13/3/09

Vài nét về ngành giáo dục

TTST BND: Điểm vài nét về thực trạng của ngành giáo dục nước nhà, chắc các bạn sẽ thấy một hình ảnh bát nháo chẳng khác gì dòng xe cộ vào giờ cao điểm. Tất nhiên, ngành giáo dục cũng đang có nhiều tiến bộ mà chúng tôi nghĩ không cần phải dẫn ra đây, song liệu giáo dục có theo kịp thời đại không mới là điều quan trọng.

Dưới đây là một câu chuyện thật đến mức khó tin, do chính người trong cuộc "kể" lại:

Ông thứ trưởng “đi làm" muộn

Sáng ngày 20.02.2009, trường THPT V.Đ. rất vui được đón Phái đoàn Chính phủ nước CH Liên bang Đức: ngài Quốc vụ Khanh, ngài Đại sứ, ông Giám đốc Viện Goeth, cùng nhiều nhân viên, phóng viên đến trực tiếp gắn biển hiệu “Đối tác tương lai” cho nhà trường. Đây là dự án của chính phủ Đức với Bộ GD - ĐT Việt Nam mà trường THPT V.Đ. rất vinh dự được đón nhận.

Phía Việt Nam, ngoài hơn 300 học sinh (khối sáng), Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo, còn có các quan chức của Bộ GD - ĐT và Sở GD - ĐT Thành phố, đã chuẩn bị đón đoàn. Vì đây là một buổi lễ rất quan trọng nên đã được giáo viên và học sinh trường THPT V.Đ. chuẩn bị rất chu đáo và cẩn thận suốt nửa tháng trước đó.

Theo kế hoạch, 9h10 buổi lễ phải được khai mạc, nhưng thiếu mất ông Thứ trưởng. Để chờ ông, học sinh của trường đã biểu diễn một điệu múa dân gian đón khách. Múa xong rồi, ông vẫn chưa đến. Chỉ khổ cho anh thư ký, chị nhân viên Văn phòng Bộ. Họ đi đi lại lại, gọi điện thoại, trông ai nấy rất căng thẳng. Nhưng không thể chờ... vì tất cả khách mời, học sinh và khách quý người Đức vốn là những người rất kỷ luật và đúng giờ. Buổi lễ bắt đầu lúc đồng hồ chỉ 9h20.

Sau lời giới thiệu của cô Hiệu Phó, ông Quốc vụ Khanh nước CH LB Đức đọc bài phát biểu ngắn gọn và chính thức trao biển hiệu “Đối tác tương lai” cho thầy Hiệu Trưởng. Và rồi ông Thứ Trưởng xuất hiện (lúc này đồng hồ đã chỉ 9h35), ông đến muộn 25 phút. Cái cách ông đến cũng không giống ai: xe ô tô biển xanh tiến qua cổng trường, đi thẳng vào sân, và rất tự tin ông xuống xe, đi qua trước hàng trăm con mắt nhìn rất ngạc nhiên của học sinh, ông ngồi ngay xuống hàng ghế đầu dành cho các quan khách (xin lưu ý: xe của Phái đoàn Đức đều cắm cờ, xếp ngay ngắn bên ngoài cổng trường, còn xe của ông Thứ trưởng đỗ trong sân trường).

Cô Hiệu Phó phải giới thiệu ông một cách muộn mằn, vì không giới thiệu sao được, ông là vị khách mời danh dự, đại diện lớn nhất của nước chủ nhà và của ngành Giáo dục Việt Nam trong buổi lễ. Ông đứng dậy chào và nhận được những tràng vỗ tay của học sinh. Sau đó, ông đứng lên phát biểu (lạy trời ông cũng thuộc bài). Ông thay mặt cám ơn Chính phủ Đức, cám ơn ngài Quốc vụ Khanh, ông dặn dò thày trò trường V.Đ. phải dạy tốt, học tốt. Những điều ông nói ai cũng hiểu, cũng biết, nhưng có một lời ông cần phải nói hơn cả, mà ông đã không nói, đó là lời XIN LỖI.

Ông thứ trưởng “đi làm" muộn, ông để rất nhiều người phải đợi, không hiểu ông nghĩ gì? Ông có xấu hổ không? Nếu ông biết tự trọng, có văn hóa, ông sẽ không cư xử như thế đâu, ông sẽ biết nói lời xin lỗi với học sinh, với thầy cô và các quan khách.
(Theo N.X)

-----------------------------------
Còn sau đây là một vài thông tin mới khác về giáo dục:

Nếu tôi làm chiến lược giáo dục...

"Khi làm chiến lược giáo dục, xin hãy hình dung thế giới vào năm 2020 và đặt Việt Nam vào trong bức tranh đó. Có lúc phải đặt mục tiêu cho tương lai rồi sau đó mới tìm cách để đạt được nó chứ không phải chỉ dựa vào hiện tại".

VietNamNet giới thiệu bài viết của TS giáo dục Trần Thị Bích Liễu góp ý cho dự thảo chiến lược giáo dục đến năm 2020.

HS Trường THCS Mường Khương (Lào Cai) trong giờ học - Ảnh: Lê Anh Dũng

Góp ý dự thảo chiến lược giáo dục 2009 - 2020

Nếu làm chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam, tôi sẽ viết như thế này:

Sứ mạng: Phát triển nền giáo dục Việt Nam có năng lực đào tạo nguồn nhân lực có sức cạnh tranh phù hợp yêu cầu của nền kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và thời đại kĩ thuật số.

Viễn cảnh: Tới năm 2020, nền giáo dục Việt Nam là một nền giáo dục có năng lực công nghệ thông tin truyền thông (ICT) chất lượng cao và phổ biến, có nhiều cơ hội giáo dục cho đông đảo dân số...(Bấm vào đây để xem tiếp)

Sách giáo khoa lịch sử mắc hàng trăm lỗi?

Lời toà soạn (VietNamNet): Đầu tháng 2/2009, nhà giáo Văn Hiến (Thanh Hóa) gửi tới VietNamNet loạt bài viết góp ý về sách giáo khoa (SGK) lịch sử với tinh thần "đối với môn Lịch sử, tôi chỉ là người dân ’"muốn biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Mở đầu loạt bài, tác giả viết: "Đọc các cuốn SGK lịch sử từ lớp 4 đến lớp 12, tôi thấy không ít lỗi: lỗi lớn cũng có; lỗi nhỏ càng nhiều. Lỗi lớn phải tổ chức hội thảo khoa học, tranh luận nghiêm túc, hiệu quả; trách lối làm hình thức mới có dịp cho mọi người bộc lộ quan điểm. Lỗi nhỏ có thể chỉnh sửa hàng năm... nếu người biên tập biết lắng nghe dư luận và làm việc nghiêm túc. Bao nhiêu lực lượng xã hội tham gia mà chỉ phát hiện được 5 lỗi trong các cuốn SGK lịch sử".

Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn những góp ý mà ông đã tỉ mỉ "dọn vườn" cho sách, VietNamNet lược một số thông tin. Các bài viết cụ thể, chúng tôi sẽ đăng tải như một tài liệu tham khảo để rộng đường dư luận, theo tinh thần của tác giả "tôi xin điểm qua phần lịch sử Việt Nam của từng cuốn sách để bạn đọc xa gần tự lựa chọn câu trả lời".

Ảnh: VietNamNet

Chuyện vua lên ngôi, mỗi sách mỗi nẻo

Trong sách Lịch sử và Địa lý 4, trang 26 có viết: Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất được giang sơn, lên ngôi Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), đóng đô ở Hoa Lư…, đặt tên nước là Đại Cồ Việt..., niên hiệu là Thái Bình". Trong khi đó, ở trang 28, sách Lịch sử 7 lại viết: "Mùa xuân năm 970, vua Đinh đặt niên hiệu là Thái Bình..."

Với học sinh có trí nhớ tốt, các em sẽ không chỉ lúng túng về năm Đinh Bộ Lĩnh đặt niên hiệu, mà còn tiếp tục băn khoăn về năm lên ngôi của Nguyễn Ánh... (Bấm vào đây để xem tiếp)

Tác giả viết sách cũng chê sách giáo khoa!

VietNamNet: Tiếp xúc với nhiều người làm sách, kể cả chủ biên và các tác giả tham gia viết sách giáo khoa (SGK) môn Lịch sử, chúng tôi đều thấy chính họ cũng "lắc đầu" với nhiều thứ trong sách.

"Ép" học sinh

Cô Lê Thị Thu Hương là một giáo viên Sử có trình độ, dạy giỏi ở Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), từng có HS đoạt giải quốc gia môn Lịch sử. Ngoài công việc ở trường, cô còn được mời tham gia góp ý cho quá trình xây dựng chương trình môn học Lịch sử. Nhưng không ít lần, cô phải lúng túng với học trò cấp 3 và con gái đang học lớp 5 của mình.

"Mỹ tìm mọi cách phá hoại hiệp định Giơnevơ. Trong thời gian Pháp rút quân, Mỹ dần dần thay chân Pháp xâm lược miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, lập ra chính quyền tay sai". Đây là một đoạn trong bài 19 sách Lịch sử và Địa lý lớp 5, ở trang 42. Không biết, một cô bé lớp 5 phải học thuộc lòng đoạn văn này để làm gì khi mà cái cần ở nó là tình cảm lịch sử được hình thành chứ không phải nỗi căm thù với Mỹ, Pháp hay Ngô Đình Diệm?... (Bấm vào đây để xem tiếp)

Văn hoá học đường còn nhiều lúng túng

(VietNamNet) “Hành vi thiếu văn hóa của nhiều bạn trẻ hiện nay có nguyên nhân rất quan trọng từ người lớn. Chúng ta phải khẩn trương sửa chữa điều đó”.

Trước thực trạng bức bối của nhiều hành vi ứng xử chưa văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội, các nhà tâm lý đã đưa nhau về Tiền Giang mở hội thảo “Văn hóa học đường: lý luận và thực tiễn” (Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam tổ chức từ ngày 4 đến 6/3).

PGS.TS Trần Quốc Thành, ĐH Sư phạm Hà Nội, kể ra một hình ảnh trong chương trình Táo quân cuối năm: chỉ cần đưa một tờ polyme (tiền) cho cảnh sát giao thông là mọi chuyện êm thấm cả. “Câu chuyện đưa lên phim kịch thành hài hước, trẻ sẽ cười, nhưng cười rồi trẻ nhớ, mà nhớ thì ra đường nhìn thấy cảnh sát là trẻ sẽ coi thường”.

Một câu chuyện khác được ông nhắc lại, trong một lớp học, thầy cô dán băng keo lên bảng, xong việc thì gỡ đi, nhưng vết băng dính còn lem nhem mà thầy cô vẫn để vậy viết. Học sinh thấy hình ảnh đó và xem là bình thường. "Bình thường rồi sẽ thành hành vi, hành vi sẽ trở thành thói quen, thói quen sẽ hình thành tính cách"... (Bấm vào để xem tiếp)

Trả lương giáo viên bằng... ổ chó con

(VietNamNet): “Có nơi trả lương giáo viên (GV) bằng ổ chó con. Cũng có nơi vì thiếu kinh phí trả lương GV là chuối xanh, củi khô. Nhiều tỉnh đến nay còn “nợ” lương, phụ cấp… thì chuyện thưởng Tết chỉ có trong mơ!? Thậm chí, nhiều nơi GV “trắng” thưởng Tết”.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Trưởng ban Chính sách xã hội, Công đoàn giáo dục (CĐGD) Việt Nam (Bộ GD-ĐT) Trịnh Thăng Mạnh nêu những câu chuyện thực tế từ các chuyến khảo sát về đời sống GV vùng khó Cà Mau, Nghệ An...(Bấm vào đây để xem tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét