04/10/2013 20:45
(TNO) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần vào hôm nay 4.10.2013, thọ 103 tuổi. Đại tướng qua đời vào cuối giờ chiều 4.10, tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị lâu nay.
>> Truyền thông quốc tế ca ngợi huyền thoại Võ Nguyên Giáp>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên>> Võ Nguyên Giáp: Vị tướng tài chào đời mùa nước lũ
Thanh Niên Online xin giới thiệu bài viết Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp đến bạn đọc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
Trong cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có rất nhiều quyết định quan trọng, đưa ông vào hàng "những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử" (từ của Peter MacDonald, một vị tướng kiêm sử gia người Anh). Nhưng việc thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh giải quyết nhanh" chuyển sang "Đánh chắc tiến chắc" - một thay đổi đưa đến chiến thắng tuyệt đối trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 - được coi là quyết định to lớn và "khó khăn" nhất cuộc đời ông. Thanh Niên giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của đại tá PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự VN, để thấy rõ hơn về bản lĩnh quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tại sao lại là Điện Biên Phủ?
Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất, nhưng vào mùa thu năm 1953, nó hoàn toàn không có trong kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh của ta và cả trong Kế hoạch Navarre của Pháp. Kế hoạch của quân viễn chinh Pháp
Do chiến sự diễn ra nhanh chóng, một đơn vị bộ đội ta hành quân lên Tây Bắc để tiến công giải phóng thị xã Lai Châu, vị trí còn lại cuối cùng của Pháp ở Tây Bắc, nhằm giải phóng hoàn toàn vùng này. Lo sợ quân ta sau khi làm chủ vùng Tây Bắc chiến lược rộng lớn, sẽ thừa thắng đánh sang Thượng Lào rồi đánh xuống Trung Lào, Hạ Lào, xuống đông bắc Campuchia, rồi quặt vào miền Trung Trung Bộ..., Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương là Nava vội vã cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ trong các ngày 20-21.11.1953 nhằm lập một trung tâm chốt chặn đường tiến của bộ đội ta lên Lai Châu và sang Lào.
Về mặt địa lý chiến lược, Điện Biên Phủ - có cánh đồng Mường Thanh, là nơi có địa hình rộng lớn và bằng phẳng nhất ở Tây Bắc. Lòng chảo Điện Biên Phủ có chiều rộng từ 6-8 km, dài 15-17 km, được chính Tổng chỉ huy Navarre đánh giá là căn cứ lục quân, không quân tốt nhất ở miền bắc Đông Dương, rất thuận tiện cho việc xây dựng tập đoàn cứ điểm phòng thủ.
Không những thế, bộ chỉ huy Pháp còn tính toán rằng, ở Điện Biên Phủ, nơi cách Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 300 đến 500 km đường chim bay, chỉ có đường quốc lộ số 6 từ Hà Nội đi qua Hòa Bình, Sơn La lên, thì việc đảm bảo vũ khí, đạn dược hậu cần, lương thực thuốc men... cho hàng vạn người chiến đấu trong một thời gian dài, là điều rất khó, nếu không nói là không thể thực hiện được. Sở dĩ như vậy là vì Bộ chỉ huy Pháp cho rằng quân ta chủ yếu vận chuyển bằng đôi vai và các phương tiện thô sơ như xe đạp thồ, ngựa thồ, thuyền mảng, nếu có đi theo đường số 6 thì sẽ bị máy bay của Pháp ném bom chặn đánh.
Hơn nữa, hình thức tập đoàn cứ điểm đã được phía Pháp áp dụng xây dựng trong đông xuân 1951-1952, tại thị xã Hòa Bình, trong chiến dịch Hòa Bình; tại Nà Sản (10.1952), trong chiến dịch Tây Bắc, nhưng bộ đội ta đều không đánh được, trái lại bị tổn thất nặng, thì với tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được xây dựng kiên cố, quân đông (16.000), nhiều vị trí và trung tâm đề kháng (49 cứ điểm, 8 trung tâm đề kháng), lại có cầu hàng không tiếp tế liên tục với số lượng lớn..., từng được viên Tổng chỉ huy tiền nhiệm của Navarre là Salan đánh giá là "Nà Sản lũy thừa 10", được Bộ chỉ huy Pháp coi là bất khả xâm phạm. Nếu bộ đội ta có liều lĩnh đánh vào thì tập đoàn cứ điểm trở thành "cái nhọt hút độc", là "cái cối xay thịt" chủ lực Việt Minh. Chính vì thế, cả Pháp và Mỹ đều rất chủ quan, thậm chí còn cho thả truyền đơn "thách tướng Giáp tiến công" Điện Biên Phủ.
Điểm hẹn lịch sử
Về phía ta, nhận được tin quân Pháp nhảy dù chiếm và xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm, T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng đây là cơ hội tốt để ta tiêu diệt địch, đánh bại ý chí tiếp tục chiến tranh của chúng. Vì thế, tuy chưa chuẩn bị cho một trận đánh lớn, mà đang tập trung huấn luyện, củng cố ở khu vực Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ..., nhưng rất nhanh chóng, phần lớn các đại đoàn chủ lực của ta được lệnh lên đường nhằm hướng Điện Biên Phủ.
Xuất phát từ quan điểm chiến tranh nhân dân, với khẩu hiệu "Tất cả cho Điện Biên Phủ", hàng chục vạn dân công các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa đã được huy động làm đường, vận chuyển hàng cho chiến dịch. Cũng với niềm tin tưởng rằng trải qua 8 năm kháng chiến, bộ đội ta đã trưởng thành về mọi mặt: quân số, tổ chức, trang bị vũ khí, cách đánh..., có đủ khả năng đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của thực dân Pháp, giáng một đòn quyết định, sớm kết thúc chiến tranh.
Vì thế, một cách không tự giác, nhưng lại có tính logic trong tiến trình chiến tranh, đã đến lúc cả hai bên tham chiến đều nhận thấy cần có một trận đánh quyết định để kết thúc chiến tranh. Tuy rằng, trong kế hoạch, Navarre chủ trương đến mùa thu 1955 mới kéo quân ra miền Bắc giao đấu trận quyết định với chủ lực ta sau khi đã bình định xong Nam Bộ và "thanh toán" được vùng tự do Liên khu 5, nhưng trước bối cảnh của thế bị động chiến lược, phải đối phó với đòn tiến công của ta nhằm phá khối cơ động chiến lược - xương sống của Kế hoạch Navarre, viên Tổng chỉ huy Pháp đã có một quyết định táo bạo - nhưng lại là quyết định sai lầm lớn nhất trong cuộc đời nhà binh - cầm quân của ông ta.
Ngày 3.12.1953, Navarre quyết định chấp nhận giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ. Chỉ 3 ngày sau, ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng họp mở rộng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua kế hoạch tác chiến ở Điện Biên Phủ do Tổng Quân ủy trình bày.
Điện Biên Phủ trở thành điểm hẹn mang tính lịch sử một cách nhanh chóng trong vòng 2 tuần, nếu chỉ tính từ ngày 20.11.1953, khi những lính dù Pháp đầu tiên được ném xuống vùng lòng chảo thanh bình và trù phú này, nhưng thực chất đó là kết quả của cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, ác liệt của quân và dân ta.
Chủ trương viện trợ cho Việt Nam chống Pháp, Đảng, Chính phủ Trung Quốc đã cử Bí thư Tỉnh ủy, Chính ủy trong Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc La Quý Ba sang Việt Nam làm đại diện liên lạc giữa hai T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc và T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương (3.1950). Tháng 7.1950, Trung Quốc đã cử ông Trần Canh, lúc đó đang là Phó tư lệnh Quân khu Tây Nam kiêm Tư lệnh Quân khu Vân Nam, sang giúp cuộc kháng chiến của Việt Nam, chuẩn bị mở chiến dịch Biên giới thu đông 1950.
Đến giữa tháng 8.1950, các thành viên Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc lần lượt sang Việt Nam, do ông Vi Quốc Thanh, lúc đó đang là Chính ủy Binh đoàn số 10 kiêm Chủ nhiệm Ủy ban quân quản thành phố Phúc Châu, làm Trưởng đoàn kiêm Bí thư Đảng ủy; ông Mai Gia Sinh làm Phó đoàn phụ trách Tham mưu trưởng, Đặng Dật Phàm là Phó đoàn phụ trách Chủ nhiệm Chính trị.
|
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà
Truyền thông quốc tế ca ngợi huyền thoại Võ Nguyên Giáp
"Vị tướng huyền thoại", "người đánh bại nước Pháp và nước Mỹ" là những cụm từ xuất hiện dày đặc trên báo chí quốc tế vào đêm nay, 4.10, khi đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp lìa trần.
Hãng AFP đã lập tức ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử" và là kiến trúc sư cho chiến thắng chống Pháp và chống Mỹ.
Hãng tin Pháp trích phát biểu trước đây của nhà báo Mỹ Stanley Karnow nhận xét "sự lỗi lạc của tướng Giáp trong vai một nhà chiến lược đặt ông vào ngôi đền của những lãnh đạo quân sự vĩ đại", cùng với công tước Wellington, Ulysses S. Grant và tướng Douglas MacArthur.
Tương tự, hãng Reuters nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế kỷ 20 của Việt Nam, xếp ngang với những người khổng lồ quân sự như Montgomery, Rommel và MacArthur.
