25/2/12

Kiếp làm Vua (2)

(Xem lại phần đầu tại đây: Phần I)

Truyện ngắn
Vũ Tuấn Hoàng

II

Bước xuống tàu điện, chân ông mỏi nhừ và hình như cái đế giầy сũ cũng có vẻ sắp muốn bong ra. Lại đã qua một ngày rong chơi quên thời gian, lúc thì ngồi tán gẫu với mấy ông già Pháp đã từng đăng lính lê dương ở Việt Nam trong câu lạc bộ cựu sĩ quan, lúc lại ngồi đánh bài tổ tôm, mạt chược với đám cận thần quan lại cũ của ông. Paris bừng lên trong ánh sáng của các loại đèn biển hiệu quảng cáo, nhà hàng, khách sạn. Xe hơi nườm nượp chiếu đèn pha loang loáng trên đường. Bóng tối ập xuống bao trùm thành phố, cũng là lúc một cuộc sống khác của Paris, sôi động hơn, bí ẩn và đầy ma lực hấp dẫn hơn được mở ra. Chính lúc này đây, những bản năng giấu kín của con người được thả lỏng, những điều ao ước mặc sức hoành hành. Có lẽ, ông thích cuộc sống thứ hai này của Paris, ngay từ khi còn là một chàng thanh niên hào hoa vương giả. Ông cảm thấy mình như trẻ lại dưới ánh đèn mờ ảo hắt ra hè phố. Ánh mắt ông bị hút bởi những bóng phụ nữ đang nhún nhảy, lúc mờ lúc tỏ, in lên những ô cửa kính sáng ánh đèn màu nhấp nháy, trong tiếng nhạc xập xình của các quán Bar bên đường. Ông bước lướt qua và hít thật mạnh mùi nước hoa quyến rũ tỏa ra từ người những cô gái mặc váy ngắn đứng rải rác hút thuốc hay đang hôn nhau trên hè phố. Ông thật chưa muốn về nhà, những tin tức của Hội nghị Paris hôm nay khiến tâm trí ông bị xao động. Ký ức của quá khứ tưởng đã được đóng đinh chôn sâu dưới đáy lòng, nay lại trỗi dậy.

Ông giật mình dừng bước và ngơ ngác không tin ở tai mình: từ đâu đó vẳng tới những âm thanh của một bài dân ca Huế. Hình như, cái âm thanh thân thuộc đó phát ra từ một quán Bar ở phía cuối con phố bên kia đường. Ông chợt hiểu ra rằng, đôi chân của mình dường như đã tự động đi theo tiếng lòng để tới khu Phố Châu Á của quận 13. Ông rất hiếm khi đến đây vì ngại chạm trán với người quen và không muốn để các thần dân cũ nhận ra mình. Nhưng màn đêm đã che dấu cho ông sự ngại ngùng này. Không gian và con người ở đây cho ông một cảm giác như đang ở Sài gòn hay Hà Nội vậy. Ông bất giác cất giọng hát khe khẽ theo âm điệu của lời ca. Và thật lạ lùng, càng hát ông càng cảm thấy hưng phấn và bao nỗi buồn phiền bực dọc bỗng tan biến. Khi đến đứng trước cửa quán, thì ông hiểu rằng mình không thể cưỡng lại được những âm thanh, điệu phách của làn điệu dân ca sâu lắng, thấm đẫm linh hồn xứ sở nơi ông sinh ra. Ông nhớ tới nhạc sư Năm Ngũ, người thầy dạy nhạc tài danh bậc nhất kinh thành Huế của mình thủa xưa và đứng lặng đi một lúc lâu. Ông rút bao thuốc trong túi ra châm hút và làm ra vẻ như đang đứng chờ ai đó, nhưng kỳ thực là chỉ để nghe cho hết giai điệu khiến lòng ông thổn thức. Bỗng cánh cửa quán bật mở, một người đàn ông tóc bạc trắng, ăn mặc sang trọng, lịch sự, chắc là chủ quán săm săm bước tới chỗ ông đứng. Còn cách khoảng dăm bước nữa, ông ta dừng lại đưa hai tay lên chắp trước ngực và cúi đầu nói giõng dạc:

- Bẩm Hoàng thượng, xin mời ngài vào dùng trà ạ!

Ông hiểu, đã có người nhận ra mình nên hơi có phần luống cuống, ngượng ngùng.

- Ấy chết, ông đừng xưng hô như thế ở đây. Lỡ ai nghe thấy thật bất tiện. Ông cứ gọi tôi là… ông Vĩnh Thụy cho đơn giản, như thế tôi cũng thấy thoải mái.

Vẻ chân thành của ông chủ quán khiến vị vua cuối cùng của triều Nguyễn không nỡ từ chối, vả lại ông cũng đang rất muốn được nghe nhạc và nói dăm ba câu chuyện phiếm cho khuây khỏa nỗi lòng. Ông không hút hết điếu thuốc mà ném nó vào chiếc thùng đựng rác để bên cạnh cửa, rồi im lặng bước theo chân chủ quán vào bên trong.

Các bàn trong gian chính đã kín người ngồi, đủ các sắc tộc. Góc này người ta nói tiếng Hoa, góc kia nói tiếng Nga, rồi cả tiếng Ấn, tiếng Việt, tiếng Anh. Chủ quán dẫn ông tới một chiếc bàn nhỏ ở cách không xa sân khấu, nơi một ban nhạc đang chơi những bài dân ca Huế, cả nhã nhạc cung đình.

- Bẩm… thưa ông Vĩnh Thụy, ông có dùng món ăn gì không? Một bát bún bò Huế chẳng hạn – Ông chủ quán vẫn kính cẩn cúi đầu, hỏi.

- Tôi không dám làm phiền anh, tôi ngồi uống chén trà và nghe nhạc là đủ rồi.

- Hay ông dùng món xôi gà mình ưa thích?

Ông già hơi giật mình, đưa mắt nhìn chăm chú vào mặt chủ quán.

- Sao ông biết tôi thích món xôi gà?

Chủ quán không nói gì, chỉ giơ tay ra hiệu cho cô gái phục vụ bàn người Pháp bước tới và nói:

- Một suất xôi gà đặc biệt cho quý ông đây, khẩn trương!

Ông thấy sống mũi cay cay và ân hận là cả cuộc đời làm vua của mình, ông nghĩ quá ít tới người dân và hầu như chẳng làm được gì để đất nước thoát khỏi cảnh bần hàn. Ông thấy mình chỉ ích kỷ lo giành giữ chiếc ngai vàng, chỉ tìm đủ mọi cách để làm giàu ngay cả khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt tại quê hương. Vì hơn ai hết, ông hiểu lúc loạn lạc là thời cơ có một không hai để người ta kiếm được những khoản tiền vô cùng lớn, nằm mơ cũng không dám. Nhưng rồi, tiền bạc đến dễ dàng thì bay đi cũng dễ dàng cùng với chiến hữu, bạn bè, người thân, người tình. Thế mà một thần dân vô danh tiểu tốt cùng chia sẻ kiếp lưu vong nơi xứ người, lại còn nhớ cả một món khoái khẩu rất nhỏ của ông. Ông xấu hổ và cảm thấy mình thật không xứng đáng để được nhận một sự ưu ái như vậy. Về già, ông trở nên dễ xúc động hơn, trước những sự việc tưởng như vặt vãnh đời thường. Chẳng thế mà tờ Figaro nổi tiếng ở Paris cách đây không lâu đã đăng bài báo với dòng tít in đậm, rất gây ấn tượng: “Hoàng Đế và những con mèo”, để ca ngợi những hành động nhân đạo bảo vệ một gia đình mèo hoang của ông trong công viên Trocadero.

Đúng lúc đó, ban nhạc tạm ngừng chơi.

