31/12/13
Chúc mừng nhân dịp năm mới 2014
Hai ông cháu Kiều Trung Thành đón nô en 2013 |
Chào các bác (các ông, các bà),
Các bác (các ông, các bà) hãy mừng cho Kiều Thành, đứa em bé nhỏ hồi những năm 1964 - 1972, lúc còn trong cũi của Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân đến khi học lớp 5 năm 1972!
Thời gian trôi thật nhanh, nhớ năm 2011 em mắc bệnh hiểm nghèo (K đại tràng) ở tuổi 50... phải chống chọi với bệnh tật, vượt lên chính mình, hy vọng được sống khỏe mạnh với gia đình mình được lâu hơn...
Thế mà sau đó, lo cho con trai lớn xây dựng gia đình, giờ em đã lên chức ông nội. Cuộc sống có thêm sức sống mới. Hạnh phúc ở trong ta.
Chúc mừng nhân dịp năm mới 2014, Mong các ông, các bà giữ gìn sức khỏe. Cuộc sống thật đáng sống!
23/12/13
12/12/13
Nhật ký của Hoài năm 16 tuổi: Con sông dòng đục dòng trong
Lê Khánh Hoài |
24/11/2013 08:18
Thơ Châu La Việt
TT - Bài thơ có một thời chỉ nằm trong sổ tay. Người nọ chép cho người kia, cứ thế mà lan truyền một nỗi đau không biết từ đâu đến. Chỉ biết là đau thôi, nỗi đau rất thật của một tâm hồn thơ dại. Một nỗi đời nhỏ bé trong một cuộc chiến trường kỳ, những năm 1960, những năm 1970.
Minh họa: V.Cường |
Ấy là bà kể lại câu chuyện tình buồn bã của mình với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Nhật ký của Hoài năm 16 tuổi in trong tập sách của người mẹ, chính là Con sông dòng đục dòng trong của Châu La Việt ngày nào. Cho đến lúc này, bài thơ cũng chỉ "công khai" có lần ấy thôi. Trong nhiều tập sách của Châu La Việt sau này cũng không tìm thấy bài thơ năm 16 tuổi...
Nhật ký của Hoài năm 16 tuổi
"Con sinh ra là một giọt lệ đau
Giọt lệ ấy chẳng đủ soi lòng mẹ
Đừng giận con mẹ ơi vì thơ bé
Con nào đã hiểu hết nổi cuộc đời...
Con là vật kỷ niệm lúc chia phôi
Mẹ muốn quên dáng người đi tội lỗi
Con lại mang khuôn mặt người cha ấy
Vì có con mẹ chẳng thể quên cha
Mẹ lấy chồng rồi mẹ đẻ em ra
Hạnh phúc mới xóa nhòa ký ức
Có bố có em cho nên quên được
Khuôn mặt cha và cả khuôn mặt con
Những phút mẹ vui, những phút mẹ buồn
Muốn chia sẻ con cũng thành xa lạ
Đất nước chia hai, mẹ cha đôi ngả
Con là con sông có dòng đục dòng trong...
Và mẹ ơi con những phút yếu lòng
Mẹ đừng hỏi nước mắt từ đâu thế
Ngày tan nát giọt lệ đau của mẹ
Nay chảy vào thành nước mắt đời con...".
Bộ đội
Khi đi ra chiến trường
Chúng tôi xếp hàng ngang
Không ai muốn lùi bước
Khi đi nhận lương thực
Chúng tôi xếp hàng dọc
Đồng chí khỏe đứng sau
Đồng chí yếu đứng trước
Đồng chí nào thương tật
Đề nghị xếp lên đầu.
(Mặt trận Lào - 1971)
Ba của em
Anh không biết gương mặt của ba em
Nhưng anh tin ba em hiền lành lắm
Nếu không thế người xa bao năm tháng
Những nét ấy vẫn đọng ở mặt em...
Anh không biết gương mặt của ba em
Nhưng anh tin tóc em người thường vuốt
Nếu không thế sao mái tóc em mượt
Em gìn giữ như thể có tay cha?
Anh không biết gương mặt của ba em
Nhưng anh tin tình yêu người mãnh liệt
Nếu không thế sao mỗi khi tha thiết
Gọi tên người em nước mắt vòng quanh?
Cha đi xa
Mẹ xuôi ngược nhọc nhằn
Em tìm cha trong đôi tay của mẹMẹ bế em vượt mưa nguồn chớp bể
Cha nằm xuống chắc chưa thể lòng yên
Anh chưa biết gương mặt của ba em
Nhưng điều này riêng anh hiểu được
Phải nâng niu em cô gái nhiều mất mát
Khi tình cha đã hóa vào trong anh...
T.N.
9/12/13
Thác Bà Điên
TTST BND: Mời bạn thưởng thức một thể nghiệm của Vũ, gửi về hồi đầu tháng 11 mà vì vướng việc nên mình chưa kịp đưa lên ngay!
09/11/2013 7:39 CH, Vũ Tuấn Hoàng: Người ở trong nước thì nhớ nước Nga, người ở nước Nga thì nhớ về trong nước. Đời là thế đấy!
Thác Bà Điên
Truyện ngắn
Tên địa danh bất thường này gợi nên bao thắc mắc và suy tư của du khách khi ngỡ ngàng đứng trước khung cảnh hùng vĩ và nên thơ của dòng thác nước tung bọt trắng xóa, réo ầm ầm đổ từ trên sườn núi xuống. Âm vang của nó dội vào vách đá lởm chởm, lan tỏa ra khắp các vùng lân cận như một bản giao hưởng bất tử của rừng đại ngàn trùng điệp.
Chính quyền địa phương muốn đổi cái tên nghe rất quái gở này, nhưng tên mới chỉ tồn tại được trên văn bản giấy tờ, còn trong lòng người dân, thác “Bà Điên” vẫn đeo bám dai dẳng như một nỗi ám ảnh định mệnh khôn nguôi, như đã thấm vào đất, quyện vào khí trời, cỏ cây của vùng bán sơn địa vốn dĩ cũng chứa đựng trong lòng nhiều huyền thoại đau thương và bi hùng.
Trận mưa lũ quét bất chợt trên thượng nguồn khiến chúng tôi mất đường quay trở ra quốc lộ chính. Buổi sáng, con suối hiền lành róc rách chảy không hề báo trước điều gì bất thường, nay bỗng chốc biến thành một dòng sông dữ tợn, chảy xiết, cuồn cuộn ôm theo củi rác, mái nhà, xác súc vật, cả những cây gỗ lớn mà trên đó đám thú rừng may mắn sống sót ướt lướt thướt bám theo. Con nào con nấy ánh mắt tràn đầy nỗi khiếp đảm sợ hãi. Chúng nép sát vào nhau, kể cả những con thú dữ như hổ báo, trong lúc bình thường làm sao có thể cùng ôm chung một cây gỗ với đám lợn rừng hay cầy, chồn, chó mèo, gà, cóc nhái... Tai họa thiên nhiên giáng xuống khiến cho các loài vật xích lại gần nhau để tìm chỗ nương tựa. Điều này giúp lý giải tại sao chúng tôi lại nhanh chóng tìm được nơi trú để tránh cơn mưa nguồn đang lù lù kéo tới, hứa hẹn cả đêm sẽ phải ngủ dưới tiếng mưa rơi xối xả, trong một chiếc nhà gỗ vững chắc và ấm cúng của người kiểm lâm, cách thác không xa. Thoạt tiên, ngỡ đây là lán của người gác rừng, nhưng sau gần một tiếng trò chuyện thân tình, ăn các đồ ăn chúng tôi mang theo bên đống lửa được đốt lên ở chính giữa ngôi nhà, mới vỡ lẽ: ông chủ là một người mà từ khi còn trẻ đã rời bỏ gia đình ở dưới xuôi để lên đây theo đuổi một mục đích duy nhất của đời mình: Đi tìm vàng! Song, cứ đoán theo hình thức bên ngoài của gia chủ và mọi đồ vật dụng trong ngôi nhà này thì chắc hẳn cái mục đích mà ông đặt ra cho cuộc đời vẫn còn ở đâu đó rất xa. Nhưng có một điều mà cả ba chúng tôi đều cảm nhận thấy là ý chí tìm kiếm không hề cạn kiệt toát ra qua ánh mắt sáng quắc, tinh anh và giọng nói sang sảng của ông.
- Sống một thân một mình đơn độc giữa rừng sâu mà ông không sợ hay sao? Tôi đỡ chén trà nóng từ tay ông già và bạo dạn cất tiếng hỏi.
- Hồi trước, có rất nhiều người tới đây tìm vàng, lều lán mọc lên như nấm sau cơn mưa, nhưng rồi tất cả dần dần nản lòng, bỏ cuộc hoặc bỏ mạng vì bệnh tật hay đâm chém nhau… mà cứ ngẫm kỹ ra, con người ta vừa mới sinh ra ở đời đã bị tuyên án tử hình rồi, vấn đề là khi nào thi hành án thôi – Ông vừa nói vừa bỏ thêm khúc củi vào lửa - Bởi vậy, dù sống trong rừng có thú dữ, rắn rết độc, hay sống giữa thành phố đầy đủ tiên nghi thì nguy cơ đối mặt với cái chết là như nhau. Tôi đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ thành Quảng Trị 1972, xung quanh đồng đội trúng đạn chết và bị thương la liệt, nhưng tôi không hề bị xây xước dù một vết nhỏ… - Nói đến đây, giọng ông bỗng trở nên chùng hẳn xuống và mãi một lúc lâu mới thốt ra được tiếp mấy lời, mà không hiểu là nói với chúng tôi hay nói với chính bản thân mình - Nhưng… lại bị trúng thương ở hậu phương… à mà thôi, chuyện cũ đã qua rồi, tất cả đã là dĩ vãng… Nào, bây giờ xin mời các bạn trẻ thử món rượu tôi tự cất lấy từ ngô nương nhé!
Thác Đambri, Lâm Đồng (ảnh minh họa) |
Phần vì mệt do đi đường, phần vì rượu thơm ngon nên hơi quá chén, cả ba chúng tôi lăn ra ngủ ngay trên chiếc chiếu đan bằng loại cói thô đã ngả sang màu nâu xỉn ở góc nhà. Lúc quá nửa đêm, tôi chợt thức giấc vì mấy giọt nước mưa lạnh thấm qua mái lợp rơi xuống trúng mặt. Tôi khẽ mở mắt ra và lặng người đi, trong bụng nhủ thầm “Mình mà có tài điêu khắc thì chắc chắn đây sẽ là một bức tượng không tồi”. Ngọn lửa nhún nhảy bập bùng hắt ánh sáng lên ông già cởi trần, người đỏ rực như một pho tượng đồng thau ngồi xếp bằng chữ ngũ. Cơ bắp trên bả vai và hai cánh tay đã săn lại chằng chịt các đường mạch máu nhưng vẫn gân guốc và tiềm ẩn sức mạnh. Các nếp nhăn trên mặt, nhất là trên trán như những vết dao chém, hằn sâu và khắc khổ. Hai má hóp lại khiến đôi lưỡng quyền nhô ra. Ánh mắt ông chăm chú nhìn ngọn lửa. Thỉnh thoảng, ông lại quay sang âu yếm vuốt ve con chó săn đen tuyền, lưỡi có đốm, giống chó Lài Bắc Hà, người bạn trung thành duy nhất đang nằm phủ phục, ghếch chiếc mõm dầy, to và ươn ướt lên đùi ông. Đôi mắt mang màu sắc hoang dã của loài cầm thú cũng trở nên mơ màng ưu tư trước ánh lửa bập bùng. Hai tai dài và nhọn của nó dựng đứng lên cứ xoay đi xoay lại rất cảnh giác, hướng theo những âm thanh khác nhau từ ngoài rừng vọng vào. Tôi nhớ lại câu chuyện hồi chiều của ông kể về con chó lai giữa chó nhà và chó sói này với vẻ tự hào chẳng khác gì nói về một người bạn chí cốt rất mực thủy chung, vị cứu tinh của đời mình: “Con chó thông minh lắm. Chỉ cần nhìn là nó hiểu mình muốn gì. Đây là giống chó săn cực quý, khôn ngoan và dữ dằn. Nó là người lính gác vô cùng tin cẩn, sẵn sàng xả thân để bảo vệ chủ. Theo như người Nùng ở đây vẫn nói, nếu ai sở hữu một chú chó Lài, thì coi như quanh năm suốt tháng no đủ, không sợ đói. Xách súng vào rừng, nếu có chó Lài dẫn đường, thì kiểu gì cũng thu được chiến lợi phẩm. Nó sẽ tìm dấu vết thú, lùa thú vào trước họng súng cho chủ bắn. Giống chó này là sát thủ của rắn độc, sự dũng mãnh của nó khiến rắn độc sợ hãi co mình nằm im – Kể đến đây ông già chỉ vào bộ da rắn khổng lồ treo dọc chiếc cột trụ to duy nhất của căn nhà – Đây là con rắn đã thành tinh, là “quái thú” của rừng già. Vùng đất này núi cao rừng thẳm thú dữ khá nhiều. Tuy nhiên, cánh rừng giáp với thác nước này chẳng có bóng dáng loài thú dữ nào, ngoài con quái thú khổng lồ mà chưa ai được mục kích tận mắt. Dân đào vàng mỗi năm chỉ tình cờ bắt gặp một bộ da rắn lột dài bằng mấy lần đòn gánh, to bằng thân cây chuối rừng. Thế rồi một hôm, trời đã nhá nhem tối, tôi từ bãi đào vàng trở về lều. Gần đến nơi thì bỗng con chó Lài phóng vụt lên trước và sủa loạn xạ. Trong tiếng sủa của nó có điều gì đó kinh hoàng, khẩn cấp. Tôi vội cảnh giác, hạ khẩu súng săn xuống khỏi vai và lên đạn. Hướng theo tiếng sủa của chó, ánh đèn pin chưa kịp bật lên, tôi đã phát hiện ra hai đốm lửa đỏ lự ngay ở cửa lều. Chúng đung đưa đánh võng trong bóng tối. Tôi bỗng lạnh hết sống lưng khi nghe thấy tiếng gió rít rất lạ và mùi tanh nồng phả vào mũi. Tôi hiểu mình đang đối mặt với ai ? Hai chân ríu lại, không bước nổi nữa chứ đừng nói đến chuyện bỏ chạy. Nó chỉ mổ một nhát thì coi như cầm chắc cái chết. Chính lúc đó, con chó Lài xông lên, gầm gừ hung dữ đe dọa đối thủ khiến cho hai đốm lửa đỏ lự đó đứng im bất động. Và, viên đạn may mắn từ nòng súng của tôi khạc ra đã trúng giữa hai đốm sáng như hai con mắt của tử thần. Cái lỗ thủng do đạn phá to bằng bàn tay trên cánh cửa kia, tôi vẫn giữ nguyên không sửa lại để làm kỷ niệm về một khoảnh khắc không thể quên trong đời”.
Tẩu thuốc lá làm từ gốc cây ớt , vỏ xù sì, cứ lập lòe đỏ trong lòng bàn tay to thô và dị dạng của ông vì bao năm cầm xẻng đào bới đất cát. Những sợi khói trắng lởn vởn, thong thả vẽ lên trong không trung những hình thù kỳ dị đầy biến ảo.
Tôi đặt tên cho bức tượng tạc vội trong đầu đó là: Cô Đơn.
Có cảm giác rằng, nỗi cô đơn của ông già đã lan truyền sang cả con chó bên cạnh, thậm chí thấm cả vào các đồ vật xung quanh: một chiếc ba lô lính bạc phếch treo trên bức vách sau lưng, một chiếc bi đông quân dụng bị móp, một cái xẻng công binh, một cây súng săn báng gỗ kiểu Nga và cuối cùng là một cây đàn ghi ta đứt dây cũ kỹ, tróc hết lớp vecni… Đến tận bây giờ, tôi mới chợt nhận ra phía trên cao của vách nhà có treo bức ký họa chân dung một người phụ nữ, lồng trong khung bằng bốn ống trúc mà từ chỗ tôi nằm chỉ nhìn thấy lờ mờ. Ở góc bên phải có gắn một dải băng đen nho nhỏ.
- Ông vẫn chưa ngủ ạ? Tôi ngồi xuống bên cạnh đống lửa, khẽ cất giọng hỏi – Mưa đã tạnh, tiếng thác nước nghe rõ quá ông nhỉ, và hình như bên ngoài còn có trăng sáng thì phải?
- Cháu có ngửi thấy mùi hương lạ không? Ông già nhồi thêm thuốc vào tẩu, cất tiếng hỏi khẽ.
Đến lúc đó, khứu giác chậm hiểu của tôi mới cảm nhận thấy một mùi hương thơm thoang thoảng, tinh khiết lảng vảng đâu đó trong không gian, xen kẽ với các mùi khác như mùi gỗ cháy, mùi ẩm ướt của thảo mộc sau cơn mưa, hòa quyện với bản nhạc của muôn vàn tiếng tỉ tê của thế giới côn trùng.
- Đám cầy hương đi kiếm ăn đêm trên đỉnh thác. Chúng rất thích ăn một loại rễ cây hoa Dĩ Vãng mọc ở các khe đá dọc hai bên thác nước.
- Tên hoa nghe lạ quá, lần đầu tiên cháu được nghe. À, mà ông ở đây đã lâu chắc phải biết tại sao thác nước này gọi là thác “Bà Điên” chứ ạ?
Thật không ngờ, câu hỏi vô tình của tôi khiến thái độ ông già đột ngột thay đổi hẳn. Một tiếng thở dài bật ra khỏi lồng ngực xương xẩu nhưng rắn chắc của ông.
Ông ngước nhìn lên bức ký họa treo trên vách và im lặng không nói gì.
Một người bạn của tôi ú ớ nói lảm nhảm trong giấc mơ.
- Bác cháu mình ra ngoài thác ngắm trăng đi! Ông bất ngờ đề nghị - Ở thành phố làm sao được mục sở thị một khung cảnh huyền ảo như lúc này!
Tôi định bước lại đánh thức hai người bạn, song ông già đã đặt bàn tay nặng trịch lên vai tôi, nói:
- Cứ để cho hai cậu ấy ngủ ngon, ba chúng ta đi là đủ rồi!
Chú chó Lài cao lớn là người đầu tiên nhanh nhẹn dùng mõm đẩy chốt cửa bước ra ngoài.
* * *
Tôi đã không ít lần trải qua những cảm giác lặng đi đến sững sờ vì xúc động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, nước mắt trào ra trên bờ mi vì cảm giác hạnh phúc được sống, được cảm nhận qua tất cả các giác quan Cái Đẹp tuyệt đối của tạo hóa. Đó là bình minh đang lên trên mặt hồ Baican ở Xibiri, những khu rừng phong mùa thu đổ sắc vàng rực rỡ của miền Trung nước Nga, ánh hoàng hôn lai láng trên mặt sông Seine ở Paris, hay những thảm cỏ xanh mướt hút tầm mắt trải song song với bầu trời trong vắt cũng xanh ngăn ngắn ở Hà Lan. Đó là những đêm trăng khắc khoải trên bờ biển Crưm vang động tiếng sóng ầm ì vỗ vào kè đá, hay chứng kiến hàng ngàn cánh chim hải âu trắng muốt bay rợp trời trong công viên Thúy Hồ ở Côn Minh…
Cảm giác sững sờ đó đột ngột quay trở lại xâm chiếm tâm hồn khi chúng tôi dừng bước đứng trên một phiến đá lớn ở đỉnh thác nước. Từ đây mở ra một bức tranh huyền ảo, hư hư thực thực với hai gam màu chủ đạo: trắng và đen. Các vòm lá cây sau cơn mưa phản chiếu ánh trăng lấp loáng màu bạc trải dài xa tít tắp, cứ như thể vầng trăng kia đã vỡ vụn ra thành hàng ngàn vạn mảnh nhỏ rải xuống cánh rừng vậy. Nếu bịt tai lại, cảm giác phía dưới chân mình là một dòng sương mù dày đặc đang bồng bềnh uốn lượn trôi mãi về dưới xuôi…
- Cháu có nghe thấy tiếng hát không? Ông già đột ngột hỏi, đầu ngẩng cao, hai mắt lim dim nhìn xa xăm về phía trước mặt.
- Dạ…dạ... cháu không nghe thấy gì cả. Hay vì tiếng thác nước át đi?
- Không, tiếng hát rất rõ, bao năm rồi mà giọng bà ấy vẫn không thay đổi, đúng là chất giọng của người con gái đất quan họ…
Trong một khoảnh khắc, tôi chợt cảm thấy hình như ông già có cái gì đó khác thường. Hoặc giả, sống trong rừng núi lâu ông đã luyện được thính giác nhạy bén hơn người ? Tôi thử tĩnh tâm lại một lần nữa và căng tai lên nghe… nhưng tuyệt nhiên không phát hiện ra bất kỳ một âm thanh lạ nào khác, ngoài tiếng nước xối xả. Thỉnh thoảng, có tiếng chim ăn đêm vỗ cánh trong không trung. Và, nếu chú ý lắng nghe kỹ hơn nữa, có tiếng gió vi vu trong bụi trúc ở đâu đó gần đây mà thôi.
- Cũng trong một đêm sáng trăng như thế này, bà ấy đã nhảy xuống trầm mình trong dòng nước tinh khiết kia! Ông già quay sang nói với tôi bằng một giọng run run xúc động.
- Bà nào ạ? Tôi ngớ người ra hỏi lại, nhưng ngay lập tức chợt hiểu ra ý ông già muốn nhắc tới ai - Chính vì thế người ta mới gọi đây là thác Bà Điên phải không ông? Chỉ có người không bình thường mới hành động như vậy.
Tôi vừa nói, nhưng trong đầu đã phỏng đoán người phụ nữ điên này chắc phải có liên quan gì đấy với ông già. Bức ký họa trên vách và cuộc sống đơn độc ở gần thác nước này của ông bao năm trời đã khiến tôi lờ mờ cảm nhận được số phận của người đàn ông bí ẩn đang ngồi cách tôi nửa tầm tay với. Phải chăng là hệ lụy của mối tình lâm ly bi sầu như trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn?
- Giá mà không có chiến tranh thì thác nước này cũng không mang cái tên oan nghiệt đó… Cháu ngồi xuống đi, ngồi sát vào mé này này, không bụi nước bay lên chỉ một lúc nữa là cháu ướt hết và lạnh cóng… Có vùng nào trên đất nước chúng ta mà không mang dấu ấn đau thương của chiến tranh đâu cháu?
Ông già trầm ngâm một lúc, rồi cất giọng bắt đầu câu chuyện.
