27/10/08

Ngày đầu tiên đi học

Chào các anh trong Ban biên tập!

Em là Thụy, lâu quá em không ghé trang web của trại trẻ, hôm nay mới thấy quá nhiều tin buồn mà mình không kịp chia buồn, thật áy náy trong lòng... nhưng cũng vui khi nhận ra rằng đã có nhiều người hơn, nhiều bài viết hơn góp mặt trong web. Nhân tiện em cũng xin gửi một chút kỉ niệm nhỏ mà em còn nhớ, gọi là có, vì lúc sơ tán em còn nhỏ quá, chẳng có nhiều kỉ niệm như các anh chị được.

Em hy vọng chuyện họp mặt sắp tới sẽ thực hiện được, em cũng có ý mong là nếu được, các anh cho khoảng 2-3 thời điểm, nếu thời điểm nào có nhiều người thu xếp tham dự được đông nhất sẽ chọn thời điểm đó (hy vọng em sẽ có mặt). Thế nhé. Em gửi lời chúc sức khỏe cả nhà mình!

Huỳnh Ngọc Thụy
Ngày đầu tiên đi học

Ngày đầu tiên đi học của các bé thơ bây giờ sao mà nhẹ nhàng, mà sung sướng. Nhìn các bé được ba mẹ dắt tay vào tận lớp, xúng xính trong bộ đồng phục thật đẹp, thật dễ thương, hay có bé còn nước mắt lưng tròng, mè nheo không chịu vô lớp mà sao thương thế, tôi chợt tự hỏi ngày đầu tiên đến lớp của mình là ngày nào, đã diễn ra như thế nào? ... và rồi kí ức bỗng từ từ hiện về…

Ngày đó là ngày tôi ở trại trẻ sơ tán của Báo Nhân Dân tại xã Thống Nhất, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà tây. Chiến tranh leo thang, máy bay Mỹ ném bom miền Bắc nên lũ trẻ chúng tôi phải đi sơ tán xa Thủ đô Hà nội, xa ba mẹ, đến vùng nông thôn an toàn hơn để tiếp tục học tập. Khi vào trại trẻ, tôi còn chưa đủ tuổi đi học, thấy các anh chị lớn được đi học chúng tôi thèm lắm, nên đến tháng 9 năm đó, tôi và các bạn cùng lứa 6 tuổi sung sướng vô cùng, khi được các cô trông trẻ thông báo là ngày Khai trường sắp tới, chúng tôi sẽ đi học lớp 1... Lời thông báo này làm cả bọn chúng tôi náo nức chờ đợi, lăng xăng tự chuẩn bị bút chì, ngòi bút lá tre, lọ mực tím, sách vở. Chẳng có sách viết sẵn chữ để tô đâu, chẳng có dụng cụ hỗ trợ học, mà cũng chẳng học thêm trước chữ nào như bây giờ để chuẩn bị cho con vào lớp 1, các bậc phụ huynh đã phải cho con học chữ trước từ lớp lá. Cũng chẳng có cặp sách, chỉ có cuốn tập đánh vần và một cuốn tập viết cứ thế cầm tay mà đến lớp, bập bẹ từng chữ một theo cô giáo, với niềm háo hức rằng sắp tới mình sẽ tự đọc truyện được một mình, sẽ không phải nhờ ai đọc dùm, để rồi họ có thể ngưng đọc đi làm việc khác, đúng vào đoạn hồi hộp nhất hay là đoạn khiến mình tò mò nhất. “Từ nay mình sẽ tự đọc chữ được một mình”, điệp khúc đó khiến tôi học đánh vần rất nhanh và luôn háo hức đi học. Chẳng bao lâu sau, tôi đã đánh vần được hết cuốn truyện tranh “Maruska đi học” và cứ ao ước có cái nơ thật to cài trên tóc, đi vớ trắng cùng đôi giầy xinh xinh, cũng như có bộ váy đồng phục màu xanh thật đẹp như Maruska.

Tôi cũng còn nhớ không khí học tập trong trại trẻ rất có kỷ luật, tối nào dưới ngọn đèn dầu cũng có từng nhóm tự học với nhau theo từng cấp lớp, các anh chị lớp trên cùng học văn, học toán, chúng tôi thì học đánh vần, học thuộc lòng. Tôi còn nhớ khi đã lên lớp lớn hơn, học bản cửu chương mãi không thuộc, khi vào trả bài cho mẹ An chỉ cần vấp một số là bị bắt học lại. Đến khi học thuộc rồi, các anh chị truy bài lại còn bắt đọc ngược từ dưới lên, ấn tượng quá mãi đến giờ còn nhớ. Mà lạ nhất là do nghe các anh chị học bài lớp trên, nên những năm sau tôi học thuộc lòng khá dễ dàng các bài thơ văn ấy, bài “Gửi lời chào lớp 1” đến giờ tôi vẫn thuộc lòng, nhớ là cứ đọc đến câu “chào bảng đen, cửa sổ, chào chỗ ngồi thân yêu, tất cả chào ở lại...” là tôi lại thấy rưng rưng trong lòng. Bài “Việt Bắc” tôi còn đọc ngược được một đoạn (cũng nhờ học lỏm của các anh tôi), các con tôi rất “thán phục” tôi vì điều này, chúng nó có biết đâu là tôi chẳng tài giỏi gì, chỉ nhờ nghe các anh chị lớn học bài nên được học đi học lại biết bao lần. Đặc biệt hơn là còn đọc bài Việt Bắc không có câu kết theo kiểu “ta về mình có nhớ ta, mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng, ta về mình có nhớ không, mười lăm năm ấy mặn nồng thiết tha, ta về mình có nhớ ta...”, làm sau này con tôi kể khi thi hết cấp, gặp bài này nó suýt không làm được vì không tìm được câu tiếp theo để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “ta, mình” ấy. Tôi còn nhớ là mẹ An, bác Viên tổ chức cho các lớp lớn kèm lớp nhỏ, nhóm của chúng tôi được anh Tĩnh, anh Chân và anh Lộc (học trên chúng tôi 1 lớp) kèm cặp. Các anh ấy tuy không lớn hơn chúng tôi nhiều, nhưng thỉnh thoảng cũng dùng “quyền lực” dọa nạt đàn em khi chúng tôi không học bài. Sau này, tôi nhớ mình hay hỏi bài anh Trần Minh, tôi vẫn nhớ là hồi đó, do “nghe đồn” anh Minh rất giỏi toán nên chúng tôi thích hỏi bài, anh Minh giảng dễ hiểu. Cũng thật tình cờ, năm tôi học lớp 11 trường Lê Quý Đôn TP.HCM thì anh Minh đang là lính đóng tại TP, nên tôi lại có dịp được anh Minh giảng bài lần nữa, lần này là một bài lượng giác, chỉ có điều lần này là trong khung cảnh đất nước đã hòa bình.

Như vậy đấy, mùa khai trường đầu tiên của tôi là như thế, chẳng có mẹ dắt tay đến trường, chỉ có bạn bè, các anh chị cùng trại trẻ. Con đường đến trường năm xưa ấy cũng chẳng bằng phẳng như bây giờ, ngày nắng thì không sao, ngày mưa là tụt dép cầm tay, những ngón chân nhỏ xíu quắp chặt xuống con đường trơn tuột, chỉ sợ truợt té ngã... Ngôi trường bé nhỏ của chúng tôi ngày ấy được bao quanh bằng những giao thông hào dẫn tới hầm trú ẩn, mũ rơm tự đan đội trên đầu… Thế nhưng tới giờ tôi vẫn còn nhớ niềm háo hức khi được đi học hồi ấy. Cái ngày đầu tiên ấy thật chẳng thể nào quên...

Một chút kí ức xôn xao nhân mùa khai trường, gợi lại để gửi ai cùng tâm trạng chia xẻ chuyện xưa... để cùng trân trọng giữ gìn và nhớ mãi!