Ăn xong đĩa xôi gà, ông thấy người phấn chấn, khỏe hẳn ra. Có lẽ, đây là đĩa xôi ngon nhất của đời ông, ngon hơn bất cứ thứ sơn hào, hải vị nào mà ông đã từng ăn trong các yến tiệc trước đây. Một đĩa xôi chan với nước mắt. Những giọt nước mắt vừa tủi thân, vừa cảm động, biết ơn. Một ý nghĩ bỗng vụt đến khiến ông thấy mạch máu trong người chảy mạnh hơn. Ông đứng dậy và nhanh nhẹn đi đến bên cạnh người chủ quán đang nói chuyện gì đó với anh hầu bàn người da đen.

- Tôi có một lời đề nghị - Từ phía sau, ông vỗ nhẹ vào lưng ông chủ.

- Tôi rất hân hạnh được làm vừa lòng Ngài – Ông chủ quay người lại nói, nghiêng mình một cách lễ độ.

- Tôi có thể… biểu diễn một bài ghi ta được không?

- Hoàng thượng cũng… biết chơi ghi ta ạ?

- Thế anh nghĩ tôi chỉ biết chơi cờ bạc thôi à?

- Dạ bẩm, tôi đâu có dám nghĩ thế. Vâng, để tôi nói tay nhạc công lấy cây đàn cho Ngài.

Mọi người vỗ tay rào rào, sau lời giới thiệu của chủ quán, tất nhiên ông không nói đây là vị hoàng đế cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn ở Viêt Nam:

- Quý Ông đây muốn dùng cây đàn của mình làm bớt đi cái lạnh lẽo của mùa đông Paris ở bên ngoài kia, làm tan băng giá trong lòng của những người Việt, người Nga, người châu Phi đang sống tha hương…

Thật không ngờ, chỉ sau vài khúc dạo đầu, cả gian phòng trở nên im phăng phắc như bị những âm thanh từ cây đàn trong tay ông già người Việt hút hồn. Ông chủ cửa hàng đứng phía sau, cũng há hốc mồm ra kinh ngạc vì bất ngờ. Một số người đang ăn, quên cả nhai, vội khẽ khàng đặt dao nĩa xuống bàn, cố tránh không gây ra tiếng động, ngả người vào lưng ghế, mắt lơ đãng nhìn lên trần nhà để tập trung lắng tai thưởng thức. Mấy cô gái châu Âu ngồi ở góc trong cùng khá xa, đã chẳng khách khí gì chuyển cả ghế lên sát bục biểu diễn. Đám đầu bếp với những chiếc mũ trắng cao ngất nghêu từ phía trong kéo cả ra ngoài để nghe cho rõ hơn, tay vẫn còn cầm theo các dụng cụ nấu ăn. Bản Vũ khúc Tây Ban Nha đầu tiên vừa ngừng lại thì tất cả những người trong phòng đều đứng bật cả dậy, vỗ tay và đồng thanh kêu lên “Bravo! Bravo! Encore une fois!” *.

Ông già Vĩnh Thụy xúc động và đứng lên, hai tay ôm cây đàn ghi ta. Ánh mắt vẫn còn rất trẻ trung của ông nhìn khắp gian phòng một lượt. Ông cất giọng trầm và ấm của mình:

- Bản nhạc tiếp theo, tôi xin được dành tặng cho đồng bào của tôi có mặt trong gian phòng này, những giai điệu của xứ Huế quê tôi…

Hỏi em có nhớ hay không,
Anh thương em từ thuở mẹ bồng trên tay.
Hỏi anh có nhớ hay quên,
Thương anh từ thuở vịn phên đi lần.
Em thương anh vô giá quá chừng,
Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay.
Anh thương em tự nón đến quai,
Thương trong lớp lá, thương ngoài đường may.
Hai ta ơn trượng nghĩa dày,
Dù xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa…


“Những ngón đàn và giọng ca hết sức điêu luyện, Hoàng thượng đúng là một nghệ sĩ thực thụ” – Ông chủ quán lẩm bẩm, mặt mày rạng rỡ vì sự kiện bất ngờ xảy ra đêm nay trong quán của mình - “Hoàng thượng chọn nhầm nghề rồi, đáng ra phải là một nghệ sĩ tài ba danh tiếng chứ không phải là một ông vua long đong lận đận”.

Khi ông quay trở lại bàn của mình ngồi với một cốc trà nóng trong tay do đích thân chủ quán kính cẩn bưng trên khay đưa tới, đã xảy ra một sự việc mà chỉ mấy người ngồi gần đó tinh mắt mới để ý thấy. Một thiếu phụ người Âu xinh đẹp khoảng tầm ba mươi tuổi, không rõ nguồn gốc nước nào vì tiếng Pháp nói vẫn còn ngọng nghịu, đã đến ngồi vào chiếc ghế bên cạnh ông và lên tiếng làm quen. Ánh mắt của chị ta lúng liếng, hàm răng trắng bong sáng lên trong cái góc tối nhờ nhờ vì khuất ánh đèn.

- Tôi rất cảm tiếng đàn và giọng ca ấm áp của ông, chắc ông là một nghệ sĩ?

- Ồ không, tôi chỉ chơi nghiệp dư thôi, buồn thì đàn hát cho vui, thế thôi.

- Liệu... tôi muốn được nghe... riêng ông chơi đàn, có được không?

Ông già nhìn thẳng vào đôi mắt của người thiếu phụ và hiểu ngay ra ẩn ý của câu hỏi đó. Chẳng cần từng trải lắm cũng biết, người phụ nữ đang ngồi bên cạnh là ai và làm nghề gì. Mùi nước hoa đặc trưng thoang thoảng xộc vào mũi. Ông chủ quán nghe thấy hết và bước tới ghé tai nói nhỏ bằng tiếng Việt: “Hoàng thượng hãy cẩn trọng, ả ta là gái điếm đấy!”.

Ông phá ra cười rất to khiến mấy người ngồi gần đó phải quay lại nhìn, rồi ngoắc tay, che miệng nói nhỏ lại vào tai ông chủ quán - Có sao đâu, đấy cũng là một nghề như bao nghề khác chứ - Rồi, ông lại chỉ tay vào ngực mình - Tôi đây mới là một con điếm chính cống nè!

Nói xong, ông quay sang người thiếu phụ, đặt bàn tay nóng ấm và dày của mình lên bàn tay nhỏ nhắn để trên bàn của cô ta:

- Xin lỗi cô, chúng tôi có câu chuyện riêng tư. Nhưng thú thật với cô, hôm nay tôi không thể chiều theo ý muốn của cô được.

- Vì sao vậy?

- Tôi đang… túng bấn.

- Ồ không, ông hiểu nhầm em rồi... Em đâu có cần tiền của ông... em muốn nghe ông đàn, muốn được... ở gần bên ông.

Người đàn bà khe khẽ rút bàn tay của mình ra và xoa nhè nhẹ lên mu bàn tay với những ngón dài, mập mạp rất nghệ sĩ của ông.

- Les gens oublient ans et se souvient des moments ** - Ánh mắt cô như vuốt ve khuôn mặt có cái vẻ hơi phớt đời của ông - Chúng ta rời khỏi đây chứ?

- Cô đáng lẽ phải là một triết gia. Cuộc đời đúng chỉ là phép cộng của những khoảnh khắc đáng nhớ. Nào chúng ta đi! – Vừa nói, ông vừa nắm chặt bàn tay mềm mại, hơi ướt của người phụ nữ mới quen. Hai người lặng lẽ rời khỏi bàn.
Khi cánh cửa quán khép lại phía sau lưng, ông đội mũ lên và hỏi nhỏ:

- Cô muốn đi đâu nào?

- Ông muốn đưa em đi đâu cũng được. Paris đêm nay là của chúng ta mà.

(hết phần II)
_____

Ghi chú:
* Hoan hô, hoan hô, diễn lại nữa đi!
** Con người ta thường quên năm tháng, mà chỉ nhớ những khoảnh khắc.

TTST BND: Xin mời xem tiếp phần III, IV, V và đoạn kết vào kỳ sau, lúc 7:00 thứ Hai, 27/02/2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét