29/7/11

Thỉnh thoảng thấy cuộc đời này thi vị


Đọc sách

LÊ THIẾU NHƠN

Về nghề báo, chắc không cần giới thiệu nhiều, ai cũng biết Huỳnh Dũng Nhân là một cây bút phóng sự trứ danh suốt thập niên 90 của thế kỷ trước. Đến hôm nay, những phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân được in lại thành các tập sách “Ăn Tết trong rừng chó sói”, “Ký sự xuyên Việt”, “Tôi đi bán tôi” đều vẫn còn sức chịu đựng với thời gian khắc nghiệt. Phương pháp Huỳnh Dũng Nhân ứng dụng văn chương vào báo chí, đã chứng tỏ được hiệu quả nhất định. Thế nhưng, Huỳnh Dũng Nhân vừa in một tập thơ “Dã quỳ tím” do NXB Trẻ ấn hành, khiến không ít người ngạc nhiên.

Huỳnh Dũng Nhân thừa hiểu có thể thơ mình sẽ gây… sốc cho độc giả, nên chân thành tự thú: “Có người khi đọc thơ tôi, bảo là thơ tôi hiền lành, đèm đẹp. Có người khi đọc thơ tôi, bảo: không biết tôi làm thơ tự lúc nào. Có người lại nói tôi làm báo, viết phóng sự, viết văn, đi dạy, thì ai cũng biết, nhưng làm thơ thì mới thấy, còn lạ lắm. Lại có người la ầm lên hoặc cười đầy bí hiểm: Ông mà cũng làm thơ à? Vì những lẽ đó mà tôi muốn in tập thơ này”

“Dã quỳ tím” ngót nghét 100 trang, như một cuộc tổng kết nho nhỏ cho hành trình hơn 30 năm “thỉnh thoảng thấy cuộc đời này thi vị” của Huỳnh Dũng Nhân. Sự thi vị ấy bắt đầu từ ánh mắt quan sát cảnh vật “phố tôi nằm nghiêng/ và mặt trời đi qua không mệt” đến thái độ thảng thốt riêng tư “muôn lần đến vạn lần đi/ buồn như bóng nắng mỗi khi xế chiều/ bây giờ gần cạn tuổi yêu/ tôi thắp ký ức trong veo nhớ tình”. Còn hành trình ấy cho thấy một gã đàn ông cũng hơi lãng mạn “viên gạch cũ mòn chân ngàn lữ khách/ lá cỏ nào từng in dấu em qua”, cũng hơi đa đoan “rồi mình xa hai đứa hai miền/ gửi lời thơ nhờ mặt trăng giữ hộ/ hoa lim bay cho lòng bớt nhớ”, cũng hơi dan díu “đêm chia tay trong vườn cây gió lặng/ sóng ở đâu cứ dào dạt trong lòng” và lắm phen cũng hơi lụy tình “chẳng ai gọi bỗng cứ ơi một tiếng/ ngoảnh lại buồn chẳng thấy em đâu/ chỉ thấy tách trà cô đơn khung cửa/ hương thơm bay quyện mây trắng ngang đầu”

Thơ Huỳnh Dũng Nhân tuân thủ vần điệu truyền thống. Trái tim “người cũng đã heo may” có những nhịp đập khá tinh tế, và bật ra những câu thơ thi sĩ đích thực, như “đốt lên đống lửa phiêu diêu/ muôn tàn lửa cháy bấy nhiêu môi hồng” hoặc như “khăn phiêu mời một dải sông/ giao duyên Cò Mị rượu nồng giọt khuya”. Tuy nhiên, thế mạnh của một nhà báo biết làm thơ và chịu làm thơ, không hẳn nằm hoàn toàn ở phút giây bất chợt trưa mây trắng hay khoảnh khắc lỡ làng chiều sương giăng. Trong một xã hội biến chuyển không ngừng, những người trực tiếp sống giữa dòng chảy thời cuộc như Huỳnh Dũng Nhân dễ dàng nghe được những dư chấn của tâm hồn con người. Và Huỳnh Dũng Nhân đã thực sự nhập hứng “có một kẻ đứng dang tay giữa phố/ mắt nhắm nghiền để nhớ những yêu thương/ những cay đắng và trò đời vụn vặt/ trời xanh nào thổi hết ưu phiền”.

Vì nhận ra “rất nhiều hoa đẹp ở những nơi cộc cằn”, Huỳnh Dũng Nhân có được những câu thơ lay động kẻ tri âm. Đó là trách nhiệm trước mất mát của bản thân để “Viết cho con” thành thật “một chữ ký chia ly là mẹ cha có lỗi/ khi buông tay con bơi giữa dòng đời/ quãng đường mới rồi có khi bớt lạ/ vẫn nhớ nhà thương con lắm con ơi”. Đó là trách nhiệm trước tổn thương của cộng đồng để thắp lên “Ngọn nến” trắc ẩn “Vĩnh Long, Cần Thơ/ mai này ai đi qua chiếc cầu này/ sẽ thấy cây cầu vắt ngang sông lừng lững/ có nhớ các anh chôn tuổi trẻ dưới dầm cầu nhịp 14,15/ tôi thắp lên ngọn nến… tôi thắp lên ngọn nến/ bất lực nhìn ngòi bút của mình/ không viết được gì/ khi máu chảy xuống dòng sông”.

Trong 50 bài thơ của “Dã quỳ tím”, bài thơ dài nhất cũng là bài thơ mang dấu vết Huỳnh Dũng Nhân rõ nhất có tên gọi “Gửi Hà Nội ngàn năm của tôi”. Bài thơ khoảng 1200 chữ, nếu trải ra kiểu văn xuôi thì trở thành một tản văn trữ tình và sắc sảo về mảnh đất Thăng Long nhân dịp đại lễ. Chất thơ và chất báo cùng hiện diện bằng nét chấm phá sinh động “tìm mãi Hà Nội mà chỉ thấy đèn hoa/ Cụ Rùa suy tư gì dưới đáy hồ chói lòa đèn giữa mùa mưa mà thiếu điện” và băn khoăn không dễ lý giải “nhà nhà vút cao bê tông lạnh lùng chữ tây tàu xa lạ/ cô gái phố cổ xinh như hoa nhưng lạnh ngắt nụ cười/ hay Hà Nội chỉ còn đẹp hoài niệm thôi” để rồi lắng lại thổn thức “tôi thật lòng không muốn chia sẻ với em một Hà Nội của tôi/ khi Phủ Tây Hồ giờ bán buôn cũng theo qui hoạch/ ông đồ chữ nho ngồi chìm sau những hàng bún ốc/ những tờ bạc vẫn phải trả cho sự ngơ ngẩn phố phường”.

Khi chứng kiến trên xứ sở mình vẫn còn nơi nọ nơi kia khốn khó và bất hạnh bủa vây, Huỳnh Dũng Nhân viết được một câu thơ thú vị “cánh rừng nhờ truyền thuyết khỏi vô danh”. Nhại theo cách nói ấy, để kết luận về “Dã quỳ tím” rằng: chữ nghĩa nhờ rung cảm đã thành thơ!

Sài Gòn, 7-2011
LTN

-----

Chuyên mục: Dã quỳ tím & những tri âm - Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh:
19.7.2011-12:30

Một cái “tôi” khát cháy!

PHAN TÙNG SƠN

“Tựa đề của tập thơ “Dã quỳ tím” như là một phép ẩn dụ của ngôn từ để khẳng định cái lõi thuỷ chung nằm trong cái vỏ ngỡ như hoang dã, vô phương kiểm soát”.

Mỗi tác giả đều có một duyên cớ đến với thơ. Và dường như cái cớ để Huỳnh Dũng Nhân đến với thơ là... không có cớ gì cả. “Sự vô cớ nào lại sáng suốt đâu em” (Hoa lim tháng sáu). Sự vô cớ bao trùm lên cái cớ có chủ định, sự sáng suốt của lý trí giấu sau nỗi trào dâng khát khao vượt khỏi tầm kiểm soát của cảm xúc “Được thở dập dồn trong cơn khát cháy”... đã làm nên cái “tôi” Huỳnh Dũng Nhân trong thơ - một cái “tôi” khát cháy.

Từng được coi là cây phóng sự số một của làng báo Việt Nam ở thập niên tám mươi, chín mươi, thế kỷ hai mươi; nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã tạo nên một bước ngoặt, mang phong cách đặc trưng trong tiến trình phát triển, đổi mới phóng sự báo chí. Cho đến bây giờ, dù phóng sự báo chí đương đại đã có những cách tân, tiếp biến về hình thức theo xu hướng mới, nhưng phong cách “văn trong báo, báo chứa văn” của Huỳnh Dũng Nhân thì vẫn nguyên giá trị.

Bây giờ, Huỳnh Dũng Nhân ít viết báo. Anh chuyển sang làm quản lý, giảng dạy (hiện anh là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh, Tổng Biên tập tạp chí Nghề báo, giảng viên bộ môn phóng sự báo chí của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Bạn đọc, đồng nghiệp dễ dàng nhận ra sự liên kết, giao hòa của một Huỳnh Dũng Nhân phóng sự với một Huỳnh Dũng Nhân thơ, khi đọc “Dã quỳ tím”. “Thứ đơn giản nhất mà khó nhất/ Tôi đi tìm tôi” (Tuyên ngôn). Trước đó, anh đã có tập phóng sự “Tôi đi bán tôi” gây ấn tượng mạnh trong báo giới.

Sau những lăn lộn, quăng quật bản thân vào những trang báo, Huỳnh Dũng Nhân để dành cho thơ những gì tinh tuý nhất, thăng hoa nhất của một quãng đời xông xáo và sự góp nhặt, trải nghiệm của nghiệp báo. Và vì thế, thơ đến với anh như một lẽ tự nhiên.

Vẫn là những đề tài quen thuộc: con đường, góc phố, màu hoa, làn gió heo may, cơn mưa phùn, giá lạnh mùa đông... hay người thân, bè bạn, mối tình đầu, ký ức tuổi hoa...vv, như đã từng xuất hiện trong các tác phẩm báo chí của anh trước đây, nhưng những hình ảnh ấy khi vào thơ chỉ là cái cớ, là phương tiện để anh vin vào đó mà chiêm nghiệm, mà biểu đạt cảm xúc bằng một cái “tôi” khó lẫn. “Cánh đồng cằn khát nửa cơn mưa/ Ta xoè tay hứng một trời thơ bé” (Gửi heo may).

Dù đôi khi cũng muốn bung phá và nổi loạn “Một mình một mâm tôi uống tôi” (Không còn ai trên núi), “Em là sư tử hay ta là sư tử/ Ta bị ảo giác tràn ngập mưa phùn” (Mưa phùn)..., nhưng Huỳnh Dũng Nhân là người hướng nội. Thơ anh không cầu kỳ về ngôn ngữ, không ma mị về ý tưởng. Nhưng như thế không có nghĩa là anh cũ. Anh chủ trương làm mới thơ bằng cảm xúc, bằng chiều sâu tâm trạng với một kiểu triết luận đa chiều, chứ không “lòe” bạn đọc bằng hình thức biểu hiện.

Với “Dã quỳ tím”, Huỳnh Dũng Nhân đã bộc lộ một khao khát cháy bỏng với thơ. Mừng cho anh là cánh diều khát cháy ấy vẫn được níu giữ bởi sợi dây của sự điềm tĩnh, để không “một khắc bay lên rồi chúi xuống”. Tựa đề của tập thơ “Dã quỳ tím” như là một phép ẩn dụ của ngôn từ để khẳng định cái lõi thuỷ chung nằm trong cái vỏ ngỡ như hoang dã, vô phương kiểm soát. “Tôi. Đầu, mình, tay chân. Quần áo/ Đứng nhờ lực hút trái đất/ Cố gắng dặn mình đứng thẳng” (Tuyên ngôn).

Ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, với Huỳnh Dũng Nhân, thơ cũng như là sống vậy!

PTS

-----

Thể thao & Văn hóa:
Thứ Ba, 12/07/2011 12:51

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trở thành… nhà thơ trẻ


(TT&VH) - Ở ta có diễn viên xiếc - hài - ảo thuật Mạc Can (sinh năm 1945) đến gần cuối đời bỗng dưng trở thành “nhà văn trẻ”. Mới đây, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (sinh năm 1955) cũng bỗng dưng trở thành “nhà thơ trẻ” khi ra mắt tập thơ đầu tiên: Dã quỳ tím…

“Nhà thơ trẻ” Huỳnh Dũng Nhân
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mới in tập thơ mang tên Dã quỳ tím (NXB Trẻ) khi đang ở tuổi 56. Ông tặng thơ và nói vui với bạn bè: “Tôi xin tặng thơ của nhà thơ trẻ Huỳnh Dũng Nhân”. Sở dĩ ông nói mình là “nhà thơ trẻ” vì nhiều người biết đến Huỳnh Dũng Nhân như một nhà báo kỳ cựu. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM kiêm Tổng Biên tập tạp chí Nghề báo và là giảng viên thính giảng môn Phóng sự ở khoa Báo chí và Truyền thông - ĐH KHXH&NV, TP.HCM.

