15/2/10

Việt nam qua con mắt của các bậc trí thức lão thành

TTST BND: Hầu hết khán giả VTV3 đã xem chương trình "Thày trò ngày gặp lại" kéo dài suốt 4 - 5 tiếng đồng hồ đều khó kìm nén được xúc động khi xem những hình ảnh thắm đượm tình nghĩa sâu nặng giữa những người thày Liên Xô và học trò Việt Nam, quan hệ giữa họ cũng thể hiện tình hữu nghị cao cả giữa hai đất nước Xô - Việt và lòng biết ơn vô bờ của lưu học sinh Việt Nam với những người thày ở Liên Xô xưa.

Từ Phương Hồng

Có một người trò cũ của bà giáo Zoia Petrovna, một trong 19 cô gái mà bà không bao giờ quên dù đã gần 40 năm đã qua, chính là chị Ngô Phương Hồng, thành viên của Trại trẻ xưa của chúng ta; Còn anh Hoàng Tuấn Vũ ở Ucraina lại là người đưa đón, ráp nối với các thày cô bên Nga, góp phần không nhỏ cho cuộc gặp thành công.

Mời các bạn đọc bài của anh Tuấn Vũ đã đăng trên tờ báo Thời Nay (ấn bản mới của báo Nhân Dân), ảnh trong bài chụp cô giáo Zoia khi đi chơi thăm Việt nam vừa qua do chị Phương Hồng cung cấp:


Âm hưởng của cuộc gặp gỡ Thầy trò Xô - Việt vẫn còn tiếp tục làm rung động hàng triệu trái tim người Việt trên cả thế giới. Nước mắt của ngày hội ngộ, nước mắt của lòng biết ơn, nước mắt của bao kỷ niệm vui buồn mà nửa thế kỷ đã qua đi nhưng không hề bị phai mờ. Nứơc Nga, con người Nga và văn hoá Nga đã trở thành một bộ phận không thể chối bỏ trong lịch sử cận đại của Việt Nam.

Những đợt lạnh kéo dài tại Ucraina không hề làm giảm đi những ký ức nóng hổi của các Thầy cô giáo già vừa trở về từ Việt Nam. Trên sân ga Kharkov, dưới cái lạnh âm 20 độ, Tôi vừa khiêng đỡ chiếc vali của giáo sư Chervanhov vừa hỏi vị giáo sư già 74 tuổi:

- Ông chắc mệt lắm phải không?

- Không hề. Tôi như trẻ lại chục tuổi. Mọi người ở nhà cứ lo cho tôi, nào huyết áp, nào tim mạch nhưng suốt 10 ngày ở Việt Nam tôi luôn cảm thấy khoẻ mặc dù chương trình rất căng thẳng, hầu như không có ngày trống. Thăm quan tất cả các danh lam thắng cảnh của Hà nội, rồi vịnh Hạ Long, rồi cố đô Huế…Gặp gỡ không biết bao con người, từ Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến những bà bán hàng rong ngoài vỉa hè. Người tôi bây giờ còn sực nức mùi Việt Nam.

- Tôi cảm thấy Hà Nội gần gũi hơn cả…Matxcova – Giáo sư Mikhain Ivanovich Bonđarenko, hiệu trưởng học viện kinh doanh, chia sẻ với nhóm phóng viên chúng tôi mấy ngày sau khi trở lại Kharkov ngay trong căn phòng làm việc bừa bộn của ông. Những chồng ảnh chụp, những món quà lưu niệm trong suốt chuyến đi được ông bày cả lên mặt bàn làm việc to rộng . Ông cầm từng bức ảnh lên và say sưa thuyết minh quên cả thời gian và cả cái tuổi 76 của mình : “ Hiệu trưởng trường Tổng hợp mang tên Karazina đã có lệnh triệu tập ba giáo sư chúng tôi vừa từ Việt Nam về để nghe thuyết trình thu hoạch sau chuyến đi. Chúng tôi sẽ có những đề xuất lên Hiệu trưởng về việc tái khởi động lại những đề án hợp tác trong lĩnh vực đào tạo chuyên gia. Nhiều lĩnh vực còn bỏ trống, cần phải đầu tư chất xám không thì rất lãng phí”.

- Ông có thể cho biết, liệu ông có thấy nước Ucraina cần phải học tập Việt Nam ở điểm nào không? – Cô phóng viên Valentina đưa ra một câu hỏi bất ngờ ngay đối với cả chính tôi. Tôi quan sát diễn biến tình cảm trên khuôn mặt đã điểm nhiều đồi mồi của vị giáo sư già , người đã giúp đào tạo hàng trăm chuyên gia cho Việt nam.“ Thầy đi học lại trò - Thật là một câu hỏi rất hóc, chạm ngay đến lòng tự trọng của người Thầy, long tự trọng của dân tộc – Tôi trộm nghĩ và lấy một tấm ảnh ở trên bàn lên giả bộ chăm chú xem. Mấy phút im lặng trôi qua. Có lẽ, đây là những phút căng thẳng nhất trong suốt 2 giờ phỏng vấn. Trong phòng chỉ vang lên tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường. Vị giáo sư già hơi cúi đầu suy nghĩ, mái tóc bạc trắng rơi xuống che lấp đi vầng trán cao và rộng.

- Xin lỗi, tôi nói ra điều này không phải vì có anh là người Việt nam ở đây, tôi muốn nói với đồng bào của tôi, những độc giả sẽ đọc bài phỏng vấn của các bạn, và tôi cũng sẽ nói với Hiệu trưởng và các vị quan chức : Chúng ta phải ngả mũ học tập Việt Nam trên rất nhiều phương diện!

Tôi ngỡ ngàng vì câu trả lời của một trí thức có thâm niên công tác và bề dày kinh nghiệm sống đồ sộ. Nhưng rồi tôi cũng chợt hiểu ngay ra rằng, đất nước Ucraina sẽ còn tiến xa bởi nhờ có đội ngũ trí thức như ông giáo sư đang ngồi đây và các thế hệ học trò kế cận . Tuy tuổi tác đã gần bát thập, nhưng không hề thủ cựu, vẫn khiêm tốn học hỏi kể cả học tập ngay chính những người mà mới cách đây không lâu còn là học trò của mình. Họ chính là những hạt muối của đất nước này mặc cho bão táp chính trị có vần vũ trên bầu trời. Họ chính là những người gieo mầm cho những vụ mùa lúa mì bội thu. Tôi chợt nhớ đến câu nói của một triết gia Hy Lạp cổ đại : “ Tôi không sợ kẻ mạnh nhưng lại kiêu căng, tôi sợ những con người khiêm tốn ”.

- Có lẽ điều đầu tiên bao trùm lên tất cả là chủ nghĩa yêu nước của người dân Việt Nam – Giáo sư Matvei Nikolaievich trầm ngâm nói - Thiếu yếu tố này thì không một dân tộc nào có thể tự đứng lên trên đôi chân của mình được. Tôi lần đầu tiên đến Việt Nam, cảm giác đầu tiên là thấy đâu đâu cũng xây dựng, đất nước là cả một công trường. Tốc độ phát triển có thể nói là chóng mặt.

Khi đến thăm khu di tích Quốc tử Giám, ông Bonđarenko đã thắc mắc hỏi người hướng dẫn viên, tại sao gọi là Văn Miếu ( Bảo tàng Văn học) ? Theo ông nên đổi tên thành Bảo tàng Tri thức. Chiều sâu văn hoá của các tấm bia tiên sĩ đặt trên lưng rùa khiến các vị khách rất cảm phục tinh thần hiếu học của dân tộc Việt nam. Ngay sau buổi giao lưu, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Ngọc Thiện đã mời các thầy giáo của đoàn Ucraina thăm cố đô Huế và có buổi gặp mặt riêng 39 cựu sinh viên của trường Tổng hợp quốc gia Kharkov khoa chính trị kinh tế học.

Từ thành phố Đônhét, chúng tôi nhận được những lá thư chia sẻ cảm tưởng của giáo sư Sivokobulenko V.F của trường đại học bách khoa. Sau buổi giao lưu trên truyền hình hôm 17 tháng 01, Nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã mời riêng thầy giáo của mình đến nhà riêng để trò chuyện thân mật. “ Đây là chuyến thăm Việt nam lần thứ 3 của tôi – ông Vitali Feđôrovch kể - Lần đầu tiên năm 1962 -1964 đến làm việc tại công trình thuỷ điện Uông Bí. Lần thứ hai năm 2004 trong thành phần của đoàn đại biểu trường bách khoa theo lời mời của Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An. Mỗi lần đến lại một lần ngạc nhiên vì sự thay da đổi thịt trên đất nước Việt Nam. Tôi không còn nhận ra được thủ đô Hà nội. Thành phố đã bắt đầu vươn lên những toà nhà chọc trời…

Từ Phương Hồng

Chúng tôi ra thăm đảo Tuần Châu ở Hạ Long, tôi đã đi hơn 30 nước trên thế giới những chưa ở đâu được mục sở thị một khung cảnh thiên nhiên đẹp như ở đây. Chúng tôi tham quan làng chài sống trên biển, cả trường học sơ cấp cho trẻ em từ lớp 1-3 trên mặt nước…”.

Từ Phương Hồng

Người cuối cùng mà chúng tôi phỏng vấn là bà Zoia Petrovna, giáo viên tiếng Nga đã nghỉ hưu tại thành phố Xlaviansk. Những dòng chữ còn rất khoẻ khoắn và đẹp trong bức thư bà gửi lên qua xe buýt cho chúng tôi nói lên một cá tinh trẻ trung, xông xáo của người phụ nữ đã 75 tuổi : “ Tôi thật không ngờ, cuối đời mình còn có may mắn đi thăm Việt Nam. Tôi vô cùng cảm ơn đất nước Việt Nam, cảm ơn những người tổ chức chương trình này, đặc biệt là Tập đoàn Technocom, Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov và tỉnh Đônhét đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi hết sức chu đáo. Mười ngày ở Việt Nam là mười ngày kỳ diệu nhất trong đời tôi. 19 cô gái học sinh của tôi đã đưa tôi đi khắp đất nước, từ Hà nội đến thành phố Hồ Chí Minh. Một người bạn Việt Nam tên là Hoàn tham gia làm chương trình cùng đi với tôi ra Vịnh Hạ Long ngay hôm sau buổi truyền hình trực tiếp kể lại rằng, suốt cả đêm anh không chợp mắt được vì các cú điện thoại của bạn bè và người quen từ khắp các nước trên thế giới : Mỹ, Úc, Pháp, Sinhgapua… gọi về chúc mừng sự thành công vang dội. Đi đến đâu cũng có người nhận ra và bước tới hỏi thăm, ôm hôn và cảm ơn chân thành, thậm chí đến tận lúc ra sân bay Nội Bài quay trở lại Ucraina…”

Hoàng Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét