22/5/09

Pin sạc của máy ảnh số (2)


Hữu Chân định chộp ai đây? - Từ 23-9
(cách dùng hợp lý và gìn giữ để kéo dài vòng đời của pin - tiếp theo)
Khi đang cầm máy:

- Tuy sử dụng màn hình LCD để ngắm khuôn hình trước là cách dễ dàng hơn khi chụp, nhưng thật ra, nó lại làm hao khá nhiều pin (gấp đến hai lần). Vì vậy nếu máy có cửa ngắm trực tiếp, nên sử dụng nó để ngắm chụp và màn hình LCD được tắt đi, nhất là khi đang lo pin sắp cạn.
- Thích được xem ngay những kiểu phim vừa mới ghi, nhưng như thế rất ngốn pin, nhất là khi xem lại đoạn quay video. Cách tốt nhất là để xem lại chúng sau này, trước mắt hãy tiết kiệm năng lượng cho những giây phút cần bấm máy đang chờ bạn.

- Tắt, mở máy hay dùng zoom để phóng to, thu nhỏ làm mất rất nhiều năng lượng pin. Hãy cài đặt để máy ở chế độ chờ (sau vài giây không dùng đến máy sẽ ngủ, tối màn hình lại) để tiết kiệm. Cố gắng giữ nguyên mọi hiệu chỉnh chế độ trên máy khi không cần thiết thay đổi. Theo kinh nghiệm, trong một buổi chụp, để máy ở chế độ chờ để khi cần có thể sẵn sàng bấm máy ngay sẽ tốt hơn là tắt, bật máy nhiều lần.

- Đặt độ sáng màn hình cao và âm thanh lớn cũng làm tốn điện. Hãy đặt chế độ giảm độ sáng màn hình, độ to của âm thanh (như tiếng bíp, tiếng báo bấm chụp…) đến mức thấp nhất có thể, sẽ tăng được khá nhiều thời gian dùng pin. Tuy nhiên, màn hình giảm sáng quá có thể khó xem, nhất là dưới nắng lóa, phải che tay, mũ hoặc ghé vào bóng râm.

- Với vùng lạnh, khi ở ngoài trời nên giữ ấm cho máy ảnh bằng cách để sát vào người, trong áo khoác nếu chưa chụp, vì nhiệt độ quá thấp cũng làm pin nhanh bị hết.

Một số hiểu biết kỹ hơn chút nữa về các loại pin để có cách ứng xử (nhà sản xuất ghi rõ máy của bạn dùng pin loại gì trong sách hướng dẫn sử dụng), như sau:

- Pin Ni-Cd (Nikel Cadimi): điện áp 1,2V, có nội trở nhỏ, dung lượng không cao nhưng bền và rẻ, có thể sạc lại nhiều lần (khoảng 1500 lần).
Đặc điểm của pin Ni-Cd là tồn tại hiệu ứng nhớ (memory effect), nếu bạn sạc khi dung lượng pin vẫn chưa hết thì nó sẽ tự ghi nhớ dung lượng này. Sau khi sạc đầy và sử dụng thì cứ đến mức này pin sẽ tự báo hết (dù thực tế là chưa). Vì vậy, người ta còn gọi nó là pin ngu và cần xả hết trước mỗi lần sạc. Pin Ni-Cd thường giảm điện áp đột ngột ở cuối chu kì xả, dẫn đến hiện tượng máy ảnh bị tắt bất ngờ. Loại pin này cũng rất độc hại và gây ô nhiễm môi trường nên gần đây ít được sản xuất.

- Pin Ni-MH (Nickel Metal Hidride): cũng có điện áp 1,2V, nhưng hiệu ứng nhớ thấp hơn loại Ni-Cd nên có thể sạc lại vào bất kì lúc nào. Pin Ni-MH có tuổi thọ thấp, thông thường chỉ khoảng 500-600 lần sạc, lúc đó pin chỉ giữ được dung lượng bằng một nửa so với ban đầu. Pin Ni-MH được chế tạo có dung lượng cao và dòng điện ổn định, nên nó là loại phổ biến hiện nay.

- Pin Lithium-Ion (Li-Ion): là loại pin cao cấp, điện áp 3,7V, có dung lượng cao hơn và thường sử dụng trong các máy đời mới. Pin Li-Ion có một mạch điều khiển nhằm tối ưu hóa quá trình sạc và bảo vệ pin. Dùng được với khoảng 1000 lần sạc. Nhược điểm của nó là bị giảm chất lượng theo thời gian dù có sử dụng hay không. Khi mua các loại pin Li-Ion, bạn nên xem thời điểm sản xuất, đảm bảo rằng viên pin mới được xuất xưởng. Giá pin cao bởi công nghệ chế tạo phức tạp và sử dụng các vật liệu đắt tiền (tuy nhiên, với mặt bằng giá thời nay, một viên pin Li-Ion cho máy ảnh du lịch khá cao cấp của Canon cũng chỉ vài ba trăm ngàn).

- Pin Lithium-Polimer (Li-Po): là loại pin thế hệ mới nhất, cũng có điện áp 3,7V, có dung lượng cao nhất và cách sử dụng tương tự như pin Li-Ion nhưng trọng lượng nhẹ hơn, được chế tạo mỏng hơn, có thể chỉ dày 2mm, hoặc với nhiều hình dạng khác nhau.

Lưu Bình ngắm chụp bằng rất nhiều loại kính - Từ 23-9
Dung lượng pin được tính bằng mAh (miliampe giờ), trị số này ghi trên pin càng cao thì dung lượng càng lớn. Trước đây vài năm, dung lượng pin thông thường chỉ tới vài trăm mAh, nay đã có nhiều pin dung lượng hàng ngàn mAh nên sau một lần sạc có thể chụp được rất nhiều, lâu.

Nên nhớ, dù là loại pin nào, khi sạc pin với dòng điện có cường độ nhỏ, tuy lâu no nhưng khi dùng sẽ bền hơn là sạc nhanh (với cường độ dòng điện lớn hơn), vì vậy, nếu bộ sạc của bạn có hai nấc sạc nhanh và sạc bình thường thì không nên sạc nhanh trừ khi quá vội.

Với máy kỹ thuật số mà pin được sạc thông qua bộ sạc ở bên trong máy (cắm dây nguồn sạc trực tiếp vào máy), nên sạc khi máy ở trạng thái tắt (Power off) sẽ nhanh đầy hơn.

Ba lần sạc và sử dụng đầu tiên sẽ ảnh hưởng nhất đến hiệu suất và độ bền của pin. Pin Ni-Mh phải được sạc nhồi trong 3 lần đầu (mỗi lần sạc 10-12 tiếng sau khi dùng cạn pin). Với pin Ni-Cd, pin Li-Ion và Li-Po thì chỉ sạc với thời gian đủ cho đèn báo đầy sau khi dùng cạn pin trong 3 lần đầu. Từ lần thứ tư trở đi có thể sạc bất cứ lúc nào (riêng pin Ni-Cd thì luôn phải xả cạn trước khi sạc). Ngoài ra, khi đèn báo đã xạc đầy, nên rút điện ra ngay. Nếu thường xuyên để lâu quá cũng ảnh hưởng đến độ bền của pin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét