2/9/12

Tìm thấy vật chứng về câu chuyện cảm động của nhà báo Bùi Á

TP.HCM, 01/9/2012
Chủ đề: Bài về chú Bùi Á

Xin chào các bạn,

Thật vui khi đến gần nửa thế kỷ qua chúng ta lại gặp nhau trên địa chỉ này. Tôi vẫn theo dõi tin tức mọi người đều đặn, chỉ có điều không viết gì được thường xuyên thôi. Hôm nay vừa viết một bài về chú Bùi Á, đăng trên báo Lao Động số đặc biệt nhân ngày 2-9, mời các bạn đón xem nhé.

Thân mến,
Huỳnh Dũng Nhân

Chuyện về nhà báo chuyên chụp ảnh Bác Hồ


(Báo Lao Động điện tử) Chủ nhật 02/09/2012 05:00
Bài viết này xin được đề cập đến một câu chuyện có thật mà chúng tôi, từ những người đưa tin vì một lý do đặc biệt đã trở thành người trong cuộc. Đó là câu chuyện của một nhà báo từng được phân công chụp ảnh Bác Hồ suốt những năm 60 của thế kỷ 20.
Nhà báo Bùi Á (áo trắng, bìa phải) với nhà báo lão thành Hữu Thọ (thứ hai, trái sang) trong lần họp mặt của Báo Nhân Dân
Từ chuyện một lá thư…
Một ngày giữa tháng 8.2012, nhóm phóng viên chúng tôi nhận được một lá thư viết trên giấy học trò bằng mực tím, nét chữ run run của một người quen gửi đến. Lá thư đó liên quan đến nhân vật mà chúng tôi nói ở trên và chúng tôi xin trích đăng lại như sau:
Thưa cụ và gia đình. Cho phép tôi được giới thiệu để cụ khỏi đột ngột. Tôi tên là Đặng Văn Lái - cựu chiến binh đặc công - hiện ở tại Đà Nẵng... Thưa cụ, quả đất quay tròn, khoảng mùa hè oi ả năm 1986, miền Trung nắng như đổ lửa, cụ đi từ Đà Lạt đến nhà tôi và hỏi thăm đường đi đến nhà lao Non Nước của chế độ ngụy SG ở đâu. Sau khi ngồi uống nước và nghe cụ trình bày mình đang đi tìm những kỷ vật khi bị giam trong tù, tôi đã dẫn cụ đến nhà lao trước đây nay chỉ là đống gạch hoang tàn và vẫn còn sót lại bom mìn của kẻ thù để lại, nên không sao tìm được nơi đã chôn giấu những kỷ vật đó. Cho đến cách đây hai năm, khi khu đất từng là nhà lao Non Nước được quy hoạch và xây dựng lại, tôi tìm đến đó và chấm theo tọa độ mà cụ đã chỉ và mừng vui khôn xiết khi tìm được vật kỷ niệm mà cụ chôn ở đó...
...đến nội dung vật kỷ niệm vừa tìm thấy
Thông qua một người trong gia đình nhà báo Bùi Á, chúng tôi đã nhận được gói kỷ vật kèm theo lá thư của bác Đặng Văn Lái khi gói giấy này đã được mở. Đó là một xấp giấy đã ố vàng với những dòng chữ nhỏ li ti, gói trong một vỏ bao kẹo màu nâu sờn rách... Những tờ giấy ố vàng này chính là những trang điếu văn viết trong tù khi các chiến sĩ bị địch cầm tù biết tin Bác Hồ mất. Chúng tôi xin ghi lại những phần còn khá rõ  trong bài viết này như sau:
“…Kính thưa hương hồn của Bác!
Tin về như xé ruột. Các cháu đau đớn và thương tiếc ngậm ngùi vô chừng. Từ nay các cháu và toàn thể dân tộc không được nghe tiếng nói ấm áp dịu hiền và trìu mến của Bác trong những phút giao thừa thiêng liêng của những mùa xuân đang đến... Trong cảnh lao tù chật hẹp, 250 con tim của các cháu như bị bóp chặt. Đau đớn biết bao khi phải vĩnh biệt Bác trong cảnh tù đày. Trong hoàn cảnh tù lao, dưới con mắt rình mò của kẻ địch, các cháu vẫn trang nghiêm và thành kính, dù buổi lễ hôm nay thiếu hương thiếu trầm, thiếu hoa thiếu nến, trước vong linh của Bác, 250 anh em chúng cháu ở trại tù binh Non Nước này xin nguyện cùng Bác một lòng một dạ theo Đảng đến cùng. Xin vĩnh biệt Bác, xin vĩnh biệt Bác...”.
Bài điếu văn ấy ghi ngày 5.9.1969. Ngay sau lễ truy điệu, các tù nhân đã chôn giấu kỹ các tài liệu này, cho đến năm 2010 mới được ông Đặng Văn Lái tìm thấy và đến ngày 18.8.2012 tài liệu này mới trở về tay người viết, sau 43 năm lưu lạc trong sự khát khao tìm kiếm, tài liệu này như một minh chứng thiêng liêng nhất, đẹp nhất cho tấm lòng nhớ thương vị cha già dân tộc của những người chiến sĩ cộng sản chiến đấu trên chiến trường miền Trung.
Tờ điếu văn Bác Hồ do nhà báo Bùi Á viết được ông Đặng Văn Lái (Đà Nẵng) tìm thấy tại trại giam Non Nước - nơi nhà báo Bùi Á bị giam
Người viết điếu văn truy điệu Bác trong nhà lao của địch
Người được phân công viết điếu văn trong nhà lao Non Nước khi Bác mất đó chính là nhà báo - nhà nhiếp ảnh Bùi Á, phóng viên Báo Nhân Dân, người từng được phân công chụp hình Bác Hồ trong suốt những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.
Lần theo các hồ sơ tư liệu mà gia đình nhà báo Bùi Á trao cho chúng tôi cất giữ (vì nhà báo Bùi Á hiện đang lâm bệnh nặng, mất trí nhớ sau hai lần bị đột quỵ) câu chuyện các tù nhân làm lễ truy điệu khi Bác Hồ mất năm 1969 là một câu chuyện đầy cảm động. Chúng tôi xin lược ghi từ các ghi chép của nhà báo Bùi Á như sau: “Ngày 4.9.1969, nghe tin Bác Hồ mất, chúng tôi thoạt tiên vẫn cứ bán tín bán nghi, vì sợ đây là đòn tâm lý của kẻ địch, nhưng sau hỏi thăm những người dân bên ngoài vào lao động trong khu nhà lao mới biết tin đó là sự thật. Tất cả anh em tù binh đều vô cùng bàng hoàng và đau xót, đồng thời đã cử nhà báo Bùi Á viết điếu văn và đọc tại buổi lễ truy điệu được tổ chức bí mật tại nhà lao và treo băng tang công khai.
Sau đó, cai ngục phát hiện, chúng bắt 14 anh em sĩ quan trong đó có cả nhà báo Bùi Á, một tên thiếu tá giám thị ra lệnh bắt tất cả anh em tù binh phải gỡ băng tang nếu không thì sẽ dùng biện pháp mạnh. Chúng nó đánh đập rất dã man buộc từng người phải gỡ băng tang xuống và chỉ vào nhà báo Bùi Á mà hét to: “Thằng này đầu sỏ, mày có gỡ băng tang đi không hay là chết?”. Nhưng nhà báo Bùi Á đã đáp lại chúng bằng lời lẽ rất đanh thép: “Chúng tôi là những người cộng sản, tôi cũng muốn sống như những người khác, nhưng vẫn sẵn sàng chết để bảo vệ tình cảm thiêng liêng của mình với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Tôi không thể gỡ bỏ băng tang”.
Câu nói vừa kết thúc, nhà báo Bùi Á cũng lãnh luôn những trận đòn nhừ tử và ngất tại chỗ, khi tỉnh lại thì thấy mình đang trong phòng biệt giam. Sau đó ông cùng với 400 tù binh trong nhà lao Non Nước Đà Nẵng bị đày ra đảo Phú Quốc cho tới ngày được trao trả”.
Cách đây ít lâu, khi sức khỏe nhà báo Bùi Á có phần giảm sút, ông Bùi Khanh - con trai cụ Bùi Á - năm nay 66 tuổi, đã cất công tìm kiếm và tập hợp tất cả tư liệu, phim ảnh mà cha ông đã chụp về Bác Hồ những năm 1960 để trao lại cho chúng tôi lưu trữ bảo quản. Câu chuyện tưởng dừng ở đó, nào ngờ... Vào tháng 8.2012 vừa qua, những bài viết trong tù trong lễ truy điệu Bác năm 1969 của nhà báo Bùi Á do cựu chiến binh Đặng Văn Lái ở Đà Nẵng tìm thấy, đã được trao lại cho nhà báo Bùi Á, nhờ đó giúp chúng tôi bổ sung và hoàn tất câu chuyện cảm động về một nhà báo chuyên chụp ảnh Bác Hồ trong những năm kháng chiến chống Mỹ thập niên 60 của thế kỷ 20.
Huỳnh Dũng Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét