30/9/09

Thăm hỏi bạn bị ốm

Từ: TTST BND
Ngày: 24 tháng 9 năm 2009, 08:15
Chủ đề: Anh Nhi bệnh nặng

Chào các anh chị,

Được biết anh Huỳnh Dũng Nhi ở Vũng Tàu, đã về TP. HCM suốt cả tháng nay để khám và điều trị K dạ dày. Sức khỏe anh Nhi lâu nay vẫn kém nên chị vợ anh cũng đang xin nghỉ làm để đi cùng chăm sóc, giúp đỡ.

Hiện anh Nhi đang ở nhà chị Huỳnh Ngọc Thụy, hàng ngày đến bệnh viện làm các thủ tục, xét nghiệm.

Chúng tôi xin thông báo để các anh chị có điều kiện có thể dự định tổ chức thăm hỏi người ốm, chia sẻ với anh Nhi.

------------------------------------
Từ: Huỳnh Ngọc Thụy

(trích)
...cám ơn các anh đã hỏi thăm anh Hai em. Anh Nhi đang ở TP.HCM, ở nhà em đã gần tháng nay rồi. đi đi về về ra vô bệnh viện suốt để làm xét nghiệm, thủ tục này nọ. sắp tới sẽ điều trị bằng cách uống thuốc và điều trị ngoại trú thôi. tình hình cũng không có gì khả quan cả vì sức khoẻ anh Nhi rất yếu. Chị dâu em đã xin nghỉ làm đi theo săn sóc anh...

------------------------------------
Từ: Thanh Hà

Chị Thuỵ ơi!

Bọn em ở xa, chỉ biết gửi lời hỏi thăm chúc anh Nhi yên tâm điều trị!
Mong chị đừng lo lắng quá và nhớ giữ gìn sức khoẻ!

------------------------------------
Từ: Hồ Nguyên

Ở xa, không tiện đến thăm Nhi được, chỉ xin chúc Nhi sớm bình phục.
Thân ái,
Nguyễn Hồ Nguyên

------------------------------------
Từ: Huỳnh Dũng Nhân

Anh Nhi gần đây sức khỏe sa sút, suy nhược, nay lại bị K dạ dày, tình hình nghiêm trọng.

Hôm nay vẫn vào bệnh viện nhưng bệnh viện cho biết khó lòng mổ được, vì sức khỏe anh Nhi cũng rất kém.

Đây là tấm hình anh Nhi chụp gần đây ở nhà Huỳnh Dũng Nhân.

(vn.hanoi: Mời các bạn xem hình gia đình anh Nhân gửi, gồm cô Hùng Lý và các anh Dũng Nhi, Dũng Nhân, các chị Ngọc Thụy, Hoa Lê ở bên Trang chuyên ảnh)

------------------------------------
Từ: Hiếu Dân

Thụy ơi, nhờ in mấy dòng sau gửi anh Nhi nhé. Cảm ơn nhiều lắm!

Dũng Nhi ơi,

Đã lâu lắm rồi mình chưa gặp nhau đấy nhỉ. Rất nhớ Nhi.
Vừa rồi xem ảnh chụp ở nhà Nhân, thấy Nhi vẫn là những nét ngày xưa, sau 40 năm chỉ có già yếu hơn thôi.

Cố gắng chữa trị nhé! Hẹn lần tới mình vào công tác miền Nam sẽ gặp Nhi.
Thân mến,
Hiếu Dân

------------------------------------
Từ: Đoàn Hồng Quân
Ngày: 29/9/2009

Gửi anh Nhi,

Ba chị em Bình, Hồng, Quân (chắc anh còn nhớ) gửi lời hỏi thăm sức khỏe của anh, sau khi hay tin anh bệnh.
Cầu chúc cho anh điều trị mau khỏi...

E. Hồng Quân

------------------------------------
Từ: Huỳnh Ngọc Thụy
Ngày: 30/9/2009

Chào anh Dân và các anh chị em,

Thuỵ đã nhận được lời thăm hỏi anh Nhi của tất cả mọi người. Thay mặt anh Nhi và gia đình xin cám ơn tất cả những lời hỏi thăm, "những lời chảy tự đáy lòng, sẽ nồng ấm suốt bao năm trong đời" của các anh chị em. Thuỵ đọc lại thư của anh Hiếu Dân cho anh Nhi nghe, anh Nhi nói với chi hai, Hiếu Dân hồi đi sơ tán, có tên là Hiêu. Thuỵ nói ngay đúng quá rồi, anh Nhi nhớ giỏi thế, chứ em nhờ đọc trang web của ttst mới biết tên cúng cơm của anh ấy đấy. Anh Nhi nghe mọi người hỏi thăm thì nhớ kể tên từng người, Thuỷ Tiên anh Nhi còn nhớ là con chú Hữu Chỉnh, em của Chân, Chính. Kể tên ai anh cũng nhớ trừ mấy em bé quá như em Nga (cũng phải thôi đừng buồn em Nga nhé) và nhắc kỷ niệm của trại trẻ. Anh Nhi vẫn rất lạc quan, những ngày nằm trị bệnh ở nhà Thuỵ, anh Nhi tìm truyện đọc (Thông báo là nhà Thuỵ rất nhiều sách mua từ thửa bé đến giờ vẫn giữ, từ thời bao cấp giấy đen thui cũng còn với ý nghĩ là giữ cho con gái sau này lớn sẽ xem. Tuy nhiên khi con đi kiếm sách coi đã ra điều kiện: mẹ đưa cuốn nào giấy trắng con mới coi, thế là dự tính phá sản, may có anh Nhi còn tha thiết lục lọi tủ sách cũ của Thuỵ, cảm ơn anh Nhi ghê, hic hic...). những truyện như Nam tước Phongonrinh của một thời xa xưa, anh Nhi đọc ghiền gẫm hết cuốn này sang cuốn khác... Và vẫn rất khôi hài, ai đến thăm anh nghe anh kể chuyện đi khám BS cũng phải cười lăn.

Hôm nay anh đã về Vũng Tàu, sức khoẻ tuy yếu nhưng ổn định. Anh Nhi đã bắt đầu dùng thuốc uống, ngày 2 lần. Vì dùng đường uống nên ít tác dụng phụ hơn, ít bị hành hơn. Tình trạng bệnh của anh Nhi là giai đoạn 1, nếu mổ được xong cho uống thuốc thì có tiên lượng tốt. Tuy nhiên vì sức khoẻ yếu nên không mổ được mà dùng thuốc luôn, do đó cũng không biết cơ thể sẽ đáp ứng thuốc thế nào vì khối u vẫn còn đó.

Anh Dân ơi, em cũng mới đọc được đoạn đối thoại giữa anh và anh Khánh. Hoá ra mọi người không nhớ cũng vì lâu quá rồi chưa gặp. Mà em nhớ mới gửi hình của em cho anh xem gần đây mà, trong hình này em ngồi cạnh anh Nhi đấy ạ. Hình đó chụp hồi tháng 3 năm nay, sinh nhật mẹ em.

Thế nhé, em sẽ cố gắng giữ liên lạc. Chào tất cả mọi người. Cảm ơn các anh chị em rất nhiều.

26/9/09

Tắm vòi hoa sen có thể… hại sức khỏe

Đặng Hoàng Nam

Khi đọc được một nghiên cứu mới công bố trong một Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Mỹ) về việc tắm dùng vòi hoa sen có thể không tốt cho sức khỏe, tôi cảm thấy cần giới thiệu cho anh chị em chúng ta cùng biết thêm về “cuộc sống quanh ta”.

(ảnh Fleur Suijten, từ www.abc.net.au)

30% vòi hoa sen đã được nghiên cứu có chứa mức độ lớn một vi khuẩn liên quan đến bệnh phổi.

Như đa số chúng ta đều biết, hằng ngày dù muốn hay không chúng ta phải ‘chạm trán’ với những cộng đồng vi khuẩn đa dạng, mà trong đó có một số là đáng lo ngại cho sức khỏe con người. Các nhà khoa học luôn luôn tìm tòi phát hiện ra nhiều điều giúp chúng ta nâng cao chất lượng sống. Lần này họ giúp chúng ta hiểu hơn về việc chúng ta thường làm là việc tắm… bằng vòi hoa sen!. Mà ở ta thì tắm dùng vòi hoa sen lại là phổ biến! Các nhà khoa học tìm thấy vòi hoa sen có thể chứa một loại vi khuẩn liên quan đến các bệnh nhiễm trùng phổi. Vậy hãy cùng xem họ đã tìm thấy gì trong vòi hoa sen.

Dựa trên suy nghĩ phòng tắm là một môi giới cho sự tương tác giữa con người với những vi khuẩn liên quan đến bệnh tật, thông qua sự hít thở không khí và nước từ đầu vòi hoa sen. Đầu hoa sen giống như bộ sưu tập sinh thái môi trường bên trong nhà của chúng ta. Các mầm bệnh thường được sinh ra trong những thiết bị của nhà tắm, nhưng hiểu biết về cả sự phát triển tự nhiên của các vi sinh vật trong đó thật là it ỏi. Các mầm bệnh này có thể được truyền đi trong khi dùng vòi hoa sen để tắm . Từ đó, các nhà khoa học muốn tìm hiểu thành phần vi khuẩn ở trong những vòi hoa sen.

Trong nghiên cứu kéo dài ba năm, các nhà khoa học của trường Đại học Colorado ở Boulder (bang Colorado, Mỹ) đã lấy mẫu trên đầu hoa sen ở 45 địa điểm, tại chín thành phố trong bảy bang, kể cả Manhattan (New York), Memphis và Chicago. Con số trên có thể nghe như không nhiều, nhưng các nhà nghiên cứu nói: “nó đã bao phủ một diện địa lý đủ rộng mà chúng tôi khá tự tin vào những điều tìm thấy của chúng tôi.”

Các nhà khoa học đã kiểm tra mẫu và so sánh các vi khuẩn có trong nước chảy qua trước và sau khi vào đầu hoa sen. Họ đã tìm thấy các mẫu nước có chứa nhiều loại vi khuẩn , các vi sinh vật khác nhau tùy từng địa điểm thí nghiệm, thường là có từ 2 đến 29 loại tại một địa điểm. Thành phần cộng đồng cũng tương đối đơn giản so với các cộng đồng vi khuẩn có thức ăn dồi dào khác. Đa số các loạt mẫu có thể hiện của ba loại khuẩn ngành: Actinobacteria, Proetobacteria và Firmicutes. Đặc biệt thu hút sự chú ý là sự dày đặc của các khuẩn nấm ngoài lao (vi khuẩn nấm avium) và các mầm bệnh cơ hội cho con người khác trong đầu vòi hoa sen. Bà Leah Feazel, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, nói 30% các vòi hoa sen đã được khảo sát có chứa mức độ lớn một loại vi sinh vật liên quan đến bệnh phổi. Mức độ của vi khuẩn nấm avium là cao gấp 100 lần so với nước cung cấp cho nhà ở bình thường.

Vậy các đầu hoa sen đã tạo một môi trường phong phú cho cho sự phát triển của vi khuẩn.

Các nhà khoa học phân tích, bên trong vòi hoa sen là tối, ấm và ẩm ướt tạo ra một môi trường thích hợp cho vi sinh vật phát triển và phát tán. Vòi hoa sen lại phun các vi sinh vật ra như bình phun thuốc trừ sâu và người ta hít sâu vào phổi khi tắm.

Bà Feazel nói: “Bên trong một đầu vòi hoa sen là chỗ lý tưởng cho chúng; hằng ngày khi bạn mở nước tắm là bạn đang cho những vi khuẩn này ăn những thức ăn mới, và rồi chúng có thêm oxy khi bạn đóng vòi lại – đó thực sự đúng là một nơi rất phù hợp cho vi khuẩn tăng trưởng”. Cộng sự của bà Feazel trong nghiên cứu này, Giáo sư Norman Pace nói: “Nếu bạn cho nước đầy mặt khi bạn mở vòi hoa sen, vậy có nghĩa là bạn có thể đang thực sự hứng lấy một lượng vi khuẩn nấm avium lớn mà có thể không tốt cho sức khỏe”. Bà Feazel nói: “Những giọt nước được hình thành khi vòi hoa sen được mở là rất rất nhỏ và có thể mang theo vi khuẩn đi sâu vào trong phổi của bạn, mà đó là lý do làm sao bạn bị bệnh”.

So sánh với cách tắm khác, như dùng bồn tắm, Bà Feazel nói: “một bồn tắm, mặt khác, thường không có ống khí trên nó để tạo nên những phần tử nhỏ bé và do đó là an toàn hơn”.

