2/10/08

Chùa Hòe Nhai

TTST BND: Nhân sáng thứ bảy này, 04/9/2008, gia đình tổ chức đưa anh Lê Việt Trung lên chùa Hoè Nhai và có mời các bạn của anh đến dự, chúng tôi sưu tầm vài thông tin về ngôi chùa.

Chùa Hoè Nhai cũng gọi Chùa Hòe Giai, tên chữ là Hồng Phúc Tự, ở số 19 phố Hàng Than, Hà Nội. Đây là ngôi chùa cổ, tương truyền có từ đời Lý (1009 - 1225). Đã trải qua nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1687, 1899 và 1952. Phạm vi chùa trước kia khá lớn, sang thời Pháp thuộc bị thu lại như hiện nay.
Xưa, chùa thuộc phường Hòe Nhai, phía tây bắc thành Thăng Long. Thời Lý quy định mỗi quan trong triều phải trồng 1 cây Hòe tại đây nên thành tên đường (trồng từ Hoàng thành ra tới bến Đông Bộ Đầu). Đường thôn như vậy nên thôn và chùa đều được gọi là Hòe Nhai.

Chùa đã từng là trung tâm in ấn kinh Phật. Hiện nay trong chùa còn giữ được mấy chục bộ ván kinh. Đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), các thế lực họ Trịnh, họ Lê tranh giành quyền bính, kinh đô Thăng Long bị binh hỏa thiêu cháy, chùa Hồng Phúc cũng không tránh khỏi tai họa. Tấm bia ghi việc trùng tu chùa năm Gia Long thứ 10 (1811) đã ghi rõ việc đó, cho thấy cảnh chùa cổ kính thời xưa đến lúc đó chỉ còn đống tro tàn, may nhờ có nhà sư Khoan Nhân đứng ra lo liệu tu sửa lại, nên cảnh chùa mới được khôi phục.

Chùa được xây dựng theo kiểu chữ công. Phía trước là chính điện, phía sau là nhà tổ và tăng phòng, xung quanh là hành lang. Thượng điện còn giữ được nhiều bức chạm hình tứ linh và các cửa võng sơn son thếp vàng. Chùa có nhiều tượng Phật được bày làm 6 lớp. Tổng số tượng ở chùa Hòe Nhai gồm 68 pho, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đồng hun, gỗ quý, đất nện, được sơn son thếp vàng. Chùa có một quả chuông mang niên hiệu Long Đức 3 (1734). Sân chùa có hai ngọn tháp cao 3 tầng. Trong chùa còn có đến 28 tấm bia, cổ hơn cả là bia dựng năm Chính Hoà 24 (1703) ghi rõ vị trí chùa ở phường Hoè Nhai, tại Đông Bộ Đầu tức Bến Đông. Chính nhờ bia này mà giới sử học ngày nay xác định được vị trí trận chiến thắng ngày 29 tháng 1 năm 1258 của quân nhà Trần mà sử chép là chiến thắng Đông Bộ Đầu, đuổi quân Nguyên, giải phóng kinh thành có vị trí ở khu vực gần chùa Hoè Nhai ngày nay. Trong chùa có nhiều tượng cổ, cổ nhất là tượng Cửu Long (Thích Ca sơ sinh) và đặc sắc nhất là tượng một vị Phật ngồi trên lưng một ông vua nằm phục xuống (có tên là "Dĩ thân vi thăng sàng"). Có lẽ đây tạc theo điển Vua Đế Thích tình nguyện làm giường cho phật Thích Ca ngồi truyền pháp.
Chùa Hòe Nhai là “chốn tổ” của phái Tào Động, một trong hai phái lớn của Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam.

Về pho tượng cổ độc đáo: Mang tên “Dĩ thân vi thăng sàng”, còn được gọi là tượng Vua sám hối Phật, tạc nhà vua mặc triều phục đang quỳ, hai bàn tay vua cung kính mở rộng để trên mặt phẳng, tương xứng với thân vua đang trong tư thế cúi lạy và mang trên lưng một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen. Pho tượng bằng gỗ cao 1,52m (trong đó tượng vua quỳ cao 0,40m, chiều rộng hai chân vua 0,54m), đặt trên một bệ rộng 0,84m.
Pho tượng cổ trong chùa đã phản ánh một mặt của đời sống của xã hội xưa, lại vừa là di sản nghệ thuật tượng của Việt Nam .

Tượng phật trong những ngôi chùa ở miền Bắc phong phú và đa dạng, nhưng chưa ngôi chùa nào có được pho tượng lạ này, pho tượng đôi, một quỳ, một tọa trên lưng người quỳ. Pho tượng đặt bên trái chính điện, đăng đối với tượng quan âm tống tử. Bộ tượng cao 1,78m được tạc bề thế cân đối giữa chiều cao với bề rộng, giữa pho tượng ngồi trên với pho tượng quỳ dưới và với cả vị trí đặt tượng hiện thời. Nét chạm đơn giản, mạch lạc thể hiện được thần thái của tượng. Nếu tượng dưới có nét mặt là nam tính, ra chiều thành kính, thì tượng phía trên có nét mặt nữ tính, nghiêm trang, đầy đặn. Các nếp áo chảy dài mạnh, nhuần nhuyễn, chứng tỏ trình độ điêu luyện của người chạm. Toàn bộ tượng phủ sơn son thiếp vàng có vài ba điểm đã bong tróc, cốt gỗ cũng bị nứt nẻ đôi chỗ, tuy nhiên nước sơn trải qua thời gian dài vẫn giữ được màu khá đẹp, cổ kính. Tượng mang đậm phong cách thời gian khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.

Mỗi pho tượng trong chùa Việt đều gắn với một tích để lý giải về nguồn gốc xuất hiện. Pho tượng đôi nói trên cũng còn được lý giải bằng
một cách rất lạ. Theo sư cụ trụ trì tại chùa và theo tài liệu của Ban quản lý Di tích – Danh thắng Hà Nội, tương truyền pho tượng gắn với vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680), thể hiện sự sám hối của ông sau khi đã có những chính sách hạn chế Phật giáo, ”Phế bỏ tăng lữ”, được hòa thượng Châu Dung (tổ thứ nhì của chùa đồng thời là tổ thứ 37 của phái Tào Động) dâng biểu nói lẽ phải trái. Từ đó, vị vua này đã thay đổi thái độ với Phật giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét