Chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp chỉ về quê một thời gian ngắn rồi tìm cách ra Vinh để tiếp tục chí hướng của mình.
Sau cuộc khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh bị thất bại, thực dân Pháp ra sức khủng bố trắng. Tháng 10 năm 1930, Võ Nguyên Giáp cùng với nhiều người bị bắt, trong đó có thầy Đặng Thai Mai và một số bạn ở trường Quốc học Huế. Võ Nguyên Giáp bị kết án hai năm tù giam.
Võ Nguyên Giáp - Thầy giáo trường Thăng Long
Đại tướng Võ Nguyên Giáp 
Cuối năm 1930, do Hội Cứu tế đỏ của Pháp đấu tranh đòi thả tù chính trị. Chính quyền Pháp ở Đông Dương buộc lòng phải nhượng bộ, thả một số tù chính trị, trong đó có Võ Nguyên Giáp và Đặng Thai Mai. Thầy Mai thôi dạy trường Quốc học Huế, trở về Vinh, Nghệ An còn Võ Nguyên Giáp bị giải về quản thúc ở quê nhà.
Chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp chỉ về quê một thời gian ngắn rồi tìm cách ra Vinh để tiếp tục chí hướng của mình. Với sự giúp đỡ của thầy Mai, anh đã kiếm được việc làm tạm thời. Năm 1932, thầy Mai chuyển ra dạy học ở Hà Nội. Anh cũng ra theo thầy. Con đường học vấn của anh bị gián đoạn. Anh đã rời ghế nhà trường từ năm thành chung thứ hai. Vì vậy anh quyết dành 10 tháng học thi tú tài phần nhất, với tư cách thí sinh tự do. Và anh đã đỗ hạng ưu. Võ Nguyên Giáp bắt đầu dạy học tại trường Thăng Long cùng với thầy Đặng Thai Mai. Học trò của thầy Mai, thầy Giáp sau này nhiều người đỗ đạt cao, trở thành những nhà trí thức có uy tín và có người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Năm 1936, ở Pháp, Mặt trận Bình dân lên nắm quyền, buộc chính quyền thuộc địa ở Đông Dương phải thực hiện một số cải cách dân chủ. Võ Nguyên Giáp đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh công khai của Đảng. Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, anh viết cho nhiều tờ báo của Đảng bằng tiếng Việt và tiếng Pháp và anh trở thành Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ. Sức làm việc của Võ Nguyên Giáp hết sức kỳ lạ. Anh có thể viết suốt 24 giờ liền cho toàn bộ một số báo Le Travail, để hôm sau đưa đến nhà in, kịp thời phát hành. Cuối năm 1939, Chính phủ bình dân Pháp bị đánh đổ, nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung đang đứng trước nguy cơ đe dọa của chủ nghĩa phátxít. Ở Đông Dương, nhà cầm quyền thực dân đàn áp phong trào cách mạng được dịp trỗi dậy. Ngày đêm chúng lùng sục, bắt bớ tra tấn nhiều chiến sĩ cộng sản. Chính vào lúc này, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng Sản Đông Dương, khuyên Võ Nguyên Giáp nên ra nước ngoài, nơi anh có dịp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mà anh từng ngưỡng mộ. Trong thời gian dạy học ở trường Thăng Long, Võ Nguyên Giáp xây dựng gia đình với người em ruột của nữ chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai là Nguyễn Thị Quang Thái, người mà anh quen trên chuyến xe lửa Vinh-Huế. Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay cảm tình đặc biệt. Người nữ sinh xinh đẹp ấy có điều gì đó thu hút tâm hồn anh, dáng vẻ hiền dịu nhưng không kém phần kiên nghị, bất khuất, đôi mắt thông minh, đầy quyến rũ. Ngày Quang Thái vào học trường Đồng Khánh, Huế, tình yêu giữa hai người nảy nở và kể từ đó, người thiếu nữ ấy đã bước vào đời anh. Và rồi họ gặp nhau trong nhà tù đế quốc. Cũng chính trong thời gian ở tù, Võ Nguyên Giáp càng hiểu Quang Thái hơn. Mùa hè 1940, anh lên đường ra nước ngoài để lại người bạn đời, người đồng chí, Nguyễn Thị Quang Thái và một cháu gái mới sinh là Võ Hồng Anh, sau này trở thành một nữ tiến sỹ vật lý xuất sắc. Chị Thái hẹn, khi con cứng cáp sẽ đi thoát ly hoạt động. Nhưng cả hai không ngờ lần chia tay này cũng là lần vĩnh biệt. Chị Thái bị giặc Pháp bắt giam và chết ngay trong ngục tù. Như một định mệnh, đến Vân Nam, Trung Quốc, Võ Nguyên Giáp được gặp ngay Nguyễn Ái Quốc, lúc này đã mang tên Hồ Chí Minh. Chỉ sau một thời gian ngắn, Bác đã thấy Võ Nguyên Giáp là người cần cho chặng đường cách mạng sắp tới. Bác liên hệ với Đảng cộng sản Trung Quốc và cử anh đi học quân sự tại căn cứ địa Diễn An. Trên đường tới Diễn An, anh được Bác gọi quay lại vì tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn. Ở châu Âu, phátxít Đức đã xâm chiếm Pháp. Bác nhận định tình hình Đông Dương sẽ chuyển biến nhanh. Cần gấp rút trở về nước chuẩn bị đón thời cơ. Năm 1941 đúng dịp tết Nguyên đán Tân Tỵ, Võ Nguyên Giáp cùng Bác trở về Cao Bằng. Trong thời gian ở hang Pác Pó, Bác tiên đoán cách mạng sẽ thành công vào năm 1945, một dự đoán thiên tài của lãnh tụ Hồ Chí Minh./.
Trần Huyền Thương (TTXVN)