Vậy có lẽ phải làm vệ sinh đầu hoa sen thường xuyên? Nhưng bà Feazel cho biết rửa sạch đầu hoa sen không làm giảm số vi khuẩn, bà nói: “chúng tôi đã kiểm tra việc tẩy rửa những đầu hoa sen và chúng tôi thấy rằng thậm chí có thêm nhiều nấm vi khuẩn sau việc tẩy rửa hơn là trước đó”.

Thật đáng lo lắng! Bà Feazel nói: “Những vi khuẩn này thuộc nhóm cùng họ với khuẩn lao, chúng có thể được tìm thấy trong môi trường và đôi khi trong nước dùng được cung cấp cho nhà ở, song ít khi gây bệnh cho con người.” Bà nói tiếp: “Nhưng nếu bạn là người dễ bị nhiễm trùng, nếu bạn có một loại bệnh về miễn dịch nào đó, như HIV hay AIDS hay xơ nang, hoặc nếu bạn đang bị khống chế miễn dịch do uống thuốc thì đúng là bạn có nguy cơ trong nhà tắm với vòi hoa sen”. Bà Feazel nói bồn tắm là lựa chọn tốt nhất cho những người có nguy cơ nhiễm trùng phổi. Ngoài ra, theo các nhà khoa học, những người với hệ miễn dịch suy yếu còn có thể là người già, phụ nữ mang thai hay đối với những người mà đang chiến đấu với các bệnh tật khác. Bạn cần để ý đến các triệu chứng như mệt mỏi, liên tục ho khan, khó thở và yếu, nói chung không cảm thấy khỏe.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ có những người với hệ miễn dịch không tốt mới cần lo ngại: “Nếu bạn là một người khỏe mạnh với một hệ miễn dịch tốt, thì bạn không cần phải lo lắng gì hết. Bạn đã từng dùng vòi hoa sen để tắm hằng ngày trong suốt cả đời bạn và bạn chưa từng bị ốm”.

Giáo sư Pace và cộng sự của bà Feazel trong nghiên cứu đã viết: “Mối nguy hiểm đến sức khỏe liên quan đến các vi khuẩn ở đầu hoa sen cần sự điều tra ở những người với hệ miễn dịch hay hô hấp kém”.Theo Giáo sư Pace, từ khi các đầu hoa sen nhựa xuất hiện thì “nạp” khuẩn vào phong phú hơn, đầu hoa sen kim loại có thể là một thay thế tốt. Và theo Cơ quan Bảo vệ Sức khỏe (Mỹ) thì bể tắm nóng và bể tắm sục (spa) mang một nguy cơ nhiễm bệnh tương tự. Đầu hoa sen cũng được xác nhận là một con đường cho sự phát tán các bệnh viêm nhiễm khác, trong đó có một dạng sưng phổi được gọi là Chứng viêm phổi do nhiễm khuẩn và nhiễm trùng ngực với một vi khuẩn là Pseudomonas aeruginosa.

Các tác giả của nghiên cứu nói những đìều họ tìm thấy có thể giải thích tại sao trong những năm gần đây có thêm nhiều trường hợp nhiễm trùng phổi, mà liên quan đến xu hướng người ta tắm dùng vòi hoa sen nhiều hơn là dùng bể tắm.

Những chứng nhiễm bệnh do các khuẩn nấm ngoài lao đang tăng ở khắp thế giới. Những kết quả của nghiên cứu ủng hộ giả thuyết trước đó là tỷ lệ nhiễm NTM (Nontuberculous Mycobacteria – vi khuẩn không-lao - ĐHN) tăng trong thế giới đang phát triển bởi vì việc dùng đầu hoa sen tăng.

Các nhà nghiên cứu nói bây giờ họ muốn bắt đầu lần tìm những người có các bệnh phổi do nấm vi khuẩn để tìm hiểu xem có phải họ đã bị mắc bệnh ngay ở nhà hay không?

--------------------------------
Tài liệu: Leah M. Feazel, Laura K. Baumgartner, Kristen L. Peterson, Daniel N. Frank, J. Kirk Harris and Norman R. Pace,Opportunistic pathogens enriched in showerhead biofilms. In The Proceedings of the National Academy of Sciences USA (PNAS), September 15, 2009, 106 (37)

11/9/09

Xào nấu... "hơi bị khó đấy"

vn.hanoi: Blog được anh Hồ Nguyên góp khá chuyện vui. Đây cũng là một cách mở theo dạng mời mọi người có thể góp ý nhận xét, tranh luận theo dòng câu chuyện anh khơi ra, với các quan điểm nhiều chiều.

Theo đó, vn.hanoi cảm nhận, thực sự để xào nấu, tiêu hóa được những vấn đề anh Nguyên đã gửi đến đúng là "hơi bị khó đấy".

Sau đây là trích hai câu chuyện, ảnh kèm theo các bài là sưu tầm, có đường dẫn trực tiếp từ trang gốc.
(Đôi khi truy cập vào các trang web khác trên mạng là khó khăn do đường truyền. Để các bạn có thể dễ dàng tham khảo, chúng tôi đã copy các bài viết về Google Docs, nhưng có ghi đầy đủ đường dẫn đến web nguồn. TTST BND không liên quan đến tính xác thực thông tin của các trang web nguồn này)

------------------------------------
Thư từ anh Nguyễn Hồ Nguyên:

1. Gửi các bạn những mẩu chuyện vui về anh hùng Hồ Giáo, một người hồi trẻ chúng ta thường ngưỡng mộ, đọc ê a bài thơ về anh hùng Hồ Giáo.


Nay gặp lại, rất vui, mà cũng cảm thấy đắng nghẹn thế nào đấy?

Tố Hữu có bài thơ Gặp anh Hồ Giáo viết tháng 1 năm 1972, mở đầu bằng đoạn:

"Lần trước gặp anh,
Chăn bò trên Tam Đảo.
Sáng nay lại gặp anh Hồ Giáo,
Chăn bò ở Ba Vì.
Hỏi anh: Có thú vui gì?
Anh cười: Vui thú đời đi chăn bò...
Cách mạng cần, việc nhỏ việc to,
Đánh Mỹ, nuôi bò, việc gì cũng quý."

Thân ái
Nguyễn Hồ Nguyên

Xin mời bấm vào để xem tài liệu tại Google Docs: Chuyện sưu tầm về anh Hồ Giáo

Đó là giai thoại về 30 cặp lốp xe đạp tiêu chuẩn anh hùng của ông Giáo, chuyện 5 người họ Hồ ở Quảng Ngãi, anh hùng cưới vợ không có chỗ nằm, chuyện mối tình bí mật bị… bật mí sau nửa thế kỷ, chuyện ông Giáo đi bộ ụp nồi cơm điện, Hồ Giáo uống sữa Hồ Giáo, Hồ Giáo nhận phong bì đô la, và lời cải chính sững sờ sau nửa thế kỷ: anh Nhẫn không phải là… Hồ Giáo!
v.v...

2. Lâu nay trên các thông tin đại chúng nhiều chuyện thời sự đọc và nghe buồn quá, hết muốn xào nấu. Nay, tôi muốn mời mọi người thưởng thức một món ăn hơi bị lạ, ăn được (tức là biết, là hiểu cái hay) hơi bị khó đấy.

Chúc mọi người có kỳ nghỉ cuối tuần vui vẻ!

Thân
Nguyễn Hồ Nguyên

Xin mời bấm vào để xem tài liệu tại Google Docs: Thư pháp trên cơ thể

"...Nói dông dài chẳng qua chỉ muốn khẳng định : nói ‘sắc tức thị không’ thì dễ, nhưng gặp cảnh mà coi sắc cũng là không e rằng thì khó lắm.Trở lại với người viết thư pháp trên cơ thể. Tôi phải công nhận là ý chí, tinh thần ông rất tuyệt vời. Đối với một người viết thư pháp, việc giữ cho tinh thần không xao động, không phân tán bởi các yếu tố bên ngoài là rất quan trọng. Có tịnh thì tâm mới an, nét chữ mới có thần, bố cục mới hài hòa hợp lý. Một khi bút đã chấm mực, tay đã ‘đề’ ‘án’ thì không thể dừng nữa chừng, vì dừng thì bút khí ngưng trệ, tác phẩm coi như bỏ đi. Đó là yêu cầu cơ bản khi chấp bút viết chữ trên giấy, trên vải, trên đá gỗ. Đây ông lại viết trên một thực thể sống, đầy sinh lực. Mỗi nét bút ông kéo lên hay đi xuống là đi cùng nhịp thở, cùng cảm xúc của cô gái. Quả là tâm không động. Người để cho viết tài, người viết lại càng tài. Có lẽ cả hai đều vượt qua cái giới hạn của hình sắc để đạt đến cái độ ‘sắc tức là không’ "vì không có những chướng ngại trong tâm nên không có sợ hãi và xa rời mọi cuồng xi mộng tưởng".

Câu kinh "Quán tự tại bồ tát" mở đầu tác phẩm từ bên trái, gần tim (tâm kinh mà) xuống ngực rồi được viết dần sang bên phải, đến đùi phải rồi kết thúc bên đùi trái với câu chú "yết đế, yết đế ..."

Và rồi cảm thấy như chưa đủ, ông lại khóa tất cả lại bằng một chữ "Phật" thật lớn ở sau lưng. Toàn triện phía trên, danh ấn phía dưới ; đề từ, lạc khoản ; chữ đen, da trắng, triện son đỏ, nhìn thực mà không tục, trần trụi mà không dâm dục, đúng thư pháp, đúng nghệ thuật.

Trong chữ có pháp, trong hình có ý đọc ‘sắc’ ‘không’ trên thân trần sắc mới thấy cái ảo diệu của Tâm kinh và cái đẹp của thư pháp vậy."

Nội dung Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Hồ Nguyên sưu tầm):

Quán Tự Tại Bồ tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thứ giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc.
Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y Bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Cố tri Bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư.
Cố thuyết Bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế Bồ đề Tát bà ha.

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về bài kinh này qua các trang về Phật pháp, Wikipedia, hoặc vào trang web sau http://phatphap.wordpress.com tìm bài giảng của Hòa Thượng Thích Thanh Từ rất hay và dễ hiểu.

6/9/09

Giao thông, theo cách tôi cảm nhận

Lưu Bình


1+7=8Ở Việt Nam chỉ có kẻ mắc chứng tâm thần thì dám mới tin vào luật lệ giao thông. Bạn đi đúng phần đường bên phải, bạn chỉ vượt qua các ngã rẽ khi đã có đèn xanh, bạn chạy dưới tốc độ cho phép v.v..và v.v.. thì điều đó cũng không có nghĩa là đã đảm bảo cho bạn được an toàn. Ngược lại, xác suất để kẻ khác đâm vào bạn vẫn cao như thường. Tức là vẫn có thể có kẻ từ bên trái lao sang, kẻ đi ngược chiều, kẻ vượt đèn đỏ và kẻ chạy quá tốc độ có thể làm chủ, đâm vào bạn. Đừng bao giờ ngạc nhiên hoặc mất thời gian vào việc cố giải thích hay cáu giận mỗi khi bị những phương tiện to lớn hơn phương tiện của bạn ăn hiếp bạn trên đường. Họ đã đi đúng luật, luật cá lớn nuốt cá bé. Bạn hoàn toàn có thể làm điều đó đối với những phương tiện nhỏ hơn phương tiện của bạn. Và hãy tin rằng mọi phản ứng của kẻ yếu đuối kia hầu hết là vô nghĩa. Nếu chẳng may gặp một vụ ách tắc đường phía trước, hãy chuẩn bị sẵn sàng một tinh thần vượt khó. Nếu xuất hiện bất cứ kẽ hở nào vừa phương tiện của bạn hãy điền ngay thân thể bạn vào đó. Bạn không làm như vậy sẽ có kẻ khác tức thì làm điều đó, và bạn mất cơ hội tiến lên. Đừng phung phí tính kỷ luật trong những trường hợp như thế, ở đây bạn sẽ bị lên án là ngu xuẩn nếu định nhẫn nại xếp hàng tuần tự. Sẽ là thiếu văn hóa nếu trong một ngày bạn văng tục quá 3 lần. Vì thế để tránh mang tiếng ít học, bạn nên ngậm một ngụm Cô-ca khi lái xe trên đường. Phải coi chuyện người chạy qua đường bất ngờ là chuyện bình thường. Như thế vẫn còn tốt so với trường hợp bạn phải phanh gấp khi thấy phía trước có tới hai ba người đi thủng thẳng qua đường, vừa đi vừa nói chuyện như thể vừa từ nhà hát ra.Nếu bạn không dám làm cho mình một cái biển số xe giả, có chữ NN (nước ngoài) hoặc NG (ngoại giao) trên đó, thì tốt nhất là bạn nên học cách đối xử tử tế với cảnh sát giao thông. Nói chung họ cũng là những người hiền lành như cảnh sát châu Âu, ngoại trừ vẻ mặt bên ngoài. Họ thực sự dễ mến khi thấy rằng bạn đang rút ra một tờ bạc 100 000 đồng (mà nhiều hơn thì càng tốt). Bởi vì họ biết bạn đang sắp làm một việc mà chỉ có người Việt Nam, một dân tộc nhân văn vào hàng bậc nhất trên thế giới, mới gọi là “cầm tạm uống nước”. Ở Việt Nam, các lực lượng quản lý trực tiếp giao thông như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, xuất hiện trên đường dường như mới chứng tỏ sự tồn tại chứ chưa chứng tỏ được sức sống của luật pháp. Chuyện cảnh sát đôi co với người tham gia giao thông là chuyện bình thường. Khi bạn bị cảnh sát ra lệnh dừng phương tiện, hoàn toàn không nên lo lắng để tâm vào vấn đề luật pháp. Hãy tưởng tượng bạn đang được đối diện với người dẫn chương trình “ai là triệu phú” và suy nghĩ để chọn sự trợ giúp thích hợp. Câu hỏi muôn thủa dành cho bạn sẽ là: thế nào, anh/chị đã biết lỗi của mình chưa? Hầu hết người dân thường đều chọn phương án “50/50”. Nếu phương án này được chấp thuận, hãy tự thưởng cho mình cốc bia, vì phần thu nhập ngày hôm đó của bạn coi như được thêm một nửa số tiền bị phạt. Một số may mắn hơn, có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của người khác đến người dẫn chương trình thì chọn phương án “gọi điện thoại cho người thân”. Bạn nên tỏ ra lịch sự, chớ nên ngạo mạn khi người dẫn chương trình trả lời điện thoại với giọng lắp bắp và gửi lại điện thoại cho bạn bằng hai tay. Nhưng cũng có người chọn phương án “hỏi ý kiến khán giả”. Đây phải là những người đã thực sự dạn dày. Họ sẽ la toáng lên: bà con chứng kiến cho tôi không làm điều gì sai trái mà bị công an bắt dừng lại. Những cảnh sát trẻ thường rất sợ những công dân mang họ “Chí” này, và buộc phải để cho đi bởi vì đám đông thường không ủng hộ cảnh sát dù người tham gia giao thông thực sự phạm luật. Nếu dạo bước ở phố cổ, bạn sẽ thấy nghịch cảnh: vỉa hè dành cho xe cộ còn người đi bộ thả bước dưới lòng đường. Đây là những tình huống thực sự chinh phục được những khách nước ngoài thích du lịch mạo hiểm. Bạn có thể bất ngờ bị ngã khịu chân vì một chiếc xe máy đâm đằng sau vào bắp chân bạn. Nhưng như thế chưa đáng sợ. Bởi vì nhiều người đã cảm thấy rất tự hào vì được đóng vai chướng ngại vật khi bất chợt gặp những cái đầu tóc nhuộm vàng, dựng đứng, phóng biểu diễn những màn mô tô rượt đuổi cực kỳ ngoạn mục trên phố.




4/9/09

Thuỷ Tiên, "lên tuổi"


Từ Thủy Tiên
Gửi tới: vn.hanoi
Chủ đề: RE Chuc mung Sinh nhat

Kính gửi các Anh, Chị, Em và các bạn,

Tấm thiệp chúc mừng SN thực sự làm em vô cùng xúc động. Tấm thiệp đầu tiên em nhận được của SN năm nay. Xin cảm ơn TRẠI TRẺ SƠ TÁN BÁO NHÂN DÂN.

Dù rằng đã lên tuổi “Lão bà” nhưng vẫn được mọi người quan tâm, thật không còn hạnh phúc nào hơn. Em vẫn luôn theo dõi hoạt đông của mọi người, chỉ tiếc rằng thời gian quá eo hẹp nên em chưa thể tham gia cùng các Anh, Chị.

Thậm chí một tin nhắn, hay một vài dòng gửi mail đôi khi cũng ko làm được. Em xin cố gắng khắc phục trong thời gian tới.

Nghĩa là có chương trình gì thì cũng cho em biết với nhé.

Một lần nữa, xin cảm ơn TTSTBND. Xin gửi Tòa soạn 2 bức hình em mới chụp tại Seoul và đảo Nami, nơi quay bộ phim “Bản tình ca Mùa đông”.

Em Thuỷ Tiên