Tôi có cảm giác rằng, ông không phải kể cho tôi nghe mà kể cho chính dòng thác đầu nguồn này, để câu chuyện của ông, lời nói của ông nương theo dòng nước chảy xiết trôi về dưới xuôi, hòa nhập vào trăm ngàn các dòng sông lớn nhỏ, tan vào phù sa bồi đắp nên nhưng cánh đồng lúa xanh mơn mởn, rồi cuối cùng trôi ra biển cả mênh mang vô định…
* * *
Chiếc xe tải quân sự lầm bụi đường trường đỏ quạch phanh khựng lại bên cạnh chiếc giếng đào ngay sát con đường đất sống trâu dẫn về phía Làng. Một anh bộ đội trẻ măng, tóc cắt cua, da ngăm ngăm đen, nhảy từ cabin xuống, đỡ theo tay chiếc ba lô vẫn còn mới. Cửa xe đóng sập lại và tiếng động cơ rú lên át đi những lời cảm ơn và chào từ biệt. Anh đứng im một lúc nhìn theo đám bụi bốc mù lên phía sau chiếc xe tải đang xa dần, rồi khuất hẳn sau rặng cây nhãn chạy dài theo bờ sông. Tiếng động cơ lịm hẳn, khiến cho không gian xung quanh trở nên im ắng lạ thường. Dường như chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng lâu lắm rồi. Bầu trời trên cao lác đác mấy gợn mây trắng lất phất, gió từ phía cánh đồng thổi tới thoang thoảng mùi bùn, mùi thơm thơm của hương lúa non, khiến chàng thanh niên lặng người đi và sống mũi cay cay. Một cảm giác sung sướng khôn tả, chỉ có được khi con người ta vừa từ một nơi kề cận cái chết trở về, vỡ òa trong anh và bất ngờ thoát ra thành một tiếng kêu hân hoan vang động:
- Mẹ... ơi... ơi, con đã về rồi đây!
Thật chẳng khác gì một con trâu tơ lồng lên trên những luống cày đầu tiên, không kìm được lòng mình, anh co cẳng chạy trên con đường mòn trên mặt đê, con đường mà cả tuổi thơ đói nghèo và côi cút của anh đã gắn bó. Dù có bịt mắt cũng có thể tìm được lối về nhà qua mùi vị của cây cỏ, mương rãnh hai bên đường. Mấy chú chim sẻ đậu ở trên ngọn cây gần đó giật mình bay vù lên. Chạy gần đến một đống rơm to, anh dừng lại, ngoái nhìn xung quanh như sợ ai trông thấy, rồi rút từ trong túi áo ngực ra tấm huy chương màu đỏ còn mới toanh đeo ngay ngắn vào ngực áo. Anh muốn giành cho mẹ một điều bất ngờ, muốn mẹ thật sự hạnh phúc, sung sướng và tự hào vì anh. Mẹ xứng đáng được như vậy vì cuộc đời mẹ đã quá nhiều đau khổ, mất mát. Nạn đói năm 1945 đã cướp đi tất cả những người thân thích. Mẹ sống sót được chỉ nhờ vào bản năng sinh tồn cứu giúp. Cô bé mười tuổi chỉ còn da bọc xương là mẹ lúc đó, ngày nào cũng chạy theo mấy con ngựa của đám lính Nhật đóng trong làng để hốt phân về đãi lấy những hạt ngô chưa bị tiêu hóa để ăn. Rồi nạn đói qua đi, cô đi làm thuê làm mướn khắp nơi và nhờ có một giọng hát quan họ truyền cảm, một vẻ ngoài nết na chăm chỉ nên được một gia đình địa chủ nhận làm con nuôi để lấy may. Nhưng rồi, cải cách ruộng đất ập tới, cả gia đình ông chủ bị đấu tố và bị giết. Mẹ anh đã cùng người con trai út của gia đình, bỏ trốn vào Hà Tĩnh, dạt đến cái làng này, cải tên đổi họ bắt đầu một cuộc sống mới. Anh sinh ra không biết mặt bố. Mẹ kể rằng ông hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia vào đội vận tải lương thực chi viện chiến trường và trong một đêm mưa bão, đường trơn, đã bị trượt chân ngã xuống vực cùng với chiếc xe đạp thồ chở đầy gạo. Mẹ con anh sống côi cút nuôi nhau. Anh lớn lên là nhờ con tôm con cá của dòng sông quê, nhờ con cua con ốc dưới mương rạch trong làng. Mẹ anh mang ra chợ bán để mua gạo, quần áo, dầu đèn… Nhiều đêm, hai mẹ con ngồi im lặng bên cạnh chiếc đèn hoa kỳ vàng vọt, người cặm cụi khâu vá lại những chiếc áo cũ bạc phếch vì nắng gió, người cố gắng mở to mắt chống lại cơn buồn ngủ để đánh vần những bài tập đọc về lòng yêu Tổ quốc. Từ nhà bên hàng xóm, vọng sang tiếng cãi chửi nhau của vợ chồng anh thương binh cụt chân vì mìn trong trận đánh cuối cùng bắt sống tướng Đơcat trên cứ điểm đồi A1 và tiếng khóc lu loa đòi ăn của bầy con nhỏ. Nhưng cũng có những đêm vui, mẹ anh khe khẽ cất tiếng hát, những giai điệu quan họ của một thời con gái. Rồi một hôm, hai mẹ con đang rửa lại mớ cá anh vừa bắt về ở cầu ao cạnh nhà, thì một đơn vị bộ đội chủ lực hành quân qua. Nhìn những bộ quân phục mới toanh, những gương mặt trẻ trung cười rạng rỡ, những câu đùa tếu vọng đến tai, trong đầu anh bỗng nảy một ý nghĩ: “tình nguyện đi bộ đội, đây là con đường duy nhất thoát khỏi cảnh đói ăn, chạy bữa từng ngày”. Khi đoàn chiến binh đã đi khuất hẳn, anh ném cái nơm tre xuống mặt nước ao bèo và buông ra một câu chắc nịch:
- Con cũng sẽ đi bộ đội!
- Sao? Mẹ anh hoảng hốt hỏi lại – Mẹ chỉ có mình con trên đời này thôi đấy, mà con đã đến tuổi nhập ngũ đâu?...
Bóng hai mẹ con rung rinh in trên mặt nước ao gợn sóng. Đó là bức ảnh duy nhất hai người “chụp” chung nhau trên cõi đời.
Càng chạy gần về tới nhà, anh càng guồng chân nhanh hơn trên con đường đất vương đầy rơm rạ và phân trâu bò, lòng thấy nóng ruột, không biết mẹ đang làm gì, có ốm đau không? Anh hình dung ra niềm vui sướng trên khuôn mặt vẫn còn nhan sắc của mẹ, những giọt nước mắt tủi thân vì phải vò võ mong đợi. Chắc mẹ đang khâu vá hoặc băm bèo nấu cám lợn… Mấy gói lương khô, đồ hộp, thuốc đánh răng, xà phòng và cả một chiếc khăn bông hoa to làm quà cho mẹ kêu lục cục theo nhịp bước chân chạy trong ba lô đằng sau lưng. Anh bỗng nhớ đến cái mùi thơm riêng biệt của mẹ mà từ khi còn bé anh đã bị “nghiện”. Chính trong những giờ khắc im tiếng súng giữa các trận đánh, điều mà anh ao ước nhất là được sà vào lòng mẹ như hồi còn nhỏ để được hít thật sâu vào lồng ngực mùi thơm của mẹ. Có lẽ, đó là mùi hương thơm nhất trong tất cả các mùi hương trên trái đất, kết tinh từ các loài hoa và trái cây trong vườn nhà… Kia rồi, mái nhà tranh vách đất đã thấp thoáng sau tán lá. Hồi hộp quá khiến trái tim cứ chỉ chực đạp lồng ngực chui ra. Anh dừng lại để thở và lấy bình tĩnh. Muốn làm mẹ bất ngờ, anh nảy ra ý định không đi vào cổng chính mà đi vòng ra phía sau nhà. Anh nhẹ nhàng nhảy qua hàng rào dâm bụt thấp lè tè, rồi rón rén bước vào cửa hậu. Từ đây có thể nhìn thẳng vào trong sân và thấy mấy đống khoai sắn thái khô đang được đánh đống, một cái cào bằng tre và chiếc nón của mẹ vất ở bên cạnh. Chắc bà đang ở đâu đó quanh đây. Không gian yên ắng, chỉ có tiếng đàn gà con đang lao xao chí chóe đào bới giun ở trong vườn. Anh khẽ khàng mở cánh cửa thông vào gian nhà chính, nhưng cũng không thấy bóng mẹ đâu. Đặt khẽ khàng chiếc ba lô xuống phản gỗ kê ngay phía trước bàn thờ của bố, anh đưa tay lên vái lạy mấy cái như mẹ anh vẫn dạy từ khi còn nhỏ.
- Thầy ơi, con đã về đây!
Bỗng, anh giật thót mình vì nghe có tiếng động mạnh ở gian dưới bếp, rồi tiếng mẹ cười khúc khích, cùng với một giọng đàn ông mà anh nhận ngay ra đó là của ông hàng xóm thương binh cụt chân. Đầu óc anh chao đảo choáng váng xây sẩm mặt mày. Nhưng trạng thái đó trôi qua rất nhanh nhường chỗ cho một cơn giận dữ, ghen tỵ nổ bục ra trong lồng ngực khiến mắt mờ đi. Anh loạng choạng chạy thẳng xuống bếp và đứng khựng lại ở ngưỡng cửa vì ánh mắt đập phải cảnh hai người đang ôm nhau trên đống rơm ở trong góc. Nồi khoai luộc sôi trào cả ra bếp cháy xèo xèo. Anh quờ tay nắm lấy chiếc nạng của ông hàng xóm để tựa vào cạnh cửa và giơ lên giáng thật mạnh xuống chiếc gáy đen xạm vì nắng và cáu bẩn… Một tiếng thét kinh hoàng của người đàn bà góa đang ở tuổi hồi xuân vang xa giữa buổi trưa hè oi ả khiến mấy bà già túm tụm ngồi đan rổ rá ở dưới gốc cây mít giật mình ngơ ngác nhìn nhau chưa hiểu chuyện gì xảy ra…
Tòa án xử quân nhân phạm tội giết người diễn ra ngay tại sân vận động của huyện, dưới những ánh đuốc của hàng trăm người dân từ khắp các làng xã lân cận kéo tới nghe. Một đêm đầy trăng và cũng đầy nước mắt của những người chứng kiến. Ông chánh án đầu hói khó khăn lắm mới thốt ra được hai chữ: Tử hình! Cả đám đông rùng rùng chuyển động. Tiếng la ó phản đối lan rộng ra. Người mẹ gầy tọp, quần áo lôi thôi đầu tóc rối bù, hai mắt đờ đẫn đứng ở ngay hàng đầu, rú lên một tiếng khiến mọi người sởn gai ốc, rồi ngã vật xuống đất bất tỉnh. Không khí của phiên tòa chỉ tạm lắng xuống khi giọng bào chữa của ông luật sư mặc áo trấn thủ và đeo chiếc xà cột ở bên hông vang lên giữa những tiếng nức nở, tiếng sụt sịt của bà con dân làng:
- Thưa bà con, thưa quý tòa – Ông tháo chiếc kính trắng đang đeo xuống và cầm ở tay – Chúng ta nên xem xét kỹ tâm lý của tội phạm: Yêu mẹ, kính mẹ từ tấm bé, anh đi chiến đấu vì những lý tưởng cao đẹp, vì Tổ quốc. Được nghỉ phép trở về trong niềm vui báo công, nhưng một sự việc xảy ra đã làm anh không giữ được tự chủ, không còn là mình nữa. Người có lỗi trong vụ việc này không phải ai khác mà chính là ông hàng xóm!
Cả đám đông ồ lên, vỗ tay rào rào tán thưởng.
Những bó đuốc rừng rực cháy được nâng lên hạ xuống như trong một buổi lễ lên đồng tập thể.
Ba tháng sau, tòa phúc thẩm xét lại và bản án được giảm xuống còn 20 năm tù.
Sau hơn mười năm chịu án cải tạo lao động, anh được ân xá sớm trong một dịp Quốc khánh. Sau chấn động bất ngờ đó, người mẹ đã mắc chứng tâm thần, lúc tỉnh lúc điên, bỏ nhà đi lang thang không rõ tông tích. Anh không dám trở về làng vì mặc cảm tù tội, lý lịch hoen ố, vì sợ mấy thằng con trai lộc ngộc của ông hàng xóm trả thù. Vào một đêm lất phất mưa, anh lẻn về làng. Căn nhà lâu không có hơi người bốc mùi ẩm mốc và chuột bọ chạy sột soạt trên các thanh kèo gỗ, trên mái tranh. Ngọn lửa nhỏ bằng hạt đậu của chiếc bật lửa leo lét cháy trong lòng bàn tay. Anh giật mình khi nhìn thấy trên bàn thờ của bố có cả bức ảnh ông hàng xóm. Cảm giác căm thù phẫn nộ của mười năm trước đã không còn chỗ trú chân trong lòng của một người đàn ông đã nếm trải bao đắng cay, hiểu và cảm thông được nỗi lòng của mẹ, của người phụ nữ. Anh châm ngọn đèn hoa kỳ sắp cạn dầu trên bàn thờ và giật mình bủn rủn chân tay khi nhìn thấy một mảnh giấy đã úa vàng với những dòng chữ to, xiêu vẹo và đầy lỗi chính tả của mẹ để chặn dưới chân đèn.
“Con trai yêu dấu của mẹ!”...
Đầu rũ gục xuống, anh cứ ngồi im như vậy, bất động, tê tái như thể chính căn nhà tranh xiêu vẹo đang chìm dần vào bóng tối này bỗng biến thành tầng đầu của địa ngục.
Mẹ cầu xin anh tha lỗi và thú nhận: Ông hàng xóm chính là cha đẻ của anh.
Đêm hôm đó, anh phóng hỏa ngôi nhà và cất bước lên đường lang thang phiêu bạt, vừa kiếm sống vừa tìm tung tích của mẹ.
Vũ Tuấn Hoàng
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)