Với sự nhanh nhạy đáng kinh ngạc, tờ The Washington Post chạy hẳn một bài viết dài hơn 3.000 chữ để viết về cuộc đời của vị tướng huyền thoại, người được tờ báo Mỹ ca ngợi là "bậc thầy quân sự người Việt Nam".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Chủ tịch Fidel Castro tại Cuba trong một lần sang thăm đất nước này - Ảnh: Lê Quân chụp lại từ triển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Giáo sư, Anh hùng Lao động, nhà văn hóa Vũ Khiêu tại nhà riêng - Ảnh: Lê Quân chụp lại từ triển lãm ảnh
"Cùng với lãnh tụ Cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh, người từ trần năm 1969, và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người từ trần năm 2000, Đại tướng Giáp được tôn kính như là một trong những nhà lập quốc ở quê hương ông. Với các học giả quân sự trên toàn thế giới, ông là một trong những nhà thực hành chiến tranh du kích cách mạng hiện đại hàng đầu", tờ The Washington Post viết.
Hãng AP mô tả "tướng Giáp là một anh hùng dân tộc, người mà di sản chỉ xếp thứ hai sau người thầy của ông, Chủ tịch lập quốc Hồ Chí Minh, người dẫn dắt đất nước giành độc lập".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã nhanh chóng chia buồn và loan báo thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời - nhà chiến lược quân sự lỗi lạc từng nói với tôi rằng chúng ta là những "kẻ thù danh dự"", ông McCain, cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh Việt Nam và bị bắt làm tù binh, viết trên Twitter.
Công Chính
|
LOẠT BÀI "ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ BẢN LĨNH VÕ NGUYÊN GIÁP
|
>> Những hình ảnh cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh
>> Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
>> "Tôi đang dịch sách về Võ Nguyên Giáp"
>> "Ba chữ Võ Nguyên Giáp đã hút hồn tôi"
>> 21 ngày với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Phải làm cho nước ta vừa anh hùng, vừa giàu mạnh">> Báo Anh ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp
-----
Tướng Đồng Sĩ Nguyên nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thứ Bảy, 05/10/2013 00:12
(NLĐO)- Trao đổi với Báo Người Lao Động tối 4-10 ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cho biết ông vừa gặp vị Đại tướng là người anh lớn của mình đúng 1 ngày trước đó.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (phải) thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2009 - Ảnh: PetroTimes
Trao đổi với Báo Người Lao Động tối ngày 4-10, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự tầm cỡ thế giới, một nhân cách lớn.
* Phóng viên: Xin ông cho biết cảm giác của mình khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh tối cao, người "Anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa ra đi mãi mãi?
- Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Tôi luôn xem Đại tướng như người anh lớn của mình. Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi đúng một ngày tôi có được gặp anh lần cuối. Lúc đó, anh đã mệt lắm rồi, không thể trò chuyện được lời nào.
Dù biết anh đã yếu lâu nay nhưng tối nay (ngày 4-10 - PV) khi nghe tin Đại tướng lâm chung, một cảm giác mất mát vô cùng lớn lao ập đến, gắn với đó là những ký ức hào hùng, chan chứa tình cảm mà anh em cùng nếm trải trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đất nước, dân tộc, nhân dân ta vô cùng vinh dự khi có một danh tướng lẫy lừng trên thế giới là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hôm nay (ngày 4-10), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã mất đi một vị Đại tướng tài ba lỗi lạc, một danh tướng ở tầm thế giới. Đây là sự mất mát, việc buồn của cả đất nước, của cả dân tộc ta.
* Trong thời khắc tiếc thương này, ông nhớ nhất kỷ niệm nào trong cuộc đời binh nghiệp của mình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
- Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đời binh nghiệp của mình cũng như trong cuộc sống thường ngày. Ở đây tôi chỉ xin nói đến 2 ấn tượng và kỷ niệm vô cùng sâu đậm với Đại tướng trong cả quãng đời làm người lính cụ Hồ của tôi.
Thứ nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng là người quyết định việc chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc". Kỷ niệm thứ hai là ở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Đại tướng cũng là "tác giả" của chiến lược "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa" để giải phóng Miền Nam ruột thịt, thống nhất Tổ quốc.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng có hỏi tôi: "Để thần tốc vào miền Nam mất bao nhiều thời gian?". Tôi trả lời nếu tất cả cùng hành quân bằng ô tô thì mỗi quân đoàn di chuyển chỉ mất 5 ngày. Nghe xong Đại tướng nói: "Tuyệt vời" và quyết định xuất 3 quân đoàn vào tham chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ đó đã có đường Hồ Chí Minh kịp thời phục vụ cho chiến dịch vĩ đại của dân tộc và hoàn thành sứ mệnh vô cùng xuất sắc. Công lớn của đường Hồ Chí Minh là công lớn của Đại tướng.
Cả hai chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã thể hiện sự thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
* Thưa ông, sự ra đi của Đại tướngVõ Nguyên Giáp là mất mát lớn của nhân dân, của đất nước, vậy ngoài việc tổ chức quốc tang thì Nhà nước, quân và dân ta cần có nghĩa cử tôn vinh như thế nào?
- Toàn quân, toàn dân để tang Đại tướng. Nhưng để tôn vinh Đại tướng thì trong những ngày rất đau buồn này, toàn quân, toàn dân hãy cùng bày tỏ sự kính trọng ông bằng tấm lòng và những hành động tốt đẹp, nghĩa cử cụ thể trong mỗi công việc, việc làm của mình.
Tôn vinh một người anh hùng dân tộc, có công lớn trong việc thống nhất đất nước chính là xây dựng đất nước này ngày càng vững mạnh, tiếp tục công cuộc đổi mới, gia sức bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thế Dũng Thực hiện
Đối với người phương Tây, Võ Nguyên Giáp có lẽ là một hiện tượng đặc biệt trong quân sử thế giới. Ông là vị tướng châu Á được các sử gia và nhà bình luận quân sự phương Tây nhắc đến nhiều nhất từ sau Thế chiến II.
Hết lời ca ngợi
Hiện nay không biết đã có bao nhiêu sách báo và tài liệu quân sự viết về Võ Nguyên Giáp, nhưng ít nhất đã có trên 120 quyển sách nói về ông, hay chính ông viết ra được dịch sang các thứ tiếng nước ngoài (Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Nhật, Ả Rập...và được phổ biến rộng rãi trong các tiệm sách và thư viện. Những sách viết về Võ Nguyên Giáp phần lớn do những nhà văn, nhà báo không nhiều thì ít có thiện cảm với ông Võ Nguyên Giáp và phong trào cộng sản."Những sách viết về Võ Nguyên Giáp phần lớn do những nhà văn, nhà báo không nhiều thì ít có thiện cảm với ông Võ Nguyên Giáp và phong trào cộng sản. "
Trợ giúp của Trung Quốc
Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954), các sử gia Pháp thường xuyên nhắc nhở đến Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn 1946, khi quân Pháp vừa trở lại Việt Nam và đã có những cuộc gặp gỡ với ban tham mưu của Hồ Chí Minh, như một thư sinh đi theo kháng chiến không có gì đáng ngại. Tuy nhiên tất cả đều lấy làm tiếc cuộc thương lượng với phe Việt Minh, do đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo, không tyành công dẫn đến cuộc chiến khốc liệt tại Đông Dương trong suốt thời gian từ 1946 đến 1954. Thật ra lúc đó chính quyền thuộc địa Pháp không đánh giá cao khả năng quân sự của phe Việt Minh. Vào thời điểm 1946, lực lượng quân sự của phe Việt Minh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chỉ có khoảng 40 chi đội, với trên dưới 50.000 dân quân du kích, thiếu trang bị và thiếu huấn luyện.Lòng chảo Điện Biên
Sau này giới quân sự Pháp thường nhắc nhở tới những mưu chước của Pháp dụ dỗ quân đội Việt Minh vào bẫy để tiêu diệt như tại Vĩnh Yên, Đông Triều, Ninh Bình, Nghĩa Lò, Đông Khê, Đường số 4, nhưng không được. Ngược lại, chính quân đội Pháp đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề và đã phải rút lui khỏi các địa điểm chiến lược trên vùng Thượng Du Bắc Việt. Trước sự lớn mạnh của phe Việt Minh, giới quân sự Pháp quyết định mở ra một địa bàn chiến lược khác tại khu lòng chảo Điện Biên Phủ để dụ quân Việt Minh vào tròng để dội bom tiêu diệt. Ý đồ này đã được các chiến lược gia và tướng lãnh Pháp nghiên cứu tỉ mỉ. Cũng nên biết vào thời điểm này phe Việt Minh đã chiếm gần như toàn bộ khu vực Trung Lào và Nam Lào, nếu ngăn chặn được đường tiếp tế của phe Việt Minh tại Điện Biên Phủ thì Pháp sẽ triệt hạ dễ dàng lực lượng Việt Minh tại Lào. Với nhận định như thế, bộ chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương dồn nỗ lực củng cố địa bàn Điện Biên Phủ. Tại đây, với hỏa lực sẵn có, quân Pháp vừa làm chủ trên không vừa làm chủ những đường tiếp tế trên bộ.Ngoài trí tưởng tượng
Nhưng ước muốn là một chuyện thực hiện được hay không là chuyện khác. Sau này giới quân sự và chiến lược gia Pháp đã viết rất nhiều sách và tài liệu nghiên cứu sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ. Tên của Võ Nguyên Giáp cũng được thường xuyên nhắc tới như một đối thủ nguy hiểm, cần triệt hạ. Tác giả những bài viết này đều không ngờ khả năng điều động lực lượng dân công của Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ. Khi nhắc tới Võ Nguyên Giáp, những chuyên gia quân sự phương Tây thường nhắc tới một vị tướng không có chiến lược chiến đấu nhưng lại thắng tất cả mọi trận chiến. Các chiến lược gia Pháp không ngờ phe Việt Minh đã có khả năng huy động một lực lượng dân công hùng hậu (hàng chục ngàn người) từ các vùng đồng bằng lân cận lên vùng Điện Biện cách đó hàng trăm cây số. Kinh ngạc nhất là sáng kiến tháo gỡ từng bộ phận rời của những khẩu đại bác và súng ống hạng nặng và để vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe thồ (xe đạp), xe bò, gồng gánh các loại vũ khí và đạn dược, ngày đêm băng rừng, vượt suối và leo núi để mang lên các đỉnh đồi chung quanh Điện Biên Phủ, lắp ráp và tấn công quân Pháp.Đáng giá không đúng mức?
