12/12/13

Nhật ký của Hoài năm 16 tuổi: Con sông dòng đục dòng trong


Lê Khánh Hoài
TTST BND: Một hôm cuối tháng 11, Lê Khánh Hoài có gửi về TTST BND 3 bài thơ anh vừa đăng trên "tuổi trẻ online" với bút danh Châu La Việt. Cũng trong chùm thơ này, có trang nhật ký đầy tâm trạng của anh, một bài thơ năm 16 tuổi, thời kỳ sau khi Hoài rời Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân đi học cấp 3, chuẩn bị bước vào đời quân ngũ.

24/11/2013 08:18

Thơ Châu La Việt


TT - Bài thơ có một thời chỉ nằm trong sổ tay. Người nọ chép cho người kia, cứ thế mà lan truyền một nỗi đau không biết từ đâu đến. Chỉ biết là đau thôi, nỗi đau rất thật của một tâm hồn thơ dại. Một nỗi đời nhỏ bé trong một cuộc chiến trường kỳ, những năm 1960, những năm 1970.

Minh họa: V.Cường
Sau khoảng nửa thế kỷ, năm 2013, bài thơ bất ngờ trở lại trong tập hồi ký của NSƯT Tân Nhân - nữ danh ca của quê nghèo Quảng Trị, một thời vang danh với những Xa khơi,, Ru con, Tình quê hương, Câu hò bên bờ Hiền Lương... Trong tập Tân Nhân và Xa khơi (NXB Lao Động) có một trang ghi thế này: "Xót xa thay đó là mối tình bất hạnh. Trong chuyến về thăm nhà vùng tạm chiếm, anh bị kẹt và từ đó chúng tôi mãi mãi cách chia. Cháu Hoài, kết quả của mối tình mà chúng tôi tưởng rằng đẹp đẽ ấy, hơn nửa cuộc đời mới biết mặt cha và bao năm sống trên đất Bắc phải mang trong lý lịch của mình là con của một nhạc sĩ ngụy...".

Ấy là bà kể lại câu chuyện tình buồn bã của mình với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Nhật ký của Hoài năm 16 tuổi in trong tập sách của người mẹ, chính là Con sông dòng đục dòng trong của Châu La Việt ngày nào. Cho đến lúc này, bài thơ cũng chỉ "công khai" có lần ấy thôi. Trong nhiều tập sách của Châu La Việt sau này cũng không tìm thấy bài thơ năm 16 tuổi...

Nhật ký của Hoài năm 16 tuổi


"Con sinh ra là một giọt lệ đau
Giọt lệ ấy chẳng đủ soi lòng mẹ
Đừng giận con mẹ ơi vì thơ bé
Con nào đã hiểu hết nổi cuộc đời...

Con là vật kỷ niệm lúc chia phôi
Mẹ muốn quên dáng người đi tội lỗi
Con lại mang khuôn mặt người cha ấy
Vì có con mẹ chẳng thể quên cha

Mẹ lấy chồng rồi mẹ đẻ em ra
Hạnh phúc mới xóa nhòa ký ức
Có bố có em cho nên quên được
Khuôn mặt cha và cả khuôn mặt con

Những phút mẹ vui, những phút mẹ buồn
Muốn chia sẻ con cũng thành xa lạ
Đất nước chia hai, mẹ cha đôi ngả
Con là con sông có dòng đục dòng trong...

Và mẹ ơi con những phút yếu lòng
Mẹ đừng hỏi nước mắt từ đâu thế
Ngày tan nát giọt lệ đau của mẹ
Nay chảy vào thành nước mắt đời con...".

Bộ đội


Khi đi ra chiến trường
Chúng tôi xếp hàng ngang
Không ai muốn lùi bước

Khi đi nhận lương thực
Chúng tôi xếp hàng dọc
Đồng chí khỏe đứng sau
Đồng chí yếu đứng trước

Đồng chí nào thương tật
Đề nghị xếp lên đầu.
(Mặt trận Lào - 1971)

Ba của em


Anh không biết gương mặt của ba em
Nhưng anh tin ba em hiền lành lắm
Nếu không thế người xa bao năm tháng
Những nét ấy vẫn đọng ở mặt em...

Anh không biết gương mặt của ba em
Nhưng anh tin tóc em người thường vuốt
Nếu không thế sao mái tóc em mượt
Em gìn giữ như thể có tay cha?

Anh không biết gương mặt của ba em
Nhưng anh tin tình yêu người mãnh liệt
Nếu không thế sao mỗi khi tha thiết
Gọi tên người em nước mắt vòng quanh?

Cha đi xa
Mẹ xuôi ngược nhọc nhằn
Em tìm cha trong đôi tay của mẹ
Mẹ bế em vượt mưa nguồn chớp bể
Cha nằm xuống chắc chưa thể lòng yên

Anh chưa biết gương mặt của ba em
Nhưng điều này riêng anh hiểu được
Phải nâng niu em cô gái nhiều mất mát
Khi tình cha đã hóa vào trong anh...

T.N.



1 nhận xét:

  1. Bài "Ba của em" đọc xong thấy tâm trạng trở nên hụt hẫng quá. Thương cho đất nước nghèo nàn mà đầy binh đao máu lửa, thương cho những thân phận bị chia lìa vì những ý tưởng vu vơ, thương cho gia cảnh nhà mình và thương cho chính mình .
    Người xưa họ sống với nhau bằng sự mang ơn đồng lần. Người này mang cái ơn sống tử tế của người kia lúc thăng hoa cũng như khi khốn nạn.
    Anh Hoài là tượng đài vượt lên trên số phận.

    Trả lờiXóa