6/9/09

Giao thông, theo cách tôi cảm nhận

Lưu Bình


1+7=8Ở Việt Nam chỉ có kẻ mắc chứng tâm thần thì dám mới tin vào luật lệ giao thông. Bạn đi đúng phần đường bên phải, bạn chỉ vượt qua các ngã rẽ khi đã có đèn xanh, bạn chạy dưới tốc độ cho phép v.v..và v.v.. thì điều đó cũng không có nghĩa là đã đảm bảo cho bạn được an toàn. Ngược lại, xác suất để kẻ khác đâm vào bạn vẫn cao như thường. Tức là vẫn có thể có kẻ từ bên trái lao sang, kẻ đi ngược chiều, kẻ vượt đèn đỏ và kẻ chạy quá tốc độ có thể làm chủ, đâm vào bạn. Đừng bao giờ ngạc nhiên hoặc mất thời gian vào việc cố giải thích hay cáu giận mỗi khi bị những phương tiện to lớn hơn phương tiện của bạn ăn hiếp bạn trên đường. Họ đã đi đúng luật, luật cá lớn nuốt cá bé. Bạn hoàn toàn có thể làm điều đó đối với những phương tiện nhỏ hơn phương tiện của bạn. Và hãy tin rằng mọi phản ứng của kẻ yếu đuối kia hầu hết là vô nghĩa. Nếu chẳng may gặp một vụ ách tắc đường phía trước, hãy chuẩn bị sẵn sàng một tinh thần vượt khó. Nếu xuất hiện bất cứ kẽ hở nào vừa phương tiện của bạn hãy điền ngay thân thể bạn vào đó. Bạn không làm như vậy sẽ có kẻ khác tức thì làm điều đó, và bạn mất cơ hội tiến lên. Đừng phung phí tính kỷ luật trong những trường hợp như thế, ở đây bạn sẽ bị lên án là ngu xuẩn nếu định nhẫn nại xếp hàng tuần tự. Sẽ là thiếu văn hóa nếu trong một ngày bạn văng tục quá 3 lần. Vì thế để tránh mang tiếng ít học, bạn nên ngậm một ngụm Cô-ca khi lái xe trên đường. Phải coi chuyện người chạy qua đường bất ngờ là chuyện bình thường. Như thế vẫn còn tốt so với trường hợp bạn phải phanh gấp khi thấy phía trước có tới hai ba người đi thủng thẳng qua đường, vừa đi vừa nói chuyện như thể vừa từ nhà hát ra.Nếu bạn không dám làm cho mình một cái biển số xe giả, có chữ NN (nước ngoài) hoặc NG (ngoại giao) trên đó, thì tốt nhất là bạn nên học cách đối xử tử tế với cảnh sát giao thông. Nói chung họ cũng là những người hiền lành như cảnh sát châu Âu, ngoại trừ vẻ mặt bên ngoài. Họ thực sự dễ mến khi thấy rằng bạn đang rút ra một tờ bạc 100 000 đồng (mà nhiều hơn thì càng tốt). Bởi vì họ biết bạn đang sắp làm một việc mà chỉ có người Việt Nam, một dân tộc nhân văn vào hàng bậc nhất trên thế giới, mới gọi là “cầm tạm uống nước”. Ở Việt Nam, các lực lượng quản lý trực tiếp giao thông như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, xuất hiện trên đường dường như mới chứng tỏ sự tồn tại chứ chưa chứng tỏ được sức sống của luật pháp. Chuyện cảnh sát đôi co với người tham gia giao thông là chuyện bình thường. Khi bạn bị cảnh sát ra lệnh dừng phương tiện, hoàn toàn không nên lo lắng để tâm vào vấn đề luật pháp. Hãy tưởng tượng bạn đang được đối diện với người dẫn chương trình “ai là triệu phú” và suy nghĩ để chọn sự trợ giúp thích hợp. Câu hỏi muôn thủa dành cho bạn sẽ là: thế nào, anh/chị đã biết lỗi của mình chưa? Hầu hết người dân thường đều chọn phương án “50/50”. Nếu phương án này được chấp thuận, hãy tự thưởng cho mình cốc bia, vì phần thu nhập ngày hôm đó của bạn coi như được thêm một nửa số tiền bị phạt. Một số may mắn hơn, có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của người khác đến người dẫn chương trình thì chọn phương án “gọi điện thoại cho người thân”. Bạn nên tỏ ra lịch sự, chớ nên ngạo mạn khi người dẫn chương trình trả lời điện thoại với giọng lắp bắp và gửi lại điện thoại cho bạn bằng hai tay. Nhưng cũng có người chọn phương án “hỏi ý kiến khán giả”. Đây phải là những người đã thực sự dạn dày. Họ sẽ la toáng lên: bà con chứng kiến cho tôi không làm điều gì sai trái mà bị công an bắt dừng lại. Những cảnh sát trẻ thường rất sợ những công dân mang họ “Chí” này, và buộc phải để cho đi bởi vì đám đông thường không ủng hộ cảnh sát dù người tham gia giao thông thực sự phạm luật. Nếu dạo bước ở phố cổ, bạn sẽ thấy nghịch cảnh: vỉa hè dành cho xe cộ còn người đi bộ thả bước dưới lòng đường. Đây là những tình huống thực sự chinh phục được những khách nước ngoài thích du lịch mạo hiểm. Bạn có thể bất ngờ bị ngã khịu chân vì một chiếc xe máy đâm đằng sau vào bắp chân bạn. Nhưng như thế chưa đáng sợ. Bởi vì nhiều người đã cảm thấy rất tự hào vì được đóng vai chướng ngại vật khi bất chợt gặp những cái đầu tóc nhuộm vàng, dựng đứng, phóng biểu diễn những màn mô tô rượt đuổi cực kỳ ngoạn mục trên phố.




5 nhận xét:

  1. Một nước nghèo, các bộ luật còn mới xây dựng chưa hoàn thiện nên từ người dân đến cả bộ máy công quyền đều chưa ý thức đầy đủ về tôn trọng luật pháp.

    Mới đây, Thành phố Hà Nội phát động "Tháng văn hóa giao thông" với hy vọng người dân sẽ ý thức tốt hơn về thực hiện văn minh và luật giao thông.

    Để VN được như những nước văn minh đã có luật pháp hoàn chỉnh từ hàng trăm năm nay, chắc còn cần có thời gian để hoàn thiện luật pháp và rèn cho mỗi người dân trở nên biết sợ, tôn trọng luật.

    (Thực tế ai cũng kêu ca nhưng chưa chắc lúc nào bản thân mình cũng có đủ văn hóa giao thông)

    Ngay ở nước văn minh như Đức, người ta cũng đang giật mình vì tệ nạn mua bằng tiến sĩ:
    "Các công tố viên Đức đang điều tra gần 100 giáo sư trên toàn đất nước vì nghi họ nhận hối lộ để giúp sinh viên lấy bằng tiến sĩ.

    Phát ngôn viên của cơ quan công tố thành phố Cologne cho hay Viện Tư vấn khoa học ở thị trấn Bergisch Gladbach – phía đông thành phố Cologne - có vai trò chủ đạo trong vụ gian lận. Viện này đóng vai trò cầu nối giữa nghiên cứu sinh và giáo sư..."
    (Để Xem tiếp bài Gần 100 giáo sư tại Đức bị điều tra trên VnExpress, xin mời bấm vào đây.

    Trả lờiXóa
  2. Khách Qua Đường9/9/09 10:31

    Bài viết vui mà đúng thật.
    Chẳng cứ về giao thông đâu - dân Việt Nam mình rất tùy tiện. Được cái "tùy" theo hoàn cảnh mà xử sao cho "tiện" nên hay được người ngoại quốc cho là thông minh, sáng tạo!

    Trả lờiXóa
  3. Đang mệt mà đọc xong bài này thấy hết cả mệt.Tình trạng đáng buồn về giao thông thì khỏi phải bàn rồi.Nhưng trong cái đáng buồn mà ta vẫn tìm được niềm vui trong đó để cảm thấy cuộc sống đỡ nặng nề thì cũng đáng lắm chứ. Cám ơn anh Bình nhé.

    Trả lờiXóa
  4. Đọc bài của Bình viết vui thật, nhưng mà rất đúng.Ý thức của dân mình còn rất kém. Ở bên Nga có những lần 2-3 giờ sáng mình đi taxi về,đường phố vắng không một bóng người và xe, vậy mà khi đèn đỏ bật, tài xế vẫn dừng xe lại chờ nghiêm chỉnh. Chẳng như nước mình,dòng xe chạy dày đặc nhưng vẫn không ít người thích vượt đèn đỏ khi không có công an.Nếu ai đó có nhìn thấy đừng dại tỏ thái độ, vì mình đã chứng kiến cảnh một bác già tỏ ý lắc đầu thì bị ngay người đó quay xe lại chửi cho một trận mất mặt.Chứng tỏ người đó vượt ẩu không phải vì vội mà vì thích khác người vậy thôi.Người Nga có câu: một phút rất quí, nhưng cuộc sống còn quí hơn. Vậy mà nhiều người vẫn tiếc một phút để bỏ cả cuộc đời.

    Trả lờiXóa
  5. Chung quy dân minh chưa được dạy dỗ nghiêm khắc để tạo một ý thức chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, và tất cả các luật pháp khác.
    Một lần ở bên Đức, tối thấy 2 cảnh là minh nhớ mãi: khi xếp hàng, mọi người tự động đứng ở vạch vàng cách nơi mình cần đến giao tiếp 2 m, rất trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy; xe ô tô dừng trước đèn đỏ cho dù ngã tư đêm khuya vắng vè không xe và người qua lại, trong khi đó mấy người Việt Nam mình đi bộ ào ào băng qua đường dù đã có đèn đỏ, đã thế qua vỉa hè bên kia đường, lại còn quay lại chế giễu mấy người Đức lái xe: "đồ hâm!".
    Lại nữa, công an ta lại khoái "đứng đường". Một lần, anh bạn tôi lái xe ô tô mới chớm qua làn trắng khi đèn đỏ, nhưng kịp dừng lại, bị công an phạt. bạn tôi nghĩ chuyện nhỏ, không đôi co, rút tờ 200,000 đồng đưa cho anh công an nọ. Nhưng anh công an này nói rất rành rọt: " 500 thì mới yên!". Thật hết biết!
    Cho đến bao giờ dân ta mới biết thế nào là chấp hành luật giao thông nhỉ? Có lẽ phải chăng đến lúc quất dân mình lẫn người người thi hành luật pháp những làn roi thật đau quánh người, hay cho họ xuống địa ngục thấy dược cảnh mọi người bò lổm ngổm trong vạc dầu sôi sùng sục may ra họ mứi biết sợ chăng?

    Trả lờiXóa