Nếu Võ Nguyên Giáp là một người sinh trưởng tại các quốc gia phương Tây, chắc chắn ông đã đón nhận tất cả những vinh hạng của một vị anh hùng, một vị tướng tài ba. Rất tiếc ông là một người Việt Nam và, hơn nữa, là một đảng viên cộng sản, tất cả những vinh dự đó đã không thể hiện đúng mức."Các sử gia và dư luận phương Tây nễ trọng ông Võ Nguyên Giáp vì ông là vị tướng "không tốt nghiệp một trường võ bị nào và cũng không bắt đầu sự nghiệp quân sự bằng một chức vụ sĩ quan nào", nhưng đã đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ"
Quê hương Quảng Bình từ xa xưa đã lưu truyền trong dân gian câu dân ca "Tháng bảy nước chảy lên bờ." Tháng bảy âm lịch là mùa lũ lụt quê tôi. Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời đúng mùa mưa lũ vào ngày 2 tháng 7 năm Tân Hợi, dương lịch là ngày 25.8.1911, trong một cái chòi cao cất tạm dưới gốc cây mít cổ thụ sau vườn nhà để tránh mưa to nước lớn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam duyệt binh trên Quảng trường Ba Đình - Ảnh tư liệu TTXVN |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I Quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải Phóng quân (22/12/1944) - Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: TTXVN |
Theo TTXVN
LOẠT BÀI "ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ BẢN LĨNH VÕ NGUYÊN GIÁP"
|
>> Những hình ảnh cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh
>> Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
>> "Tôi đang dịch sách về Võ Nguyên Giáp"
>> "Ba chữ Võ Nguyên Giáp đã hút hồn tôi"
>> 21 ngày với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Phải làm cho nước ta vừa anh hùng, vừa giàu mạnh">> Báo Anh ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp
John McCain: Tướng Võ Nguyên Giáp và chúng tôi là "kẻ thù danh dự"
Lê Cường (theo BBC,AP,AFP)
Thứ sáu 04/10/2013 23:24
(GDVN) - Truyền thông quốc tế đưa tin về sự qua đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự kính trọng hiếm thấy, đáng chú ý, Thượng nghị sỹ John McCain viết trên tài khoản mạng xã hội cá nhân: Tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời. Một chiến lược gia quân sự tài ba, người từng nói với tôi rằng chúng ta là những "kẻ thù danh dự".
- Võ Nguyên Giáp và Catherine Karnow: cuộc gặp không thể quên
- Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm, chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Tết dưới mái nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Trưng bày 200 ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh cấp cao
New York Times: Ông là một người rất lôi cuốn và hoạt bát, một nhà quân sự uyên bác và một người theo chủ nghĩa dân tộc quyết liệt. Ông có thể dùng sức hút của bản thân để lên tinh thần cho quân sỹ, làm bùng cháy trong họ sự sẵn sàng cống hiến cho đất nước. Những người hâm mộ ông đặt ông ngang hàng với MacArthur, Rommel và những chỉ huy quân sự vĩ đại khác của thế kỷ 20.
Trang Baidu, Trung Quốc cũng đưa thông tin từ báo chí Việt Nam. Trang này nói rằng truyền thông Trung Quốc gọi Tướng Giáp là một người bạn của Trung Quốc.
Bloomberg: Sự chuyển mình của Tướng Giáp, từ một nhà cách mạng chống đế quốc đến một chính khách cao tuổi được kính trọng phản ánh sự chuyển mình của Việt Nam.
Vào năm 1995, Việt Nam đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, nước giờ đây là thị trường hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Hãng thông tấn AP: "Võ Nguyên Giáp, vị tướng tự đào tạo tài ba, người đã đánh đuổi quân Pháp ra khỏi Việt Nam, giải phóng nước này khỏi chế độ thực dân và sau đó khiến người Mỹ phải từ bỏ nỗ lực cứu vãn Việt Nam khỏi chủ nghĩa cộng sản, đã qua đời.
Ở tuổi 103, ông là người chiến binh cách mạng cuối cùng thuộc thế hệ lão thành của Việt Nam."
Một tiến sỹ từ Paris viết: Một vinh hạnh không kém là Tướng Giáp được sự quí trọng của hai vị đại tướng tài ba trong quân đội Pháp và Mỹ, đối thủ của ông, đó là các ông Raoul Salan, chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương thời điểm 1951-1953, và William Westmoreland, chỉ quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam thời điểm 1968-1972.
Phóng viên Nguyễn Hùng của BBC tiếng Việt kể về kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
"Tôi cũng có chút kỷ niệm về Tướng Võ Nguyên Giáp. Hồi năm 1995, khi vừa bước chân vào nghề báo, tôi đã được giao đi đưa tin về cuộc gặp của Tướng Giáp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara ở Hà Nội. Hai người gặp nhau với vẻ hồ hởi nhưng ông McNamara đã toát mồ hôi hột sau đó vì 'bài giảng' về chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc gặp Tướng Giáp khẳng định không có chuyện quân đội Việt Nam tấn công tàu Hoa Kỳ hồi tháng Tám năm 1964 vốn khiến Hoa Kỳ sau đó quyết định tham chiến ở Việt Nam..."
Hãng thông tấn AP dẫn lại lời tướng Giáp trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2005:
"Chưa từng có một cuộc chiến giành chủ quyền nào lại ác liệt và gây nhiều tổn thất như cuộc chiến này". "Nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu bởi vì đối với Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập tự do."
Thượng nghị sỹ John McCain viết trên tài khoản mạng xã hội cá nhân: Tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời. Một chiến lược gia quân sự tài ba, người từng nói với tôi rằng chúng ta là những "kẻ thù danh dự".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Một bức hình khá hiếmcủa AP, chụp tướng Giáp thảo luận kế hoạch hành quân cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1950. |
Thượng nghị sỹ John McCain |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn về quan hệ Việt - Mỹ
VOV.VN- Bài phỏng vấn của tờ Los Angeles Times với Đại tướng được thực hiện năm 1994 khi Mỹ chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
Người thực hiện cuộc phỏng vấn là John T. McAlister lúc đó là một giáo sư về chính sách công và kinh tế của trường Đại học Princeton và Standford. Ông là tác giả của cuốn sách "Việt Nam: Nguồn gốc cách mạng".
VOV online xin giới thiệu bài phỏng vấn của GS McAlister:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận được rất nhiều sự kính trọng từ GS. McAlister (Ảnh AFP) |
Trong gần 50 năm qua (kể từ năm 1994) các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam và Mỹ đã trải qua những mối quan hệ đầy phức tạp và khó khăn.
Vào năm 1944, Mỹ đã ủng hộ rất tích cực việc Việt Nam giành được độc lập từ tay Pháp. Tuy nhiên, ngay sau đó, Washington đã trở nên đối địch với cuộc cách mạng được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự đối nghịch này thậm chí còn vượt quá cả sự ủng hộ ban đầu của nước này.
Vào những năm 60 của thế kỷ 20, sự căng thẳng trong mối quan hệ này của hai nước đã bị thổi bùng lên bởi sự chống cộng kịch liệt đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh dai dẳng nhất trong lịch sử nước này.
20 năm sau cuộc chiến tranh với Việt Nam, các nhà lãnh đạo ở Washington và Hà Nội cuối cùng cũng dàm phán về việc nối lại quan hệ thương mại. Việc gỡ bỏ cấm vận của Mỹ là một bước tiến quan trọng giúp kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong suốt 50 đó, có một người đàn ông vẫn đóng vài trò trung tâm trong mọi sự kiện quan trọng diễn ra giữa hai nước. Ông chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người thành lập lên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào năm 1944.
Ông cũng là người đã đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 2/9/1945.
Tại thời điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sỹ cách mạng Việt Nam vẫn nhận được sự giúp đỡ tích cực từ những sỹ quan Mỹ nhằm thiết lập một nền độc lập tại Việt Nam.
20 năm sau, quân đội Mỹ có thể cảm nhận rõ ràng sự giận dữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi phản ứng về việc Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam.
Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, tướng Giáp đã đánh gục "tâm lý" của người Mỹ khi "điều binh khiển tướng" tấn công vào 68 căn cứ của Mỹ cùng một lúc. Chiến thuật này cũng được ông áp dụng với người Pháp với chiến thuật đào hào bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ 14 năm trước đó.
Thành công của tướng Giáp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có được là nhờ sự hiểu "thấu tâm can" nước Mỹ và mối quan hệ của ông với các sỹ quan Mỹ trong những năm 40 của thế kỷ 20 đã trở thành một kinh nghiệm quý báu đối với ông và vẫn tiếp tục là một phần quan trọng trong các cuộc phỏng vấn của ông cho đến tận ngày hôm nay.
Ngồi trong căn phòng hội thảo tại Viện Những Vấn đề Phát triển do ông làm chủ tịch, tướng Giáp luôn thấy thoải mái khi trích dẫn những câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson, Tổng thống thứ 3 của Mỹ, một phong cách ông học được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
GS. McAlister: Lãnh đạo Việt Nam đã yêu cầu Mỹ gỡ bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam và tái thiết lập quan hệ thương mại và ngoại giao với Việt Nam. Tại sao Việt Nam lại có yêu cầu này?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Gỡ bỏ cấm vận sẽ tốt cho cả Việt Nam và Mỹ. Rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam bởi họ nhận thấy những cơ hội kinh doanh hấp dẫn tại đây.
Rất nhiều đại diện doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đã thực sự "tấn công" vào thị trường này trước cả khi lệnh cấm vận sẽ được gỡ bỏ. Bất chấp những hạn chế của lệnh cấm vận lên hoạt động kinh doanh của mình, sự hiện diện của doanh nghiệp Mỹ thể hiện niềm tin của họ rằng cơ hội kinh doanh ở Việt Nam là rất lớn.
Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đang tăng nhanh thông qua những thương vụ đầu tư lớn từ Đài Loan, Hong Kong, Australia, Hàn Quốc, Pháp và Trung Quốc. Việt Nam hoan nghênh những vụ đầu tư như thế này vì chúng tôi cần được đầu tư để tăng tốc độ phát triển kinh tế của mình. Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ tham gia cùng với các nước khác trên thế giới đầu tư vào kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Có câu nói rằng "Trâu chậm uống nước đục". Nhận thức được sự chậm trễ này, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đề ra quy định hé mở một "cánh cửa hẹp" cho phép doanh nhân Mỹ được tham gia hoạt động tại Việt Nam. Tổng thống Clinton có quyền nối lại đầy đủ quan hệ ngoại giao và thương mại với Việt Nam và tôi kêu gọi ông ấy làm như vậy.
Chính sách cấm vận đã quá lỗi thời. Đây là thời điểm hai nước chúng ta khép lại quá khứ và hợp tác hướng tới một tương lại tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.
GS. McAlister: Tại Mỹ hiện còn có rất nhiều quan ngại về vấn đề quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Vấn đề này được Việt Nam đánh giá như thế nào và Việt Nam đang làm gì để giúp Mỹ giải tỏ nỗi lo lắng này?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi hoàn toàn hiểu được nỗi lo lắng của những gia đình Mỹ có những người thân yêu nhất của họ mất tích trong cuộc chiến tại Việt Nam. Để giúp gỡ bỏ những mối lo này, chính phủ Việt Nam đã làm hết sức mình để có thể cung cấp đầy đủ thông tin về những người Mỹ bị mất tích.
Việt Nam coi vấn đề những người mất tích trong chiến tranh là một vấn đề nhân đạo chứ không phải là một vấn đề chính trị có thể ảnh hưởng đến việc bình thường hóa quan hệ thương mại và ngoại giao giữa hai nước.
Lý do chúng tôi coi vấn đề những người mất tích trong chiến tranh là một vấn đề nhân đạo là bởi chúng tôi cũng đang tìm kiếm những người Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Số người mất tích trong chiến tranh của Việt Nam (khoảng 300.000 người) nhiều gấp hàng trăm lần của Mỹ. Những gia đình Việt Nam cũng rất đau khổ vì những mất mát của họ và họ cũng đang tìm kiếm mọi thông tin có thể, cũng giống như những gì những gia đình Mỹ đang làm./.
Trần Khánh/VOV online
Theo LA Times
Hãng thông tấn Mỹ nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
VOV.VN - "Võ Nguyên Giáp là một anh hùng dân tộc với di sản chỉ sau người thầy của mình, vị Chủ tịch khai sinh ra nước Việt Nam mới".
Được mệnh danh là một "Napoleon đỏ", ông nổi bật với tư cách là tư lệnh của đội quân các du kích đi dép lốp và kéo từng khẩu pháo qua núi cao vực sâu vào bao vây rồi nghiền nát quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến thắng dường như không thể đạt được này, hiện vẫn được nghiên cứu tại các trường quân sự, đã dẫn tới không chỉ nền độc lập của Việt Nam mà còn đẩy nhanh sự sup đổ của chủ nghĩa thực dân trên khắp cõi Đông Dương và nhiều nơi khác.
Ông Võ Nguyên Giáp sau đó tiến lên đánh đổ chế độ ngụy ở miền Nam Việt Nam (do người Mỹ dựng lên và hậu thuẫn) vào tháng 4/1975, thống nhất đất nước đã bị chia cắt làm 2 miền từ năm 1954.
"Không có cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nào lại ác liệt và gây nhiều thương vong như cuộc chiến này," ông Giáp nói với hãng tin AP vào năm 2005 trong 1 phỏng vấn với truyền thông nước ngoài nói về đêm trước lễ kỷ niệm thứ 30 đại thắng 30/4.
"Nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu bởi vì đối với Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập tự do," AP dẫn lời ông Võ Nguyên Giáp trích dẫn lại câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tướng Giáp vẫn rất sắc sảo và am tường các vấn đề chính trị và thời sự cho tới khi ông nhập viện. Bước qua tuổi 90, ông vẫn tiếp các lãnh đạo thế giới, những người chụp ảnh cùng ông và nhận các cuốn sách của ông Giáp cùng thủ bút của vị tướng này khi họ tới thăm nhà riêng của ông tại Hà Nội.
Sinh năm 1911 ở tỉnh Quảng Bình, ông Giáp tham gia hoạt động chính trị vào những năm 1920 và tham gia làm báo trước khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông bị tù một thời gian ngắn vào năm 1930 do lãnh đạo các cuộc biểu tình chống Pháp.
Năm 1944, Võ Nguyên Giáp theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh đã tổ chức và lãnh đạo các lực lượng du kích chống lực lượng Nhật chiếm đóng trong Thế chiến 2. Sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh 1 năm sau đó, lực lượng Việt Minh tiếp tục đấu tranh giành độc lập từ tay Pháp.
Tướng Giáp chưa bao giờ được đào tạo quân sự bài bản. Ông thường đùa mình đã học học viện quân sự "bụi cây".
Tại chiến trường Điện Biên Phủ, đội quân Việt Minh của ông đã gây bất ngờ cho lực lượng Pháp tinh nhuệ bằng cách bao vây họ. Đào hàng trăm kilômét hào, quân Việt Nam đã kéo được trọng pháo qua núi sâu đèo cao rồi từ từ khép chặt vòng vây trong trận đánh dữ dội 55 ngày kết thúc bằng việc người Pháp đầu hàng vào ngày 7/5/1954.
"Nếu một dân tộc quyết tâm đứng lên, thì họ sẽ rất mạnh," Võ Nguyên Giáp nói với các nhà báo nước ngoài năm 2004 trước lễ kỷ niệm thứ 50 chiến dịch lịch sử này. "Chúng tôi rất tự hào rằng Việt Nam là nước thuộc địa đầu tiên đã đứng dậy được và tự mình giành lại độc lập."
Đây là sự kiện cuối cùng dẫn tới sự rút lui của người Pháp và Hiệp định Paris tạm thời chia tách Việt Nam làm 2 miền.
Vị tướng Việt Nam đã rút kinh nghiệm từ chiến thắng Điện Biên Phủ để sáng tạo ra Đường mòn Hồ Chí Minh, một mạng lưới bí mật trong rừng rậm uốn lượn qua cả các nước láng giềng Lào và Campuchia để tăng viện quận cho mặt trận phía nam.
Lực lượng của tướng Giáp lại giành chiến thắng, lần này là trước quân Mỹ với vũ khí tối tân và máy bay ném bom chiến lược B-52.
"Chúng tôi phải lấy nhỏ thắng lớn, lấy vũ khí lạc hậu đánh bại vũ khí hiện đại," ông Giáp nói. "Rốt cuộc, chính nhân tố con người đã quyết định chiến thắng."
Sử gia Stanlay Karnow, từng phỏng vấn Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội vào năm 1990, đã trích dẫn lời ông như thế này: "Chúng tôi không đủ mạnh để đẩy nửa triệu quân Mỹ ra khỏi nước chúng tôi, nhưng đó không phải là mục tiêu của chúng tôi. Ý định của chúng tôi là đập tan ý chí của chính phủ Mỹ muốn tiếp tục cuộc chiến tranh".
"Với chiến thắng 30/4, nô lệ đã trở thành những người tự do," Tướng Giáp nói. "Thật không thể tin được".
Sau chiến tranh và trải qua một số chức vụ, ông Giáp nghỉ hưu ở Hà Nội, viết hồi ký và dự các buổi lễ quốc gia, thường mặc quân phục với cầu vai gắn sao vàng.
Ông tổ chức các buổi họp báo, đọc các chú thích viết tay, và thỉnh thoảng trả lời các câu hỏi bằng tiếng Pháp, trong các buổi lễ kỷ niệm các sự kiện thời chiến tranh. Ông mời các nhà báo nước ngoài đến nhà gặp gỡ các vị khách nổi tiếng và thường hôn lên hai má của 1 nữ phóng viên AP lâu năm ở Hà Nội.
Võ Nguyên Giáp cập nhật tin tức thế giới và đã đưa ra lời khuyên về cuộc chiến của người Mỹ ở Iraq hồi năm 2004. Ông nói với các phóng viên rằng, "bất cứ lực lượng nào muốn áp đặt ý chí của mình lên các dân tộc khác đều nhất định thất bại".
Tướng Giáp đã tiếp rất nhiều quan chức nước ngoài, bao gồm người bạn người đồng chí Fidel Castro của Cuba. Năm 2003, cặp đôi này ngồi chuyện trò tại nhà Giáp và cười vang bên dưới bức chân dung của Vladimir Lenin.
Cựu thù của đại tướng Giáp, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, đến thăm ông vào năm 1995. Ông hỏi về một chương gây tranh cãi trong Chiến tranh Việt Nam, đó là sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964 trong đó tàu khu trục Mỹ giả vờ bắn vào tàu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – đây là cái cớ để Quốc hội Mỹ leo thang cuộc chiến tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm nói trên, ông McNamara hỏi tướng Giáp điều gì đã xảy ra vào đêm đó (năm 1964). Tướng Giáp trả lời: "Tuyệt đối không có gì cả".
Tướng Giáp kỷ niệm sinh nhật thứ 100 vào năm 2011. Đã rất yếu và khó nói, nhưng ông vẫn ký 1 bức thiệp cảm ơn các đồng chí đã gửi lời chúc sinh nhật tới ông. Và tại thời điểm đó, ông vẫn tiếp tục được cập nhật tin tức về tình hình quốc tế và trong nước, Đại tá Nguyen Huyen - thư ký riêng của ông Giáp trong 35 năm nói.
Cuối đời, ông Võ Nguyên Giáp khuyến khích mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ - bắt đầu bình thường hòa vào năm 1995 và đã trở thành đối tác thương mại gần gũi của nhau.
Năm 2000, Tướng Giáp nói: "Chúng tôi có thể gác lại quá khứ… Nhưng chúng tôi không thể quên hoàn toàn quá khứ được."/.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ vào tháng 9/1945 ngay sau Cách mạng tháng Tám (ảnh: AP) |
Tướng Giáp năm 1984 (ảnh: Getty Images) |
Tướng Giáp tiếp Fidel Castro |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người rất hâm mộ Tướng Giáp cùng nghệ thuật quân sự của ông (ảnh Reuters chụp năm 2006) |
Trung Hiếu/VOV online
Theo AP
Võ Nguyên Giáp - Thầy giáo trường Thăng Long
Chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp chỉ về quê một thời gian ngắn rồi tìm cách ra Vinh để tiếp tục chí hướng của mình.
Sau cuộc khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh bị thất bại, thực dân Pháp ra sức khủng bố trắng. Tháng 10 năm 1930, Võ Nguyên Giáp cùng với nhiều người bị bắt, trong đó có thầy Đặng Thai Mai và một số bạn ở trường Quốc học Huế. Võ Nguyên Giáp bị kết án hai năm tù giam.
Cuối năm 1930, do Hội Cứu tế đỏ của Pháp đấu tranh đòi thả tù chính trị. Chính quyền Pháp ở Đông Dương buộc lòng phải nhượng bộ, thả một số tù chính trị, trong đó có Võ Nguyên Giáp và Đặng Thai Mai. Thầy Mai thôi dạy trường Quốc học Huế, trở về Vinh, Nghệ An còn Võ Nguyên Giáp bị giải về quản thúc ở quê nhà.
Chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp chỉ về quê một thời gian ngắn rồi tìm cách ra Vinh để tiếp tục chí hướng của mình. Với sự giúp đỡ của thầy Mai, anh đã kiếm được việc làm tạm thời.
Năm 1932, thầy Mai chuyển ra dạy học ở Hà Nội. Anh cũng ra theo thầy. Con đường học vấn của anh bị gián đoạn. Anh đã rời ghế nhà trường từ năm thành chung thứ hai. Vì vậy anh quyết dành 10 tháng học thi tú tài phần nhất, với tư cách thí sinh tự do. Và anh đã đỗ hạng ưu.
Võ Nguyên Giáp bắt đầu dạy học tại trường Thăng Long cùng với thầy Đặng Thai Mai. Học trò của thầy Mai, thầy Giáp sau này nhiều người đỗ đạt cao, trở thành những nhà trí thức có uy tín và có người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.
Năm 1936, ở Pháp, Mặt trận Bình dân lên nắm quyền, buộc chính quyền thuộc địa ở Đông Dương phải thực hiện một số cải cách dân chủ. Võ Nguyên Giáp đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh công khai của Đảng.
Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, anh viết cho nhiều tờ báo của Đảng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp và anh trở thành Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.
Sức làm việc của Võ Nguyên Giáp hết sức kỳ lạ. Anh có thể viết suốt 24 giờ liền cho toàn bộ một số báo Le Travail, để hôm sau đưa đến nhà in, kịp thời phát hành.
Cuối năm 1939, Chính phủ bình dân Pháp bị đánh đổ, nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung đang đứng trước nguy cơ đe dọa của chủ nghĩa phátxít. Ở Đông Dương, nhà cầm quyền thực dân đàn áp phong trào cách mạng được dịp trỗi dậy. Ngày đêm chúng lùng sục, bắt bớ tra tấn nhiều chiến sĩ cộng sản.
Chính vào lúc này, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng Sản Đông Dương, khuyên Võ Nguyên Giáp nên ra nước ngoài, nơi anh có dịp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mà anh từng ngưỡng mộ.
Trong thời gian dạy học ở trường Thăng Long, Võ Nguyên Giáp xây dựng gia đình với người em ruột của nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai là Nguyễn Thị Quang Thái, người mà anh quen trên chuyến xe lửa Vinh-Huế.
Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay cảm tình đặc biệt. Người nữ sinh xinh đẹp ấy có điều gì đó thu hút tâm hồn anh, dáng vẻ hiền dịu nhưng không kém phần kiên nghị, bất khuất, đôi mắt thông minh, đầy quyến rũ.
Ngày Quang Thái vào học trường Đồng Khánh, Huế, tình yêu giữa hai người nảy nở và kể từ đó, người thiếu nữ ấy đã bước vào đời anh. Và rồi họ gặp nhau trong nhà tù đế quốc. Cũng chính trong thời gian ở tù, Võ Nguyên Giáp càng hiểu Quang Thái hơn.
Mùa hè 1940, anh lên đường ra nước ngoài để lại người bạn đời, người đồng chí, Nguyễn Thị Quang Thái và một cháu gái mới sinh là Võ Hồng Anh, sau này trở thành một nữ tiến sỹ vật lý xuất sắc. Chị Thái hẹn, khi con cứng cáp sẽ đi thoát ly hoạt động. Nhưng cả hai không ngờ lần chia tay này cũng là lần vĩnh biệt. Chị Thái bị giặc Pháp bắt giam và chết ngay trong ngục tù.
Như một định mệnh, đến Vân Nam, Trung Quốc, Võ Nguyên Giáp được gặp ngay Nguyễn Ái Quốc, lúc này đã mang tên Hồ Chí Minh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Bác đã thấy Võ Nguyên Giáp là người cần cho chặng đường cách mạng sắp tới. Bác liên hệ với Đảng cộng sản Trung Quốc và cử anh đi học quân sự tại căn cứ địa Diễn An.
Trên đường tới Diễn An, anh được Bác gọi quay lại vì tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn. Ở châu Âu, phátxít Đức đã xâm chiếm Pháp. Bác nhận định tình hình Đông Dương sẽ chuyển biến nhanh. Cần gấp rút trở về nước chuẩn bị đón thời cơ.
Năm 1941 đúng dịp tết Nguyên đán Tân Tỵ, Võ Nguyên Giáp cùng Bác trở về Cao Bằng. Trong thời gian ở hang Pác Pó, Bác tiên đoán cách mạng sẽ thành công vào năm 1945, một dự đoán thiên tài của lãnh tụ Hồ Chí Minh./.
Trần Huyền Thương (TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
_____
LOẠT BÀI "ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ BẢN LĨNH VÕ NGUYÊN GIÁP
>> Kỳ 1: Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
>> Kỳ 2: Phương án "đánh nhanh giải quyết nhanh"
>> Kỳ 3: Băn khoăn của tư lệnh chiến dịch
>> Kỳ 4: Quyết định lịch sử của Đại tướng
>> Kỳ 5: "Đánh chắc" và chiến thắng
Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
Phương án "đánh nhanh giải quyết nhanh"
04/05/2010 2:33
Bác Hồ giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh tư liệu của Viện bảo tàng quân sự (T.Sơn chụp lại) |
Thay đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc" được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là "quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi". Lúc đó ông mới 43 tuổi.
Trách nhiệm nặng nề của "tướng quân tại ngoại"
Trong kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị, thời gian chiến dịch dự kiến diễn ra trong 45 ngày, đã được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Do còn giải quyết một số công việc, ông ra mặt trận sau. Đoàn cán bộ đi trước có thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch. Phía đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc có ông Mai Gia Sinh, Tham mưu trưởng.
Vào giữa tháng 12.1953, tham mưu chiến dịch của ta đã cơ bản xây dựng xong kế hoạch tác chiến chiến dịch cụ thể, với sự giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ký: "Anh Thái báo cáo phương án đánh Điện Biên Phủ đã được chuẩn bị, chờ tôi lên để thông qua. Đây sẽ là lần đầu bộ đội ta mở một cuộc tiến công quy mô lớn vào một tập đoàn cứ điểm với một vạn quân. Cán bộ, chiến sĩ ta đã được chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm... Trận đánh sắp tới sẽ là một thử thách lớn chưa từng có đối với ta trong chiến tranh. Ta đã chọn chiến trường rừng núi là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để tiêu diệt địch. Nhưng Điện Biên Phủ không hoàn toàn là rừng núi. Ở đây có cánh đồng lớn nhất Tây Bắc. Rất nhiều cứ điểm nằm trên cánh đồng. Bộ đội ta sẽ phải tiến hành nhiều trận đánh với quân cơ động có máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ trên địa hình bằng phẳng giống như ở đồng bằng. Nếu kẻ địch chấp nhận trận đánh ở Điện Biên Phủ, thì đây cũng là chiến trường do chúng lựa chọn... Trận đánh này ta không được phép thua. Phần lớn tinh hoa của bộ đội chủ lực trong tám năm kháng chiến đều tập trung ở đây. Những vốn liếng vô cùng quý giá, nhưng cũng thực ít ỏi. Từ năm 1950 bắt đầu mở chiến dịch lớn tới mùa xuân này, vẫn là những đơn vị ấy, những con người ấy. Tôi đã thuộc từng trung đoàn, từng tiểu đoàn, từng đại đội chủ công, biết những cán bộ đại đội, trung đội, chiến sĩ đã lập công xuất sắc. Đã thấy rõ mọi người lên đường lần này đều sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng. Nhưng nhiệm vụ của chiến dịch không chỉ là giành chiến thắng, mà còn phải giữ được những vốn quý cho cuộc chiến lâu dài...". (Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký, NXB QĐND, H, 2006, tr.913, 914).
Ngày 5.1.1954, trước khi lên đường ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ ở Khuổi Tát. Bác hỏi: "Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?" Đại tướng trả lời: Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị. Bác động viên: "Tổng tư lệnh mặt trận, "tướng quân tại ngoại"! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau".
Khi chia tay, Người dặn dò Đại tướng: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Vị tư lệnh chiến dịch "cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng".
Tại sao chọn "đánh nhanh"?
Ngày 12.1.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh và một số cán bộ cùng đến sở chỉ huy thì được biết phía ta và cố vấn đã thống nhất sẽ nổ súng mở màn chiến dịch vào ngày 20.1, với phương châm là "đánh nhanh giải quyết nhanh" trong vòng 3 đêm 2 ngày. Đây là điều Đại tướng chưa nghĩ tới, như ông viết trong hồi ký: "...Tôi vẫn cho rằng đánh nhanh không thể giành thắng lợi, nhưng chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn. Cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, tôi đồng ý triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu. Tôi nói với đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Chánh văn phòng của Bộ, sự cân nhắc của mình, dặn theo dõi tình hình, nghiên cứu, suy nghĩ thêm, và chỉ được trao đổi riêng với tôi về vấn đề này. Tôi chỉ thị cho đồng chí Cao Pha, Cục phó Cục 2, điều tra thật cẩn thận những vị trí trên cánh đồng hướng tây, nơi được coi là sơ hở, ta sẽ dùng mũi thọc sâu đánh vào, và yêu cầu phải báo cáo hàng ngày những hiện tượng như tăng quân, củng cố công sự của địch...". (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.919)
Vì sao lại đề ra phương châm tác chiến "đánh nhanh, giải quyết nhanh"? Đại tá Hoàng Minh Phương - nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, trong chiến dịch Điện Biên Phủ nguyên là cán bộ phiên dịch tiếng Trung Quốc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - giải thích: "Trên đường ra mặt trận, ông Thái (Hoàng Văn Thái) thận trọng bàn với ông Mai Gia Sinh dừng ở Nà Sản nghiên cứu vì sao năm 1952 ta đánh không thành công? Ông Mai nói ta không thành công vì đánh theo lối "bóc vỏ", tập trung đánh một điểm của địch nhưng không có lực lượng chế áp pháo binh nên bị pháo địch quần xung quanh, cùng không quân tập trung ném bom. Kiểu ấy không chiếm được tập đoàn cứ điểm mà có chiếm cũng không giữ được. Ông Mai nói lần này đánh "moi tim" và phải đánh nhanh, nếu không tranh thủ đánh sớm địch sẽ tăng quân củng cố công sự". Vẫn theo đại tá Hoàng Minh Phương: "Tôi tham dự cuộc họp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các thành viên Đảng ủy chiến dịch và cố vấn. Ông Đặng Kim Giang, phụ trách hậu cần mặt trận bảo: Tranh thủ đánh sớm, Điện Biên Phủ mỗi ngày quân ăn 50 tấn gạo. Dân công gánh tải gạo từ Thanh Hóa lên đến kho tính ra chỉ còn 1-2 kg mỗi người. Ta chỉ có 628 xe Liên Xô viện trợ, đường độc đạo bị nó đánh ghê nhất là ở đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi. Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm thì nói: Bộ đội ngại đi Tây Bắc. Chưa cần nói đến vắt, bọ chó, muỗi, thì tâm lý anh em đã là thích đánh đồng bằng. Lên đến đây họ muốn đánh sớm còn về xuôi. Đánh nhanh hợp tâm lý bộ đội".
Ngày 14.1.1954, Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập cuộc họp phổ biến kế hoạch tác chiến tại hang Thẩm Púa. Đại tá Hoàng Minh Phương nhớ lại: "Mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên một sa bàn lớn. Cán bộ cao cấp, trung cấp các đại đoàn tham gia chiến đấu đều có mặt như những đại đoàn trưởng, chính ủy đại đoàn: Vương Thừa Vũ, Chu Huy Mân, Trần Độ, Phạm Ngọc Mậu... và nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn đã cùng chiến đấu qua rất nhiều chiến dịch. Ông Giáp hỏi: Có ai thắc mắc gì không? Không ai thắc mắc. Trận này ta có 24 lựu pháo, mấy chục sơn pháo, cối 120 ly, trong lịch sử chiến đấu của quân đội nhân dân, chưa bao giờ có hỏa lực mạnh thế. Mọi người khí thế, tin tưởng, muốn đánh lắm rồi. Bác Giáp sang gặp ông Vi Quốc Thanh bàn, tôi đi dịch. Ông nói: "Tôi với anh bàn ở hậu phương dự kiến đánh chắc, tiến chắc. Ta đã báo cáo với Bác Hồ và Trung ương là đánh 45 ngày. Giờ anh em ở đây định giải quyết trong 3 đêm 2 ngày". Ông Vi là người thận trọng, nhưng cũng bảo: "Tôi thấy anh Mai (Gia Sinh) và anh Thái đi cả tháng trời rồi, đúng là có khi phải đánh nhanh, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội đánh trận này. Mà Đông – Xuân này phải đánh một trận, chả nhẽ kéo năm vạn quân lên đây rồi kéo về tay không". (Chuyện những người làm nên lịch sử, tr.76).
Đại tá Hoàng Minh Phương còn cho biết, trong cuộc họp ngày 14.1 "Cố vấn Mai Gia Sinh đề nghị chiều 20.1 cấp tập hỏa lực, giọt 2.000 viên 105 mm làm tê liệt pháo binh địch, sau đó chuyển làn về sau yểm hộ bộ binh xung phong. Đại đoàn 308 theo kế hoạch sau khi pháo bắn xong cứ xông qua cánh đồng Mường Thanh vào sở chỉ huy địch. Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái thận trọng hỏi: "Đường chưa mở sao đưa pháo vào kịp?". Ông Mai Gia Sinh giải thích chỉ cần mở đường Tuần Giáo đi Mường Thanh để xe GMC kéo pháo, cách Điện Biên 12 km thì hạ càng pháo, dùng sức người kéo pháo vào, nếu làm được tạo nên yếu tố bất ngờ. Nghe cũng có lý. Bên Trung Quốc có kinh nghiệm đánh rồi. Lại hỏi: "Bộ đội tôi chưa quen đánh ban ngày, giờ đánh ngày, địch có máy bay, pháo...". Ông Mai giải thích ta xông vào đêm trước, sáng hôm sau đánh xen kẽ với địch thì máy bay nó không dám ném bom vì chết ta thì cũng chết nó".
Trước những lý lẽ như vậy, trong lúc quân địch chưa đông, hầm hố, công sự chưa kịp củng cố vững chắc, mọi người thống nhất đánh theo phương châm "đánh nhanh giải quyết nhanh". Kết thúc hội nghị, Đại tướng nói: "Giờ ta đánh theo phương án này, nhưng suốt quá trình chuẩn bị phải theo dõi đài địch để có gì mới kịp thời xử trí".
Công binh phá bom nổ chậm mở đường cho quân ta vào Điện Biên Phủ
|
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà
Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
Băn khoăn của tư lệnh chiến dịch
05/05/2010 1:12
Bộ đội kéo pháo vượt rừng núi vào Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu của Viện bảo tàng quân sự (T.Sơn chụp lại) |
Kết luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại cuộc họp ngày 14.1.1954 cho thấy dường như ông không đặt hết tin tưởng vào cách "đánh nhanh giải quyết nhanh", mặc dù ông vẫn tỏ ra tôn trọng ý kiến tập thể.
Điều băn khoăn này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện trong hồi ký: "Từ hội nghị Thẩm Púa tới khi đưa pháo vào trận địa đối với tôi là một thời gian rất dài. Nhiều đêm thao thức. Suy tính, cân nhắc rất nhiều lần, vẫn chỉ tìm thấy rất ít yếu tố thắng lợi. Tôi căn dặn các phái viên đi nắm tình hình, thấy bất cứ điều gì đáng chú ý đều phải báo cáo kịp thời. Mọi người đều phản ánh tinh thần chuẩn bị chiến đấu rất cao của cán bộ, chiến sĩ. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói với tôi trong quá trình chiến đấu, sẽ phải đột phá liên tục ba lần mới vào được trung tâm. Nhưng đây chỉ là sự tính toán công việc phải làm. Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ, đảm nhiệm mũi thọc sâu, hoàn toàn giữ im lặng. Sang ngày thứ chín, hai ngày trước khi nổ súng, đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ, theo dõi việc kéo pháo ở phía Tây, đề nghị gặp tôi qua điện thoại. Anh Kiệt nhận xét: "Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa". (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr. 921, 922).
