24/3/09

Một Giờ cho Trái đất

TTST BND: Chiến dịch "Giờ Trái đất" do Quĩ Bảo vệ động vật hoang dã (WWF) phát động lần đầu tại Úc đã đem lại ý nghĩa lớn lao cho nhân loại về ý thức tự nguyện đối phó với sự biến đổi khí hậu.

Trong năm đầu tiên, 2007, Giờ Trái đất đã thu hút 2,2 triệu người Sydney tham gia. Dù việc tắt điện trong một giờ có tác dụng rất ít đối với việc cắt giảm khí thải nhà kính (năm ngoái, Sydney giảm khoảng 10,2% khí thải cacbon trong giờ tắt điện), nhưng Ban tổ chức khẳng định sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên thế giới thể hiện rằng dân chúng đang ngày càng tỏ ra trách nhiệm hơn với vấn đề khủng hoảng khí hậu.

Năm nay, trong chiến dịch Giờ trái đất của WWF, Ban tổ chức hy vọng đạt đến mức hơn một tỷ người, trong 1.000 thành phố, thuộc gần 100 nước sẽ tham gia. Việt Nam được kêu gọi hưởng ứng bằng cách tắt các bóng đèn vào lúc 8h30 tối thứ bảy ngày 28/3. Là năm đầu tiên, Việt Nam có 3 thành phố tuyên bố tham gia gồm Hà Nội, Huế, Hội An. Nhiều thành phố không trực tiếp thông báo với WWF nhưng có kế hoạch tổ chức nhân ngày này như TP.HCM, Hải Phòng...

Hãy cùng vì Giờ Trái đất!
từ 20h30 đến 21h30 ngày thứ bảy, 28/3/2009


11:35, 27/3/2009 - Tin mới: Hàng triệu người tắt đèn vào ngày mai

Theo ICTnews: 2.848 thành phố, thị trấn trên toàn cầu, trong đó có 6 thành phố Việt Nam là Hà Nội, Huế, Hội An, Nha Trang, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ sẽ tắt đèn trong 1 giờ để ủng hộ chiến dịch chống biến đổi khí hậu.

Dự kiến sự kiện chính của Giờ Trái Đất sẽ diễn ra tại khu vực trước Nhà Hát Lớn Hà Nội từ 20:00 tới 21:30 thứ Bảy, ngày 28/3/09 và sẽ được phát sóng trực tiếp.

Một số địa điểm nổi tiếng tại Hà Nội sẽ tắt đèn vào thời gian diễn ra sự kiện: Đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, xung quanh Hồ Gươm, khu vực trước Nhà Hát Lớn. Các đèn quảng cáo, trang trí tại các cửa hàng, cơ quan cũng sẽ được khuyến khích tắt.
______________________________________________

Xem thêm tại trang chủ Giờ Trái đất:
Quá trình Phong Trào Earth Hour
Nó cũng giản dị như bật công tắc điện.

Phong trào bắt đầu bằng chiến dịch vận động dân chúng Sydney tắt đèn trong nhà đã lớn mạnh và trở thành một trong những sáng kiến lớn nhất thế giới để đối phó với thay đổi khí hậu. Vào ngày 28 tháng Ba năm 2009, toàn thể dân chúng thế giới sẽ tắt đèn trong nhà một giờ - Giờ của Địa Cầu- Earth Hour. Chúng tôi hy vọng đạt đến mức hơn một tỷ người, trong 1,000 thành phố, sẽ cùng tham dự trong nổ lực toàn cầu để chứng tỏ là chúng ta có thể có những hành động chung để đối phó với nạn trái đất đang bị hâm nóng.

Earth Hour bắt đầu vào năm 2007 tại thành phố Sydney Úc, với 2.2 triệu nóc nhà và doanh nghiệp tắt đèn trong vòng một giờ. Chỉ một năm sau, chiến dịch này trở thành một phong trào toàn cầu cổ động cho sự phát triển bền vững, với sự tham dự của 100 triệu người trong 35 quốc gia. Các toà nhà nổi tiếng như Golden Gate Bridge ở San Francisco, Colosseum ở La Mã, bảng quảng cáo Coca Cola ở Times Square đều đứng im trong bóng tối, như một biểu tượng của hy vọng cho một nguyên nhân mà mức độ khẩn cấp đang tăng trưởng từng giờ.

Earth Hour 2009 là lời kêu gọi mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp và mỗi cộng đồng trên toàn thế giới đứng ra hành động. Một lời kêu gọi đứng dậy, nhận lãnh trách nhiệm và liên hệ vào những hoạt động nhằm thực hiện một tương lai phát triển bền vững. Những toà nhà và những địa điểm biểu tượng từ Âu Châu sang Mỹ Châu sẽ đứng im trong bóng tối. Tất cả mọi người trên thế giới sẽ tắt đèn trong nhà và hợp sức tạo ra một cuộc đối thoại vô cùng quan trọng cho tương lai của địa cầu quý giá của chúng ta.

Hiện có hơn 64 quốc gia và lãnh thổ tham dự vào phong trào Earth Hour 2009. Con số này đang tăng lên từng ngày vì mọi người nhận ra là, chỉ cần một hành động đơn giản như thế có thể gây ảnh hưởng quan trọng làm thay đổi tình thế.

Earth Hour là sứ điệp của hy vọng và hành động. Mỗi người đều có thể góp phần làm tình thế thay đổi.

Hãy tham dự cùng với chúng tôi vào phong trào Earth Hour 2009, tắt đèn trong nhà vào lúc 8.30 tối ngày thứ Bảy 28 tháng Ba và đăng ký tại địa chỉ mạng earthhour.org.

Xem tại Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:

Biểu trưng của Giờ Trái Đất

Giờ Trái Đất (tiếng Anh: Earth Hour) là một sự kiện quốc tế, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên khuyên các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 8 đến 9 giờ tối (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hàng năm (năm 2009 là 28 tháng 3). Mục đích của sự kiện này nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng và vì vậy làm giảm lượng khí thải carbon, khí gây ra hiệu ứng nhà kính. Việc này cũng giúp làm giảm ô nhiễm ánh đèn, và trong năm 2008, sự kiện này cũng trùng khớp với thời gian bắt đầu của Tuần lễ Quốc gia về Bầu trời tối (National Dark Sky Week) ở Hoa Kỳ.

Đấu trường La Mã lúc 20h 29/3/08
Tháp Auckland
Cầu Cổng Vàng
Cầu cảng và Nhà hát Opera Sydney được tắt đèn trong Giờ Trái Đất 2007.

20/3/09

bao nhiêu là chỗ để tới...

Từ: Ánh Nguyệt
Ngày: 15 tháng 3 năm 2009
Chủ đề: Re: 30/4 và 1/5

Hi!

Công nhận dân Hà Nội sướng thật.

Già không có việc gì làm thế là rủ nhau đi chơi.

Mà cái đất Hà nội lại quá quyền rũ đi chứ. Quanh nó (Hà nội ấy) có bao nhiêu là chỗ để tới. Sướng nhất nhé.

Cho đồng chí Nguyệt vui ké với nha.

Chúc mọi người tổ chức đi chơi thành công mĩ mãn và zui zẻ nha!

13/3/09

Kỳ nghỉ lễ này bạn đi đâu

Năm nay, hai ngày lễ 30/4 và 1/5 rơi vào thứ năm, thứ sáu. Vậy là chúng ta có dịp hiếm hoi để được xả hơi liền 4 ngày (từ thứ năm đến Chủ nhật).

Bạn đã có chương trình gì trong 4 ngày này? Không lẽ ngoài gặp gỡ gia đình, dọn dẹp nhà cửa, còn thì bạn ngủ rốn, nằm dài ở nhà xem TV, đi dạo phố cho hết thời gian?

Chị Thanh Hà đã đề xuất một cuộc đi du lịch hoang dã ở lòng hồ sông Đà, nơi có phong cảnh tuyệt đẹp và có một trang trại của người bạn sẵn sàng tiếp đón.

Có một cơ sở thân quen cũng tốt, nhưng cần nhất là chúng ta có thích đi không, bởi nếu đã muốn đi, hội TTST BND sẽ không thiếu gì những sáng kiến, ví dụ như lên mạng tìm xem trước điểm đến, đường đi và lập kế hoạch.

Chẳng hạn như Thung Nai, cách Hà Nội hơn 100Km, cũng là một điểm đến hấp dẫn (xin bấm vào tên bài viết Xuôi thuyền trên bến Thung Nai để xem trên trang aFamily).

Thung Nai là một xã ở lòng hồ sông Đà - ảnh: Flickr (theo aFamily)

TTST BND rất mong các bạn cho biết ý kiến, trường hợp bạn dự kiến tham gia chuyến đi trong kỳ nghỉ này và đề xuất chương trình (nếu có), muộn nhất là ngày 30/3/2009 phải có điện thoại hoặc email cho Ban Liên lạc.

Vài nét về ngành giáo dục

TTST BND: Điểm vài nét về thực trạng của ngành giáo dục nước nhà, chắc các bạn sẽ thấy một hình ảnh bát nháo chẳng khác gì dòng xe cộ vào giờ cao điểm. Tất nhiên, ngành giáo dục cũng đang có nhiều tiến bộ mà chúng tôi nghĩ không cần phải dẫn ra đây, song liệu giáo dục có theo kịp thời đại không mới là điều quan trọng.

Dưới đây là một câu chuyện thật đến mức khó tin, do chính người trong cuộc "kể" lại:

Ông thứ trưởng “đi làm" muộn

Sáng ngày 20.02.2009, trường THPT V.Đ. rất vui được đón Phái đoàn Chính phủ nước CH Liên bang Đức: ngài Quốc vụ Khanh, ngài Đại sứ, ông Giám đốc Viện Goeth, cùng nhiều nhân viên, phóng viên đến trực tiếp gắn biển hiệu “Đối tác tương lai” cho nhà trường. Đây là dự án của chính phủ Đức với Bộ GD - ĐT Việt Nam mà trường THPT V.Đ. rất vinh dự được đón nhận.

Phía Việt Nam, ngoài hơn 300 học sinh (khối sáng), Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo, còn có các quan chức của Bộ GD - ĐT và Sở GD - ĐT Thành phố, đã chuẩn bị đón đoàn. Vì đây là một buổi lễ rất quan trọng nên đã được giáo viên và học sinh trường THPT V.Đ. chuẩn bị rất chu đáo và cẩn thận suốt nửa tháng trước đó.

Theo kế hoạch, 9h10 buổi lễ phải được khai mạc, nhưng thiếu mất ông Thứ trưởng. Để chờ ông, học sinh của trường đã biểu diễn một điệu múa dân gian đón khách. Múa xong rồi, ông vẫn chưa đến. Chỉ khổ cho anh thư ký, chị nhân viên Văn phòng Bộ. Họ đi đi lại lại, gọi điện thoại, trông ai nấy rất căng thẳng. Nhưng không thể chờ... vì tất cả khách mời, học sinh và khách quý người Đức vốn là những người rất kỷ luật và đúng giờ. Buổi lễ bắt đầu lúc đồng hồ chỉ 9h20.

Sau lời giới thiệu của cô Hiệu Phó, ông Quốc vụ Khanh nước CH LB Đức đọc bài phát biểu ngắn gọn và chính thức trao biển hiệu “Đối tác tương lai” cho thầy Hiệu Trưởng. Và rồi ông Thứ Trưởng xuất hiện (lúc này đồng hồ đã chỉ 9h35), ông đến muộn 25 phút. Cái cách ông đến cũng không giống ai: xe ô tô biển xanh tiến qua cổng trường, đi thẳng vào sân, và rất tự tin ông xuống xe, đi qua trước hàng trăm con mắt nhìn rất ngạc nhiên của học sinh, ông ngồi ngay xuống hàng ghế đầu dành cho các quan khách (xin lưu ý: xe của Phái đoàn Đức đều cắm cờ, xếp ngay ngắn bên ngoài cổng trường, còn xe của ông Thứ trưởng đỗ trong sân trường).

Cô Hiệu Phó phải giới thiệu ông một cách muộn mằn, vì không giới thiệu sao được, ông là vị khách mời danh dự, đại diện lớn nhất của nước chủ nhà và của ngành Giáo dục Việt Nam trong buổi lễ. Ông đứng dậy chào và nhận được những tràng vỗ tay của học sinh. Sau đó, ông đứng lên phát biểu (lạy trời ông cũng thuộc bài). Ông thay mặt cám ơn Chính phủ Đức, cám ơn ngài Quốc vụ Khanh, ông dặn dò thày trò trường V.Đ. phải dạy tốt, học tốt. Những điều ông nói ai cũng hiểu, cũng biết, nhưng có một lời ông cần phải nói hơn cả, mà ông đã không nói, đó là lời XIN LỖI.

Ông thứ trưởng “đi làm" muộn, ông để rất nhiều người phải đợi, không hiểu ông nghĩ gì? Ông có xấu hổ không? Nếu ông biết tự trọng, có văn hóa, ông sẽ không cư xử như thế đâu, ông sẽ biết nói lời xin lỗi với học sinh, với thầy cô và các quan khách.
(Theo N.X)

-----------------------------------
Còn sau đây là một vài thông tin mới khác về giáo dục:

Nếu tôi làm chiến lược giáo dục...

"Khi làm chiến lược giáo dục, xin hãy hình dung thế giới vào năm 2020 và đặt Việt Nam vào trong bức tranh đó. Có lúc phải đặt mục tiêu cho tương lai rồi sau đó mới tìm cách để đạt được nó chứ không phải chỉ dựa vào hiện tại".

VietNamNet giới thiệu bài viết của TS giáo dục Trần Thị Bích Liễu góp ý cho dự thảo chiến lược giáo dục đến năm 2020.

HS Trường THCS Mường Khương (Lào Cai) trong giờ học - Ảnh: Lê Anh Dũng

Góp ý dự thảo chiến lược giáo dục 2009 - 2020

Nếu làm chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, tôi sẽ viết như thế này:

Sứ mạng: Phát triển nền giáo dục Việt Nam có năng lực đào tạo nguồn nhân lực có sức cạnh tranh phù hợp yêu cầu của nền kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và thời đại kĩ thuật số.

Viễn cảnh: Tới năm 2020, nền giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục có năng lực công nghệ thông tin truyền thông (ICT) chất lượng cao và phổ biến, có nhiều cơ hội giáo dục cho đông đảo dân số...(Bấm vào đây để xem tiếp)

Sách giáo khoa lịch sử mắc hàng trăm lỗi?

Lời toà soạn (VietNamNet): Đầu tháng 2/2009, nhà giáo Văn Hiến (Thanh Hóa) gửi tới VietNamNet loạt bài viết góp ý về sách giáo khoa (SGK) lịch sử với tinh thần "đối với môn Lịch sử, tôi chỉ là người dân ’"muốn biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Mở đầu loạt bài, tác giả viết: "Đọc các cuốn SGK lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12, tôi thấy không ít lỗi: lỗi lớn cũng có; lỗi nhỏ càng nhiều. Lỗi lớn phải tổ chức hội thảo khoa học, tranh luận nghiêm túc, hiệu quả; trách lối làm hình thức mới có dịp cho mọi người bộc lộ quan điểm. Lỗi nhỏ có thể chỉnh sửa hàng năm... nếu người biên tập biết lắng nghe dư luận và làm việc nghiêm túc. Bao nhiêu lực lượng xã hội tham gia mà chỉ phát hiện được 5 lỗi trong các cuốn SGK lịch sử".

Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn những góp ý mà ông đã tỉ mỉ "dọn vườn" cho sách, VietNamNet lược một số thông tin. Các bài viết cụ thể, chúng tôi sẽ đăng tải như một tài liệu tham khảo để rộng đường dư luận, theo tinh thần của tác giả "tôi xin điểm qua phần lịch sử Việt Nam của từng cuốn sách để bạn đọc xa gần tự lựa chọn câu trả lời".

Ảnh: VietNamNet

Chuyện vua lên ngôi, mỗi sách mỗi nẻo

Trong sách Lịch sử và Địa lý 4, trang 26 có viết: Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất được giang sơn, lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), đóng đô ở Hoa Lư…, đặt tên nước là Đại Cồ Việt..., niên hiệu là Thái Bình". Trong khi đó, ở trang 28, sách Lịch sử 7 lại viết: "Mùa xuân năm 970, vua Đinh đặt niên hiệu là Thái Bình..."

Với học sinh có trí nhớ tốt, các em sẽ không chỉ lúng túng về năm Đinh Bộ Lĩnh đặt niên hiệu, mà còn tiếp tục băn khoăn về năm lên ngôi của Nguyễn Ánh... (Bấm vào đây để xem tiếp)

Tác giả viết sách cũng chê sách giáo khoa!

VietNamNet: Tiếp xúc với nhiều người làm sách, kể cả chủ biên và các tác giả tham gia viết sách giáo khoa (SGK) môn Lịch sử, chúng tôi đều thấy chính họ cũng "lắc đầu" với nhiều thứ trong sách.

"Ép" học sinh

Cô Lê Thị Thu Hương là một giáo viên Sử có trình độ, dạy giỏi ở Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), từng có HS đoạt giải quốc gia môn Lịch sử. Ngoài công việc ở trường, cô còn được mời tham gia góp ý cho quá trình xây dựng chương trình môn học Lịch sử. Nhưng không ít lần, cô phải lúng túng với học trò cấp 3 và con gái đang học lớp 5 của mình.

"Mỹ tìm mọi cách phá hoại hiệp định Giơnevơ. Trong thời gian Pháp rút quân, Mỹ dần dần thay chân Pháp xâm lược miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, lập ra chính quyền tay sai". Đây là một đoạn trong bài 19 sách Lịch sử và Địa lý lớp 5, ở trang 42. Không biết, một cô bé lớp 5 phải học thuộc lòng đoạn văn này để làm gì khi mà cái cần ở nó là tình cảm lịch sử được hình thành chứ không phải nỗi căm thù với Mỹ, Pháp hay Ngô Đình Diệm?... (Bấm vào đây để xem tiếp)

Văn hoá học đường còn nhiều lúng túng

(VietNamNet) “Hành vi thiếu văn hóa của nhiều bạn trẻ hiện nay có nguyên nhân rất quan trọng từ người lớn. Chúng ta phải khẩn trương sửa chữa điều đó”.

Trước thực trạng bức bối của nhiều hành vi ứng xử chưa văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội, các nhà tâm lý đã đưa nhau về Tiền Giang mở hội thảo “Văn hóa học đường: lý luận và thực tiễn” (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tổ chức từ ngày 4 đến 6/3).

PGS.TS Trần Quốc Thành, ĐH Sư phạm Hà Nội, kể ra một hình ảnh trong chương trình Táo quân cuối năm: chỉ cần đưa một tờ polyme (tiền) cho cảnh sát giao thông là mọi chuyện êm thấm cả. “Câu chuyện đưa lên phim kịch thành hài hước, trẻ sẽ cười, nhưng cười rồi trẻ nhớ, mà nhớ thì ra đường nhìn thấy cảnh sát là trẻ sẽ coi thường”.

Một câu chuyện khác được ông nhắc lại, trong một lớp học, thầy cô dán băng keo lên bảng, xong việc thì gỡ đi, nhưng vết băng dính còn lem nhem mà thầy cô vẫn để vậy viết. Học sinh thấy hình ảnh đó và xem là bình thường. "Bình thường rồi sẽ thành hành vi, hành vi sẽ trở thành thói quen, thói quen sẽ hình thành tính cách"... (Bấm vào để xem tiếp)

Trả lương giáo viên bằng... ổ chó con

(VietNamNet): “Có nơi trả lương giáo viên (GV) bằng ổ chó con. Cũng có nơi vì thiếu kinh phí trả lương GV là chuối xanh, củi khô. Nhiều tỉnh đến nay còn “nợ” lương, phụ cấp… thì chuyện thưởng Tết chỉ có trong mơ!? Thậm chí, nhiều nơi GV “trắng” thưởng Tết”.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Trưởng ban Chính sách xã hội, Công đoàn giáo dục (CĐGD) Việt Nam (Bộ GD-ĐT) Trịnh Thăng Mạnh nêu những câu chuyện thực tế từ các chuyến khảo sát về đời sống GV vùng khó Cà Mau, Nghệ An...(Bấm vào đây để xem tiếp)

6/3/09

Thơ tặng Mẹ







Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, anh Huỳnh Dũng Nhân đã gửi đến blog hai bài thơ, TTST BND trân trọng giới thiệu cùng các bạn:


Thơ tặng Mẹ

Bạn hãy lặng im đi bên mẹ,
Những bước chân thật êm.
Để lắng nghe tiếng mẹ mỗi đêm,
Lẩm nhẩm tính mỗi trái bầu trái mướp.

Những đồng bạc nghèo và bữa cơm quen thuộc,
Những đốt ngón tay khẳng khiu,
Tấm lưng còng sàng gạo chắt chiu,
Túng thiếu đủ đầy chen từng bữa.

Sớm hôm bếp lửa,
Khuya sớm cửa nhà,
Mẹ không thấy mình già,
Mẹ chỉ thấy con mình vụt lớn.

Hạnh phúc đó nụ cười móm mém,
Hạnh phúc đó giọt lệ nhăn nheo.
Con không quên đôi mắt mẹ nhìn theo,
Con không quên khung cửa mòn trông ngóng.

Con đi xa và con trở về,
Con lớn dậy và thắm thịt đỏ da.
Chúng con yêu nhau dưới bàn tay của mẹ,
Rồi chúng con thành một gia đình nhỏ bé.

Đối với mẹ chẳng hạnh phúc nào hơn,
Mẹ là hạnh phúc của con,
Con là tình yêu của mẹ,
Mẹ chẳng có một danh hiệu gì hơn là danh tiếng thiêng liêng.

***

Người mẹ

Cả cuộc đời khổ đau và âm thầm lặng lẽ,
Con hối hận biết bao khi để mẹ buồn.
Đâu phải đòn roi đã giúp con lớn khôn,
Mà nhờ đôi mắt âm thầm của mẹ.

Mẹ không khóc nhưng không gì buồn hơn thế,
Khi con một lần lỡ dại ham vui.
Con đau một còn mẹ đau gấp mười,
Khi mẹ buồn con lại không sao san sẻ.

Mẹ là hạnh phúc của con,
Cuộc đời con là ước mơ của mẹ.
Hạnh phúc này không nói được bằng lời,
Tình yêu này không đo được mẹ ơi!

***
"Đó là thơ tặng Mẹ, mà tình cảm với người mẹ thì mãi mãi không thay đổi.
Trong hình có mẹ Hoa Lý, gia đình Nhân, gia đình Thụy, Lê, chỉ thiếu
gia đình anh Nhi và ba Hùng Lý. Các bạn đoán xem ai là ai nhé.
Thân mến,
HDN"
Từ an-bom HuynhDungNhan