26/5/08

Chia buồn

Tin buồn:
Ông Phạm Xuân Cường, sinh năm 1935; quê quán: xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; nguyên phóng viên báo Nhân Dân, đã về hưu; đã từ trần hồi 16 giờ19 phút ngày 22/5/2008.
Lễ tang đã cử hành lúc 14 giờ 30 phút ngày 24/5/2008, an táng tại Nghĩa trang Văn Điển cùng ngày.

Chúng tôi xin chân thành gửi đến anh Phạm Xuân Hiền và toàn thể gia đình anh lời chia buồn sâu sắc nhất!
Thay mặt Trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân

22/5/08

Đứng đến bao giờ...

Phạm Thanh Hà

- Thằng S. lớp chị nhìn ghét thật, mặt mũi lầm lầm lỳ lỳ, hỏi mấy thì hỏi cũng chẳng nói năng gì, giờ của em thì đừng có mà ỳ ra, không nói được em cứ gọi lên cho đứng đấy, đứng đến bao giờ thì đứng

- Biết rồi, tôi thấy cô ghi tên nó vào sổ đầu bài mấy lần, nó có sợ đâu. Tôi thì tôi ghét cái con mẹ nó, con bị điểm kém mà cứ bình chân như vại, hỏi có cần danh hiệu học sinh giỏi không? Mình đã tử tế như thế, mà lại thản nhiên bảo “Không cần”, không cần giỏi chứ gì? đã thế thì tiên tiến cũng khó. Chẳng phải mình cô không ưa đâu nó đâu, cô mỹ thuật chỉ cho nó điểm dưới trung bình. Ngang ngạnh cả mẹ cả con, tôi thấy phải dạy một bài học cho biết điều. Hôm qua tự dưng mò đến nhà tôi, chắc biết sắp tổng kết năm học rồi, nên nghĩ lại. Hỏi đường đến nhà, tôi bảo tôi đi chợ, đứng chờ đến cả tiếng ngoài cổng, gọi điện thoại vào nhà mấy lần, mình cứ đi chợ chưa về, cho đứng đến bao giờ thì đứng, nên nắng quá lại phải đi, không thấy xin xỏ gì nữa.

Hiệu gội đầu bình dân bé tẹo, chỉ hai giường gội đầu kê song song, gần như sát vào nhau, với mấy cái ghế, là hết chỗ. Nhân viên cũng chỉ có hai cô bé, bao giờ cũng vừa gãi đầu cho khách vừa hóng hớt nói leo, hoặc hát ê a bài nhạc trẻ nỉ non nào đó, “tình yêu đến em không ngóng đợi gì..., trước em ngồi hát bên dòng sông, nay em hát bên dòng đời.”…, đại loại như vậy. Nên ngồi chờ gội đầu, trong không khí hỗn tạp các loại mùi dầu gội, thuốc sơn móng tay móng chân, thuốc nhuộm tóc, những người khách khác chẳng biết làm gì nên cũng hóng hớt chuyện của người khác. Đi gội một mình thường mong nhanh nhanh chong chóng cho xong, chứ đi gội đầu có bạn, thì chuyện trò thoải mái, nằm bao nhiêu cũng được, gội cho kỹ, nhổ tóc sâu, mát xa mặt… Hóng hớt một lúc thì biết ngay câu chuyện của hai người đàn bà đang nằm trên giường là hai cô giáo, một cô chủ nhiệm và một cô dạy bộ môn, môn giáo dục công dân . Chuỵện của hai cô nghe chẳng có gì đặc biệt, một thằng S. nào đó, không phải học trò yêu của các cô, tất nhiên rồi. Nhưng chắc cũng chưa đến nỗi tệ lắm, không phải học trò hư. Nếu mẹ nó ngoan, đừng nói câu không cần, có khi nó đã được là học sinh giỏi. Tội của nó là lầm lỳ, lại còn ngang nữa. Nhưng tội của nó chưa to bằng tội của mẹ nó. Con ngang thì điểm kém, mẹ ngang, không cho điểm kém được thì cho đứng nắng để chờ cô đi chợ về, mà một khi cô đã cứ đi chợ chưa về, thì chắc là cứ đứng nắng ngẫm nghĩ về điểm kém của con cho thấm thía. Chuyện của hai cô thống nhất ở một điểm “Đứng đến bao giờ thì đứng…, nghe thấy cứ nhẹ tênh. Mẹ con nhà thằng S. đứng đến bao giờ thì đứng, bao giờ hiểu ra nền giáo dục của chúng ta không cho phép những sự ngang ngạnh vớ vẩn như thế.

Hai cô giáo đã gội xong, chuyện của hai cô còn nhiều, một lớp gần 50 đứa, có phải chỉ có mình thằng S. đâu. Chẳng phải chỉ có một đứa có lỗi, hoặc chẳng phải chỉ mình bố mẹ một đứa có lỗi. Châm ngôn “bố mẹ ngoan thì con giỏi” quả đáng để suy ngẫm cho đến khi thấm thía. Trẻ con đi học thì khổ, có con đi học cũng khổ. Vấn đề là khi hai cô giáo đã về rồi, người hóng hớt từ nãy nằm lên giường gội, hỏi cô bé gội đầu cũng có tính hay hóng hớt, rằng hai cô ở trường nào? Hoá ra hai cô khách quen dạy trường tiểu học gần đấy, thằng S. lầm lỳ mới học có lớp 3 thôi. Sự nghiệp đi học phổ thông của nó còn dài lắm, giá có ai bảo cho mẹ con nhà nó biết, rằng nếu mẹ con nhà nó không bớt tính ngang ngạnh đi thì còn được nhiều lần đứng đến bao giờ thì đứng, còn khổ nhiều.

14/5/08

Kinh nghiệm từ cá

Phạm Thanh Hà

Minh tin rằng tất cả các con vật, mỗi con có thể có riêng một tiếng nói, miễn là nói ra tiếng, chẳng hạn chó, mèo, gà, bò, chim chóc... mỗi sáng sớm đều phải nói ngay một điều gì đó khi vừa ngủ dậy - giống Minh - cả nhà bảo Minh hễ cứ mở mắt là mở miệng ngay. Gà kêu, chó mèo kêu, chim chóc kêu, vì chúng đều có chuyện cần nói vào lúc bắt đầu một ngày. Chỉ trừ mấy con cá nhiều mầu mà mẹ nuôi trong bể cá cảnh, sáng nào cũng rắc thức ăn, chúng nó nhao hết cả lên mặt nước đớp mồi là chẳng bao giờ nói năng gì cả...

Mà loài cá cũng lạ thật đấy, Minh đã cố dậy mấy lần vào buổi đêm, lén ra bể cá xem cá ngủ thế nào, thì thấy chúng nó giờ ngủ mà vẫn bơi, lại còn vẫn mở mắt nữa, thế thì gọi là ngủ làm sao được.
Chúng bơi yên lặng, chỉ quẫy đuôi làm động nước. Không có tiếng quẫy ấy, cả bể cá chẳng con nào nói với con nào hết, im lặng đáng ngờ. Cá không nói. Thế nhưng không hiểu sao, Minh vẫn cho rằng dù không nói thành tiếng, bọn cá cũng biết nói, và thể nào cũng nói vào lúc sáng sớm, để bắt đầu một ngày, như tất cả các loài vật khác. Tiếng nói của chúng truyền trong nước, như sóng ngầm, cá bé thì nói khẽ, càng bé càng nói khẽ, nên không ai nghe thấy được. Loài cá chắc chắn là loài biết giữ bí mật. Minh ước ao mình cũng biết giữ một bí mật nào đấy. Bí mật thì chẳng thiếu. Mỗi ngày ở lớp đều có vài chuyện xảy ra, bạn Lân giấu thước kẻ của Minh rồi tự đem trả, Minh đánh đổ mực của bạn Ngọc, phải lau mãi mà bạn ấy vẫn khóc. Bạn Thảo lấy đồ chơi trong túi cô giáo. Bạn Oanh buồn vì muốn tô mặt trời màu hồng mà cô giáo lại bảo phải tô màu vàng, có thế cũng buồn... Chuyện nào mà không kể, không mách cô, chỉ một vài bạn biết với nhau, thì được gọi là chuyện bí mật. Ai mà biết giữ bí mật, lớn lên có thể trở thành một anh hùng, một người làm được việc lớn. Nói chung, muốn làm được việc lớn, phải biết cách giữ bí mật. Minh biết thế, nhưng hễ mẹ hỏi một câu rất bình thường, ngày nào cũng hỏi, rằng: “Ở lớp con hôm nay có chuyện gì không?”, là Minh lại quên mất ngay cần phải giữ một vài bí mật nào đó, có bao nhiêu chuyện mang kể cho mẹ hết, thậm chí mẹ không hỏi cũng kể. Minh mà không có gì để kể, để hỏi, để nói thì không chịu được, cứ luôn miệng, luôn miệng... mà hễ Minh ngừng nói là mẹ lại lo, nói nhiều thì mẹ bảo: “Con yêu ơi, con nói nhiều quá!”. Nhưng thử im lặng một lúc mà xem, thể nào mẹ cũng áp má vào trán xem có nóng không, thế là Minh lại nói liên tục, bao nhiêu chuyện ở lớp, chuyện đọc trong sách, Minh kể cho mẹ tất cả, thể nào mẹ cũng cười.

Minh phục những con cá lắm, chẳng nói năng gì, hoặc nói gì mà chẳng ai biết cả, suốt ngày, ngày nọ sang ngày kia, thế mới là cao thủ. Minh rất muốn hỏi kinh nghiệm của một trong những con cá trong bể, nhưng hỏi bằng cách nào thì Minh không thể biết được. Thử áp tai vào thành bể xem cá nói gì, không thấy gì cả, chỉ thấy tiếng ầm ầm của máy lọc nước, hay là bắt cá ra khỏi nước để nghe xem cá có nói không và cá nói thế nào? Minh lấy cái vợt và vợt lên một con cá, nó chẳng nói gì, con thứ hai cũng thế và con thứ ba, cũng thế...

Tiếng nói của loài cá mà Minh nghe được ngày hôm ấy là sự im lặng kinh khủng từ những con cá chết. Dẫu sao cũng có một bài học được rút ra, một bài học chẳng có âm thanh gì, cá không thể nói cho người nghe được và cá cũng không thể sống nếu không có nước. Hôm đó là hôm đầu tiên Minh không bị mẹ mắng, không bị ai mắng, mà vẫn khóc rất lâu, khóc quên cả nói.

12/5/08

Anh chị em ơi, nhạc bài hát nào đây?

Hôm nay tôi (Hải Đường) bị sốt, nằm nhà buồn quá nên mò vào Blog xem, nhưng thấy buồn hơn vì chẳng thấy thông tin gì mới. Đã có Blog mà mọi người tham gia chả nhiệt tình thì cứ gọi là buồn…buổn… buồn … buồn.
Buồn quá nên tôi muốn chọc quậy blog một tí cho vui bằng cách ngồi xuyên tạc bày hát để tặng anh Vị Hoàng - một người quá kén vợ để đến bây giờ vẫn “phòng không” và anh Quang “ngọng” mà chẳng ngọng tí nào vì đã kịp double vợ. Đúng là “Người ăn chẳng hết, kẻ lần chẳng ra”.
Bài hát xuyên tạc được dựa vào nhạc của bài gì đó từ thời sơ tán xưa kia mà tôi quên tên rồi, nhưng chắc đọc lên ai cũng sẽ nhớ nhạc:

Đoạn 1: Tặng bạn Vị Hoàng

Trăng đã lên ngang đầu
Râu đã lên ngang cằm
Già rồi Vi Hoang ơi
Già rồi anh ơi
Anh rất muốn lấy vợ
Khốn nỗi thiên hạ nó chê anh … già
Non nước đã thanh bình, nhờ ai sắm cho anh một cô
Là… non nước đã thanh bình, nhờ ai sắm cho anh một cô

Đoạn 2: Tặng anh Quang “Ngọng”

Non nước đã thanh bình
Em hát câu chân tình
Già rồi anh Quang ơi
Già rồi anh ơi
Anh vẫn lấy thêm vợ
Khốn nỗi bây giờ mới ra nông nỗi này
Anh hớ… hơi… anh… hời
Đầu anh nhẵn không còn sợi… lông
Anh hớ… hơi… anh… hời
Đầu anh nhẵn không còn sợi… lông

(Chả là đầu anh Quang bây giờ trọc hết tóc rồi mà. Các anh chị không tin thì cứ ngắm ảnh trên Blog mà xem)

Em vô cùng, vô vàn xin lỗi anh Quang vì đã gọi “tóc” của anh là “lông”. Nhưng quả thực, em đã ngồi loay hoay hàng giờ mà không thể ghép được từ “tóc” vào nốt nhạc cuối cùng này. Nốt nhạc thì hạ mà từ “tóc” thì lại lên. Khó ghép khủng khiếp.
Mà không sao anh Quang ạ, vì theo các nhà khoa học thì “tóc” và “lông” đều được cấu tạo từ chất sừng và được mọc nhô lên từ biểu bì da. Mặt khác, từ ngàn xưa, ông cha ta đã định nghĩa “lông” và “tóc” rất rõ ràng:
“Lông mà mọc ở trên đầu thì là tóc,
Còn tóc mà không mọc ở trên đầu thì là lông”.
Đúng quá các anh chị nhỉ, “tóc” mà mọc ngay trên mắt thì không cựa vào đâu được là “lông mày, lông mi” rồi. Cả định nghĩa khoa học và truyền thống đều cho thấy “lông” và “tóc” cùng một phạm trù nên chắc em cũng chẳng phải xin lỗi anh Quang nữa. Hihi.

Có gì khí không phải, các anh chị bỏ quá cho. Thỉnh thoảng vui tếu một tí cho đời nó tươi, giảm stress ạ.

Hải Đường

TTST BND: "Có gì khí không phải, các anh chị bỏ quá cho"! Là bạn bè từ mấy chục năm nay, sao Hải Đường khách khí thế?.

Ảnh 1: Vị Hoàng, Phóng viên báo - bị ống kính "bắt" được khi đang phì phèo tự sướng,trong buổi gặp ở hồ Thiền Quang 23/9/07;
Ảnh 2: Minh Quang, Hải Đường và Vị Hoàng - gặp gỡ ở hồ Thiền Quang 23/9/07;
Ảnh 3: Minh Quang, Họa sĩ - khoảnh khắc trôi về kỷ niệm xưa, trong buổi gặp Vũ Quốc Lộc tối 20/10/07 ở Hà Nội.

4/5/08

Bóng xà phòng

Phạm Thanh Hà

Người đàn ông ngồi dưới chân cây cột, con bé ngồi bên cạnh, cả hai trông đều xốc xếch, buồn bã, trông ngóng… Con bé khoảng ba bốn tuổi, mái tóc hoe được chải hẳn hoi nhưng không cẩn thận nên vẫn rối tung. Hai bố con đã ngồi đấy từ sáng nay, không, hình như từ hôm qua, dân xóm bãi bảo rằng người đàn ông bế con đến đây tìm vợ. “Nó trốn nhà theo trai- thuê nhà đâu trong bãi này”- hôm qua anh ta nói thế với bà bán nước, có người nghe được.

Sự kiên nhẫn của hai bố con thật là đáng nể, hễ đói hoặc khát, người cha lại sang bên đường mua cho con chai nước khoáng, cái bánh rán, đi vệ sinh thì quá giản tiện, vì cái cột bê tông họ ngồi là ở cạnh đê, họ ngồi đấy, quyết tâm đợi mẹ con bé xuất hiện, đợi mà không biết đợi đến bao giờ.

Người cha này có lẽ là người rất chu đáo và tận tâm, mỗi lần cần chạy sang quán nước bên đường, anh ta lại nhấc con bé đặt lên cây cột. Cột bê-tông để ngăn ô tô không đi vào đường này, không lớn nhưng đủ chỗ cho con bé ngồi vắt vẻo. Thế là giống như bị nhốt vaò cũi, con bé ngồi đấy, không thể nhảy xuống được vì quá cao so với nó, sẽ không bị ai động vào, cũng không tự chạy sang đường theo bố được. Người cha ngồi làm điếu thuốc lào, chén nước trà xong, lại băng qua đường về với con, hạ nó xuống cho nó đỡ chơi vơi. Người cha còn chu đáo đến nỗi mua cho con một lọ thổi bong bóng xà phòng, con bé ngồi trên cột, thổi cho bong bóng bay lên trời.

Những ai từng quan tâm đến bong bóng xà phòng chắc sẽ không bỏ qua phát minh này. Cái lọ bằng nhựa xanh đỏ xấu xí, giá khoảng 1 nghìn đồng có thể là niềm vui bất tận cho một đứa bé. Trước kia, bọn trẻ phải mài xà phòng cục cho tan trong nước, thổi bóng bằng một cuộng rơm ngắt ra từ cái chổi lúa góc nhà. Cứ tưởng mấy thứ đó thất truyền từ lâu, nào ngờ vào thời văn minh tân tiến này, đầy những đồ chơi điện tử, người ta lại vẫn nghĩ ra một cái lọ như vậy, dụng cụ để thổi gắn với nắp lọ, rất tiện, là một vòng nhựa tròn nho nhỏ, từ đó bóng xà phòng sẽ bay ra cả một chuỗi chứ không từng bóng một như ở cọng rơm. Khi nào lọ xà phòng hết nước, chỉ cần pha thêm nước rửa bát vào là được.


Con bé ngồi trên cột, thổi bóng, mê mải, như không biết gì sự thiếu vắng của mẹ, sự đợi chờ của cha, sự khổ ải của nắng nóng, bụi bẩn và gió oi nồng ngoài đường… những gì mà trái tim non nớt của nó biết tới, chỉ là chuỗi bong bóng óng ánh vụt bay qua mặt nó, óng ánh, không liên quan đến bất cứ cái gì, óng ánh, bay lên trời rồi vỡ tan. Mỗi lần thế con bé lại cất tiếng cười.

Tôi đi qua con đường ấy ba lần vào buổi sáng. Lòng cứ nơm nớp bởi một điều gì đấy. Chẳng biết mẹ con bé có xuất hiện không… Nếu người cha chạy qua đường gặp tai nạn? Nếu con bé mải nhìn theo bóng ngã từ trên cột xuống? Điều gì sẽ xảy đến với hai bố con?


Hôm sau, không thấy cả hai bên cái cột nữa. Cũng không còn cả những bong bóng xà phòng.