp đỡ được đồng bào sơ tán thực hiện chủ trương của thành phố. Tình người lúc ấy thật cao cả. Đó chính là bản sắc của người VN là tôn trọng cộng đồng, tương thân tương ái và lá lành đùm lá rách”.
HOÀNG ĐIỆP
______________

Thứ Hai, 03/12/2012, 10:45 (GMT+7)

Hà Nội - những tháng ngày sơ tán - Kỳ 5:

Nhịp võng xe bò

 

TT - Đạo diễn Việt Tùng, một trong những người hiếm hoi có cơ hội ghi lại được những khoảnh khắc lịch sử trong suốt 12 ngày đêm diễn ra cuộc ném bom Hà Nội, thường kể về những khoảnh khắc khó quên trong những ngày tàn khốc ấy.
Một cụ già được đưa đi sơ tán khỏi Hà Nội - Ảnh: N.N.T. chụp lại từ ảnh tư liệu
Trong đó có câu chuyện một gia đình bốn thế hệ đi sơ tán khỏi Hà Nội trên chiếc xe bò kéo.
Bốn thế hệ trong chiếc xe bò
Đó là hình ảnh một người mẹ trẻ đang cho một em bé sơ sinh bú, là ông cụ già đội chiếc mũ bông đang đánh xe. Trong xe là lố nhố trẻ con cùng xoong nồi và chăn màn quần áo. Chiếc xe bò hướng từ Ngã Tư Sở xuống mạn Hà Đông. Đạo diễn Việt Tùng nói: “Hai ngày sau khi Hà Nội bị ném bom, các ngả đường Hà Nội ùn ùn người di tản. Tôi đã ghi lại hình ảnh những chuyến sơ tán rất trật tự của người Hà Nội. Chủ yếu bằng xe đạp và xe thô sơ thôi. Các ngả đường rời khỏi thành phố đều rất đông người nhưng không tắc ở đâu cả. Rất trật tự. Dù bom rơi đạn vãi trên đầu nhưng không thấy một sự hoảng sợ nào từ người Hà Nội. Họ đã chuẩn bị cho cuộc chiến và bình tĩnh đón nhận”.
Đó là những hình ảnh của 40 năm về trước. Bây giờ đứa trẻ đang bú mẹ trên chiếc xe bò kéo đã 40 tuổi, con gái của chị đã học đại học năm thứ 3. Người phụ nữ lúc ấy chỉ là cô bé con giờ cũng đã lên bà... Nhưng hình ảnh về 12 ngày máy bay quần thảo trên bầu trời Hà Nội vẫn chưa nguôi phai trong tâm trí của mọi người.
“Hôm ấy là sáng 20-12, đã sang ngày thứ ba Hà Nội bị máy bay B52 giội bom. Tôi xách máy quay xuống Ngã Tư Sở ghi hình bà con đi sơ tán. Từng đoàn người ùn ùn rời thủ đô men theo quốc lộ 6. Hai bên đường chi chít hầm trú bom, nhất là đoạn Cao - Xà - Lá. Chẳng nơi nào đối diện với cuộc chiến và cái sống, cái chết như Việt Nam. Đến đứa trẻ sơ sinh đang bú mẹ cũng không thể nằm ngoài cuộc chiến. Nhìn dòng người đi sơ tán, thương lắm”. Đạo diễn Việt Tùng nói về khoảnh khắc ghi lại hình ảnh gia đình bà Nguyễn Thị Phương đi sơ tán trên chiếc xe bò trong bộ phim Hà Nội - Điện Biên Phủ của ông.
Về quê
Một buổi chiều cuối tháng 11-2012, bà Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1957, nhà ở đường Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở, Hà Nội) tay xách nách mang hoa quả bánh trái xuống Hà Đông. Không biết đi xe gắn máy nên bà gọi xe ôm chở đi: “Mỗi lần về Yên Nghĩa tôi vẫn gọi là về quê dù tôi không được sinh ra ở đó, cha mẹ cũng không ở đó, cũng chẳng có họ hàng nào ở đó nhưng nơi ấy có một gia đình từng là gia đình của tôi”.
Nơi mà bà Dung tìm đến là nhà cụ Đỗ Văn Khóa.
Cụ Khóa đã hơn 80 tuổi, vận bộ đồ màu nâu đang ngồi trên chiếc ghế bố giữa căn nhà to rộng mới xây dựng, mái tóc bạc trắng như cước. Thấy bà Dung đi vào, cụ móm mém cười hỏi: “Dung đấy à con? Sao lại về có một mình thế? Con Phương có khỏe không?”.
Bà Dung dựng túi xách vào chân tường, sà xuống cạnh ông Khóa: “Chị Phương đang được mời đi miền Nam nên không xuống thăm ông được, nhưng chị ấy gửi lời hỏi thăm ông và gửi cho ông ít quà”.
Trên nền đất cũ của ngôi nhà ba tầng này trước đây từng có một ngôi nhà cấp 4, ba gian và một dãy nhà ngang do bố mẹ ông cụ Khóa để lại. Ba gian nhà rộng rãi, có sập, phản, giường thờ được gia đình ông Khóa nhường lại cho gần chục người nhà bà Dung. “Lúc ấy chị Phương hơn 20 tuổi, vừa sinh con đầu lòng, chồng lại đi B nên chị Phương đi sơ tán cùng gia đình tôi. Kể cả ông bà nội, bố mẹ tôi cùng mấy chị em gần một chục người sống trong gian nhà trên. Tất cả những gì tốt nhất của nhà cụ Khóa, chúng tôi đều được ưu tiên sử dụng”.
Chiến tranh, mọi thứ đều thiếu thốn và khó khăn, nhất là những gia đình làm công ăn lương. “Nhà đông người nên chúng tôi phải ăn mì, ăn bo bo thay cơm là bình thường. Nhà cụ làm nông nghiệp nên vẫn được ăn cơm gạo mới. Thương chúng tôi đói nên mỗi bữa cụ nấu dư ra một bát, vun thật đầy rồi đưa sang cho chúng tôi ăn cho chặt dạ” - bà Dung nhớ lại.
Đã 40 năm trôi qua mà những hình ảnh về bà cụ chủ nhà mắt lòa không phai nhạt một chút nào trong trí nhớ của bà Dung cũng như những người trong gia đình bà.
Vẫn nguyên nếp làng
Bố mẹ bà Dung làm trong HTX xe bò kéo, hằng ngày ông bà cùng đôi bò rong ruổi trên nhiều nẻo đường để chở hàng hóa cho Nhà nước, chở vật liệu xây dựng để làm các công trình và phục vụ nhu cầu vận tải trong thành phố. “Bố mẹ đưa mấy ông cháu chúng tôi xuống Yên Nghĩa rồi các cụ trở lại thành phố làm việc. Không có bố mẹ nhưng chúng tôi vẫn được ăn uống đầy đủ và được chăm sóc chu đáo”.
Để chuẩn bị đón những người đồng bào mới của mình từ thành phố về sơ tán, ông Khóa đã chặt tre, luồng để đào bốn chiếc hầm chữ A ngay phía sau nhà: “Chúng tôi chỉ nghĩ người thành phố đang sống sung sướng, đầy đủ nay phải về nông thôn thì khổ lắm. Vậy nên mình có thể thiếu thốn khổ cực được vì mình quen rồi, nhưng phải nhường những gì tốt nhất cho người ta”. Những gì tốt nhất cho người ta mà gia đình gần chục người nhà bà Dung được hưởng đó chính là ngôi nhà chính ba gian và khoảnh sân rộng, là những luống rau được trồng thêm ngoài bãi, những dây cà dây bí được giắt thêm vào hàng rào để đám trẻ nhỏ có thêm thức ăn cho mỗi bữa ăn đơn điệu hằng ngày từ những cọng rau héo úa mua từ cửa hàng thực phẩm.
40 năm đã trôi qua, chưa một cái tết nào mấy chị em bà Dung không thay nhau về thắp hương trên ban thờ gia tiên nhà cụ Khóa. Và dù là giỗ mọn hay cỗ lớn thì cũng chưa khi nào mấy chị em bà vắng mặt trong những sự kiện dù vui hay buồn của gia đình. “Chúng tôi không nhận cụ là bố mẹ nuôi, cụ cũng không phải là họ hàng, nhưng những gì gia đình cụ đã dành cho chúng tôi những ngày Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc khiến tôi không thể nào quên”.
Từ trái qua: bà Nguyễn Thị Dung, chị Nguyễn Thị Hương và bà Nguyễn Thị Phương, những nhân vật đi sơ tán trên chiếc xe bò 40 năm trước - Ảnh: Hoàng Điệp
Cũng trong suốt thời gian đi sơ tán ấy, cô bé Nguyễn Thị Dung chính là người đi về như con thoi hằng tuần để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho gia đình. “Từ Yên Nghĩa tôi đi bộ, rồi đi xe điện để về cửa hàng thực phẩm mua gạo, đậu phụ và các mặt hàng thiết yếu khác ở cửa hàng lương thực Ngã Tư Sở. Không có xe đạp nên chỉ gánh bộ thôi. Có lần đang đi bộ gần sông Nhuệ thì bị bom. Tôi vẫn ôm chặt túi gạo trong tay lăn xuống hầm cá nhân. Bởi nhà đông người nên chuyện ăn uống thật sự rất quan trọng”.
HOÀNG ĐIỆP - TẤN ĐỨC
____________

Thứ Ba, 04/12/2012, 10:32 (GMT+7)

Hà Nội - Những tháng ngày sơ tán - Kỳ cuối:

Như chưa hề có cuộc chia ly

 

TT - Lớp người trẻ thời sơ tán giờ đã qua tuổi thanh niên, có người đã lên hàng ông, bà; người vẫn ở Hà Nội, người vì yêu cầu công tác, cuộc sống đã tỏa đi khắp nơi trong và ngoài nước.
Nhưng dù ở đâu, làm gì họ vẫn không quên một thời gian khó.
“Đói khát, khốc liệt nhưng cũng thật đẹp. Thời sơ tán giờ đã lùi xa, nhưng trong tâm hồn chúng tôi, những người đi sơ tán và người địa phương vẫn như chưa hề có cuộc chia ly” - nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, hiện ngụ tại Q.1, TP.HCM, tâm sự...
Những thành viên trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân trong một chuyến thăm lại nơi sơ tán tại nhà thờ họ Phùng, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) - Ảnh: Hà Huy Hồng
Kết nối vòng tay
Cách đây không lâu, tại nhà thờ họ Phùng ở xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ (di tích được xếp hạng của TP Hà Nội) đã diễn ra một cuộc họp mặt “ba bên” khá thú vị giữa những thành viên trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân - phụ huynh trẻ sơ tán và người dân địa phương nơi tiếp nhận trẻ. Những người bạn lên năm, lên mười ngày nào giờ có người đã bạc mái đầu, ôm chầm lấy nhau, tíu tít thăm hỏi, chuyện trò.
“Đây là thầy Hợi, hiệu trưởng trường cấp I của xã Hữu Văn năm xưa. Đây bác Hoan, bác Bài, bác Giao, đại diện họ Phùng và cũng là những chủ nhà đã nhường cho chúng ta chỗ ở tốt nhất, đào hầm trú ẩn cho ta trú bom. Đặc biệt, buổi họp hôm nay còn có cô Bình Định, bảo mẫu, người không quản ngày đêm chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho chúng ta năm xưa vừa từ TP.HCM ra...” - một thành viên trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân giới thiệu. Câu chuyện càng lúc càng rôm rả khiến người ta cứ ngỡ không phải một cuộc viếng thăm, mà là hành trình trở về của những đứa con xa nhà!
Thật ra từ nhiều năm trước, một số thành viên trại trẻ đã có những chuyến hành hương tìm về nơi sơ tán, nhưng đây là lần đông đủ thành phần nhất. Để có chuyến trở về ý nghĩa này, cách đây năm năm một trang mạng đặc biệt mang tên “trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân” đã ra đời, kết nối hơn 130 thành viên đang làm việc, sinh sống khắp mọi miền đất nước. “Đó là tổ ấm, là mái nhà chung kết nối chúng tôi, để cùng ôn lại kỷ niệm đẹp, qua đó tự nhắc mình có trách nhiệm hơn với thế hệ tương lai” - anh Hà Huy Hồng, thành viên trại trẻ, hiện là cán bộ báo Nhân Dân, nói.
Thời sơ tán, để bảo đảm an toàn cho thế hệ tương lai, có tới 4.000 trại trẻ được lập ra ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Những trại trẻ này đã tiếp nhận, chăm sóc hàng chục ngàn thiếu niên, nhi đồng là con em các cơ quan, đơn vị, cụm dân cư ở trung tâm Hà Nội. Sau ngày ký Hiệp định Paris (tháng 1-1973), các em mới được trở về nhà, tiếp tục học tập sinh hoạt như thời bình. Thời gian dù là ngắn ngủi được sống trong sự quan tâm, bảo bọc, yêu thương của cả cộng đồng đã để lại dấu ấn đặc biệt trong tâm hồn trẻ thơ. “Bài học về lòng yêu thương, sự sẻ chia và tinh thần tự lập là hành trang quý báu nhất cho những trẻ em trải qua cảnh sống sơ tán trong thời chiến như chúng tôi” - anh Hà Huy Hồng tâm sự.
Các em nhỏ Hà Nội trước căn hầm chữ A tại nơi sơ tán - Ảnh: Tiên Thắng chụp lại từ ảnh tư liệu
Tình người ở lại
Bà Hiền là con đầu của nhà văn Kim Lân. Thời sơ tán do bố phải ở lại làm việc tại báo Văn Nghệ, bà đã cùng sáu người em sơ tán về nông thôn.
“Trong những năm chiến tranh phá hoại, bảy anh em tôi đã không dưới bốn lần sơ tán, khi ở Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Oai (Hà Tây cũ), khi lên Tân Yên, Hiệp Hòa (Bắc Giang). Tới đâu chúng tôi cũng được bà con địa phương chăm lo hết lòng, thậm chí họ còn tranh nhau để được đón người Hà Nội sơ tán, xem việc đó là niềm tự hào của gia đình mình” - bà Nguyễn Thị Hiền nhớ lại.
Trong ký ức của nữ họa sĩ đã bước qua tuổi 60 vẫn còn nguyên hình ảnh của ông lão Bàng ở đồi Non Tứa (Tân Yên, Bắc Giang), khi được tin có gia đình đến sơ tán đã dành sẵn nồi lạc nóng hổi để mấy chị em Hiền chống đói sau chuyến hành trình mấy chục cây số bằng xe đạp. Hay như chuyện vợ chồng ông lão ở Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây cũ) thay nhau ra sông giăng lưới bắt cá nấu món canh riêu ngon đáo để cho anh em Hiền dùng. Và càng không thể quên chuyện ông bà Cát có bốn cô con gái, đặt tên nghe rất ngộ: Bùn, Ao, Tắm, Mát! Lúc đầu không hiểu tiếng địa phương nên khi nghe cô út Mát nhờ lấy cái bát trên cái tần (bàn), mấy chị em Hiền chả hiểu ra làm sao. Rồi thì có việc cần hỏi mẹ thì các cô lại bảo “ầm” (tức mẹ) đi vắng.
“Lắm khi do bất đồng ngôn ngữ, con chủ nhà và đám trẻ sơ tán lại cãi nhau ầm trời. Nhưng lạ, mỗi lần có chuyện xích mích, ông bà chủ nhà đều đứng ra bênh khách” - bà Hiền kể.
Cũng như anh em bà Hiền, bà Nguyễn Thu Thủy, người Hà Nội, hiện đang làm việc tại một văn phòng luật sư tại Frankfurt (Đức), đã gửi cho chúng tôi những dòng tâm sự: Khi chiến tranh phá hoại vào cao điểm, cha bà đã hi sinh, còn mẹ là công chức phải ở lại thủ đô làm việc, anh em bà sơ tán về thôn Mộ Đạo, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú.
“Nơi chúng tôi đến ở nhờ là nhà cụ Trà, đã ngoài 70 tuổi. Vợ chồng cụ có người con trai đầu đã hi sinh ở chiến trường miền Nam, người con rể cũng đang tham gia quân đội. Ở nhà chỉ còn cô gái út tên Thêm và người chị dâu nên khi chúng tôi đến hai cụ vui lắm, coi như con cháu trong nhà. Chúng tôi ăn cơm với ông bà. Cơm chỉ có canh dưa và cá tép bắt ở ao, nhưng cả ba đứa ăn ngon lành. Bà mắt kém nhưng có bao nhiêu thức ăn ngon trên mâm cứ gắp đầy bát ép tôi ăn vì “thương con bé gầy và chịu khó”.
Lúc không phải tới trường, tôi theo các bạn trong làng đi bắt cua. Do không thạo việc nên bắt được ít. Thấy vậy trước khi về, các bạn đã lén đổ thêm cua vào giỏ cho tôi. Mãi tới bây giờ tụi tôi vẫn nhắc về những kỷ niệm đẹp ấy”.
Người chèo thuyền ở bãi Phúc Tân
Ngày trước, phố Phúc Tân (P.Phúc Tân, Q. Hoàn Kiếm) dưới chân cầu Long Biên bây giờ còn là bãi, quy tụ nhiều thuyền ghe của dân làm nghề đánh cá trên sông Hồng. Trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội, hầu hết cư dân xóm nghề này đã chèo ghe sơ tán lên mạn ngược sông Hồng. Nhưng vẫn còn một đội ghe chừng 30 chiếc tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ đưa người từ trung tâm Hà Nội băng qua sông Hồng để sơ tán sang vùng ngoại thành Gia Lâm, Đông Anh.
Ông Nguyễn Văn Khải (năm nay 77 tuổi) là thành viên trong đội chèo thuyền ngày ấy. Ông kể: “Mỗi chuyến vượt sông Hồng mất độ 20 phút, thuyền chỉ chở được 6-7 người nên chúng tôi phải chèo liên tục cả ngày lẫn đêm mới đưa hết số người sang sông đi sơ tán. Nhiều lúc thuyền ra giữa dòng, thấy bom rơi đằng xa, bụi đất vãi đầy mặt sông nhưng tôi mặc kệ, cứ chèo mải miết suốt mấy ngày đêm vì thấy còn quá nhiều người phải qua sông đi sơ tán, chậm giờ nào thì nguy giờ đấy. Khi nào mệt và đói quá thì tôi dùng chân đạp chèo để rảnh tay gặm bánh mì. Không hiểu sao lúc ấy mình khỏe và gan đến vậy”.
HOÀNG ĐIỆP - TẤN ĐỨC
---------------------------------------------
Nguồn loạt bài "Hà Nội - những tháng ngày sơ tán": Tuổi trẻ Online (tuoitre.vn)