Phần chính tập hợp nhiều bài viết, tấm lòng bè bạn thương quý anh, của Bùi Hiển, Phạm Hổ, Viễn Phương, Tô Hoài, Ðặng Minh Phương, Nguyễn Chí Trung, Ðoàn Minh Tuấn, Lê Văn Thảo, Lê Minh Khuê,... cùng nhiều người khác. Giáo sư Hà Minh Ðức ghi chép cuộc trò chuyện với Nguyễn Văn Bổng lúc sinh thời. Bìa sách do Thành Chương, một họa sĩ hình như đã lâu lắm không làm sách cho ai, thực hiện. Còn lại là mấy trăm trang in sin sít các bức thư trao đổi giữa hai vợ chồng, giữa người cha ở chiến trường và các con thơ dại ở hậu phương, thời gian hai lần anh vào Nam chống Mỹ, cứu nước.
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng lên đường vào chiến trường Nam Bộ năm 1962, để lại tay vợ bốn cậu con trai, đứa lớn mới lên mười, học lớp bốn, đứa nhỏ đi vườn trẻ. Một trong những băn khoăn lớn của anh chị là giáo dục các con. Suốt 200 trang sách, cái thương cái nhớ lẩn khuất đằng sau. Từ trạm dừng chân đầu tiên sau hơn một tháng băng rừng vượt suối, anh gửi thư về: 'Ðây chưa phải là nơi anh đến, nhưng là khu quê nhà. Anh sẽ dừng lại một thời gian trước khi tiếp tục về nơi đã định. Ðường đi tất nhiên là khó, nhưng trước đây anh đã đi thế này vài ba lần rồi...'.
Nói qua cho vợ yên tâm rồi chuyển sang việc dạy con: 'Vân ơi, thường nghĩ đến em, anh thấy trước nay em phải gánh nặng về con. Từ nay, em phải tự gánh một mình. Ðiều đó anh suy nghĩ rất nhiều, và có lẽ đó là điều khiến anh thương nhớ em nhất. Từ nay, em làm được gì, cố gắng, tiến bộ đến đâu là phần của em. Anh làm được gì cống hiến đến đâu, trong đó có phần em... Anh tin là các con sẽ ngày một ngoan hơn. Nhất là Phương. Vân cần động viên Phương về vai trò gương mẫu, về trách nhiệm chim đầu đàn của Phương. Có điều này khó cho Vân: Là theo ý anh không nên gò bó các con, không nên sợ các con nghịch quá, chỉ sợ tuổi của các con như thế mà các con không biết nghịch, sớm có vẻ khuôn phép, sau này lớn lên sẽ không phát triển được cá tính, tài năng. Anh muốn các con được nghịch nhiều, chơi nhiều, biết nhiều. Ðừng để chúng lười, ẩu. Chứ thật ra, lúc nhỏ học hành chưa phải giỏi, chưa xuất sắc lắm cũng không sao đâu. Nếu chúng nó được phát triển về mọi mặt, lớn nhất định sẽ giỏi. Chỉ có điều muốn chúng được nghịch thì mình phải khổ hơn... Nhớ mua quà cho các con. Bồi dưỡng các con về trái cây, chất ngọt. Ðừng để các con thấy ba ở nhà được ăn quà, được mua sách, mua đồ chơi, còn má không có gì cả'.
Cùng ngày, viết thư cho con, Nguyễn Văn Bổng dặn: '...Trách nhiệm của Phương từ nay nặng nề lắm. Má sẽ giải thích cho con hiểu câu này, và lớn lên mỗi ngày con càng hiểu rõ hơn... Con là con chim đầu đàn. Con ngoan, các em con sẽ theo con ngoan theo. Con chăm học, các em sẽ theo con chăm học. Con có trật tự, có kỷ luật, biết sắp xếp, giữ gìn gọn gàng sạch sẽ áo quần, các thứ trong nhà, các em sẽ theo con... Từ nay ở nhà các con chỉ có một mình má, má sẽ rất bận, thì con càng phải cố gắng. Phải ngoan, chăm học, lễ phép với mọi người, tập lao động, yêu các em, yêu Nam vì Nam bé nhất nhà, yêu Quang và Nguyên vì Quang và Nguyên nói chưa được giỏi...'.
'Nguyên ơi, con sẽ học lớp 2. Phải cố gắng nói cho rõ. Phải viết và giữ vở cho sạch sẽ, vừa rồi, cuối năm học, con viết không được sạch như trước. Lên lớp hai, con phải viết cho sạch, cho đẹp con nhé. Con phải vâng lời má, anh Phương và thương em Quang, em Nam nhiều nhé'.
'Quang ơi, Nam ơi, ba nhớ các con lắm, các con phải nghe lời má, anh Phương, anh Nguyên nhé. Quang sẽ đi học lớp vỡ lòng, Nam sẽ đi lớp mẫu giáo, thích không? Ba biết các con đi học, ba thích và yêu các con lắm!'.
Nguyễn Văn Bổng rất ít nói với vợ về những gian khó, ốm đau, hiểm nguy của chính mình. Chị thấy ra ngay và trách: 'Vân thấy anh nói ít về anh quá. Anh lo cho Vân nhiều trong khi Vân và các con không có gì đáng lo cả... Còn anh, anh càng nói ít Vân càng lo nhiều'. Không cho vợ con biết, nhưng với bạn văn, Nguyễn Văn Bổng kể tỉ mỉ. Thư gửi nhà văn Nguyễn Tuân: '...Cách đây hai tháng tôi có viết cho anh Lành (nhà thơ Tố Hữu) một thư, kể những chuyện hào hứng của giai đoạn đầu... Qua những ngày sau, thấy sức bắt đầu xuống. Sốt rét. Sốt là chuyện thường như hồi chúng ta kháng chiến. Và tôi đang sốt. Hiện nay cũng đang sốt mới có thì giờ ngồi viết cho anh đây, và cũng vì thế chữ tôi viết không được vững. Tôi đã sốt ở một nơi khá nguy hiểm, ở bên cạnh một con đường phải vượt qua (như chúng ta đã vượt đường số 6 ấy)(1). Ngày sau gặp lại tôi sẽ kể anh nghe về những con đường này, cũng 'thênh thang tám thước' theo kiểu của chúng nó'.
'Tôi sốt ở nách đường và sốt hôm đường có trở ngại, đường không vượt được, phải tìm lối khác. Hôm sau tìm ra lối mới, thế là đang sốt tôi vẫn phải vượt, vì nằm thêm lại chỗ vừa rồi cũng chẳng thú gì... Chúng tôi vượt qua đường trễ, người chờ đón đã lui. Làm thế nào? Ngủ lại bên đường chẳng yên tâm chút nào. Người dẫn đường chúng tôi chính là anh trạm trưởng, nghĩa là người rất thuộc đường. Anh ta xông xáo, quyết tìm đèn pin dẫn chúng tôi đi. Hai bên đường sát bước chân mình là chông. Anh bày cho chúng tôi tránh. Nhưng đi được một đỗi, anh phải lui lại, vì chông thì có thể tránh, chứ thò hay mang cung (một thứ bẫy anh chỉ cần chạm nhẹ tới là những cây tre vót nhọn bay ra, đâm ngang qua người anh). Những thứ này dẫu anh ta có thuộc đường cũng không biết đâu mà tránh. Thế là chúng tôi quay lại ngủ bên đường...'.
Ai cũng biết đường thư Bắc Nam thời chống Mỹ gian truân lắm. Có những bức thư của chị, 18 tháng sau anh mới được đọc. Ðang say sưa với bạn, giữa chừng người viết chợt nhớ ra: 'Thôi anh Tuân nhé, không lại khổ cho những người mang thư. Họ cũng ăn lạt (nhạt) mang những thư này cho chúng ta. Vì vậy còn nửa trang giấy trắng, tôi xé giữ lại.' (12-9-1962).
Trở lại chuyện anh chị dạy bảo các con. Ðược dịp dừng chân là anh viết thư, chuyện trò với từng con: 'Phương à, con chớ la mắng, đánh đập các em nhé, nhất là đối với Nguyên. Lúc nào con giận em hay em làm con tức, con cố nén xuống, chạy đến tìm cái ảnh ba chụp chung với bốn con, con sẽ hết giận, hết tức ngay. Con thử làm xem. Các con nên thương yêu nhau, bênh vực nhau. Con lớn nên cùng chơi chung với các em, thỉnh thoảng mua vé chiếu bóng cho các em cùng đi xem'.
Anh dặn: '...Trong quyển Làm mẹ tập II, có kể chuyện bà mẹ và bốn con (sau đẻ thêm một bé thứ năm) đã sống như thế nào trong khi người chồng ra tiền tuyến. Vân nên mua quyển ấy đọc, cho Phương đọc, hoặc kể cho Phương nghe. Sau này cho Nguyên đọc. Anh rất thích những đứa con như trong truyện ấy. Vân giảng cho Phương, và sau này cho Nguyên hiểu, ba ở đâu, tiền tuyến của chúng ta ở đâu, các con nên làm thế nào... Có thì giờ em nên học lại tiếng Nga. Em để dành tiền (chắc được) mua bộ đĩa và cái máy quay mà tự học những lúc rảnh... (8-9-1962)'.
Sinh nhật con, Nguyễn Văn Bổng viết thư dài, gợi lại nhiều kỷ niệm thời cháu còn nhỏ, khen ngợi rất cụ thể những mặt tốt của con và nhắc nhở những điều phải khắc phục. 'Phương ơi, con phải cố gắng sửa những điều không tốt này... Con không nên đề ra nhiều điểm thi đua, mà mỗi lúc chỉ nên thi đua một điểm chính, làm được điểm này sẽ đề ra làm cho được điểm khác...'. Và nhà văn tâm tình với đứa con mới lên tuổi 11: 'Con rất tốt, ở nhà ba má hay la mắng con vì muốn con nên người. Cũng có lúc ba mắng con không đúng, hoặc là vì ba quá nóng nảy, hoặc vì sống chung đụng với người khác, nể người khác mà có khi ba phải bất công với con. Con hỏi má, má kể cho con nghe vài chuyện'.
Ít lâu sau, anh lại bảo con: 'Má nói cho ba rằng con bảo thích môn nào học môn ấy, các môn khác học vừa đủ. Chẳng nên như vậy. Học và làm việc thì không bao giờ gọi là đủ cả. Chơi thì có thể vừa đủ, có khi nên hạn chế, ăn mặc có thể vừa đủ, có khi nên hạn chế, nhưng học và làm việc không bao giờ có sự vừa đủ... Ðiều này ba nói ít, mong con hiểu nhiều vì con đã lớn rồi...'.
Nhận được ảnh chụp chung cả gia đình, anh viết: 'Ba mừng lắm! Các con đều lớn cả. Phương cao hơn ba rồi. Trong ảnh, trông Phương lạ hẳn đi... Quang lại hao hao giống Phương lúc ba xa các con. Quang mập khỏe hơn Nguyên à? Thật ba không ngờ, vì mừng quá. Nguyên thì khuôn mặt vẫn vậy. Nam vẫn sún răng!...'.
'Ba mừng lắm. Mừng các con lớn mạnh, khỏe. Mừng nhất là các con lớn về tinh thần... Phải cố gắng học cho giỏi. Làm người, nhất là thanh niên, không nên bằng lòng ở mức trung bình. Yếu về toán thì phải có quyết tâm giỏi toán, và giỏi ngay trong năm học mới...'.
Cuối năm 1967, từ Khu tam giác sắt, rồi ngay trước khi vào hẳn nội thành Sài Gòn trước Tết Mậu Thân 1968, anh đều có thư cho vợ và các con: '...Anh đang sống nhiều, sống ở nơi nhiều người mong mỏi được sống nhất hiện nay. Anh mạnh, rất mạnh, rất vui, rất sung sướng'. Với các con đang lớn: 'Trông tin, trông thư các con vô cùng. Má sẽ đọc cho các con các đoạn trong thư này và nói cho các con hiểu... Cố gắng học và công tác. Thư cho ba ngay. Ba hứa là được thư các con ba sẽ trả lời từng bức thư một...'.
Chị Hồ Vân báo, con trai đầu đã vào Ðoàn, được đi học ở nước ngoài. Phương viết thư cho mẹ rất tình cảm, lại còn làm thơ gửi mẹ: 'Ta muốn làm chim ưng vỗ cánh/ Mải miết bay về tận quê hương/ Một phút thôi, để ta ngồi cạnh/ Má, ba cùng bè bạn mến thương'. Vậy là con trai đã lớn. Nguyễn Văn Bổng tâm sự với con như với bạn, hướng con cách suy nghĩ khác: 'Ba kể cho con nghe một kỷ niệm. Một buổi hoàng hôn cách đây hơn hai năm, ba hành quân, tự nhiên rưng rưng nước mắt vì bỗng thấy cảnh trước mắt mình đẹp quá, Tổ quốc mình đáng tự hào quá, mà mình thì chưa làm được gì nhiều. Ba muốn có các con bên cạnh, kể cho các con nghe chuyện về Tổ quốc chúng mình, cảnh của Tổ quốc chúng mình. Thế đấy, Phương ạ... Những điều con nghĩ về việc viết lách của ba, ba rất chú ý. Lần này cùng với thư này cho con, ba có gửi ra một tập ký và truyện nóng hổi về Sài Gòn, đúng như ý con mong muốn. Con tìm mà đọc'.
Vì khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ trích thư nhà văn trao đổi với người con trai lớn. Với những con khác, anh đều ân cần, yêu quý, dạy con mỗi đứa mỗi cách, tùy lứa tuổi và tính cách từng người, mà anh hiểu rất sâu. Mong ước của người cha nơi tiền tuyến được thực hiện nhờ sự 'điều hành' của người mẹ. Chị Hồ Thị Vân (chúng tôi quen gọi Hồ Vân, bút danh của chị) xuất thân con gái út một vị quan to thời trước, cựu nữ sinh Trường Ðồng Khánh, Huế. Kháng chiến bùng nổ, chị theo bốn anh trai 'xếp bút nghiên'. Thời chống Pháp, chị làm báo ở Liên khu 5. Tập kết ra Bắc, làm việc ở Báo Nhân Dân. Chị có năng khiếu văn chương. '...Các anh Lành (Tố Hữu), Tuân (Nguyễn Tuân), Thi (Nguyễn Ðình Thi), Hoài (Tô Hoài), Hanh (Tế Hanh)... vẫn thường đến thăm Vân và các con. Hôm trước biết tin Vân và các con vừa nhận được thư anh, anh Tuân đem quà đến cho các con và mừng cho Vân. Anh bảo Vân cứ mạnh dạn viết truyện ngắn đi, anh ấy biên tập lại cho. Rất cảm ơn tấm lòng của anh Tuân, nhưng hoàn cảnh của Vân bây giờ khó quá. Vân còn bao nhiêu việc phải lo, việc cơ quan, việc nhà, việc kèm các con học tập, những bốn đứa con trai cơ mà, việc học tập thêm nghiệp vụ, làm sao còn có thì giờ mà viết truyện nữa anh?'. (29-10-1962).
Hồ Vân là một phụ nữ rất dịu hiền. Ðang làm phóng viên thường trú ở một tỉnh, chị được cơ quan điều đi nuôi dạy các cháu nơi trại trẻ sơ tán. Cùng mấy chị nữa, nhà báo Hồ Vân trở thành 'mẹ Vân' của mấy chục nhóc hiếu động xa gia đình. Chị tin cho anh: 'Ở đây bây giờ khác trước nhiều lắm. Các anh ở Hội (Nhà văn) đi tiền tuyến gần hết. Bên Vân cũng thế, bọn Vân phải đảm nhiệm công việc ở nhà cũng khá gay. Các con sơ tán về nông thôn biết được nhiều thứ lắm anh ạ. Nhất Phương gánh nước được rồi. Quang đã biết quét nhà, Nam đập ruồi rất tài. Buồn cười hôm mới về nông thôn Nam bảo con trâu có sừng bằng xi-măng, con bò có sừng bằng gỗ. Bây giờ chú ta phân biệt được cỏ với lúa rồi...'.
Sẽ không trọn vẹn nếu tôi không xin phép gia đình, nói về bốn con trai của Nguyễn Văn Bổng - Hồ Vân. Nhất Phương 'con chim đầu đàn' học giỏi. Năm 1975, từ Liên Xô về, anh xin về công tác ở Ðà Nẵng quê hương, ngành đường sắt. Anh cán bộ trẻ được mọi người quý mến về tài năng và nhân cách. Ở tuổi 37, Phương đảm đương trách nhiệm Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðường sắt miền Trung. Rất bận mà vẫn đam mê, tấp tễnh theo con đường của ba (2). Là một trong ba đại biểu ngành đường sắt tham dự Ðại hội lần thứ VII của Ðảng (năm 1989). Chẳng may bị bệnh, anh qua đời sau đó ít lâu trong nỗi sững sờ thương tiếc của gia đình, bè bạn và đồng nghiệp.
Hồ Nguyên, cậu bé hay nổi cáu khi bị bạn trêu, suốt mấy cấp học đều là học sinh xuất sắc. Tốt nghiệp trung học, được đi học toán ở Liên Xô. Kiểm tra sức khỏe để lên đường, anh bị giữ lại vì có nhược điểm bẩm sinh về thính giác. Bộ trưởng Bộ Ðại học và Trung học chuyên nghiệp, giáo sư Tạ Quang Bửu nghe tin, cho gọi đến, đích thân kiểm tra trình độ của Nguyên. Ông chỉ thị: 'Em nghe và nói tiếng Nga chuẩn thế này, sao không cho đi học?'. Tiếc thay, đoàn đi Nga đã lên đường. Nguyên sang Bun-ga-ri, học ngành hóa. Tốt nghiệp trở về, cũng xin vào làm việc ở quê như anh trai. Và cũng như anh, còn rất trẻ Nguyên đã làm Giám đốc một công ty chế biến thủy sản. Nay là Tổng Giám đốc một dự án xây dựng, vốn đầu tư của nước ngoài.
Minh Quang, mà hồi còn vỡ lòng, mẹ đã viết thư khoe với ba: 'Quang vẽ rất đẹp. Con rất thích vẽ. Có lẽ sang năm, Vân sẽ xin cho con học vẽ (ngoài giờ học ở trường) nhưng chưa chắc xin được vì con còn bé quá'. Anh tốt nghiệp Ðại học Mỹ thuật Hà Nội, ngành điêu khắc, hiện có cơ sở mỹ thuật riêng.
Cuối cùng, cậu con út hay làm nũng Hiếu Nam. Anh học Ðại học Kiến trúc. Vợ cũng là kiến trúc sư. Tốt nghiệp, anh vào làm việc trong quân đội. Hiếu Nam sớm trở thành Giám đốc một công ty xây dựng thuộc Bộ Quốc phòng. Nay mang quân hàm Thượng tá.
Mối quan tâm lớn của người cha nơi chiến trường xa những năm chiến tranh ác liệt, cùng tấm lòng người mẹ đã gần như hy sinh tất cả vì sự nghiệp của chồng và tương lai các con - một nét rất đặc trưng tính cách người Việt ta - được đền đáp. Qua cuốn sách, lần đầu tiên một mảng đời tư của vợ chồng nhà văn chiến sĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, được công bố.
------------
(1). Ðây là quốc lộ 19, con đường huyết mạch ở Nam Trung Bộ nối liền Tây Nguyên với cảng Quy Nhơn.
(2). Trong tập sách này có in một truyện ngắn của Nhất Phương. |