8/8/10

Trang sưu tầm tin mạng

Sử dụng tiện ích "Google Toolbar" mang lại khá nhiều hiệu quả khi lên mạng cũng như phục vụ các công việc khác liên quan đến web. Một trong những tính năng thường được dùng là thu thập tin tức, bài viết trên mạng và đăng lại vào các trang blog hoặc mạng xã hội khác, với thời gian thao tác có thể chỉ mất vài giây một lần đăng.

Google Toolbar là một thanh công cụ thêm vào trình duyệt web. Hiện có hai phiên bản cho trình duyệt Internet Explorer, trình duyệt Mozilla Firefox (hy vọng trong tương lai gần cũng sẽ có bản Google Toolbar cho trình duyệt Google Chrome). Muốn xem thêm thông tin về Google Toolbar, dùng lệnh tìm kiếm trên mạng sẽ thấy ngay.

Để tải về và cài đặt cho IE và Mozilla Firefox bấm vào đây , hoặc chỉ cần cho trình duyệt Mozilla Firefox, bấm vào đây.

Xin giới thiệu một trang sưu tầm tin trên mạng, sử dụng nút lệnh "Share" của Google Toolbar để đăng bài lên blog. Làm trang sưu tầm tin này, thực ra chẳng mất công sức gì nhiều, chỉ là lướt web xem tin, thấy tin nào hay, hoặc tin mình đang quan tâm thì bấm nút, copy và dán vào blog của riêng mình làm tư liệu, để sau này, lúc nào đó cần đến, thì tra cứu - đọc lại.

Dưới đây là danh sách những bài đã sưu tầm đăng lại trong mấy ngày đầu tháng 8/2010, blog hd media
Một bài mới sưu tầm trên blog hd mdia:

Thứ năm, 5/8/2010, 17:08 GMT+7
Yêu cầu Trung Quốc dừng ngay việc khảo sát tại Hoàng Sa

(VnExpress) - Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa yêu cầu Trung Quốc dừng ngay việc khảo sát địa chấn và mở rộng đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, bởi điều này vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Từ cuối tháng 5/2010, Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát MV Western Spirit và nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát đảo địa chấn đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 thuộc thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, khoảng 90-116 hải lý. Trung Quốc còn cho san lấp mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo.

"Những việc làm của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền của Việt Nam về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, trái với tinh thần tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) và đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc duy trì hòa bình ổn định không làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định.

Hải đăng trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam. Ảnh:
Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam. Ảnh: Trí Tín.

Việt Nam tuyên bố có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông.

Bà Phương Nga cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với các cấp của Trung Quốc để bày tỏ ý kiến chính thức về vấn đề này, nhưng cho đến nay phía Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động nói trên.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn các hành động vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông", bà Phương Nga nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam thừa nhận rằng trong thời gian qua trên biển Đông "có những diễn biến phức tạp". "Vì vậy cần có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan nhằm duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông và khu vực", bà Nga nói.

Hồi tháng 6, Việt Nam cũng đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa và khuyến khích đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không có người ở. Việc này, một lần nữa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam và trái với tinh thần tuyên bố DOC.

Trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, tháng 4/2010, nhóm công tác về DOC của Việt Nam và Trung Quốc đã có cuộc họp. Theo kế hoạch, các quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc cũng sẽ gặp để bàn về việc thực hiện DOC trong thời gian tới.

Thời gian gần đây vấn đề Biển Đông thu hút sự chú ý của giới quan sát, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố tại diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết ổn thỏa các tranh chấp ở biển Đông, và rằng Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện giúp các bên thương lượng để đạt được giải pháp. Sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề này.

Biển Đông là nơi có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực và thế giới, chứa nhiều trữ lượng khoáng sản và có tuyến đường biển quan trọng nối từ Ấn Độ Dương sang Đông Á.
Thanh Mai

Cập nhật lúc : 5:42 PM, 05/08/2010
Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

(VOV) - Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát MV Western Spirit cùng nhiều tầu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảoTri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142, 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 90-116 hải lý.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam diễn ra chiều 5/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc mới đây đã tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, san lấp và mở rộng đảo Tri Tôn; người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga cho biết, từ cuối tháng 5/2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát MV Western Spirit cùng nhiều tầu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảoTri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142, 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 90-116 hải lý. Phía Trung Quốc còn tiến hành san lấp và mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này.

Những việc làm trên của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo các quy định của Công ước luật biển năm 1982, trái với tinh thần tuyên bố của các bên ở Biển Đông, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định, không làm phức tạp tình hình Biển Đông.

Bà Nguyễn Phương Nga khẳng định: Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc ở các cấp khác nhau và bày tỏ ý kiến chính thức của Việt Nam về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động nói trên. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy quan hệ Việt Trung phát triển ổn định và lành mạnh./.
Thu Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét