-----
Thứ Bảy, 05/10/2013 00:12
(NLĐO)- Trao đổi với Báo Người Lao Động tối 4-10 ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên cho biết ông vừa gặp vị Đại tướng là người anh lớn của mình đúng 1 ngày trước đó.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (phải) thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2009 - Ảnh: PetroTimes
Trao đổi với Báo Người Lao Động tối ngày 4-10, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng), nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự tầm cỡ thế giới, một nhân cách lớn.
* Phóng viên: Xin ông cho biết cảm giác của mình khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh tối cao, người "Anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa ra đi mãi mãi?
- Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên: Tôi luôn xem Đại tướng như người anh lớn của mình. Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi đúng một ngày tôi có được gặp anh lần cuối. Lúc đó, anh đã mệt lắm rồi, không thể trò chuyện được lời nào.
Dù biết anh đã yếu lâu nay nhưng tối nay (ngày 4-10 - PV) khi nghe tin Đại tướng lâm chung, một cảm giác mất mát vô cùng lớn lao ập đến, gắn với đó là những ký ức hào hùng, chan chứa tình cảm mà anh em cùng nếm trải trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đất nước, dân tộc, nhân dân ta vô cùng vinh dự khi có một danh tướng lẫy lừng trên thế giới là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hôm nay (ngày 4-10), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã mất đi một vị Đại tướng tài ba lỗi lạc, một danh tướng ở tầm thế giới. Đây là sự mất mát, việc buồn của cả đất nước, của cả dân tộc ta.
* Trong thời khắc tiếc thương này, ông nhớ nhất kỷ niệm nào trong cuộc đời binh nghiệp của mình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
- Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc đời binh nghiệp của mình cũng như trong cuộc sống thường ngày. Ở đây tôi chỉ xin nói đến 2 ấn tượng và kỷ niệm vô cùng sâu đậm với Đại tướng trong cả quãng đời làm người lính cụ Hồ của tôi.
Thứ nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng là người quyết định việc chuyển từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc". Kỷ niệm thứ hai là ở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Đại tướng cũng là "tác giả" của chiến lược "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa" để giải phóng Miền Nam ruột thịt, thống nhất Tổ quốc.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng có hỏi tôi: "Để thần tốc vào miền Nam mất bao nhiều thời gian?". Tôi trả lời nếu tất cả cùng hành quân bằng ô tô thì mỗi quân đoàn di chuyển chỉ mất 5 ngày. Nghe xong Đại tướng nói: "Tuyệt vời" và quyết định xuất 3 quân đoàn vào tham chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ đó đã có đường Hồ Chí Minh kịp thời phục vụ cho chiến dịch vĩ đại của dân tộc và hoàn thành sứ mệnh vô cùng xuất sắc. Công lớn của đường Hồ Chí Minh là công lớn của Đại tướng.
Cả hai chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã thể hiện sự thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
* Thưa ông, sự ra đi của Đại tướngVõ Nguyên Giáp là mất mát lớn của nhân dân, của đất nước, vậy ngoài việc tổ chức quốc tang thì Nhà nước, quân và dân ta cần có nghĩa cử tôn vinh như thế nào?
- Toàn quân, toàn dân để tang Đại tướng. Nhưng để tôn vinh Đại tướng thì trong những ngày rất đau buồn này, toàn quân, toàn dân hãy cùng bày tỏ sự kính trọng ông bằng tấm lòng và những hành động tốt đẹp, nghĩa cử cụ thể trong mỗi công việc, việc làm của mình.
Tôn vinh một người anh hùng dân tộc, có công lớn trong việc thống nhất đất nước chính là xây dựng đất nước này ngày càng vững mạnh, tiếp tục công cuộc đổi mới, gia sức bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thế Dũng Thực hiện
bbc.co.uk -
Cập nhật: 15:51 GMT - thứ sáu, 4 tháng 10, 2013
Nguyễn Văn Huy
Đối với người phương Tây, Võ Nguyên Giáp có lẽ là một hiện tượng đặc biệt trong quân sử thế giới. Ông là vị tướng châu Á được các sử gia và nhà bình luận quân sự phương Tây nhắc đến nhiều nhất từ sau Thế chiến II.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 40 năm Điện Biên Phủ
Người ta nhắc đến ông không phải vì ông là đồng minh của các lực lượng quân sự phương Tây mà là một đối thủ lợi hại. Ông Võ Nguyên Giáp được coi là người đã làm thất bại tham vọng tại Đông Dương của hai thế lực quân sự hùng cường nhất thế giới là Pháp và Mỹ trong thời điểm từ 1945 đến 1975.
Một vinh hạnh không kém là ông được sự quí trọng của hai vị tướng tài ba trong quân đội Pháp và Mỹ, đối thủ của ông, đó là các ông Raoul Salan (đại tướng, người chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương thời điểm 1951-1953) và William Westmoreland (đại tướng, người chỉ quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam thời điểm 1968-1972).
Ngoài chức năng điều quân khiển tướng, Võ Nguyên Giáp còn là một cấp lãnh đạo chính trị có tài nói và viết. Tập Hồi ký 1946-1954 gồm 3 tập của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Hết lời ca ngợi
Hiện nay không biết đã có bao nhiêu sách báo và tài liệu quân sự viết về Võ Nguyên Giáp, nhưng ít nhất đã có trên 120 quyển sách nói về ông, hay chính ông viết ra được dịch sang các thứ tiếng nước ngoài (Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Nhật, Ả Rập...và được phổ biến rộng rãi trong các tiệm sách và thư viện.
Những sách viết về Võ Nguyên Giáp phần lớn do những nhà văn, nhà báo không nhiều thì ít có thiện cảm với ông Võ Nguyên Giáp và phong trào cộng sản.
"Những sách viết về Võ Nguyên Giáp phần lớn do những nhà văn, nhà báo không nhiều thì ít có thiện cảm với ông Võ Nguyên Giáp và phong trào cộng sản. "
Những tác giả này đã hết lời ca ngợi Võ Nguyên Giáp và so sánh ông với những thiên tài quân sự nổi tiếng trên thế giới như với Thomas Edward Lawrence, được biết nhiều dưới tên Lawrence of Arabia, người đã chinh phục cả lục địa phía đông châu Phi, hay với Ernesto Che Guevara, nhà cách mạng cộng sản Trung Mỹ rất được giới trẻ thiên tả châu Âu ngưỡng mộ.
Nhiều người còn ví thiên tài quân sự của Võ Nguyên Giáp với Karl von Clausewitz, nhà chiến lược quân sự người Phổ đầu thế kỷ 19.
Các sử gia và dư luận phương Tây nễ trọng ông Võ Nguyên Giáp vì ông là vị tướng "không tốt nghiệp một trường võ bị nào và cũng không bắt đầu sự nghiệp quân sự bằng một chức vụ sĩ quan nào", nhưng đã đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ (1954) và gây khó khăn cho quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam trong suốt thời kỳ 1964-1972, tức thời điểm quân đội Hoa Kỳ có mặt đông đảo nhất tại miền Nam Việt Nam.
Trợ giúp của Trung Quốc
Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954), các sử gia Pháp thường xuyên nhắc nhở đến Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn 1946, khi quân Pháp vừa trở lại Việt Nam và đã có những cuộc gặp gỡ với ban tham mưu của Hồ Chí Minh, như một thư sinh đi theo kháng chiến không có gì đáng ngại.
Tuy nhiên tất cả đều lấy làm tiếc cuộc thương lượng với phe Việt Minh, do đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo, không tyành công dẫn đến cuộc chiến khốc liệt tại Đông Dương trong suốt thời gian từ 1946 đến 1954. Thật ra lúc đó chính quyền thuộc địa Pháp không đánh giá cao khả năng quân sự của phe Việt Minh.
Vào thời điểm 1946, lực lượng quân sự của phe Việt Minh do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chỉ có khoảng 40 chi đội, với trên dưới 50.000 dân quân du kích, thiếu trang bị và thiếu huấn luyện.
Tướng Giáp cầm quân từ lực lượng chỉ có tiểu đoàn lên các quân đoàn lớn
Phải chờ đến 1949, phe Việt Minh mới có được bốn đại đội bộ binh được trang bị súng máy và súng cối.
Lực lượng quân sự của Võ Nguyên Giáp chỉ được trang bị dồi dào từ sau khi phe cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã đánh bại phe Quốc Dân Đảng, do Tưởng Giới Thạch cầm đầu, và chiếm Hoa lục. Cố vấn quân sự và bộ đội Trung Quốc được gởi sang Việt Nam để tiếp tay với Việt Minh đánh Pháp. Nguồn vũ khí mà Mao Trạch Đông chi viện cho Việt Minh do tịch thu từ tay quân Tưởng.
Với những trang bị và giúp đỡ quân sự từ phe cộng sản Trung Quốc, những đơn vị quân sự Việt Minh đã từ du kích chuyển sang chính quy, với những cấp trung đoàn và sư đoàn, hàng ngàn sĩ quan Việt Minh được đưa sang Trung Quốc huấn luyện.
Bắt đầu từ tháng 10/1950, bộ đội Việt Minh bắt đầu gây nhiều thiệt hại cho các đơn vị viễn chinh Pháp trên Đường số 4 (Route coloniale 4-RC4) từ Cao Bằng đến Lạng Sơn, qua Đồng Khê, Thất Khê, Na Chầm và Đồng Đăng trên vùng Việt Bắc, từ đó tên tuổi Võ Nguyên Giáp mới được giới quân sự Pháp nhắc nhở đến nhiều.
Những vị tướng tài ba của Pháp như Georges Revers, Marcel Carpentier, Henri Navarre với những lực lượng quân sự chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ như Lực lượng Viễn chinh (Corps Expéditionnaire), Lê Dương (Légion Etrangère), Nhày Dù... (Bataillons Étrangers Parachutistes) đã không ngăn chặn được sự bành trướng của những người lính nông dân do Võ Nguyên Giáp cầm đầu.
Lòng chảo Điện Biên
Sau này giới quân sự Pháp thường nhắc nhở tới những mưu chước của Pháp dụ dỗ quân đội Việt Minh vào bẫy để tiêu diệt như tại Vĩnh Yên, Đông Triều, Ninh Bình, Nghĩa Lò, Đông Khê, Đường số 4, nhưng không được. Ngược lại, chính quân đội Pháp đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề và đã phải rút lui khỏi các địa điểm chiến lược trên vùng Thượng Du Bắc Việt.
Trước sự lớn mạnh của phe Việt Minh, giới quân sự Pháp quyết định mở ra một địa bàn chiến lược khác tại khu lòng chảo Điện Biên Phủ để dụ quân Việt Minh vào tròng để dội bom tiêu diệt. Ý đồ này đã được các chiến lược gia và tướng lãnh Pháp nghiên cứu tỉ mỉ.
Cũng nên biết vào thời điểm này phe Việt Minh đã chiếm gần như toàn bộ khu vực Trung Lào và Nam Lào, nếu ngăn chặn được đường tiếp tế của phe Việt Minh tại Điện Biên Phủ thì Pháp sẽ triệt hạ dễ dàng lực lượng Việt Minh tại Lào.
Với nhận định như thế, bộ chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương dồn nỗ lực củng cố địa bàn Điện Biên Phủ. Tại đây, với hỏa lực sẵn có, quân Pháp vừa làm chủ trên không vừa làm chủ những đường tiếp tế trên bộ.
Việt Minh dưới quyền tướng Giáp chiến thắng quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ
Cũng nên biết khu lòng chảo Điện Biên Phủ nằm sát biên giới Lào với nhiều đồi núi thấp, do đó dễ quan sát một vùng rộng lớn chung quanh. Quân đội Pháp đã xây dựng tại đây một hệ thống địa hào chằng chịt và kiên cố có thể cầm cự với quân Việt Minh trong một thời gian dài khi bị bao vây.
Nói chung, giới quân sự Pháp rất tin tưởng vào sự phòng thủ chiến lược của Điện Biên Phủ, họ hy vọng có thể tiêu diệt quân Việt Minh dễ dàng khi bị tấn công.
Ngoài trí tưởng tượng
Nhưng ước muốn là một chuyện thực hiện được hay không là chuyện khác. Sau này giới quân sự và chiến lược gia Pháp đã viết rất nhiều sách và tài liệu nghiên cứu sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ. Tên của Võ Nguyên Giáp cũng được thường xuyên nhắc tới như một đối thủ nguy hiểm, cần triệt hạ.
Tác giả những bài viết này đều không ngờ khả năng điều động lực lượng dân công của Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ. Khi nhắc tới Võ Nguyên Giáp, những chuyên gia quân sự phương Tây thường nhắc tới một vị tướng không có chiến lược chiến đấu nhưng lại thắng tất cả mọi trận chiến.
Các chiến lược gia Pháp không ngờ phe Việt Minh đã có khả năng huy động một lực lượng dân công hùng hậu (hàng chục ngàn người) từ các vùng đồng bằng lân cận lên vùng Điện Biện cách đó hàng trăm cây số.
Kinh ngạc nhất là sáng kiến tháo gỡ từng bộ phận rời của những khẩu đại bác và súng ống hạng nặng và để vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe thồ (xe đạp), xe bò, gồng gánh các loại vũ khí và đạn dược, ngày đêm băng rừng, vượt suối và leo núi để mang lên các đỉnh đồi chung quanh Điện Biên Phủ, lắp ráp và tấn công quân Pháp.
Phương Tây coi Tướng Giáp có vai trò lớn trong cả cuộc chiến với Hoa Kỳ dù cách đánh giá từ Việt Nam có khác
Những sự kiện vừa kể vượt ra ngoài tưởng tượng của những chiến lược gia quân sự danh tiếng của Pháp thời đó, và họ đã tốn rất nhiều giấy mực để diễn tả sự kinh ngạc này, với tất cả sự thán phục.
Cuộc bao vây đã chỉ kéo dài trong ba tháng, từ 13-3 đến 7-5-1954. Quân đội Pháp cùng với bộ chỉ huy tiền phương tại Điện Biên Phủ, do đại tá de Castries cầm đầu, đã đầu hàng vô điều kiện.
Điều không ngờ là người Pháp chấp nhận sự thất trận này một cách tự nhiên, họ không thù oán gì quân đội Việt Minh mà chỉ trách móc các cấp lãnh đạo chính trị và quân sự của họ đã không sáng suốt.
Riêng các tướng Raoul Salan, Christian de La Croix de Castries và rất nhiều tướng tá khác đều hết lời ca ngợi và kính phục Võ Nguyên Giáp.
Đây là một trường hợp hi hữu trong lịch sử quân sự của Pháp nói riêng và của cả châu Âu nói chung. Hầu như các cấp lãnh đạo quân sự của châu Âu đều có cùng nhận định như các đồng sự Pháp. Họ kính nể sự quyết tâm và khả năng huy động người và quân cụ tại Điện Biên Phủ và trong suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất của Võ Nguyên Giáp.
Đáng giá không đúng mức?
Nếu Võ Nguyên Giáp là một người sinh trưởng tại các quốc gia phương Tây, chắc chắn ông đã đón nhận tất cả những vinh hạng của một vị anh hùng, một vị tướng tài ba. Rất tiếc ông là một người Việt Nam và, hơn nữa, là một đảng viên cộng sản, tất cả những vinh dự đó đã không thể hiện đúng mức.
"Các sử gia và dư luận phương Tây nễ trọng ông Võ Nguyên Giáp vì ông là vị tướng "không tốt nghiệp một trường võ bị nào và cũng không bắt đầu sự nghiệp quân sự bằng một chức vụ sĩ quan nào", nhưng đã đánh bại quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ"
Trong sinh hoạt của đảng cộng sản, tất cả mọi chiến thắng đều do tập thể quyết định, một mình Võ Nguyên Giáp không thể một mình mang lại chiến thắng. Hơn nữa, tại Việt Nam, dưới chế độ cộng sản, không ai được quyền nổi tiếng hơn Hồ Chí Minh.
Mặc dù vậy, Võ Nguyên Giáp vẫn được dư luận Pháp thời đó và cho đến ngày nay nhìn nhận như người đã đánh bại quân đội Pháp tại Đông Dương.
Sau sự thất trận này, dư luận Pháp đã không thù oán gì Việt Nam mà ngược lại còn giữ rất nhiều cảm tình với dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam. Người Pháp rất quí trọng tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam : khi chiến đấu thì coi nhau như kẻ thù, giết chóc thẳng tay, tất cả mọi phương tiện đều sử dụng để tiêu diệt kẻ thù; khi hết chiến tranh, con người và đất nước Việt Nam trở nên hiếu khách, sẵn sàng sang trang quá khứ để xây dựng lại đất nước từ những hoang tàn và đổ nát.
Về sau Tướng Giáp bị mất ảnh hưởng trong Đảng Cộng sản
Mặc dù đau thương vẫn còn, dân tộc Việt Nam đã rất kiêu hãnh để không van xin giúp đỡ hay đòi bồi thường. Những người đã từng là kẻ thù trước kia có thể trở thành bạn bè thân thiết nếu chấp nhận chia sẻ một tương lai chung Việt Nam.
Người Pháp có lý do để đề cao yếu tố này, vì trong suốt thời gian chiến tranh, từ 1946 đến tháng 7-1954, không một phụ nữ, cụ già hay trẻ em người Pháp nào bị bắt cóc làm con tin hay bị sát hại để trả thù báo oán, như đã từng xảy ra tại Algeria hay những quốc gia Châu Phi những năm sau đó.
Đây chính là điều mà dư luận Pháp nói riêng và phương Tây nói chung quí mến dân tộc Việt Nam.
Trong chiến tranh thì chém giết nhau không nương tay, nhưng chỉ giữa những người đàn ông với nhau (la guerre entre les hommes), khi hết chiến tranh thì những đối thủ trước kia có thể trở thành bạn bè một cách dễ dàng. Đó cũng là quy ước danh dự (code of honor) của người lính Việt Nam.
Chính vì thế mà tướng Võ Nguyên Giáp, mặc dù không tốt nghiệp từ một trường sĩ quan quân sự nào và bị trù dập ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi đảm nhiệm thành công những chức vụ được giao phó, luôn luôn được dư luận phương Tây nhắc nhở đến với tất cả sự quý mến và kính phục.
Quê hương Quảng Bình từ xa xưa đã lưu truyền trong dân gian câu dân ca "Tháng bảy nước chảy lên bờ." Tháng bảy âm lịch là mùa lũ lụt quê tôi. Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời đúng mùa mưa lũ vào ngày 2 tháng 7 năm Tân Hợi, dương lịch là ngày 25.8.1911, trong một cái chòi cao cất tạm dưới gốc cây mít cổ thụ sau vườn nhà để tránh mưa to nước lớn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam duyệt binh trên Quảng trường Ba Đình - Ảnh tư liệu TTXVN
|
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Về ngày sinh của Giáp, các nhà nghiên cứu chuyên viết tiểu sử các yếu nhân thì mỗi người nói một cách. Chẳng hạn Jean Sainteny, trong phần chỉ dẫn tiểu sử Võ Nguyên Giáp (Notice biographique sur Vo Nguyen Giap) viết sinh năm 1912. Từ điển Bách Khoa (Larousse) của Pháp lại ghi năm 1911.
Thậm chí có tác giả như Boudare trong cuốn "Giap" do nhà xuất bản Atlas ấn hành năm 1977 viết "Sinh ra ở An Xá thuộc tỉnh Quảng Bình năm 1910."
Còn tờ The Sunday Times số ra tháng 11/1972 James Fox ghi "Ông sinh ngày 1/9/1910" và James Fox khẳng định như đinh đóng cột rằng đó là ngày sinh chính xác, vì ông đã "tìm thấy giấy khai sinh của ông Giáp tại thủ đô Paris." Tuy vậy, theo gia đình và họ hàng, Võ Nguyên Giáp sinh năm Tân Hợi, 1911 vào ngày 25/8 đúng vào mùa nước lũ Quảng Bình.
Ông sinh trưởng trong một dòng họ lớn, có tiếng tăm tại làng An Xá, họ Võ, có nhà từ đường khá to ở cuối làng. Cụ nội là Võ Quang Nguyên, một nhà nho đức độ và cụ bà Bùi Thị Giá rất mực đảm đang yêu thương chồng con. Giáp sinh ra không thấy mặt ông nội, nhưng cậu nhớ như in lúc bà nội mất bà mặc chiếc áo điều thắm.
Sau bao năm tháng chiến tranh, giặc giã liên miên, gia đình phải tản cư nhiều nơi. Việc cúng giỗ, trông coi phần mộ không có điều kiện, lâu ngày mộ các cụ bị thất lạc. Gần đây được sự giúp đỡ của bà con địa phương, con cháu đã tìm thấy phần mộ của các cụ, nằm trong thượng nguồn sông Kiến Giang.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I Quyết định thành lập đội Việt Nam tuyên truyền Giải Phóng quân (22/12/1944) - Ảnh: Tư liệu TTXVN
|
Gia đình ông có bảy anh chị em nhưng người anh cả và chị cả mất sớm nên còn lại năm 3 người con gái và 2 người con trai là Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho, sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Cụ thân sinh là cụ Võ Quang Nghiêm và cụ Nguyễn Thị Kiên.
Cụ Nghiêm là một nho sinh đã nhiều lần lều chõng đi thi tuy không đỗ đạt nhưng là một nhà nho có uy tín trong vùng. Cụ dạy chữ Hán nhưng khi phong trào học chữ Quốc ngữ phát triển ông chuyển sang dạy chữ Quốc ngữ cho thanh thiếu niên trong làng và bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Cụ Nghiêm tuy không phải là Tiên chỉ của làng nhưng mỗi lần làng có việc tế, lễ, đều mời cụ làm chủ tế.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, do phải thu xếp việc nhà nên chưa kịp tản cư cùng gia đình, ông Nghiêm đã bị giặc Pháp bắt đưa về giam ở Huế. Ông bị chúng tra tấn dã man chết ngay trong nhà lao Huế. Sau ngày đất nước thống nhất, con cháu đã tìm thấy và bốc mộ ông đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy.
Khác với cụ ông rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái, giữ gìn nề nếp gia phong, cụ bà lại rất mực yêu thương, dang tay ôm con vào lòng đỡ lời cho con cái mỗi khi bị cụ ông mắng mỏ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: TTXVN
|
Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, cụ bà cùng gia đình tản cư lên chiến khu Bang Rợn, huyện Lệ Thủy. Năm 1952 bà rời quê hương ra chiến khu Việt Bắc, rồi cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về thủ đô Hà Nội sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng.
Gia đình cụ Nghiêm thuộc diện nghèo trong làng, quanh năm phải vay nợ nặng lãi của các nhà giàu như nhà Khóa Uy, một Hoa Kiều giàu sụ ở làng Tuy Lộc kề bên. Võ Nguyên Giáp đã có lần theo mẹ chèo nock (thuyền) chở ló (thóc) đi trả nợ. Cậu suốt buổi phải ngồi dưới nock trông ló, còn mẹ cậu phải đội ló chạy lên chạy xuống bến giữa trời nắng chang chang.
Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng những câu chuyện đêm đêm mẹ kể cho cậu nghe về tướng quân Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi hạ chiếu cần vương, kêu gọi các sĩ phu và dân chúng đứng lên chống Pháp bảo vệ non sông, còn cha nói về phong trào đánh Pháp qua bài vè "Thất thủ kinh đô" đầy cảm động, đã gieo vào lòng cậu bé những ấn tượng không bao giờ phai mờ. Phải chăng những ấn tượng sâu sắc đó đã góp phần nuôi dưỡng ý chí cho sự nghiệp cách mạng của vị Đại tướng - Tư lệnh đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau này.
Theo TTXVN
LOẠT BÀI "ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ BẢN LĨNH VÕ NGUYÊN GIÁP"
|
Lê Cường (theo BBC,AP,AFP)
Thứ sáu 04/10/2013 23:24
Người thực hiện cuộc phỏng vấn là John T. McAlister lúc đó là một giáo sư về chính sách công và kinh tế của trường Đại học Princeton và Standford. Ông là tác giả của cuốn sách "Việt Nam: Nguồn gốc cách mạng".
VOV online xin giới thiệu bài phỏng vấn của GS McAlister:
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận được rất nhiều sự kính trọng từ GS. McAlister (Ảnh AFP) |
Trong gần 50 năm qua (kể từ năm 1994) các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam và Mỹ đã trải qua những mối quan hệ đầy phức tạp và khó khăn.
Vào năm 1944, Mỹ đã ủng hộ rất tích cực việc Việt Nam giành được độc lập từ tay Pháp. Tuy nhiên, ngay sau đó, Washington đã trở nên đối địch với cuộc cách mạng được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự đối nghịch này thậm chí còn vượt quá cả sự ủng hộ ban đầu của nước này.
Vào những năm 60 của thế kỷ 20, sự căng thẳng trong mối quan hệ này của hai nước đã bị thổi bùng lên bởi sự chống cộng kịch liệt đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh dai dẳng nhất trong lịch sử nước này.
20 năm sau cuộc chiến tranh với Việt Nam, các nhà lãnh đạo ở Washington và Hà Nội cuối cùng cũng dàm phán về việc nối lại quan hệ thương mại. Việc gỡ bỏ cấm vận của Mỹ là một bước tiến quan trọng giúp kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong suốt 50 đó, có một người đàn ông vẫn đóng vài trò trung tâm trong mọi sự kiện quan trọng diễn ra giữa hai nước. Ông chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người thành lập lên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào năm 1944.
Ông cũng là người đã đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 2/9/1945.
Tại thời điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sỹ cách mạng Việt Nam vẫn nhận được sự giúp đỡ tích cực từ những sỹ quan Mỹ nhằm thiết lập một nền độc lập tại Việt Nam.
20 năm sau, quân đội Mỹ có thể cảm nhận rõ ràng sự giận dữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi phản ứng về việc Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam.
Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1968, tướng Giáp đã đánh gục "tâm lý" của người Mỹ khi "điều binh khiển tướng" tấn công vào 68 căn cứ của Mỹ cùng một lúc. Chiến thuật này cũng được ông áp dụng với người Pháp với chiến thuật đào hào bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ 14 năm trước đó.
Thành công của tướng Giáp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có được là nhờ sự hiểu "thấu tâm can" nước Mỹ và mối quan hệ của ông với các sỹ quan Mỹ trong những năm 40 của thế kỷ 20 đã trở thành một kinh nghiệm quý báu đối với ông và vẫn tiếp tục là một phần quan trọng trong các cuộc phỏng vấn của ông cho đến tận ngày hôm nay.
Ngồi trong căn phòng hội thảo tại Viện Những Vấn đề Phát triển do ông làm chủ tịch, tướng Giáp luôn thấy thoải mái khi trích dẫn những câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson, Tổng thống thứ 3 của Mỹ, một phong cách ông học được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
GS. McAlister: Lãnh đạo Việt Nam đã yêu cầu Mỹ gỡ bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam và tái thiết lập quan hệ thương mại và ngoại giao với Việt Nam. Tại sao Việt Nam lại có yêu cầu này?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Gỡ bỏ cấm vận sẽ tốt cho cả Việt Nam và Mỹ. Rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam bởi họ nhận thấy những cơ hội kinh doanh hấp dẫn tại đây.
Rất nhiều đại diện doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đã thực sự "tấn công" vào thị trường này trước cả khi lệnh cấm vận sẽ được gỡ bỏ. Bất chấp những hạn chế của lệnh cấm vận lên hoạt động kinh doanh của mình, sự hiện diện của doanh nghiệp Mỹ thể hiện niềm tin của họ rằng cơ hội kinh doanh ở Việt Nam là rất lớn.
Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đang tăng nhanh thông qua những thương vụ đầu tư lớn từ Đài Loan, Hong Kong, Australia, Hàn Quốc, Pháp và Trung Quốc. Việt Nam hoan nghênh những vụ đầu tư như thế này vì chúng tôi cần được đầu tư để tăng tốc độ phát triển kinh tế của mình. Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ tham gia cùng với các nước khác trên thế giới đầu tư vào kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Có câu nói rằng "Trâu chậm uống nước đục". Nhận thức được sự chậm trễ này, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đề ra quy định hé mở một "cánh cửa hẹp" cho phép doanh nhân Mỹ được tham gia hoạt động tại Việt Nam. Tổng thống Clinton có quyền nối lại đầy đủ quan hệ ngoại giao và thương mại với Việt Nam và tôi kêu gọi ông ấy làm như vậy.
Chính sách cấm vận đã quá lỗi thời. Đây là thời điểm hai nước chúng ta khép lại quá khứ và hợp tác hướng tới một tương lại tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.
GS. McAlister: Tại Mỹ hiện còn có rất nhiều quan ngại về vấn đề quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Vấn đề này được Việt Nam đánh giá như thế nào và Việt Nam đang làm gì để giúp Mỹ giải tỏ nỗi lo lắng này?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi hoàn toàn hiểu được nỗi lo lắng của những gia đình Mỹ có những người thân yêu nhất của họ mất tích trong cuộc chiến tại Việt Nam. Để giúp gỡ bỏ những mối lo này, chính phủ Việt Nam đã làm hết sức mình để có thể cung cấp đầy đủ thông tin về những người Mỹ bị mất tích.
Việt Nam coi vấn đề những người mất tích trong chiến tranh là một vấn đề nhân đạo chứ không phải là một vấn đề chính trị có thể ảnh hưởng đến việc bình thường hóa quan hệ thương mại và ngoại giao giữa hai nước.
Lý do chúng tôi coi vấn đề những người mất tích trong chiến tranh là một vấn đề nhân đạo là bởi chúng tôi cũng đang tìm kiếm những người Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Số người mất tích trong chiến tranh của Việt Nam (khoảng 300.000 người) nhiều gấp hàng trăm lần của Mỹ. Những gia đình Việt Nam cũng rất đau khổ vì những mất mát của họ và họ cũng đang tìm kiếm mọi thông tin có thể, cũng giống như những gì những gia đình Mỹ đang làm./.
- Cập nhật lúc: 23:45, 04/10/2013
VOV.VN - "Võ Nguyên Giáp là một anh hùng dân tộc với di sản chỉ sau người thầy của mình, vị Chủ tịch khai sinh ra nước Việt Nam mới".
Được mệnh danh là một "Napoleon đỏ", ông nổi bật với tư cách là tư lệnh của đội quân các du kích đi dép lốp và kéo từng khẩu pháo qua núi cao vực sâu vào bao vây rồi nghiền nát quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến thắng dường như không thể đạt được này, hiện vẫn được nghiên cứu tại các trường quân sự, đã dẫn tới không chỉ nền độc lập của Việt Nam mà còn đẩy nhanh sự sup đổ của chủ nghĩa thực dân trên khắp cõi Đông Dương và nhiều nơi khác.
Ông Võ Nguyên Giáp sau đó tiến lên đánh đổ chế độ ngụy ở miền Nam Việt Nam (do người Mỹ dựng lên và hậu thuẫn) vào tháng 4/1975, thống nhất đất nước đã bị chia cắt làm 2 miền từ năm 1954.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ vào tháng 9/1945 ngay sau Cách mạng tháng Tám (ảnh: AP) |
"Không có cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nào lại ác liệt và gây nhiều thương vong như cuộc chiến này," ông Giáp nói với hãng tin AP vào năm 2005 trong 1 phỏng vấn với truyền thông nước ngoài nói về đêm trước lễ kỷ niệm thứ 30 đại thắng 30/4.
"Nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu bởi vì đối với Việt Nam, không có gì quý hơn độc lập tự do," AP dẫn lời ông Võ Nguyên Giáp trích dẫn lại câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tướng Giáp vẫn rất sắc sảo và am tường các vấn đề chính trị và thời sự cho tới khi ông nhập viện. Bước qua tuổi 90, ông vẫn tiếp các lãnh đạo thế giới, những người chụp ảnh cùng ông và nhận các cuốn sách của ông Giáp cùng thủ bút của vị tướng này khi họ tới thăm nhà riêng của ông tại Hà Nội.
Sinh năm 1911 ở tỉnh Quảng Bình, ông Giáp tham gia hoạt động chính trị vào những năm 1920 và tham gia làm báo trước khi gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông bị tù một thời gian ngắn vào năm 1930 do lãnh đạo các cuộc biểu tình chống Pháp.
Năm 1944, Võ Nguyên Giáp theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh đã tổ chức và lãnh đạo các lực lượng du kích chống lực lượng Nhật chiếm đóng trong Thế chiến 2. Sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh 1 năm sau đó, lực lượng Việt Minh tiếp tục đấu tranh giành độc lập từ tay Pháp.
Tướng Giáp chưa bao giờ được đào tạo quân sự bài bản. Ông thường đùa mình đã học học viện quân sự "bụi cây".
|
Tướng Giáp năm 1984 (ảnh: Getty Images) |
Tại chiến trường Điện Biên Phủ, đội quân Việt Minh của ông đã gây bất ngờ cho lực lượng Pháp tinh nhuệ bằng cách bao vây họ. Đào hàng trăm kilômét hào, quân Việt Nam đã kéo được trọng pháo qua núi sâu đèo cao rồi từ từ khép chặt vòng vây trong trận đánh dữ dội 55 ngày kết thúc bằng việc người Pháp đầu hàng vào ngày 7/5/1954.
"Nếu một dân tộc quyết tâm đứng lên, thì họ sẽ rất mạnh," Võ Nguyên Giáp nói với các nhà báo nước ngoài năm 2004 trước lễ kỷ niệm thứ 50 chiến dịch lịch sử này. "Chúng tôi rất tự hào rằng Việt Nam là nước thuộc địa đầu tiên đã đứng dậy được và tự mình giành lại độc lập."
Đây là sự kiện cuối cùng dẫn tới sự rút lui của người Pháp và Hiệp định Paris tạm thời chia tách Việt Nam làm 2 miền.
Vị tướng Việt Nam đã rút kinh nghiệm từ chiến thắng Điện Biên Phủ để sáng tạo ra Đường mòn Hồ Chí Minh, một mạng lưới bí mật trong rừng rậm uốn lượn qua cả các nước láng giềng Lào và Campuchia để tăng viện quận cho mặt trận phía nam.
Lực lượng của tướng Giáp lại giành chiến thắng, lần này là trước quân Mỹ với vũ khí tối tân và máy bay ném bom chiến lược B-52.
"Chúng tôi phải lấy nhỏ thắng lớn, lấy vũ khí lạc hậu đánh bại vũ khí hiện đại," ông Giáp nói. "Rốt cuộc, chính nhân tố con người đã quyết định chiến thắng."
|
Tướng Giáp tiếp Fidel Castro |
Sử gia Stanlay Karnow, từng phỏng vấn Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội vào năm 1990, đã trích dẫn lời ông như thế này: "Chúng tôi không đủ mạnh để đẩy nửa triệu quân Mỹ ra khỏi nước chúng tôi, nhưng đó không phải là mục tiêu của chúng tôi. Ý định của chúng tôi là đập tan ý chí của chính phủ Mỹ muốn tiếp tục cuộc chiến tranh".
"Với chiến thắng 30/4, nô lệ đã trở thành những người tự do," Tướng Giáp nói. "Thật không thể tin được".
Sau chiến tranh và trải qua một số chức vụ, ông Giáp nghỉ hưu ở Hà Nội, viết hồi ký và dự các buổi lễ quốc gia, thường mặc quân phục với cầu vai gắn sao vàng.
Ông tổ chức các buổi họp báo, đọc các chú thích viết tay, và thỉnh thoảng trả lời các câu hỏi bằng tiếng Pháp, trong các buổi lễ kỷ niệm các sự kiện thời chiến tranh. Ông mời các nhà báo nước ngoài đến nhà gặp gỡ các vị khách nổi tiếng và thường hôn lên hai má của 1 nữ phóng viên AP lâu năm ở Hà Nội.
Võ Nguyên Giáp cập nhật tin tức thế giới và đã đưa ra lời khuyên về cuộc chiến của người Mỹ ở Iraq hồi năm 2004. Ông nói với các phóng viên rằng, "bất cứ lực lượng nào muốn áp đặt ý chí của mình lên các dân tộc khác đều nhất định thất bại".
Tướng Giáp đã tiếp rất nhiều quan chức nước ngoài, bao gồm người bạn người đồng chí Fidel Castro của Cuba. Năm 2003, cặp đôi này ngồi chuyện trò tại nhà Giáp và cười vang bên dưới bức chân dung của Vladimir Lenin.
Cựu thù của đại tướng Giáp, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, đến thăm ông vào năm 1995. Ông hỏi về một chương gây tranh cãi trong Chiến tranh Việt Nam, đó là sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964 trong đó tàu khu trục Mỹ giả vờ bắn vào tàu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – đây là cái cớ để Quốc hội Mỹ leo thang cuộc chiến tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm nói trên, ông McNamara hỏi tướng Giáp điều gì đã xảy ra vào đêm đó (năm 1964). Tướng Giáp trả lời: "Tuyệt đối không có gì cả".
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người rất hâm mộ Tướng Giáp cùng nghệ thuật quân sự của ông (ảnh Reuters chụp năm 2006) |
Tướng Giáp kỷ niệm sinh nhật thứ 100 vào năm 2011. Đã rất yếu và khó nói, nhưng ông vẫn ký 1 bức thiệp cảm ơn các đồng chí đã gửi lời chúc sinh nhật tới ông. Và tại thời điểm đó, ông vẫn tiếp tục được cập nhật tin tức về tình hình quốc tế và trong nước, Đại tá Nguyen Huyen - thư ký riêng của ông Giáp trong 35 năm nói.
Cuối đời, ông Võ Nguyên Giáp khuyến khích mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ - bắt đầu bình thường hòa vào năm 1995 và đã trở thành đối tác thương mại gần gũi của nhau.
Năm 2000, Tướng Giáp nói: "Chúng tôi có thể gác lại quá khứ… Nhưng chúng tôi không thể quên hoàn toàn quá khứ được."/.
Trung Hiếu/VOV online
Theo AP