Truyện ngắn của Vũ Tuấn Hoàng
- Ông hỏi tôi sợ nhất điều gì trên đời, phải không?
Makxim Gorki chưa nói dứt lời thì tiếng kêu thất thanh của phụ nữ từ trên tầng hai vọng xuống làm đứt đoạn câu chuyện giữa hai ông văn sĩ già đang nằm phơi nắng Địa Trung Hải, trên đôi ghế bố xếp song song dưới gốc cam. Một giây sững sờ trôi qua. Gorki nhỏm người dậy, cốc nước nho cầm trên tay sánh ra rơi lên chiếc quần vải thô màu trắng bạc phếch đã sờn gối. Còn Romen Rollan thì đánh rơi cái tẩu thuốc đang hút dở xuống sân gạch vì chắc nhận ra tiếng kêu của vợ mình.
- Chuyện gì thế? Rollan hấp tấp hỏi, vừa nhìn về phía cửa sổ trên tầng hai nơi phát ra những tiếng kêu, vừa quờ tay xuống dưới sàn gạch tìm chiếc tẩu gỗ.
- Chắc hai đứa cháu tôi lại giở trò gì rồi đây…
Gorki nói chưa dứt lời thì từ trong cửa chính của ngôi biệt thự, bà Anna – người vợ gốc Nga của nhà văn Pháp, chạy vụt ra và kêu toáng lên:
- Ôi khủng khiếp quá, sợ quá!
Mặc dù đã ở vào cái tuổi năm mươi, song trong lúc hoảng hốt sợ hãi, bà Anna trông trẻ hẳn ra bởi những cử chỉ luống cuống và khuôn mặt đỏ bừng lên như thiếu nữ mỗi khi xấu hổ. Bà chạy ra chỗ chồng ngồi và cuống quít chỉ tay lên phía cửa sổ trên tầng hai:
- Le souris! Le souris!
Nghe thấy vợ nói vậy, Rollan phá ra cười sằng sặc, tiếng cười của ông cũng lây sang luôn cả chủ nhà. Hai ông bạn già ngả ngốn cười vang. Anna nhìn hai người với ánh mắt ngạc nhiên pha chút giận dỗi.
- Sao các anh lại cười, trong khi tôi suýt nữa thì rơi tim ra ngoài?
- Anh lại tưởng Đại chiến thế giới thứ II nổ ra hoặc động đất gì đó – Rollan vừa nói vừa nhồi lại tẩu thuốc, nụ cười dưới hàng ria mép đã bạc trắng làm cho hai bên má hóp của ông thêm nhăn nheo.
Đúng lúc đó, hai đứa cháu gái Masa và Đasa của nhà văn Gorki cùng chạy ùa tới bên ông và tranh nhau kể lại sự việc vừa xảy ra. Cô bé nào cũng muốn mình là người quan trọng nhất trong vụ việc này và được ông chú ý nhiều nhất.
- Những con chuột bé tí và đỏ hỏn ông ạ, trông rất đáng yêu.
- Cháu nhìn thấy có con chưa mở mắt, đuôi cũng bé.
- Ông đừng giết chúng nhé! Chúng cháu sẽ nuôi bằng cháo sữa.
- Bà Anna sợ chứ chúng cháu không sợ. Ông cho chúng cháu nuôi được không?
- Bà Anna chỉ đến ở chơi thôi, chứ bà có ở hẳn đây đâu mà lo.
Con bé em Đasa nhanh nhẩu chạy ngay đến gần Anna và liến thoắng hỏi:
- Bà không ở hẳn đây chứ? Khi nào bà về Pháp?
Câu hỏi thiếu tế nhị của cô bé khiến nhà văn Gorki ngượng, bèn lên tiếng để đánh trống lảng:
- Ừ, ông không giết chúng đâu. Nhưng các cháu phải tìm một cái lồng sắt và phải làm một cái nhà riêng cho lũ chuột ở ngoài vườn đấy nhé!
Bà Anna đã lấy lại được bình tĩnh và lên tiếng để làm tan đi bầu không khí bất tiện do câu hỏi ngây thơ của Đasa gây nên.
- Thôi, bà cháu mình đi ra sau vườn làm cái nhà bé tý cho lũ chuột con đi!
Ba bà cháu đi khuất rồi, hai ông bạn già lại quay trở lại câu chuyện bị gián đoạn. Song, hình như có một cái gì đó lấn cấn, gượng gạo vẫn chưa tan hết sau sự việc vừa qua. Có thể, chí ít cũng là từ phía Makxim Gorki cảm thấy như vậy. Ông rất yêu quý hai cháu gái, có thể nói đó là tài sản duy nhất mà ông sẵn sàng đánh đổi toàn bộ sự nghiệp văn chương của mình. Nhưng từ hôm ông bạn văn sĩ già người Pháp nổi tiếng cùng vợ đến ở chơi, thái độ của hai đưa trẻ đối với ông có điều gì đó khang khác. Chúng như giận dỗi với ông và cũng như ghen ty với hai vị khách từ phương xa tới đã cướp hết thời gian cũng như sự chú ý của người ông tốt bụng và đáng yêu của chúng. Cũng có thể, căn phòng của hai đứa trên tầng hai đã bị hai vị khách “tạm chiếm” nên chúng đâm ra khó chịu. Trẻ con không bằng lòng là thể hiện ra mặt, không giả dối được như người lớn.
Gorki bỗng nảy ra một ý nghĩ khiến ông tự thốt lên với mình một câu bằng tiếng Nga:
- Thật không ngờ cái con bé lại to gan đến như thế!
- Ông nói gì ? Rollan quay sang hỏi.
- À, không…. Tôi… bỗng nhớ ra một tứ thơ.
- Ông vẫn còn làm thơ được à? Còn tôi thì hình như cái giải thưởng Noben đã giết chết con người nghệ sĩ trong tôi rồi.
Sự vô tình nhắc tới giải thưởng này khiến Gorki định nói thêm gì đó nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Một bầu không khí im lặng, nặng chĩu giăng ra giữa hai chiếc ghế bố, giữa hai ông già đã hom hem, nhưng một người đã được đóng dấu “Noben”, còn một người sau bốn lần được đề cử vẫn bị khước từ chỉ vì bị xem là kẻ tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản. Hình như Rollan cũng hiểu được nguyên nhân im lặng do mình gây ra nên vội chuyển hướng câu chuyện:
- Bà xã nhà tôi là người sợ chuột nhất trên đời. Chết bà ấy cũng không sợ, nhưng sợ chuột. Còn tôi, chỉ sợ chết. Tôi sáng tạo, tôi viết văn, viết nhạc chỉ nhằm mục đích duy nhất là chống lại cái chết. Nếu có một thứ thuốc trường sinh bất tử thật cho con người, thì chắc chắn tôi sẽ quẳng bút đi ngay lập tức.
- Kể cũng khủng khiếp thật, nếu như con người ta không bao giờ chết – Gorki trầm ngâm khẽ nói và nheo nheo đôi mắt xanh nhìn xa xăm về phía rặng cam lúp súp chạy dài từ cổng nhà ra mãi sát tận bờ biển Sorrento xanh ngắt.
- Ông có biết, tôi đội ơn ai nhất trên đời này không? Tất nhiên là ngoài cha mẹ sinh thành ra. Nếu không có con người đó, thì không có tôi bây giờ. Tôi có thể dám nói chắc như đinh đóng cột vậy. Tôi không có ý định giải thích theo kiểu huyền bí, song có thể nói linh hồn của ông ấy đã nhập vào tôi.
- Chắc ông muốn nói đến Vonter hay Shekspia?
Romen Rollan lắc đầu và khoát tay làm một cử chỉ phản đối.
- Chính là Tolstoi của các ông. Các ông có cái tật cứ hay đi sùng bái các vĩ nhân nước khác, trong khi ngay trên mảnh đất của mình, trong môi trường ngôn ngữ của mình, có những con người rất đáng tôn làm thầy. Tôi mạn phép được kể câu chuyện liên quan tới con người này khi tôi còn là một chàng sinh viên ngoài hai mươi tuổi đang nghiên cứu lịch sử âm nhạc tại Roma. Lúc đó tôi chỉ là một chàng trai nhà quê tỉnh lẻ ở Pháp, không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ viết văn và trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Thời gian đó, tôi bị khủng hoảng tinh thần, không biết chọn cho mình con đường nào để đi và cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa. Trong một khoảnh khắc cô đơn cùng cực, tôi đã nghĩ tới việc tự sát. Tôi nhớ, đêm hôm đó, mưa rất to, cây cối ngả nghiêng bên ngoài cửa sổ căn phòng nhỏ chỉ khoảng chục mét vuông. Tôi không ngủ được và đã quyết định viết một bức thư cho nhà văn nổi tiếng thế giới Tolstoi. Có thể nói, đây là một bước đi vô vọng của một kẻ bị ngã xuống sông khua tay loạn xạ để túm lấy bất cứ cái gì kể cả là một cọng rơm. Một gã vô danh tiểu tốt viết lá thư để cầu xin nhà văn danh tiếng vào bậc nhất thời đại lời khuyên cho mình trong cuộc sống – thật chẳng khác gì hành vi của một kẻ vô gia cư ôm mối tình đơn phương vô vọng với nàng công chúa kiều diễm. Tôi dán bức thư lại và đội trời mưa, đội dông bão chạy ra hòm thư ở ngoài quảng trường. Mặc dù không hy vọng thư trả lời, song tôi không thể chờ đến sáng được vì sợ lỡ một chuyến xe bưu điện đi lấy thư. Có lẽ, chỉ riêng hành động viết lá thư đó cũng đủ làm tôi thấy tâm hồn nhẹ đi như như con chiên xưng tội trước chúa vậy. Nhiều tuần lễ trôi qua và tôi đã quên bức thư đó. Thậm chí, đôi khi nghĩ lại còn cảm thấy xấu hổ vì hành động ngây thơ và trẻ con của mình. Thế rồi, vào một buổi chiều, một buổi chiều mà tôi ghi nhớ suốt đời. Mở cửa phòng bước vào, tôi trông thấy trên bàn có một phong bì thư dày, dấu bưu điện từ Nga, từ Iasna Poliana. – Kể đến đây, như có một luồng sinh khí xốc ông già Rollan lưng đã còng đứng bật dậy khỏi ghế và làm cử chỉ, như nửa thế kỷ trước, đang cầm giữ một chiếc phong bì thư vô hình - Tôi đã bật khóc và xé toạc lớp giấy bọc ngoài ra, ông có hình dung được không, ba mươi tám trang thư viết tay bằng tiếng Pháp của nhà văn vĩ đại Tolstoi được bắt đầu bởi hai chữ: “Cher Frère!” – Người em trai yêu quý! - Bức thư này đã quyết định số phận của tôi. Bức thư này đã làm tôi rung chuyển đến tận đáy sâu của bản thể. Tôi hiểu rằng những người như tôi viết thư cho ông có đến hàng ngàn. Bức thư viết cho một kẻ vô danh sống cách xa hàng vạn dặm này đã cướp đi hai ngày lao động của một nhà văn mà mỗi dòng chữ từ dưới ngòi bút ông viết ra có thể đong đo được bằng vàng nguyên chất. Tôi đúng là được tái sinh một lần nữa.
Nửa thế kỷ đã trôi qua mà ký ức vẫn còn làm Romen Rollan giàn giụa những giọt nước mắt biết ơn sâu nặng. Ông cứ đứng lặng đi một lúc lâu trong tư thế như đang cầu nguyện. Mái tóc bạc trắng bị gió biển xới lên rối bù. Rồi, ông rút khăn tay ra lau mắt.
- Thế mới đáng là một vĩ nhân chứ! Im lặng một lát, Rollan chậm chạp ngồi lại xuống ghế và quay sang hỏi - Thế Ông có định quay trở về tổ quốc không?
Gorki im lặng hồi lâu không trả lời. Có lẽ, đây là câu hỏi đè nặng lên trái tim ông những năm cuối này. Không mấy ai biết được rằng quan hệ của ông với Stalin trở nên vô cùng căng thẳng. Khi Lênin từ trần, Gorki đã viết hồi ức về vị lãnh tụ của giai cấp vô sản. Những trang viết này mặc dù bị kiểm duyệt rất gắt gao, song đã trở thành bất tử. Và đó cũng là cái bất hạnh cho ông: Vì thích văn phong cũng như uy tín của Gorki, Stalin muốn đặt ông viết tiểu sử cho chính bản thân mình. Ông không từ chối, thậm chí đã viết thử, nhưng từ ngòi bút ông viết ra, những con chữ cứ ngả nghiêng, lộn xộn, sáo và vô hồn. Những con chữ từ bộ óc đi xuống dưới cánh tay cầm bút của ông nhưng không hề đi qua tim.
- Trong tất cả nỗi bất hạnh của con người, không gì khổ tâm bằng tình yêu đơn phương, không được đáp lại – Gorki không trả lời thẳng vào câu hỏi của ông bạn già mà đọc to một câu lấy từ một truyện ngắn của ông viết khi còn trẻ - Đối với tôi, trở về nước Nga bây giờ cũng giống như trở về với người vợ chính thức đã ly dị từ lâu.
- Nhưng người vợ đó vẫn dang tay đón ông với nhà cao cửa rộng, một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, danh vọng... Ông chẳng phải lo nghĩ gì, chỉ viết và viết mà thôi.
- Vừa nãy ông nói giải thưởng Noben đã giết chết con người nghệ sĩ trong ông thì đối với tôi, một cuộc sống suốt ngày yến tiệc, hội họp và các huân huy chương cũng chẳng khác gì liều độc dược triệt sản.
- Tôi nghe nói ông phản đối cả việc Stalin muốn lấy tên ông đặt cho một thành phố ở Nga? Rollan ngồi nhỏm người dậy.
- Ông ta muốn dùng đôi bàn tay này – nói đến đây, Gorki giơ bàn tay phải già nua, nhăn nheo nhưng vẫn còn gân guốc ra phía trước – để tạc vào Bất tử cái tên Stalin. Ông ta quá hiểu rằng chỉ có Văn chương đích thực mãi mãi trường tồn, còn chính trị chỉ là chuyện một sớm một chiều. Ông ấy muốn được ngồi lên con thuyền Nô-ê của văn chương để khỏi bị chìm vào quên lãng.
- Vua chúa chỉ có thể sống được trong tác phẩm của cánh chúng ta mà thôi! Ngoài ra, họ chỉ là những xác ướp, những lăng tẩm rêu phong mốc meo.
- Họ muốn xây tượng đài trong lòng dân chúng nên sẵn sàng dùng tiền của, bổng lộc để thuê mướn cánh thợ xây này – Nói đến đây, Gorki vỗ vỗ vào bộ ngực lép kẹp vì chứng bệnh ho lao của mình – Nhưng thằng này không phải dễ sai khiến đâu nhé!
Đúng lúc đó, từ phía sau nhà, con bé Đasa chạy ra kêu toáng lên:
- Ông ơi, chúng cháu đã làm xong nhà cho lũ chuột rồi, ông ra mà xem – Con bé vừa liến thoắng nói vừa chạy tới kéo tay ông nội bằng được – ông ra xem đi, nhanh lên!
- Từ từ đã nào, để ông đi dép đã – Rồi quay sang phía Rollan, Gorki nói với vẻ đầy hóm hỉnh – ông đợi tôi chút nhé, đây mới là bà hoàng của tôi, tôi phải tuân theo lệnh bà ấy ngay, vô điều kiện.
* * *
Buổi chiều, sau khi tiễn vợ chồng Rollan xuống tàu thủy để trở về Pháp, Gorki lững thững đi bộ trên con đường rợp bóng cam từ cảng dẫn về ngôi biệt thự của mình. Những quả cam vàng trĩu nặng khẽ đung đưa xào xạc trong vòm lá như đùa giỡn với làn gió biển hanh khô, thoang thoảng mùi cá tanh nồng từ đống lưới phơi trên những chiếc thuyền gỗ lật úp trên bãi cát. Gorki cúi xuống tháo đôi giày da đen để bàn chân già nua chai sần, chằng chịt gân xanh, được thoải mái tiếp xúc với lớp cát nóng. Đã lâu lắm rồi, ông không được đi chân đất. Nhìn lên những cánh hải âu mong manh đang chao lượn chấp chới trên bầu trời thu xanh ngắt của nước Ý, ông có linh cảm rằng đây là cuộc chia tay vĩnh viễn với ông bạn văn sĩ già người Pháp mà ông cảm phục tài năng cũng như khí tiết nghệ sĩ. Một nỗi buồn mênh mang bỗng xâm chiếm cõi lòng. Bất giác, Gorki cất giọng khàn khàn đọc một đoạn trong bài thơ “ Ta buồn rầu lặng ngắm vườn thu” của thi sĩ Xergay Esenhin mà ông yêu quí:
Như cơn mưa nhỏ buông rơi từng hạt
Rớt tự hồn ta, chết lặng rã rời
Có sao đâu, ta chẳng sợ mưa rơi
Dành cho ta đã có niềm vui khác
Đời vốn chẳng có gì còn lại hết
Có chăng là ẩm ướt với vàng phai
Câu cuối cùng, ông cứ đọc đi đọc lại mãi không biết bao nhiêu lần, cho đến khi nhìn thấy bóng hai đứa cháu đang đứng bên cửa sổ trên tầng hai giơ tay vẫy gọi.
Ông cũng giơ đôi giày lên vẫy đáp lại. Và, chợt nhớ ra rằng quên chưa trả lời câu hỏi của ông bạn già về điều gì đáng sợ nhất trên đời này.
Đêm cuối thu, khí trời Địa Trung Hải se lạnh. Gorki ngồi trầm tư nhìn đăm đăm vào ngọn lửa đang nhảy nhót trong lò sưởi. Ngắm nhìn lửa cháy trong bếp lò là một thú vui mà mỗi buổi chiều ông và hai đứa cháu gái vẫn thường làm. Chúng đi nhặt ở trong khu rừng gần đây những quả thông khô còn thơm phức mùi nhựa tươi. Cả căn phòng bỗng chốc tràn ngập mùi thơm dễ chịu, một mùi thơm rất đặc trưng của nông thôn Nga. Gorki đang cân nhắc rất lung lời đề tựa cho Bộ tiểu thuyết cuối cùng của đời mình. Đầu óc ông luôn luôn vương vấn hình bóng của người phụ nữ đó. Ông cảm thấy vô cùng cô đơn khi người đàn bà đó đã bỏ ông để trở về với người chồng cũ. Chuyến đến chơi hai tuần của ông bạn già Rollan cũng không làm nguôi ngoai được cảm giác cô đơn trống vắng.
Họ đã có những ngày tháng hạnh phúc nhất bên nhau, cùng nhau thả bước đi dạo trên những con phố cổ, nơi mà các biệt thự chìm trong rừng thông vi vu tiếng gió từ biển thổi vào. Họ thì thầm nói chuyện, và ngay cả sự im lặng cũng đầy ý nghĩa. Khuôn mặt cô sáng lên một cách dịu dàng, đôi mắt sâu rạng ngời sức sống. Cô đang ở độ chín của người đàn bà. Cũng có thể, tất cả chỉ là ảo tưởng. Nhà văn đang già cỗi cố gắng tự nhủ lòng mình rằng người phụ nữ đó đã hạnh phúc khi ở bên ông. Nén một tiếng thở dài, Gorki ném một quả thông khô vào ngọn lửa, rồi đứng dậy đi về phía bàn làm việc. Ông chấm bút vào lọ mực và bặm môi lại nắn nót viết lên trang đầu của bản thảo: “Tặng Maria, một tâm hồn Nga trong suốt”. Hình như, chỉ viết có mấy chữ đó thôi mà ông đã cảm thấy mệt, phải ngả người ra ghế. Bây giờ, ông như cảm thấy mình chẳng có điều gì phải sợ trên cõi đời này nữa. Bỗng, ông giật mình vì có ai đó nắm lấy khuỷu tay ông giật giật. Quay người lại, ông nhận ra đứa cháu gái Đasa trong bộ đồ ngủ màu hồng.
- Khuya rồi sao cháu chưa ngủ?
Gorki bế cháu đặt lên lòng mình:
- Cháu không ngủ được ạ, cháu muốn đến… nhận lỗi với ông – Đasa lí nhí nói, vẻ mặt như sắp khóc.
- Ông hiểu, ông hiểu!
Gorki nở nụ cười đôn hậu và xoa đầu cháu gái.
- Cháu phải nhớ chăm sóc lũ chuột cho cẩn thận đấy nhá!
Tiếng quả thông ở trong lò sưởi nổ lách tách hòa cùng chiếc đồng hồ treo tường nghiêm trang điểm một tiếng du dương…
Vũ Tuấn Hoàng
(Yanta – Crưm – Mưa tầm tã)
Makxim Gorki chưa nói dứt lời thì tiếng kêu thất thanh của phụ nữ từ trên tầng hai vọng xuống làm đứt đoạn câu chuyện giữa hai ông văn sĩ già đang nằm phơi nắng Địa Trung Hải, trên đôi ghế bố xếp song song dưới gốc cam. Một giây sững sờ trôi qua. Gorki nhỏm người dậy, cốc nước nho cầm trên tay sánh ra rơi lên chiếc quần vải thô màu trắng bạc phếch đã sờn gối. Còn Romen Rollan thì đánh rơi cái tẩu thuốc đang hút dở xuống sân gạch vì chắc nhận ra tiếng kêu của vợ mình.
- Chuyện gì thế? Rollan hấp tấp hỏi, vừa nhìn về phía cửa sổ trên tầng hai nơi phát ra những tiếng kêu, vừa quờ tay xuống dưới sàn gạch tìm chiếc tẩu gỗ.
- Chắc hai đứa cháu tôi lại giở trò gì rồi đây…
Gorki nói chưa dứt lời thì từ trong cửa chính của ngôi biệt thự, bà Anna – người vợ gốc Nga của nhà văn Pháp, chạy vụt ra và kêu toáng lên:
- Ôi khủng khiếp quá, sợ quá!
Mặc dù đã ở vào cái tuổi năm mươi, song trong lúc hoảng hốt sợ hãi, bà Anna trông trẻ hẳn ra bởi những cử chỉ luống cuống và khuôn mặt đỏ bừng lên như thiếu nữ mỗi khi xấu hổ. Bà chạy ra chỗ chồng ngồi và cuống quít chỉ tay lên phía cửa sổ trên tầng hai:
- Le souris! Le souris!
Nghe thấy vợ nói vậy, Rollan phá ra cười sằng sặc, tiếng cười của ông cũng lây sang luôn cả chủ nhà. Hai ông bạn già ngả ngốn cười vang. Anna nhìn hai người với ánh mắt ngạc nhiên pha chút giận dỗi.
- Sao các anh lại cười, trong khi tôi suýt nữa thì rơi tim ra ngoài?
- Anh lại tưởng Đại chiến thế giới thứ II nổ ra hoặc động đất gì đó – Rollan vừa nói vừa nhồi lại tẩu thuốc, nụ cười dưới hàng ria mép đã bạc trắng làm cho hai bên má hóp của ông thêm nhăn nheo.
Đúng lúc đó, hai đứa cháu gái Masa và Đasa của nhà văn Gorki cùng chạy ùa tới bên ông và tranh nhau kể lại sự việc vừa xảy ra. Cô bé nào cũng muốn mình là người quan trọng nhất trong vụ việc này và được ông chú ý nhiều nhất.
- Những con chuột bé tí và đỏ hỏn ông ạ, trông rất đáng yêu.
- Cháu nhìn thấy có con chưa mở mắt, đuôi cũng bé.
- Ông đừng giết chúng nhé! Chúng cháu sẽ nuôi bằng cháo sữa.
- Bà Anna sợ chứ chúng cháu không sợ. Ông cho chúng cháu nuôi được không?
- Bà Anna chỉ đến ở chơi thôi, chứ bà có ở hẳn đây đâu mà lo.
Con bé em Đasa nhanh nhẩu chạy ngay đến gần Anna và liến thoắng hỏi:
- Bà không ở hẳn đây chứ? Khi nào bà về Pháp?
Câu hỏi thiếu tế nhị của cô bé khiến nhà văn Gorki ngượng, bèn lên tiếng để đánh trống lảng:
- Ừ, ông không giết chúng đâu. Nhưng các cháu phải tìm một cái lồng sắt và phải làm một cái nhà riêng cho lũ chuột ở ngoài vườn đấy nhé!
Bà Anna đã lấy lại được bình tĩnh và lên tiếng để làm tan đi bầu không khí bất tiện do câu hỏi ngây thơ của Đasa gây nên.
- Thôi, bà cháu mình đi ra sau vườn làm cái nhà bé tý cho lũ chuột con đi!
Ba bà cháu đi khuất rồi, hai ông bạn già lại quay trở lại câu chuyện bị gián đoạn. Song, hình như có một cái gì đó lấn cấn, gượng gạo vẫn chưa tan hết sau sự việc vừa qua. Có thể, chí ít cũng là từ phía Makxim Gorki cảm thấy như vậy. Ông rất yêu quý hai cháu gái, có thể nói đó là tài sản duy nhất mà ông sẵn sàng đánh đổi toàn bộ sự nghiệp văn chương của mình. Nhưng từ hôm ông bạn văn sĩ già người Pháp nổi tiếng cùng vợ đến ở chơi, thái độ của hai đưa trẻ đối với ông có điều gì đó khang khác. Chúng như giận dỗi với ông và cũng như ghen ty với hai vị khách từ phương xa tới đã cướp hết thời gian cũng như sự chú ý của người ông tốt bụng và đáng yêu của chúng. Cũng có thể, căn phòng của hai đứa trên tầng hai đã bị hai vị khách “tạm chiếm” nên chúng đâm ra khó chịu. Trẻ con không bằng lòng là thể hiện ra mặt, không giả dối được như người lớn.
Gorki bỗng nảy ra một ý nghĩ khiến ông tự thốt lên với mình một câu bằng tiếng Nga:
- Thật không ngờ cái con bé lại to gan đến như thế!
- Ông nói gì ? Rollan quay sang hỏi.
- À, không…. Tôi… bỗng nhớ ra một tứ thơ.
- Ông vẫn còn làm thơ được à? Còn tôi thì hình như cái giải thưởng Noben đã giết chết con người nghệ sĩ trong tôi rồi.
Sự vô tình nhắc tới giải thưởng này khiến Gorki định nói thêm gì đó nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Một bầu không khí im lặng, nặng chĩu giăng ra giữa hai chiếc ghế bố, giữa hai ông già đã hom hem, nhưng một người đã được đóng dấu “Noben”, còn một người sau bốn lần được đề cử vẫn bị khước từ chỉ vì bị xem là kẻ tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản. Hình như Rollan cũng hiểu được nguyên nhân im lặng do mình gây ra nên vội chuyển hướng câu chuyện:
- Bà xã nhà tôi là người sợ chuột nhất trên đời. Chết bà ấy cũng không sợ, nhưng sợ chuột. Còn tôi, chỉ sợ chết. Tôi sáng tạo, tôi viết văn, viết nhạc chỉ nhằm mục đích duy nhất là chống lại cái chết. Nếu có một thứ thuốc trường sinh bất tử thật cho con người, thì chắc chắn tôi sẽ quẳng bút đi ngay lập tức.
- Kể cũng khủng khiếp thật, nếu như con người ta không bao giờ chết – Gorki trầm ngâm khẽ nói và nheo nheo đôi mắt xanh nhìn xa xăm về phía rặng cam lúp súp chạy dài từ cổng nhà ra mãi sát tận bờ biển Sorrento xanh ngắt.
- Ông có biết, tôi đội ơn ai nhất trên đời này không? Tất nhiên là ngoài cha mẹ sinh thành ra. Nếu không có con người đó, thì không có tôi bây giờ. Tôi có thể dám nói chắc như đinh đóng cột vậy. Tôi không có ý định giải thích theo kiểu huyền bí, song có thể nói linh hồn của ông ấy đã nhập vào tôi.
- Chắc ông muốn nói đến Vonter hay Shekspia?
Romen Rollan lắc đầu và khoát tay làm một cử chỉ phản đối.
- Chính là Tolstoi của các ông. Các ông có cái tật cứ hay đi sùng bái các vĩ nhân nước khác, trong khi ngay trên mảnh đất của mình, trong môi trường ngôn ngữ của mình, có những con người rất đáng tôn làm thầy. Tôi mạn phép được kể câu chuyện liên quan tới con người này khi tôi còn là một chàng sinh viên ngoài hai mươi tuổi đang nghiên cứu lịch sử âm nhạc tại Roma. Lúc đó tôi chỉ là một chàng trai nhà quê tỉnh lẻ ở Pháp, không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ viết văn và trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Thời gian đó, tôi bị khủng hoảng tinh thần, không biết chọn cho mình con đường nào để đi và cảm thấy cuộc sống thật vô nghĩa. Trong một khoảnh khắc cô đơn cùng cực, tôi đã nghĩ tới việc tự sát. Tôi nhớ, đêm hôm đó, mưa rất to, cây cối ngả nghiêng bên ngoài cửa sổ căn phòng nhỏ chỉ khoảng chục mét vuông. Tôi không ngủ được và đã quyết định viết một bức thư cho nhà văn nổi tiếng thế giới Tolstoi. Có thể nói, đây là một bước đi vô vọng của một kẻ bị ngã xuống sông khua tay loạn xạ để túm lấy bất cứ cái gì kể cả là một cọng rơm. Một gã vô danh tiểu tốt viết lá thư để cầu xin nhà văn danh tiếng vào bậc nhất thời đại lời khuyên cho mình trong cuộc sống – thật chẳng khác gì hành vi của một kẻ vô gia cư ôm mối tình đơn phương vô vọng với nàng công chúa kiều diễm. Tôi dán bức thư lại và đội trời mưa, đội dông bão chạy ra hòm thư ở ngoài quảng trường. Mặc dù không hy vọng thư trả lời, song tôi không thể chờ đến sáng được vì sợ lỡ một chuyến xe bưu điện đi lấy thư. Có lẽ, chỉ riêng hành động viết lá thư đó cũng đủ làm tôi thấy tâm hồn nhẹ đi như như con chiên xưng tội trước chúa vậy. Nhiều tuần lễ trôi qua và tôi đã quên bức thư đó. Thậm chí, đôi khi nghĩ lại còn cảm thấy xấu hổ vì hành động ngây thơ và trẻ con của mình. Thế rồi, vào một buổi chiều, một buổi chiều mà tôi ghi nhớ suốt đời. Mở cửa phòng bước vào, tôi trông thấy trên bàn có một phong bì thư dày, dấu bưu điện từ Nga, từ Iasna Poliana. – Kể đến đây, như có một luồng sinh khí xốc ông già Rollan lưng đã còng đứng bật dậy khỏi ghế và làm cử chỉ, như nửa thế kỷ trước, đang cầm giữ một chiếc phong bì thư vô hình - Tôi đã bật khóc và xé toạc lớp giấy bọc ngoài ra, ông có hình dung được không, ba mươi tám trang thư viết tay bằng tiếng Pháp của nhà văn vĩ đại Tolstoi được bắt đầu bởi hai chữ: “Cher Frère!” – Người em trai yêu quý! - Bức thư này đã quyết định số phận của tôi. Bức thư này đã làm tôi rung chuyển đến tận đáy sâu của bản thể. Tôi hiểu rằng những người như tôi viết thư cho ông có đến hàng ngàn. Bức thư viết cho một kẻ vô danh sống cách xa hàng vạn dặm này đã cướp đi hai ngày lao động của một nhà văn mà mỗi dòng chữ từ dưới ngòi bút ông viết ra có thể đong đo được bằng vàng nguyên chất. Tôi đúng là được tái sinh một lần nữa.
Nửa thế kỷ đã trôi qua mà ký ức vẫn còn làm Romen Rollan giàn giụa những giọt nước mắt biết ơn sâu nặng. Ông cứ đứng lặng đi một lúc lâu trong tư thế như đang cầu nguyện. Mái tóc bạc trắng bị gió biển xới lên rối bù. Rồi, ông rút khăn tay ra lau mắt.
- Thế mới đáng là một vĩ nhân chứ! Im lặng một lát, Rollan chậm chạp ngồi lại xuống ghế và quay sang hỏi - Thế Ông có định quay trở về tổ quốc không?
Gorki im lặng hồi lâu không trả lời. Có lẽ, đây là câu hỏi đè nặng lên trái tim ông những năm cuối này. Không mấy ai biết được rằng quan hệ của ông với Stalin trở nên vô cùng căng thẳng. Khi Lênin từ trần, Gorki đã viết hồi ức về vị lãnh tụ của giai cấp vô sản. Những trang viết này mặc dù bị kiểm duyệt rất gắt gao, song đã trở thành bất tử. Và đó cũng là cái bất hạnh cho ông: Vì thích văn phong cũng như uy tín của Gorki, Stalin muốn đặt ông viết tiểu sử cho chính bản thân mình. Ông không từ chối, thậm chí đã viết thử, nhưng từ ngòi bút ông viết ra, những con chữ cứ ngả nghiêng, lộn xộn, sáo và vô hồn. Những con chữ từ bộ óc đi xuống dưới cánh tay cầm bút của ông nhưng không hề đi qua tim.
- Trong tất cả nỗi bất hạnh của con người, không gì khổ tâm bằng tình yêu đơn phương, không được đáp lại – Gorki không trả lời thẳng vào câu hỏi của ông bạn già mà đọc to một câu lấy từ một truyện ngắn của ông viết khi còn trẻ - Đối với tôi, trở về nước Nga bây giờ cũng giống như trở về với người vợ chính thức đã ly dị từ lâu.
- Nhưng người vợ đó vẫn dang tay đón ông với nhà cao cửa rộng, một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, danh vọng... Ông chẳng phải lo nghĩ gì, chỉ viết và viết mà thôi.
- Vừa nãy ông nói giải thưởng Noben đã giết chết con người nghệ sĩ trong ông thì đối với tôi, một cuộc sống suốt ngày yến tiệc, hội họp và các huân huy chương cũng chẳng khác gì liều độc dược triệt sản.
- Tôi nghe nói ông phản đối cả việc Stalin muốn lấy tên ông đặt cho một thành phố ở Nga? Rollan ngồi nhỏm người dậy.
- Ông ta muốn dùng đôi bàn tay này – nói đến đây, Gorki giơ bàn tay phải già nua, nhăn nheo nhưng vẫn còn gân guốc ra phía trước – để tạc vào Bất tử cái tên Stalin. Ông ta quá hiểu rằng chỉ có Văn chương đích thực mãi mãi trường tồn, còn chính trị chỉ là chuyện một sớm một chiều. Ông ấy muốn được ngồi lên con thuyền Nô-ê của văn chương để khỏi bị chìm vào quên lãng.
- Vua chúa chỉ có thể sống được trong tác phẩm của cánh chúng ta mà thôi! Ngoài ra, họ chỉ là những xác ướp, những lăng tẩm rêu phong mốc meo.
- Họ muốn xây tượng đài trong lòng dân chúng nên sẵn sàng dùng tiền của, bổng lộc để thuê mướn cánh thợ xây này – Nói đến đây, Gorki vỗ vỗ vào bộ ngực lép kẹp vì chứng bệnh ho lao của mình – Nhưng thằng này không phải dễ sai khiến đâu nhé!
Đúng lúc đó, từ phía sau nhà, con bé Đasa chạy ra kêu toáng lên:
- Ông ơi, chúng cháu đã làm xong nhà cho lũ chuột rồi, ông ra mà xem – Con bé vừa liến thoắng nói vừa chạy tới kéo tay ông nội bằng được – ông ra xem đi, nhanh lên!
- Từ từ đã nào, để ông đi dép đã – Rồi quay sang phía Rollan, Gorki nói với vẻ đầy hóm hỉnh – ông đợi tôi chút nhé, đây mới là bà hoàng của tôi, tôi phải tuân theo lệnh bà ấy ngay, vô điều kiện.
* * *
Buổi chiều, sau khi tiễn vợ chồng Rollan xuống tàu thủy để trở về Pháp, Gorki lững thững đi bộ trên con đường rợp bóng cam từ cảng dẫn về ngôi biệt thự của mình. Những quả cam vàng trĩu nặng khẽ đung đưa xào xạc trong vòm lá như đùa giỡn với làn gió biển hanh khô, thoang thoảng mùi cá tanh nồng từ đống lưới phơi trên những chiếc thuyền gỗ lật úp trên bãi cát. Gorki cúi xuống tháo đôi giày da đen để bàn chân già nua chai sần, chằng chịt gân xanh, được thoải mái tiếp xúc với lớp cát nóng. Đã lâu lắm rồi, ông không được đi chân đất. Nhìn lên những cánh hải âu mong manh đang chao lượn chấp chới trên bầu trời thu xanh ngắt của nước Ý, ông có linh cảm rằng đây là cuộc chia tay vĩnh viễn với ông bạn văn sĩ già người Pháp mà ông cảm phục tài năng cũng như khí tiết nghệ sĩ. Một nỗi buồn mênh mang bỗng xâm chiếm cõi lòng. Bất giác, Gorki cất giọng khàn khàn đọc một đoạn trong bài thơ “ Ta buồn rầu lặng ngắm vườn thu” của thi sĩ Xergay Esenhin mà ông yêu quí:
Như cơn mưa nhỏ buông rơi từng hạt
Rớt tự hồn ta, chết lặng rã rời
Có sao đâu, ta chẳng sợ mưa rơi
Dành cho ta đã có niềm vui khác
Đời vốn chẳng có gì còn lại hết
Có chăng là ẩm ướt với vàng phai
Câu cuối cùng, ông cứ đọc đi đọc lại mãi không biết bao nhiêu lần, cho đến khi nhìn thấy bóng hai đứa cháu đang đứng bên cửa sổ trên tầng hai giơ tay vẫy gọi.
Ông cũng giơ đôi giày lên vẫy đáp lại. Và, chợt nhớ ra rằng quên chưa trả lời câu hỏi của ông bạn già về điều gì đáng sợ nhất trên đời này.
Đêm cuối thu, khí trời Địa Trung Hải se lạnh. Gorki ngồi trầm tư nhìn đăm đăm vào ngọn lửa đang nhảy nhót trong lò sưởi. Ngắm nhìn lửa cháy trong bếp lò là một thú vui mà mỗi buổi chiều ông và hai đứa cháu gái vẫn thường làm. Chúng đi nhặt ở trong khu rừng gần đây những quả thông khô còn thơm phức mùi nhựa tươi. Cả căn phòng bỗng chốc tràn ngập mùi thơm dễ chịu, một mùi thơm rất đặc trưng của nông thôn Nga. Gorki đang cân nhắc rất lung lời đề tựa cho Bộ tiểu thuyết cuối cùng của đời mình. Đầu óc ông luôn luôn vương vấn hình bóng của người phụ nữ đó. Ông cảm thấy vô cùng cô đơn khi người đàn bà đó đã bỏ ông để trở về với người chồng cũ. Chuyến đến chơi hai tuần của ông bạn già Rollan cũng không làm nguôi ngoai được cảm giác cô đơn trống vắng.
Họ đã có những ngày tháng hạnh phúc nhất bên nhau, cùng nhau thả bước đi dạo trên những con phố cổ, nơi mà các biệt thự chìm trong rừng thông vi vu tiếng gió từ biển thổi vào. Họ thì thầm nói chuyện, và ngay cả sự im lặng cũng đầy ý nghĩa. Khuôn mặt cô sáng lên một cách dịu dàng, đôi mắt sâu rạng ngời sức sống. Cô đang ở độ chín của người đàn bà. Cũng có thể, tất cả chỉ là ảo tưởng. Nhà văn đang già cỗi cố gắng tự nhủ lòng mình rằng người phụ nữ đó đã hạnh phúc khi ở bên ông. Nén một tiếng thở dài, Gorki ném một quả thông khô vào ngọn lửa, rồi đứng dậy đi về phía bàn làm việc. Ông chấm bút vào lọ mực và bặm môi lại nắn nót viết lên trang đầu của bản thảo: “Tặng Maria, một tâm hồn Nga trong suốt”. Hình như, chỉ viết có mấy chữ đó thôi mà ông đã cảm thấy mệt, phải ngả người ra ghế. Bây giờ, ông như cảm thấy mình chẳng có điều gì phải sợ trên cõi đời này nữa. Bỗng, ông giật mình vì có ai đó nắm lấy khuỷu tay ông giật giật. Quay người lại, ông nhận ra đứa cháu gái Đasa trong bộ đồ ngủ màu hồng.
- Khuya rồi sao cháu chưa ngủ?
Gorki bế cháu đặt lên lòng mình:
- Cháu không ngủ được ạ, cháu muốn đến… nhận lỗi với ông – Đasa lí nhí nói, vẻ mặt như sắp khóc.
- Ông hiểu, ông hiểu!
Gorki nở nụ cười đôn hậu và xoa đầu cháu gái.
- Cháu phải nhớ chăm sóc lũ chuột cho cẩn thận đấy nhá!
Tiếng quả thông ở trong lò sưởi nổ lách tách hòa cùng chiếc đồng hồ treo tường nghiêm trang điểm một tiếng du dương…
Vũ Tuấn Hoàng
(Yanta – Crưm – Mưa tầm tã)