Điều cần nói thêm ở đây là các khẩu pháo 105 mm của ta được ô tô kéo vào cách trận địa dã chiến từ 9 đến 12 km tùy theo vị trí bố trí. Ngày bắt đầu kéo pháo bằng tay là 15.1.1954, với dự kiến ban đầu là chỉ 4 - 5 ngày pháo sẽ vào nơi bố trí trận địa. Nhưng thực tế lại không như vậy. Do đường mới mở tạm để kéo pháo, lại nhiều đèo dốc, bộ đội chưa có kinh nghiệm kéo các khẩu pháo nặng trên 2 tấn, trong khi máy bay của Pháp liên tục quần lượn, bắn phá, nên tốc độ kéo pháo rất chậm. Đến trước ngày 20.1, ngày dự định nổ súng, pháo vẫn chưa vào đến vị trí, buộc bộ chỉ huy chiến dịch phải lùi ngày nổ súng đến 25.1.1954.
Mặt khác, cứ mỗi ngày trôi qua, tin tức từ ba nguồn: các đơn vị đang triển khai bao vây, từ trinh sát của Bộ và từ tin của địch thu qua vô tuyến điện dồn dập báo về Sở chỉ huy cho thấy quân Pháp đang khẩn trương tăng thêm lực lượng sự bố phòng, đặc biệt là ở các điểm cao phía đông tập đoàn cứ điểm, khiến đại tướng càng thêm suy nghĩ. Ông nhớ lại: "Tôi được biết ở Mường Thanh, quân địch đã có thêm nhiều xe tăng và trên bốn chục khẩu pháo 105 và 155 ly. Ở nhiều cứ điểm, địch đã xây dựng công sự kiên cố. Tôi đặc biệt chú ý hệ thống công sự phụ, những hàng rào dây thép gai và bãi mìn địch không ngừng mở rộng mỗi ngày, có nơi đã rộng tới hơn 100 mét, thậm chí 200 mét. Ngày 24.1.1954, Cục 2 báo cáo, trong ngày địch vừa tăng cường cho Điện Biên Phủ thêm một tiểu đoàn, đưa lực lượng lên tới 10 tiểu đoàn (thực tế lúc đó địch đã có 12 tiểu đoàn). Những cứ điểm phía tây, nơi mũi chính Đại đoàn 308 sẽ đột phá, tuy không mạnh như một số cao điểm, nhưng nằm trên cánh đồng trống, bộ đội không có địa hình ẩn náu, địch dễ sử dụng xe tăng, pháo binh, máy bay và lực lượng phản kích đối phó. Đồng chí Hiếu (Chánh văn phòng Bộ) nhận xét: "Công tác tư tưởng mới nhắc nhiều tới quyết tâm mà ít bàn tới khắc phục những khó khăn trong trận đánh". Gần ngày nổ súng, cơ quan tác chiến báo cáo: trung đoàn trưởng Hoàng Cầm ở 312 đề nghị trả lại bớt pháo, vì được trao quá nhiều pháo! Đây là hiện tượng cần chú ý. Chưa bao giờ một đơn vị đột kích lại từ chối pháo phối thuộc". (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.923)
Sử dụng cách đánh như thế nào cho hiệu quả, vừa hạn chế tổn thất vừa có thể giành thắng lợi, là biểu hiện rõ nhất tài cầm quân của người chỉ huy ngoài mặt trận. Đây lại là trận đánh quyết định. Điều đó khiến vị tư lệnh chiến dịch càng thêm băn khoăn, suy nghĩ. Đại tướng thổ lộ: "Tôi cảm thấy như cả tháng đã trôi qua. Mỗi ngày, tôi càng nhận thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Lời Bác dặn trước lúc lên đường và nghị quyết Trung ương hồi đầu năm lại văng vẳng bên tai: Chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn!".
Đại tướng hồi tưởng: "Đêm ngày 25.1.1954, tôi không sao chợp mắt. Đầu đau nhức. Đồng chí Thùy, y sĩ, buộc lên trán tôi một nắm ngải cứu. Tôi đã hiểu vì sao mọi người đều lựa chọn phương án đánh nhanh? Vấn đề tiếp tế khó khăn chỉ là một lý do. Chúng ta không phải hoàn toàn không có cách khắc phục khó khăn này. Lý do chính là e thời gian chuẩn bị kéo dài, địch sẽ tăng thêm quân, tập đoàn cứ điểm ngày càng mạnh, sẽ làm ta mất cơ hội tiêu diệt địch. Nhiều người cho rằng sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ sẽ làm quân địch choáng váng. Nhưng chúng ta chỉ có vài ngàn viên đạn? Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ với sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Chúng ta cũng không thể giành thắng lợi với bất kể giá nào, vì phải giữ gìn vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài". (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.923, 924).
Ba khó khăn hiện lên rất rõ.
Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều.
Thứ hai, trận này tuy ta không có máy bay, xe tăng, nhưng đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu, mà lại chưa qua diễn tập. Có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào!
Thứ ba, bộ đội ta từ trước đến nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên địa hình bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 15 km, rộng 6-7 km...
Theo đại tướng thì tất cả mọi khó khăn đó đều "chưa được bàn bạc kỹ và tìm cách khắc phục". Nhưng giờ giải quyết ra sao thì chính ông cũng chưa biết rõ...
Tướng Navarre và Cogny kiểm tra công tác bố phòng của quân Pháp
|
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà
Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
Quyết định lịch sử của Đại tướng
06/05/2010 0:15
Tổng quân ủy họp quyết định chủ trương tác chiến tại Điện Biên Phủ - Ảnh tư liệu của Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự (T.Sơn chụp lại) |
Pháo binh đã vào vị trí, các đại đoàn đều có mặt ở tuyến xung phong, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định hoãn trận đánh, dù biết rằng sẽ tác động đến tinh thần bộ đội. Đây thực sự là lúc thể hiện bản lĩnh của một nhà cầm quân lớn.
Kế hoạch bị lộ
"Tôi nhận thấy phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu một cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương án "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc", Đại tướng hồi tưởng (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.924, 925).
Cần nói thêm, mặc dù ta đã kéo hết pháo vào trận địa, nhưng ngày dự định nổ súng (chiều 25.1.1954) được quyết định lùi thêm 24 tiếng nữa, lý do là một chiến sĩ của ta bị địch bắt trước đó, sợ khai ra giờ nổ súng. Sau này, trong quá trình đọc các sách, hồi ký của phía Pháp, chúng tôi thấy đối phương đã nắm rõ ngày, giờ nổ súng của ta.
Về việc này, ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo trong thời gian diễn ra chiến dịch, kể lại: "Đêm 22.1, tôi nhận được tin "Địch biết rất rõ kế hoạch của ta đánh Điện Biên Phủ". Sáng 23.1, sau khi tập hợp tin tức tình báo cả đêm, tôi đến trực tiếp báo cáo với Tổng tư lệnh về việc địch đã có được kế hoạch cụ thể của ta, đánh ở đâu, ngày giờ nào, cách đánh như thế nào. Việc làm của tôi là rất nguy hiểm, vì trong kỷ luật chiến trường, khi Bộ Tổng tư lệnh đã hạ quyết tâm, khi mệnh lệnh đã ban ra thì ở dưới nhất nhất thi hành, cấm tất cả các tướng sĩ không được nói khác đi, làm người chỉ huy nao núng.
Đại tướng nghe báo cáo, không phải đã tin ngay. Một cái rất đặc biệt là ông ra lệnh kiểm tra lại tin này. Trực tiếp tôi phải xác định lại tin này, không được qua báo cáo nữa... Ông Giáp cũng trực tiếp xuống tận lán của tình báo kỹ thuật, yêu cầu nguồn thu được tin địch biết động thái của ta giải thích. Trong các chiến dịch lớn, không bao giờ Tổng tư lệnh lại đi kiểm tra trực tiếp một chuyện nhỏ như thế. Tôi ra sát Điện Biên Phủ, dùng ống nhòm và tai nghe để kiểm tra tình hình, thấy nó vẫn đang nhảy dù xuống. Lúc bấy giờ các tướng lĩnh đã được phái đi đốc chiến hết, ở sở chỉ huy chẳng còn mấy người. Đến chiều, tôi tổng hợp và báo cáo lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi lại khẳng định là địch biết rất rõ kế hoạch của ta và có kế hoạch cụ thể để đối phó... Tôi cứ nhấn mạnh về việc kế hoạch của ta đã bị lộ, Đại tướng không kết luận gì, chỉ nói: "Báo cáo thế là được rồi", nhưng ra lệnh cho tôi không được báo tin đó với bất kỳ ai, nhất là với cố vấn. Các ông cố vấn vẫn luôn xuống chỗ tôi hỏi han tình hình" (Chuyện những người làm nên lịch sử, NXB Chính trị quốc gia, H, 2009, tr.68).
Lui quân
Đại tá Hoàng Minh Phương kể lại: "Sáng 26.1, Đại tướng cho liên lạc gọi tôi lên gặp lúc 5 giờ. Lên đến nơi, thấy ông quấn đầu, ngồi trầm ngâm bên bàn tre. Tôi hỏi: "Anh nhức đầu hay sao mà quấn ngải cứu?". Ông nói: "11 ngày đêm qua mình trăn trở, suốt đêm qua không ngủ, chiều nay trận đánh bắt đầu, nhưng những yếu tố thắng lợi không nắm chắc". Ông bảo tôi báo với Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh là ông sang làm việc sớm".
Cuộc làm việc sáng sớm ngày 26.1 với ông Vi Quốc Thanh được Đại tướng nhớ lại: "Ông Vi Quốc Thanh ngạc nhiên nhìn nắm ngải cứu trên trán tôi. Đồng chí ân cần hỏi thăm sức khỏe, rồi nói: Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình tới lúc này ra sao? Tôi đáp: Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí Trưởng đoàn. Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định... Tôi nói tiếp ba khó khăn lớn của bộ đội, rồi kết luận:
- Nếu đánh là thất bại
- Vậy nên xử trí thế nào?
- Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm "đánh chắc tiến chắc".
Sau giây lát suy nghĩ, đồng chí Vi nói: Tôi đồng ý với Võ Tổng, tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn.
- Thời gian gấp. Tôi cần họp Đảng ủy để quyết định. Và đã có dự kiến cho 308 tiến về phía Luông Pha Băng, bộc lộ lực lượng chừng nào, kéo quân địch về hướng đó, không để chúng gây khó khăn khi quân ta kéo pháo ra...
Cuộc trao đổi giữa tôi với đồng chí Vi diễn ra khoảng hơn nửa giờ. Tôi nghĩ đồng chí Vi sẽ không dễ dàng thuyết phục các chuyên gia đã cho rằng chỉ có đánh nhanh thắng nhanh mới giành thắng lợi". (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.925, 926).
Cuộc họp bất thường của Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ được triệu tập ngay sáng 26.1.1954, chỉ trước giờ dự định nổ súng chừng 10 tiếng đồng hồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Khi tôi quay về sở chỉ huy, các đồng chí trong Đảng ủy đã có mặt đông đủ. Tôi trình bày những suy nghĩ đã có từ lâu chung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau hội nghị Thẩm Púa tới nay, ta vẫn giữ quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh.
Mọi người im lặng một lúc. Anh Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị, phát biểu:
- Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?
Anh Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Cung cấp, nói:
- Tôi thấy cứ giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn. Nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được.
Tôi nói: Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở... Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng, quyết định là phải có cách đánh đúng.
Đồng chí Hoàng Văn Thái nói:
- Anh Văn cân nhắc cũng phải... Nhưng lần này ta có ưu thế về binh lực, pháo 105 và pháo cao xạ xuất hiện lần đầu sẽ tạo bất ngờ lớn, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi.
Trao đổi một hồi chưa đi tới kết luận, cuộc họp tạm dừng một lát. Khi cuộc họp tiếp tục, tôi nói:
- Tình hình khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: Đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi, Bác trao nhiệm vụ: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: "Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?".
Anh Lê Liêm nói: Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời. Ai dám bảo là sẽ chắc thắng trăm phần trăm!
Anh Đặng Kim Giang nói tiếp: Làm sao dám đảm bảo như vậy!
Tôi nghĩ với trận này, ta phải đảm bảo chắc thắng trăm phần trăm.
Bây giờ anh Hoàng Văn Thái mới nói: Nếu yêu cầu chắc thắng trăm phần trăm thì khó...
Lát sau, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.
Tôi kết luận: Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.
Sau đó, tôi phân công cho anh Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đơn vị bộ binh, tôi ra lệnh cho pháo binh và trao nhiệm vụ mới cho 308.
Tôi gọi điện thoại cho pháo binh: Tình hình địch đã thay đổi.
Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh". (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.927, 928).
Đại đoàn chủ công của đồng chí Vương Thừa Vũ cũng nhận được lệnh của Đại tướng nhanh chóng tiến sang hướng Luông Pha Băng (Lào) ngay 4 giờ chiều hôm đó, không được hỏi lý do hoãn nổ súng. Các chỉ huy đơn vị đều triệt để chấp hành mệnh lệnh. Đại tướng kể lại: "Tình hình lúc này không cho phép dùng điện đài báo cáo với Trung ương, ngay tối hôm đó tôi viết thư hỏa tốc đề nghị Bộ Chính trị và Bác cho chuyển sang phương châm "Đánh chắc tiến chắc" quyết giành thắng lợi nhưng chiến dịch sẽ phải kéo dài, cần khắc phục những khó khăn lớn về hậu cần. Đồng chí Nguyễn Công Dinh, một cán bộ tác chiến, được lệnh dùng chiếc xe Jeep duy nhất của cơ quan tham mưu, mang thư đi gấp suốt ngày đêm về khu căn cứ. Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình". (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.929).
Tướng De Castries - Tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ của quân Pháp trong hầm chỉ huy - Ảnh tư liệu của Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự (T.Sơn chụp lại) |
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà
Điện Biên Phủ và bản lĩnh Võ Nguyên Giáp
"Đánh chắc" và chiến thắng
07/05/2010 0:10
Bộ đội xung phong lên đồi Him Lam Ảnh tư liệu của Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự (T.Sơn chụp lại) |
Từ 26.1 đến ngày chính thức nổ súng mở màn chiến dịch 13.3.1954 chỉ hơn một tháng rưỡi, nhưng rất cần thiết và quý giá. Nó quyết định thắng lợi của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Với lực lượng dân công trên 260.000 người, bằng đủ loại phương tiện chuyển chở và quyết tâm cao hơn núi, ta đã khắc phục được khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được, đảm bảo cung cấp đủ vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho 50.000 bộ đội và hàng vạn dân công tại mặt trận, mở hàng chục km đường để đưa pháo vào tận trận địa. Bộ đội ta đã phá tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt, làm bị thương và bắt sống toàn bộ hơn 16.000 quân địch đồn trú tại đây, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của thực dân Pháp, đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh đối phương. Mặc dù tổn thất của địch ở Điện Biên Phủ chỉ chiếm khoảng 4% tổng số binh lực của đội quân viễn chinh Pháp trên toàn Đông Dương, nhưng Pháp vẫn phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Geneve ngày 21.7.1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương. Trở lại việc xác định tác giả thay đổi phương châm tác chiến, hẳn bạn đọc đã rõ là ai sau khi đọc toàn bộ loạt bài này. Những người trong cuộc đã cho chúng ta biết thêm những điều thú vị.
Lời mở đầu trong bài viết trên tờ Le Monde nhân 50 năm trận Điện Biên Phủ (6.5.2004) có đoạn: "Chính ở đó, nửa thế kỷ trước, quân đội Pháp đã gánh chịu một trong những thất bại cay đắng nhất trong lịch sử của mình. Càng cay đắng hơn, khi người Pháp đã chọn Điện Biên Phủ để gài bẫy lực lượng Việt Minh của ông Hồ Chí Minh, nhưng chính nơi này lại khiến họ vào thế bị bao vây. Thất bại thảm hại đánh tiếng chuông báo tử của một đế chế thực dân". |
Lính Pháp bỏ mạng trên đồi C |
Lực lượng hai bên ở Điện Biên Phủ
1. Quân đội Liên hiệp Pháp:- 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính dù) - Có 3 tiểu đoàn pháo 105 mm gồm 24 khẩu, sau đó được tăng viện 4 khẩu nữa - 1 đại đội pháo 155 mm gồm 4 khẩu - 2 đại đội súng cối 120 mm gồm 20 khẩu - 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (có 7 khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng) - 1 tiểu đoàn công binh - 1 tiểu đoàn xe tăng 18 tấn gồm 10 chiếc loại M-24 của Mỹ - 1 đại đội xe vận tải gồm 200 chiếc. Ngoài ra còn có 100 máy bay Dakota C47, 16 chiếc Packet C119 thuộc lực lượng không quân vận tải của Pháp và một số máy bay dân dụng của Mỹ; 168 máy bay ném bom của không quân và hải quân, trong đó có 48 chiếc B26 - Invader; 8 chiếc B24 - Privater; 112 máy bay cường kích các loại như F6F - Hellcat, F8F - Bearcat, Helldiver SB2C, Corsair F4U. Tập đoàn cứ điểm có quân số khoảng 16.000, chia làm 3 phân khu: bắc, trung tâm, nam; với 8 trung tâm đề kháng, tổng cộng là 49 cứ điểm. Có hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm. 2. Quân đội nhân dân Việt Nam: - Có 4 đại đoàn bộ binh (308, 312, 304 và 316) gồm 10 trung đoàn và 1 đại đoàn công binh - pháo binh 351. - Trung đoàn 45 lựu pháo 105 mm gồm 24 khẩu - Trung đoàn 675 sơn pháo 75 mm gồm 24 khẩu - 4 đại đội súng cối 120 mm gồm 16 khẩu - 1 tiểu đoàn gồm 12 dàn hỏa tiễn 6 nòng - H6 - 1 tiểu đoàn ĐKZ 75 mm và súng cối 82 mm gồm 54 khẩu - Trung đoàn 367 pháo cao xạ 37 mm gồm 36 khẩu - Súng máy phòng không 12,7 mm gồm 132 khẩu của các đơn vị pháo cao xạ và bộ binh - 628 xe vận tải, 21.000 xe đạp thồ và 20.000 phương tiện vận chuyển khác - Tổng quân số tham gia chiến dịch khoảng 50.000 người - Số dân công phục vụ chiến dịch hơn 260.000 người - Sử dụng 25.000 tấn lương thực, hơn 900 tấn thịt và hàng ngàn tấn thực phẩm khác. |
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét