Nhà báo lão thành Hoàng Tuấn Nhã |
“Thành phố chống phong tỏa” – Những trang sử ký thấm đẫm mồ hôi và máu không thể bị lãng quên của Hải phòng!
(Phỏng vấn nhà báo lão thành Hoàng Tuấn Nhã, tác giả cuốn nhật ký “Thành phố chống phong tỏa”, nguyên phóng viên thường trú báo Nhân Dân tại Hải Phòng từ 15-5 đến 20-11-1972)
Một căn hộ đơn sơ với những đồ đạc đã bắt màu thời gian, nằm kề bên hồ Ngọc Khánh – quận Ba đình Hà nội, là nơi trú ngụ của một ông già đã hơn 90 tuổi – Đó là nhà báo, kiêm họa sĩ, dịch giả Hoàng Tuấn Nhã. Ông là người thiên về cuộc sống nội tâm, không thích phô trương và ít giao du bạn bè. Có lẽ, niềm vui duy nhất của ông bây giờ là đọc báo, các loại báo và vui vầy với các cháu nội. Ngót nghét một thế kỷ đã qua đi, song trí nhớ của ông vẫn còn rất minh mẫn mặc dù thính giác bị suy giảm nhiều. Bởi vậy, cuộc phỏng vấn của chúng tôi gọi là một cuộc “ bút đàm” thì đúng hơn, diễn ra trong không khí im lặng của căn phòng treo kín tranh do chính ông vẽ. Bên ngoài cửa sổ, tiếng ồn ào náo nhiệt tưởng không bao giờ ngừng của các dòng xe cộ ngược xuôi trên đường Nguyễn Chí Thanh. Và, cả cái nắng gay gắt làm cháy xém những chiếc lá chanh trên ban công đầy cây cảnh, chậu hoa.
PV. Thưa ông, ông có biết rằng cuốn nhật ký “ Thành phố chống phong tỏa” của ông được nhiều người đánh giá là bằng chứng ghi chép sinh động và đầy đủ nhất về cuộc chiến tranh chống phong tỏa thủy lôi ác liệt của thành phố Hải phòng năm 1972, hay không? Mời ông xem đoạn trích bài báo do Nguyễn Ngọc Linh, người trực tiếp tham gia rà phá thủy lôi ở Hải phòng lúc đó, viết về cuốn sách của ông : “ Đọc lại cuốn nhật ký này, tôi như sống lại thời kỳ thành phố Hải Phòng bị phong tỏa, bắt gặp lại hình ảnh của các chiến sĩ phá thủy lôi Ty Bảo Đảm Hàng Hải dũng cảm, yêu đời, hình ảnh những chiếc tàu phá lôi hùng dũng tiến vào bãi thủy lôi và bom từ trường, hình ảnh những cột nước dâng cao và những âm thanh như những tiếng gào thét vô vọng vì không đánh trúng vào mục tiêu nào cả...”.
H.T.N. (đưa tay lên lau những giọt nước mắt) Vậy là ngòi bút của tôi đã có ích cho đời. Khi đó, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là làm sao chuyển tải được lên trang viết của mình những điều tận mắt nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy một cách trung thực nhất. Thậm chí cả đến mùi vị của thuốc nổ từ quả thủy lôi bị phá hủy quyện với mùi bùn tanh của vùng cửa sông Cấm. Mặc dù hoàn toàn có thể viết qua cách hỏi chuyện những anh em đi phá thủy lôi trở về, nhưng tôi đã khoác phao cứu sinh lên người và xuống “ đĩa bay ” cùng anh em ra khơi. Đúng, những cột nước cao lừng lững, những mảnh canô vỡ nát loang lổ máu, những cái bắt tay ôm hôn chúc lên đường bình an nhưng hóa ra lại là vĩnh biệt... bốn chục năm rồi, vẫn cứ như mới hôm quá vậy.
PV. Ông đã từng trực tiếp sống, làm việc “vào sinh ra tử” cùng các chiến sĩ phá thủy lôi, vậy ấn tượng gì sâu sắc nhất để lại trong ông cho đến ngày hôm nay?
H.T.N – Đó là lòng dũng cảm và mưu trí vô song, coi thường nguy hiểm, coi thường cái chết của các chàng trai phá thủy lôi còn rất trẻ. Họ đã đặt nhiệm vụ được Tổ quốc giao phó lên trên hết mà không hề đòi hỏi một sự đền đáp gì. Bây giờ người ta hay lý giải và tìm nguyên nhân về sự thất bại của Mỹ tại chiến trường Việt Nam, theo tôi nguyên nhân đầu tiên và cũng là quan trong nhất đó là - Chất lượng của nhân dân, của những chàng trai, cô gái mà tôi đã có hạnh phúc được kề vai sát cánh với họ trong những ngày tháng đáng nhớ nhất của cuộc đời, mà bộ gen “sẵn sàng sả thân vì tổ quốc” đã được mã hóa, được di truyền qua hàng nghìn năm lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
PV. Người ta hay nói: “một giọt nước cũng có thể phản chiếu cả bầu trời”. Vậy theo ông, những ngày tháng Hải Phòng chống phong tỏa có thể coi là “một giọt nước” phản chiếu cả cuộc chiến tranh Việt Nam được không?
H.T.N – Cả cuộc đời làm báo với tư cách là phóng viên chiến tranh của tôi trải dài theo các chiến sự xảy ra trên mảnh đất Việt nam. Cuộc đụng đầu giữa Mỹ và Việt Nam là một cuộc đụng đầu mang nhiều bí ẩn nhất, cần sự chung sức của các sử gia, các chính khách, nhà báo, nhà văn...để tìm cho ra được lời giải. Lời giải về khả năng chịu đựng của con người trong những hoàn cảnh sống tưởng chừng như mọi sinh vật cũng phải bị hủy diệt, thế mà con người Việt nam vẫn tồn tại, vẫn sinh sôi, vẫn chống trả lại một cách ngoan cường. Nếu câu hỏi của anh đã dùng đến hình ảnh ”giọt nước” thì cho phép tôi thêm một từ “một giọt nước... sôi”. Tại sao lại sôi? Như mọi người biết, đế quốc Mỹ đã tiến hành 9 năm leo tháng phá hoại Miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trong đó, phong tỏa thủy lôi được giới quân sự Mỹ kỳ vọng nhất. Ngày 26/2/1967, không quân Mỹ thả những quả thủy lôi đầu tiên trong chiến dịch phong tỏa cảng sông miền Bắc. Một trong những chiến thuật của Mỹ là sử dụng hỗn hợp nhiều loại thủy lôi: thủy lôi từ trường (cảm ứng từ thay đổi thì phát nổ), thủy lôi âm thanh (tàu phát ra sóng âm thì phát nổ), thủy lôi chạm nổ (tàu chạy qua chạm vào thì phát nổ), thủy lôi áp suất (áp suất tàu đi qua thay đổi thì phát nổ). Những loại thủy lôi trên đều nhắm tới một mục tiêu nhất định, dùng để đánh chìm nhiều loại tàu chiến, tàu vận tải khác nhau của ta. Có loại chỉ chờ tàu trọng tải lớn mới phát nổ, tăng hiệu quả phá hoại. Ngoài ra, Mỹ còn dùng thủy lôi “định lần” (ví dụ, tàu chạy qua 30 lần mới nổ), dùng để khai thác sự mất cảnh giác, khiến ta lầm tưởng tuyến đường sông này an toàn và mạnh dạn cho nhiều tàu vận tải đi qua... Âm mưu gây khó khăn cho lực lượng rà phá. Bước đầu, chúng đã gây khó khăn cho việc chi viện cho miền Nam và giữa các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ Việt Nam. Tình hình hết sức cấp bách, hầu hết các loại thủy lôi đều là loại áp dụng nhiều kỹ thuật mới, ngay cả các nước trong khối XHCN như Liên Xô, Trung Quốc cũng không có nhiều thông tin và phương tiện rà phá hiệu quả. Vì vậy, với phương châm “tự cứu mình trước khi người cứu”, chúng ta chủ động tìm cách chống phong tỏa thủy như: tìm mua những tài liệu nước ngoài (chủ yếu ở các nước đồng minh của Mỹ như Nhật, Pháp, Đài Loan...) về biên dịch tìm để hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động của thủy lôi, cử nhiều đoàn cán bộ đi học kỹ thuật ở nước ngoài để phát triển nhân lực cho công tác chống phong tỏa thủy lôi. Đặc biệt, Bộ quốc phòng điều động 32 kỹ sư toàn miền đi học ở các nước về thành một nhóm để nghiên cứu và vạch ra các phương pháp phá thủy lôi. Tôi vẫn còn nhớ khẩu hiệu của các chiến sĩ phá lôi lúc đó là : "Thủy lôi chưa sạch, chưa về quê hương". Những cán bộ, người thợ Ty Bảo đảm hàng hải bắt tay vào cuộc chiến. Đội Quyết Thắng có 30 người, có người viết đơn xin vào đội bằng máu, đội trưởng là Nguyễn Thái Phong, sau này được anh em phong danh hiệu "Vua phá lôi", đội nhận được sự giúp đỡ của C8 Hải quân, cụ thể là Trương Thế Hùng - chuyên gia phá thủy lôi của Hải quân Việt nam. Người lái canô thử nghiệm phá lôi là anh Lê Văn Lợi, ba lần trước khi anh đi, đội đều truy điệu sống. Anh dũng cảm nói “tôi đi, có chết, chết một mình”. Với những con người như vậy, chúng ta thắng Mỹ cũng là một lẽ đương nhiên.
PV. Để tìm hiểu về cuộc chiến tranh Việt nam, cuốn sách của ông chắc chắn sẽ là một tư liệu quý. Vậy ông có mong muốn tái bản lại cuốn nhật ký độc nhất vô nhị về Hải Phòng đó không?
H.T.N – Thời gian không buông tha ai cả. Những người tham gia, chứng kiến cuộc chiến chống phong tỏa cảng Hải Phòng đến ngày hôm nay chắc cũng đã già cả, rồi dần dần thưa dần... Ký ức về họ, về những việc làm vì tổ quốc của họ - không thể để bị trôi vào quên lãng một cách vô trách nhiệm. Đất nước hiện nay, nhất là thế hệ trẻ, cần phải được biết các bậc cha ông đã đổ máu ra sao để có được một bến cảng bình yên, một dải bờ biển xanh ngắt cho người dân lao động nghỉ ngơi cuối tuần. Mỗi hạt cát biển Đồ sơn và các cảng biển khác, cũng đã thấm máu các chiến sĩ phá lôi năm nào. ..
PV. Xin cảm ơn ông về cuộc “bút đàm”.
(Báo Thời nay)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét