12/11/12

Chia buồn


Chúng tôi được tin cụ Nguyễn Tuấn Nguyệt, tức Nhà báo lão thành Lê Thạch Sơn, sinh năm 1928, sau thời gian dài chống chọi với bệnh hiểm nghèo, đã từ trần hồi 22 giờ, ngày 11 tháng 11 năm 2012, tại nhà riêng ở Quận Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 85 tuổi.

Lễ tang sẽ bắt đầu cử hành tại nhà riêng lúc 8 giờ sáng ngày thứ Năm, 15 tháng 11 năm 2012, an táng cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố.

Xin chân thành chia buồn với các anh, chị Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Thị Kiều Anh, Nguyễn Thị Tường Vân, Nguyễn Ánh Nguyệt, cùng toàn thể gia đình!

Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân

Thông tin thêm: Các thành viên TTST BND liên hệ ngay BLL khu vực TP.HCM để tổ chức viếng và chia buồn cùng gia đình.

_____

Cập nhật (9:00 14/11/2012):

Thân gửi: TTST BND,

Mình vừa đi viếng Cụ Nguyễn Tuấn Nguyệt, và thăm cụ Lê Hoàn tại Hóc Môn. Mình có gặp anh Thắng, Kiều Anh, Vân...
Lễ truy điệu Cụ Nguyễn Tuấn Nguyệt sẽ tổ chức vào đúng 7g20 sáng ngày mai - thứ Năm ngày 15-11-2012, lễ động quan vào 8g sáng.
Đường đi tới nhà Cụ Nguyệt: đi qua Ngã Tư An Sương - thẳng QL 22 đi Củ Chi, đến Ngã Tư Giếng Nước (tức ngã tư đường QL 22 và đường Trần Văn Mười) thì rẽ trái đi qua UBND Xã Xuân Thới Đông gặp đường Võ Thị Hồi, rẽ phải, đi tiếp khoảng 200 m thấy có cờ tang... đi theo cờ tang một khoảng 300m gặp cờ tang thứ 2 thì rẽ phải là nhà cụ Nguyệt.

Mình bị mất danh sách liên lạc các Thành Viên nên không liên hệ được với BLL. Đề nghị Ban Liên lạc TTST BND gửi lại danh sach thành viên cho mình nhé. Cám ơn các bạn.

Lê Thanh Bình
(Con chú Lê Bình)

11/11/12

Nghệ thuật cây cảnh Trung Hoa. Chùa năm trăm vị La hán - bí ẩn của số phận con người

(Bài đã đăng trên tạp chí Nhịp cầu tri thức của NXB Chính trị quốc gia)

Nghệ thuật cây cảnh Trung Hoa.
Chùa năm trăm vị La hán - bí ẩn của số phận con người.


Vũ Tuấn Hoàng

Sự hài hòa giữa cây và đá không chỉ làm vui mắt người xem – Đối với người Trung Hoa, nó còn là một biểu tượng của sự cân bằng giữa cái ngắn ngủi, nhất thời và cái bất biến, trường tồn. Sự hòa hợp của Nước, Đá, Cây cỏ và Kiến trúc – Đó là những yếu tố đầu tiền mà người Trung Hoa muốn tạo dựng và thưởng thức. Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam chỉ hấp thụ văn hóa này theo cách của riêng mình.

Như giáo sư Chen Tsunchzhou, một học giả Trung Hoa nổi tiếng về am hiểu các giá trị nghệ thuật Cây cảnh đã từng nói: “Để hiểu được nghệ thuật chơi cây cảnh, làm vườn của người Trung Quốc, cần phải bắt đầu từ văn học”. Nghiên cứu vườn cây cảnh của Trung Quốc là sự nghiệp của đời ông. Ông biết đọc ngôn ngữ của loài cây, biết nghe âm thanh của chúng. Vườn cây theo truyền thống Trung Hoa rất xa vời ý nghĩa thực dụng. Nó phải là một tác phẩm nghệ thuật, là tổng hòa của kiến trúc, hội họa, thư pháp, thi ca và triết học. Để xây dựng được một khu vườn như vậy là cả một công việc tốn kém, đổ mồ hôi sôi nước mắt, chỉ thích hợp với những người giàu có, khá giả. Trong suốt chiều dài lịch sử nhiều thế kỷ, các đại diện có học thức của Trung Hoa cũng chính là giới tinh hoa giàu có, mạnh về kinh tế, bởi vậy nghệ thuật chơi cây cảnh, làm vườn cũng nở rộ ở đây. Hãy thử lấy bất cứ ví dụ một khu vườn nào – vườn thượng uyển hay khu vườn của một tư nhân – đâu đâu cũng thấy dấu vết của học vấn uyên thâm: những câu trích của các bậc thi nhân vĩ đại được ẩn chứa trong các tên gọi của các khu vườn, những câu đối dưới dạng thư pháp được khắc trên đá, trên tường của các căn gác nhỏ ngoài vườn, những thảm tranh phong cảnh các tác phẩm cổ điển trong hội họa. Tại Trung Quốc có hai trường phái vườn cảnh chính: Thứ nhất là kiểu hoàng cung, hay là phong cách phía Bắc bao gồm các vùng như Bắc Kinh và Thừa Đức (Hà Bắc); Thứ hai là kiểu gia tư hay còn gọi là phong cách phương Nam, bao phủ một vùng rất rộng lớn của đồng bằng sông Dương Tử. Cả hai phong cách trên đều có chung một nguồn gốc xuất xứ. Trong các sách cổ văn, các vườn cây cảnh của Trung Quốc được ví như Thiên đàng, không khác gì mấy so với vườn Địa đàng trong Kinh thánh. Trong một luận văn triết học, vào thế kỷ thứ II trước Công nguyên có một câu chuyện kể về một công viên huyền thoại hay còn gọi là “Vườn treo”. Trong không gian của khu vườn thần tiên này quanh năm ấm áp, những dòng suối trong vắt như pha lê chảy róc rách, thú rừng đi dạo lang thang. Với sự chấp thuận của Đạo giáo dạy rằng con người có thể tránh được cái chết, khái niệm về Thiên đường và tương ứng với nó là khu vườn lý tưởng, cũng biến đổi theo. Giờ đây, vườn cảnh không chỉ là nơi Cái đẹp ngự trị mà còn là nơi trú ngụ của các vị thần bất tử. Khao khát tìm kiếm các bí mật của cuộc sống vĩnh hằng, các vua chúa cổ đại Trung Hoa đã xây dựng núi giả trong vườn của mình, tượng trưng cho một không gian thiêng liêng để lôi cuốn vào vườn những vị thần bất tử, dựng nên những vọng gác trên đặt những bình bát đặc biệt để hứng sương –thứ nước thần thánh.


Chủ nhân của các khu vườn riêng không có được điều kiện như của các hoàng đế, cho nên hình ảnh của Thiên đường không được hóa giải thành các công trình vật chất đồ sộ tốn kém. Ý tưởng xa lánh, ẩn dật của Đạo giáo trong nhiều thế kỷ đã xác định khuôn mẫu của một khu vườn tư nhân chẳng khác nào một nơi trú ẩn bí mật. Theo truyền thống triết học của Trung Quốc, người ta hay dựng lên sự đối lập giữa cuộc sống thành thị và nông thôn, giữa cuộc sống phồn hoa sang giàu với cuộc sống mai danh ẩn tích. Các chính Đạo của Trung Quốc đều có chung một kết luận: để có được sự cân bằng về tinh thần, cần phải chối bỏ mọi tiện nghi, lợi lộc và cám dỗ của cuộc sống nơi phố hội và quay trở lại với thiên nhiên.

Ở Trung Quốc, đá cũng trở thành đối tượng tôn thờ, sùng bái, là đối tượng say mê của các nhà sưu tầm. Một danh họa nổi tiếng của Trung Quốc, Mi Fu đã cài đá vào bộ lễ phục và nói: “thưa tôn huynh..”. Một trong bốn họa sĩ vĩ đại của thời nhà Nguyên (1271-1368), Juan Gunvan đã tỏ lòng tôn kính các hòn đá như người thầy của mình. Các tảng đá là chi phí lớn nhất trong việc trang trí một khu vườn cảnh Trung Hoa. Các nhà sưu tập không tiếc tiền mua đá quý, đá đẹp thậm chí vượt quá cả giới hạn của sự hợp lý. Chi Cheng, tác giả luận văn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc về nghệ thuật vườn cây cảnh vào thế kỷ 17 có viết: “Các nhà yêu thích vườn cây cảnh thế giới bị mê hoặc bởi sự vinh quang trống rỗng của các hòn đá cổ. Nhiều người bị phá sản và kiệt sức trong nỗ lực tìm kiếm chỉ một hòn đá của một khu vườn nào đó, từ đỉnh của một ngọn núi nào đó, trên có ghi một bài thơ của một thi nhân nào đó đã từng nổi tiếng dưới một triều đại nào đó”. Một niềm đam mê đá đến bệnh hoạn, đau đớn là của viên quan Tang Lee (618 - 907). Ông đã phục vụ cho ba hoàng đế ở chức Đại thượng thư, những sau bị thất sủng và bị loại ra khỏi triều đình. Nhiều tác phẩm của ông còn lưu lại đến ngày nay, trong đó có một phần được viết về điền trang của ông ở ngoại ô Lạc Dương (Hà Nam). Ông đã sưu tập được một bộ đá quý khổng lồ và các loại cây cảnh quý hiếm. Công việc nước bề bộn không cho phép ông thường xuyên lui tới đây thưởng ngoạn. Như một người tình bất hạnh, ông vật vã đau khổ vì phải xa vườn cảnh của mình. Cuối cùng, ông chỉ còn biết trút nỗi niềm vào các vần thơ. Khi về hưu, ông cảm thấy vô cùng hạnh phúc phát hiện ra rằng “các cây thông, cây cúc trong vườn vẫn mong ngóng người chủ của mình”.

Làn sóng phục sinh lần thứ hai của nghệ thuật vườn cây cảnh diễn ra chủ yếu ở Miền Nam Trung Quốc vào thời Minh, giai đoạn hình thành giai cấp tư sản dân tộc. Trong nước, xuất hiện rất nhiều người giàu có, nhưng lại không có học vấn theo truyền thống. Nhưng người giàu mới nổi lên này khao khát được lọt vào giai cấp thượng lưu, ở nơi mà người ta vẫn đánh giá cao học vấn và óc thẩm mỹ tinh tế. Một trong những cách để thể hiện mình là xây dựng trang trại, vườn cây cảnh, theo truyền thống vẫn được xem là biểu hiện của lối sống quý tộc.


Vườn cây cảnh ở Trung Quốc sớm được nhận thức như một giá trị văn hóa, song lại rất chậm để trở thành đối tượng nghiên cứu. Hơn nữa, vào hồi đầu thế kỷ XX, các phương pháp miêu tả khoa học và tái thiết kế chính xác vườn cây cảnh, người Trung Quốc lại phải vay mượn của Nhật Bản, người đã tiếp thu được của chính Trung Quốc ý tưởng xem vườn cây cảnh cũng là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

Năm 1929, tại Bắc Kinh đã ra đời Hiệp hội nghiên cứu kiến trúc Trung Hoa và nghệ thuật vườn cây cảnh cũng nằm trong hoạt động của hội. Trong 14 năm tồn tại của mình, Hiệp hội đã cho ra đời rất nhiều các công trình nghiên cứu về vườn cây cảnh mang tính kinh điển. Trong những năm nội chiến, bao nhiêu vườn cây cảnh quý hiếm bị tàn phá không thương tiếc. Rồi, sau một thời gian hòa bình ổn định, đòn giáng tiếp theo là cuộc “Cách mạng văn hóa”. Vườn cây cảnh bị phá hủy một cách có chủ ý vì bị coi là tàn dư của chế độ Phong kiến hủ lậu. Chỉ mãi đến năm 1980, chính quyền mới giật mình tỉnh lại và vội vàng bảo vệ và tôn tạo những cái gì còn sót lại. Trong mười năm cuối gần đây, phát sinh rất nhiều các tổ chức nhà nước cũng như tư nhân để bảo vệ các di sản Vườn cây cảnh. Mọi người nhận thức rõ rằng các giá trị văn hóa không phải là cái gì trìu tượng mà nó góp phần vào việc thu hút khách du lịch. Đối với người dân Trung Quốc hiện đại, vườn cây cảnh không chỉ là nơi nghỉ ngơi mà còn là một tác phẩm nghệ thuật phức hợp, nhiều tầng nhiều lớp.

*

Ngay từ khi còn nhỏ, Tôi đã được nghe mẹ kể về sự bí ẩn của ngôi chùa có năm trăm vị La Hán ở Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Từ lúc được nghe cho đến khi tận mắt được nhìn, tận tay được sờ là cả một khoảng thời gian dài được tính bằng các thập kỷ đầy biến động, chiến tranh, lưu lạc sống tha hương nơi xứ người…để rồi khi quay trở lại nơi mẹ tôi sinh ra và lớn lên, nơi có những ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi, nơi đã từng diễn ra thế chiến Tam quốc diễn Nghĩa, nơi bắt nguồn của các con sông lớn chảy vào Việt Nam, thì bà đã không còn ở trên cõi đời này nữa. Tôi bước chân vào ngôi chùa năm trăm vị La Hán, bên tai văng vẳng giọng kể chuyện của mẹ tôi năm nào, trong hầm kèo tránh bom giữa những ngày tháng ác liệt của cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ. Tôi làm đúng như lời hướng dẫn của vị sư trẻ coi chùa: bước chân phải vào và bắt đầu đếm từ bất kỳ một vị La hán nào ở trên tường, đếm đúng bằng số tuổi của mình năm đó. Tôi chậm rãi bước vòng quanh bức tường tạc năm trăm vị La hán, mà không vị nào giống vị nào, mỗi người một vẻ, một tính cách và mang theo mình một đồ dùng lao động đặc trưng của nhân quần. Xung quanh yên tĩnh, thoảng mùi trầm hương, mùi hoa đại, mùi ẩm mốc của một không gian tâm linh đã tồn tại hàng thiên niên kỷ. Cuối cùng, tôi dừng lại ở một vị La hán thứ 48, một vị sư nhỏ người, với khuôn mặt trầm tĩnh, thư thái, trên tay đang cầm một cuốn sách. Vị sư trẻ của chùa cất giọng nói ngay phía sau lưng tôi: “Số phận của ông gắn liền với sách bút”. Tôi bàng hoàng kinh ngạc vì sự trùng hợp kỳ lạ này. Tôi cố gắng hỏi nhà sư xem ai là người tạc nên các pho tượng này và theo một quy luật bí ẩn nào? “Ngay bản thân chúng tôi cũng không biết được, nó bí ẩn đến mức các nhà khoa học cũng phải bó tay”.

Rời ngôi chùa linh thiêng đó, trong tâm trí tôi chỉ xoay quanh một ý niệm: Cuộc sống xung quanh ta vô vàn điều bí ẩn. Số phận Con người đã được lập trình ngay từ khi chào đời!


Thúy Hồ là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Côn Minh, cùng với Thạch Lâm (rừng đá) làm nên danh tiếng cho vùng đất thủ phủ của tỉnh Vân Nam cây cối xanh tươi gần như quanh năm, được mệnh danh là Thủ đô hoa và cây cảnh phương đông. Những chú cá chép trong hồ quẫy đuôi làm tóe nước lấp lánh, những chú khỉ chí chóe nhau tranh phần ăn do khách tham quan công viên đem tới, những chú sóc mắt to đuôi bông dài chẳng phải sợ ai, ung dung bò từ trên cây xuống ăn những quả hạt dẻ ngay trong tay những đứa trẻ đáng yêu, hai má ửng đỏ. Một nét độc đáo nhất của Thúy Hồ là chim hải âu trắng muốt, chúng bay từ phương Bắc, từ Vladivostok của Nga đến, rợp trời, nhất là vào mùa đông, mùa tránh rét.

Để thưởng thức một cách thực sự vẻ hài hòa của thiên nhiên sinh vật cảnh của các khu vườn Trung Hoa cổ, không chỉ những người sành sỏi mà cả các ông bà hưu trí bình dân. Khắp mọi nơi, tại khắp các công viên trên cả nước Trung Quốc, sáng sáng, những người có tuổi tập dưỡng sinh, và chiều đến họ cùng nhau nhảy múa, từng nhóm nhỏ nhỏ ca hát diễn kịch. Không gian thật êm ả và bình yên.

(Côn Minh – Hà Nội)

6/11/12

Chùm thơ Phạm Hồ Thu


Thân gửi HD,

Chị đã xem ảnh và đọc một số bài khác của ttst bnd. Rất cảm động - cả một quá khứ ùa về. Cảm ơn Ban biên tập và các bạn gọi là trẻ. Chị rất muốn viết một cái gì đó, nhưng chưa thành. Thôi thì gửi đến em và các bạn đọc một chùm thơ của chị, do trang web Hội Nhà văn giới thiệu.

Cám ơn TTST BND đã nhớ tới chị, cho chị cùng các em và các anh chị khác nhớ về một thời của Báo ND cũng như của tất cả chúng ta.

Hẹn gặp lại.
chị S - Phạm Hồ Thu.
Hà Nội, ngày cuối tháng Mười 2012



Thơ Phạm Hồ Thu


Ảnh do tác giả cung cấp - 24-02-2012 02:42:05 PM
 
VanVN.Net – Nhà thơ Phạm Hồ Thu tên thật Phạm Thị Sửu, sinh năm 1950 tại thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1974 đang là phóng viên báo Nhân dân, chị tình nguyện vào chiến trường khu 5 làm phóng viên mặt trận của báo Nhân Dân và Đài Phát thanh Giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, chị tiếp tục công tác tại báo Nhân Dân; rồi báo Người Công giáo Việt Nam. Thơ Phạm Hồ Thu gieo được vào lòng người đọc sự đồng điệu đặc biệt qua những ý tưởng khác lạ về tình yêu, về con người, về những điều lớn lao và thiêng liêng mà chợt vô cùng gần gũi… Thành thực đến tận cùng trước cuộc đời, trong tình yêu và cả khi những nỗi buồn lặng lẽ trôi đi, với Phạm Hồ Thu, hạnh phúc còn lại chính là những câu thơ… VanVN.Net trân trọng giới thiệu chùm thơ của tác giả gửi tặng bạn đọc.
Nhà thơ Phạm Hồ Thu (Ảnh chụp 1997)

SA VĨ (*)

I.

Nơi bắt đầu hình hài Tổ quốc tôi – chữ S
Tôi lặng nhìn cát biển chiều nay
Gió mang mang thổi trên những hàng dương
Hoa sim nở một triền tím biếc
Những bãi cát mịn màng những cát
Biển vẫn xanh như màu biển tôi qua

Tại sao hòn đảo kia lại gọi đảo Chim Rơi, núi Tổ Chim, hòn Lợn?
Tại sao đất trời chọn bãi cát hiền này làm biên cương Tổ quốc?
Ngoài xa kia sóng thao thức cùng tôi…

II.

Cháu con những người đi mở đất kể tôi nghe lịch sử cha ông
Họ đã đến đây từ những miền châu thổ
Đất lúc ấy chỉ rắn, mòng, quạ, đỉa những bãi sú dọc ngang, những bãi sim cằn
Người ra đi hát thuộc câu ca:
“Lấy anh em biết ăn gì
Lộc sim thì chát lộc si thì già”…
Nhưng không thể nào rời bỏ đất mà đi
Không thể nào rời bỏ cát mà đi
Họ nhìn nhau – cắn răng ở lại
Đói thì xuống biển mò cua, bắt cá
Khát lên rừng ăn đọt măng mai…

Giặc đến làng thì làng dựng cung tên
Những người thuyền chài dùng mái chèo mà đánh
Máu đã đổ trên những làn cát trắng
Sa Vĩ còn đây – chữ S trọn hình hài…

III.

Trước Sa Vĩ, tôi bỗng nôn nao nhớ mẹ
Có gì liên quan giữa mẹ tôi và những con ốc miền biên ải?
Có gì liên quan giữa mẹ tôi và những bãi sú nâu, những gốc sim cằn
Miền biên cương - mẹ chưa đến một lần
Mẹ mải nuôi tôi – không nói nhiều về tình yêu Tổ quốc
Nhưng ngày ấy, bên dòng sông Đuống
Mẹ đã ba lần tiễn các con đi
Tiễn con trai – vạt áo mẹ ướt đầm
Tôi con gái – cũng ra đi một sáng thu thầm
Mẹ đứng lặng tiễn tôi bên hàng chuối cổ
Mẹ nén khóc
Nhưng tôi biết khi bóng tôi xa khuất
Bảy ngày mẹ bỏ cơm, vạt áo lại ướt đầm....

IV.

Tôi vốc lên tay những hạt cát trắng ngần
Cát trắng thế mà bao máu xương đã đổ
Nước mắt mẹ từ tận miền Kinh Bắc
Cũng chảy về đây nhuộm cát trắng trong

Tôi bỗng hiểu vì sao tôi đã yêu những hòn đảo kia với những cái tên Nôm
Đảo Chim Rơi, núi Tổ Chim, hòn Lợn...
Thêm một lần tôi khe khẽ kêu lên:
Tổ quốc là đất đai mang dáng hình của mẹ
Một tình yêu nguyên thủy
Những người đàn bà gìn giữ
Qua ngày, qua tháng, qua năm...

Biên giới Móng Cái (QN) tháng 7/2000
-------------------------
* Sa Vĩ: Còn gọi là Tràng Vĩ thuộc phường Trà Cổ, Móng Cái, vùng biên giới phía Đông Bắc, mũi đất đầu tiên trên bản đồ Việt Nam hình chữ S.


BÌNH YÊN KHAO KHÁT

Làm sao tìm lại bình yên
Tuổi thơ tôi những triền cát trắng
Vết chân trần chạy trên bờ sông buổi sớm
Bếp lửa mùa đông bà ngoại nhóm lên rồi
Cháy trong tiếng gà gọi bình minh

Làm sao tìm lại bình yên
Mỗi buổi sáng vườn quê chim hót
Lời tỏ tình nghe như mật rót
Như mơ hồ những cánh chim bay

Làm sao tìm lại bình yên
Tuổi hai mươi khoác ba lô ra trận
Âu yếm hôn dấu chân anh để lại
Khóc trên những dấu chân trần
người chiến sĩ đi qua

Làm sao tìm lại bình yên
Lòng tin lắm những chân trời có thật
Vượt qua hết những lòng người phản trắc
Người ta yêu vẫn đợi ta về...

Làm sao tìm lại bình yên
Mẹ ngồi hát ru con không rơi nước mắt
Thương những cánh cò trong ca dao lận đận
Những con đò lỡ nhịp tình yêu

Em đã đi qua những năm tháng không yên
Em đã đi qua những ngày chiến trận…

Bỗng se thắt một bình yên khao khát
Thấy chăng nào
trong đôi mắt buồn Anh.

1982


XEM TRANH DƯƠNG BÍCH LIÊN VẼ
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ HÀ NỘI


Tôi biết ông thật muộn
Khi ông đã đi xa
Những người mẫu ngày xưa
đã đi lấy chồng…
Tôi gặp những người đàn bà trong tranh
có đôi mắt buồn
Những dáng dấp tận cùng Hà Nội
“Mùa thu vàng”
“Mùa xuân thiếu nữ”
“Thiếu nữ và hoa cúc”…

Vẻ đẹp vĩnh cửu và xưa cũ
của những người đàn bà
Vẻ đẹp vĩnh cửu và xưa cũ
của một thời Hà Nội hào hoa…

Hà Nội của tôi và của ông
Ngày xưa
mơ mộng và trong trẻo nhường kia
Cổ kính và lịch lãm nhường kia
Dịu dàng và kiêu hãnh nhường kia
Với những tà áo dài, cây đàn ghi ta,
sắc lá vàng thu
Và những ánh mắt buồn…

Tôi bỗng muốn biết thật nhiều về ông,
Hà Nội ngày xưa đã khuất
Ông đã sống thế nào giữa ồn ào phố xá
Để tìm ra sự mơ mộng, lịch lãm
và kiêu hãnh nhường kia…

1984


TIẾNG XUÂN

Đã nghe sóng giục bờ xa
Sông sâu dâng nước, trăng ngà đợi trăng
Đã nghe lúa trổ trên đồng
Vươn lên xé gió mùa đông nghẹn ngào

Đã nghe tiếng những con tầu
Từ nghìn xa cách nhớ nhau tìm về
Đã nghe cỏ mọc xanh đê
Đồng quê vẳng tiếng sáo khuya gọi mời…

Đã nghe tim lặng trong lời
Mái đầu Người bạc, tiếng cười Người trong
Lời yêu cháy một niềm mong
Tìm về cái thưở Người không phụ người

Trải nghìn cay đắng Người ơi
Năm năm tháng tháng
vẫn Người, vẫn ta…


QUÀ TẶNG
“Anh về thăm em…
Mà quà chẳng có…”
(Lời anh tôi)
I.
        Thôi anh đừng ân hận khi về thăm em không mang theo một chùm quả nhỏ, một bông hoa nức hương, một chiếc kẹo xinh xinh như là em thơ bé.
        Quà em tặng dành cho anh đầu tiên là phút giây em chân trần chạy ra ngoài cửa, đôi mắt sáng lên, lặng im không nói, mà trái tim thổn thức: “Anh-của-em-đã-về”.
        Thôi anh đừng ân hận. Em nhận ra quà tặng cho riêng mình là đôi mắt của anh giống chùm hoa em đặt tên là Khao Khát và sau vầng ngực kia có trái tim em đặt tên là Quả Tình Yêu, đôi bàn tay ấm nóng này em gọi là Cây Sự Sống.
        Anh hãy ngồi im lặng giống như gốc cây em tưởng tượng, gốc cây sinh ra trăm thứ quả trên đời cho em ăn và em ném trả người đời để người ta biết thế nào là cô bé người yêu của anh ghê gớm – biết trồng và biết hái Trái Cây Tình Yêu.
        Đấy, quà tặng của anh em đã nhận – quà tặng chỉ riêng anh có được, chỉ riêng em nhận biết. Và quà tặng của riêng em dành cho riêng anh là gì, đố anh tìm được, hãy góp vào đây thành món quà chung hai đứa mình cùng ăn.
II.
        Trong vòng tay anh em thấy mình vô cùng bé nhỏ với ý nghĩ em đang mặc một chiếc áo anh mang về từ phương trời nào xa lắm chỉ riêng em có. Anh bảo làn môi em là rượu, anh uống vào cho đỡ khát mà càng say càng khát.
        Thì thầm bên tai anh em kể chuyện những ngày xa anh em  nhớ, em thương, em khóc, em cười, em làm lụng và hát ca như Một Con Người, anh bảo anh nghe giống tiếng chim. Tạm gọi là tiếng chim, anh nhé!
        Trên ngực anh em là con chó nhỏ nghịch ngợm với hay cười. Anh hãy lặng im cho em bày cỗ: Này, làn môi anh là chiếc kẹo ngọt ngào, mắt mũi anh là chùm quả xanh không bao giờ chín, và vầng trán kia là chiếc bánh Thạch Sanh không bao giờ ăn hết, anh đừng cười và lặng im nghe anh.
`       Nước mắt em rơi trên làn môi anh, anh có nhận ra vị mặn của nó không? Em hòa trộn giữa đắng cay và hạnh phúc, giữa nghi ngờ và tin tưởng, giữa cầu xin và lảng tránh, giữa dịu hiền và dữ dội, giữa kiêu kỳ và khiêm tốn, giữa lớn lao và bé nhỏ, giữa giản dị và cao sang, thành những giọt sương này – như lời anh gọi – tưới lên mâm cỗ vừa bày, cho mọi tặng vật này ngát hương tình yêu.
        Thôi anh đừng ân hận khi về thăm em mà quà chẳng có. Chúng ta đã có một mâm cỗ đầy, và rượu, và tiếng chim. Nào, anh yêu, chúng ta hãy cùng nhau uống rượu và nghe tiếng chim giữa mùa đông thánh thót.
Tháng 12/1982

RU XA

À ơi, anh ngủ đi anh
Ta tan vào giấc mộng lành gặp nhau

À ơi cay đắng dẫu nhiều
Tin sông vẫn bến, tin chiều vẫn say

Em ru ngọn gió heo may
Dửng dưng không đợi, đắm say lại chờ

Ngủ đi ươm một câu thơ
Cho nghìn năm nữa vẫn chưa phai lòng

Ngủ đi chín đợi mười mong
Dẫu xa cách thế còn trông phương người

Ngủ đi câu hát tiếng cười
Nhớ nhau gìn giữ cả lời dấu yêu

Em xin vạt nắng cuối chiều
Mang em với trái tim yêu về người

À ơi hãy ngủ à ơi
Lắng nghe trong gió có lời ru xa…

Tháng 9/1999


KHÚC HÁT VỀ NGỌN LỬA

        Anh đã đến rồi – chào Tình Yêu của em, ngọn lửa của em. Cùng hai ta đêm nay có hàng nghìn vì sao mọc, hàng nghìn tiếng reo ca, hàng nghìn bông hoa chợt nở, hàng nghìn tiếng suối róc rách muốn một mình đi tới biển.
        Anh tìm thấy em rồi – người đàn bà hay khóc, vẹn nguyên mộng mơ ở lứa tuổi không còn mơ mộng, tình yêu anh thổi vào đó những nguồn sống li ti để rồi hồi sinh một thiếu nữ dịu dàng và e lệ, dâng tặng anh những khúc hát đắm say – khúc hát anh kiếm tìm mà chưa gặp.
        Em tìm thấy anh rồi – người đàn ông tuyệt vời và cô độc – một Cây Lương Thiện đứng giữa bụi gai. Anh đứng đó đã lâu vu vơ tự hát, làm sao ai biết trái tim anh nhận hậu thế nào, anh dịu dàng ra sao, và trái tim là ngọn lửa ấm xua tan bóng đêm. Vòng tay anh ôm người tình đủ chặt để nàng bật khóc và nói với anh rằng: “Anh-đã-đến-rồi, chào-Tình-Yêu-của-em, ngọn-lửa-của-em”.
        Chúng ta đã đến cùng nhau trên hai ngả một con đường – con đường đắng cay số phận. Và chúng ta đã đi trên con đường ấy cô đơn đến mức chẳng biết sợ là gì, cho đến ngày gặp nhau chúng ta cùng nhìn thấy những giọt nước mắt. Chợt thấy mình bé bỏng trước nhau, lớn lao trước nhau, yên ấm cho nhau, nụ cười cho nhau, nước mắt cho nhau…
        “Anh đã đến rồi – chào Tình Yêu của em, ngọn lửa của em…” – Điệp khúc này người đàn bà anh yêu đã giấu trong sâu thẳm trái tim, nàng đã đi qua ngàn vạn đắng cay mà chờ đợi cái phút giây khúc hát nên lời. Và bây giờ nàng sẽ hát tặng anh – khúc hát riêng tặng anh, một mình anh nghe, một mình anh gìn giữ.
        Ngày mai khúc hát ấy sẽ bay lên trời và kể với những ngôi sao xa rằng có một trái tim yêu đã khóc và đã hát: “Anh đã đến rồi – chào Tình Yêu của em, ngọn lửa của em…”

Tháng 2/1999

Nhà thơ Phạm Hồ Thu và con gái (Ảnh chụp 1997)

CON

Mẹ bọc con trong vạt áo
Nơi mẹ thầm lau giọt nước mắt cuối ngày

Mẹ ôm chặt con trong vòng tay
Với niềm sợ hãi: Sẽ có một ngày đôi bàn tay này không còn làm lụng được để nuôi con và ôm con chặt hơn.

Mẹ hôn lên đôi má tơ non của con
Với niềm ước ao: Con hãy giống mẹ và khác mẹ

Chiều chiều mẹ đi làm về
Mẹ vượt qua những ánh mắt đón đưa như vượt qua nỗi cô đơn thường nhật để chỉ nhớ bàn tay con ngóng vẫy…

Con ơi,
Con là niềm tự hào và bến bờ xa của mẹ
Biển ngoài kia sóng dữ
Con là chiếc neo neo mẹ với bờ…

Mai này lớn khôn xin con đừng quên
Con đã lớn lên trong vạt áo mẹ
Nơi mẹ thầm lau những giọt nước mắt ngày ngày…

Tháng 6/1996


MỘT KHÚC THU

        Một giọt sương rơi thật khẽ sau rèm. Tôi bỗng nhớ mùa thu đã đến: của riêng tôi – mùa thu nhiều mơ mộng. Tôi nâng trên tay một chiếc lá vàng.
        Tôi đã đi qua những mùa thu tràn ngập đắng cay và hạnh phúc. Không ai thay thế được anh – người đàn ông luôn đứng về nẻo khuất – những ngả thu chi chít dấu chân anh.
        Một giọt sương rơi thật khẽ sau rèm. Thu lặng lẽ tràn về tôi yên tĩnh. Giá chi được cười, giá chi được khóc, giá chi được gục vào ngực anh lặng im nghe hơi thở thu.
        Như kẻ mộng du, tôi đưa hai bàn tay ra đón sao trời, đón hạt sương thu không sao nhìn thấy được. Từ lúc nào, hai bàn tay tôi nhòe ướt – hóa ra những giọt nước mắt cùng sương thu thánh thót rơi.

GỬI

Tình yêu tôi tặng cho người
Ngọt ngào, cay đắng cùng lời thủy chung
Người ta ra ngõ mà trông
Tôi ra trông ngõ mà không thấy người

Khúc buồn Người gửi cho tôi
Khúc vui dâng hiến cái người dửng dưng
Thương con đò dọc giữa dòng
Tưởng neo được bến mà không thấy bờ

Nỗi niềm gửi lại cho thơ
Thơ đau - đến khúc ơ hờ cũng đau
Tình yêu biết trốn vào đâu
Đành đem ra Ngả Thương Đau mà chờ


CHIỀU TRƯƠNG CHI

Có một mùa xuân Kinh Bắc
Tôi lạc về chiều sông Tương
Nào biết Trương Chi có đợi
Sao tôi lại thành Mỵ Nương?

Dòng sông – vẫn một dòng sông
Người bảo: Đấy – dòng – nước – mắt
Vấp vào mùi hương thanh khiết
Người bảo: bạch đàn tỏa hương…

Mải theo hương ấy đi tìm
Vấp tiếng sáo ai réo rắt
Khi bóng chàng Trương đã khuất
Còn ai khóc ai – còn ai?

Ra sông tôi gọi: ơi đò!
Đò không. Và người chẳng thấy
(Giá được một lần gặp lại)
Tôi gào trong gió: Trương ơi!

Sao tôi lại thành Mỵ Nương.
Khi bóng chàng Trương đã khuất?

Tự tình yêu là nước mắt
Tự tình yêu là khúc ca…

2004


THƠ CHO NGƯỜI NGÃ NGỰA

Thôi đứng dậy trở về với em - người tình!
Cuộc đua không phân thắng bại
Chú ngựa chiến theo anh mọi nẻo.
Cũng đã chạy xa không thấy bóng hình...

Thôi đứng dậy trở về với em - người tình!
Chàng kỵ binh kiêu hùng thuở trước
Về nghe lại tiếng ru
Em đã từng ru theo vó ngựa
Ru cả gót chân A-sin không biết nẻo về...

Trở về với em - người tình!
Nguyên vẹn trong em
Ảnh hình chàng kỵ binh kiêu hãnh
Riêng em biết sẽ có ngày anh trở lại
Trên gót A-sin đã bị bắn què
Và chú ngựa chiến ngày nào đã chạy rất xa...

1989


TRƯỚC CỎ

I

Tôi đã cúi đến hết mình - sát cỏ
Để gần hơn thế giới con người
Tôi đã bay đến những vì sao xa nhất
Để xa hơn thế giới con người...

II

Anh đã đến cùng tôi giản dị
Chia hạt cơm thơm, chia củ sắn bùi
Chia đêm chung hương, chia chiều ly biệt
Và chia nhau kiếp sống làm người

III

Không thể sống cho nhau như nguyện ước
Không thể giã biệt nhau như những kẻ vô hồn
Lại một lần
tôi cùng anh cúi thấp hơn trước cỏ
Và lắng nghe tiếng gọi phía sao trời...

Đêm chuyển thiên niên kỷ, 1/1/2000


GIẤC SÂM CẦM

Có một kinh thành vương bóng anh
Hoa lau trắng cả giấc sâm cầm

Có một sông Hồng mê mải chảy
Mà nên bờ bãi đã nghìn năm

Chùa xưa chuông cũ vang đâu đó
Sóng biếc lao xao mặt hồ đầy

Xao xác tiếng chiều rơi chầm chậm
Hoa đào năm ngoái nở đêm nay?


LẼ THƯỜNG
“Thế giới đã nát tan và để lại vết nứt trên mình thi sĩ”
                                                (Thơ Heinrich Heine)
Giống như lẽ thường của một tình yêu cay đắng – chúng ta yêu nhau và xa nhau.
Giống như lẽ thường của một tình yêu cay đắng – em có anh và không anh.
Giống như lẽ thường của một tình yêu cay đắng: lời nói cay nghiệt vô nghĩa nào, sự ngu ngốc nào chia lìa hai ta...
*
Anh hãy đi – lẽ thường, giống những người đàn ông khác – rất giầu vô cảm. Những đám người đi qua chúng ta đâu còn ánh lửa. Ta thắp lên ngọn nến mong manh ái tình...
Không có nhau – mặt trời vẫn mọc, trăng trên đầu hai ta không thôi vằng vặc, biển không thôi thì thầm nỗi buồn muôn thuở - lẽ thường!
Lẽ thường – với những người đàn bà khác em, anh vẫn có thể ái ân, có thể tặng lại họ những câu thơ vì em anh đã viết. Nhưng còn em đâu mà có người hờn giận. Ái ân hay thi ca, nếu chẳng thuộc về nhau, nào ý nghĩa gì?
*
Nhưng em không anh và anh không em – lẽ thường này chỉ những vì tinh tú kia không chấp nhận, bởi vì Người đã nhìn thấy tình yêu của hai ta sinh ra từ nước mắt, từ trắng trong số phận. Lúc ấy, anh đi tìm mà dấu chân em không rắc theo một chiếc lông ngỗng Mỵ Châu.


KHU VƯỜN YÊN TĨNH

Chỉ còn lại hoa thơm và cây trái – trong khu vườn yên tĩnh của ta. Chỉ còn lại những vì sao khuya khoắt. Và hoa lá lặng im đón ánh trăng ngà...

Chỉ còn lại... Tưởng chẳng còn có thể - hàng cây nào, loài hoa nào, tiếng hót nào làm xôn xao náo động khu vườn - khu vườn ta yên tĩnh...

Một ngày bỗng thật buồn - một ngày bỗng xôn xao cây lá - Anh đến miền ta dâng một giấc mơ...


NGƯỜI ĐÀN BÀ BA MẶT

Khi tôi đứng trước tượng Dương Vân Nga – người đàn bà làm vợ của hai đời vua, người coi đền bảo tôi: “hãy nhìn mà xem, bức tượng này ba mặt, ba vẻ mặt khác nhau của một người đàn bà”
(PHT)

Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?
Sao lại đứng góc chùa này mà khóc?
Sao lại đứng ở góc chùa này mà tỏa sáng cái ánh sáng dịu dàng thiên thần ngày làm mẹ?
Sao lại đứng ở góc chùa này mà chờ đợi trong hân hoan nụ tình yêu?
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?

Thôi hãy nén đau thương bời bời ngày mất vị Quân Vương thứ nhất
Chén ngọc Người dâng ta đã từng uống cạn trong cỏ cây, hoa lá, khóc cười
Nén nước mắt vào trái tim người đàn bà kiêu hãnh biết vui buồn cùng xứ sở...

Thôi hãy thêm một lần tỏa nụ cười dịu dàng thần tiên muôn thuở phủ lên gương mặt con thơ
Thêm một lần chờ đợi, hân hoan dâng áo bào cho người chiến binh mang gương mặt tình nhân...
Ngày mai chàng ra trận. Rồi chàng sẽ trở về dâng tặng ta lễ vật là bình yên xứ sở...

Thêm một lần làm người đàn bà biết sống thật với mình, không bịa tạc, không giả trá – tình yêu nhân danh sự sống – một giấc mơ nở Đóa – Con Người

Nàng đấy ư – Dương Vân Nga?
Cảm ơn sự tưởng tượng phi thường của người nghệ sĩ đã tạc bức tượng nàng thành người đàn bà ba mặt.

Một gương mặt đau thương vô biên, một dịu dàng muôn thuở, một ánh cười kiêu hãnh ngày dâng tặng áo bào giục người tình ra trận.

Còn sự hoàn hảo nào hơn để nói về người đàn bà này?
Nàng đấy ư – Dương Vân Nga...

2007 - 2010


4/11/12

Chia sẻ sinh nhật với Lý Quỳ


TTST BND: Nhớ năm 2007 tập hợp được 4 anh Sinh nhật tháng 10, nay qua thng kê danh sách của hội, có đến cả chục người sinh ra vào tháng 10 dương lịch.

Đọc tin từ anh Huy Giao, thấy bên dưới ký tên Lý Quỳ, lại nhớ hình ảnh Giao hồi được gắn với biệt danh ấy, tròn như hạt mít, ở nhà thờ họ Phùng ngày xưa.

Tuy hoàn cảnh khác nhau, người dành thời gian viết dài, người chỉ mấy chữ, nhưng đều góp thêm gắn kết lẫn nhau giữa các thành viên. Có lẽ, nên đề nghị anh Khánh sang năm tổ chức kỷ niệm chung cho cả mấy anh em cùng sinh nhật tháng 10 như năm nào?

____

Ngày 29 tháng 10 năm 2012!

Rất cám ơn tình cảm của Ban liên lạc TTST BND. Chúc tất cả anh chị em cùng các Bác, các Cô, các Chú (thuộc thế hệ xưa của Báo Nhân Dân) luôn vui vẻ và hạnh phúc .

Kiều Anh Tuấn


____

Ngày 29 tháng 10 năm 2012!

Thưa Anh!

Em nhận được thư và các bài, ảnh anh gửi cho đúng vào sáng hôm nay - 29/10 - sinh nhật em anh Dân ạ. Anh không biết suốt tuần vừa rồi, em nghĩ về cái buổi gặp mặt hôm ấy nhiều như thế nào đâu. Đúng là ở cái tuổi anh em mình bây giờ, con người ta sống bằng hồi ức nhiều lắm vì khi còn trẻ, biết bao nỗi lo toan làm mình bị phân tán, bây giờ mới có thời giờ lật giở lại những ngày đã qua, nhất là khi lại có một sự kiện gặp gỡ như vậy.

Trưa hôm ấy sau khi giải tán, em định cùng mọi người sang nhà anh thăm bác gái, nhưng đúng lúc đang lấy xe thì con em nó lại gọi điện mẹ về ngay có việc gấp, nên em không thể đi tiếp được, mà ngay lúc ấy cũng không gọi điện cho anh được vì em chưa có hết số của mọi người. Em nói Khánh gửi cho em cái list thông tin để liên lạc với tất cả các anh chị em mà đến giờ em vẫn chưa nhận được. Nếu có thể, anh Dân nhắc Khánh gửi qua mail cho em anh nhé.

Em có một ý tưởng thế này, anh thấy có được không ạ: nhân hôm ấy, chú Đặng Minh Phương có gọi bọn mình bằng cái từ các cụ đã gọi từ mấy chục năm về trước là "bọn trẻ con", nói thật là em rất cảm động và bây giờ mới nhận ra hết (hay cũng có thể là chưa hết được đâu) ý nghĩa của từ đó. Trong con mắt của các bậc cha mẹ, mình lúc nào cũng là trẻ con, cũng như rồi mình cũng sẽ nhìn nhận con cái mình như thế, cho dù chúng đã có thể là chỗ dựa cho mình. Em muốn nếu có thể được, mình sẽ dần tìm hiểu nét chính những bước đi của từng "đứa trẻ" bọn mình, rồi lần lượt đăng lên blog để mọi người sẽ hiểu nhau hơn, và cũng là một cách để các cụ (nếu còn) sẽ tự hào về "bọn trẻ con" của các cụ hơn. Nói đến đây, em lại bùi ngùi cho những cụ kém may mắn đã ra đi quá.

Có thể ý kiến của em hơi lộn xộn, nếu có thể được thì anh cứ cho em biết ý kiến của anh nhé.

Em cám ơn anh cũng như các bạn về tất cả những gì đã quan tâm đến em, một "đứa trẻ" bị đứt liên lạc mãi bây giờ mới tìm lại được một phần thời thơ ấu gian khổ của mình.
Em đã lưu địa chỉ của anh rồi và sẽ liên lạc nhiều hơn, sẽ đóng góp một phần tâm huyết của mình trong khả năng có thể được cùng với anh và mọi người ạ.

Em Hương.

Về thiếp sinh nhật: Giai đoạn này thì không thể mừng được nữa, mà phải nói là chia sẻ (nếu bi quan hơn thì thậm chí là chia buồn đấy ạ). Dù sao cũng rất cám ơn thiệp mừng sinh nhật của TTST BND.
_____

Ngày 28 tháng 10 năm 2012!

Cám ơn các bạn nhiều lắm vì đã có lời chúc sinh nhật. Dạo này hơi bị "lu bu" quá nên cũng không thường xuyên vào trang của TTST của chúng ta.

Cảm ơn nhiều. Lần sau cứ thế nhé.

Đặng Nam

_____

Ngày 24 tháng 10 năm 2012!

Các anh chị và các bạn thân mến,

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và lời chúc mừng sinh nhật gửi qua email cua ttst bnd.

Chúc các bác, các cô chú và tất cả anh chị em mình mọi điều tốt lành và may mắn.

P. H. Giao
(Lý Quỳ),

_____

Ngày 17 tháng 10 năm 2012!

Thanks a lot

Lưu Phương Bình



_____

Ngày 16 tháng 10 năm 2012!

 Cảm ơn BLL Trại trẻ Sơ tán BND đã gửi thiệp nhân dịp sinh nhật lần thứ 57 của mình. Tuổi già hơn lên, nhưng tâm hồn trẻ lại bởi những lời chúc mừng tốt đẹp từ BLL. Một lần nữa xin cảm ơn.

Trần Minh


_____

1/11/12

Giáng Hương

Xin chào tất cả các anh, chị, các em và các bạn!

Mình là Giáng Hương, con cô Mai y sĩ của báo Nhân Dân. Mình bị đứt liên lạc với các bạn suốt thời gian qua nay mới có dịp gặp lại. Trong buổi gặp mặt đó, rất nhiều người đã hỏi thăm đến cả anh Bình và em Kỳ của mình (mặc dù anh Bình không đi sơ tán theo trại trẻ như mình và em Kỳ với các bạn). Mình rất cảm động và không khỏi thương cảm cho đứa em xấu số của mình. Kỳ đã mất cách đây hơn một năm (vừa giỗ đầu hôm 6/9/2012 dương lịch) vì căn bệnh ung thư máu thể cấp, từ khi phát hiện ra bệnh cho đến khi từ giã cuộc đời, vỏn vẹn được đúng 20 ngày. Và suốt 20 ngày ngắn ngủi đó, mình là người sát cánh gần gũi nhất với Kỳ. Thực trạng của Kỳ thì gia đình đã được bệnh viện thông báo ngay, kể cả vợ Kỳ. Nhưng gia đình quyết định sẽ giấu không cho Kỳ biết để Kỳ được thanh thản thoải mái trong những ngày đó. Và nếu như có một phép màu đến với Kỳ và gia đình mình, thì khi đã qua giai đoạn hiểm nghèo, lúc đó cho Kỳ biết sau cũng không muộn. Nhưng phép màu mãi mãi chỉ là chuyện cổ tích. Còn em Kỳ (và tất cả chúng ta) thì đều sống trong đời thực.

Kỳ vốn là đứa con trai út được mẹ mình, cô Mai, yêu thương hết mực. Kỳ cũng là một con người ngay ngắn nghiêm túc, sống chỉn chu cẩn thận nhất trong ba anh chị em nhà mình. Và đau xót nhất là cuộc đời Kỳ cũng ngắn ngủi nhất so với anh chị trong nhà. Thế nên, sau khi em mất đi, cùng toàn thể gia đình lo 35 ngày đưa em lên chùa theo phong tục xong, tối về mình không sao ngủ được, lúc nào mắt cũng ướt đẫm vì thương nhớ em, vì vẫn chưa hết bàng hoàng để có thể tin được là mình đã vĩnh viễn mất hẳn một khúc ruột mềm. Trong đêm đó, mình đã ghi lại được những tiếng nức nở đến ứa máu của lòng mình.

ƯỚC GÌ…

Ước gì chạch đẻ ngọn đa
Để em lại trở về nhà Kỳ ơi…
Thế mà sét đánh ngang trời
Em còn trẻ đã vội rời thế gian
Đau thương nước mắt ngập tràn
Chị nhớ em đến nát tan cõi lòng
Qua ngã tư Trần Thái Tông (1)
Chị thầm vẫn gọi “em Hồng Kỳ ơi!”
Nhưng Trời đã gọi mất rồi
Viện Huyết học đó một thời sao quên?
Chỉ có hai mươi ngày đêm
Mà chị đã mất đứa em hiền lành,
Vợ em đơn chiếc một mình
Cơm canh vò võ đặt lên ban thờ,
Cháu Sơn đôi mắt buồn ngơ (2)
Dường như chưa hiểu bố giờ ở đâu?
Em đi chẳng dặn một câu
Vợ chồng con cái bỗng đâu chia lìa…

Kỳ ơi, Kỳ của chị ơi
Có nghe chị gọi, chị thời vẫn mong:
Em tôi nhàn nhã thong dong
Nhẹ như con bướm bay trong nắng vàng
Em đi gặp mẹ, gặp bà
Với bố nữa nhé, cả nhà bên nhau
Em cho chị dặn một câu
Tấm lòng của chị trước sau vẫn là:
Ước gì chạch đẻ ngọn đa
Để em, bố mẹ, và bà về chơi
Kỳ ơi! Kỳ của chị ơi…

Mình viết lại bài thơ này ra đây để mọi người cùng đọc, không phải muốn tất cả mọi người phải buồn khổ theo mình. Mình chỉ muốn nói với các anh chị, các bạn và các em rằng trước kia, mình nhìn cuộc đời cũng nhởn nhơ lắm. Nhưng sau khi em Kỳ của mình mất, mình mới chợt nhận ra rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết sao mà nó mong manh thế. Và chúng ta còn được có mặt trên cõi đời này một cách mạnh khỏe, lành lặn, thực là một may mắn lớn. Thế nên hãy nghĩ đến nhau nhiều hơn nữa, hãy yêu thương nhau nhiều hơn nữa, hãy mang lại niềm vui cho nhau nhiều hơn nữa, và hãy hy sinh cho nhau nhiều hơn nữa, cả nhà nhé.

Xin cám ơn tất cả mọi người đã bớt chút thời giờ để nghe chia sẻ của Giáng Hương.
1/11/2012

Chú thích:
(1) Lối rẽ vào Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, nơi em Kỳ nằm điều trị khi lâm bệnh hiểm nghèo.
(2) Kỳ có một đứa con trai tên là Nguyễn Hồng Sơn, khi bố mất, cháu mới sắp bước sáng tuổi 16, học lớp 10.