15/10/08

Thời gian trôi và cuộc đời...

Từ: Hải Đường
Gửi đến: vn.hanoi
Ngày: 14/10/2008

Lâu rồi chưa gửi gì cho Blog. Thấy dạo này nhiều anh chị mail trò chuyện, nên xin gửi một mẩu văn góp vui

Trương Hải Đường
________________

Ngày còn nhỏ, mặc dù được ba mẹ và thày cô giải nghĩa nhiều lần câu thành ngữ “Cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ”, nhưng tôi vẫn không thể hiểu nổi ý nghĩa của nó. Cái cửa sổ thì quá nhỏ mà vó ngựa thì quá nhanh, nếu nhìn qua cửa chỉ một thoáng, một chớp mắt là đã khuất dạng, vậy thì làm sao mà ví được với thời gian quá dài của cả một đời người? Hồi đó, thời gian đối với tôi sao mà dài thế, mãi mới tới Tết, rồi mãi mới tới Hè. Tôi đã từng ngóng trông sao cho ngày tháng trôi đi thật nhanh để lại đến những ngày nghỉ thật vui tươi, lung linh hạnh phúc đó. Nhưng thời gian lại không chiều theo mong ước của trẻ thơ. Tôi vẫn hay cằn nhằn với mẹ tôi là “Các cụ ví von thật vớ vẩn!”. Mẹ tôi chỉ cười mà rằng “Khi nào bằng tuổi mẹ, con sẽ không thấy “vớ vẩn” nữa, con yêu à”.

Đến nay, khi tôi đã ngấp nghé tuổi 50 – cái tuổi mà ở làng quê Việt Nam, đàn ông thường làm lễ lên LÃO (*) để được ngồi chiếu trên, tham gia vào các việc đại sự của làng, tôi mới thấy câu thành ngữ ngày xưa thật đúng, quá đúng! Ngoảnh đi, ngoảnh lại, từ cái ngày đầu tiên đi làm, một cô gái ngây thơ với hai cái bím tóc lắc lẻo, khoác chiếu áo len chui màu xanh ngọc với một bông cúc trắng thêu trước ngực, rụt rè, e ngại bước vào cơ quan, thế mà … nhoằng một cái, tôi đã trở thành một bà, một bác hay một cô (tùy theo cách gọi của từng người) đạo mạo, khuôn mặt đã đầy những dấu tích của thời gian. THỜI GIAN, bây giờ chỉ muốn kéo dài hơn, thật dài, dài như ngày bé đứng dòm người ta kéo kẹo mạch nha, kẹo dồi (thèm rỏ dãi mà chẳng có tiền mua. Có lần xui cả lũ cắt mớ tóc dài của một bạn để “tóc rối đổi kẹo”, về bị mẹ đánh đỏ cả mông). Nhưng ông trời lại một lần nữa chẳng chiều lòng người. Cứ vèo vèo hết ngày, hết tuần, hết tháng, rồi hết năm, Tết này vừa qua đã lại thấy Tết đến – nhanh khủng khiếp. Muốn níu, muốn kéo, muốn dãn thời gian nhưng chẳng thể được. Cỗ máy thời gian cứ cuồn cuộn trôi, mặc cho ai đó có tiếc nuối, van vỉ “thời gian hỡi, xin ngừng trôi”.

Quá nửa đời nhìn lại, cuộc đời có lúc thăng, lúc trầm, lúc vui, lúc buồn, nhưng sao tôi thấy những gì mình làm được cho đời, cho người thân sao vẫn còn quá ít:

Về Công việc: mười năm làm Bản tin Thuế, 4 cái kế hoạch tin học hoá 5 năm - chẳng nhiều nhặn gì.

Về Gia đình: lấy chồng và sinh một con – rất hạnh phúc, nhưng chưa hoàn thành kế hoạch.

Về Quan hệ họ hàng: quý trọng, thương yêu - nhưng chưa giúp đỡ được nhiều như mong muốn.

Về Bạn bè: đằm thắm, chung thuỷ, hết lòng vì nhau – nhưng chẳng có nhiều thời gian để gặp gỡ.

Về Đồng nghiệp: thân ái, đoàn kết, tránh hiềm tị, không coi ai là thù, kể cả khi người ta gây khó khăn, thiếu hợp tác với mình (!?).

Về Bản thân: luôn cố gắng, chủ động làm tốt nhất công việc được giao theo sức của mình cho dù công việc đó quan trọng hay không không quan trọng, có suy nghĩ hướng tới lợi ích cho cộng đồng (dù là tập thể nhỏ hay cho xã hội).

Toàn bộ cuộc đời có thể tóm tắt trong ngót nghét chục dòng như vậy thì “cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ” thật là quá đúng, muốn viết thêm nhiều dòng nữa, nhưng quỹ thời gian đâu có nhiều. Bài hát xưa mà thời sinh viên chúng tôi cứ nghêu ngao hát, nay sao mà thấm thía thế:

Đời ta, chỉ sống có một lần thôi

Cho nên cuộc sống quý giá vô ngần

Phải sống sao cho ra sống

Để chết đi không còn áy náy gì.

Tôi muốn có một vài tâm sự để các anh, các chị và các bạn rằng cuộc đời chỉ có một, thời gian không thể lặp lại, tuổi trẻ không thể kéo dài mãi, sức lực sẽ giảm dần, cho nên hãy sống, hãy chiêm nghiệm từng ngày những việc mình đang làm, hãy hạnh phúc với những gì mình đang có để sao cho cuối đời nhìn lại, bản thân cảm thấy thanh thản với những gì mình đã làm, đã xây đắp cho dù có nhỏ nhoi nhưng đã đem lại hạnh phúc, niềm vui và ích lợi cho ít nhất một người khác.

-------------------------------------------------------
TTST BND: Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, 20/10, email của Hải Đường đến thật đúng dịp!
Chúng tôi xin mời các bạn chia sẻ một "mẩu" tự sự của chị Hải Đường, như cách người viết gọi bài viết của mình!

(*) Lên lão: một tập tục phân chia ngôi thứ ở nông thôn người Việt trước Cách mạng tháng Tám 1945. Theo tập tục đó, những người đàn ông đã trải qua hạng dân đinh (từ 13 đến 49 tuổi) chuyển lên lão hạng (từ 50 đến 55 tuổi trở lên).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét