22/5/08

Đứng đến bao giờ...

Phạm Thanh Hà

- Thằng S. lớp chị nhìn ghét thật, mặt mũi lầm lầm lỳ lỳ, hỏi mấy thì hỏi cũng chẳng nói năng gì, giờ của em thì đừng có mà ỳ ra, không nói được em cứ gọi lên cho đứng đấy, đứng đến bao giờ thì đứng

- Biết rồi, tôi thấy cô ghi tên nó vào sổ đầu bài mấy lần, nó có sợ đâu. Tôi thì tôi ghét cái con mẹ nó, con bị điểm kém mà cứ bình chân như vại, hỏi có cần danh hiệu học sinh giỏi không? Mình đã tử tế như thế, mà lại thản nhiên bảo “Không cần”, không cần giỏi chứ gì? đã thế thì tiên tiến cũng khó. Chẳng phải mình cô không ưa đâu nó đâu, cô mỹ thuật chỉ cho nó điểm dưới trung bình. Ngang ngạnh cả mẹ cả con, tôi thấy phải dạy một bài học cho biết điều. Hôm qua tự dưng mò đến nhà tôi, chắc biết sắp tổng kết năm học rồi, nên nghĩ lại. Hỏi đường đến nhà, tôi bảo tôi đi chợ, đứng chờ đến cả tiếng ngoài cổng, gọi điện thoại vào nhà mấy lần, mình cứ đi chợ chưa về, cho đứng đến bao giờ thì đứng, nên nắng quá lại phải đi, không thấy xin xỏ gì nữa.

Hiệu gội đầu bình dân bé tẹo, chỉ hai giường gội đầu kê song song, gần như sát vào nhau, với mấy cái ghế, là hết chỗ. Nhân viên cũng chỉ có hai cô bé, bao giờ cũng vừa gãi đầu cho khách vừa hóng hớt nói leo, hoặc hát ê a bài nhạc trẻ nỉ non nào đó, “tình yêu đến em không ngóng đợi gì..., trước em ngồi hát bên dòng sông, nay em hát bên dòng đời.”…, đại loại như vậy. Nên ngồi chờ gội đầu, trong không khí hỗn tạp các loại mùi dầu gội, thuốc sơn móng tay móng chân, thuốc nhuộm tóc, những người khách khác chẳng biết làm gì nên cũng hóng hớt chuyện của người khác. Đi gội một mình thường mong nhanh nhanh chong chóng cho xong, chứ đi gội đầu có bạn, thì chuyện trò thoải mái, nằm bao nhiêu cũng được, gội cho kỹ, nhổ tóc sâu, mát xa mặt… Hóng hớt một lúc thì biết ngay câu chuyện của hai người đàn bà đang nằm trên giường là hai cô giáo, một cô chủ nhiệm và một cô dạy bộ môn, môn giáo dục công dân . Chuỵện của hai cô nghe chẳng có gì đặc biệt, một thằng S. nào đó, không phải học trò yêu của các cô, tất nhiên rồi. Nhưng chắc cũng chưa đến nỗi tệ lắm, không phải học trò hư. Nếu mẹ nó ngoan, đừng nói câu không cần, có khi nó đã được là học sinh giỏi. Tội của nó là lầm lỳ, lại còn ngang nữa. Nhưng tội của nó chưa to bằng tội của mẹ nó. Con ngang thì điểm kém, mẹ ngang, không cho điểm kém được thì cho đứng nắng để chờ cô đi chợ về, mà một khi cô đã cứ đi chợ chưa về, thì chắc là cứ đứng nắng ngẫm nghĩ về điểm kém của con cho thấm thía. Chuyện của hai cô thống nhất ở một điểm “Đứng đến bao giờ thì đứng…, nghe thấy cứ nhẹ tênh. Mẹ con nhà thằng S. đứng đến bao giờ thì đứng, bao giờ hiểu ra nền giáo dục của chúng ta không cho phép những sự ngang ngạnh vớ vẩn như thế.

Hai cô giáo đã gội xong, chuyện của hai cô còn nhiều, một lớp gần 50 đứa, có phải chỉ có mình thằng S. đâu. Chẳng phải chỉ có một đứa có lỗi, hoặc chẳng phải chỉ mình bố mẹ một đứa có lỗi. Châm ngôn “bố mẹ ngoan thì con giỏi” quả đáng để suy ngẫm cho đến khi thấm thía. Trẻ con đi học thì khổ, có con đi học cũng khổ. Vấn đề là khi hai cô giáo đã về rồi, người hóng hớt từ nãy nằm lên giường gội, hỏi cô bé gội đầu cũng có tính hay hóng hớt, rằng hai cô ở trường nào? Hoá ra hai cô khách quen dạy trường tiểu học gần đấy, thằng S. lầm lỳ mới học có lớp 3 thôi. Sự nghiệp đi học phổ thông của nó còn dài lắm, giá có ai bảo cho mẹ con nhà nó biết, rằng nếu mẹ con nhà nó không bớt tính ngang ngạnh đi thì còn được nhiều lần đứng đến bao giờ thì đứng, còn khổ nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét