Hắn nhắn tin cho tôi: chủ nhật tới anh có rỗi không, ta đi câu xa một chuyến, có tin mới muốn đến báo cáo bác.
Hơn chục năm trước hắn với tôi cùng làm ở một cơ quan. Khác mọi người thích thể thao tenis cho hợp mốt thời thượng, hắn chọn thú đi câu làm môn thể thao chính. Hễ rỗi là hắn đi. Bất kể hồ xa hay gần, cứ thấy đâu khai trương là hắn đến để được làm người thả cần đầu tiên. Quanh Hà Nội thì khỏi bàn, cứ nói đến tên hắn, chủ hồ nào cũng lắc đầu: “Bố này cho thuê giờ thì lỗ vốn to với bố”. Xa thì Yên Mỹ, Như Quỳnh. Xa nữa thậm chí Thanh Hóa, Bắc Kạn, chỗ câu nào hắn cũng biết. Nói về câu cá, tôi chưa thấy ai say mê đến mức nghiện ngập như hắn. Trong đầu hắn có cả một cuốn sách giáo khoa về nghề câu. Hắn có thể thao thao về cá và các chiêu thức vãi thính thả mồi hàng giờ đồng hồ không biết chán.
Biết tôi vốn xuất thân từ đồng ruộng, hắn nắm thóp trẻ con nông thôn đứa nào chả tát đầm vét đìa, không nhiều thì ít cũng đã từng đánh bắt cá, hắn rủ đi theo cho vui. Ngày bé, tôi cũng là thằng được bạn bè cho là sát cá. Nhưng cá thủa tôi đi câu chả qua chỉ là con rô cái riếc chứ ngày đấy đâu đã có cá nuôi thả như bây giờ. Tôi đi theo hắn được mươi lần, cũng thấy ham. Hắn nói: “đi theo em bác sẽ thấy câu cá không đơn thuần chỉ là trò giải trí. Nó rèn cho mình được nhiều điều bổ ích lắm”.
Tôi vốn có tố chất của dân đi câu, như hắn nhận xét, nên tiếp thu những bài học của hắn rất nhanh. Nhìn tăm sủi đã biết đâu là trôi, là trắm, là mè. Nhìn cá đè phao biết lúc nào giật, lúc nào chờ. Cá bị đóng (mắc lưỡi) rồi thì cuốn thả cước ra sao để giòng nó vào vừa tầm vợt. Cái duy nhất tôi không tài nào học được hắn đó là đức tính kiên trì chờ cá. Ngồi chỉ cùng lắm một tiếng là tôi đã thấy bồn chồn chân tay. Trông sang, thấy hắn im phăng phắc như tượng đồng, mắt chăm chú không hề chớp, tôi thầm cảm phục.
Có lần nghe người ta nói hồ Đầm Nấm có con trắm đen lớn lắm, đục rách cả lưới của chủ hồ để thoát thân, thế là hắn quyết chí bắt cho bằng được. Hồ cách cơ quan sáu cây số, nhưng hàng ngày cứ trước giờ vào cơ quan hắn lại rẽ qua hồ vãi thính cố định ở một chỗ. Rồi đến chủ nhật là hắn cống hiến trọn ngày để thả cần đúng chỗ đó. Tuần này qua tuần khác, có đến mấy chủ nhật hắn về tay không. Đầm Nấm có địa thế đẹp, là nơi để các tay máu mặt thư giãn ngày nghỉ, cho nên cách nay cả chục năm mà giá cả đã là năm mươi ngàn đồng một giờ câu. Thế rồi trong một chủ nhật có tôi đi cùng, vừa văng cước, hắn giật phải cái gì đó chùn cả tay lại. Tôi thấy hắn lẩm bẩm: lại cọc rồi. Bất ngờ cái vật đó lao vút đi, hắn vội thả cước không kịp, hết cả cuộn cước mà người còn bị kéo ào xuống nước. Vừa ướt hai đầu gối thì nó quay ngoắt lại, lao vào bờ, nhanh đến nỗi hắn cuốn cước không kịp. Nhưng cuộn mới được mấy vòng nó lại vút bơi ra xa. Tôi thót tim, liên tưởng đến thủy quái hồ Loch Ness. Cứ như vậy vài lần, hết vào lại ra, cuối cùng con “thủy quái” thấm mệt, phơi cái lưng đen sì lên trên mặt nước. Đúng là một con trắm đen khổng lồ, tôi chưa từng thấy từ trước đến nay. Hắn từ từ kéo con cá vào bờ, lúc tôi đưa cái vợt ra phải dùng cả hai tay mới nhấc được. Mười bốn cân tám lạng, thật đúng là kỷ lục, con cá có vân hoa ở đầu trông rất lạ.
Sau lần đó, ngoài tôi ra, nhiều người trong cơ quan bắt đầu tôn hắn làm sư phụ nghề đi câu.
Dễ đến hơn ba năm nay tôi không gặp hắn. mà cũng chả i meo, điện thoại, thế mà nay bỗng dưng… không biết hắn muốn báo tin gì. Hơn ba năm trước, hắn mời tôi đi nhà hàng Hoàng Đế, chiêu đãi đặc sản các món cá sấu. Hắn chú thích, nhân dịp em mới được đề bạt phó tổng. Tôi nghĩ thằng này thích khoe mẽ, chắc có nhiều tay anh chị đến dự, nên ăn mặc hơi tề chỉnh. Trông thấy tôi hắn phá lên cười, bác đi đánh chén hay đi họp bộ đấy, chỉ có hai anh em mình thôi. Để giúp tôi trút bỏ cái bộ mặt ngớ ngẩn đang ớ ra, hắn giảng giải, thì cũng phải có lúc và có người để cho em ăn nói toàn điều thật chứ.
Chốt lại, hắn muốn nhờ bữa rượu này để nói với tôi hai điều. Một là không biết cảm ơn bác hay cảm ơn số phận mà nhờ có việc bỏ cơ quan ra ngoài của bác, em mới được đề bạt phó tổng. Bác còn ở lại thì chắc chuyện này khó đến lượt em. Tôi thấy cần phải giải thích cho hắn hiểu rằng cơ hội đề bạt ở nước mình không hề phụ thuộc vào điều hắn đang nghĩ. Nhưng chưa kịp nói thì hắn đã chặn ngay: “lại sắp nói một câu gì đó khiêm tốn ngốc nghếch hả, anh không đi thì em cũng sẽ tìm cách bẩy anh đi, lúc ấy anh em mình chắc chắn sẽ mất hết tình. Mà tình mới quý chứ”. Hồi xưa tôi với hắn học ở cùng một thành phố ở Liên Xô. Hắn, cứ đến mồng mười hàng tháng là hết tiền, toàn sang chỗ tôi ăn chạc. Sau này khi về cùng làm việc ở một cơ quan hắn hay nhắc đến chuyện bọn tôi đội tuyết đi lùng nồi hầm, bàn là dưới cái lạnh âm hai mươi độ mà cảm thấy nhục quá. Và hắn kết luận: ở đời nhục nhất là nhục vì nghèo. Điều thứ hai hắn muốn nói với tôi là anh quen biết “cụ”, nhớ thỉnh thoảng đá đẹp cho em vài đường ban với “cụ”. “Cụ” mà hắn nói là anh S, thứ trưởng kiêm tổng cục trưởng, phụ trách trực tiếp nghành tôi và hắn đang công tác. Anh S là anh hùng quân đội, thủ trưởng cũ của tôi hồi còn trong quân ngũ, người chuyên ăn sóng nói gió, kể cả sau này đã ra ngoài phụ trách một ngành kinh tế, tác phong của anh trong cách ra quyết định vẫn cứ là xông tới, bóp cò. Một con người như vậy làm sao có thể ngồi để nghe tôi “đá đẹp vài đường ban được”. Thấy tôi băn khoăn như vậy hắn nói: “không ban đẹp thì đừng đá xấu là em đã đội ơn bác lắm rồi”.
Lần này gặp lại, trông hắn đã hoàn toàn khác ba năm trước. Phải xoay sở, hắn mới chui ra được khỏi cửa xe (Land Cruse) đã mở hết cỡ. Mặt hắn bắt đầu chảy phị, đi đứng đã trở nên khuềnh khoàng. Nghe tôi chào, hắn cười ha hả, phê phán: “Bác đúng là người đến tuổi về hưu mất rồi. Phải luôn xem xét sự việc trong sự vận động không ngừng của nó chứ, thế mới gọi là biện chứng chứ. Em vừa nhận bằng cao cấp chính trị của học viện”. Tôi hơi xấu hổ vì lời chào sai thứ vị vô duyên của mình. Té ra hắn vừa được trao quyết định tổng giám đốc tuần vừa rồi. Tay đàn em đeo ba lô đồ nghề câu cá đi sau ghé tai tôi nói nhỏ: “Xếp em tuần nào chả có mặt trong chương trình thời sự”. Thì với một ông tổng của một tập đoàn kinh tế mạnh như thế, ngày ngày lên ti vi là sự thường, nhưng khốn nạn thân tôi, toàn về nhà sau giờ phát chương trình thời sự.
Hắn lại ngồi như bao lần trước, vẫn cái dáng tôi đã biết cách đây hơn mười năm. Mắt lại chăm chú nhìn như thôi miên mặt nước. Thế rồi lại giật, khi con trôi, lúc con mè. Chủ hồ mà có mặt chắc phải sốt ruột vì cái cách hắn thu hoạch cá của người ta. Hắn giơ một ngón tay, tay đàn em châm điếu thuốc cắm vào miệng cho hắn. Hắn giơ hai ngón tay, một chai Sài Gòn lạnh mở nắp đặt vào tay hắn. Hồi xưa mọi động tác đó hắn tự làm, nên túi áo gi-lê luôn nhét đầy các thứ, cứ như phóng viên nhiếp ảnh. Giờ thì một đương kim chánh văn phòng đi theo để hầu hạ. Tôi chưa bao giờ thấy hắn phàn nàn hồ này ít cá, hồ kia cá nhỏ. Hắn có biệt tài nhìn hồ biết cá nên sau khi quan sát hắn đã chọn ngồi hồ nào là chỗ ấy chắc chắn có cá câu được. Triết lý của hắn là khi ngồi câu phải quên hết sự đời, như ngồi thiền ấy. Lúc ấy phải tưởng tượng như nhìn thấy cả đàn cá dưới sâu kia đang lượn lờ kiếm ăn quanh bãi thính ra sao. Đã nhìn thấy cả đàn thì phải đợi con nào to nhất đặt cái bụng lên chùm lưỡi câu thì mới hành sự. Nghĩa là phải học được cách đợi thời.
Tôi nhìn hắn và bắt đầu suy nghĩ về triết lý đi câu mà hắn đã theo đuổi từ hơn mấy chục năm nay. Ờ mà có gì đó cũng giống như cách hắn nhìn nhận sự đời thật. Cơ quan tôi vào những năm cuối thập kỷ tám mươi bắt đầu chuyển đổi từ một đơn vị quân đội sang làm kinh tế. Từ quan đến lính chưa ai biết làm ăn ra sao. Suốt ngày chơi game máy tính nhưng cuối tháng vẫn lĩnh lương theo quân hàm, so với thiên hạ thật đúng ngồi mát ăn bát vàng. Khi tôi bắt đầu sốt ruột với cái kiểu “làm cũng thế mà không làm cũng thế” ở tổng công ty và có ý định bỏ nhà nước ra ngoài, hắn khuyên tôi: “Đừng sốt ruột, dễ chỉ mình anh yêu nước? muốn làm được việc cũng phải có thời cơ. Làm trong cơ quan nhà nước đã lên đến trưởng phòng rồi có ra ngoài cũng không buôn gì bán gì cho lại đâu”.
Hắn nói đúng. Khi những người làm được việc dần dần bỏ đi gần hết thì cũng là lúc nhà nước thấy cần phải đẩy ngành kinh tế này lên thành mũi nhọn. Lúc nguồn vốn đầu tư ầm ầm rót thì cũng là lúc nhân lực được sử dụng kiểu vơ bèo vạt tép. Có những ông cán bộ chính trị khi bắt đầu chuyển sang làm kinh tế tưởng như đã hết thời phải về hưu sớm, vì chuyên môn duy nhất là đi triển khai nghị quyết, thì nay bỗng dưng lại thấy đi nước ngoài liên tục, giảng giải cho đối tác về đường lối mở cửa. Có chị quê Thái Bình, đi bộ đội mới học hết cấp một, khi chuyển đổi cơ chế xin làm chân quét dọn cơ quan, nay được đôn lên làm giám đốc xí nghiệp dịch vụ. Trong hoàn cảnh đấy thì những kẻ đã từng tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về lại khéo léo như hắn đương nhiên sẽ nhận được những vị trí xứng đáng. Hàng ngày đi làm, hắn đã bắt đầu thắt cà vạt. Một năm thay khoảng ba bốn quyển hộ chiếu. Thỉnh thoảng tôi cứ ù cả tai khi thấy hắn khoe tháng rồi cán bộ cỡ hắn nhận được bảy chục triệu tiền lãi ở quỹ lương, sáu chục triệu tiền thưởng tăng năng xuất. Tôi quyết định thay đổi nhận xét: hóa ra những người trước đây được coi là có năng lực, đã bỏ cơ quan ra đi là những người hoàn toàn không có năng lực.
Cuối cùng tôi thấy triết lý đi câu cũng không có gì quá phức tạp. Nếu muốn giật liên tục được con trắm, con trôi bạn phải biết cách đợi thời.