Xin chép câu hát thay cho lời kết: “Ngày xưa ơi, mãi xa thật xa, xa cánh diều chở bao ước mơ...”
__________________
Ảnh 1: Nhà hầm này thật kiên cố vì nó ở tuyến lửa Quảng Bình, còn lớp học của mình đơn sơ hơn.
Ảnh 2: Nhanh nhanh ra hầm tránh máy bay (nguồn: ttvnol, diễn đàn giáo dục quốc phòng).
Ảnh 3: Những chiếc mũ rơm bện từ những sợi rơm vàng óng thơm nồng, với nhiều kiểu dáng khác nhau đã trở thành một vẻ đẹp khó quên của người miền Bắc, một hình tượng tiêu biểu của Việt Nam, một trong những phát kiến trong những năm tháng kháng chiến của Việt Nam chống Mỹ.

13 nhận xét:

  1. Em vừa đi con đi học thêm tiếng Anh ở phố Phạm Ngọc Thạch, đường tắc mọi ngả, mãi mới về đến nhà. Đặt nồi cơm và chờ 2 tiếng nữa để đón con.Đọc bài chị Thuỵ lúc này, tự dưng ngậm ngùi vì sự học hành, của chúng mình ngày xưa, của trẻ con bây giờ. Hồi em vào lớp 1 (lúc ấy rời trại trẻ theo mẹ em lên Thái Nguyên rồi), tự mình đi học rát xa, bé lũn cũn, mũ rơm, túi xách. Thế mà vẫn nhớ lớp mình học là cái lán cạnh suối. Lại còn nhớ được rằng lúc nhớ mẹ ra suối ngồi một mình, biết nghĩ vơ vẩn một mình, từ lúc 6 tuổi.
    Hôm nào chị Thuỵ ra hà Nội chơi đi. Em hỏi thăm Hoa Lê nhé.

    Trả lờiXóa
  2. Nặc danh29/10/08 10:43

    Cho anh có ý kiến ngược lại với Hà Phạm. Mình biết nghĩ vẩn vơ lúc học lớp 1 nhưng mình lại không biết nghĩ làm sao để sau này sống đỡ vất vả hơn bố mẹ mình, giống trẻ con bây giờ đang nghĩ. Thế hệ chúng mình và thế hệ cha mẹ có suy nghĩ gần nhau về thời cuộc (ngoại trừ khác biệt do tuổi tác quy định). Vì tất cả cho tiền tuyến mà. Nhưng thế hệ mình với con mình bây giờ khác xa nhau lắm. Đến cháu thì chắc là cả một khoảng trời ngăn cách xa xôi. Nếu cứ đem ngày xưa ra để làm chân lý sống thì bọn trẻ không chịu đâu.

    L P Bình

    Trả lờiXóa
  3. Cái mà Hà và Bình nhận xét hay đây, có thể lập thành một chủ đề để tranh luận trên blog, mình thấy thế này có đúng ý mọi người không:
    - Thụy và Hà muốn nói về "bản lĩnh" độc lập (tự lập) của trẻ em ngày chiến tranh;
    - Bình nói về khả năng nhập cuộc sống theo "cơ chế thị trường" của trẻ (nhưng chưa thấy kèm dẫn chứng?).

    Tiếc là anh chị em TTST BND ít người có thời gian tham dự một cuộc trao đổi ý kiến như vậy.
    Mọi người hình như đều bận lắm?!

    Trả lờiXóa
  4. Bổ sung thêm mấy chữ thiếu:
    "Bình nói về khả năng nhập cuộc sống theo "cơ chế thị trường" của trẻ THỜI NAY (nhưng chưa thấy kèm dẫn chứng?)"

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là bận thật.Nhưng việc ít đọc và ít nhận xét, theo em, không phải do bận, nếu cần trao đổi ý kiến thì nên trao đổi chính về việc này, chứ không phải về chuyện trẻ con hôm nay và ngày xưa nghĩ khác nhau thế nào. Khác, đương nhiên là khác, tránh sao được. Vả lại, con cái chúng ta cũng ở những tuổi khác nhau, con em còn nhỏ nên em cho rằng con các anh các chị vào đại học rồi sẽ không làm các anh các chị bận rộn như em và nững bố mẹ con còn nhỏ, giống em...
    Em viết trong khi chờ đón con, và vì đọc bài chị Thuỵ, em nhớ hồi bắt đầu đi học của mình. Tuyệt không có ý định so sánh gì đâu ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Là thảo luận về việc mọi người cũng có bận, nhưng cái chính là "lười" tham gia blog?

    Hay là nội dung blog chưa đáng xem lắm so với biết bao lo toan, tất bật hàng ngày?

    Biết làm sao được, ngoài việc cố gắng cho nội dung blog có giá trị hơn, bắt đầu từ việc khơi gợi các chủ đề, viết bài hay và cải tiến nội dung, hình thức v.v...
    Để được như thế, lại đến vấn đề "nguồn nhân lực" phục vụ blog...?

    Chán thật!

    Trả lờiXóa
  7. Ấy, anh Dân mà chán thì còn gì là blog của chúng ta nữa! Anh đừng chán...!
    Em muốn nói về cái lười của mọi người (có cả em). Sự thờ ơ nói chung hình như không thay đổi được.
    Nhưng em cũng muốn bàn về sự thờ ơ ấy. Chẳng hạn bao nhiêu người chẳng hề ngó qua blog là vì lý do gì?
    Có lẽ nên tổ chức một cuộc cãi nhau, hay là bút chiến hẳn hoi. Anh Bình nhé!

    Trả lờiXóa
  8. Bao nhiêu thành viên nhóm TTST BND chẳng hề ngó qua blog là vì lý do gì, mặc dù ai cũng giơ tay ủng hộ blog khi được hỏi ý kiến?

    - Đơn giản vì lười thôi! Blog chỉ là cái để đọc "chùa", vì thế khi nào hứng lên thì vào xem, không thì cả năm chẳng cần vào cũng được!
    (hình như xem bên blog Bạn trường Trỗi, ai đó ca thán rằng có người chỉ đọc "chùa" nên mình bắt chước từ này cho vui).

    Việc này có tranh luận cũng chẳng khá hơn được, vì thực ra anh chị em TTST BND rất ít vào blog, nên không hề biết có gì đang xảy ra ở đây.
    Cứ thử bấm vào mục "Chi tiết" của bộ đếm "Số lượt" ở dưới cùng cột bên cạnh của blog mà xem, chỉ có vài ba con cá "quen" lạc vào hàng ngày thôi, có khi vài ngày liền chả bắt được con tép nào ...

    Trả lờiXóa
  9. Nặc danh1/11/08 14:20

    Kiều Thành xin góp nhân chuyện: muốn nói về "bản lĩnh" độc lập (tự lập) của trẻ em ngày chiến tranh, khả năng nhập cuộc sống theo "cơ chế thị trường" của trẻ thời nay....

    Cảm ơn anh Dân, anh Bình, anh Khánh, các anh chị,.... Các anh chị đã làm những việc đáng quý, nhờ các anh có ý tưởng hay mà Trại trẻ Báo Nhân dân có những dịp gặp nhau, xích lại gần nhau.
    Có người nối nghiệp cha mẹ, có người theo nghề khác nhưng vẫn là con các cụ đã từng công tác tại Báo Nhân dân, đã từng đưa anh chị em chúng ta vài lần đi sơ tán trong những năm tháng chiến tranh, chúng ta đều may mắn được an toàn và trở về trong niềm vui của bố mẹ sau hiệp định Pari 1973.
    Báo Nhân dân giúp đỡ chúng ta, bố mẹ thương yêu chúng ta, anh lớn đùm bọc em bé.
    Chiến tranh đã qua đi, Trại trẻ Báo Nhân dân được các cụ đưa đi sơ tán, tránh bom đạn, an toàn và đã hơn 40 năm qua đi, các anh các chị đã có người lên ông lên bà, chúng em, lứa trẻ bé nhỏ thời đó, giờ cũng đã gần 50 tuổi.
    Qua chuyện "bản lĩnh" xưa và chuyện "cơ chế thị trường" của con trẻ ngày nay, ngày xưa chúng ta cũng như trẻ hôm nay, (khác nhau về thời gian - sự phát triển của xã hội), ngày nay chúng ta bằng tuổi cha mẹ ta những năm 64 - 70, chúng ta nhìn nhận mọi việc có khác đi theo tuổi tác và thời gian, ngày xưa chúng ta cũng sống đầy bản lĩnh, xong chúng ta biết sống có thương yêu, đùm bọc và tôn trọng.
    Ngày nay xã hội có phát triển, có cơ chế thị trường, nhưng chúng ta cũng lại như bố mẹ chúng ta ngày xưa: lại phải theo dõi, lo toan và uấn nắn để con cháu chúng ta biết tôn trọng.

    Kiều Thành

    Trả lờiXóa
  10. cho Thuỵ có ý kiến nhé, chẳng bắt được ai điều gì đâu, dù người đó là con bạn đi nữa, cái chính là quan niệm của mọi người, nếu bản thân họ thấy tốt thì họ theo, quan trọng là bọn trẻ có quan niệm thế nào là đúng, sai để chúng tự tìm ra cách sống tốt nhất theo quan niệm sống đó. Thụy là giáo viên, tiếp xúc thường xuyên với lớp trẻ, các em sinh viên đôi lúc làm mình lo lắng vì tương lai đất nước sẽ dựa vào họ mà sao họ thờ ơ quá, nhưng khi có chuyện thì thấy các em ứng xử rât tốt, dù không phải là tất cả, vẫn thấy tạm yên lòng vì biết vẫn còn đó những người trẻ đầy nhiệt huyết, và biết đúng sai rõ ràng. cuộc sống sẽ tốt đẹp thôi. ngày xưa chắc các cô chú bác của chúng ta cũng có lúc lo lắng như mình lo bây giờ thôi. nhưng rõ ràng mình vẫn lớn khôn sau bao nhiêu trò nghịch ngợm đấy thôi.
    trang web của chúng mình còn vắng vẻ vì mọi người bận bịu, có thể không có điều kiện online thường xuyên, hoặc bản tính ngại ngùng chưa tiện lên tiếng, sẽ có lúc trang web mình đông đúc hơn... hãy đợi đấy, đừng mất kiên nhẫn nhé, đất lành chim đậu... vài lời góp chuyện cho vui, xin nhường lời lại cho mọi người. Thụy

    Trả lờiXóa
  11. Có lẽ các "bô lão" ít điều kiện "online" như Thụy nói đấy.

    Không biết mọi người thế nào, chứ như mình nhìn màn hình PC vẫn chưa phải kèm mục kỉnh, nên ngày nào cũng ngồi gõ bàn phím đều.

    Cách đây ít lâu, anh Bình đã sưu tầm bài "Tuổi tác không thể ngăn cản chúng ta" đưa lên blog TTST BND. Mình bèn làm cuộc trưng cầu ý kiến "Chữ trên blog này to hay nhỏ", suốt 10 tháng đã đạt thành tích gom được 9 ý kiến, trong đó 6 người cho là "vừa phải"!

    :)

    Trả lờiXóa
  12. Dân ơi, đừng “hờn dỗi” nữa. Nói gì thì nói, blog mình hay đấy, gợi lại một thời để nhớ. Bài “Ngày đầu tiên đi học” của Thụy rất hay, làm mình cũng nhớ nhiều những ngày ở Trại trẻ của mình. Như vậy blog đã làm được một điều rất quý lắm rồi. Đâu cứ phải có nhiều người viết và bình luận là blog hay đâu. Tôi nghĩ nhiều anh em có vào blog và đọc đấy, song ở tuổi đã lớn nhiều rồi, giãi bày cảm xúc trên sổ nhật ký của riêng mình đã khó, huống là trên blog có nhiều người cùng xem.
    Đọc bài của Thụy, tôi lại nhớ đến nhiều anhem mình đi lượm hạt bưởi về, bóc vỏ ra, lấy hạt bên trong, xâu thành chuỗi dùng thắp sang thay đèn dầu mỗi khi học tối. Có lúc lượm hạt trẩu rơi vãi đâu đó, cũng xâu thành các chuỗi.
    Rồi TTST ta có ra tờ báo tường rất hòang tráng treo trên cột đình. Có rất nhiều anh em nhiệt tình tham gia viết bài, người viết truyện, người chép bài thơ, có em gửi bức vẽ…Trẻ em xúm đến xem đã đàng, mẹ An, chú Viên, và các cô khác cũng đến xem và góp ý. Hình như báo tường chỉ ra được vì số thôi.
    Nhớ hồi đó, nhiều em bị ghẻ quá trời, được các cô cho tắm rửa sạch sẽ , có nấu nước lá xoan tắm, được bôi thuốc mỡ.
    Rồi đôi lần mẹ An, chú Viên mua con chó về nấu cháo thịt chó cho cả trại trẻ ăn để mát người, lặn ghẻ và có chất dinh dưỡng.
    Lại có các anh lớn tuổi nhất trong trại trẻ như anh Dũng, anh Phương, anh Hoài…đứng ra lập “đại đội bộ đội”, tự lập ban chỉ huy đại đội đóng bản doanh trên gác xép nhà bác Lê. Anh Hòai làm Chính trị viên đại đội, anh Phương, anh Dũng làm Đại đội trưởng, Đại đội phó. Các anh hồi ấy đeo lon tự làm lấy trên ve cổ áo, người “đại úy”, người “trung úy”, riêng tôi hồi ấy được phong lúc đầu là “chuẩn úy” , vài ngày sau lên “thiếu úy” (vì có nhiều em được bổ sung quân só vào Đại đội). Óach thật! Còn nhớ nhiều em ở trại còn bé lắm, chưa “đủ tuổi vào bộ đội”, đứng ở ngoài sân nhà bác Lê thèm thuồng nhìn anh em chúng tôi tập đi đều bước rất hùng dũng. Các em gái trong trại đủ tuổi rất thích được vào “bộ đội” nhưng các anh chỉ huy cương quyết không cho gia nhập. Thế là các em đó phụng phịu đến kiện các cô chú phụ trách trại. Mẹ An phải đến bản doanh chỉ huy Đại đội nói gì đấy,các anh ấy mới chịu cho các em gái vào quân đội, cho tập riêng. Hồi đó ai cũng phải học các đánh mooc, nhận biết ám hiệu khi hành quân…Rất vui, và hãnh điện lắm.
    Các anh chỉ huy rất nghiêm. Còn nhớ nhiều em bị phạt làm những việc nặng do không chấp hành kỷ luật quân đội. Tôi một lần trót dại trèo cây mơ trong vườn nhà dân cạnh trại trẻ, hái có vài quả nhỏ thôi, bị chủ nhà mách các cô phụ trách. Các anh chỉ huy liền quyết định giáng chức 2 bậc từ “thiếu úy” xuống “thượng sĩ”. Đau quá, “đào ngũ” luôn. Những ngày sau đó, phải lủi thủi một mình bên rìa sân nhà bác Lê nhìn mọi người vui vẻ tập luyện.
    Sau này, Báo Nhân dân cứ mấy anh chị Đòan thanh niên về họp lại các anh chỉ huy chuyển “đại đội bộ đội” thành tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong. Nhưng mọi người thấy đấy, thành lập Đội TNTP rồi, đầu thấy ai còn hứng thú tham gia nữa, một hai tháng sau rồi thôi.
    Có chuyện mỗi khi nhớ lại thấy buồn cười cho mình: Một lần thấy mẹ An cho một bạn bị ốm uống một cốc nước chanh pha đường, thèm quá. Hồi ấy có phải ai cũng được uống nước đường ngon ngọt đâu. Thế là giả ốm, nằm co quắp trên giường, ai đến hỏi cũng không nói. Mẹ An đến sờ trán, nhìn tôi rồi nói “Uống nước chanh nhé!”. Gật đầu. Uống xong, sướng quá, đã thèm, ngồi dậy, nhảy ra khỏi giường liền.
    Thôi tôi dừng đây, Dân à, cứ nhớ miên man thế này đến bao giờ hết chuyện được.

    Trả lờiXóa
  13. :)) Hoan hô! Kỷ niệm của Nguyên nhiều quá phải chuyển sang một bài đăng thôi!

    Trả lờiXóa