11/9/09

Xào nấu... "hơi bị khó đấy"

vn.hanoi: Blog được anh Hồ Nguyên góp khá chuyện vui. Đây cũng là một cách mở theo dạng mời mọi người có thể góp ý nhận xét, tranh luận theo dòng câu chuyện anh khơi ra, với các quan điểm nhiều chiều.

Theo đó, vn.hanoi cảm nhận, thực sự để xào nấu, tiêu hóa được những vấn đề anh Nguyên đã gửi đến đúng là "hơi bị khó đấy".

Sau đây là trích hai câu chuyện, ảnh kèm theo các bài là sưu tầm, có đường dẫn trực tiếp từ trang gốc.
(Đôi khi truy cập vào các trang web khác trên mạng là khó khăn do đường truyền. Để các bạn có thể dễ dàng tham khảo, chúng tôi đã copy các bài viết về Google Docs, nhưng có ghi đầy đủ đường dẫn đến web nguồn. TTST BND không liên quan đến tính xác thực thông tin của các trang web nguồn này)

------------------------------------
Thư từ anh Nguyễn Hồ Nguyên:

1. Gửi các bạn những mẩu chuyện vui về anh hùng Hồ Giáo, một người hồi trẻ chúng ta thường ngưỡng mộ, đọc ê a bài thơ về anh hùng Hồ Giáo.


Nay gặp lại, rất vui, mà cũng cảm thấy đắng nghẹn thế nào đấy?

Tố Hữu có bài thơ Gặp anh Hồ Giáo viết tháng 1 năm 1972, mở đầu bằng đoạn:

"Lần trước gặp anh,
Chăn bò trên Tam Đảo.
Sáng nay lại gặp anh Hồ Giáo,
Chăn bò ở Ba Vì.
Hỏi anh: Có thú vui gì?
Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò...
Cách mạng cần, việc nhỏ việc to,
Đánh Mỹ, nuôi bò, việc gì cũng quý."

Thân ái
Nguyễn Hồ Nguyên

Xin mời bấm vào để xem tài liệu tại Google Docs: Chuyện sưu tầm về anh Hồ Giáo

Đó là giai thoại về 30 cặp lốp xe đạp tiêu chuẩn anh hùng của ông Giáo, chuyện 5 người họ Hồ ở Quảng Ngãi, anh hùng cưới vợ không có chỗ nằm, chuyện mối tình bí mật bị… bật mí sau nửa thế kỷ, chuyện ông Giáo đi bộ ụp nồi cơm điện, Hồ Giáo uống sữa Hồ Giáo, Hồ Giáo nhận phong bì đô la, và lời cải chính sững sờ sau nửa thế kỷ: anh Nhẫn không phải là… Hồ Giáo!
v.v...

2. Lâu nay trên các thông tin đại chúng nhiều chuyện thời sự đọc và nghe buồn quá, hết muốn xào nấu. Nay, tôi muốn mời mọi người thưởng thức một món ăn hơi bị lạ, ăn được (tức là biết, là hiểu cái hay) hơi bị khó đấy.

Chúc mọi người có kỳ nghỉ cuối tuần vui vẻ!

Thân
Nguyễn Hồ Nguyên

Xin mời bấm vào để xem tài liệu tại Google Docs: Thư pháp trên cơ thể

"...Nói dông dài chẳng qua chỉ muốn khẳng định : nói ‘sắc tức thị không’ thì dễ, nhưng gặp cảnh mà coi sắc cũng là không e rằng thì khó lắm.Trở lại với người viết thư pháp trên cơ thể. Tôi phải công nhận là ý chí, tinh thần ông rất tuyệt vời. Đối với một người viết thư pháp, việc giữ cho tinh thần không xao động, không phân tán bởi các yếu tố bên ngoài là rất quan trọng. Có tịnh thì tâm mới an, nét chữ mới có thần, bố cục mới hài hòa hợp lý. Một khi bút đã chấm mực, tay đã ‘đề’ ‘án’ thì không thể dừng nữa chừng, vì dừng thì bút khí ngưng trệ, tác phẩm coi như bỏ đi. Đó là yêu cầu cơ bản khi chấp bút viết chữ trên giấy, trên vải, trên đá gỗ. Đây ông lại viết trên một thực thể sống, đầy sinh lực. Mỗi nét bút ông kéo lên hay đi xuống là đi cùng nhịp thở, cùng cảm xúc của cô gái. Quả là tâm không động. Người để cho viết tài, người viết lại càng tài. Có lẽ cả hai đều vượt qua cái giới hạn của hình sắc để đạt đến cái độ ‘sắc tức là không’ "vì không có những chướng ngại trong tâm nên không có sợ hãi và xa rời mọi cuồng xi mộng tưởng".

Câu kinh "Quán tự tại bồ tát" mở đầu tác phẩm từ bên trái, gần tim (tâm kinh mà) xuống ngực rồi được viết dần sang bên phải, đến đùi phải rồi kết thúc bên đùi trái với câu chú "yết đế, yết đế ..."

Và rồi cảm thấy như chưa đủ, ông lại khóa tất cả lại bằng một chữ "Phật" thật lớn ở sau lưng. Toàn triện phía trên, danh ấn phía dưới ; đề từ, lạc khoản ; chữ đen, da trắng, triện son đỏ, nhìn thực mà không tục, trần trụi mà không dâm dục, đúng thư pháp, đúng nghệ thuật.

Trong chữ có pháp, trong hình có ý đọc ‘sắc’ ‘không’ trên thân trần sắc mới thấy cái ảo diệu của Tâm kinh và cái đẹp của thư pháp vậy."

Nội dung Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Hồ Nguyên sưu tầm):

Quán Tự Tại Bồ tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thứ giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc.
Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y Bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Cố tri Bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư.
Cố thuyết Bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế Bồ đề Tát bà ha.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về bài kinh này qua các trang về Phật pháp, Wikipedia, hoặc vào trang web sau http://phatphap.wordpress.com tìm bài giảng của Hòa Thượng Thích Thanh Từ rất hay và dễ hiểu.

4 nhận xét:

  1. Đại đức Thích Đủ Thứ12/9/09 18:46

    Nam mô a di đà Phật!
    Thượng tọa Thích Đủ Thứ này thấy có đồng đạo tu hạp với mình lắm đây.

    Vừa được niệm Tâm kinh, vừa được ngắm cái đẹp của tạo hóa. Đắc đạo như thế thật là sướng!

    Ngộ là hòa thượng người Việt gốc... Phương Bắc vĩ đại không nói chơi đâu! Vui!

    Trả lờiXóa
  2. 1. Về anh Hồ Giáo, thật đáng trân trọng người anh hùng đã khẳng khái chỉ nhận cái nghiệp chăn bò phù hơp với khả năng mình.

    Không ngờ ông Tố Hữu, tác giả "chào 61, đỉnh cao muôn trượng" (chẳng còn đỉnh cao nào phải leo lên nữa!) lại có được câu thơ hay chân thật đến thế về anh Hồ Giáo:
    "Hỏi anh: Có thú vui gì?
    Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò...
    Cách mạng cần, việc nhỏ việc to,..."

    Nếu người ta bắt anh làm đại biểu Quốc hội hoặc giữ chức gì đó, đại loại như Thứ trưởng thì khổ cho anh lắm đây!

    2. Về thư pháp trên cơ thể: Mình nghĩ bài viết có nhiều mâu thuẫn.

    Bài viết ca ngợi "ông" viết chữ (mà thực ra trong ảnh là một bà đang lau mực dính tay sau khi viết), người đã đạt đến chân tu quả cao:
    ...Có lẽ cả hai đều vượt qua cái giới hạn của hình sắc để đạt đến cái độ ‘sắc tức là không’ "vì không có những chướng ngại trong tâm nên không có sợ hãi và xa rời mọi cuồng xi mộng tưởng"...

    Nhưng vấn đề là tại sao lại phải đọc tâm kinh theo cách như vậy?
    Trong cuộc đời có nhiều điều ta không cần hiểu hết, không cần biết hết, cho nên cũng chẳng cần lý giải nhiều, chỉ nghĩ đó là một trò chơi cái đẹp của mấy tay chơi có hạng.

    Và cũng thêm nữa, đối với tác giả bài viết, sao cần phải đưa lên mặt bài cái ảnh khoe kỹ hết từ 'trong ra' của cô gái khỏa thân thế?
    Chắc tác giả đó cũng mong một bài giật gân cho nổi thôi.

    Tóm lại, người viết chữ, người nude, người viết bài đều có quyền chơi. Nhưng chơi bằng cách đưa nội dung đó lên mạng, lên báo, liệu có bôi xấu hình ảnh những người tu hành (thử nghĩ xem, có ai cần phải tu theo kiểu đó không?)? Liệu có sex quá trên mặt báo ...

    Mình mổ xẻ cho vui thế thôi, nhưng mà người ta có quyền "tự do báo chí" cơ mà!
    :-))

    Trả lờiXóa
  3. Âu cũng là một quan niệm, một cách nhìn nhận của mỗi người. Vì thế, tôi đã nói trước món này rất khó xào nấu là thế đó. Nay cả việc bạn thấy trong ảnh thấy có người phụ nữ viết thư pháp, mà trong bài viết nói “ông” cũng là để bạn thấy cái khó của người viết bài rồi!
    Tôi có thể lý giải đơn giản thế này: Bạn nhìn một bông hoa, bạn thấy đẹp. Thậm chí bạn còn thấy thích thú khám phá bông hoa đó, cây hoa đó. Nhưng bạn đâu thấy nó “nuy” hay “sex”. Tại sao bạn lại không thể nhìn ngắm trọn vẹn một người phụ nữ , và cả cơ thể người đàn ông nữa như vậy nhỉ. Đó là bạn đã chấp một cách nhìn, một cách nghĩ “như thế là nuy, là sex”. Còn nếu bạn “sắc tức thị không, không tức thị sắc” tức là bạn có tâm “không” thì bạn sẽ có cách nhìn bình đẳng, không phân biệt. Đơn giản, nhưng hiểu và hành xử được như vậy thật khó lắm thay. Vì thế tôi đã cẩn thận chép lại nội dung “ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” cùng lời đề nghị đọc thêm nhiều bài giảng của các vị Hòa thượng.

    Trả lờiXóa
  4. Về anh hùng Hồ Giáo:
    Tôi đã xếp bài viết “Hồ Giáo – ông là ai” và đoạn đầu bài thơ “Gặp anh Hồ Giáo” của nhà thơ Tố Hữu ở dưới cùng để các bạn sau khi đọc xong những câu chuyện bi hài chảy ra nước mắt về con người 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động, xem xong những bức ảnh chân thực về ông, một dân quê chính hiệu, mà không có một vị anh hùng lao động của Việt Nam nào có được, để rồi bạn lại khám phá thấy đó là một con người sống rất giản dị không thể hơn được mà lại có nhân cách lớn lao đến nhường nào. Ông, 2 lần được phong anh hùng lao động, có quyền được sống khác hẳn đi, khác một cuộc sống khổ hạnh hiện tại của ông mà rất nhiều người trong chúng ta phải cười thầm rằng đấy là cuộc sống của người không biết cách sống, nhưng ông ấy đã không làm, thậm chí còn bằng lòng những gì mình đã có trong suốt cuộc đời lao động cống hiến của mình. Ông chỉ than thở một điều “tình người mỗi ngày một khác xưa” nghe thật nhói lòng. Giản dị vậy, mà lại sâu sắc nhường nào!
    Tố Hữu viết bài thơ “Gặp anh Hồ Giáo” rất đỗi mộc mạc, giản dị như đúng con người anh Hồ Giáo. Hai câu thơ “Cách mạng cần, việc nhỏ, việc to/ Đánh Mỹ, nuôi bò, việc gì cũng quý” đơn giản dễ hiểu đến thế mà có phải ai cũng nghĩ, cũng làm được đâu!

    Trả lờiXóa