2/7/12

Gia đình nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Mạch nguồn đam mê giữa ba thế hệ


(Nguồn: GiadinhNet) Thứ sáu, 22/06/2012, 12:22(GMT+7)

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là cây bút phóng sự trứ danh của những năm 90, là người thầy được nhiều thế hệ sinh viên báo chí yêu mến, kính nể.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Thừa hưởng niềm đam mê nghề báo từ cha, Huỳnh Dũng Nhân là người nối nghiệp xứng đáng nhất trong gia đình có 3 thế hệ với 9 người làm báo.


Cả nhà say... báo

Tự nhận mình giống ba nhất nhà, từ tính tình đến phong cách cũng như niềm đam mê nghề nghiệp, cuộc đời và sự nghiệp báo chí của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vì thế giống như một “bản sao” của cha mình. Hai người đàn ông ở hai thế hệ khác nhau, hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng đều có những nét tương đồng về sự nhập cuộc, về sự dấn thân với nghề. Họ cùng đến với nghề bằng cả trái tim nhiệt thành với cuộc đời và cũng tỏa sáng nhờ đó.

“Trong gia đình, tôi thương mẹ nhưng nể phục ba. Ông sống có lý tưởng nhưng lại giản dị từ chân tơ tới kẽ tóc. Sự nghiệp của ông cũng có nhiều điều để những người con như chúng tôi được tự hào và noi gương”, Huỳnh Dũng Nhân đã nói về ba và cũng là người thầy của mình như vậy.

Ba anh, nhà báo Huỳnh Hùng Lý cùng thời với thế hệ những cây đại thụ của làng báo như nhà báo Trần Bạch Đằng, nhà báo Hoàng Tùng... Vào những năm 50, 60 ông đã khá nổi tiếng với những tác phẩm báo chí để đời. Ông lấy nhiều bút danh khác nhau như: Việt Hùng, An Bảo Minh, Huỳnh Lê, Thụy Nhân, Huỳnh Vạn Lý...

Tác phẩm nổi tiếng nhất, cũng là tác phẩm đầu tay của nhà báo Huỳnh Hùng Lý là tập hồi ký "Chiến đấu viên họ Trần", xuất bản năm 1953 tại miền Nam, do Trần Bạch Đằng viết lời tựa. Cuốn sách đã gây được những ảnh hưởng và tình cảm sâu sắc trong lòng người đọc thời bấy giờ. Ông trưởng thành từ nghề viết và đã giữ những chức vụ quan trọng trong làng báo như Thư ký tòa soạn của Báo Nhân dân miền Nam, Tổng biên tập báo Đối ngoại, tờ báo của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (bằng tiếng Anh và tiếng Pháp), Trưởng ban Chính trị rồi đại diện Báo Nhân Dân tại các tỉnh phía Nam; Giám đốc Sở VH-TT Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, Phó ban Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...

Không chỉ có ba mà mẹ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, bà Lê Thị Lý cũng công tác trong ngành báo chí, làm công tác tư liệu của Báo Nhân Dân. Hiện nay, vợ chồng nhà báo Huỳnh Hùng Lý tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn đắm đuối với nghề. Ở tuổi 85 nhưng nhà báo Huỳnh Hùng Lý vẫn lọ mọ đi tìm tư liệu để viết hai cuốn sách về Bến Tre và Côn Đảo. Mỗi dịp xuân đến, ông lại viết báo như cách để thỏa nỗi nhớ nghề.

Bà Lê Thị Lý lại có thú vui sưu tầm ca dao tục ngữ, những lời hay ý đẹp để đóng thành tập gửi cho con cháu. Bà sợ con cháu mình quên mất nếp gia đình xưa. Đã 80 tuổi nhưng bà rất thích đọc báo. Ngày nào nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng phải mang 7 – 8 tờ báo ở cơ quan về cho mẹ đọc. Ngày nào anh về muộn, bà vẫn thức chờ con. Bà chỉ ngủ được khi đọc hết từng đó tờ báo trong ngày.

Dường như sự say nghề của vợ chồng nhà báo lão thành Huỳnh Hùng Lý đã truyền lại một cách tự nhiên cho con, cho cháu. Ông bà có 4 người con, chỉ có hai cô con gái không theo nghề của cha mẹ, còn lại cả hai người con trai là nhà báo Huỳnh Dũng Nhi (bút danh Huỳnh Dũng - vừa mất năm 2011) và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đều có sự nghiệp báo chí khá lẫy lừng. Vợ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng làm truyền thông. Các con (cả dâu cả rể) của nhà báo Huỳnh Dũng Nhi là phóng viên, biên tập viên của Đài Truyền hình Bà Rịa – Vũng Tàu.


Hai nhà báo giỏi không biết kiếm tiền

Trong đại gia đình có ba thế hệ với 9 người làm báo đó, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được coi là người nối nghiệp cha xứng đáng nhất. “Tôi thừa hưởng sự yêu nghề và chút tài vặt của ba. Tôi giống ba từ tính tình đến phong cách, giống đến cả việc không biết kiếm tiền” nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dí dỏm khi làm phép so sánh giữa mình với ba. Anh cho biết,  trong đại gia đình anh, anh và ba là hai nhà báo giỏi nhất nhà nhưng cũng là hai người kiếm tiền kém nhất. Cũng giống như ba anh, anh không biết mánh khóe, không biết luồn lách nịnh bợ, không biết chơi chứng khoán và buôn bán nhà đất. Ngày trẻ anh kiếm sống bằng ngòi bút, giờ anh kiếm thêm bằng nghề đi dạy và nói chuyện.

Lạ là, ngày nhỏ anh chưa bao giờ mơ trở thành nhà báo như ba mình. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết, ngày đó lúc thì anh mơ thành cầu thủ đá bóng, có lúc mơ làm họa sĩ, lại có lúc muốn trở thành một tay lái xe cừ khôi... Anh học chính quy về hội họa, mãi về sau  mới học văn và báo chí. Sau này, khi phát hiện ra mình viết được phóng sự thì anh mới thực sự thấy… yêu nghề.

Đó là lần Huỳnh Dũng Nhân viết bài phóng sự về mỏ than Mông Dương, Quảng Ninh. Đây là bài báo đầu tiên mà anh thực sự dấn thân vào nghề. Ngày đó, anh vừa chuyển công tác từ Báo Tuổi trẻ sang Báo Lao động. Vừa mới chân ướt chân ráo từ miền Nam ra Bắc, lại chưa viết phóng sự bao giờ nên khi được Ban biên tập phân công đi thực tế viết về mỏ than Mông Dương, nơi hiểm nguy sập hầm lò, nạn khai thác than thổ phỉ thường xuyên diễn ra như cơm bữa, đồng nghiệp đã có người không tin anh có thể làm được. Nhưng rồi phóng sự “Hai giờ dưới lòng đất” sau đó đã gây được sự chú ý và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhờ bài báo đó, anh đã xóa đi được sự hồ nghi của đồng nghiệp về anh. Cũng nhờ bài báo đó, anh mới biết mình…cũng có thể viết được phóng sự.

Một phong cách phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân được hình thành từ đó - phong cách phóng sự “văn trong báo, báo chứa văn”. Những tác phẩm báo chí sau này như: “Ăn Tết trong rừng chó sói”, “Ký sự xuyên Việt”, “Tôi đi bán tôi”... xuất hiện vào thập niên 90 đã tạo nên một bước ngoặt, mang phong cách đặc trưng trong tiến trình phát triển, đổi mới phóng sự báo chí.

Muốn thành công, phải trả giá

Nhiều người thích đọc phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân bởi nhận ra trong tác phẩm của anh một cái “tôi” khó lẫn, một cái “tôi” đầy tình nhân văn, khao khát đến cháy bỏng tình yêu với cuộc đời. Anh nói “Lạ lắm, mỗi một bài báo mang lại cho tôi  những cảm xúc lạ lẫm. Càng viết tôi càng yêu hơn cuộc sống này, thấy mình không vô dụng và nhờ đó càng say mê”.
Huỳnh Dũng Nhân là người  hướng nội. Anh mang đời sống nội tâm của mẹ nhưng lại ảnh hưởng lý tưởng làm người quân tử của ba. Anh thương mẹ nhưng lại không tránh được “vết xe đổ” của ba. Quá đam mê theo đuổi lý tưởng nghề báo, suốt ngày rong ruổi trên mọi ngả đường, lúc lên rừng khi xuống biển nên đã có lúc anh phải trả giá đắt cuộc sống riêng của mình. Đã có lúc anh phải sống những ngày tháng khổ đau, mất phương hướng như thế này: “Mỗi tan tầm ba rẽ sang đường khác/ Số nhà mới vẫn thỉnh thoảng ba quên/ Mỗi trưa nắng ba dừng xe ghé chợ/ Thương hai con những bữa cơm buồn/ Vẫn đôi lần xe chợt quen lối cũ/ Vội quay đi như một kẻ nhầm đường/ Đêm mưa về nhìn lên ô cửa sáng/ Nhà bốn người thiếu một hoá neo đơn…”(Viết cho con). 

Với “gia sản” nghề báo của gia đình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có thừa cơ hội để có thể chọn cho mình một chỗ đứng nhàn hạ theo cách kiếm sống thông thường. Nhưng anh đã không chọn cách sống đó bởi anh biết mọi sự thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng. Giờ đây, ở cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tạm chuyển hướng. Anh chuyển sang viết văn, làm thơ và làm quản lý. Hiện anh là Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo của Hội nhà báo TPHCM, giảng viên môn Phóng sự của Khoa Báo chí, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM. Giữa tháng 6 vừa qua, ba cuốn sách của anh: Giáo trình phóng sự; Tuyển tập phóng sự và tập thơ Dã quỳ tím được tái bản. Ba cuốn sách này đã  từng được bạn đọc yêu quý đón nhận. Đó chính là món quà quý nhất anh nhận được sau 30 năm “Tôi đi bán tôi” cho nghề báo.

Võ Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét