24/11/13

Lời cảm ơn


Kính gửi các bác, các cô, các chú,

Đầu tiên cho cháu - con bố Thắng thay mặt gia đình cảm ơn những tình cảm mà TTST BND đã giành cho bố cháu. Thực sự cháu rất xúc động trước những lời động viên chia buồn của các bác, các cô, các chú.

Cháu còn nhớ trước đây khi bà nội cháu qua đời, bố cháu cũng bảo cháu viết mail gửi lời cảm ơn TTST BND. Giờ đây bố cháu không còn nữa, cháu xin thay mặt mẹ cháu, vợ chồng cháu xin gửi lơi cảm ơn sâu sắc tới TTST BND.

Cháu xin chân thành cảm ơn ạ!



LỜI CẢM ƠN

Gia đình chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới:

Các cơ quan đoàn thể: Đảng ủy, UBND, HĐND, Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi phường Phúc Xá; Nhà máy Cơ khí Thiết bị lạnh Long Biên; Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân; Trường trung cấp Kinh tế Hà Nội; Chi cục Thuế Quận Cầu Giấy; Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội; Các cụ, các ông bà, các bác, các cô chú, anh em họ hàng nội, ngoại, gia đình thông gia cùng toàn thể bè bạn gần xa đã đến chia buồn, phúng viếng và tiễn đưa bố tôi là ông CHU QUYẾT THẮNG, trú tại số nhà G2 ngõ 140/4 phố Nghĩa Dũng - phường Phúc Xá - quận Ba Đình đã từ trần lúc 0h45 ngày 21/11/2013 (tức 19 tháng 10 năm Quý Tỵ), hưởng thọ 60 tuổi; Điện táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển - Hà Nội.

Trong lúc tang gia bối rối không tránh khỏi sơ suất, gia đình xin được lượng thứ.

Trưởng nam: Chu Trọng Nghĩa.

21/11/13

Tin buồn


Ông Chu Quyết Thắng (01/11/2013)
Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin:

Ông Chu Quyết Thắng, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1954, quê huyện Ứng Hòa, Hà Tây (cũ), trú ở nhà G2, ngõ 140, phố Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội, đã từ trần hồi 0 giờ 45 phút ngày 21/11/2013 tại Bệnh viện 354 sau một cơn đau ngực đột ngột, thọ 60 tuổi.

Lễ viếng tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354, phố Đội Nhân, quận Ba Đình, Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ ngày 22/11/2013, Lễ truy điệu vào hồi 9 giờ cùng ngày.

Hội bạn bè TTST BND xin chia buồn sâu sắc với gia quyến ông Chu Quyết Thắng.

Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân

Thông báo: Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân tổ chức viếng, tiễn biệt ông Thắng và chia buồn với gia đình. Các thành viên tham dự có mặt trước 8 giờ 30 ngày 22/11/2013 tại địa điểm nói trên (nhà tang lễ BV 354 ở phố Đội Nhân, gần phố Đốc Ngữ).
(Ông Chu Quyết Thắng đã tham gia Trại sơ tán BND ở xã Thống Nhất, huyện Chương Mỹ, là thứ nam của cụ Chu Văn Mẫn nguyên công tác Giao thông báo Nhân Dân)

11/11/13

Lời cảm ơn


Gia đình tôi rất xúc động nhận được sự chia sẻ của các anh chị em bạn bè TTST BND trước việc bố tôi, nhà báo Lưu Thanh, ra đi. Thay mặt gia đình, tôi xin gửi tới mọi người lời cảm ơn chân thành.

Lưu Phương Bình

9/11/13

Trở lại nước Nga (2)


(3 phần tiếp theo và hết)

Phóng sự của Thu Hà (2012)

Phần 2


Ngày nào ở Matxcova cũng đi chơi mệt nghỉ. Lúc thì đi ô tô cô em lái, lúc đi metro đến chỗ tham quan. Thành phố sạch và xanh, có cảm giác như đang đi ở Tp nào đó bên Tây Âu. Matxcơva đang xây dựng Moscow City – trung tâm tài chính và thương mại quốc tế gồm những tòa nhà cao chót vót. Những cửa hàng, trung tâm mua sắm kiểu phương tây không thiếu, nghe nói hàng hóa ở đó đắt lắm. Ngay trung tâm, gần Quảng trường đỏ, có dãy phố mua sắm ngầm dưới mặt đất “Trung tâm thương mại “Okhotny Ryad” đủ mặt các thương hiệu lớn nước ngoài. Nhiều tuyến đường và ga metro mới, bên cạnh thường có siêu thị. Hôm đi metro, vẫn tuyến đường mình hay đi học, tên các ga ngày xưa thuộc lầu lầu, sao bây giờ nghe mấy tên ga lạ hoắc. Hóa ra một số tên đường phố và nhà ga mang tên các nhà cách mạng như Các Mác, Dzerzinski, hay nhà văn Goorki đã bị đổi tên sau thời Xô viết. Đồi Lenin gần trường Tổng hợp nay mang tên Đồi Chim sẻ (Vôrôbiôvưi gorư) và ga metro cũng bị đổi tên theo. Riêng ga tàu hỏa gồm các tuyến tàu đi thành phố Saint Peterburg- Tp Leningrad cũ- vẫn giữ nguyên tên là Leningradski Vokzal (Nhà ga Lê Nin).

Trên metro vẫn thấy một vài người đọc sách báo. Hội trẻ thì lướt mobile. Hầu như không gặp các bà béo (phụ nữ bây giờ lo chăm sóc sắc đẹp nhiều hơn?) hay những ông say rượu khật khờ. Các cô gái ít người mặc váy mà thường là quần Jean hay quần côn, trông khỏe khoắn và năng động. Thực ra mình chỉ đi metro có 2 lần nên nhận xét không biết có phiến diện không. Trên đường đi cũng chả ai để ý đến mình và cũng không thấy police hỏi giấy tờ. Tuy vậy mình vẫn không dám đi đâu lang thang một mình như đi du lịch mấy nước phương tây.

Nước Nga hậu xô viết phục hồi nhiều nhà thờ và xây nhiều nhà thờ mới. Những khu chung cư mới, có cả những nhà thờ nho nhỏ, mới xây. Các kiến trúc cũ được sửa sang phục dựng lại, đặc biệt là các nhà thờ (sabor) trong khu điện Cremlin. Ngay cả tháp Spaskaia của Điện Kremlin cũng mới có 1 bức tranh thánh mới tìm thấy, gắn phía mặt ngoài tháp. Nhà thờ Chúa cứu thế (Хра́м Христа́ Спаси́теля) -nhà thờ chính của nước Nga và lớn nhất của Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới mới được xây dựng lại (1994-2000) theo đúng phiên bản kiến trúc ban đầu (được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ 19 và bị phá hủy năm 1931 khi quy hoạch lại Matxcova dưới thời Stalin). Nhà thờ quá hoành tráng và lộng lẫy, nghe nói hơn 14 tấn vàng đã được dùng để dát các mái vòm của nhà thờ, tiếc là người ta không cho chụp ảnh bên trong nhà thờ. Một điều mà bây giờ mình mới nhận ra là đa số các bà các cô, khi đi lễ nhà thờ, đều cẩn thận quàng khăn trùm đầu (nhưng không bịt mặt như đạo hồi và khăn thì đủ màu); có lần mình được giải thích đó là để dấu bớt sự cám dỗ (cũng có thể mình nghe nhầm).

Đến Quảng trường Đỏ, mình định đứng giữa quảng trường chụp ảnh, đúng vị trí mình và Thúy Hà đã chụp ảnh trong buổi đi chơi đầu tiên ở Matxcova năm 1976 khi mới từ Kiev lên nhưng không được. Một sân khấu tạm và sàn biểu diễn đã được lắp đặt để chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm Ngày thành phố (1 tháng 9). Hàng người vào viếng Lenin vẫn rất dài. Lúc mình vào bên trong thành Kremlin, gần 12h trưa, may mắn được chứng kiến lễ diễu hành của đội kỵ binh cận vệ của Putin; Nó như một show diễn gần nửa tiếng đồng hồ chỉ diễn ra vào đúng 12 h trưa nếu hôm đó Tổng thống có mặt ở Kremlin, rất đáng xem.

Matxcova bây giờ cũng quen với các nhà hàng quán ăn nhanh như MacDonal. Đặc biệt có chuỗi nhà hàng bò sữa My My (đọc theo tiếng Việt là MU MU). Quán có nội thất độc đáo toàn bằng gỗ, phục vụ chủ yếu các món ăn Nga, đủ các loại (có thêm thực đơn susi Nhật) theo kiểu buffet tự chọn. Khách tự lấy khay xếp hàng theo dây chuyền (như kiểu các nhà ăn sinh viên ngày xưa), lựa chọn món và ra quầy thanh toán. Phục vụ rất nhanh và ngon, chỉ hơi đắt, bữa trưa muốn ăn no một chút cũng phải khoảng 300-500 rúp (32 rúp/1 USD). Mấy hôm ở Mátx cô em và mấy người bạn đều dẫn mình đến đây ăn bữa trưa rồi tranh thủ đi chơi tiếp.

Matxcơva có nhiều công trình mới so với thời xô viết, tất nhiên rồi, vì đã mấy chục năm đã qua. Nhưng cũng có những kiến trúc mới mình chả thấy đẹp tí nào như tượng Piot Đệ nhất và con tàu được dựng lên bên bờ sông Matxcova ở vị trí không gian rất hạn hẹp, choán cả tầm nhìn dòng sông. Ngày xưa toàn đi metro và xe buýt, quanh đi quẩn lại chỉ từ nhà đến trường, đâu có thạo đường phố Matxcowva. Nay được ngồi xe ô tô đi nhiều nơi thấy Matxcơva có nhiều chỗ đẹp mà mình chưa bao giờ tới. Tu viện Novodevichy - nghĩa trang danh nhân Nga (xem ảnh tu viện soi bóng ven hồ) thật tĩnh lặng và lãng mạn. Đường tới Chợ đồ lưu niệm Nga-Vernisage ở Izmailôvô- phía đông bắc thành phố, dọc theo bờ sông Matxcova đầy cây xanh,như những công viên nhỏ ven đường. Khu chợ này trước đây mình cũng chưa nghe bao giờ. Bên hông chợ là thành Kremlin ở Izmalov, với những tường thành và tháp chuông, nhà gỗ đặc trưng của Nga trong một khuôn viên nhỏ, giống như chuyện cổ tích (nhưng mình thấy nó cứ giả tạo thế nào ý). Vernisage gần giống chợ trời bên châu Âu nhưng hàng quán đa số có quầy và giá bày biện. Nơi đây bán các đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm Nga, đồ cổ và tranh vẽ. La liệt đủ loại Matrioska, lật đật theo kiểu dáng truyền thống và theo chủ đề hiện đại, nhiều con do chính tác giả vẽ và đem bán. Giá cả ở đây rẻ hơn trong thành phố đến mấy lần. Nhưng không phải cứ con to là đắt hơn con nhỏ nhé, còn tùy độ tinh tế, tỉ mỉ của nét vẽ và kỹ xảo gia công. Nhiều tranh vẽ cảnh thiên nhiên Nga rất đẹp nhưng cỡ to không thể mua mang về, chỉ chụp ảnh. Đi chợ từ sáng, trời mưa nhỏ, lạnh 9-10 độ, thế mà lạc vào chợ rồi cứ mải miết xem đến tận chiều mới ra về. Chiến lợi phẩm là một bức tranh nhỏ và mấy con Matrioska, lật đật,vài đồ lưu niệm nho nhỏ cho bộ sưu tập của mình và làm quà tặng. Vernisage - một địa chỉ nên đến thăm nếu chương trình du lịch của bạn không quá dày đặc.
















Phần 3. Saint Petersburg


Từ Matxcova đi Saint Peterburg có thể đi tàu ngồi và tàu nằm. Đi tàu nằm, tối lên tàu sáng hôm sau đã đến nơi. Còn tàu ngồi nhanh hơn, mất 4 tiếng. Mình đi một mình nên chọn tàu Express 4 tiếng. Đường sắt Nga nay đã tư nhân hóa nên cung cách phục vụ cũng lịch sự và chu đáo, giống tàu bên Tây Âu và có thể mua vé online. Có 2 loại tàu Express: Sapsan và Nhepxki. Lượt đi của mình là Nhepxki, lượt về là Sapsan. Tàu Sapsan giống kiểu tàu Eurostar của Tây Âu, sang trọng, toa có ghế ngồi không chia khoang kín. Còn tàu Nhepxki cũng đẹp, mặc dù là tàu ngồi vẫn chia khoang 6 người, tầng trên còn có TV (hay chỉ đơn giản là monitor, mình không rõ vì không thấy bật TV), chỗ ngồi thoái mái, có thể để hành lý tầng trên trong khoang, trong khi tàu Sapsan phải để vali tập trung phía đầu toa. Mình thích đi tàu Nevski tiện lợi hơn và rẻ hơn Sapsan. Về sau mới biết là tàu Nhepxki năm 2009 đã bị đánh bom (gần 30 người thiệt mạng và hơn 90 người bị thương), thật hú vía.

Tàu đến Saint Peterburg 9 giờ tối nhưng đường phố vẫn rất sáng. Ngay trước ga, trên nóc tòa nhà phía đối diện là dòng chữ to tướng: Leningrad – thành phố Anh hùng! Thành phố đã lấy lại tên cũ là Saint Peterburg nhưng những trang lịch sử hào hùng thì không thể thay đổi.

4 ngày ở Saint Peterburg không đủ để đi hết những các cung điện, nhà thờ, bảo tàng, các khu vườn của thành phố, các bạn biết rồi. Vé vào Cung điện mùa đông và Bảo tàng Hermitage vẫn phân biệt người nước ngoài và người Nga: 400 rúp và 100 rúp. Muốn chụp ảnh trong cung điện và bảo tàng trả thêm 200 rúp nữa. Hôm được cậu bạn Việt kiều Nga (à, bạn ấy cũng cùng khóa đi Nga của hội mình đấy) đưa đi thăm Cung điện Ekaterine (Catherine Palace), mình gặp may không phải xếp hàng chờ đợi nhiều, vào cả công viên và bên trong Cung điện, xem được Phòng Hổ phách mới phục dựng lại (vào mùa du lịch, có người đến đây không vào được bảo tàng bên trong Cung điện vì xếp hàng mất mấy tiếng đồng hồ). Mấy bức ảnh đẹp chụp kênh, hồ nước và rừng cây chính là trong công viên của Cung điện.

Ở Matxcova hay St.Petersburg mình gặp rất nhiều đám cưới, có cả đám cưới trong nhà thờ, hóa ra mùa này là mùa cưới. Tình cờ chứng kiến một đám cưới nhỏ rất vui nhộn trong công viên của Cung điện Ekaterine với những nghi thức ngồ ngộ. Một nửa bánh mì hình ô van (to bằng vợt bóng bàn nhưng dài hơn), trên phết đầy trứng cá hồi màu đỏ; Cô dâu chú rể cùng cắn miếng bánh từ hai đầu, ai cắn được miếng to hơn trong 1 lần sẽ là người làm chủ gia đình. Trước khi vào nhà thờ làm lễ, cô dâu, chú rể và khách tham dự đám cưới đều cúi đầu chui qua một chiếc khăn thêu dài, trên có bánh mì (chắc là cả muối nữa), do hai bà đỡ hai đầu. Mấy bà khách dự đám cưới có vẻ thích thú vì có một Chinese (người châu Á nào đối với họ cũng là TQ) cứ lăng xăng bấm máy ảnh liên tục chụp đám cưới. Về sau mình mới biết là cậu bạn lại chụp mình đang “tác nghiệp” và cười phớ lớ. Hắn bảo sẽ đưa hình của mình lên facebook cho cả hội sư phạm Leningrad (khóa 1975 - 1981) đoán xem đó là ai.

Ra khỏi cung Ekaterine, vẫn còn đang lâng lâng vì vừa được dạo chơi, thư giãn giữa công viên ven hồ thì gặp phải việc không may: ô tô của cậu bạn đã bị công an cẩu đi đâu mất do đỗ sai vị trí. Trời bắt đầu tối dần và lạnh. Hành trình đi bộ tìm xe và cảnh sát giao thông xử lý vụ này dài và mệt mỏi, chỉ biết là 3 tiếng sau cũng lấy được xe sau khi làm luật và về đến Saint Peterburg lúc 9 giờ tối.

Hôm sau thăm Cung điện mùa hè Peterhof ở Tp. Puskin nổi tiếng với quần thể đài phun nước và công viên, mình thấy đây còn đẹp hơn Lâu đài Versaille của Pháp. Trời nắng đẹp bất ngờ vì mấy hôm trước khi mình xuống St Peterburg ở đây toàn mưa. Mình cứ đùa: mình đi đâu, nắng đến đấy (hơi bị "tinh vi") nhưng quả thật lúc mình ở St Petersburg thì Matxcowa lại mưa suốt mấy ngày.

Saint Peterburg cũng có nạn tắc đường nên ngày cuối cùng mình chỉ đi các địa điểm gần trong thành phố rồi ra ga sớm. Còn thời gian tranh thủ ngó qua trung tâm mua sắm Galeries (như kiểu Shopping Mall) ngay bên cạnh ga. Cậu bạn mời mình ăn trưa cùng hai vợ chồng.Vợ Nga, chồng Việt. Vợ bạn vẫn còn nét rất xinh, thảo nào bạn mình yêu say đắm cô bạn cùng trường. Hai vợ chồng cùng làm du lịch. Đến lúc này chợt nhớ có ai đó trên mạng bảo là ai sang Nga cũng phải đăng ký tạm trú với công an, khi xuất cảnh nếu không có dấu trên tờ phiếu nhập cảnh (được cấp tại cửa khẩu, mình không phải khai) đừng hòng ra khỏi biên giới. Tự nhiên thấy lo. Cả hai vợ chồng bạn đều bảo “Phải đăng ký với công an chứ, trong vòng 3 ngày nhập cảnh, chậm nhất là 7 ngày làm việc”, nơi nào gửi giấy mời cho cậu thì nơi đó phải làm thủ tục này, nếu không đúng thủ tục, sau này cậu xin visa sẽ bị rắc rối và công ty kia cũng bị phạt”, Bạn còn dọa có khi nó hoãn không cho xuất cảnh! Thôi rồi, mải đi chơi quá quên hỏi kỹ việc này. Giấy mời của mình chính là một hãng du lịch ở Saint Peterburg làm (mình làm dịch vụ ở Việt Nam có bao giờ liên lạc với công ty này đâu), vài giờ nữa mình về Matxcova rồi, còn làm thủ tục gì được nữa. Nhưng nghĩ kỹ thì lại thấy an ủi chút vì mình sang Nga đúng chiều thứ Sáu; 10 ngày sau, thứ Hai, lại lên đường về nước, chưa đủ 7 ngày làm việc. Các bạn nếu có đi Nga nhớ lưu ý chuyện này nhé và đi đâu cũng phải mang hộ chiếu (bản copy không được chấp nhận) kèm cái phiếu nhập cảnh họ phát kẹp trong hộ chiếu lúc làm thủ tục vào Nga, đừng có đánh rơi hoặc vứt đi mà rắc rối to.

Một điều đáng để ý nữa là việc phân vùng điện thoại ở Matx và Saint Peterburg. Ở Matx mình dùng 1 sim, đến St.Peterburg lại dùng 1 sim khác, nếu không gọi về Matx như roaming ra nước ngoài, rất tốn tiền. Có lẽ nước Nga quá rộng nên mới như vậy.

7 giờ tối lên tàu Sapsan, gần 11.30 giờ đêm về tới Matxcova. Ngồi tạm ở ga gần 1 tiếng đồng hồ vì cô em chưa kịp ra đón, mua 1 cốc trà nóng và 1 hotdog ăn tạm. Mọi việc vẫn ổn, không thấy ai quấy rầy hay cảnh sát hỏi han.






Phần 4.


Gần 1 giờ đêm cô em đến đón mình ở ga, xin lỗi đến muộn vì hôm đó là ngày rằm tháng 7, cả nhà lên chùa làm lễ. Ở bên này cũng nhiều gia đình người Việt đi chùa, cứ đến ngày rằm mồng một tụ tập nhau tại một địa điểm được chọn làm nhà chùa, ăn chay, cúng bái và niệm phật. Thỉnh thoảng có cả các bậc cao tăng từ trong nước sang giảng đạo Phật.

Đi ô tô buổi tối lại hay vì không tắc đường và được ngắm Matxcova về ban đêm. Rất đẹp. Vẫn còn hai ngày ở Matxcova, mình đi thăm thêm mấy nơi: Bảo tàng Borodino Panorama, Công viên Chiến thắng (khánh thành năm 1995). Còn một nơi nữa rất đáng tham quan ở ngoại ô Matxcova, mình chưa bao giờ nghe nói, đó là Tsaritsyno Palace - Cung điện – Khu bảo tồn mới mở cửa 5 năm nay. Xem trên mạng quả thật đẹp quá (http://www.tsaritsyno-museum.ru/). Tiếc là không đủ thời gian ghé thăm.

Và cuối cùng, một nơi không thể nào không đến trong chuyến đi này – Trường Quan hệ quốc tế Matxcơva.

31 năm sau ngày tốt nghiệp (1981), mới có dịp trở lại thăm trường và ký túc xá. Trường Quan hệ quốc tế Matxcơva (MGIMO), bây giờ đã là University gồm 7 khoa và 6 trường ĐH, vẫn thuộc Bộ Ngoại giao Nga. Bên cạnh tòa nhà chính của trường, có một tòa nhà có biển tên rất lạ: Trường đại học quốc tế chính sách năng lượng và ngoại giao (The International Institute of Energy Policy and Diplomacy- IIEPD), rất đặc trưng cho nền ngoại giao của Nga. Chắc trên thế giới chẳng có trường nào như thế.

X, bạn cùng khóa ở MGIMO, đã là công dân Nga mấy chục năm nay, lái xe ô tô lướt qua những ga metro, bến ô tô trên đường đi học của mình ngày xưa. Khu vực Novye Cheryemushki không thay đổi nhiều , vẫn những tòa nhà bốn, năm tầng nhưng được sơn sửa mới hơn, cách xa nhau bằng những ô đất nhiều cây xanh, khác với các khu mới của Matxcơva, nhiều nhà cao tầng và mật độ công trình dày đặc hơn.

Số nhà 26 Novye Cheryemushki vẫn là ký túc xá số 1 của MGIMO. Tòa nhà sơn màu đỏ nổi bật trong dãy phố. Bên trong không khác mấy so với ngày xưa, tất nhiên, có những thiết bị hiện đại như camera theo dõi các tầng và phòng ốc được tân trang mới hơn. Bà thường trực (trẻ thôi, không già và béo như mấy bà ngày xưa) rất thông cảm với 2 cựu học sinh, tháp tùng hai đứa lên tận tầng 2 cho xem lại mấy phòng ở. Hai đứa ra về bằng lối sau, lại nhớ mấy chàng ngày xưa đưa đón người yêu toàn đi lối này và đôi khi còn trèo qua cửa sổ, trốn bà thường trực Masha hay quát. Hai đứa đi bộ chầm chậm qua con phố nhỏ, qua ngã tư đến hồ nước gần ký túc xá. Không ai nói câu nào, mỗi đứa theo đuổi một kỷ niệm riêng. Mặt nước trong veo, cỏ xanh mướt. Nắng nhè nhẹ, những cành bạch dương nhỏ khẽ đu đưa trong gió. Matxcơva đang chuyển từ hè sang thu, cây lá bắt đầu lốm đốm ngả vàng. Được hít thở không khí mùa thu trong phong cảnh thanh bình, nhớ quá thời sinh viên.

Chuyến đi 10 ngày của mình đã đến hồi kết thúc. Sợ tắc đường phải ra sân bay từ 3 rưỡi chiều mặc dù hơn 8h tối mới bay. Nhưng hóa ra gặp may, đi thẳng một lèo, 1 giờ sau đã tới sân bay. Làm thủ tục xuất cảnh, lại hồi hộp không biết họ có đòi cái đăng ký tạm trú gì đó không. Hai, rồi ba phút trôi qua, cộp cộp, thế là xong, nhận lại cái hộ chiếu mà mừng húm, họ thu lại cái phiếu nhập cảnh. Còn 3 tiếng nữa mới đến giờ bay, đủ thời gian lượn Duty free shopping.

Chỉ khoảng 3 tuần nữa, cuối tháng 9, đầu tháng 10 là đến mùa thu vàng, tiếc quá mình không thể ở lại. Ai cũng bảo lần sau cố gắng đi vào đúng dịp đó nhé. Biết có dịp trở lại nữa không? Ôi nước Nga - ký ức không bao giờ quên.

Thu Hà












(Nguồn ảnh: Thu Hà)

8/11/13

Trở lại nước Nga


Hà Nội, ngày 08/11/2013 - 10:24 SA

Kính gửi TTST BND,

Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, gửi các anh chị và các bạn xem, Phóng sự này Hà viết cách đây 1 năm, sau khi thăm lại nước Nga, bài mới đăng trên facebook Ha Le Thu (4 phần).

Thu Hà

Phóng sự (2012)

Phần 1


Phương cứ hỏi phóng sự về Nga mãi nên cũng quyết định ngồi vào máy, ngắm lại một lô ảnh chụp trong 10 ngày ở Nga và thử viết vài dòng. Chỉ là tập sự thôi, không dám sánh với Nhà văn Thanh Phương.

Mong được trở lại Nga bao lâu nay mà chưa đi được (lần qua Nga cuối cùng cách đây đã hơn 24 năm), phần do công việc, phần vì sợ: sợ an ninh không ổn, sợ hải quan Nga, sợ bọn đầu trọc…Đến hè này, trong khi chờ công việc ở Dự án mới và hưởng lương thất nghiệp, quyết định đi Nga một chuyến. Hô hào mọi người cùng trường, cùng khóa , chả ai hưởng ứng, đành lên đường một mình. Rất may đã có cơ sở “cách mạng” bên Nga (người quen của ông xã) lo giúp phần ăn ở Matxcơva và Saint Peterburg.

Nghe nói nên làm visa qua cty du lịch thế là cũng thuê dịch vụ, cả giấy mời và visa là 200 USD. Đã book vé Vietnamairline, nghe mấy đứa hay đi Nga (việt kiều Nga) về bảo nên bay Aeroflot vì sân bay đến là Sheremetyevo mới và hiện đại, hải quan lịch sự hơn, còn nơi đến của VNA là Domededovo vừa cũ vừa bất lịch sự với người VN, làm thủ tục nhập cảnh mất hàng giờ, thế là tuy cũng yêu nước muốn dùng hàng VN nhưng đành giúp Tây vậy.

Máy bay hạ cánh, bắt đầu hồi hộp. Xuống sân bay làm thủ tục nhập cảnh. Chuyến bay đa số là người nước ngoài. Rủi thế nào mà lại đứng ngay sau 2 mẹ con người vùng Kavkaz hay Tác ta gì đó ( mắt đen, tóc đen, giống bọn khủng bố Cherchen). Mãi chả thấy 2 mẹ con nó (1 bà và 1 cô) ra khỏi quầy. Tất cả hội đứng sau quyết định dạt sang các hàng khác. Đến lượt mình, lại cũng phải chờ. 10 phút trôi qua, hỏi “Sao lâu thế?” “ Chúng tôi đang kiểm tra, đề nghị đứng lui ra phía sau”. Tôi phải chờ bao lâu nữa? – 20 phút nữa!. Trong khi người Nhật, người Tây đi qua rất nhanh. Đang chờ lại gặp 1 cháu thanh niên người Việt cũng chờ kiểm tra ở quầy khác. Thấy mình đang gọi điện cho cô em ra đón nó túm vội lấy, bảo bác giúp cháu với. Thật tội, tiếng thì chả biết, điện thoại không liên lạc được với người ra đón (làm gì có roaming), người ra đón cũng không gọi cho nó được, mình thành liên lạc bất đắc dĩ. Nó sang đây để đi làm, không biết có may mắn không hay là lại bị chui vào 1 ổ bóc lột người nào đó ( mình nghe nói có việc như vậy, vừa rồi công an đã khui ra mấy vụ).

Cuối cùng sau 1 tiếng đồng hồ cũng ra được bên ngoài, không thấy hải quan hay công an khám xét hoạnh họe gì. Mình cũng mất một chút thời gian giúp cháu kia khi Hải quan bắt nó cho hành lý qua máy soi vì trông đống va li túi xách của nó đáng ngờ. Mọi người bảo thế vẫn là nhanh so với Domodedovo. Hôm đó là Thứ 6, đường vào Tp không bị tắc nhưng phía bên kia dải phân cách (ra khỏi TP) xe cứ ùn lại. Cô em (cùng trường nhưng sau 13 khóa) bảo: Matxcova hay tắc đường lắm, nhiều khi chỉ cách sân bay một đoạn ngắn mà phải mất 1 tiếng mới vượt qua được. Hóa ra nạn tắc đường kẹt xe không chỉ là vấn nạn của Hà Nội.

Vẫn chưa đến mùa thu vàng, Matxcova cây lá vẫn xanh, trời có hôm nắng ấm 20 độ, có hôm mưa nhỏ, rét 10-15 độ. Chuyến đi của mình nói chung là may vì mấy hôm đi chơi chụp ảnh thời tiết đều đẹp, kể cả ở Matxcova và Saint Petersburg. Tháng 8 năm nay đúng dịp Matxcova kỷ niêm 865 năm ngày thành lập và 200 năm trận đánh BÔRÔĐINÔ với quân của Napoleon. Ngày 1.9 là ngày Hội thành phố, trùng với ngày Kiến thức và ngày khai giảng năm học mới nên Quảng trường đỏ rất đông vui. Matxcova kỷ niệm Ngày Thành phố với khẩu hiệu "Thành phố tốt đẹp nhất trên Trái đất”!







_____

TTST BND Xin mời xem tiếp kỳ sau (bài viết gồm 4 phần).
Nguồn ảnh trong bài: do tác giả cung cấp./.

5/11/13

Tin buồn


Chúng tôi được tin cụ Nguyễn Minh Chủy, tức nhà báo Lưu Thanh, nguyên phóng viên, Trưởng ban Chính trị Xã hội báo Nhân Dân, quê ở Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, trú quán tại số 40/53/548 Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội, đã từ trần hồi 18 giờ 20 phút, ngày 4 tháng 11 năm 2013, tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi.

Lễ tang sẽ được tổ chức từ 7 giờ 30 đến 9 giờ 30 vào thứ Năm, ngày 7 tháng 11 năm 2013, tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 phố Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Xin chân thành chia buồn với anh Lưu Phương Bình cùng toàn thể gia đình!

Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân


Thông tin thêm
: Hội TTST BND tổ chức viếng và chia buồn cùng gia đình anh Bình. Các thành viên tham dự có mặt tại số 5 phố Trần Thánh Tông, Hà Nội, trước 8 giờ 30 ngày 7/11/2013.