Đến nay, Huỳnh Dũng Nhân đã trình làng khoảng 15 đầu sách văn học, phóng sự, tản văn, giáo trình nghiệp vụ môn phóng sự và nhận khoảng 20 giải thưởng văn học, báo chí. Nhưng in một tập thơ như Dã quỳ tím là việc đầu tiên trong đời của “nhà thơ trẻ” 56 tuổi này.

Huỳnh Dũng Nhân “tự thú” về việc “in thơ”: “Có người khi đọc thơ tôi, bảo là thơ tôi hiền lành, đèm đẹp. Có người khi đọc thơ tôi bảo: Không biết tôi làm thơ tự lúc nào. Có người lại nói tôi làm báo, viết phóng sự, viết văn, đi dạy... thì ai cũng biết, nhưng làm thơ thì mới thấy, còn lạ lắm. Lại có người la ầm lên hoặc cười đầy bí hiểm: Ông mà cũng làm thơ à? Vì những lẽ đó mà tôi muốn in tập thơ này”.

Còn đây là “tự thú” về việc “mần thơ”: “Tôi chả biết nói thế nào về thơ tôi cả. Chỉ biết là khi không viết được văn, không viết được báo, không vẽ được, không hát múa được, không la lên với thiên hạ rằng tôi yêu, tôi buồn, tôi nhớ, tôi thương... được, thì tôi muốn làm thơ. Thế thôi. Như một chút riêng tư. Như một chút gì để tặng mọi người. Kỷ niệm một lần được sống trên đời”. Nói thì nói thế, nhưng thơ Huỳnh Dũng Nhân qua góc nhìn của nghề báo vẫn đầy tính thời sự. Ngày 8/6/1979, Huỳnh Dũng Nhân viết về Con đường Thi Sách nằm gần sông Sài Gòn (Q.1, TP.HCM) nơi ông ở: ... Bộ đội Hải quân đi qua/AK nối dài hàng một/Tiếng còi tàu chào dõng dạc/Tất cả phố tôi đều nghe... Tiền tuyến nay thành hậu phương/Vẫn tự coi là tiền tuyến/Tiếng súng diệt quân bành trướng/Tất cả phố tôi đều nghe... Bài thơ Gửi Hà Nội ngàn năm của tôi viết năm 2010 là bài dài nhất với nhiều nỗi niềm nhất trong Dã quỳ tím: Thế là tôi cũng có lúc lang thang vào cái ngày Hà Nội ngàn năm tuổi/Không nắng không mưa không kỷ niệm đong đầy/Tôi chỉ có tôi những ngày ngơ ngác cũ/Cứ thương mình sao đơn chiếc nơi đây.../Thương miền Trung mùa này trắng xóa dưới cánh bay/Lật đò, trôi xe, tắc đường, mất tích/Em gái miền Trung vẫn vọng nhìn Thủ đô với yêu thương tha thiết/Hà Nội mùa này đẹp lắm phải không?

Với sinh viên khoa Báo chí, Huỳnh Dũng Nhân là một “ông thầy” nghệ sĩ và giỏi nghề. Với nghề báo, Huỳnh Dũng Nhân đã chứng minh năng lực qua hàng chục năm cầm bút. Còn với thơ, “nhà thơ trẻ” Huỳnh Dũng Nhân có... biết làm thơ không? Câu hỏi này xin dành cho bạn đọc.

Hoàng Nhân

-----

Thanh Niên Online:
22/07/2011 16:22

Nhà báo già thành nhà thơ trẻ

Trong làng báo TP.HCM, cái tên Huỳnh Dũng Nhân vốn quá quen thuộc, bởi anh vừa là Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM vừa là Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo, nhưng trong làng thơ thì tên anh... lạ hoắc!

Cho nên khi NXB Trẻ tung ra tập thơ Dã quỳ tím của Huỳnh Dũng Nhân, nhiều người tò mò không biết ông này có… làm báo trên thơ không? Thì đây: “Anh có nói gì đâu/Mà mắt em cứ như đầy ý hỏi/Mà môi em cứ thì thầm bối rối/Anh có nói gì đâu... Anh đi cửa trước/Em trốn cửa sau/Nhưng đôi mắt vẫn gặp nhau vồi vội/Điều rất đẹp vẫn là điều chưa nói/Bởi nói ra sợ chẳng đủ ý lời...” (Một chút riêng tư) - nghe... xao xuyến quá đi chứ! Tên tập thơ là Dã quỳ tím nhưng giở ra thì thấy đủ thứ hoa: hoa ban, hoa sen, hoa lim rồi... môi hoa và trà hoa - chứng tỏ ông cũng rất “thất thường” như lời thơ tự thú: “Tôi. Vui buồn thất thường tùy bản tin buổi sáng/Lo âu thiên tai/Sợ mất lòng người khác/Sợ vi phạm giao thông/Sợ cả tổ dân phố/Đôi khi tôi sợ tôi/Một thằng người bé nhỏ…”(Tuyên ngôn). Xin chúc mừng “nhà thơ trẻ”!
H.Đ.N

-----

SGGP Online - Thơ:
Thứ ba, 19/07/2011, 23:35 (GMT+7)

Tập thơ "Lãng mạn một dã quỳ tím"

Dã quỳ là một loài cúc dại mọc hoang dã trên vùng cao nguyên. Mỏng manh cánh nhỏ chập chờn trong gió buốt, trong nắng lạnh như bướm vẫy lượn giữa mây ngàn khiến người lãng du gợn lòng khắc khoải.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Dã quỳ với màu vàng kiêu sa khiến người ngây ngất mặc dù mùi hương của hoa chưa thấy ai ngưỡng mộ bao giờ!
Nhưng với Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, dã quỳ không vàng mà lại… tím!
Có gì đó ẩn trong màu chung thủy này?
Có phải đó là nỗi nhớ về một con đường, mà nơi ấy đêm xuống thù thì lá me
ánh trăng phơi vàng dưới đất…
Về một con dốc, mà nơi ấy cắt ngang lưng chừng cửa rộng
cả rặng cây cùng chạy nghiêng…
Về một Hà Nội xa, mà ở đó đường nhỏ lắm đi một mình thôi
có ai chờ ai phía trước không…
Hà Nội giăng giăng mưa
… cây sấu chưa hoa, hoa sữa chưa hương
…thời gian đi một chiều rồi hết…
Về một vùng biển thênh thang là nơi bao người khách dừng mua kỷ niệm
dù không chọn thời gian cho nỗi nhớ
ta vẫn dành khoảnh khắc ấy cho nhau…
Lời tự thú đầu tiên của Huỳnh Dũng Nhân như một sự rào đón dư luận (tôi chả biết nói thế nào về thơ tôi cả, vì nó như một chút riêng tư, một chút gì để tặng người…/ có người bảo thơ tôi hiền lành, đèm đẹp…).
Nhưng khi đọc xong tập thơ “Dã quỳ tím” của anh, với tôi, thơ Huỳnh Dũng Nhân lãng mạn, là tiếng nói trong veo của cảm xúc thật thà, đôi khi câu thơ bất chợt làm người đọc nghẹn vô cớ.
Với “Dã quỳ tím”, đây như một nhật ký bằng thơ của Huỳnh Dũng Nhân, bởi nó ghi lại chuyện xa, chuyện gần, chuyện mới lần đầu yêu và cả chuyện say để nhìn hoa dã quỳ vàng chuyển tím. Bởi nó ghi lại từng địa danh, vùng đất anh đã đi qua: Hà Nội, Điện Biên, Sa Pa, Đại Lải, Đà Lạt, Trị An, Đắc Nông, Dầu Tiếng, Vũng Tàu, Bến Tre… Bởi nó là giọt nước mắt trào ngược vào trong của một người cha khi chưa quen với số nhà mới…
P.N.Thường Đoan

TTST BND: Mời xem lại Kỳ 1 "Dã quỳ tím & những tri âm"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét