Nghệ thuật cây cảnh Trung Hoa.
Chùa năm trăm vị La hán - bí ẩn của số phận con người.
Vũ Tuấn Hoàng
Sự hài hòa giữa cây và đá không chỉ làm vui mắt người xem – Đối với người Trung Hoa, nó còn là một biểu tượng của sự cân bằng giữa cái ngắn ngủi, nhất thời và cái bất biến, trường tồn. Sự hòa hợp của Nước, Đá, Cây cỏ và Kiến trúc – Đó là những yếu tố đầu tiền mà người Trung Hoa muốn tạo dựng và thưởng thức. Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam chỉ hấp thụ văn hóa này theo cách của riêng mình.
Như giáo sư Chen Tsunchzhou, một học giả Trung Hoa nổi tiếng về am hiểu các giá trị nghệ thuật Cây cảnh đã từng nói: “Để hiểu được nghệ thuật chơi cây cảnh, làm vườn của người Trung Quốc, cần phải bắt đầu từ văn học”. Nghiên cứu vườn cây cảnh của Trung Quốc là sự nghiệp của đời ông. Ông biết đọc ngôn ngữ của loài cây, biết nghe âm thanh của chúng. Vườn cây theo truyền thống Trung Hoa rất xa vời ý nghĩa thực dụng. Nó phải là một tác phẩm nghệ thuật, là tổng hòa của kiến trúc, hội họa, thư pháp, thi ca và triết học. Để xây dựng được một khu vườn như vậy là cả một công việc tốn kém, đổ mồ hôi sôi nước mắt, chỉ thích hợp với những người giàu có, khá giả. Trong suốt chiều dài lịch sử nhiều thế kỷ, các đại diện có học thức của Trung Hoa cũng chính là giới tinh hoa giàu có, mạnh về kinh tế, bởi vậy nghệ thuật chơi cây cảnh, làm vườn cũng nở rộ ở đây. Hãy thử lấy bất cứ ví dụ một khu vườn nào – vườn thượng uyển hay khu vườn của một tư nhân – đâu đâu cũng thấy dấu vết của học vấn uyên thâm: những câu trích của các bậc thi nhân vĩ đại được ẩn chứa trong các tên gọi của các khu vườn, những câu đối dưới dạng thư pháp được khắc trên đá, trên tường của các căn gác nhỏ ngoài vườn, những thảm tranh phong cảnh các tác phẩm cổ điển trong hội họa. Tại Trung Quốc có hai trường phái vườn cảnh chính: Thứ nhất là kiểu hoàng cung, hay là phong cách phía Bắc bao gồm các vùng như Bắc Kinh và Thừa Đức (Hà Bắc); Thứ hai là kiểu gia tư hay còn gọi là phong cách phương Nam, bao phủ một vùng rất rộng lớn của đồng bằng sông Dương Tử. Cả hai phong cách trên đều có chung một nguồn gốc xuất xứ. Trong các sách cổ văn, các vườn cây cảnh của Trung Quốc được ví như Thiên đàng, không khác gì mấy so với vườn Địa đàng trong Kinh thánh. Trong một luận văn triết học, vào thế kỷ thứ II trước Công nguyên có một câu chuyện kể về một công viên huyền thoại hay còn gọi là “Vườn treo”. Trong không gian của khu vườn thần tiên này quanh năm ấm áp, những dòng suối trong vắt như pha lê chảy róc rách, thú rừng đi dạo lang thang. Với sự chấp thuận của Đạo giáo dạy rằng con người có thể tránh được cái chết, khái niệm về Thiên đường và tương ứng với nó là khu vườn lý tưởng, cũng biến đổi theo. Giờ đây, vườn cảnh không chỉ là nơi Cái đẹp ngự trị mà còn là nơi trú ngụ của các vị thần bất tử. Khao khát tìm kiếm các bí mật của cuộc sống vĩnh hằng, các vua chúa cổ đại Trung Hoa đã xây dựng núi giả trong vườn của mình, tượng trưng cho một không gian thiêng liêng để lôi cuốn vào vườn những vị thần bất tử, dựng nên những vọng gác trên đặt những bình bát đặc biệt để hứng sương –thứ nước thần thánh.
Chủ nhân của các khu vườn riêng không có được điều kiện như của các hoàng đế, cho nên hình ảnh của Thiên đường không được hóa giải thành các công trình vật chất đồ sộ tốn kém. Ý tưởng xa lánh, ẩn dật của Đạo giáo trong nhiều thế kỷ đã xác định khuôn mẫu của một khu vườn tư nhân chẳng khác nào một nơi trú ẩn bí mật. Theo truyền thống triết học của Trung Quốc, người ta hay dựng lên sự đối lập giữa cuộc sống thành thị và nông thôn, giữa cuộc sống phồn hoa sang giàu với cuộc sống mai danh ẩn tích. Các chính Đạo của Trung Quốc đều có chung một kết luận: để có được sự cân bằng về tinh thần, cần phải chối bỏ mọi tiện nghi, lợi lộc và cám dỗ của cuộc sống nơi phố hội và quay trở lại với thiên nhiên.
Ở Trung Quốc, đá cũng trở thành đối tượng tôn thờ, sùng bái, là đối tượng say mê của các nhà sưu tầm. Một danh họa nổi tiếng của Trung Quốc, Mi Fu đã cài đá vào bộ lễ phục và nói: “thưa tôn huynh..”. Một trong bốn họa sĩ vĩ đại của thời nhà Nguyên (1271-1368), Juan Gunvan đã tỏ lòng tôn kính các hòn đá như người thầy của mình. Các tảng đá là chi phí lớn nhất trong việc trang trí một khu vườn cảnh Trung Hoa. Các nhà sưu tập không tiếc tiền mua đá quý, đá đẹp thậm chí vượt quá cả giới hạn của sự hợp lý. Chi Cheng, tác giả luận văn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc về nghệ thuật vườn cây cảnh vào thế kỷ 17 có viết: “Các nhà yêu thích vườn cây cảnh thế giới bị mê hoặc bởi sự vinh quang trống rỗng của các hòn đá cổ. Nhiều người bị phá sản và kiệt sức trong nỗ lực tìm kiếm chỉ một hòn đá của một khu vườn nào đó, từ đỉnh của một ngọn núi nào đó, trên có ghi một bài thơ của một thi nhân nào đó đã từng nổi tiếng dưới một triều đại nào đó”. Một niềm đam mê đá đến bệnh hoạn, đau đớn là của viên quan Tang Lee (618 - 907). Ông đã phục vụ cho ba hoàng đế ở chức Đại thượng thư, những sau bị thất sủng và bị loại ra khỏi triều đình. Nhiều tác phẩm của ông còn lưu lại đến ngày nay, trong đó có một phần được viết về điền trang của ông ở ngoại ô Lạc Dương (Hà Nam). Ông đã sưu tập được một bộ đá quý khổng lồ và các loại cây cảnh quý hiếm. Công việc nước bề bộn không cho phép ông thường xuyên lui tới đây thưởng ngoạn. Như một người tình bất hạnh, ông vật vã đau khổ vì phải xa vườn cảnh của mình. Cuối cùng, ông chỉ còn biết trút nỗi niềm vào các vần thơ. Khi về hưu, ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc phát hiện ra rằng “các cây thông, cây cúc trong vườn vẫn mong ngóng người chủ của mình”.
Làn sóng phục sinh lần thứ hai của nghệ thuật vườn cây cảnh diễn ra chủ yếu ở Miền Nam Trung Quốc vào thời Minh, giai đoạn hình thành giai cấp tư sản dân tộc. Trong nước, xuất hiện rất nhiều người giàu có, nhưng lại không có học vấn theo truyền thống. Nhưng người giàu mới nổi lên này khao khát được lọt vào giai cấp thượng lưu, ở nơi mà người ta vẫn đánh giá cao học vấn và óc thẩm mỹ tinh tế. Một trong những cách để thể hiện mình là xây dựng trang trại, vườn cây cảnh, theo truyền thống vẫn được xem là biểu hiện của lối sống quý tộc.
Vườn cây cảnh ở Trung Quốc sớm được nhận thức như một giá trị văn hóa, song lại rất chậm để trở thành đối tượng nghiên cứu. Hơn nữa, vào hồi đầu thế kỷ XX, các phương pháp miêu tả khoa học và tái thiết kế chính xác vườn cây cảnh, người Trung Quốc lại phải vay mượn của Nhật Bản, người đã tiếp thu được của chính Trung Quốc ý tưởng xem vườn cây cảnh cũng là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Năm 1929, tại Bắc Kinh đã ra đời Hiệp hội nghiên cứu kiến trúc Trung Hoa và nghệ thuật vườn cây cảnh cũng nằm trong hoạt động của hội. Trong 14 năm tồn tại của mình, Hiệp hội đã cho ra đời rất nhiều các công trình nghiên cứu về vườn cây cảnh mang tính kinh điển. Trong những năm nội chiến, bao nhiêu vườn cây cảnh quý hiếm bị tàn phá không thương tiếc. Rồi, sau một thời gian hòa bình ổn định, đòn giáng tiếp theo là cuộc “Cách mạng văn hóa”. Vườn cây cảnh bị phá hủy một cách có chủ ý vì bị coi là tàn dư của chế độ Phong kiến hủ lậu. Chỉ mãi đến năm 1980, chính quyền mới giật mình tỉnh lại và vội vàng bảo vệ và tôn tạo những cái gì còn sót lại. Trong mười năm cuối gần đây, phát sinh rất nhiều các tổ chức nhà nước cũng như tư nhân để bảo vệ các di sản Vườn cây cảnh. Mọi người nhận thức rõ rằng các giá trị văn hóa không phải là cái gì trìu tượng mà nó góp phần vào việc thu hút khách du lịch. Đối với người dân Trung Quốc hiện đại, vườn cây cảnh không chỉ là nơi nghỉ ngơi mà còn là một tác phẩm nghệ thuật phức hợp, nhiều tầng nhiều lớp.
*
Ngay từ khi còn nhỏ, Tôi đã được nghe mẹ kể về sự bí ẩn của ngôi chùa có năm trăm vị La Hán ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Từ lúc được nghe cho đến khi tận mắt được nhìn, tận tay được sờ là cả một khoảng thời gian dài được tính bằng các thập kỷ đầy biến động, chiến tranh, lưu lạc sống tha hương nơi xứ người…để rồi khi quay trở lại nơi mẹ tôi sinh ra và lớn lên, nơi có những ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi, nơi đã từng diễn ra thế chiến Tam quốc diễn Nghĩa, nơi bắt nguồn của các con sông lớn chảy vào Việt Nam, thì bà đã không còn ở trên cõi đời này nữa. Tôi bước chân vào ngôi chùa năm trăm vị La Hán, bên tai văng vẳng giọng kể chuyện của mẹ tôi năm nào, trong hầm kèo tránh bom giữa những ngày tháng ác liệt của cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ. Tôi làm đúng như lời hướng dẫn của vị sư trẻ coi chùa: bước chân phải vào và bắt đầu đếm từ bất kỳ một vị La hán nào ở trên tường, đếm đúng bằng số tuổi của mình năm đó. Tôi chậm rãi bước vòng quanh bức tường tạc năm trăm vị La hán, mà không vị nào giống vị nào, mỗi người một vẻ, một tính cách và mang theo mình một đồ dùng lao động đặc trưng của nhân quần. Xung quanh yên tĩnh, thoảng mùi trầm hương, mùi hoa đại, mùi ẩm mốc của một không gian tâm linh đã tồn tại hàng thiên niên kỷ. Cuối cùng, tôi dừng lại ở một vị La hán thứ 48, một vị sư nhỏ người, với khuôn mặt trầm tĩnh, thư thái, trên tay đang cầm một cuốn sách. Vị sư trẻ của chùa cất giọng nói ngay phía sau lưng tôi: “Số phận của ông gắn liền với sách bút”. Tôi bàng hoàng kinh ngạc vì sự trùng hợp kỳ lạ này. Tôi cố gắng hỏi nhà sư xem ai là người tạc nên các pho tượng này và theo một quy luật bí ẩn nào? “Ngay bản thân chúng tôi cũng không biết được, nó bí ẩn đến mức các nhà khoa học cũng phải bó tay”.
Rời ngôi chùa linh thiêng đó, trong tâm trí tôi chỉ xoay quanh một ý niệm: Cuộc sống xung quanh ta vô vàn điều bí ẩn. Số phận Con người đã được lập trình ngay từ khi chào đời!
Thúy Hồ là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Côn Minh, cùng với Thạch Lâm (rừng đá) làm nên danh tiếng cho vùng đất thủ phủ của tỉnh Vân Nam cây cối xanh tươi gần như quanh năm, được mệnh danh là Thủ đô hoa và cây cảnh phương đông. Những chú cá chép trong hồ quẫy đuôi làm tóe nước lấp lánh, những chú khỉ chí chóe nhau tranh phần ăn do khách tham quan công viên đem tới, những chú sóc mắt to đuôi bông dài chẳng phải sợ ai, ung dung bò từ trên cây xuống ăn những quả hạt dẻ ngay trong tay những đứa trẻ đáng yêu, hai má ửng đỏ. Một nét độc đáo nhất của Thúy Hồ là chim hải âu trắng muốt, chúng bay từ phương Bắc, từ Vladivostok của Nga đến, rợp trời, nhất là vào mùa đông, mùa tránh rét.
Để thưởng thức một cách thực sự vẻ hài hòa của thiên nhiên sinh vật cảnh của các khu vườn Trung Hoa cổ, không chỉ những người sành sỏi mà cả các ông bà hưu trí bình dân. Khắp mọi nơi, tại khắp các công viên trên cả nước Trung Quốc, sáng sáng, những người có tuổi tập dưỡng sinh, và chiều đến họ cùng nhau nhảy múa, từng nhóm nhỏ nhỏ ca hát diễn kịch. Không gian thật êm ả và bình yên.
(Côn Minh – Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét