6/11/12

Chùm thơ Phạm Hồ Thu


Thân gửi HD,

Chị đã xem ảnh và đọc một số bài khác của ttst bnd. Rất cảm động - cả một quá khứ ùa về. Cảm ơn Ban biên tập và các bạn gọi là trẻ. Chị rất muốn viết một cái gì đó, nhưng chưa thành. Thôi thì gửi đến em và các bạn đọc một chùm thơ của chị, do trang web Hội Nhà văn giới thiệu.

Cám ơn TTST BND đã nhớ tới chị, cho chị cùng các em và các anh chị khác nhớ về một thời của Báo ND cũng như của tất cả chúng ta.

Hẹn gặp lại.
chị S - Phạm Hồ Thu.
Hà Nội, ngày cuối tháng Mười 2012



Thơ Phạm Hồ Thu


Ảnh do tác giả cung cấp - 24-02-2012 02:42:05 PM
 
VanVN.Net – Nhà thơ Phạm Hồ Thu tên thật Phạm Thị Sửu, sinh năm 1950 tại thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1974 đang là phóng viên báo Nhân dân, chị tình nguyện vào chiến trường khu 5 làm phóng viên mặt trận của báo Nhân Dân và Đài Phát thanh Giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, chị tiếp tục công tác tại báo Nhân Dân; rồi báo Người Công giáo Việt Nam. Thơ Phạm Hồ Thu gieo được vào lòng người đọc sự đồng điệu đặc biệt qua những ý tưởng khác lạ về tình yêu, về con người, về những điều lớn lao và thiêng liêng mà chợt vô cùng gần gũi… Thành thực đến tận cùng trước cuộc đời, trong tình yêu và cả khi những nỗi buồn lặng lẽ trôi đi, với Phạm Hồ Thu, hạnh phúc còn lại chính là những câu thơ… VanVN.Net trân trọng giới thiệu chùm thơ của tác giả gửi tặng bạn đọc.
Nhà thơ Phạm Hồ Thu (Ảnh chụp 1997)

SA VĨ (*)

I.

Nơi bắt đầu hình hài Tổ quốc tôi – chữ S
Tôi lặng nhìn cát biển chiều nay
Gió mang mang thổi trên những hàng dương
Hoa sim nở một triền tím biếc
Những bãi cát mịn màng những cát
Biển vẫn xanh như màu biển tôi qua

Tại sao hòn đảo kia lại gọi đảo Chim Rơi, núi Tổ Chim, hòn Lợn?
Tại sao đất trời chọn bãi cát hiền này làm biên cương Tổ quốc?
Ngoài xa kia sóng thao thức cùng tôi…

II.

Cháu con những người đi mở đất kể tôi nghe lịch sử cha ông
Họ đã đến đây từ những miền châu thổ
Đất lúc ấy chỉ rắn, mòng, quạ, đỉa những bãi sú dọc ngang, những bãi sim cằn
Người ra đi hát thuộc câu ca:
“Lấy anh em biết ăn gì
Lộc sim thì chát lộc si thì già”…
Nhưng không thể nào rời bỏ đất mà đi
Không thể nào rời bỏ cát mà đi
Họ nhìn nhau – cắn răng ở lại
Đói thì xuống biển mò cua, bắt cá
Khát lên rừng ăn đọt măng mai…

Giặc đến làng thì làng dựng cung tên
Những người thuyền chài dùng mái chèo mà đánh
Máu đã đổ trên những làn cát trắng
Sa Vĩ còn đây – chữ S trọn hình hài…

III.

Trước Sa Vĩ, tôi bỗng nôn nao nhớ mẹ
Có gì liên quan giữa mẹ tôi và những con ốc miền biên ải?
Có gì liên quan giữa mẹ tôi và những bãi sú nâu, những gốc sim cằn
Miền biên cương - mẹ chưa đến một lần
Mẹ mải nuôi tôi – không nói nhiều về tình yêu Tổ quốc
Nhưng ngày ấy, bên dòng sông Đuống
Mẹ đã ba lần tiễn các con đi
Tiễn con trai – vạt áo mẹ ướt đầm
Tôi con gái – cũng ra đi một sáng thu thầm
Mẹ đứng lặng tiễn tôi bên hàng chuối cổ
Mẹ nén khóc
Nhưng tôi biết khi bóng tôi xa khuất
Bảy ngày mẹ bỏ cơm, vạt áo lại ướt đầm....

IV.

Tôi vốc lên tay những hạt cát trắng ngần
Cát trắng thế mà bao máu xương đã đổ
Nước mắt mẹ từ tận miền Kinh Bắc
Cũng chảy về đây nhuộm cát trắng trong

Tôi bỗng hiểu vì sao tôi đã yêu những hòn đảo kia với những cái tên Nôm
Đảo Chim Rơi, núi Tổ Chim, hòn Lợn...
Thêm một lần tôi khe khẽ kêu lên:
Tổ quốc là đất đai mang dáng hình của mẹ
Một tình yêu nguyên thủy
Những người đàn bà gìn giữ
Qua ngày, qua tháng, qua năm...

Biên giới Móng Cái (QN) tháng 7/2000
-------------------------
* Sa Vĩ: Còn gọi là Tràng Vĩ thuộc phường Trà Cổ, Móng Cái, vùng biên giới phía Đông Bắc, mũi đất đầu tiên trên bản đồ Việt Nam hình chữ S.


BÌNH YÊN KHAO KHÁT

Làm sao tìm lại bình yên
Tuổi thơ tôi những triền cát trắng
Vết chân trần chạy trên bờ sông buổi sớm
Bếp lửa mùa đông bà ngoại nhóm lên rồi
Cháy trong tiếng gà gọi bình minh

Làm sao tìm lại bình yên
Mỗi buổi sáng vườn quê chim hót
Lời tỏ tình nghe như mật rót
Như mơ hồ những cánh chim bay

Làm sao tìm lại bình yên
Tuổi hai mươi khoác ba lô ra trận
Âu yếm hôn dấu chân anh để lại
Khóc trên những dấu chân trần
người chiến sĩ đi qua

Làm sao tìm lại bình yên
Lòng tin lắm những chân trời có thật
Vượt qua hết những lòng người phản trắc
Người ta yêu vẫn đợi ta về...

Làm sao tìm lại bình yên
Mẹ ngồi hát ru con không rơi nước mắt
Thương những cánh cò trong ca dao lận đận
Những con đò lỡ nhịp tình yêu

Em đã đi qua những năm tháng không yên
Em đã đi qua những ngày chiến trận…

Bỗng se thắt một bình yên khao khát
Thấy chăng nào
trong đôi mắt buồn Anh.

1982


XEM TRANH DƯƠNG BÍCH LIÊN VẼ
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀ NỘI


Tôi biết ông thật muộn
Khi ông đã đi xa
Những người mẫu ngày xưa
đã đi lấy chồng…
Tôi gặp những người đàn bà trong tranh
có đôi mắt buồn
Những dáng dấp tận cùng Hà Nội
“Mùa thu vàng”
“Mùa xuân thiếu nữ”
“Thiếu nữ và hoa cúc”…

Vẻ đẹp vĩnh cửu và xưa cũ
của những người đàn bà
Vẻ đẹp vĩnh cửu và xưa cũ
của một thời Hà Nội hào hoa…

Hà Nội của tôi và của ông
Ngày xưa
mơ mộng và trong trẻo nhường kia
Cổ kính và lịch lãm nhường kia
Dịu dàng và kiêu hãnh nhường kia
Với những tà áo dài, cây đàn ghi ta,
sắc lá vàng thu
Và những ánh mắt buồn…

Tôi bỗng muốn biết thật nhiều về ông,
Hà Nội ngày xưa đã khuất
Ông đã sống thế nào giữa ồn ào phố xá
Để tìm ra sự mơ mộng, lịch lãm
và kiêu hãnh nhường kia…

1984


TIẾNG XUÂN

Đã nghe sóng giục bờ xa
Sông sâu dâng nước, trăng ngà đợi trăng
Đã nghe lúa trổ trên đồng
Vươn lên xé gió mùa đông nghẹn ngào

Đã nghe tiếng những con tầu
Từ nghìn xa cách nhớ nhau tìm về
Đã nghe cỏ mọc xanh đê
Đồng quê vẳng tiếng sáo khuya gọi mời…

Đã nghe tim lặng trong lời
Mái đầu Người bạc, tiếng cười Người trong
Lời yêu cháy một niềm mong
Tìm về cái thưở Người không phụ người

Trải nghìn cay đắng Người ơi
Năm năm tháng tháng
vẫn Người, vẫn ta…


QUÀ TẶNG
“Anh về thăm em…
Mà quà chẳng có…”
(Lời anh tôi)
I.
        Thôi anh đừng ân hận khi về thăm em không mang theo một chùm quả nhỏ, một bông hoa nức hương, một chiếc kẹo xinh xinh như là em thơ bé.
        Quà em tặng dành cho anh đầu tiên là phút giây em chân trần chạy ra ngoài cửa, đôi mắt sáng lên, lặng im không nói, mà trái tim thổn thức: “Anh-của-em-đã-về”.
        Thôi anh đừng ân hận. Em nhận ra quà tặng cho riêng mình là đôi mắt của anh giống chùm hoa em đặt tên là Khao Khát và sau vầng ngực kia có trái tim em đặt tên là Quả Tình Yêu, đôi bàn tay ấm nóng này em gọi là Cây Sự Sống.
        Anh hãy ngồi im lặng giống như gốc cây em tưởng tượng, gốc cây sinh ra trăm thứ quả trên đời cho em ăn và em ném trả người đời để người ta biết thế nào là cô bé người yêu của anh ghê gớm – biết trồng và biết hái Trái Cây Tình Yêu.
        Đấy, quà tặng của anh em đã nhận – quà tặng chỉ riêng anh có được, chỉ riêng em nhận biết. Và quà tặng của riêng em dành cho riêng anh là gì, đố anh tìm được, hãy góp vào đây thành món quà chung hai đứa mình cùng ăn.
II.
        Trong vòng tay anh em thấy mình vô cùng bé nhỏ với ý nghĩ em đang mặc một chiếc áo anh mang về từ phương trời nào xa lắm chỉ riêng em có. Anh bảo làn môi em là rượu, anh uống vào cho đỡ khát mà càng say càng khát.
        Thì thầm bên tai anh em kể chuyện những ngày xa anh em  nhớ, em thương, em khóc, em cười, em làm lụng và hát ca như Một Con Người, anh bảo anh nghe giống tiếng chim. Tạm gọi là tiếng chim, anh nhé!
        Trên ngực anh em là con chó nhỏ nghịch ngợm với hay cười. Anh hãy lặng im cho em bày cỗ: Này, làn môi anh là chiếc kẹo ngọt ngào, mắt mũi anh là chùm quả xanh không bao giờ chín, và vầng trán kia là chiếc bánh Thạch Sanh không bao giờ ăn hết, anh đừng cười và lặng im nghe anh.
`       Nước mắt em rơi trên làn môi anh, anh có nhận ra vị mặn của nó không? Em hòa trộn giữa đắng cay và hạnh phúc, giữa nghi ngờ và tin tưởng, giữa cầu xin và lảng tránh, giữa dịu hiền và dữ dội, giữa kiêu kỳ và khiêm tốn, giữa lớn lao và bé nhỏ, giữa giản dị và cao sang, thành những giọt sương này – như lời anh gọi – tưới lên mâm cỗ vừa bày, cho mọi tặng vật này ngát hương tình yêu.
        Thôi anh đừng ân hận khi về thăm em mà quà chẳng có. Chúng ta đã có một mâm cỗ đầy, và rượu, và tiếng chim. Nào, anh yêu, chúng ta hãy cùng nhau uống rượu và nghe tiếng chim giữa mùa đông thánh thót.
Tháng 12/1982

RU XA

À ơi, anh ngủ đi anh
Ta tan vào giấc mộng lành gặp nhau

À ơi cay đắng dẫu nhiều
Tin sông vẫn bến, tin chiều vẫn say

Em ru ngọn gió heo may
Dửng dưng không đợi, đắm say lại chờ

Ngủ đi ươm một câu thơ
Cho nghìn năm nữa vẫn chưa phai lòng

Ngủ đi chín đợi mười mong
Dẫu xa cách thế còn trông phương người

Ngủ đi câu hát tiếng cười
Nhớ nhau gìn giữ cả lời dấu yêu

Em xin vạt nắng cuối chiều
Mang em với trái tim yêu về người

À ơi hãy ngủ à ơi
Lắng nghe trong gió có lời ru xa…

Tháng 9/1999


KHÚC HÁT VỀ NGỌN LỬA

        Anh đã đến rồi – chào Tình Yêu của em, ngọn lửa của em. Cùng hai ta đêm nay có hàng nghìn vì sao mọc, hàng nghìn tiếng reo ca, hàng nghìn bông hoa chợt nở, hàng nghìn tiếng suối róc rách muốn một mình đi tới biển.
        Anh tìm thấy em rồi – người đàn bà hay khóc, vẹn nguyên mộng mơ ở lứa tuổi không còn mơ mộng, tình yêu anh thổi vào đó những nguồn sống li ti để rồi hồi sinh một thiếu nữ dịu dàng và e lệ, dâng tặng anh những khúc hát đắm say – khúc hát anh kiếm tìm mà chưa gặp.
        Em tìm thấy anh rồi – người đàn ông tuyệt vời và cô độc – một Cây Lương Thiện đứng giữa bụi gai. Anh đứng đó đã lâu vu vơ tự hát, làm sao ai biết trái tim anh nhận hậu thế nào, anh dịu dàng ra sao, và trái tim là ngọn lửa ấm xua tan bóng đêm. Vòng tay anh ôm người tình đủ chặt để nàng bật khóc và nói với anh rằng: “Anh-đã-đến-rồi, chào-Tình-Yêu-của-em, ngọn-lửa-của-em”.
        Chúng ta đã đến cùng nhau trên hai ngả một con đường – con đường đắng cay số phận. Và chúng ta đã đi trên con đường ấy cô đơn đến mức chẳng biết sợ là gì, cho đến ngày gặp nhau chúng ta cùng nhìn thấy những giọt nước mắt. Chợt thấy mình bé bỏng trước nhau, lớn lao trước nhau, yên ấm cho nhau, nụ cười cho nhau, nước mắt cho nhau…
        “Anh đã đến rồi – chào Tình Yêu của em, ngọn lửa của em…” – Điệp khúc này người đàn bà anh yêu đã giấu trong sâu thẳm trái tim, nàng đã đi qua ngàn vạn đắng cay mà chờ đợi cái phút giây khúc hát nên lời. Và bây giờ nàng sẽ hát tặng anh – khúc hát riêng tặng anh, một mình anh nghe, một mình anh gìn giữ.
        Ngày mai khúc hát ấy sẽ bay lên trời và kể với những ngôi sao xa rằng có một trái tim yêu đã khóc và đã hát: “Anh đã đến rồi – chào Tình Yêu của em, ngọn lửa của em…”

Tháng 2/1999

Nhà thơ Phạm Hồ Thu và con gái (Ảnh chụp 1997)

CON

Mẹ bọc con trong vạt áo
Nơi mẹ thầm lau giọt nước mắt cuối ngày

Mẹ ôm chặt con trong vòng tay
Với niềm sợ hãi: Sẽ có một ngày đôi bàn tay này không còn làm lụng được để nuôi con và ôm con chặt hơn.

Mẹ hôn lên đôi má tơ non của con
Với niềm ước ao: Con hãy giống mẹ và khác mẹ

Chiều chiều mẹ đi làm về
Mẹ vượt qua những ánh mắt đón đưa như vượt qua nỗi cô đơn thường nhật để chỉ nhớ bàn tay con ngóng vẫy…

Con ơi,
Con là niềm tự hào và bến bờ xa của mẹ
Biển ngoài kia sóng dữ
Con là chiếc neo neo mẹ với bờ…

Mai này lớn khôn xin con đừng quên
Con đã lớn lên trong vạt áo mẹ
Nơi mẹ thầm lau những giọt nước mắt ngày ngày…

Tháng 6/1996


MỘT KHÚC THU

        Một giọt sương rơi thật khẽ sau rèm. Tôi bỗng nhớ mùa thu đã đến: của riêng tôi – mùa thu nhiều mơ mộng. Tôi nâng trên tay một chiếc lá vàng.
        Tôi đã đi qua những mùa thu tràn ngập đắng cay và hạnh phúc. Không ai thay thế được anh – người đàn ông luôn đứng về nẻo khuất – những ngả thu chi chít dấu chân anh.
        Một giọt sương rơi thật khẽ sau rèm. Thu lặng lẽ tràn về tôi yên tĩnh. Giá chi được cười, giá chi được khóc, giá chi được gục vào ngực anh lặng im nghe hơi thở thu.
        Như kẻ mộng du, tôi đưa hai bàn tay ra đón sao trời, đón hạt sương thu không sao nhìn thấy được. Từ lúc nào, hai bàn tay tôi nhòe ướt – hóa ra những giọt nước mắt cùng sương thu thánh thót rơi.

GỬI

Tình yêu tôi tặng cho người
Ngọt ngào, cay đắng cùng lời thủy chung
Người ta ra ngõ mà trông
Tôi ra trông ngõ mà không thấy người

Khúc buồn Người gửi cho tôi
Khúc vui dâng hiến cái người dửng dưng
Thương con đò dọc giữa dòng
Tưởng neo được bến mà không thấy bờ

Nỗi niềm gửi lại cho thơ
Thơ đau - đến khúc ơ hờ cũng đau
Tình yêu biết trốn vào đâu
Đành đem ra Ngả Thương Đau mà chờ


CHIỀU TRƯƠNG CHI

Có một mùa xuân Kinh Bắc
Tôi lạc về chiều sông Tương
Nào biết Trương Chi có đợi
Sao tôi lại thành Mỵ Nương?

Dòng sông – vẫn một dòng sông
Người bảo: Đấy – dòng – nước – mắt
Vấp vào mùi hương thanh khiết
Người bảo: bạch đàn tỏa hương…

Mải theo hương ấy đi tìm
Vấp tiếng sáo ai réo rắt
Khi bóng chàng Trương đã khuất
Còn ai khóc ai – còn ai?

Ra sông tôi gọi: ơi đò!
Đò không. Và người chẳng thấy
(Giá được một lần gặp lại)
Tôi gào trong gió: Trương ơi!

Sao tôi lại thành Mỵ Nương.
Khi bóng chàng Trương đã khuất?

Tự tình yêu là nước mắt
Tự tình yêu là khúc ca…

2004


THƠ CHO NGƯỜI NGÃ NGỰA

Thôi đứng dậy trở về với em - người tình!
Cuộc đua không phân thắng bại
Chú ngựa chiến theo anh mọi nẻo.
Cũng đã chạy xa không thấy bóng hình...

Thôi đứng dậy trở về với em - người tình!
Chàng kỵ binh kiêu hùng thuở trước
Về nghe lại tiếng ru
Em đã từng ru theo vó ngựa
Ru cả gót chân A-sin không biết nẻo về...

Trở về với em - người tình!
Nguyên vẹn trong em
Ảnh hình chàng kỵ binh kiêu hãnh
Riêng em biết sẽ có ngày anh trở lại
Trên gót A-sin đã bị bắn què
Và chú ngựa chiến ngày nào đã chạy rất xa...

1989


TRƯỚC CỎ

I

Tôi đã cúi đến hết mình - sát cỏ
Để gần hơn thế giới con người
Tôi đã bay đến những vì sao xa nhất
Để xa hơn thế giới con người...

II

Anh đã đến cùng tôi giản dị
Chia hạt cơm thơm, chia củ sắn bùi
Chia đêm chung hương, chia chiều ly biệt
Và chia nhau kiếp sống làm người

III

Không thể sống cho nhau như nguyện ước
Không thể giã biệt nhau như những kẻ vô hồn
Lại một lần
tôi cùng anh cúi thấp hơn trước cỏ
Và lắng nghe tiếng gọi phía sao trời...

Đêm chuyển thiên niên kỷ, 1/1/2000


GIẤC SÂM CẦM

Có một kinh thành vương bóng anh
Hoa lau trắng cả giấc sâm cầm

Có một sông Hồng mê mải chảy
Mà nên bờ bãi đã nghìn năm

Chùa xưa chuông cũ vang đâu đó
Sóng biếc lao xao mặt hồ đầy

Xao xác tiếng chiều rơi chầm chậm
Hoa đào năm ngoái nở đêm nay?


LẼ THƯỜNG
“Thế giới đã nát tan và để lại vết nứt trên mình thi sĩ”
                                                (Thơ Heinrich Heine)
Giống như lẽ thường của một tình yêu cay đắng – chúng ta yêu nhau và xa nhau.
Giống như lẽ thường của một tình yêu cay đắng – em có anh và không anh.
Giống như lẽ thường của một tình yêu cay đắng: lời nói cay nghiệt vô nghĩa nào, sự ngu ngốc nào chia lìa hai ta...
*
Anh hãy đi – lẽ thường, giống những người đàn ông khác – rất giầu vô cảm. Những đám người đi qua chúng ta đâu còn ánh lửa. Ta thắp lên ngọn nến mong manh ái tình...
Không có nhau – mặt trời vẫn mọc, trăng trên đầu hai ta không thôi vằng vặc, biển không thôi thì thầm nỗi buồn muôn thuở - lẽ thường!
Lẽ thường – với những người đàn bà khác em, anh vẫn có thể ái ân, có thể tặng lại họ những câu thơ vì em anh đã viết. Nhưng còn em đâu mà có người hờn giận. Ái ân hay thi ca, nếu chẳng thuộc về nhau, nào ý nghĩa gì?
*
Nhưng em không anh và anh không em – lẽ thường này chỉ những vì tinh tú kia không chấp nhận, bởi vì Người đã nhìn thấy tình yêu của hai ta sinh ra từ nước mắt, từ trắng trong số phận. Lúc ấy, anh đi tìm mà dấu chân em không rắc theo một chiếc lông ngỗng Mỵ Châu.


KHU VƯỜN YÊN TĨNH

Chỉ còn lại hoa thơm và cây trái – trong khu vườn yên tĩnh của ta. Chỉ còn lại những vì sao khuya khoắt. Và hoa lá lặng im đón ánh trăng ngà...

Chỉ còn lại... Tưởng chẳng còn có thể - hàng cây nào, loài hoa nào, tiếng hót nào làm xôn xao náo động khu vườn - khu vườn ta yên tĩnh...

Một ngày bỗng thật buồn - một ngày bỗng xôn xao cây lá - Anh đến miền ta dâng một giấc mơ...


NGƯỜI ĐÀN BÀ BA MẶT

Khi tôi đứng trước tượng Dương Vân Nga – người đàn bà làm vợ của hai đời vua, người coi đền bảo tôi: “hãy nhìn mà xem, bức tượng này ba mặt, ba vẻ mặt khác nhau của một người đàn bà”
(PHT)

Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?
Sao lại đứng góc chùa này mà khóc?
Sao lại đứng ở góc chùa này mà tỏa sáng cái ánh sáng dịu dàng thiên thần ngày làm mẹ?
Sao lại đứng ở góc chùa này mà chờ đợi trong hân hoan nụ tình yêu?
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?

Thôi hãy nén đau thương bời bời ngày mất vị Quân Vương thứ nhất
Chén ngọc Người dâng ta đã từng uống cạn trong cỏ cây, hoa lá, khóc cười
Nén nước mắt vào trái tim người đàn bà kiêu hãnh biết vui buồn cùng xứ sở...

Thôi hãy thêm một lần tỏa nụ cười dịu dàng thần tiên muôn thuở phủ lên gương mặt con thơ
Thêm một lần chờ đợi, hân hoan dâng áo bào cho người chiến binh mang gương mặt tình nhân...
Ngày mai chàng ra trận. Rồi chàng sẽ trở về dâng tặng ta lễ vật là bình yên xứ sở...

Thêm một lần làm người đàn bà biết sống thật với mình, không bịa tạc, không giả trá – tình yêu nhân danh sự sống – một giấc mơ nở Đóa – Con Người

Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?
Cảm ơn sự tưởng tượng phi thường của người nghệ sĩ đã tạc bức tượng nàng thành người đàn bà ba mặt.

Một gương mặt đau thương vô biên, một dịu dàng muôn thuở, một ánh cười kiêu hãnh ngày dâng tặng áo bào giục người tình ra trận.

Còn sự hoàn hảo nào hơn để nói về người đàn bà này?
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga...

2007 - 2010


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét