8/1/11

Trại sơ tán, ký ức một thời


TTST BND giới thiệu loạt bài sưu tầm từ VNKATONÁK FORUMS. Cũng là câu chuyện những đứa trẻ xa gia đình, đi sơ tán thời chiến tranh, rất gần gũi với hội TTST BND của chúng ta.


Để tiện theo dõi, dưới đây liệt kê tiêu đề bài viết (do tác giả đặt) theo thứ tự, sau mỗi tiêu đề là một câu chuyện:

. Trại sơ tán Ba Vì
. Đình Chu Quyến
. Đi Cao Bằng
. Làng Hạ Lôi
. Làng Thanh Phần
. Làng Minh Nghĩa
. Một chuyến đi
. Về lại chốn xưa


Tác giả: PhanHong

gửi: 22.12.2005    Tiêu đề: Trại sơ tán Ba Vì

Chúng tôi "sinh sau đẻ muộn", nên mặc dù "đội lốt" chiến sĩ quân đội sang Hung-ga-ri học tập, song chưa một ngày cầm súng trực tiếp chiến đấu, thậm chí, không biết đường mòn Trường Sơn gian khổ như thế nào. (như bác khanhque đã tận mắt chứng kiến) 

Nhân dịp 22-12, hưởng ứng sự kêu gọi của bác Sơn Hải, tôi xin phép post lên một bài viết về thời kỳ sơ tán trong chiến tranh phá hoại. Thời ký này, chúng tôi còn bé tí, các ông bố của chúng tôi là các cựu sĩ quan QĐNDVN đang mải miết trên các nẻo chiến trường. Vì thế, chúng tôi được "thơm lây". Có người bảo, trong chiến thắng của toàn dân tộc, có cả sự đóng góp nhỏ bé của những Trại sơ tán của chúng tôi, do Bộ Tổng tham mưu tổ chức, đã làm yên lòng phần nào các ông bố quân nhân đang lăn lộn trên mặt trận B, C, K (miền Nam, Lào, Căm-pu-chia). 

Thiết nghĩ, mình cũng đã được quân đội giáo dục, rèn luyện từ thuở còn thơ.
 

Trại sơ tán Ba Vì 

Trại sơ tán đặt tại cơ sở của một nông trường quân đội nằm ở chân núi Tản Viên, còn gọi là núi Vua Bà, trên một quả đồi lúp xúp các bụi sim, mua. Nhà ở dựng ngay sườn đồi, vách đất, lợp lá, cửa sổ đan liếp, có cánh cửa chống lên chống xuống bằng một que tre nhỏ, chứ không mở ra mở vào hai cánh, như ở Hà Nội. Hố xí, thực chất là một hố đào, cách nhà không xa, bố trí ở chỗ ngược chiều gió. Mỗi khi đi xong, phải xúc một xẻng tro và đất rải lên để tránh ruồi nhặng. Xung quanh nhà ở có hàng rào bằng nứa, cao chừng 1,2m. 

Chúng tôi được biên chế thành trung đội, tiểu đội và rèn luyện theo kỷ luật quân đội. 5 giờ sáng đã dậy tập thể dục theo đội hình 9-6-3-0. Có chào cờ, hát quốc ca, tập đội ngũ (quay phải, quay trái, đi đều, tập hợp theo những đội hình hàng ngang, hàng dọc...). Có kiểm tra nội vụ. Chăn màn phải gấp vuông vắn như chiếc bánh chưng. Ba lô, đồ đạc, bát đũa, khăn mặt... (gọi chung là quân trang), phải sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Có giờ đọc báo, nghe tin tức qua đài. Và cả kiểm điểm tổ ba người nữa. 

Tôi còn nhớ chú phụ trách tên là chú Thông. Chú vốn là cán bộ của C59 (Cục Quản lý giáo dục), chuyên phụ trách thiếu niên nhi đồng ở các khu tập thể của Bộ Tổng Tham mưu. Tính chú nghiêm, song cũng rất vui. Tiết mục tủ của chú là “Lỳ và Sáo”. Khi biểu diễn, chú không chỉ hát mà còn độc diễn lại các nhân vật trong bài hát : lúc thì là cậu bé Lỳ lầm lì đi, đi theo sau bác Lỳ, lúc thì là thằng cu Sáo thích chơi diều, lúc thì là thằng quan Tây đeo súng lục đi bắt gà bị trúng lựu đạn của Lỳ, chết răng còn nhe, lúc thì đóng giả bác nông dân Lỳ nghiêm khắc, có dáng đi còng còng... Chú biết chơi đàn gió (đàn ắc-coóc-đê-ông). Chú còn tổ chức một đội trống, luyện tập rất say sưa. Đỗ Bình to cao đánh trống cái, Khánh Bảo bé nhỏ được phân công đeo trống con. 

Nhớ ngày bố mẹ lên thăm, xe ca đỗ tít dưới chân đồi. Chú Thông tập hợp toàn trung đội trên sân đất, đội trống dàn phía trước. Khi bố mẹ lên tới nơi, chú Thông hô: ”Nghiêm, chúc bố mẹ khoẻ !”, chúng tôi hô theo “Khoẻ !”. Đội trống trình diễn 2 bài : bài Chào cờ và bài Nhịp đi. Chú Thông cho toàn trung đội tập hợp, điểm danh, quay trái quay phải, báo cáo chỉ huy rất quy củ. Sau đó, chú bắt nhịp :”Vừng đông đã hửng sáng... hai, ba”. Cả trung đội nghiêm trang hát bài quân ca Tiến bước dưới quân kỳ. Đến khi chú vừa ra lệnh :”Toàn trung đội, nghỉ !” thì cả hai khối người ùa ra, hoà tan vào nhau, mừng mừng tủi tủi. Những bạn nào không có bố mẹ lên thăm vội lảng ra nơi khác hoặc về giường của mình ngồi, mắt đỏ hoe. 

Ăn uống ở trại sơ tán kham khổ hơn so với ở nhà. Thường ăn cơm gạo đỏ, có mùi hôi, thức ăn có cá khô và bí đỏ. Sáng nào được ăn cơm chan với nước mắm nấu với hành phi mỡ là quá sang, còn thì ăn ngô bung, sắn luộc. 

Ở dưới chân đồi có một kho gạo của nông trường, do một bác bộ đội già trông coi. Bác thủ kho thường lấy gạo ra để bẫy chuột đồng. Bẫy được, bác chặt đầu chặt chân, lột da, bỏ hết gan ruột, chỉ lấy cái mình đem rim với mắm muối trong một cái xoong nhôm nhỏ xíu. Lần đầu tiên, tôi được nếm thịt chuột và thấy ngon chả kém gì thịt gà. 

Những buổi chiều mát, chúng tôi hay ra ngồi ở sườn đồi, ngay trên bãi cỏ may, hóng gió và xem những đám mây trên trời tạo nên những hình thù kỳ thú. Xa xa là dãy Tam Đảo, làm chúng tôi nhớ đến câu thơ : 

Nhất cao là núi Ba Vì, 
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Tản Viên
. 

Một lần, vào lúc sẩm tối, các chị lớp trên hét thất thanh, hộc tốc chạy về báo với chú Thông là đang đi thì suýt nữa giẫm phải rắn. Chú Thông cùng mấy anh lớp trên cầm gậy chạy ra, đánh được con rắn ráo, dài gần 2 mét. Hôm sau, cả trại được liên hoan món chả rắn băm viên. 

Một lần khác, chúng tôi đứng ở phía dưới đồi nhìn lên lưng chừng đồi, phát hiện ra một chiếc hang đất đỏ lở lói nham nhở. Thì ra đó là hang của con tê tê. Dân địa phương nghe tin, mang cuốc xẻng, xà beng, chó săn và cả nùn rơm ra để hun, nhưng nó đào rất nhanh và sâu vào bên trong lòng quả đồi. Mãi sau thì cũng bắt được cu cậu. Lúc ấy, tôi mới biết thế nào là con tê tê. 

Chúng tôi đi học ở trường cấp 1 cách trại sơ tán khoảng chừng 2km. Trại sơ tán thì thuộc địa phận Hà Tây, còn trường học lại thuộc tỉnh Hoà Bình. Phải đi qua một con suối nhỏ, qua hai bản Mường, qua tiếp một con suối nữa, qua một cái dốc, mới tới trường. Bản Mường chỉ gồm độ mươi ngôi nhà sàn. Bà con dân tộc sống rất mất vệ sinh : dưới gầm nhà sàn, trên đường đi, đâu đâu cũng có phân trâu bò, mùi bốc lên nồng nặc. Con đường đất đỏ qua bản khá rộng, ô tô vận tải đi được, nhưng cũng vì thế mà con đường bị cày nát bét, đọng nhiều vũng bùn, vết chân trâu bò và cứt trâu. 

Trường học bao gồm 3 dãy nhà lá, ôm lấy một cái sân đất rộng, theo kiểu hình chữ “U”. Cô giáo tên là Hà thì phải. 

Hồi đó, báo chí đăng rất nhiều tin tức về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, song do còn nhiều hạn chế về thông tin nên phải cải chính tên anh hai lần. Thời gian đầu đăng là Trôi, sau sửa thành Trổi, mãi sau này mới đăng đúng là Trỗi (báo Nhân Dân hẳn hoi). Giờ ra chơi ở trường, chúng tôi thường chơi trò diễn cảnh đưa anh Trỗi ra pháp trường. Phân vai cho nhau, người thì đóng lính nguỵ, người đóng linh mục, người đóng cố vấn Mỹ, người đóng anh Trỗi... Trong khi chơi hay đọc bài thơ Sống như anh của Tố Hữu. Đọc đến câu thơ : 

Nguyễn Văn Trôi 
Anh đã chết rồi 
Anh còn sống mãi...
 

thì chúng tôi không làm sao đổi “Trôi” thành “Trỗi” được, vì bị lạc vần. 
Một trò chơi bổ ích và lý thú đối với lứa tuổi thiếu niên chúng tôi, lại mang yếu tố quân sự, là trò chơi mật mã. Chúng tôi phải học thuộc lòng bảng chữ cái ABC theo bảng mã Moóc-xơ. Ký hiệu tè là dấu trừ “–“, tạch là dấu chấm “.”. Tín hiệu “S.O.S” sẽ là “– – – , . . . , – – –“. Vào cuộc chơi, hai đội đều nhận được hai lá thư viết bằng mật mã và phải nhanh chóng giải mã để thực hiện một nhiệm vụ nào đó, như kiểu “Bạn hãy đi ra sau nhà và lấy một vật đựng trong cái hộp gỗ để ở gần hàng rào”. Rồi lại phải cùng chú ý theo dõi một bạn đứng trên mô đất cao, phất lá cờ đỏ ra ám hiệu : tạch là phất ngang, tè là phất dọc. Lại phải giải mã tín hiệu đó để thực hiện nhiệm vụ thứ hai “Bạn hãy chạy lên đỉnh đồi thật nhanh và cắm một lá cờ vào cạnh tảng đá to nhất. Tuy nhiên, nếu đội của bạn cử người chạy trước khi có tín hiệu, coi như bị trừ điểm”. Đội nào vội vàng, nhanh nhảu đoảng, hẳn sẽ bị thua. 

Tất cả những quy tắc của trò chơi mật mã đều có trong quyển “Sổ tay Đội viên thiếu niên tiền phong” của chú Thông. Sách còn hướng dẫn đầy đủ cách buộc các kiểu thắt nút, cách dựng lều cắm trại... rất thú vị. 

Trong trại, chúng tôi học cách vót đũa tre. Sau khi vót, đã biết lấy xơ tre đánh cho nhẵn, thậm chí còn biết dùng lá chuối khô vuốt cho bóng. Chú Thông còn dạy chúng tôi làm ống đựng đũa, thuốc đánh răng và bàn chải từ những ống nứa nhỏ. Chú còn dạy cả cách bện mũ rơm. 

Năm 1965, máy bay Mỹ thỉnh thoảng mới xuất hiện trên bầu trời, nhưng chúng tôi thật ngạc nhiên vì mỗi khi nghe tiếng động cơ chói tai thì máy bay đã vút qua từ lúc nào. Những chiếc máy bay bay tít trên cao, cánh phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp loá, không thấy chúng bổ nhào ném bom gì cả. Tuy vậy, chúng tôi vẫn phải xuống hầm trú ẩn, đề phòng máy bay vòng trở lại. 

Một buổi chiều, chúng tôi nhận được lệnh chuẩn bị gói ghém đồ đạc di chuyển đến địa điểm mới. 

Có lẽ, cấp trên e ngại cho chúng tôi vì máy bay Mỹ từ các căn cứ U-ta-pao và Cò-rạt (Thái Lan) mỗi khi bay vào Hà Nội đều bay qua hành lang này. 
Năm ấy, chúng tôi vừa tròn 8 tuổi.


gửi: 23.12.2005    Tiêu đề: Trại sơ tán ở Chu Quyến và Cao Bằng

Đình Chu Quyến 

Chiếc xe ca cũ kỹ lầm lũi chở chúng tôi đi trong đêm. Đường quá xấu, xóc kinh khủng, chiếc xe phải bò từng mét một. Đến 10 giờ đêm thì chúng tôi đến đình Chu Quyến (Hà Tây). Đình có mái đao cong vút, có hàng cột gỗ to đùng sơn son, trông thật uy nghiêm. Như đã hẹn từ trước, một vài cán bộ thôn hay xã gì đó đã đứng đợi chúng tôi. Đình không có đủ chỗ, nên chỉ có một số người trong chúng tôi sẽ nghỉ lại đình, còn một số khác theo mấy bác cán bộ thôn vào nghỉ nhờ nhà dân. Chúng tôi được dặn dò kỹ lưỡng : không được gây ồn ào hay cười đùa, không được quay chân về phía các bệ thờ. Đêm, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp, lại lạ nhà, tất cả cứ thao thức không tài nào ngủ được. Ở Chu Quyến khoảng non một tháng thì chúng tôi được về Hà Nội để chuẩn bị đi Cao Bằng. 

Vẫn còn đó trong tôi cái cảm giác nôn nao khó tả của một người con đi xa Hà Nội, có dịp trở lại thành phố thân yêu của mình. Khi ô tô bắt đầu vào đến ngoại thành, chúng tôi hát đồng ca cả ô tô hết bài này đến bài khác. Đèn điện sáng, người đi lại nườm nượp, những ngôi nhà, vỉa hè, hàng cây xanh... tất cả thật thân quen. Và cái ý nghĩ, chỉ trong chốc lát, sẽ được gặp bố mẹ, người thân, làm cho tất cả chúng tôi quên đi mệt mỏi. Ai cũng khoẻ ra, nhanh nhẹn hẳn lên. Ánh mắt ai cũng sáng ngời. 


Đi Cao Bằng 

Hôm đi Cao Bằng, tôi nhớ là tập trung tại khu tập thể 1A Hoàng Văn Thụ (nay là khu Hoàng thành, đang được bao kín lại, chuẩn bị làm Khu trưng bày di tích ngoài trời)). Tập trung vào sáng sớm, khoảng 4-5 giờ sáng. Chú phụ trách đứng ở cửa xe ca, đọc đến tên ai thì người đó mang ba lô lên xe. Rất đông người, cả người đi và người tiễn. Đi 6 xe cả thảy. Cô Loan C50 (Cục cán bộ) làm trưởng đoàn, nghe đâu quê cô ở Cao Bằng. Cô mặc quân phục, đeo cả quân hàm, đi một chiếc xe com-măng-ca dẫn đầu đoàn quân, trông rất oai. (Mãi sau này, lớn lên tôi mới biết cô là vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái). Chúng tôi được giới thiệu : các chú lái xe đều thuộc loại kỳ cựu, đã từng lái xe trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng tôi đi qua Lạng Sơn thì xuống nghỉ tạm tại một hội trường rộng. Sau một quãng đường dài, mọi người lấy chiếu cá nhân của mình ra nằm nghỉ ngơi ngay trên nền nhà xi măng. Khoảng một tiếng sau thì các cô chú phụ trách báo đi ăn cháo gà. Đến sẩm tối, chúng tôi bắt đầu hành quân theo đường số 4. Vì sợ máy bay ném bom, lái xe phải đi bằng đèn gầm. Đường đèo, xe chạy chậm, giãn cách nhau 30-40 mét, chứ không bám sát nhau. Tôi nhớ đêm đó có trăng. Khi lên đến đỉnh đèo, đoàn xe dừng lại để nghỉ cho xe đỡ nóng máy và tiếp nước cho xe. Cô Loan đã chu đáo liên hệ từ trước. Chúng tôi thấy bà con dân tộc mang mấy gùi xôi còn nóng hổi ra tận đường nhựa tiếp tế cho chúng tôi. Chúng tôi học được câu tiếng Tày đầu tiên : kin khẩu nua là ăn cơm nếp. Xe đi thông đến trưa hôm sau vì trên mỗi xe có hai chú lái xe thay nhau lái. Chúng tôi ghé vào trường cấp 3 Cao Bình (huyện Cao Bình, Cao Bằng) nghỉ ngơi. Ở đó có một sân bóng đá rộng mênh mông bỏ hoang, cỏ may mọc cao đến đầu gối, hai đầu sân có hai cầu môn bằng tre. Ai đó kiếm được một quả bóng, chúng tôi say sưa hò hét đuổi theo quả bóng, quên cả mệt nhọc. 

Đến chiều tối thì một bộ phận về Cốc Lùng. Chúng tôi ăn bữa tối và lăn ra ngủ say như chết. Sáng ra, các chú phụ trách gọi dậy đánh răng rửa mặt. Sương mù dày đặc đến nỗi cách nhau 2 mét không nhìn rõ là ai. Nước dẫn từ suối về, cách nhà chừng vài trăm mét, qua một hệ thống ống nứa bắc trên những cành cây cong queo cắm xuống đất, uốn lượn theo hình chữ chi. Nước rất lạnh, răng chúng tôi đánh lập cập. Bữa sáng ăn ngô bung. Bữa trưa ăn cơm với cà tím (có mấy bạn đỏ mặt phừng phừng cãi nhau, bảo là cà dái ngựa hay cà dái dê). 

Ban ngày, không có việc gì làm, chúng tôi hay đi bắt chuồn chuồn ở cạnh nhà. Các chú chuồn chuồn đại (còn gọi là chuồn chuồn ngô) to đùng, cắn đau điếng, có thể chảy máu tay, bị chúng tôi “tra tấn” bằng cách khoác lên người các chú một chiếc áo gi-lê bằng giấy, sau đó vặt bớt chân đi. Các chú cứ thế bay là là, lại không thể dừng, vì chẳng biết bấu víu vào đâu. Các chú chuồn chuồn kim thì nhỏ xíu, đặc biệt là có cả chuồn chuồn kim màu xanh lơ, chúng tôi chưa thấy bao giờ. Chúng tôi thuộc lòng câu ca dao : 

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa 
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm
 

nhưng chỉ có thời gian này mới có được “kiểm nghiệm thực tế”. 

Ở Cốc Lùng độ vài hôm thì có sự sắp xếp lại : các lớp lớn ở lại Cốc Lùng, các lớp bé (lớp 3 trở xuống) về Khâu Luông. 

Trại sơ tán ở Khâu Luông bố trí trên một quả đồi thấp, ven đường nhựa, cách thị trấn Nước Hai (huyện Hoà An, Cao Bằng) 2 km. Các chú bộ đội đã dựng sẵn doanh trại cho chúng tôi. Nhà mới làm xong, vách đất, lá lợp còn mới. Giường mới đóng, tre còn thơm. Chân giường là những cột tre chôn luôn xuống nền nhà. Giá đựng ba lô, bát đũa làm nhỏ lại, thấp bớt đi so với những doanh trại bộ đội thông thường. Hố xí, hố giải cũng mới tinh. Nhà nằm dưới tán mấy cây trám rừng cao vút. Đi sâu vào hơn 100 mét là rừng trúc. Cây trúc cao khoảng 3 mét, xanh mướt, lắm gai. 

Đêm dậy đi giải, chúng tôi rất sợ vì nó cứ âm u thế nào ấy. Không có những tiếng xào xạc của luỹ tre, không có tiếng dế kêu, ếch nhái ồm ộp như ở dưới đồng bằng. Dân địa phương còn kể chuyện hổ ba chân trả thù người. Thế nên, sáng ra ở hiên nhà nào cũng đầy “vết tích”. 

Chúng tôi rất nghịch. Lúc đầu, thi nhau dậy sớm để nhặt trám rụng vì cây cao quá, trèo không được. Trám nướng ăn rất bùi. Về sau, học hỏi được kinh nghiệm, từ tối hôm trước, chúng tôi lấy một chiếc đinh gỉ đóng vào gốc cây. Sáng ra, trám rụng đầy, cả quả chín lẫn quả xanh. Chúng tôi còn vào rừng chặt trúc đem về làm những con rối, rồi cho các chú hiệp sĩ này đeo kiếm (một chiếc đinh đập bẹp ra), đeo mộc (làm bằng đồng xèng), đi hài (làm bằng hai chiếc khuy), luồn dây vào, điều khiển cho các chú đánh nhau. Con rối này thì được đặt tên là Quan Công, con kia thì là Trương Phi... Thú vị nhất có lẽ là thư viện sách mà các chú phụ trách đã cất công mang theo. Sách khá nhiều, toàn sách hay. Tôi thích nhất quyển “Địa lý thế giới” và quyển “Thiên văn học” khổ to, in màu đẹp đẽ. 

Trong thư viện của trại còn có quyển “Đại đoàn Quân Tiên phong” mà chúng tôi đọc đi đọc lại bao nhiêu lần không biết chán. Là vì trong đó không chỉ kể lại chi tiết các trận đánh, chiến dịch của Đại đoàn, mà còn nhắc cả họ lẫn tên của bố một số bạn. Kiểu như :”Trung đoàn trưởng Vũ Lăng kiên quyết tấn công... tiểu đoàn trưởng Mai Xuân Tần dẫn một đại đội băng rừng cắt ngang đội hình địch... đại đội trưởng Trần Đăng Khiêm đứng nghiêm báo cáo...v.v...”. 

Ở Khâu Luông, món ăn thường xuyên là thịt trâu và su hào xào. Xu hào thái miếng to bản như thái khoai thái sắn, không theo một hình thù, kích cỡ cố định nào. Khi xào lại xào lẫn cả với lá, chúng tôi lấy làm lạ. Một bạn viết thư về cho bố mẹ khoe là được ăn thịt trâu “mỏi cả răng”, không ngờ bố mẹ lại tưởng là “thịt trâu dai quá”, có phản ảnh lại C59, nên trong một buổi họp trại, các chú phụ trách nhắc nhở chúng tôi chuyện viết thư. 

Lại nói về chuyện viết thư. Thời gian đó là nghỉ hè. Khác với hồi chúng tôi ở Ba Vì, ở đây quân số quá đông nên thời gian đầu, các chú phụ trách quản không xuể. Một số bạn “hư” thì hay tự do trốn đi chơi, một số bạn rỗi rãi, nhớ nhà (nhất là các bạn nữ) nên hay viết thư. “Bệnh” viết thư lan tràn ra cả trại. Các lá thư thường mở đầu bằng câu “Bố mẹ kính mến” và tiếp theo điệp khúc “Bố mẹ mua cho con...”. Có lá thư, đếm được 99 câu “Bố mẹ mua cho con...”. 

Chúng tôi còn đi “thám hiểm” xung quanh. Cách trại 2-3 cây số, có những rừng ổi, rừng bưởi tự nhiên rộng mênh mông, đi một buổi không hết. Đến bữa ăn trưa mà không thấy mặt bạn nào đó (như Hiếu Liêm và Đăng Thảo) thì đích thị các bạn đó đã trốn đi “thám hiểm” rồi. Có những bạn ăn nhiều ổi và sim quá, không tiêu được, phát khóc. Có lần, chúng tôi hái được những quả chuối rừng to bằng bắp chân, hoặc được các bạn dân tộc rủ về nhà chơi, tặng luôn cho cả quả mít. Tất nhiên, “tặng” bằng cách trèo lên cây, dùng chân đạp vào quả mít chín. Quả mít rơi xuống đất, vỡ tung ra, cứ thế bóc múi ăn, chả phải mất công bổ gì cả. Phong trào học tiếng Tày-Nùng nở rộ. Bạn Hiếu Liêm chơi với các bạn dân tộc nên học được nhiều nhất, thường dạy lại chúng tôi, kể cả dạy chửi bậy. 

Chúng tôi khám phá ra gần trại có một con suối, thường ra đó tắm giặt. Nước suối mát lạnh và đặc biệt, khi giặt quần áo, xà phòng rất khó tan. Đồng bào dân tộc chỉ cho chúng tôi quả găng để giặt thay xà phòng. Trên bờ suối có một vườn đu đủ vô chủ. Tắm giặt xong, chúng tôi lên bờ vặt đu đủ. Không có dao, chúng tôi lấy đồng xèng để “mổ” đu đủ ương. 

Thỉnh thoảng chủ nhật, chúng tôi theo các cô nhà bếp đi thị trấn Nước Hai để gửi thư, mua kim chỉ, xà phòng, giấy viết thư... và ăn phở. Phở ở đó không ngon như phở Hà Nội, nhưng như thế đã là hạnh phúc lớn lao, thậm chí hơi “sang” rồi. 

Một buổi tối, chúng tôi nghe tiếng kẻng và thanh la gõ dồn dập. Hổ về ! Cả bọn chui tọt vào nhà, chốt kỹ cửa lại. Ai cũng lởn vởn ý nghĩ : bây giờ mà hổ vào thì làm thế nào ? Tôi nhìn lên giá đựng ba lô và những thanh xà ngang trên cao. Định trèo thử, nhưng run quá, lập cập mãi không trèo lên được. Đến khoảng 11 giờ thì nghe tiếng kẻng báo yên, song chả ai dám đi ra ngoài, kể cả đi vệ sinh. Đêm đó ngủ chập chờn, mê thấy hổ ba chân về, nhưng may mình gầy yếu quá nên nó không vồ mình (?). Sáng hôm sau, nghe dân nói lại là hổ về vồ mất một con lợn trong chuồng. 
Rằm Trung thu, trại tổ chức rất vui, mổ cả một con bò ăn liên hoan. Có biểu diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Dân địa phương gánh đến mấy gánh bánh nếp, bánh gai ủng hộ. Cấp trên cũng về, nhân thể giải quyết một chuyện buồn : có ba chị rủ nhau ra tắm ở sông Bằng Giang, một chị (chị Minh, con bác Ngô Tấn Văn) bị nước cuốn mất. 

Qua mồng 2 tháng 9, chúng tôi được chú Khuông dẫn đến lớp học ở địa phương. Đường đi học qua một quả đồi, có một bãi tha ma nhỏ. Trên các nấm mồ mọc những dây lạc tiên đẹp đẽ, quả vàng chi chít thơm lừng làm chúng tôi cứ phân vân : hái hay không hái ? Tại có người bảo, những hạt trăng trắng nho nhỏ bùi bùi bên trong quả lạc tiên chính là những cái móng tay của người dưới mộ. Khiếp ! 

Lớp học nằm bên kia suối, nước chảy xiết. Trước khi vào lớp phải xắn quần, bước qua những phiến đá to gần bằng con lợn, trơn nhẫy. Vì thế, có những bạn vào lớp học với bộ quần áo ướt sũng, cô giáo đành cho về. Trước tiết học, cô giáo cầm thước gỗ gõ gõ xuống mặt bàn làm nhịp cho cả lớp hát bài :”Nà loóng tày noòng...”. Bài hát có 5-6 câu, giờ tôi đã quên hết cả, chỉ nhớ đại ý đó là bài hát ca ngợi quê hương đất nước. Chúng tôi đi học sớm nhưng thường la cà, nên hay đến lớp muộn. 

Trong trại Khâu Luông có một sân chơi bằng đất rộng. Giữa sân có một cột cờ cao. Chúng tôi hay chơi đuổi nhau và đặc biệt hay chơi khăng ở sân này. Một lần, do vô tình, bạn Đỗ Bình đánh con khăng nhỏ vào mắt bạn Việt Trung, chảy cả máu. Cô An là y sĩ của trại, lại là mẹ bạn Việt Trung, thấy Việt Trung cứ nhắm tịt mắt lại, bèn hỏi :”Con có trông thấy mẹ không ?”. Việt Trung lắc đầu, làm cô vừa khóc vừa nói :”Ôi, thế là hỏng mắt con tôi rồi !”. Chiều hôm đó, xe ô tô của trại đưa gấp cô An và Việt Trung về Hà Nội. 

Độ một tuần sau thì cả trại cũng rời Cao Bằng về Hà Nội. Chúng tôi hân hoan đón chào tin này. Mỗi người được phát một gói cơm nếp bọc trong giấy báo, một miếng thịt kho để ăn dọc đường. Nước uống thì lấy đầy vào bi-đông. Chúng tôi đâu có biết, nguyên nhân là vì sau ngày 2/9, trại vẫn treo lá cờ đỏ sao vàng trên cột cờ, và một lần, máy bay Mỹ bay qua đã nhìn thấy. Nghe nói, sau khi chúng tôi đi khỏi Khâu Luông chừng hơn một tháng thì có máy bay bay lên tận Cao Bằng ném bom vào trại sơ tán của chúng tôi. Hú vía! 

Sau này lớn lên, chúng tôi mới hiểu Bộ Tổng Tham mưu đã lo lắng cho cái đám trẻ con chúng tôi như thế nào. Bộ đã có kế hoạch chuẩn bị về xe cộ và xây dựng hẳn một cơ sở cho chúng tôi sơ tán trên đất bạn Trung Quốc, đề phòng biệt kích nhảy dù.


gửi: 24.12.2005    Tiêu đề: Làng Hạ Lôi

Làng Hạ Lôi 

Địa điểm sơ tán tiếp theo là làng Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc. 

Xe ca đưa chúng tôi đến một cái sân gạch rộng, bên cạnh một nhà thờ Thiên chúa giáo có gác chuông cao vút và nhọn hoắt, có dãy tường cao bao bọc trông thật thâm nghiêm. Một số bạn nữ được ở tạm nhà bảy gian, xã cho mượn, còn thì chú Khuông phân công từng nhóm 5-6 người (các nhóm anh chị em ruột) về ở nhờ nhà dân. 

Trước đó, chúng tôi được phổ biến kỹ “Kỷ luật dân vận”, và truyền thống của quân đội “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Cho nên, vào ở trong nhà là chúng tôi tự giác quét nhà, lấy quà bánh chia cho các em nhỏ, giúp đỡ gia đình các công việc vặt như cuốc đất, trồng cải, bón phân, phơi thóc... Bấy giờ, chúng tôi mới được làm quen với các dụng cụ hay dùng ở “nhà quê” như : cái nong, cái nia, cái mai đào đất, cái vồ đập đất, cái tràng gỗ cào thóc... Ở Hà Nội làm gì có những thứ đó ! Chúng tôi mới biết đến cây điền thanh, một thứ cây bà con nông dân trồng dùng làm phân xanh. Nhưng chúng tôi mê nhất cây này ở chỗ thân của nó nhẹ như bấc, có thể làm các mô hình máy bay Mích 17, Mích 19 tuyệt đẹp. Cũng vì cái cây điền thanh này mà một bạn nữ tên là Thành bị trêu là “Ê, Thành điên, điền thanh”. 

Đầu làng, cạnh đền thờ Hai Bà Trưng có một lò rèn nhỏ của hai-ba bố con. Những lúc ăn cơm tập thể xong, chúng tôi thường nhẩn nha ngồi xem họ quay bễ than, rèn những dụng cụ liềm, hái, dao to, dao nhỏ... 

Chúng tôi phải mượn nhà dân làm lớp học. Thày giáo lớp 2 của chúng tôi là thày Túc. Thày cũng đi Cao Bằng, nhưng hồi đó là “chú Túc”, còn bây giờ là “thày Túc”. Thày da trắng, mắt hơi to, tính nghiêm nghị. Thày hay mắng các bạn nào viết chữ xấu, bôi bẩn sách vở, hoặc chậm hiểu bài... , làm cho các bạn đó đã bối rối càng bối rối thêm. Trong các môn học có môn thủ công. Chúng tôi tập đan vỉ ruồi, rổ rá bằng tre và làm mũ che nắng bằng bẹ ngô. Những bài học thủ công đó thật hữu ích vì bao giờ cũng có “sản phẩm thực tế” luôn. 

Làng này trồng xương rồng khắp nơi. Sau này, có người nhìn nhận cây xương rồng như là một loài cây cảnh, tôi thầm nghĩ :”Ồ, cây xương rồng thì có cái gì mà gọi là đẹp !”. Hầu như nhà nào cũng nuôi chó. Thỉnh thoảng, nhà bếp lại làm món thịt chó kho (rựa mận) ăn với bún. Buổi tối, sang nhà nhau chơi, bao giờ chúng tôi cũng phải gọi cửa trước, để gia đình nạt chó xong, mới dám vào. Chúng tôi còn bé nên cũng có bạn nghịch dại, trêu chó, bị chó cắn, phải tiêm 21 phát vào rốn, sờ vào nổi cục to tướng như bị rốn lồi, đau quá, khóc rưng rức. 

Phụ trách Trung tâm y tế là cô An. Hồi đó, bệnh ghẻ lan truyền nhanh trong chúng tôi. Cô An, cô Nhâm, chú Ổn cùng các cô bảo mẫu khác phải đun nước lá xoan, tổ chức các buổi tắm riêng cho các “đối tượng” bị ghẻ. Các bạn bị ghẻ hay trốn tắm, vì xát lá xoan vào người rất xót. Quần áo thì đem luộc nước sôi sùng sục. Tắm xong, ai cũng phải bôi thuốc trị ghẻ. Đó là một thứ thuốc màu vàng vàng, sực nức mùi lưu huỳnh. Chẳng cần vén áo kiểm tra, chỉ cần “đánh hơi” là biết ngay người đứng trước mặt mình có bị ghẻ hay không. Tôi đã hơn một lần được mục kích con ghẻ, chả có gì đặc biệt!. Lấy kim băng gẩy khéo léo ở chính giữa nốt ghẻ là thấy ngay một con vật bé tí màu trắng ngọ nguậy ở mũi kim băng. Các bạn nữ thì hàng tuần bị “triệu tập” đi gội đầu nước bồ kết. Nghe phong thanh là hồi ấy “chị em” lắm chấy lắm. Nói chung, công việc của cô An không hề nhẹ nhàng, vì một số bạn còn bị mụn nhọt, chín mé, sứt chân sứt tay vì nghịch dao, hay sứt đầu gối vì can tội đá bóng trên sân gạch... 

Một “đặc sản” nữa của Hạ Lôi là cái món kể chuyện tình báo của chú Khuông. Thực ra, từ hồi ở Cao Bằng, chú Khuông đã kể rồi, song hình như hồi ấy mới là “giai đoạn thử nghiệm” thì phải. Chú thường dịch truyện tình báo từ sách Nga. Chúng tôi nghe say sưa các câu chuyện ly kỳ về : Nam tước Phôn Gôn-rinh, Chiếc khuy đồng, Mùa xuân trên sông En-bơ... Có những đoạn, chú phải kể đi kể lại nhiều lần vì đơn giản, tối hôm trước có một nhóm nào đó chưa được nghe. Nếu hôm nào chú Khuông đã hẹn là tối nay sẽ kể chuyện thì thế nào lũ chúng tôi cũng chuẩn bị học bài làm bài từ chiều, ngoan ngoãn chấp hành mọi yêu cầu của chú đề ra, ví như, nếu chú hỏi bạn trai nào đó tại sao chưa cắt tóc, thì thế nào trước 7 giờ tối cậu ta cũng bị lôi ra cắt tóc, kể cả không muốn. 

Tối sáng trăng (chú hay kể chuyện vào những tối này, để tiết kiệm dầu thắp đèn), đứa thì lo xuống bếp đun nước sôi, đứa thì săng xái quét lại cái sân gạch, đứa trải chiếu, đứa kiếm quạt nan. Sau một hồi í ới gọi các nhà khác đến, chúng tôi yên lặng ngồi chờ. Chú Khuông ngồi khoanh chân bằng tròn trên chiếu, từ tốn nhấp một ngụm chè đường trong chiếc ca sắt mậu dịch tráng men có nắp đậy, dùng ngón tay chỉnh chỉnh lại quyển sách tiếng Nga dày cộp để bên cạnh, ngẩng đầu lên đưa mắt nhìn một lượt, rồi hỏi :”Hôm nọ, kể đến đoạn nào rồi nhỉ ?”. Bọn chúng tôi ồn lên như ong vỡ tổ, vì mỗi đứa mỗi ý khác nhau. Chú hạ giọng :”Thôi được, hôm nay chú sẽ kể chuyện Chiếc khuy đồng... Năm một nghìn chín trăm bốn mươi ba, Hồng quân Liên Xô tấn công...”. 

Cả sân im phăng phắc, đứa nào đứa nấy há hốc mồm nghe. Có hôm, bác chủ nhà lễ mễ bưng từ dưới bếp lên một đĩa khoai lang luộc còn bốc khói nghi ngút, mời chú Khuông “bồi dưỡng sức khoẻ”, chú lại chia hết cho lũ chúng tôi. Thèm đấy, nhưng lũ chúng tôi đâu có bụng dạ nào mà ăn ! Khoảng 10 giờ đêm, chú Khuông liếc nhìn đồng hồ đeo tay và nói: ”Thôi, tất cả về ngủ, mai chú kể tiếp”. Cả lũ xuýt xoa tiếc rẻ, nhưng vẫn phải nghiêm chỉnh tuân thủ mệnh lệnh của chú. 

Công bằng mà nói, chú Khuông là một trong những chú phụ trách Trại sơ tán được các bạn nhớ tới nhiều nhất.


gửi: 26.12.2005    Tiêu đề: Làng Thanh Phần

Không ngờ một đề tài bé nhỏ lại được hai bạn Khac_Cuong va HoangLinh đồng tình tán thưởng. Về đề nghị của Khac_Cuong, tôi đã thấy có người làm và "rủ rê" tôi, tuy nhiên, mình có ghi chép cái gì đấy thì hầu như chỉ là VLC, chưa "dám" có ý nghĩ là xuất bản hay viết sách, vì như thế, bị sức ép tâm lý nặng nề lắm.

Thực ra, chúng tôi được "thụ hưởng" những hai đợt sơ tán: sơ tán thời 1965 và 1972. Đợt 1972, có dịp, tôi sẽ xin "khai báo" với các bạn. Đợt 1965, là do hưởng ứng sự khơi mào của các anh em trên diễn đàn nhân dịp 22-12

Làng Thanh Phần 

Tôi cũng không rõ vì sao chúng tôi lại chuyển địa điểm sơ tán về huyện Phúc Thọ, Hà Tây. Chỉ biết lớp 3 và lớp 4 chúng tôi học ở làng Thanh Phần (có người nhớ là Thành Phần). Đầu làng có một cái giếng rất to xây bằng đá ong, nước không trong lắm, thả bèo hoa dâu. Giếng hình tròn, đường kính giếng dễ phải tới 8-9 mét. Gần giếng có một cây gạo hoa đỏ rực, đầu mùa hè chim chào mào hay về ăn hoa gạo. Trại sơ tán dựng nhà ở, nhà ăn, bếp và lớp học trên mảnh đất đầu làng, phía bên ngoài luỹ tre. Một số bạn vẫn ở nhờ nhà dân. Nhà ở chúng tôi vách liếp, lợp lá, nền đất. Giường là những tấm phản kê trên mễ. 

Cạnh nhà ăn có một mảnh đất rộng, chúng tôi cải tạo thành vườn rau. Mùa hè trồng rau muống, mùa rét trồng su hào, rau cải. Phải đi lấy nước phân lợn về hoà với nước giải để tưới rau. Mấy bạn trai còn “sáng kiến” đi hót phân trâu về ủ trong hố nước giải để tăng “chất bổ” cho rau. Đi chơi đâu, nếu thấy bãi phân trâu thì phải nhanh tay cắm một cành lá vào đó để xí phần. 

Hè đến, chúng tôi hay ra đầm sen (chỉ có lác đác sen) ngụp lặn mò trai, hay ra con sông đào xúc hến về cải thiện. Chúng tôi học bắt cua ngoài đồng. Ai cũng đen nhẻm, nhưng vui. Có lần, thò tay nhầm vào hang rắn, sợ chết khiếp. Chúng tôi bắt cả châu chấu, cào cào, lươn, trạch, chão chuộc, đi hôi cá, đi cất vó, đi câu tôm ở giếng làng, đi bắn chim sâu, chim sẻ, chim chào mào về ăn. Có lần còn đi bắn cả cò. Chẳng phải đói ăn, mà chỉ vì sống ở trong một cái làng đồng quê Bắc bộ, những “trò” ấy quá bình thường. 

Trại có nuôi gà và lợn để tận dụng thức ăn thừa. Có lần, bác Tám mắng mấy cậu đang bốc cháy ăn :”Chúng mày không để phần lợn với à?”. Hồi cô Nguyệt về thay cô An làm y sĩ, thỉnh thoảng chúng tôi được ăn mì thanh Ba-lan luộc, chan nước thịt gà, cứ gọi là sướng như tiên. Sau này, cô Nguyệt không liên hệ xin được mì Ba-lan nữa, chúng tôi phải tự cán lấy mì sợi. Khác với hồi ở Cao Bằng, hồi này chúng tôi ăn độn bột mì, thỉnh thoảng mới ăn ngô bung, hoặc bánh đúc ngô cho bữa sáng. 
* 
* * 
Các thày các cô dạy chúng tôi là : thày Kền, thày Hán, cô Hiểu, sau thêm cô Dậu, cô Mai, thày Thọ. Chú Khuông phụ trách lớp dưới, đóng bên Minh Nghĩa, phía bên kia đường nhựa. Ban đầu, các lớp học đều trực thuộc Phòng giáo dục huyện, về sau có quyết định thành lập Trường 15 (tên đầy đủ là Trường phổ thông cấp 1 số 15, còn gọi theo phiên hiệu trong quân đội là trường T-15), trên mới cử thày Thọ về làm Hiệu trưởng. Chính thày là người sáng tác bài Trường ca 15. Tôi còn nhớ một đoạn : 

Trường chúng ta từ bốn phương trời, 
Về đây vui cùng chung sống 
Về đây hát khúc ca vang kết đoàn... 

Mười lăm ! Đây trường ta yêu mến, 
Mười lăm ! Đây trường ta yêu quý...
 

Thày Thọ về trường hình như hồi chúng tôi lên lớp 4. Thày vui tính nhưng nghiêm khắc, có lẽ thày là đảng viên. Thày đưa cả “cô giáo” lên ở tại trường. Hồi ấy, thày cô sắp có em bé (sau đặt tên là Quốc Quân thì phải). Thày Hán dong dỏng trăng trắng, cô Hiểu người thấp, trán cao, da nâu, tóc dài chấm gối, dạy lớp trên. 

Thày Kền dạy lớp chúng tôi. Tên đầy đủ của thày là Trần Hùng Kền, nhưng thày ghi trong quyển sổ chép bài hát là Trần Hải Anh. Người thày thấp đậm, ngực nở, bụng thon, đùi dế, miệng rộng, hay cười, mắt sáng, nói chuyện có duyên, dễ mến, có má lúm đồng tiền, phải nói là đẹp trai. Thày có một tấm ảnh “màu”, tức là ảnh chân dung trắng đen cỡ 3x4, nhưng thợ ảnh dùng màu mè bôi lên cho đẹp. Mà đẹp thật. Quân hàm hạ sĩ màu đỏ chói, áo bộ đội xanh tươi như tàu lá chuối, má phơn phớt hồng trông như văn công, ngôi sao vàng gắn trên mũ. Thày mê ca hát, thường không bỏ sót một buổi Dạy hát nào trên đài, lúc 1 giờ rưỡi chiều chủ nhật. Thày chăm chú ghi lại nốt nhạc (chắc thày có được học ký xướng âm), lời bài hát, cẩn thận học thuộc bài hát đó và tối đến dạy lại cho chúng tôi. Những bài như: Phi đội ta xuất kích, Về đây với đường tàu, Nổi trống lên rừng núi ơi, Người Châu Yên bắn máy bay, Cô gái vót chông... là chúng tôi học ở thày. Một kỷ niệm khó quên là trong khi đọc nhạc bài hát, có lần cô phát thanh viên đọc: la đen gạch nhịp, bị chúng tôi biến tướng thành Lương đen gạch nhịp, để trêu bạn Võ Hiền Lương. 

Trước cửa nhà ở của nam có mảnh đất trống. Thày bỏ mấy ngày nghỉ hì hục làm cho chúng tôi một chiếc xà đơn bằng tre và vầu, chúng tôi đua nhau tập co tay kéo xà, ke bụng. Thày làm cả tạ để tập hàng ngày. Thày Kền còn dạy cho chúng tôi bơi vì sợ có ngày chúng tôi đi chơi sa xuống ao hồ. Hôm ấy, thày bắt tất cả con trai quần đùi áo may ô (xin lỗi, cởi trần) ra con sông đào. Chúng tôi xếp hàng ngang, dọc theo con sông. Thày Kền cũng cởi trần trùng trục, nói dõng dạc : 

- Hôm nay, chúng ta học bơi. Tôi nói trước, khi xuống nước, nếu “anh” nào mà bám lấy tôi thì tôi sẽ đánh cho ngất đi rồi mới cứu. Nhớ chưa ? Thôi, bắt đầu ! 

Thày tóm lấy một bạn to khoẻ nhất, cầm chân cầm tay như tóm một con ếch và vứt tùm xuống sông. Anh bạn tội nghiệp kia lóp nga lóp ngóp được vài phút thì bắt đầu chới với. Thày nhảy ùm xuống sông, bơi rất dũng mãnh lại gần và tóm tóc lôi vào bờ. Thày hỏi:”Đã uống nước chưa?”. Anh bạn, bụng có vẻ phinh phính, thiểu não đáp: ”Dạ...rồi...rồi ạ”. Thày quay sang đám chúng tôi, từ nãy đến giờ vẫn đứng nghiêm bên bờ sông mục kích “bài học bơi” và đanh giọng : 
- Người tiếp theo ! 

Mặt chúng tôi xanh hết cả lại. 

Ấy thế mà rồi chúng tôi cũng biết bơi cả, chẳng có ai chết đuối, ngoại trừ một lần “suýt”. Lần ấy là vào dịp hè, nhiều bạn đã về nghỉ hè, cuối tháng tám mới phải lên, nhưng cũng có bạn do gia đình neo người nên cho lên trại sớm. Bạn Đức Thành là một bạn như vậy. Mẹ bạn khá chiều chuộng nên một lần, tôi nhớ là bạn giận mẹ vì đã không mang đường hay sữa gì đó lên (mà bạn đã viết thư dặn mẹ rồi), liền xông ra con mương bao quanh sân kho hợp tác để... tự tử. Đức Thành bơi khá, con mương chỉ nông... có đến rốn, nên Đức Thành phải mặt cúi xuống, ngụp hẳn đầu xuống mương, mãi mà không chết đuối, vì cứ khi nào ngạt thở, bạn ấy lại ngẩng đầu lên, gào ầm ầm:”Ôi, có người chết đuối !”. Đâm ra, tự tử không thành. Chúng tôi được một phen cười tưởng vỡ cả bụng. 

Nhờ biết bơi mà có lần bạn Liêm thoát hiểm. Hôm ấy, đi hái trộm khế ở gần bờ ao, cành khế gãy, Liêm tự bơi được vào bờ bên kia. Ở bờ bên này, chú chó dữ tợn của chủ nhà cứ lồng lộn sủa ầm ĩ. 

Trong các chuyện về thày Kền thì chuyện thày bị mất đạn là ấn tượng nhất. Tôi quên nói là hồi đó các thày được phát súng (CKC hay AK gì đó), nhưng không thấy các thày bắn máy bay bao giờ. Một dạo, quan hệ giữa thày Kền và lũ chúng tôi có vẻ căng thẳng hơn bình thường. Lý do là chúng tôi quá quắt hơn trước, nghịch ngợm hơn trước, thậm chí vô kỷ luật hơn trước, có dấu hiệu “nổi loạn”. Cho nên thày cũng có phần nghiêm khắc hơn. Hôm ấy, có lẽ bạn trai nào đó đã ăn cắp đạn của thày. Buổi chiều, sau khi phát hiện ra đã bị mất hai viên đạn, thày lập tức xuống khu nhà ở của chúng tôi và gầm lên, quyết tìm ra thủ phạm. Một số bạn đi học bài trên lớp hay đi chơi vắng, thày bắt mọi người đi tìm về. Đến 5 rưỡi, thày thổi còi ra lệnh tập hợp trước sân và cảnh cáo những ai không chịu ra “đầu thú” sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật nặng nề. Chúng tôi vẫn đứng nghiêm trên sân, không nhúc nhích. Thày liền về nhà bỏ quần áo ngoài, chỉ mặc độc quần đùi áo lót, đi bít tất, mang giày ba ta, lắp thêm lưỡi lê vào đầu khẩu súng và bỏ mặc chúng tôi đứng như trời trồng ngoài sân. Thày sục lưỡi lê trần vào trong từng gầm giường của chúng tôi và liên tục bảo: ”Ra ngay, ra ngay!”, làm chúng tôi ớn lạnh. Sau đó thày còn sục cả lưỡi lê vào hầm trú ẩn cạnh nhà. May mà chẳng có ai nấp ở đấy. Thực ra thì có mấy bạn đang nấp trên mái nhà (cả bạn phạm lỗi và bạn không phạm lỗi), nằm im thin thít, không ai dám xuống vì thấy thày đang nóng quá. Cuối cùng, chúng tôi phải chịu hình phạt đứng ở sân thay cho người khác, đến 10 giờ 30 mới được đi ngủ. Hai hôm sau, hình như bạn nào đó đã lén trả lại hai viên đạn về vị trí ban đầu của nó. 

Mãi sau này, khi chúng tôi trưởng thành, học xong đại học thì mới biết tin. Năm 1969, trường 15 giải thể, thày Kền tình nguyện xung phong đi chiến đấu ở chiến trường B (chiến trường miền Nam), được phân về binh chủng xe tăng. Nghe nói mùa xuân 1975, xe tăng của thày bị trúng cả một quả đạn chống tăng. Chúng tôi lặng người đi và ân hận mãi về những điều dại dột đã làm. 
* 
* * 
Nhớ về trường 15, chúng tôi cũng hay nhắc tới bác Thiết. Phần vì bác là mẹ bạn Mạnh Hà, nhưng chủ yếu là vì bác đã gắn bó với chúng tôi suốt từ hồi ở Cao Bằng. Bác phụ trách việc tắm rửa cho lũ chúng tôi, cả trai lẫn gái. Ngoài ra, bác hay giúp nhà bếp cọ rửa xoong nồi, đĩa chảo. 

Trời mùa đông, bác đun một thùng nước nóng và đổ ra một chiếc chậu lớn. Nếu không bắt được “bọn con trai”, thì bác sẽ thuyết phục “bọn con gái” tắm trước. Khi đi tắm, mỗi người phải tự chuẩn bị áo quần để thay và khăn lau. Khi bác Thiết hô tên đứa nào thì đứa đó phải nhanh chóng cởi quần áo ra, chui vào buồng tắm. Nhiều bạn ngượng nên bị bác “mắng” cho sát sạt :”Ôi, cứ làm như của báu lắm ấy ! Cởi ra !”. Gặp phải ai lười tắm nhiều ghét, bác sát xà phòng đến nơi đến chốn, sau đó vừa kỳ vừa dội nước cho, lại vừa nói oang oang như là kể chuyện, làm kẻ đó chỉ muốn chui xuống đất. Một lần, đến phiên “bọn con gái” tắm, chúng tôi ngồi trong nhà cười khúc khích vì nghe thấy bác tiếng đang “bình luận” về các bạn gái cùng lớp của mình :”Gớm, mấy đứa con gái chúng mày, chẳng có đứa nào trắng bằng cái mông thằng Sơn Hà!”. (Xin lỗi Sơn Hà). Bác Thiết được các bà mẹ tin cẩn gửi tiền nhờ mua hộ trứng gà, trứng vịt bồi dưỡng thêm cho các cháu. Bác chậm rãi đeo mục kỉnh, lập danh sách những người được ăn thêm trứng và cẩn thận lấy bút chì đánh dấu trứng của từng người, sợ lẫn. Đến hôm luộc trứng, bác lại “réo” danh sách để những người sắp tẩm bổ ở tư thế sẵn sàng. 

Bác là người lo cho chúng tôi giấc ngủ trưa ngủ tối, khâu vá, đơm khuy cho lũ chúng tôi. Nếu ai đó trong chúng tôi bị ốm, thì cô An (sau là cô Nguyệt) là người phát thuốc khám bệnh, còn bác Thiết là người lo nấu cháo thịt và dỗ dành. Bạn Đăng Thảo kiêng ăn thịt bò, bác biết vậy nên mỗi lần nhà bếp liên hoan món thịt bò, bác lại nhắc nhà bếp nấu một suất ăn riêng cho bạn Thảo. 

Có một dạo, cô Mai, mẹ bạn Đỗ Bình cũng “rửa ráy” cho lũ chúng tôi, cả trai lẫn gái. Nhưng vì cô phục vụ lớp dưới nhiều hơn, nên kỷ niệm về cô không sâu đậm như những kỷ niệm về bác Thiết. 

* 
* * 
Cô An là y sĩ của trường 15, nhưng đôi khi cô đóng luôn cả vai trò cô giáo, vì cô thường lên lớp cho chúng tôi môn ngoại khoá: y học thường thức và vệ sinh công cộng. Học đi đôi với hành ngay tắp lự. Cô đốc thúc chúng tôi quét tước nhà cửa, vun rác, đốt rác, mở chiến dịch phun thuốc DDT diệt ruồi muỗi. Đích thân cô đi kiểm tra nhà tắm, nhà xí, nhà ăn. Chỗ nào chưa sạch là mất điểm thi đua như chơi. Chiều thứ ba hàng tuần, cả lớp tập trung dưới lũy tre ngay trước phòng y tế, cô An mặc áo bờ-lu trắng, cầm quyển vở đứng trước bảng đen và dạy chúng tôi. Cô soạn giáo án nghiêm túc, không đùa được. Chữ cô tròn, đẹp, rõ ràng, không thể đánh đồng với “chữ bác sĩ”. Môn học này Bộ giáo dục không quy định, nhưng cô đề nghị với nhà trường cứ xếp lịch để cô dạy, có lẽ vì cô coi chúng tôi như đang ở trong một đơn vị quân đội. Nhờ thế, chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh gì trong trường. 

Cô Nguyệt về thay cô An đi học bác sĩ. Cô là mẹ bạn Quang Minh. Cô trông trẻ hơn cô An và không nghiêm bằng cô An, nhưng cũng là người rất trách nhiệm. Cô kiểm tra dụng cụ nhà bếp kỹ lưỡng, từ con dao thái thịt đến từng cái chậu nhôm đựng cơm. Chiều thứ bảy nào, nhà bếp cũng đun một thùng nước nóng to để nhúng bát đũa và các dụng cụ nấu ăn. Sau này, chúng tôi đi sơ tán lần hai (năm 1972), mới thấy “trường 15 mình” thật sạch sẽ, vì ở chỗ khác, có ai làm cẩn thận như vậy đâu. Những lúc rỗi việc, cô Nguyệt lại xắn tay xuống bếp cùng nặn bánh bao, giã cua, nhặt hến... với bác Tám, cô Nhâm. Những hôm trời mưa, đường làng bê bết bùn, cô hay đi đôi ủng cao su màu đỏ. Đến nỗi bây giờ nhớ lại, tôi cứ luôn hình dung cô đang đi ủng trước mặt tôi vậy. 
* 
* * 
Những tháng ngày ở Thanh Phần đã giúp chúng tôi có những hiểu biết cực kỳ bổ ích về cuộc sống nông thôn. Làng có nhiều loại hoa quả: ổi, bưởi, doi, na, khế... thông thường, nhưng quả chay chẳng hạn, tôi tin là bây giờ không có nhiều người thành phố biết đến. Có nhiều con vật: trâu bò, gà vịt, ngan ngỗng... nhưng mấy ai đã “được” ngỗng đuổi, cắn cho tím bầm, thậm chí chảy máu như chúng tôi. Rồi những con cào cào to bằng quả chuối tây, con dế trũi đầu to bằng ngón tay cái, chắc bây giờ chỉ còn trên sách vở. Chúng tôi được tận mắt xem đâm trâu (thực ra là mổ thịt trâu, vì con trâu ấy bị “lòi dom”), thui chó bằng rơm, bẫy chim sẻ bằng lưới, cảnh chăn vịt đàn, bắt cá rô rạch từ đồng lên bãi cỏ, câu cá chuối trong những buổi mưa giăng màn, dùng phi tiêu đâm cá mè; được thưởng thức những món ăn dân dã : châu chấu rang, cá rô bọc đất sét nướng, khoai lang mật, thịt ếch xào chuối xanh, cá kho sung...; được ăn chung nồi cơm gạo mới với người nông dân, gặt từ ngoài đồng về; được ngắm thoả thích vầng trăng sáng trên sân kho hợp tác mênh mông... ; được biết thế nào là rét căm căm, khoác áo tơi ra đồng, trên tay là ống bơ nhỏ đựng mấy cục than củi đỏ rực làm lò sưởi; được trải qua nỗi hân hoan vô bờ bến khi “hôi” được con cá to, hay câu được con tôm trong suốt bám vào thành giếng làng, mồm con tôm chỉ ngậm mồi chứ không hề cắn. 

Ham chơi như vậy nhưng chúng tôi học ra trò. Các kỳ thi học sinh giỏi văn toán cấp huyện, trường 15 đều có đại diện tham gia và đoạt giải cao. Năm lớp 4, chúng tôi có hai bạn được đi thi cấp tỉnh. Thày Kền mượn chiếc xe thồ của bác Bẩm, đèo cả hai bạn (mỗi bạn ngồi một sọt) và một bao gạo lên Hát Môn tập trung ôn và thi tại đó. Tiếc rằng, hai bạn không giành được giải rút gì, vì tiếng là thi học sinh giỏi tỉnh Hà Tây, nhưng các “đối thủ” đều là người Hà Nội sơ tán. 

Nếu ai đó hỏi chúng tôi, những ngày bom đạn đó chúng tôi có sợ không thì xin thưa, có sợ. Nhưng nỗi lo sợ chỉ thoảng qua những khi máy bay “Thần sấm”, “Con ma” gầm rít trên trời. Còn khi báo yên rồi thì lại tiếp nối một chuỗi đời học sinh rong chơi, có vẻ hơi vô tư lự, nhưng đầy khao khát khám phá những điều kỳ lạ của cuộc sống. Cũng như hỏi chúng tôi có nhớ bố mẹ không, thì phải nói là có. Nhưng cũng lại phải nói một cách công bằng là chúng tôi không có thì giờ để ngồi nhớ nhung, buồn bã, uỷ mị, mà chúng tôi – những đứa trẻ hiếu động – rủ nhau đi tìm hiểu và tiếp xúc với thế giới xung quanh chúng tôi, đó là cái làng Thanh Phần. Đến chủ nhật, nếu bố mẹ lên thì thật là hạnh phúc, còn nếu không, chúng tôi cũng không tỏ ra buồn bã một cách cực đoan. Phần vì chúng tôi quen với điều đó rồi, phần vì chúng tôi cũng “có chỗ để mà đi chơi”. 

Tư tưởng khám phá xung quanh cũng một phần do ảnh hưởng của các cuốn sách có trong thư viện trường, như : Chú người gỗ, Cuộc phiêu lưu của Ca-rích và Va-li-a, Đảo giấu vàng, Rô-bin-sơn Crút-xô, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Du hành trong tiểu vũ trụ... mà các thày cô khuyến khích chúng tôi đọc.


gửi: 28.12.2005 Tiêu đề: làng Minh Nghĩa

Làng Minh Nghĩa

Đến năm học lớp năm, chúng tôi hơi bị “sốc” vì không được đi học trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Mọi năm, trường Trỗi tuyển các đối tượng nam từ lớp năm trở lên (tuyển cả con gái, nhưng bố phải có hàm thứ trưởng hoặc tương đương). Năm đó, không rõ tại sao trường không tuyển nữa. Trường 15 chỉ là trường cấp 1, học xong lớp 4 là hết. Vì thế, chúng tôi được gửi ra học ở trường cấp 2 Đại Đồng, huyện Thạch Thất, nằm ở phía bên kia quốc lộ 11 A. Để hợp lý hoá, chúng tôi chuyển sang sống ở làng Minh Nghĩa, còn lớp dưới, giờ lên lớp 4, thì chuyển sang ở làng Thanh Phần.

Ở Minh Nghĩa, chúng tôi cũng có 3 dãy nhà vách liếp, không phải ở nhờ nhà dân. Những năm ấy, Mỹ ném bom ác liệt, các lớp học phải phân tán, không học tập trung tại trường chính. Khi đi học không được mặc áo trắng, phải mặc áo nhuộm xanh hoặc nâu, đầu đội mũ rơm, hầm trú ẩn đào cạnh lớp (thường ẩn dưới luỹ tre) phải có nắp đậy bằng rơm, gọi là nùn rơm. Buổi tối đi đâu dùng đèn bão hay đèn pin phải rất chú ý, nghe tiếng ầm ì của máy bay phải tắt đèn ngay, kẻo “chết cả nút bây giờ”. Quản lý chúng tôi có vẻ lỏng lẻo hơn trước, vì suốt buổi, chúng tôi ở trường. Nói là ở lớp thì đúng hơn, vì chúng tôi học phân tán, chả mấy khi nhìn thấy trường.

Lớp 5 B học ở rìa làng Ngọc Lâu, bên cạnh mấy bụi tre già, trông ra cánh đồng. Giữa đồng có một cây đa (hay cây muỗm?) xum xuê. Vách lớp bằng đất, bàn ghế xộc xệch, tấm bảng đen đã mờ. Cô chủ nhiệm của chúng tôi là cô Khuynh. Hồi đó, cô mới sinh em bé, nên giảng dạy với một vẻ mỏi mệt. Cô thường giao trách nhiệm quản lý lớp cho một bạn trai trắng trẻo, tên là Hải. Thày Âu chủ nhiệm lớp 5A, là của Việt Trung, Ngọc Hà, Khánh Bảo... Đó là một thày giáo đã có tuổi, hiền lành.

Chúng tôi bị sự kỳ thị của học sinh và dân địa phương. Họ nghĩ, lũ chúng tôi “giàu sang, có nhiều bánh kẹo, thức ăn ngon, hàng tuần có bố mẹ đi ô tô lên thăm (?!)”. Cho nên khi đi học, chúng tôi hay bị bắt nạt, bị trêu là “dân sơ mít”. Tất nhiên, cũng có lúc lũ học sinh chúng tôi nghịch ngợm, làm người ta “ghét” nữa. Chúng tôi trêu người điên, trêu chó, ném gạch đá vào vườn nhà người ta, hái trộm hoa quả, bắt trộm cá trong hom, đánh nhau...v.v... Đầu năm học, sách vở giấy bút thiếu thốn, sách giáo khoa chưa đủ, thày cô nhiều khi nghỉ tiết đột xuất... làm chúng tôi học hành sút kém hẳn đi.

Tệ hại hơn, chúng tôi còn “chế tạo” ra ”vũ khí bí mật” của mình, đó là phong trào đúc “quai nhê”. Chúng tôi lấy các hộp thuốc đánh răng đã dùng hết, cho vào ống bơ và đốt cho chì nóng chảy ra, gạn hết các cặn đi, rồi đổ vào khuôn đất sét làm sẵn, hình thành một chiếc nhẫn có thêm một đầu nhọn thò ra. Đeo nhẫn này vào ngón tay, mỗi khi đánh nhau, dân địa phương không thể ngờ quả đấm của chúng tôi lại mạnh đến thế. Có thể làm chảy máu mắt đối phương như chơi. Về sau, chúng tôi còn liều lĩnh mang cả dao đi học. Dao nhíp, hoặc dao làm bằng đuya-ra. Vài vụ xô xát đã xảy ra. Các bạn địa phương cũng chẳng vừa, họ gọi các anh chị lớn hơn, hoặc dùng gậy gộc, đòn gánh “chọi lại” chúng tôi.

Rồi một hôm, tất cả phải tập trung tại trường chính. Một thày giáo lên loa thông báo bắt buộc những ai mang vũ khí trong cặp phải tự giác mang lên nộp cho Ban giám hiệu, nếu không sẽ tổ chức khám cặp của từng học sinh. Chúng tôi cũng bị thu mất một số “vũ khí”, nhưng cũng trốn được một số, nhờ vứt tạm vào gốc cây quanh trường, sau ra nhặt lại.

Bên trong trại sơ tán, chúng tôi cũng có những hành động “nổi loạn”. Chúng tôi hay trêu trọc bà cụ Văn ở nhà đối diện. Cụ bị nặng tai và nói giọng miền trong (Nghệ An). Mấy bạn trai hay bắt chước giọng nói của cụ, bị cụ chửi :””Chửi cha không bằng pha tiếng !”. Chúng tôi đã trải qua hai “triều đại”. Đầu tiên là Khắc Trung làm “tướng”, sau đó Vũ Dũng làm “tướng”. Những người khác đều phải có thái độ đối xử đặc biệt đối với “tướng” (như có thứ gì ngon phải chia phần chẳng hạn), nếu không sẽ bị trù ghét, thậm chí bị trùm chăn đánh “hội đồng”. Và phải nghe theo những “chỉ thị” của “tướng”.

Có một bận, một vài bạn rất hay đi ăn trộm thịt của nhà bếp về chia nhau (có cống nạp cho “tướng”). Lần ấy, chẳng may bị chú Trung trại trưởng, bố bạn Hiếu Liêm, bắt được, phạt quỳ ngoài sân. Chúng tôi quyết định “tuyệt thực”, không ăn cơm nhà bếp để phản đối hình phạt trên. Hôm ấy là ngày 6-3. Bốn bạn (Vũ Dũng, Việt Hà, Đăng Thảo, Việt Trung) còn lấy kim khâu xăm dòng chữ “6-3” vào cổ tay hoặc cánh tay, rồi lấy mực tàu bôi vào. Những trò này chúng tôi biết làm là nhờ sự “chỉ dẫn” của Tiến, tục gọi là Tiến xế lô. Bạn này mới lên trại, nhưng trước đó đã lêu lổng, có thể gọi là một học sinh “hư”. Tiến còn hay nghêu ngao hát nhạc vàng và dạy lại chúng tôi các bài hát “hay hay” đó. Sự việc căng thẳng đến nỗi C59 phải cử cán bộ lên “điều đình”, tình hình mới yên ổn trở lại.

Ở Minh Nghĩa, có một sự việc nữa in sâu vào tâm trí chúng tôi. Đó là được xem quyển sổ vẽ của anh Điện Biên, con bác Võ Nguyên Giáp. Chả là hồi ấy anh được gửi lên trại chúng tôi, mà không gửi lên trường Trỗi, vì nghe nói trên ấy dễ “hư” lắm. Anh Biên người dong dỏng cao, da trắng, hơi xanh xanh. Anh vẽ máy bay rất giỏi, phải gọi là siêu. Một phần vì anh có nhiều quyển sách có chụp ảnh các loại máy bay khác nhau, cả của Liên Xô, như các loại Mích, Su, cả của Mỹ, như Thần sấm, Con Ma, Giặc nhà trời, Pháo đài bay... để tham khảo. Phần nữa, phải công nhận anh cực kỳ say mê. Anh có thể ngồi hàng buổi để vẽ và giảng giải cặn kẽ tính năng, tác dụng, các thông số kỹ thuật như chiều dài thân, chiều dài sải cánh, số lượng động cơ, tốc độ tối đa, chiều cao lên được, tầm hoạt động, cũng như ưu nhược điểm... của từng loại máy bay mà không cần nhìn vào sách. Anh vẽ bằng bút chì hay bút mực đều đẹp. Tôi chưa bao giờ thấy một người say mê với công việc của mình như vậy. Vì thế sau này nghe có người nói anh theo học chế tạo máy bay ở Học viện Hàng không Xi-ôn-kôp-xki, tôi chẳng hề ngạc nhiên.

Cùng lên trại với anh Điện Biên có cả anh Hồng Nam, con út bác Giáp, một anh nữa con bác Võ Thuần Nho (anh Quang?). Cứ chiều thứ bảy, lại thấy một chiếc com-măng-ca đít vuông lên trại đón các anh đó và mấy anh em bạn Thiện Hoà (con bác Nguyễn Đôn, lúc đó là Thứ trưởng quốc phòng) về Hà Nội, sáng thứ hai lại lên sớm. Hình như cả bạn Trần Thanh Hà, con bác Trần Sâm, cũng hay đi chuyến xe đặc biệt đó. Thiện Hoà lúc lên trại thế nào cũng có kẹo gấu mua ở cửa hàng Hữu Nghị - kẹo sô-cô-la có in hình con gấu ở ngoài – mà chỉ cắn một miếng nhỏ thôi, đã là nỗi thèm khát của bao đứa chúng tôi.

Hết lớp 5, chúng tôi được về Hà Nội.


gửi: 29.12.2005 Tiêu đề: Một chuyến đi

Một chuyến đi

Năm 2001, nhân ngày 6-3, chúng tôi tụ họp ở Hà Nội. Bắt đầu là Sơn Hà. Năm 2000, Sơn Hà đi công tác ở Nga về, rủ mấy bạn trai cùng trường 15 đi uống bia tươi ở quán bia Pacific, gần Đài truyền hình, chợt nghĩ ra chuyện tụ tập. Thế là sang năm 2001, trước Tết đã thấy Sơn Hà giục cuống lên. Chúng tôi điện thoại tứ tung, tập hợp được hơn mười người cả trai lẫn gái. Tay bắt mặt mừng, cực vui. Mọi người quyết định sẽ họp trại mỗi năm một lần. Lần họp mặt năm 2002, có mời cả chú Khuông đến. Lần ấy hát karaoke đến tận khuya, mọi người rôm rả bàn chuyện phải về Thanh Phần, Minh Nghĩa một chuyến. Nửa năm sau, nhân Mai Đức ra Hà Nội học, cả hội lại gặp nhau, cũng lại bàn sơ bộ chuyện đi. Lần lữa mãi, đến 2003 mới thực hiện được.

Tích cực nhất là Chí Đức. Chí Đức nhờ một cậu nhân viên quê ở vùng ấy "điều tra tình hình", phát hiện ra có thầy Âu, chủ nhiệm lớp 5A, đã nghỉ hưu, hiện có cửa hàng quay video kiêm chụp ảnh ở Trạm Quạt. Trạm Quạt là chỗ nào nhỉ? Chả ai hình dung ra. Chí Đức gọi điện hỏi thăm thầy giáo, kể lại rằng "giọng thầy vẫn vang, khỏe". Đúng ngày 6-3-2003, chúng tôi khởi hành. Việt Trung mặc dù rất bận vẫn là người đến sớm nhất. Sơn Hà chân ướt chân ráo vừa từ Nga về, nhập cuộc ngay. Trước đó, Sơn Hà đã tưởng không thể tham dự chuyến đi được. Nếu điều đó xảy ra thì chắc bạn ấy tiếc hùi hụi.

Chúng tôi đi một chiếc xe 15 chỗ. Người dẫn đường là cậu nhân viên của Chí Đức. Công tác chuẩn bị phải công nhận là kỹ. Bích Hạnh lo mua đồ ăn nguội phòng xa. Thúy Liên mua áo sơ mi Việt Tiến (cỡ 39, vì thầy đâu có cao to). Lại còn khuân cả một tấm tranh sơn mài "hai người ôm mới nổi" vẽ chùa Một Cột dự định làm tặng phẩm cho trường cũ. Tổng cộng có bốn bạn gái và sáu bạn trai. Xe chạy ngang một cái chợ, mọi người giục nhau xuống mua hai bó hoa. Gần đến ngày 8-3 có khác, hoa nhiều nhưng mua cho vừa ý cũng mệt. Hai bạn gái lĩnh trách nhiệm xuống mua hoa. Hết có 30 phút, nhưng được cái, những bạn khác ngồi đợi trên xe cứ tự nhiên nói chuyện. Câu chuyện nở như ngô rang, nên chả ai sốt ruột. Sơn Hà gọi điện vào Sài Gòn, "chửi" các bạn Vũ Dũng, Lương "đen" sao không nhớ đến "tinh thần 6-3". Mọi người trong đó chắc nao nao lắm.

Xe không đi theo quốc lộ 32 (hồi trước gọi là quốc lộ 11A) mà tiến theo đường cao tốc Láng–Hoà Lạc, đến ki-lô-mét 19 mới rẽ phải, thẳng đường về Thạch Thất. Lúc này, các bạn trong Sài Gòn đã gọi điện ra thông báo, Lương "đen" suýt bật khóc khi biết tin đoàn cán bộ đang trên đường về thăm lại chốn xưa, và đã a-lô đi khắp nơi, tụ tập được năm sáu bạn trong đó, hiện đang ngồi "vừa uống bia vừa suy tưởng". Chị em ồ lên khi Duy Đông gọi điện hỏi "có bạn Bế Ngọc Hà ở đấy không, cho nói chuyện một chút". Duy Đông suy bì "trong đó thiệt quá", vì "chả có em nào phục vụ", mọi người bảo, trong đó có em Phượng và em Thanh cơ mà, song hình như hôm nay số đen, cả Ngọc Phượng và Cao Thị Thanh đều không đến được thì phải. Các bạn trong Nam còn bảo, sang năm nhớ báo sớm để mọi người bay ra Hà Nội với. Các bạn nữ bảo, hoặc là thế, hoặc "các anh mua vé cho các em Hà Nội vào Sài Gòn phục vụ các anh".

Xe đi ngang qua một cái chợ đông đúc, hoa ở đó vừa dễ mua, lại vừa có vẻ đẹp hơn ở Hà Nội, ai cũng chặc lưỡi tiếc rẻ. Không có bản đồ, các bạn nữ không hình dung ra được "ngày xưa chúng mình ở đâu". Khi xe đến quãng xã Đại Đồng thì chúng tôi bắt đầu nhận ra quang cảnh. Sơn Hà có một nhân viên quê ở Đại Đồng, đã về nơi đây đi ăn cưới, và mấy lần suýt mua đất ở Đại Đồng làm nhà nghỉ cuối tuần. Ồ, được thế thì vui quá! Cả hội cố tìm bóng dáng Trường cấp 2 Đại Đồng, nhưng không thấy. Chỉ thấy một ngôi trường chơ vơ giữa đồng gần phía làng Ngọc Lâu. Chúng tôi nhớ đến câu ca "Thành Phần có Lịch, Minh Nghĩa có Lân, Ngọc Lâu anh Hẫu, giáo Ái Đại Đồng" kể về những nhân vật "lịch sử" khiến chúng tôi phát sợ.

Chúng tôi quyết định đi thăm thầy Âu trước, và nhờ thầy dẫn ra trường gặp Ban Giám hiệu. Xe đi xuyên qua làng Minh Nghĩa, đường làng nhỏ hẹp, trải bê-tông phẳng, thỉnh thoảng phải bò chầm chậm để tránh xe đạp xe máy đi ngược chiều. Chiếc sân kho to tướng hồi xưa chúng tôi hay ra tập thể dục và thỉnh thoảng được dùng làm nơi chiếu phim (do điện ảnh quân đội phục vụ) giờ đây đã bị lấn chiếm hầu hết, chỉ còn một khoảnh bé tí, đủ cho một cái chợ làng tồn tại. Anh chàng "thổ dân" luôn miệng hỏi thăm nhà thầy Âu. Sau thì cũng tìm ra. Chả phải đâu xa, nhà thầy ở ngay ngã ba trên đường 32, đúng lối rẽ vào làng Minh Nghĩa.

Trước lúc xe khởi hành, từ Hà Nội, Chí Đức đã cẩn thận gọi điện thoại cho thầy báo rằng "chúng em bắt đầu đi", thầy hỏi đoàn có bao nhiêu người, để thầy còn "đi bắt ngan". Chúng tôi xuống xe, kéo nhau vào nhà thầy. Thầy Âu diện com-plê cra-vát ra đón chúng tôi. Thầy trò uống nước, nói chuyện rất vui. Thầy có 7 người con (người con đầu sinh năm 1956), đều đã trưởng thành. Cuộc sống của thầy hiện tại nói chung ổn định. Thầy Âu kể, hồi đó các thầy các cô được cấp trên "giao nhiệm vụ", vì chúng tôi không phải là những học sinh bình thường, mà là những học sinh "cần sự chăm sóc đặc biệt". Thầy hỏi, dưới mắt của chúng tôi, hồi đó thầy là một người thầy như thế nào. Chúng tôi kể lại, quả thực hồi đó thầy hơi "lãng mạn". Đỗ Bình đột nhiên hỏi thầy về một cô gái hay ngồi bán nước giải khát ở phòng ngoài "nói chuyện có duyên". Thầy bảo đó là cô con gái thầy. Thì ra, Đỗ Bình đã vào quán nhà thầy nhiều lần rồi, vì năm nào Đỗ Bình cũng đi viếng mộ trên Yên Kỳ, đến Thanh Phần, Minh Nghĩa bao giờ cũng nghỉ dừng chân uống nước. Đỗ Bình tặng thầy một tấm ảnh chụp các bạn ở trường 15, phía sau có ghi tên từng người.

Ngồi chơi một lát, chúng tôi mời thầy cùng ghé qua trường Đại Đồng. Trường cũ không còn nữa. Đất của trường đã chia cho dân làm nhà, còn trường xây mới trên cánh đồng, gần làng Ngọc Lâu. Đúng là cái trường chúng tôi nhìn thấy lúc nãy, ô tô phải đi đường vòng mới tới. Chúng tôi bước chân vào trong ngôi trường. Hôm đó là thứ năm nên học sinh được nghỉ sớm. Ban Giám hiệu (dù đã được thầy Âu thông báo từ trước) không có ai, vì có lẽ tại chúng tôi đến muộn (11 giờ trưa). Cũng may, thầy Âu nhờ bác bảo vệ cho người đi gọi cô Hiệu phó. Tranh thủ lúc đó, chúng tôi nhẩn nha dạo quanh trường và chụp ảnh kỷ niệm. Trường gồm một dãy nhà hai tầng và hai dãy một tầng, có hơn 1.000 học sinh. Sân trường rộng, thoáng mát, có mấy hàng phi lao cao vút gió thổi vi vu.

Một lát sau, cô Phương hiệu phó đến, mời chúng tôi lên Phòng Hội đồng. Hoá ra, cô cũng là học trò thầy Âu, học cùng lớp với anh Võ Điện Biên. Chúng tôi giới thiệu với cô Phương về mình và có nhã ý tặng trường món quà nhỏ: một bó hoa, một bức tranh sơn mài, và một chút đóng góp vào Quỹ hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Cô Phương rất cảm động. Thay mặt toàn thể nhà trường cô nói lời cảm ơn, và mong các cựu học sinh có dịp lại về thăm trường trong thời gian tới. Chúng tôi ghé vào Phòng truyền thống của trường và biết thêm thầy hiệu trưởng hồi đó (1968) là thầy Ghi (Tuấn "đét" còn nặn óc nhớ là thầy Nguyễn Anh Ghi).

Đứng trước cổng trường, chúng tôi bồi hồi nhớ tới đến lớp 5B ẩn mình dưới lũy tre (giờ đã là một ngôi nhà dân), cây đa khổng lồ giữa đồng (đã không còn tồn tại với thời gian), lớp 5C ở xóm trước mặt, lớp 5A có chiếc hầm trú ẩn hình chữ "A" đắp bằng đất sét trông rất kiên cố (ở trong làng, vượt quá tầm mắt)... Ngay cạnh trường mới, có một ngôi chùa mới mọc lên. Nhưng nó không sao len được vào tâm trí của chúng tôi.

Chúng tôi quay xe trở ra, rẽ vào làng Thanh Phần. Xe đi ngang qua một lò gạch ngổn ngang, đã thấy hiện ra một chiếc cầu và chiếc giếng làng hình tròn ngày nào. Chiếc cầu bê-tông có vẻ bé đi: ngày xưa, có lần bác Bẩm tiếp phẩm đã bị ngã xe đạp ở cầu này. Giếng làng vẫn to như thế. Thành giếng không còn "cổ kính" lỗ chỗ đá ong như cái hồi xa xưa nữa, dân làng đã trát xi-măng nhẵn thín. Nước giếng cũng không trong như xưa nữa: không thấy các cánh bèo hoa dâu tổ ong nho nhỏ, màu xanh pha lẫn màu nâu đâu cả. Cả đoàn dàn hàng ngang ngồi lên thành giếng chụp một pô ảnh. Cây gạo hoa đỏ gần giếng không còn. Từ mảnh đất đầu làng chỗ cây gạo (xưa là ruộng rau muống, mùa đông thường thả rau cần) đến dãy nhà thày Kền, kho gạo, buồng "hạnh phúc", lớp học... tất cả đều đã biến thành nhà dân.

Chúng tôi bách bộ trên con đường bên cạnh bờ mương. Con mương cạn nước, hai bên thành mương đầy các lỗ cua như ngày nào. Nơi này là nơi có đàn ngỗng đi ăn cỏ chiều chiều hay "gây gổ" với chúng tôi, bị bạn Hiếu Liêm dùng một cọng khoai nước nướng chín nhũn ra, đè lên cổ, làm bọn ngỗng tái mặt tưởng rắn, cúi đầu nằm im thin thít. Không còn dãy xoan thân nâu đen mảnh khảnh, hoa ngan ngát tím trồng hai bên bờ mương: mùi hoa thơm nhẹ nhàng, nhưng có rất nhiều dĩn bay ra từ đấy. Hai cái nhà kho cũng đã bị thay thế bằng một cái nhà nhỏ hơn, xoay hướng. Sân kho không còn nữa, chỉ thấy một bãi cỏ phẳng. Đi một loáng đã hết đường, thế mới biết chúng mình ngày xưa bé thật!

Đi thêm nữa là ra đến cánh đồng, gần "nương sắn". Mấy bụi tre ven làng có vẻ nguyên vẹn nhất, dù ngọn tre không xanh um, mà hơi úa vàng, xơ xác. Có bạn định đề nghị đi ra con sông đào, nơi có "lớp học bơi của chúng mình", cách khoảng 1-2 cây số, nhưng lúc đó đã trưa rồi, nên chúng tôi quay lại. Đầm sen phía xa xa hình như đã biến thành ruộng cạn. Hồi trước, dẫu không ngửi thấy hương thơm của sen trong đầm, nhưng từ góc nhìn này, chúng tôi vẫn thấy thấp thoáng vài ba chiếc lá sen to bản nhô lên. Chúng tôi quyết định rẽ vào một ngôi nhà để hỏi chuyện. Sau khi nghe giới thiệu, chủ nhà, một người đàn ông trạc trung niên, mắt sáng rực, nhớ ra ngay. Đó là nhà hồi trước Thúy Liên, Bế Hà... ở. Thúy Liên nhắc tới bà cụ chủ nhà lưng còng, và một em bé gọi là cu Bòi, hồi đó các bạn gái hay bế ẵm, cho kẹo. Thì ra, người đàn ông nọ chính là em bé đó.

Anh hấp tấp mời chúng tôi vào trong nhà. Ngôi nhà đã được xây dựng lại, nhưng vẫn còn đâu đó bóng dáng của ngôi nhà cũ. Hướng vẫn thế. Cả chiếc sân gạch cũng thế. Chúng tôi ngồi lên bậc thềm chụp vài pô ảnh với cu Bòi ngày xưa. Men theo con đường, chúng tôi ghé đến nhà Thơ, một cậu bé hay chơi đáo xu ăn tiền với chúng tôi (cậu này mắt một mí, chơi khá mả).

Ngày trước, đây là đường đất rộng rãi mát mẻ, vì hai bên có lũy tre dày, ánh nắng mặt trời không xuyên qua được. Giờ đã là đường bê tông, nhưng hẹp hơn, hai bên có cống rãnh thoát nước, nhuốm màu sắc thị thành, bớt đi cái vẻ thôn dã.

Đến nhà Thơ, sau khi nghe nói là "có người ở trại sơ tán về thăm", một cuộc đón tiếp tưng bừng đã nổ ra. Thơ không có nhà, đúng hơn là anh ấy không ở đây nữa. Chúng tôi đứng giữa sân, tay bắt mặt mừng, kể lại với chủ nhà về những kỷ niệm 35 năm trước: đây là cái ao, đây là vườn dong giềng, đây là cái cối giã gạo lâu năm lên nước gỗ đen bóng, nhà mình nấu cơm thường nấu bằng một chiếc nồi có thành rất cao, đúng không?... Chủ nhà công nhận cả và cảm động, vì đã hơn ba mươi năm mà chúng tôi vẫn nhớ ra từng chi tiết nhỏ nhặt ấy. Tất cả vào nhà ngồi uống nước chè xanh, râm ran câu chuyện. Nói chung, dân làng vẫn nhớ đến trại sơ tán, đến trường 15 với một tình cảm thân thiết. Một chị bảo, chị chỉ là con dâu, không trực tiếp biết chúng tôi, nhưng bà mẹ chồng của chị ngày còn sống lúc nào cũng nhắc đến trại sơ tán và hỏi thăm bà Tám, bà An...

Chúng tôi bịn rịn chia tay dân làng ra về. Năm sau, rất có thể chúng tôi sẽ lại "về quê" cùng những người bạn ở phương Nam. Tôi tin là tất cả mọi người sẽ trải qua một buổi tối rất khó ngủ, nếu như chúng tôi cố tình tổ chức một đêm ngủ lại ở nơi đó.

gửi: 13.01.2006 Tiêu đề: Về lại chốn xưa

Về lại chốn xưa
Đưa nhau ta thì về,
Đưa nhau ta cùng về,
Thăm lại miền quê,
Nơi có một triền đê,
Có bờ tre ru những trưa hè...


(Về quê - Phó Đức Phương)

Sau Tết Giáp Thân 2004, đang làm việc thì tôi nhận được điện thoại của Tuấn "Đét" nhắn ngày mai có cuộc họp trù bị bàn kế hoạch cho ngày 6-3. Hôm sau đúng 10 giờ, chúng tôi có mặt tại phòng họp cơ quan Sơn Hà với tinh thần rất nghiêm túc, thề danh dự bố mẹ, không vương vấn một tí bia bọt gì. Sơn Hà nói, năm nay sẽ có các bạn ở thành phố Hồ Chí Minh ra cùng về Thanh Phần, Minh Nghĩa, vì thế công tác chuẩn bị nên chu đáo một chút. Chúng tôi nhất trí phân công nhau mỗi người một việc: Sơn Hà và Tuấn "Đét" cùng thủ quỹ Thanh Hà đi tiền trạm, Chí Đức lo việc thuê xe, tôi làm loong-toong. Hai ngày sau, nghe nói Thanh Hà bận công chuyện không đi được, nên cả hội rủ Đỗ Bình đi thay.
*
* *
Thứ bảy, ngày 6-3-2004, từ 7 rưỡi sáng, bốn bạn bay từ Hồ Chí Minh hôm trước ra là Việt Hà, Duy Đông, Lương "Đen" và Mai Đức đã bồn chồn đứng trên vỉa hè trước cửa 62 Nguyễn Chí Thanh ngóng chờ các bạn hữu của mình, đặc biệt là các bạn gái.

Một lát thì mọi người lục tục kéo đến. Sơn Hà mời cả nhà vào phòng khách cơ quan uống nước, nói chuyện và... làm quen, vì có rất nhiều bạn không nhận ra nhau. Ba mươi nhăm năm rồi còn gì! Tay bắt mặt mừng, cố tình không ai giới thiệu ai để mọi người thử trí nhớ của mình. Kìa, Thúy Liên đi cùng một bạn gái mặt tròn rạng rỡ niềm vui. Ai thế nhỉ? Bích Hạnh cười tươi cùng một mệnh phụ phu nhân và một cô bé tóc vàng xinh xắn cỡ 6-7 tuổi nhẹ nhàng bước xuống từ chiếc tắc-xi màu trắng (chiếc tắc-xi hơi chao nghiêng). Nhìn thoáng qua, ai cũng nghĩ chắc là người nhà Bích Hạnh cùng đi. Đến lúc vào tới phòng khách, mọi người mới té ngửa, đó là bạn Văn Việt Hoa (con gái bác Văn Tiến Dũng) và cô con gái thứ sáu của mình vừa từ Mát-xcơ-va về.

Còn kia là Quang Minh đèo chú Khuông, vị khách mời danh dự, đang tà tà tới. Chú Khuông trong bộ com-lê và chiếc mũ nồi màu xanh tím vẫn giữ được nét trẻ trung, thông minh, đạo mạo như ngày xưa, ngày chú mới có 32 tuổi. Chú thân mật bắt tay từng bạn. Chú nói đúng tên người đó đã đành, chú còn đọc vanh vách cả tên bố, mẹ, và "xê năm mấy" nữa ("xê" là viết tắt của C = Cục). Bích Hạnh khen Lương "Đen": "Bạn Lương về già trông đẹp trai ra" làm Lương "Đen" choáng váng trong giây lát. Đoán ra Duy Thanh đã khó, khó hơn là đoán xem con Duy Thanh học lớp mấy. Câu trả lời là bạn Duy Thanh mới cưới vợ lần đầu năm 2000, con mới được 10 tháng tuổi. Vợ chồng Khánh Bảo cũng là một ẩn số bí hiểm.

Đầu óc điện tử như Việt Trung mất 20 phút quay cuồng vẫn không sao nhớ nổi người đàn ông trung niên com-lê ca-ra-vát đang trịnh trọng bắt tay mình là ai. Vợ Khánh Bảo thì tất nhiên rồi, rất khó biết. Các bạn nữ ghé tai hỏi nhỏ "Ấy tên là gì nhỉ?", nhưng đáp lại là một nụ cười bẽn lẽn, bởi cô ấy không học Trường 15. Sở dĩ người nào biết được đấy là vợ chồng Khánh Bảo, là do có thông tin từ trước (qua điện thoại) rằng, Khánh Bảo sẽ đi cùng vợ. Trong các bạn gái, có Bế Ngọc Hà (tên ngắn gọn là Bế Hà) lần đầu xuất hiện, chính là người đi cùng Thúy Liên, cũng gây được những khó khăn nhất định cho các bộ óc lười động đậy của các trang nam tử. Vui, thật vui quá trời!

Nửa tiếng sau, ba chiếc xe từ từ khởi hành. Chú Khuông đề nghị nên rẽ qua đón cô Dậu cùng đi, mọi người nhất trí ngay. Tên đầy đủ của cô là Cấn Thị Dậu. Cô dạy chúng tôi hồi lớp 3 và lớp 4. Cô vốn là giáo viên giỏi của tỉnh Hà Tây, được Phòng giáo dục huyện Phúc Thọ giới thiệu về trường 15. Dọc đường đi, tất cả trò chuyện râm ran. Thúy Liên là người nhớ nhiều chuyện "thú vị" nhất, không chuyện gì bạn ấy không biết, không "ngõ ngách" nào bạn ấy không hay. Khi xe lên đến địa phận huyện Thạch Thất, chú Khuông bảo dừng xe, để chú xuống hỏi đường vào nhà cô Dậu, chúng tôi hơi lo lo. Thì ra, chú đã tới thăm cô Dậu vài lần, nhưng đã lâu không ghé qua, dân chúng bây giờ lại xây dựng tùm lum hết cả, nên không sao nhận ra vị trí nhà cô, phải hỏi thăm, bởi nhà cô chưa có điện thoại để liên lạc.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng hỏi thăm được nhà cô Dậu. Cô ngỡ ngàng vì tự nhiên có gần hai chục học sinh cũ quây quần xung quanh, cứ như từ trên trời rơi xuống. Cô tiến đến một bạn và hỏi :"Chí Đức phải không?", khiến lũ chúng tôi kinh ngạc, vì đúng là Chí Đức thật. Trông thấy Sơn Hà, cô hỏi tiếp: "Vũ Dũng phải không?". Cả lớp cùng cười vui. Một bạn gái nói: "Thưa cô, đây là Ngọc Hà...". Cô như vụt nhớ lại tất cả: "Ngọc Hà à?". Chúng tôi thấy cô khỏe nên mời cô cùng về thăm lại trường cũ. Cô ngần ngừ một lát, nhưng rồi dường như theo phản xạ tự nhiên, cô đồng ý ngay. Những dịp hội ngộ như thế này trong cuộc đời phải nói là vô cùng hiếm hoi.
Chúng tôi ghé qua nhà thầy Âu đón thầy đi cùng. Vả lại, một số bạn chưa biết nhà thầy Âu. Chỗ nhà thầy bây giờ gọi là Phố Quạt (hay Trạm Quạt), mặc dù chúng tôi không nhìn thấy một cái quạt nào.

Thầy Âu đã chuẩn bị sẵn nước chè và chè lam (cây nhà lá vườn) đón đoàn. Đặc sắc nhất là thầy còn bắt mấy phóng viên đệ tử quay vi-đê-ô toàn bộ chuyến đi của chúng tôi. Sau khi uống nước nói chuyện, cả hội đi bộ tắt qua làng Minh Nghĩa, xe ô tô chạy vòng ra đầu đằng kia đón. Lương "Đen" than thở :"Đã quá mày ạ!". Việt Hà kể, năm ngoái Lương "Đen" đã bức xúc như thế nào.

Chúng tôi cùng nhau chầm chậm bước đi trên con đường bê-tông dẫn vào làng. Ngày xưa, con đường này là con đường đất. Chỗ đầu làng có hai cái trụ bê-tông cấm xe ô-tô vào làng, sợ hỏng đường. Nhưng mỗi khi nghe báo tin có xe ô-tô tải chở những chiếc sào tre dài ngoẵng và lỉnh kỉnh loa đài cùng các hộp đựng phim hình tròn bằng thiếc màu trắng bạc là mấy thanh niên lực lưỡng làm nhiệm vụ bảo vệ thôn lại vác cuốc và xà-beng ra, nhanh nhẹn nhổ cọc, đón xe vào tận sân kho. Trẻ con kháo nhau ầm ĩ : "Tối nay có chiếu phim ở sân kho, chiều nhớ dặn bu thổi cơm sơm sớm!". Bọn chúng tôi có dịp tinh tướng bắt nạt trẻ con địa phương "mày mà không cho ông cái chạc ổi kia thì tối nay ông không cho mày xem phim!". Dọa dẫm vớ vẩn thế mà cũng có tác dụng ra phết (phim đâu phải của chúng tôi?).

Chú Khuông thuộc đường, phăng phăng đi phía trước, dẫn chúng tôi trở lại chốn xưa. Đường bê-tông đã thay thế con đường lát gạch nung già, xếp đứng sống, bắt chéo hình mũi tên. Mấy bụi tre rậm rịt cao vút gần nhà nam nhà nữ đều không còn. Khu vực nhà bếp, nhà ăn, sân gạch nhỏ – nơi chúng tôi thường bê chậu cơm quân dụng ra ăn ở đấy– cũng không còn. Lương "Đen", Mai Đức sải bước chân ra phía bờ ao nhà ông Biểu (hình như có hồi chị Nguyệt Nga nhà Mai Đức ở đấy). Cảnh vật không giống như in ngày xưa, song vẫn phảng phất đâu đây những hình bóng cũ. Mai Đức thốt lên: "Chỗ này ngày xưa có một cây sung sai quả lắm. Có cả những bậc thềm dẫn xuống ao. Mùa hè, bọn mình vẫn hay ra tắm ở đây...".

Lương "Đen" ngậm ngùi đế thêm: "Ừ, nhờ có cây sung mới cứu đói hồi 6-3...". Vài cậu thanh niên địa phương nghe bước chân người rậm rịch cũng ra bờ ao. Thấy chúng tôi sôi nổi bàn luận, một cậu tròn mắt gật đầu xác nhận, đúng là bên bờ ao trước đây có cây khế vươn mình trên mặt nước, còn bên bờ bên kia có cây quéo quả-không-bao-giờ-chín (ai cho chín mà đòi chín?), cùng một bãi cỏ nhỏ xâm xấp nước.

Tôi còn nhớ, mỗi khi những cơn mưa đầu mùa hạ bắt đầu rơi là cá rô lại rạch lên đầy bãi cỏ. Trông ngon ăn, nhưng bắt cá rô khó cực kỳ: chúng rạch những đường ngoằn ngoèo như rắn chạy, vây ánh màu thép, giương lên dũng mãnh, mang sắc nhọn, sẵn sàng đâm toạc bàn tay bé nhỏ của chúng tôi. Anh chàng nào tóm được con cá rô trong tay, đừng vội hí hửng tưởng bở. Càng bóp chặt càng chết! Nó chỉ cần quẫy mạnh một cái là thoát hiểm, đồng thời lưu lại một vết bầm thâm tím trên bàn tay như một dấu ấn kỷ niệm xót xa.

Lương "Đen" thì thào sám hối khi tới bên một ngôi nhà lúp xúp đứng cạnh bờ ao. Ngày xưa, cậu học trò nghịch ngợm dại dột định đốt "túp lều" đó, may mà rạ trên mái nhà ẩm quá, không bắt lửa. Nghĩ mà kinh. Giờ, nhà đã lợp ngói, rêu phong mốc meo trông khá phong trần. Các bạn gái cũng bồi hồi suy tưởng. Chúng tôi hò dô ta cùng đứng bên bờ ao chụp một kiểu ảnh chung. Cô Dậu vui vẻ kể lại chuyện Chí Đức và Sơn Hà bày trò hỏi cách giải bài tập toán để thử cô. "Chúng nó hỏi thế thôi, chứ thực ra đã biết cách giải rồi", cô nói. Sau, cô hạ của Chí Đức 2 điểm, từ 10 xuống 8, làm Chí Đức khóc rưng rức, xin lỗi mãi. Cô bảo, vài năm một lần, cô lại ra Hà Nội chơi. Lần nào cô cũng ghé nhà Quang Minh thăm cô Nguyệt và được Quang Minh đèo xe máy đi đây đi đó. Có lẽ nhờ thế mà cô vẫn thuộc tên lũ chúng tôi chăng?
*
* *
Rời Minh Nghĩa, chúng tôi lên ô tô về thăm Trường cấp hai Đại Đồng. Giờ gọi là Trường phổ thông cơ sở, không sao quen nổi. Thầy hiệu phó tên Phong (cùng tuổi Dậu, kém chúng tôi một giáp, là con cháu ở cái nhà có cái túp lều bác Tôm suýt bị Lương "Đen" làm thịt) trân trọng đón phái đoàn tại cổng trường. Thầy hiệu trưởng (tên Quốc, kém chúng tôi 1 tuổi) cùng cô Phương (đã quen từ hồi thăm trường lần trước) đón chúng tôi tại Phòng Hội đồng. Anh rất vui tính. "Thầy" khoan khoái kể lại ngày xưa đã đánh nhau với chúng tôi (chủ yếu ném củ đậu bay qua cửa sổ) như thế nào. Anh vẫn nhớ chú Khuông đã phải đi xin lỗi, hòa giải với dân làng ra sao.

Uống nước chè xanh, ăn quả quít đỏ, hút điếu thuốc lá, phả làn khói bay... xong, thầy hiệu trưởng xin phép phát biểu ý kiến. Trường ta sắp đón nhận Huân chương Lao động hạng hai. Nói chung, nhà trường rất cảm động về chuyến thăm lần trước, cũng như lần này của chúng tôi. Nhà trường đã thông báo lại với Ủy ban nhân dân xã về những nghĩa cử của các cựu học sinh Trường 15, đồng thời đã tổ chức phát phần thưởng cho một số học sinh nghèo vượt khó.

Chú Khuông đứng dậy phát biểu cảm ơn sự giúp đỡ, đùm bọc của chính quyền và nhân dân địa phương trong những tháng ngày gian khổ ác liệt đó. Chú tâm sự, chú thường bị cấp trên phê bình là "anh Khuông chiều trẻ con quá!". Điều làm chú lo nhất hồi ấy không phải là kết quả học tập của chúng tôi có tốt không, chúng tôi ăn có no không, chúng tôi mặc có ấm không, mà là chúng tôi có an toàn không. Vì đã xảy ra trường hợp chị Minh con bác Ngô Tấn Văn chết đuối ở sông Bằng Giang rồi. Mà ở nơi sơ tán thì có biết bao nhiêu điều mất an toàn rình rập: rắn cắn, chó dại cắn, trâu húc, tắm ao, trèo cây, dẫm phải dây thép gai bị uốn ván, điện giật, bom đạn...

Việt Trung giơ tay xin phát biểu, đề nghị nhà trường cho phép gửi vào tài khoản của trường 10 triệu đồng, hằng năm trích tiền lãi mua phần thưởng phát cho học sinh. Sau đó, tất cả ra sân trường chụp ảnh kỷ niệm. Chúng tôi may mắn vì Khánh Bảo "thuê" được một "thợ ảnh xịn" đi theo, là Khánh Bảo phu nhân. Chú Khuông thay mặt đoàn mời cả Ban Giám hiệu sang Thanh Phần cùng dự liên hoan, nhưng chỉ thầy Quốc đi được.
*
* *
Khi đoàn xe bỏ quốc lộ 32 rẽ vào con đường nhỏ gập ghềnh đi ngang qua cái lò gạch đang phả khói, tôi tin chắc những bạn bè của-tuổi-thơ-tôi tất cả đều đang bồi hồi cảm động. Làng Thanh Phần hiện ra sau lũy tre. Vẫn giếng nước đầu làng tần tảo. Xưa kia, làn nước tuy trong nhưng thi thoảng múc lên vẫn thấy lẫn vài cánh bèo tổ ong. Những hôm nắng gắt, chúng tôi đi đá bóng về, đứa nào đứa nấy mặt đỏ dừ, vục mặt vào gầu nước múc từ giếng lên, chao ôi là ngọt! Khánh Bảo nhận xét :"Hồi trước cái vành ngoài của giếng to hơn thì phải...".

Cạnh giếng có một vũng trồng khoai nước, lũ vịt con vàng đen loang lổ hay tíu tít tắm gội ở đây. Xuống xe, mọi người như trầm ngâm trong giây lát, chẳng ai buồn trêu chọc ai. Chiếc cầu xi-măng, nơi chứng kiến biết bao nhiêu cuộc tiễn đưa người ra đồng phải chăng vẫn thế, chưa một lần đúc lại? Bác Bẩm tiếp phẩm đã có lần bị rơi xuống từ chiếc cầu này, ướt lướt thướt như chuột lột. Cây gạo hoa đỏ cao vút ríu rít tiếng chim chào mào đâu rồi? Ruộng rau cần xanh mướt đâu rồi? Bên bờ ruộng cần, hình ảnh một con cá chuối mẹ mình dính đầy kiến lửa oằn mình vật vã đắm đuối vì con đang quẫy mạnh trong tâm trí chúng tôi.

Một người đàn ông mặc chiếc áo sợi màu lam ra tận bờ mương niềm nở đón chúng tôi. Khuôn mặt "quen quen", cái sự quen của ba mươi nhăm năm trước. Chịu, không tài nào đoán nổi đấy là ai. Qua cử chỉ vồn vã thân tình của anh, chỉ có thể cảm nhận đó là người trong-gia-đình. Ánh mắt anh như muốn nói "lạ gì các ông các bà, thôi, vào nhà tôi chơi đi!". Thì ra đó là Phú, một thiếu niên lớn tuổi hơn chúng tôi (và rắn rỏi hơn, đương nhiên rồi), có nước da bánh mật, bơi chó vào loại giỏi, hay gạ chúng tôi chơi trò đánh đáo khe ăn tiền. Mỗi khi thua, đôi mắt lá răm của Phú thường đỏ ngầu lên như mắt trâu điên. Nhưng phải công nhận, "hắn" rất biết cách rút kinh nghiệm để phục thù. Hôm nay, trông "hắn" lành hơn rất nhiều. Sơn Hà kéo cả Phú và mọi người sang nhà bên (nhà Thơ) để liên hoan. Về sau, chúng tôi mới biết Phú và Thơ là hai anh em cùng cha khác mẹ.

Chúng tôi bước vào cổng nhà Thơ. Gần chục chiếc chiếu hoa trải kín mặt sân gạch. Tiếng chào hỏi râm ran khắp xóm, những cái bắt tay thân mật vồn vã, những lời thăm hỏi ân tình. Tiếng những người đàn ông ồm ồm giục các bà các cháu "nhanh tay lên". Mọi người cùng ngồi xuống chiếu uống chén rượu mừng ngày tái ngộ. Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn. Mấy cái giao thừa xa xưa, tại cái làng này chúng tôi học những câu thơ chúc Tết của Bác Hồ qua làn sóng đài phát thanh.

Vị đại diện xã đứng lên thưa mấy lời. Chú Khuông đáp lễ. Tất cả cùng hồ hởi nâng cốc. Bữa cơm thân mật có thịt chó bảy món đặc sản vùng Sơn Tây, thịt gà ta chắc mà thơm, xôi nếp đậu xanh vàng ruộm. Có cả món củ chuối nấu lẫn xương nâu nâu đựng trong những chiếc bát "nhà quê" gợi nhớ một thời kỳ gian khó. Bích Hạnh cầm một túi ny-lông bánh mì to đùng phân phát cho trẻ con những nhà chung quanh. Duy Đông hỏi thăm quê Nguyễn Cao Kỳ ở gần đấy. Thật không ngờ, Đông bảo, cấp trên đã tính kỹ rồi. Trường 15 đặt tại làng Thanh Phần thì sẽ chỉ nhìn thấy máy bay Mỹ bay qua, chứ chả bao giờ bị ném bom, vì khu vực đó gần quê nội Nguyễn Cao Kỳ.

Việt Hà nhớ tới cây si sau bếp, quả rụng đỏ ối. Mấy bạn nữ nhớ những chiếc hầm "chữ A" đào dưới gốc tre già, mái phủ một lớp bùn trộn rơm dày cộp. Lương "Đen" hồi tưởng lại các phi vụ đem bánh bao đổi lấy khoai xát nhà Phú. Các bạn gái nhớ món khoai lang luộc ngược nồi trên sân đất sét (khoai rửa sạch, rải ra đất, nồi đất úp ngược lên, đốt rơm xung quanh). Mấy cậu bé người làng – trông già hơn chúng tôi, nhưng trót khai ra, ít hơn chúng tôi 3 tuổi – ngồi cùng mâm chép miệng kể, hồi ấy trông thấy đường sữa của chúng tôi mà thèm. Được cái, thày u đã dặn đi dặn lại là không được ăn trộm. Ai đó buột mồm nhắc đến nước chè xanh. Phú bảo "có ngay" và phấn khích giục mấy bà mấy chị nhanh nhảu vào bếp luộc ngay một nồi khoai lang và đun nước chè tươi đãi khách.

Ăn trưa xong, cả bọn tranh thủ kéo nhau ra cánh đồng. Quả là làng này nhiều thứ thay đổi, nhưng cũng có thứ "không thay đổi ". Duy Đông đã kịp quan sát thấy chiếc hố xí hai ngăn ở bờ làng vẫn nằm nguyên chỗ cũ (giờ đã xây gạch). Chúng tôi lần hồi bước đi trên con đường đất nhỏ dẫn ra con sông đào, nơi thầy Kền kèm cặp chúng tôi tập bơi hồi trước. Gió thoang thoảng mùi lúa mới cấy, xen lẫn cả mùi ngây ngây của phân chuồng bón lót trên các chân ruộng. Hồ nước nhỏ gần con sông, là chỗ chúng tôi hay tráng người mỗi khi ở dưới sông đào lên, đã biến thành ruộng lúa. Hồi ấy, hồ nước nằm giữa cánh đồng nên đỉa rất nhiều, toàn đỉa đói. Khỏa bàn tay xuống nước, ngay lập tức đỉa từ các nơi nhanh nhẹn bơi đến vì ngửi thấy hơi người, trông như những chú đòng đòng con đen trùi trũi. Sợ nhất là để đỉa chui vào lỗ tai làm tổ trong đầu, đến một ngày đẹp giời nào đấy, chỉ cần vỗ nhẹ vào đầu một cái là cái đầu bị bửa ra, bên trong toàn đỉa là đỉa (!?).

Cô bé con Tây (quốc tịch Nam Tư) tung tăng chạy nhảy ngắm nhìn đàn bò tha thẩn gặm cỏ ven bờ sông, miệng líu ra líu ríu. Từ xa, chúng tôi nhìn thấy cây cầu cũ kỹ bắc ngang sông đào. Mọi kỷ niệm ấu thơ lại ùa về sống động. Đi dọc theo con sông đào là đường dẫn về Hà Nội. Đăng Thảo, Duy Thanh, Hiếu Liêm... ít nhiều đều đã vài ba lần trốn trại theo con đường này. Và lần nào cũng bị bắt quay trở lại. Hồi ở Cao Bằng, tôi nghe một số bạn kể lại "ai hư sẽ bị bắt quỳ trên gai mít", nhưng thành thực mà nói, mắt tôi chưa nhìn thấy cảnh ấy bao giờ. Còn ở Thanh Phần, tôi không nhớ rõ là những người trốn trại có bị chịu "hình phạt" gì không.

Quay trở lại làng Thanh Phần, chúng tôi ghé vào thăm nhà Phú. Trước, nhà chỉ vò võ mỗi hai mẹ con. Bà cụ mẹ Phú nay đã già, lưng còng, đang bế cháu ngồi ngoài hè, có ý nhường ghế trong nhà cho chúng tôi. Thấy chúng tôi vào sân, bà cụ đứng dậy chào. Khuôn mặt bà đọng nhiều vết nhăn, vẫn đầy vẻ cam chịu như ngày xưa. Phú đích thân bưng từng đĩa khoai lang nóng hổi mời chúng tôi ăn. Nước chè xanh sóng sánh thơm ngát, hớp một hớp, đọng lại dư âm chan chát nơi đầu lưỡi. Phú bảo, chưa bao giờ anh cảm thấy sung sướng đến thế. Chúng tôi trêu chọc anh, đùa cợt anh, anh hớn hở gật đầu nhận hết, với vẻ "nhẫn nhục" chưa từng có. Anh xin phép nói đôi lời trước lúc chia tay, đại ý, tuần sau đám cưới con út anh, nếu các bác nào tiện đường ghé qua dự được, xin mời.

Trên đường về, ngồi trên ô-tô, Thúy Liên thì thầm kể chuyện ngày xưa Phú "láo" như thế nào. Phú trông thấy bọn con gái đi tắm gội ở giếng về, liền tra khảo: "Cái gì đây?". Các bạn gái ngoan cường trả lời: "Về mà hỏi em gái mày ấy!". Chắc Phú hồi ấy trông ngầu quá, không bạn nào dám mắng Phú là "đồ mất dậy!". Chuyện của Thúy Liên chưa hết. Nhân nhắc đến đề tài "đỉa", các bạn gái chăm chú lắng nghe Thúy Liên kể, bạn Thành có lần bị đỉa xâm phạm thân thể, phải tiến hành tiểu phẫu thuật như thế nào. Bọn con trai có nghe được chỉ là đồ nghe lỏm!
*
* *
Rời Thanh Phần, chúng tôi đưa thầy Âu, thầy Quốc, cô Dậu về nhà. Sau đó, cả đoàn ghé nghĩa trang Văn Điển thắp hương cho Đăng Thảo. Chú Khuông cũng đi cùng chúng tôi. Lọ tro của Thảo đặt ở Nhà số 1, khu Hóa thân Hoàn Vũ. May quá, chúng tôi đến trước giờ đóng cửa 20 phút. Thúy Liên cầm một bó hoa cúc vàng tươi và một bó nhang với vàng mã vào khấn. Việt Hà bảo, bạn Thảo rất thiêng, ai xin gì được nấy. Nhưng chớ xin giống nhau. Với lại, phải đợi mọi người ra hết, chỉ còn một mình mình với Đăng Thảo thì hẵng xin. Duy Đông nghe nói thế, chờ những giây phút cuối cùng cầm một nén hương lẻn vào phía trong. Ba bạn gái đốt vàng mã cho Thảo. Thảo ơi! Xin cậu phù hộ độ trì cho các chú phụ trách, các thầy cô giáo, các cô chú bảo mẫu, y bác sĩ, cấp dưỡng, tiếp phẩm, quản lý, cùng toàn thể học sinh Trường 15 có sức khỏe, vui tươi, có cuộc sống ấm no đầy đủ, Thảo nhé!
*
* *
Hơn năm giờ chiều, chúng tôi về đến Hà Nội. Vợ chồng Khánh Bảo có nhã ý mời tất cả mọi người ghé qua nhà chơi "cho biết nhà". Đến đó, tào lao thêm gần một tiếng đồng hồ nữa. Tạm biệt Khánh Bảo, các bạn từ trong Nam ra lại rủ đi ăn tối. Chúng tôi gọi một nồi cá chép om dưa và chuyện trò không dứt.

Tưởng đã hết, nào ngờ ngày chủ nhật hôm sau, chúng tôi lại tụ tập. May quá, vợ Sơn Hà "bận" đi học lái xe! Sơn Hà "bù đắp thiệt hại" hai cuộc tương phùng lỡ hẹn hôm qua bằng cách mời mọi người qua nhà ăn bữa trưa. Chí Đức khéo tay mua thịt chó về, được Việt Hà khen "hạp nhất Chí Đức cái món này!". Khoảng chục người ngồi ăn bún thịt chó, uống hết hai chai rượu Tây. Đang ăn thì vợ Sơn Hà gọi điện thoại về kiểm tra tình hình. Sơn Hà ung dung cầm ống nghe hắng giọng: "Đây rồi! Hả, tụ tập tại nhà cho nó sướng, ra quán làm gì? Tối nay mấy giờ em về? Bẩy giờ? Sớm thế? Chín giờ hẵng về!" rồi cười hề hề, giải thích "vợ mình là chúa ghét tụ tập". Duy Đông rút điện thoại bấm tí tách, gọi các bạn nữ đến. Lương "Đen" nhắn bạn gái Vũ Dũng tới nhận quà, đồng thời ra mắt làm quen, do Vũ Dũng mới thay thận, người còn yếu, muốn lắm mà không bay ra được. Chúng tôi rời phòng ăn, chuyển cả ra phòng khách. Thúy Liên, Bế Hà, Bích Hạnh lần lượt kéo tới. Ngọc Hà đang bận việc nhà, dặn qua điện thoại "cả hội cứ ngồi đấy đến 3 giờ đợi tớ với nhé!".

Cô gái bạn Vũ Dũng tên Hằng đeo kính cận, hiền lành, còn trẻ nhưng ứng xử khá tự nhiên. Cả hội cùng nâng cốc chúc mừng dịp gặp mặt. Sơn Hà lấy máy ảnh ra chụp vài pô kỷ niệm. Hai giờ chiều, Lương "Đen" gọi điện vào Sài Gòn cho Vũ Dũng "Sao, ngủ nữa hả? Thôi, chịu khó đi! Lúc này có đông đủ anh chị em, lại có cả Hằng nữa. Cố gắng nói chuyện với từng người trước nhé, rồi nói chuyện với Hằng sau cùng". Bạn Lương kể, trước hôm bay ra Bắc, đột nhiên Vũ Dũng gọi điện thoại bảo "mày đến tao ngay". Tới nơi, đã thấy Vũ Dũng mặc bộ pi-gia-ma chực sẵn ngoài cổng. "Mày cho tao ra siêu thị với!", "Ra siêu thị sao lại ăn mặc thế này? Kỳ chết đi được!", "Ngồi xe hơi, sợ gì?", "Nhưng xe tao đang trục trặc kỹ thuật. Mày lên thay đồ, tao lấy xe máy đưa mày đi". Một lát sau, Vũ Dũng thay đồ nghiêm chỉnh, lại "tân trang sắc đẹp" nữa. Hai người đi ra siêu thị. Lương "Đen" chợt nhớ ra, hỏi "ủa, thế mày ra siêu thị làm gì?", "Tao không ra dự hội 6-3 được, tiếc đứt ruột. À, sắp đến là 8-3. Tao tính ra siêu thị mua chút quà cho Hằng". Vừa kể, Lương "Đen" vừa rút ra một gói quà nhỏ và trao cho Hằng. Cô gái đứng lên đưa hai tay đỡ gói quà có buộc nơ cẩn thận. Bên ngoài có một mảnh giấy nhỏ ghi những nét chữ run run. Sơn Hà chớp thời cơ chụp ngay một pô về làm "vật chứng". Chí Đức chua thêm, Vũ Dũng viết bằng tay trái nên không được đẹp.

Mọi người giục Duy Đông làm một cử chỉ gì đấy ga-lăng một tí: tặng hoa, chúc tụng, ôm hôn thắm thiết... Duy Đông mỉm cười hỏi lại: "Đố mọi người biết, trong ngày này, chị em thích anh em mình tặng hoa gì nhất?". "Hoa hồng", ai đó thốt lên. Không thấy Duy Đông nói năng gì. "Hoa đồng tiền". Tầm thường quá, không phải. "Hoa sen", "Gần đúng rồi đấy!", Đông bảo. Nhiều ý kiến nữa phát ra, song chả có ý kiến nào thỏa mãn Duy Đông. Cuối cùng, Duy Đông hấp háy mắt, bí hiểm nói :"Hoa súng". Một chút thoáng suy nghĩ, không phải ai cũng hiểu ra ngay. Khi hiểu ra (thì toàn con nhà bộ đội cả!), ai cũng cười xòa. Được cái, các bạn gái đã qua cái tuổi đỏ mặt.

Mọi người vẫn tiếp tục trò chuyện rôm rả, nhưng lại có mối quan tâm mới: ảnh đâu rồi nhỉ? Rất nhiều máy ảnh, cả loại cơ học lẫn kỹ thuật số, được sử dụng trong chuyến đi hôm trước, vậy mà các thợ ảnh vẫn chưa thấy xuất trình được tác phẩm của mình. Mọi người liên tục nháy máy cho Đỗ Bình, "phó nháy trưởng" của cả hội. Ngày mai, bốn bạn bay về Sài Gòn mất rồi, phải có ảnh chứ. Gọi mãi thì phó nháy cũng phải đến, và khi tới nơi, phó nháy cất tiếng phân trần oang oang từ ngoài cửa, là mình vừa phải đi chụp ảnh cho đám ma!!! Thế rồi ảnh được bày ra, cả ảnh chụp của máy Duy Đông nữa. Cả bọn lại được một phen cười nói ầm ĩ, bình phẩm các tác phẩm mới ra lò. Có lẽ ngộ nhất là ảnh chụp ở ngoài giếng làng trước lúc đoàn về. Anh bạn Phú cả đời mới kiếm được một dịp may như vậy, bèn len ngay vào giữa hai bạn gái, khoác vai trông rất tình củm.

Cuộc vui tưởng chừng như không biết đến khi nào mới tàn, nhất là khi chủ nhà Sơn Hà vác thêm rượu ra. Tiếng cười đùa không ngớt. Bốn mươi năm trước, bố bảo, đố anh nào dám ho he bắt chuyện– chứ đừng nói "cợt nhả"– với bạn gái. Và ngược lại! Giờ đây hình như là thời điểm các anh các chị cố gắng nói nốt suất của hồi xưa.

Nhưng giời đi vắng cũng chẳng được lâu. Cánh cửa bỗng bật mở, và bà chủ đích thực của ngôi nhà hiên ngang bước vào. Một vị khách ghé tai Sơn Hà: “ Sao bảo đến tối em mới về? “. Song lúc này, Sơn Hà dường như đã biến thành con người khác, không "hùng dũng" như hồi trưa nữa, mà đã ngoan như một chú cún con, ngồi khép nép bên cạnh bà vợ, kính cẩn giới thiệu tên từng vị khách (xin lỗi Sơn Hà).

Đã đến lúc ra về. Mọi người chia tay nhau, bịn rịn, lưu luyến. Chằng có năm nào đông vui như năm nay. Thôi hẹn năm sau gặp lại, nhưng ở Hà Nội hay Sài Gòn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét