16/7/12

Ra mắt sách của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân


Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra mắt cuốn sách “Để viết phóng sự thành công” và tuyển tập phóng sự “Kính thưa ô sin”.

Từ những kinh nghiệm của một nhà báo viết phóng sự chuyên nghiệp, cùng với quá trình thỉnh giảng tại khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vừa ra mắt cuốn sách “Để viết phóng sự thành công” vào tháng 6-2012, do nhà xuất bản Thông tấn ấn hành, công ty văn hoá Phương Trang và hệ thống Nhà sách Quang Bình phát hành.

Được viết lên từ những trải nghiệm của chính tác giả qua những thời kì viết phóng sự dày dạn, cuốn sách là những chia sẻ chân tình và tâm huyết của tác giả với sinh viên và những người làm báo trẻ. Nội dung tác phẩm gồm 4 phần:

- Phần 1: Tìm hiểu về phóng sự
- Phần 2: Kỹ thuật viết phóng sự
- Phần 3: Điều tra những lý luận về thể loại điều tra
- Phần 4: Tài liệu tham khảo


Ngoài ra, nhân kỷ niệm 87 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6) và kỷ niệm 30 năm cầm bút, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân xuất bản tuyển tập 30 tác phẩm phóng sự mang tên “Kính thưa Ôsin” và tái bản tập thơ “Dã quỳ tím”.

14/7/12

Hoa sen trắng

Tác giả Vũ Tuấn Hoàng
Truyện ngắn *

I

Tôi giật mình khi chợt nhận ra bức tranh đó treo ở góc trên cao của phòng triển lãm, trong lòng nhói lên một nỗi buồn cay đắng, chạnh nghĩ đến cái hư vô của kiếp người. Lẽ nào, đã từng có một con người tồn tại trên cõi đời này, đam mê hội họa, yêu đến tận cùng của bản thể, rồi chỉ để cho gió xóa hết đi dấu vết của sự hiện hữu trong cõi nhân gian, ngoài một bức tranh lặng lẽ và khiêm nhường kia thôi sao?

Bà già trực ngồi bên chiếc đàn dương cầm cổ đã lên nước bóng loáng, tóc bạc trắng như cước rất hợp với bộ đồ dân tộc Ukraine truyền thống mặc trên mình, nhắc nhở tôi đã đến giờ đóng cửa bảo tàng. Ngôn ngữ của bà rất khó nghe, phần vì giọng khản phần vì pha trộn cả tiếng Nga và tiếng Ukraine như hầu hết những người già sinh sống ở vùng miền trung, dọc hai bên bờ con sông Denepr. Tôi vâng vâng dạ dạ nhưng vẫn nấn ná chần chừ chưa chịu rời bước khỏi vị trí của bức tranh mà tác giả của nó là bạn đồng học thủa trước. Đây là bức tranh duy nhất trong cả khu bảo tàng khắc họa chân dung một người phụ nữ Á đông khỏa thân. Góc bên trái bức tranh có gắn một miếng đồng nhỏ đã han gỉ với hàng chữ “Белый Лотос у Берёзы” (Hoa sen trắng tựa gốc Bạch Dương) - Evghenhi Nikolaievich 1960-1991. Giải thưởng đặc biệt mang tên danh họa Repin.

Bức tranh như một đứa trẻ mồ côi được sinh ra trên cõi đời, kết tinh của một mối tình đầy chất bi. Có lẽ, khách thăm quan không ai biết được rằng, chính người mẫu trong tranh mang cái tên Hoa sen trắng – Bạch Liên.

Tôi thẫn thờ bước ra ngoài sân và lại gần đài phun nước trong khuôn viên tràn ngập ánh nắng thu. Những chiếc lá phong vàng xoay tít trong không trung rồi đáp nhẹ xuống mặt nước xáo động vì làn gió thổi tới từ phía con sông rộng mênh mông chảy xuyên lãnh thổ vùng Trung Âu. Ký ức của qua khứ bỗng ào trở lại, nhưng không hiểu sao, các khuôn mặt thậm chí cả giọng nói của những con người có liên quan tới bức tranh kia cứ nhòe đi như những viên sỏi đủ màu sắc lung linh dưới đáy bể nước, vừa thực lại vừa hư ảo. Tôi lưỡng lự không biết nên bắt đầu từ đâu để gỡ dần sợi dây ký ức mong manh đang rối lên trong đầu…

II

Buổi học về hình họa của thầy Igo bị hoãn. Thầy là một cựu chiến binh trong chiến tranh ở Afganhistan, cụt một chân và bị mất một con mắt trái. Nhưng sự khiếm khuyết đó không cản trở việc nhiều thiếu nữ trong trường phải lòng thầy. Đám sinh viên tếu táo trong trường lại rỉ tai nhau rằng “các chân còn lại của thầy phải cố gắng hết mình nên phát triển hơn bình thường”. Nhóm sinh viên ngoại quốc chúng tôi mỗi người phỏng đoán một kiểu, nhưng cuối cùng mới vỡ lẽ: cô người mẫu bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay, đánh thâm tím mặt mày khi biết vợ kiếm thêm bằng nghề này. Tôi nhớ, thời điểm đó để kiếm được một người mẫu có thân hình chuẩn cũng không phải dễ dàng vì thực sự đây không phải là một nghề được xã hội công nhận và tiền công lại rẻ mạt. Đứng suốt tám tiếng đồng hồ gần như liên tục mà chỉ được 50 rúp. Hơn nữa, dư luận xem nghề này cũng chẳng khác gì nghề gái điếm nên quy định của trường là phải giữ bí mật danh tính cho các người mẫu. Họ làm đủ các nghề từ công nhân xây dựng, nhân viên bán hàng, diễn viên múa và cả phu khuân vác ở bến cảng đường sông… Trong lịch sử mỹ thuật, trừ trường hợp người làm mẫu là những nhân vật quan trọng, nổi tiếng thì mới được lấy tên đặt cho tên tác phẩm.Thỉnh thoảng có họa sĩ đề tên người mẫu vào tranh, nhưng đa phần họ được xem là mãi mãi vô danh. Thực tế sáng tác cũng cho thấy, trong các ký họa thì tác giả thường ghi chú cẩn thận mình đang vẽ ai, nhưng khi chuyển ký họa đó thành tác phẩm thì cũng thường “lờ” người mẫu đi. Với nghề làm mẫu khỏa thân, không có đam mê và sự hy sinh cho nghệ thuật thì khó đạt được kết quả như mong muốn. Tác phẩm hội họa phải là đứa con của một mối tình say đắm giữa họa sĩ và người mẫu, phải là sự thăng hoa của cảm xúc, hay nói đúng hơn là ham muốn của họa sĩ với người mẫu trong quá trình sáng tạo.

Bọn tôi chia nhau đi dán quảng cáo ở dưới ga tàu điện ngầm, cổng các nhà máy và các khu chợ đông đúc… Cũng có vài người phụ nữ đến nhưng nghe điều kiện làm việc và tiền công họ đều nhún vai bỏ đi mặc dù đây là thời điểm Liên xô bắt đầu tan rã, đời sống rất khó khăn. Một cường quốc rạn nứt từ trên bàn ăn của mỗi gia đình.

Cuối cùng, Người mẫu mà chúng tôi mong đợi cũng xuất hiện.

Zenhia (tên gọi thân mật của Evghenhi), một sinh viên lớn tuổi hơn lứa chúng tôi, tính tình cũng như diện mạo hơi kỳ quặc, có thể nói là lập dị, đã tìm ra. Nghe nói, anh thuộc loại du thủ du thực, lang bạt kỳ hồ khắp các xó xỉnh của Liên xô rộng lớn: đã tham gia các toán người đào vàng ở miền tây Xibiri hoang vu, buôn trứng cá đen trên biển Bắc, vẽ tranh thánh giả cổ bán cho các thương gia Tây âu… Và bây giờ, làm thêm nghề thợ sửa chữa trong nhà máy dệt may Zytomi cách Kiev hơn 100km. Anh thuê giá rẻ một căn gác xép tồi tàn trên phố Sadova để vừa trú chân vừa làm nơi vẽ, mùa hè thì nóng hầm hập còn mùa đông lại lạnh giá, chỉ vì hai lý do: cửa sổ mở ra toàn cảnh khu nhà thờ nổi tiếng Pechersky - Lavr bên bờ sông Dnepr và luôn luôn đón nhận được ngọn lửa sống động của ánh nắng mặt trời tràn ngập gần như suốt ngày. Tôi vẫn còn ấn tượng về những bức tranh mà anh vẽ hồi đó, rất quái dị và màu sắc có gì đó hơi rợ. Anh thích lấy bố cục tranh theo các tích trong kinh thánh hoặc các truyện kinh dị, huyền hoặc từ truyền thuyết dân gian, tạo cảm giác vừa rờn rợn vừa bí ẩn và khó hiểu. Anh nói với tôi “đấy là cảm giác của con người trước vũ trụ vô cùng”.

Lúc Zenhia dẫn cô người mẫu tới phòng vẽ hình họa thì tôi đang phải trả nốt bài kiểm tra môn lịch sử mỹ thuật cổ đại Ý. Cậu bạn người Ả rập vào sau, khi đi ngang qua chỗ tôi ngồi, nói khẽ:

- Có người mẫu rồi! Người mẫu Phương Đông hẳn hoi nhé!

- Có xinh không? Tôi ngẩng đầu lên buột miệng hỏi.

- Người mẫu khỏa thân che mặt! Nói xong, cậu ta đi thẳng về chỗ ngồi. Còn tôi, mặc dù vẫn còn thời gian chuẩn bị nhưng đã hấp tấp giơ tay xin được trả lời câu hỏi.

Tôi đẩy cửa bước vào phòng vẽ hình họa, bỗng chững người lại sững sờ trên ngưỡng cửa vì đập ngay vào mắt là thân hình tuyệt đẹp của cô người mẫu vóc dáng châu Á ở tư thế như đang lỡ thiếp đi trong một giấc ngủ trưa nhẹ nhàng, trên ghế xích đu đặt ở giữa gian phòng rộng. Dải nắng vàng mỏng tang xuyên qua lớp tán lá cây gần cửa sổ, rắc lên người mẫu những đốm sáng lay động rung rinh. Mấy người bạn quay lại nhìn tôi, im lặng dùng ánh mắt và dơ một ngón tay cái lên, ngầm bảo: “Tuyệt!”.

Tôi gần như nín thở rón rén bước lại bên giá vẽ của mình, tay vừa ghim tờ giấy nhưng mắt không rời thân hình người mẫu. Trong đầu tôi bật ngay ra một câu Kiều: “Rành rành sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Không biết cái thằng cha hâm hấp kia kiếm ở đâu ra? Tôi tự lẩm bẩm trong bụng - Nhưng tại sao cô nàng lại choàng khăn voan che kín mặt đi như thế kia nhỉ? Chắc lần đầu tiên nên xấu hổ chăng? Thân hình thế kia, chắc khuôn mặt trông cũng khả dĩ đây!”.

Quả thực, sự bí ẩn của người mẫu phương đông và vẻ đẹp đầy nữ tính cứ lồng lộng tỏa ra từ da thịt cô khiến đám sinh viên chúng tôi bị cuốn hút, háo hức mải mê vẽ quên cả thời gian, quên cả đói. Tôi đoán cô là người vùng Trung Á hay Triều Tiên gì đó. Tất nhiên, bộ ngực và các đường cong của eo hông rất chuẩn và quyến rũ nhưng bàn chân cô mới khiến tôi chú ý đặc biệt. Không hiểu sao, trong đầu tôi bỗng nảy ra một ước muốn được ôm ấp vuốt ve bàn chân thon nhỏ và rất quý phái kia, thậm chí được đặt lên đó một nụ hôn. Tôi giật mình đưa mắt nhìn ra xung quanh như sợ có ai đọc trộm được ý nghĩ trong đầu này của mình. Nhưng cả căn phòng rộng khá đông sinh viên của nhiều dân tộc cứ im phăng phắc, không ai nói với ai câu nào, chỉ nghe thấy tiếng bút chì chạy sột soạt trên giấy, thỉnh thoảng ai đó lỡ tay đánh rơi cây bút hay cục tẩy xuống sàn đá hoa. Có chăng, tiếng ồn chỉ của mấy chú ong đất kêu ri ri chúi đầu vào ô cửa kính cao rộng. Cơ thể tuyệt đẹp của người đàn bà khỏa thân quả là có một ma lực ghê gớm. Hình như, ai cũng cảm thấy cần phải tranh thủ từng giờ từng phút để lưu giữ lại hình ảnh một báu vật của tạo hóa, một kiệt tác mà ông Tạo chỉ may mắn làm ra được vào những khoảnh khắc xuất thần hiếm hoi trong quá trình vận động ngẫu nhiên của trời đất. Nói đơn giản hơn, có thể ngày mai, cô người mẫu kia lại từ chối không đến nữa vì nhiều lý do khác nhau. Và, quả đúng như vậy, ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa, chúng tôi ngồi đợi dài cả cổ mà chẳng thấy cô quay trở lại. Mọi người ồn ào bàn cãi và nhanh chóng đi đến quyết định bỏ tiền túi mình ra để trả thêm cho cô. Nhưng rồi, ngay đến cả Zenhia cũng mất tăm luôn, suốt cả tuần. Thầy Igo tức giận, trợn tròn con mắt duy nhất và dộng chiếc nạng gỗ xuống sàn nhà, quát ầm lên:

- Lớp trưởng tìm Zenhia xem có chuyện gì xảy ra, thật là vô tổ chức, vô kỷ luật!

Ngay sau giờ học, tôi tức tốc tới căn gác xép của anh trên phố Sadova. Hành lang tối lờ mờ, chẳng có điện đóm gì cả. Một bà già tóc bạc trắng, khuôn mặt nhăn nhúm mở cửa thò đầu ra, nhìn thấy tôi vội thụt ngay vào. Tôi bước chậm và dừng lại trước cánh cửa bọc da màu nâu đã ngả màu bạc phếch. Những ý nghĩ không lành cứ lởn vởn trong đầu. Tôi ấn ngón tay trỏ mấy lần liền vào nút chuông màu trắng bị sứt một miếng. Cánh cửa vẫn im lìm. Hay cậu ấy không có nhà? Hoặc có nhà, nhưng có chuyện gì đó… Tôi không dám nghĩ tiếp nữa, vội quay lại chỗ bà cụ già vừa mở cửa để hỏi han xem có nhìn thấy người hàng xóm không.

- Tôi cũng không biết đâu, tai tôi bị điếc – Nói đến đây bà chỉ vào chiếc hộp công tơ điện treo bên cạnh cửa, phía trên cao sát trần nhà - Anh thử nhìn xem, công tơ có làm việc không?

Tôi thầm cảm phục đầu óc nhanh nhẹn của bà cụ nghễnh ngãng. Vì hành lang có gió lùa nên phải bật đến que diêm thứ ba tôi mới nhìn rõ chiếc đĩa sơn màu đỏ. Tôi giật thót người, đánh rơi cả bao diêm xuống sàn. Chiếc đĩa đang quay! Có người trong nhà!
Tôi lại bấm chuông một lần nữa, giữ lâu hơn. Sau hồi chuông thứ hai thì từ trong nhà vọng ra tiếng bước chân loẹt quẹt kèm theo âm thanh của một vật gì đó bị đổ trên sàn nhà. Hình như là cái chai vì có tiếng lăn. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm như trút được một gánh nặng khi nhận ra bước chân của Zenhia.

“Chắc bị ốm thôi" - Tôi trộm nghĩ và không bấm chuông nữa mà đập cửa thình thình.

- Mở ra ngay! Nhanh chân lên!

Tiếng mở khóa loạch xoạch và cánh cửa hé mở. Một luồng không khí nồng nặc mùi rượu Vodka xộc ngay vào mũi khiến tôi giật mình bước lùi trở lại. Tôi ớ lên một tiếng đầy kinh ngạc khi nhìn thấy khuôn mặt của ông bạn học hiện ra trong khoảng hẹp của khe cửa.

- Vào đi, sao còn... đứng… đứng... đực ra đấy...

Tôi hiểu Zenhia đang ở trong tình trạng say xỉn, giọng nói méo mó. Trên bộ râu quai nón rậm rì, ướt mèm vương đầy mẩu vụn bánh mỳ. Tôi đẩy mạnh cánh cửa ra và bước vào phòng. Một cảnh tượng bừa bãi bày ra trước mắt. Tôi bước tới bên cạnh chiếc giá vẽ và hiểu ra tất cả. Hàng chục bức ký họa chân dung treo la liệt trên tường, để trên bàn và cả dưới sàn nhà. Cô gái được tái hiện ở nhiều tư thế khác nhau, trong phân xưởng may cũng như ngoài thiên nhiên. Tôi giật mình vì tiếng khóc nức nở của Zenhia ở sau lưng, lúc đầu nhỏ sau to dần và trở nên thống thiết như một đứa trẻ bị lạc cha mẹ.

- Cô ấy bỏ đi rồi!

- Cậu phải lòng người mẫu thì chẳng khác gì phải lòng gái làng chơi? – Tôi quay sang nói, giọng tỉnh bơ –Thật không thể ngờ nổi phản ứng của ông bạn sau khi tôi thốt ra câu nói trên. Zenhia chồm lên như một con thú bị trúng thương, hai tay giơ cao chiếc ghế đẩu. Tôi vội lùi ra sau chiếc bàn để tránh và hiểu rằng chỉ cần mình trót lỡ lời thêm một câu tương tự thì chắc chắn khó có thể ra khỏi căn hộ này lành lặn và nguyên vẹn.

Zenhia văng ra một câu chửi thề và ném chiếc ghế vào bức tường đối diện mạnh đến mức bốn chân ghế văng ra mỗi chiếc một ngả.

Tôi đứng như trời trồng, mãi sau mới lắp bắp được mấy câu rời rạc:

- Tôi... xin lỗi, tôi chỉ... ý muốn nói... không yêu cô này thì yêu cô khác, thiếu gì người trên đời...

Zenhia buông người ngồi phịch xuống chiếc đivan cũ kỹ, mặt vải bọc rách bươm, hai tay ôm đầu.

- Cậu im đi! Tớ không cần ai khác trên đời này, ngoài cô ấy!

Để tìm cách giảng hòa và làm dịu không khí căng thẳng, cái bản năng tinh khôn của người châu Á đã mách cho tôi lối thoát duy nhất và cũng khôn ngoan nhất. Tôi quay ra giúp dọn dẹp nhà cửa, cứ để mặc cho chủ nhà ngồi thừ ra trên ghế, mắt đính vào một điểm vô định ngoài cửa sổ. Sau khi căn phòng đã trở lại thoáng đãng, trật tự, tôi lẳng lặng vào bếp nấu cơm. Lần đầu tiên, tôi được chứng kiến ở cự ly gần nhất sự đau khổ vì thất tình đã xô đẩy con người ta vào một tình trạng tuyệt vọng đến mức nào. Có lẽ, ông bạn tôi đã nhịn đói mấy hôm nay, chỉ uống rượu suông trừ bữa, nên ăn uống ngốn ngấu nhồm nhoàm, rất ngon miệng. Tôi chỉ im lặng, thỉnh thoảng gắp thêm thức ăn vào bát cho Zenhia. Tôi đã giấu chai rượu Vodka đi, mặc dù bắt gặp ánh mắt tìm kiếm của anh. Hai chúng tôi ngồi ăn trong bếp, không ai nói với ai câu gì. Hoàng hôn đã buông xuống bên ngoài. Lác đác xuất hiện những ô cửa sổ sáng ánh đèn của tòa nhà đối diện. Đâu đó, vọng tới tiếng nhạc jaz, hình như từ tầng dưới. Tôi cũng hiểu rằng trong những trường hợp này, làm một thính giả tốt bụng, im lặng, bao giờ cũng hợp lẽ hơn một diễn giả nhiều lời, bẻm mép với cái giọng an ủi dạy đời. Nỗi đau khổ nào cũng sẽ vơi đi nếu được thổ lộ ra như chích máu độc vậy. Và, Zenhia bắt đầu câu chuyện của lòng mình mà chẳng cần tôi phải gợi ý.

“Có lẽ vì mất mẹ sớm nên ngay từ nhỏ tôi đã luôn cảm thấy khao khát tình cảm của người phụ nữ. Cuộc sống mưu sinh kiếm tiền từ lúc mới 14 tuổi đã khiến tôi sớm trở thành người lớn. Những năm tháng đầu đời không mấy dễ dàng, ba chìm bẩy nổi và thường xuyên phải thay đổi chỗ ở như dân Digan, đã xô đẩy tôi chung đụng với đủ các hạng đàn bà của nhiều sắc tộc trên mảnh đất Liên Xô, mà phần lớn tôi chỉ nhận được nỗi thất vọng và khinh bỉ. Đa phần họ đều tham lam và ích kỷ, chỉ cố gắng quy đổi tình yêu thể xác ra tiền và quà tặng. Song, ẩn sâu dưới đáy tận cùng của tiềm thức, tôi luôn luôn tìm kiếm người đàn bà duy nhất của cuộc đời mà hình ảnh mẹ tôi là mẫu mực, với khuôn mặt gầy gò, đôi mắt đượm buồn và bàn chân của Đức mẹ đồng trinh. Tôi không ngờ người phụ nữ mà tôi luôn tìm kiếm lại hiện diện trong hình hài của một cô gái Việt Nam, một nữ công nhân may nơi tôi làm việc.

- Cô ấy là người Việt? Tôi kinh ngạc thốt lên, nhưng cũng không dấu được vẻ tự hào hãnh diện vì là đồng hương của người mẫu đáng thán phục không quen biết – Tại sao anh không nói cho tôi biết?

- Bạch Liên đã có chồng ở Việt Nam - Zenhia dừng lại một lát như ngầm ngụ ý rằng quan hệ của họ là điều cấm kỵ - Chồng cô là thương binh nặng trong chiến tranh chống Mỹ. Trước khi sang đây hợp tác lao động, cô làm y tá trong bệnh viện thuộc tỉnh… Ben Tre (Zenhia rất khó khăn phát âm hai từ này và phải nhờ đến tấm bản đồ treo trên tường. Tôi đoán chắc, chỉ khi quen cô, anh mới tìm hiểu về đất nước Việt Nam). Cậu biết đấy, ở nhà máy dưới Zytomi có tới hàng trăm cô gái Việt Nam sang làm việc. Thoạt đầu, tôi không thể phân biệt được ai với ai, hình như họ đều có khuôn mặt giống nhau, mắt đen giống nhau và giọng nói cũng như tiếng chim hót vậy. Thế mà trong hàng trăm cô gái làm việc trong ba phân xưởng chuyên may hàng xuất khẩu, tôi lại để ý đến Bạch Liên. Không phải vì khuôn mặt có vết sẹo lớn do bom napan khi còn nhỏ mà vì… thân hình của một người mẫu, đặc biệt là đôi bàn chân, đôi bàn chân rất giống của mẹ tôi. Cậu cũng biết đấy, mùa hè ở đây nóng kinh khủng, nhiệt độ trong xưởng có khi lên đến bốn chục độ. Xưởng toàn nữ cả, nên các cô ăn mặc rất thoải mái. Có khi trên người chỉ khoác hờ một chiếc áo blu mỏng tang. Tình cờ một hôm, tôi nhận được giấy yêu cầu sửa chữa tại bàn máy số 13, một con số định mệnh. Tôi lúi húi chui xuống gầm bàn máy để thay chiếc dây cuaroa và giật mình nhìn sang đôi bàn chân của cô thợ may. Ngay lúc đó, tôi đã phải thốt lên trong lòng: “Tuyệt tác!”. Và, ánh mắt của tôi không kìm giữ được cũng bạo dạn ngước lên trên cao hơn, để một lần nữa lặng đi vì thán phục. Mọi lần, thay dây cuaroa chỉ hết năm phút, thế mà lần này tôi lóng nga long ngóng phải mất gần nửa tiếng đồng hồ mới xong. Ở bên cạnh, đôi bàn chân ngọc ngà cũng cảm thấy sốt ruột, vẹo vọ bên này bên kia, dẫm lên nhau như hai chú thỏ con đang nô đùa đánh vật. Các ngón chân hồng hào, thon mảnh ngọ nguậy thật đáng yêu. Bất chợt, ý nghĩ mời cô làm người mẫu lóe lên một cách lén lút ngay dưới gầm bàn máy, trong cái nóng ngột ngạt, nồng nặc mùi khét của dầu chạy máy băng truyền, quyện với mùi mồ hôi hăng hắc, ngầy ngậy của thế giới đàn bà. Và thế là từ đó, Tôi hành động giống như bác sĩ nha khoa vẫn thường làm, chữa chiếc răng này nhưng đã cảnh báo với bệnh nhân chiếc răng khác cũng cần phải sửa chữa vì có vấn đề. Không biết từ lúc nào, niềm vui của tôi suốt cả ca làm việc chỉ bó gọn lại trong khoảng thời gian và không gian ba mét vuông xung quanh bàn máy số 13. Cậu có biết, tôi tỏ tình bằng cách nào không? Zenhia đặt câu hỏi, rồi không đợi tôi trả lời, tiếp luôn – Cũng trong một lần có “sự cố” máy móc dưới gầm bàn, tôi đã liều mạng đặt một nụ hôn lên bàn chân đó và kết quả là nhận được một cú đá đau điếng vào ngực. Nhưng kinh nghiệm đời từng trải đã tạo cho tôi đức tính lỳ mặt. Rồi, nụ hôn thứ hai, thứ ba…và đôi bàn chân đó cũng thay đổi dần thái độ. Từ một cú đá, rồi chuyển sang vùng vằng, né tránh và cuối cùng là để yên như hai chú thỏ con thiếp đi trong một giấc ngủ ngon, dưới những cái vuốt ve âu yếm của bàn tay người chăm sóc…

- Sao cô ấy lại đồng ý tới làm người mẫu? Tôi sốt ruột cắt ngang, hỏi bằng một giọng hơi sỗ sàng.

- Vì cần tiền. Chồng cô phải mổ tim rất tốn kém. Tôi cũng dồn cả những đồng tiền ít ỏi còn lại của mình để giúp. Nhưng cuối cùng vẫn không cứu được. Chồng Liên đã qua đời. Cô vội vã trở về Việt Nam với tâm trạng dằn vặt bởi mặc cảm chính mình có lỗi trong cái chết của chồng. Tôi đã quỳ xuống cầu xin cô ở lại, người chết rồi không thể sống lại được, nhưng cô ấy vẫn kiên quyết ra đi. Phụ nữ phương đông thật bí ẩn, không thể hiểu nổi…”.

Kể đến đây, Zenhia úp mặt vào hai lòng bàn tay lấm lem màu vẽ. Không còn nghe thấy tiếng khóc nữa mà chỉ thấy những giọt nước mắt hòa với thuốc vẽ màu đỏ như máu rỉ qua kẽ ngón tay, lăn dài theo cánh tay gầy gò và nâu sạm của anh. Tiếng nấc khô khan, đứt quãng của một người đàn ông đau khổ trên cái nền ánh hoàng hôn chập choạng, trong một căn bếp chật chội ám mùi khét của dầu hướng dương hôm đó, đã lý giải cho tôi thế nào là nghệ thuật chân chính. Đó không chỉ là Cái Đẹp thuần túy mà còn phải thấm đẫm nỗi xót xa động lòng trắc ẩn của kiếp nhân sinh.

III

… Tôi gặp Zenhia lần cuối trước khi lên đường về nước mấy ngày, ngay cổng trường Mỹ thuật. Tôi nhớ, cũng vào mùa thu, anh khoác chiếc áo thể thao màu xanh da trời, gương mặt trông xanh xao, tóc để dài búi ra phía sau. Anh bắt tay tôi thật chặt và chúc lên đường bình an.

“Sau bức tranh đó, tôi cảm thấy không thể vẽ tốt hơn đươc nên tạm gác bút. Và, cũng có thể là mãi mãi”. Đó là câu cuối cùng tôi được nghe từ miệng một người anh, một nghệ sĩ đã có ảnh hưởng không nhỏ đến con đường sáng tác của tôi sau này.

Mấy năm sau, qua thư từ của bạn bè, tôi được biết anh tình nguyên đăng lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế trong cuộc chiến tranh ở Chechnya và tử nạn ngay ở ngoại ô thủ đô Grozny khi chưa đầy ba mốt tuổi đời, tay vẫn đang cầm cây bút chì cho một phác thảo ký họa chiến trường dở dang.

Vũ Tuấn Hoàng
(Kharkov – Ukraine)
_____
* Truyện đã được đăng trên Báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam số 24 ra ngày 17 tháng 06 năm 2012.

4/7/12

Thư hương nết nhà


Gửi từ: Lê Khánh Hoài
Ngày: Thứ Hai, 02/7/2012

Các bạn thân mến,

Khánh Châu về VN 2 tuần giảng dạy ở ĐH Việt Đức, mới trở lại Đức tối qua, gửi lời chào tới các bạn.

Báo Văn nghệ số này có bài viết về Khánh Hoài, của nhà văn Đỗ Chu, xin khoe với các bạn.

-----

Gửi từ: Lê Khánh Hoài
Ngày: Thứ Ba, 03/7/2012

Trưa nay vừa ngồi ăn với Nguyễn Đức Thọ, con bác Đức Thi.

Ngày ở Trại trẻ, sau khi tốt nghiệp cấp 2 (lớp 7), nhờ anh Đức Thọ dắt dẫn, Khánh Hoài, Nhất Phương, Trần Dũng, Huy Hiệp đã rời xa Trại trẻ ở xã Thống Nhất, lên đường về Hồng Châu - Thường Tín, Hà Đông, để tiếp tục học cấp ba ở trường Trưng Vương - Hà Nội sơ tán về đây.

Trưa nay cùng ngồi là những người bạn học ở trường cấp ba với nhau: Đức Thọ, Khánh Hoài, Nguyễn Hiệp (chồng Mai Kiều Liên - TGĐ Vinamilk), Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT An Phú, con rể bác TBT Nguyễn Văn Linh... Thọ học lớp 10; Hoài, Trần Dũng, Hiệp, Nhất Phương lớp 9; Quốc Dũng, Nguyễn Hiệp, Mai Kiều Liên lớp 8. Cùng gặp mặt còn có cô Thu Lan dạy Văn, thày Hải dạy Lý, thày Bảo dạy Toán, cô Thái dạy Nga văn...

Cùng sơ tán ở bãi giữa sông Hồng, trường cấp ba Trưng Vương... Trưa nay ngồi với nhau, nhớ Trần Dũng và Nhất Phương đã không còn nữa...

Thời gian trôi qua, nhớ công lao Nguyễn Đức Thọ đã dẫn dắt chúng tôi vào đời... (hiện Đức Thọ có con trai là Đức Thắng cũng là pv báo Nhân Dân. Chúc cháu nối tiếp được bước đường ông nội Đức Thi).


_____


THƯ HƯƠNG NẾT NHÀ

Nhà văn Đỗ Chu
Giải thưởng Hồ Chí Minh 2012
(nguồn ảnh: cand.com.vn)
Đỗ Chu
(Bài đã đăng báo Văn nghệ số 26, ngày 30/6/2012)

Một hôm có ông Trương Nhuận là phó giám đốc nhà hát kịch Tuổi Trẻ gõ cửa nhà tôi, tay ôm bọc bản thảo nói là của Châu La Việt từ Sài Gòn gửi ra để anh đọc rồi cho vài trang đầu sách gọi là lời tựa.

Nhìn đống chữ trên bàn mà lo, lại mừng vì đã nhận được hồi âm của người bạn dưới tuổi nhiều năm bặt vô âm tín nay mới hiện về.

Rót nước mời khách tôi thủng thẳng, trong ấy ông này sống ra sao nhỉ, có dạo nghe tin đang ở mặt trận Lào, hành quân qua Cánh Đồng Chum vào Bôlôven, nửa đêm gối đầu lên súng nhìn sao, gió lục địa lùa chạy như lửa thổi. Nằm để thức nghe người chỉ huy tiểu đoàn kể chuyện.” Hồi ấy tao cũng đang còn trẻ như các chú mày bây giờ, cùng đồng đội đuổi một sư Lê Dương chúng nó quẳng cả xe pháo mũ kiếm, vừa chạy vừa thở chửi Việt Minh đuổi gì mà đuổi gớm thế này. Còn tụi mình thì cũng vừa đuổi vừa thở chứ chẳng hơn gì, hỏi nhau sao tụi này mất hồn mất vía hay sao thế nhỉ. Qua đây gặp một đống chum đá rải rác, lấy làm lạ, bảo là để chứa nước cho người qua đường uống chả chắc đã phải, lãnh đạo nói là để nhà vua đựng rượu dọc đường khao quân. Nghe thế thì biết thế. Đi vài ba ngày nữa là vào đến cao nguyên, một vùng đất bằng cây cỏ hoa lá xanh tốt, lúa bời bời, con gái như tiên giáng trần ngồi dệt cửi ra sông kín nước, mưa suốt ngày, sương mù lảng bảng như khói, đất trời mát mẻ như trong động. Nhiều thằng ao ước giá mà được ở lại đây làm một cô vợ sinh cơ lập nghiệp.”

Đám Châu La Việt cũng lại nghe thế thì biết thế, họ thầm thì với nhau, ông này đang dùng mẹo Tào Tháo kể chuyện vườn mơ trong Tam Quốc để quân ta đi hăng đây mà.

...Như muốn kéo tôi trở lại với chủ đề hôm nay, khách bèn ngắt lời, trong ấy giờ con cái nhà ấy đều đã trưởng thành, ông này đi tây đi tàu như dệt cửi, đặc biệt là vẫn hì hục làm báo, rỗi rãi ngồi nhà viết văn, cắm đầu viết như thằng ngộ chữ. Lần này nhặt ít trang gửi ra để làm tội bác.

Sau tuần trà thứ hai tôi lại thủng thẳng, cũng chưa rõ văn chương của nó thế nào, nhưng dù chưa đến đâu thì đã làm sao. Thời buổi thiên hạ đua chen kiếm tiền, chạy đôn chạy đáo, ngược xuôi sấp ngửa, vậy mà lại có đứa cặm cụi đánh vật với chữ bảo không trân trọng sao được.

Mình xem ra các ông đều dòng dõi thư hương, dòng dõi mặc hương, nó là dấu hiệu văn hóa mang tính truyền thống lâu đời. Cái mùi sách mùi mực nó lạ lắm, dai dẳng đeo bám. Ra ngoài nghe có ai nhắc thằng cha ấy đặc thư hương nết nhà, vậy là đủ thấy phải quí nể.

Việc cầm bút với các ông đâu phải chuyện khó khăn, chỉ là lúc nào viết mà thôi. Nay vẫn chưa viết thì đợi một khi khác, đi đâu mà vội. Viết chẳng qua cũng chỉ là một nhu cầu tự thân, là thả lòng giãi bày cái tâm cái chí chứ toan tính gì danh lợi, kẻ khoác áo hư hão trà trộn vào chốn ấy mưu mẹo kiếm chác tiến thân là nhục lắm, chả ra làm sao.

Viết trước tiên là để cho mình, chưa hay phải cố bằng hay, một khi mình chưa thích thì bảo ai thích nổi, đó là một đời theo đuổi cái thiện cái đẹp. Trước cái thiện cái đẹp là cái chân. Nói cho đến cùng thì cũng chẳng nên khoe sự viết khỏe, có phải chuyện gánh nước bổ củi gì đâu mà bảo khỏe hay yếu, ít hay nhiều. Các bậc trí giả xưa nhiều người để lại cả chục xe sách, lại có người chỉ để lại dăm ba bài phú dăm ba bài thơ. Thế cũng xong, chả ai so đo hiềm tị ông để lại nhiều tôi để lại ít. Nhiều ít chưa phải đã là giá trị ở đây. Có câu lập thân tối hạ thị văn chương là vậy, nó phải là một cái thú tao nhã sạch sẽ, chớ mang nó làm những chuyện xoàng xĩnh.

Ông bầu gánh hát vừa nghe tôi độc thoại vừa nhấp nhổm xem đồng hồ ra ý muốn đi. Tiễn khách tới hành lang chung cư tôi quay vào một mình ngồi với một mình. Nhớ lại thấy thời gian đi nhanh quá, thoáng cái đã có trên bốn chục năm kể từ buổi gặp nhau lần đầu của hai anh em, tôi và Châu La Việt. Đó là ngày tôi lấy vợ, hôm ấy bạn bè Hà Nội đạp xe sang Bắc Ninh có đến vài chục. Tay bắt mặt mừng, vừa thấy nhau cậu ta đã tuyên bố một câu xanh rờn, trước sau em nhất định phải viết, viết được gì sẽ gửi anh đọc chơi, bút danh em cũng chọn cho mình rồi, Châu La Việt.

Khách khứa đông nên tôi chỉ kịp gật gù, nghe bút danh thế được đấy, chắc hẳn là tên mấy con sông con ngòi tuổi thơ chú. Một nụ cười rộng rãi, một đôi mắt sáng, một cái trán nom vào đã thấy bướng của thằng con trai mười bảy, đấy là Châu La Việt lần đầu về nhà tôi.

Đến cuối năm, Hà Nội sắp bước vào một cái tết của thời chiến, trong phủ chủ tịch tổ chức một cuộc gặp gỡ lớn, một số văn nghệ sĩ cũng có mặt. Chiều sẩm trong khu vườn trông sang ao cá nhà Bác, tôi đứng nói chuyện hồi lâu với chị Tân Nhân. Chị là nghệ sĩ xuất sắc của nền âm nhạc ta và cũng là mẹ của Châu La Việt.

Tôi hỏi thăm thì chị kể, sau lần sang chú dự cưới về nó bảo phải đi cái đã, chả biết nó nghĩ gì mà nói thế, rồi ngồi viết đơn xin vào bộ đội. Đang ở Lào rồi, mặt trận rộng, tôi cũng chỉ mới biết vậy. Chắc nay mai nó sẽ có thư cho chú...

Nó đang dọa tôi sẽ viết văn, phải đi cái đã là có ý bảo không đi không thể viết được cái gì ra hồn. Chị chả nên lo lắng nhiều, thằng này xem tướng cách không phải vừa, đời sẽ nhào nặn nó thành người.

Đấy là tôi muốn an ủi để chị yên lòng về cậu con trai trưởng hình như gặp long đong ngay từ thuở lọt lòng. Chị nhìn tôi rồi cười nhẹ, một nụ cười nhiều nỗi niềm.

Trong ánh sáng tưng bừng dạ hội, theo yêu cầu của đồng chí Thủ tướng, chị đứng lên hát Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Hát như rút ruột mà hát. Đám đông lặng phắc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bước đến ân cần đặt vào tay chị một bông hồng thắm...

*

Tôi đọc "Những tầng cây xăng lẻ" trong vòng một tuần, mất thêm một tuần nữa loanh quanh nghĩ về bảy truyện ngắn trong tập này. Loanh quanh không phải để tìm một hướng viết lời tựa mà vì sức ám ảnh của những trang văn Châu La Việt.

Từ những trang viết ấy tôi gặp lại tiếng gió lùa xào xạc vòm lá những cánh rừng xa, tiếng gọi nghiêm trang của những năm tháng xa. Những cánh rừng trận mạc, những tháng năm trận mạc, và tôi thầm cảm ơn anh về điều đó, đấy là một giá trị làm nên sức nặng cho những trang viết.

Không có sự bắt đầu nào là toàn bích, những trang viết đầu tay của mỗi nhà văn ít nhiều nhìn lại đều thấy có những thiếu hụt, với thời gian sẽ được lấp dần đầy. Cái có thể để người đọc đặt niềm tin nơi anh là sau những năm tháng lăn lộn này anh đã thành từng trải.

Ngoại trừ "Theo gió trăng ngàn" là những gì của ai khác, ở một đời sống mà tác giả không được trải nghiệm, sáu truyện còn lại rất nên bàn, mỗi truyện mang một vẻ riêng mà vẫn có chung một mạch văn, một hơi thở tinh thần của tác giả. Mộc mạc điềm nhiên, đôi chỗ vụng về, ấy vậy mà lại khơi gợi và ấm áp.

Bốn truyện đặt trong lòng sách đều là những truyện ít nhiều còn đang sơ sài, nghĩ sơ sài viết cũng sơ sài. Thật tiếc vì nếu anh đừng quá vội, nếu anh giữ được sự chậm rãi kỹ lưỡng, chịu khó bồi đắp nhiều hơn thì đó sẽ là những truyện ngắn vững vàng.

Tập sách tựu chung chỉ còn có hai cái ở đầu và cuối sách là đáng kể. Mở đầu bằng "Những tầng cây xăng lẻ". Một truyện ngắn công phu, tuyến truyện phát triển tưởng như đơn giản, chỉ là một tự sự của người lính trẻ, vậy mà lôi cuốn. Nó là một truyện hay, uyển chuyển nhịp điệu, giản dị như không cần bất cứ một sự cầu kỳ phô diễn nào hết.

Đặt cuối sách là truyện "Mai Pi Muôn", tiếng đồng bào nghĩa là "một hai ba".
Bút pháp tung hoành, điêu luyện và mới mẻ. Một Tây Nguyên hào sảng, hoành tráng hiện lên giữa những xô đẩy dữ dội của lịch sử đất nước. Không gian truyện rất gần không gian sử thi. Nhà văn trong khi đi tìm vốn sống ngoài đời cũng là đi tìm vốn sống đầy ắp cất giấu trong lòng mình. Những mảng hiện thực ở đây hiện lên ngồn ngộn, những nhân vật, những tình tiết, những cảm xúc ồ ạt tràn ngập làm ngợp hồn người đọc. Đây là một thiên truyện được viết một mạch hào hứng, đầy tự tin, một bản lĩnh vững vàng.

Tây Nguyên giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống chung dân tộc, là một đề tài lớn cho nhiều nhà văn đã và còn tiếp tục khám phá. Thiên truyện này của Châu La Việt chỉ là một thành tựu nằm cạnh nhiều thành tựu khác, điều đáng nói ở đây, nó là một thành tựu mang ý nghĩa đẳng cấp, không thấy có nhiều lắm.

Sự đột trội của hai truyện vừa kể này đã khiến cho những truyện khác ở tầm trung bình trong sách thành vô duyên đôi chút, nhưng biết làm sao, đòi hỏi hết thảy mọi cái viết ra đều phải có đẳng cấp là không tưởng, ngay cả những tác giả đồ sộ cũng khó làm nổi.

Được biết anh vốn đã làm báo nhiều năm, báo có yêu cầu có đặc thù của báo, văn lại có yêu cầu, có đặc thù của văn, kinh nghiệm cho biết khi ngồi vào bàn văn ta phải nhanh chóng đẩy tay nhà báo trong mình lùi vào phía sau. Thường thì anh ta rất thích xúi bẩy vớ vẩn khiến cái ta viết ra dễ văn báo lẫn lộn. ở đời không thiếu gì sự lẫn lộn nhưng cái lẫn lộn này nó làm khổ con người ta lắm lắm. Đến chữ nghĩa cũng đâm lười nhác, mất hết nhung tuyết.

Hình như đời văn cũng nên dài và nên sinh động như một dòng sông lớn, lắm ghềnh thác, quanh co uốn khúc, mùa vơi mùa đầy, rất giàu màu sắc nhịp điệu, sau tất cả nó gặp biển và biến mất.

Những năm sắp đến với một Châu La Việt cầm bút chắc hẳn phải là một chặng đường cật lực, không ít nhọc nhằn mà cũng không ít kiêu hãnh. Biết làm sao, nếu muốn nhàn thân thì đã chẳng lựa chọn con đường khốn khổ này.

*

Người ta thường nói con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Trong ta như một thứ di truyền đã có sẵn từ buổi chào đời, đó là cái nết thư hương con nhà. Cái mùi sách mùi mực rồi ra nó sẽ còn dẫn dụ ta đi đến những đâu không rõ. Và không thể khác, đói no sang hèn, vẫn cứ phải cầm bút, bạn bè đang chờ đợi ở ta, hãy viết như mẹ ta đã hát.

Ngậm từng chữ nhả từng lời, đau như lòng tằm và sang như tấm lụa tằm tơ, say mê tột cùng mà yêu dấu cũng tột cùng.
Hà Nội, tháng 6/2012

2/7/12

Gia đình nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Mạch nguồn đam mê giữa ba thế hệ


(Nguồn: GiadinhNet) Thứ sáu, 22/06/2012, 12:22(GMT+7)

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là cây bút phóng sự trứ danh của những năm 90, là người thầy được nhiều thế hệ sinh viên báo chí yêu mến, kính nể.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Thừa hưởng niềm đam mê nghề báo từ cha, Huỳnh Dũng Nhân là người nối nghiệp xứng đáng nhất trong gia đình có 3 thế hệ với 9 người làm báo.


Cả nhà say... báo

Tự nhận mình giống ba nhất nhà, từ tính tình đến phong cách cũng như niềm đam mê nghề nghiệp, cuộc đời và sự nghiệp báo chí của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vì thế giống như một “bản sao” của cha mình. Hai người đàn ông ở hai thế hệ khác nhau, hai hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng đều có những nét tương đồng về sự nhập cuộc, về sự dấn thân với nghề. Họ cùng đến với nghề bằng cả trái tim nhiệt thành với cuộc đời và cũng tỏa sáng nhờ đó.

“Trong gia đình, tôi thương mẹ nhưng nể phục ba. Ông sống có lý tưởng nhưng lại giản dị từ chân tơ tới kẽ tóc. Sự nghiệp của ông cũng có nhiều điều để những người con như chúng tôi được tự hào và noi gương”, Huỳnh Dũng Nhân đã nói về ba và cũng là người thầy của mình như vậy.

Ba anh, nhà báo Huỳnh Hùng Lý cùng thời với thế hệ những cây đại thụ của làng báo như nhà báo Trần Bạch Đằng, nhà báo Hoàng Tùng... Vào những năm 50, 60 ông đã khá nổi tiếng với những tác phẩm báo chí để đời. Ông lấy nhiều bút danh khác nhau như: Việt Hùng, An Bảo Minh, Huỳnh Lê, Thụy Nhân, Huỳnh Vạn Lý...

Tác phẩm nổi tiếng nhất, cũng là tác phẩm đầu tay của nhà báo Huỳnh Hùng Lý là tập hồi ký "Chiến đấu viên họ Trần", xuất bản năm 1953 tại miền Nam, do Trần Bạch Đằng viết lời tựa. Cuốn sách đã gây được những ảnh hưởng và tình cảm sâu sắc trong lòng người đọc thời bấy giờ. Ông trưởng thành từ nghề viết và đã giữ những chức vụ quan trọng trong làng báo như Thư ký tòa soạn của Báo Nhân dân miền Nam, Tổng biên tập báo Đối ngoại, tờ báo của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (bằng tiếng Anh và tiếng Pháp), Trưởng ban Chính trị rồi đại diện Báo Nhân Dân tại các tỉnh phía Nam; Giám đốc Sở VH-TT Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, Phó ban Tuyên giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu...

Không chỉ có ba mà mẹ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, bà Lê Thị Lý cũng công tác trong ngành báo chí, làm công tác tư liệu của Báo Nhân Dân. Hiện nay, vợ chồng nhà báo Huỳnh Hùng Lý tuy tuổi đã cao nhưng vẫn còn đắm đuối với nghề. Ở tuổi 85 nhưng nhà báo Huỳnh Hùng Lý vẫn lọ mọ đi tìm tư liệu để viết hai cuốn sách về Bến Tre và Côn Đảo. Mỗi dịp xuân đến, ông lại viết báo như cách để thỏa nỗi nhớ nghề.

Bà Lê Thị Lý lại có thú vui sưu tầm ca dao tục ngữ, những lời hay ý đẹp để đóng thành tập gửi cho con cháu. Bà sợ con cháu mình quên mất nếp gia đình xưa. Đã 80 tuổi nhưng bà rất thích đọc báo. Ngày nào nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng phải mang 7 – 8 tờ báo ở cơ quan về cho mẹ đọc. Ngày nào anh về muộn, bà vẫn thức chờ con. Bà chỉ ngủ được khi đọc hết từng đó tờ báo trong ngày.

Dường như sự say nghề của vợ chồng nhà báo lão thành Huỳnh Hùng Lý đã truyền lại một cách tự nhiên cho con, cho cháu. Ông bà có 4 người con, chỉ có hai cô con gái không theo nghề của cha mẹ, còn lại cả hai người con trai là nhà báo Huỳnh Dũng Nhi (bút danh Huỳnh Dũng - vừa mất năm 2011) và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đều có sự nghiệp báo chí khá lẫy lừng. Vợ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng làm truyền thông. Các con (cả dâu cả rể) của nhà báo Huỳnh Dũng Nhi là phóng viên, biên tập viên của Đài Truyền hình Bà Rịa – Vũng Tàu.


Hai nhà báo giỏi không biết kiếm tiền

Trong đại gia đình có ba thế hệ với 9 người làm báo đó, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được coi là người nối nghiệp cha xứng đáng nhất. “Tôi thừa hưởng sự yêu nghề và chút tài vặt của ba. Tôi giống ba từ tính tình đến phong cách, giống đến cả việc không biết kiếm tiền” nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dí dỏm khi làm phép so sánh giữa mình với ba. Anh cho biết,  trong đại gia đình anh, anh và ba là hai nhà báo giỏi nhất nhà nhưng cũng là hai người kiếm tiền kém nhất. Cũng giống như ba anh, anh không biết mánh khóe, không biết luồn lách nịnh bợ, không biết chơi chứng khoán và buôn bán nhà đất. Ngày trẻ anh kiếm sống bằng ngòi bút, giờ anh kiếm thêm bằng nghề đi dạy và nói chuyện.

Lạ là, ngày nhỏ anh chưa bao giờ mơ trở thành nhà báo như ba mình. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết, ngày đó lúc thì anh mơ thành cầu thủ đá bóng, có lúc mơ làm họa sĩ, lại có lúc muốn trở thành một tay lái xe cừ khôi... Anh học chính quy về hội họa, mãi về sau  mới học văn và báo chí. Sau này, khi phát hiện ra mình viết được phóng sự thì anh mới thực sự thấy… yêu nghề.

Đó là lần Huỳnh Dũng Nhân viết bài phóng sự về mỏ than Mông Dương, Quảng Ninh. Đây là bài báo đầu tiên mà anh thực sự dấn thân vào nghề. Ngày đó, anh vừa chuyển công tác từ Báo Tuổi trẻ sang Báo Lao động. Vừa mới chân ướt chân ráo từ miền Nam ra Bắc, lại chưa viết phóng sự bao giờ nên khi được Ban biên tập phân công đi thực tế viết về mỏ than Mông Dương, nơi hiểm nguy sập hầm lò, nạn khai thác than thổ phỉ thường xuyên diễn ra như cơm bữa, đồng nghiệp đã có người không tin anh có thể làm được. Nhưng rồi phóng sự “Hai giờ dưới lòng đất” sau đó đã gây được sự chú ý và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhờ bài báo đó, anh đã xóa đi được sự hồ nghi của đồng nghiệp về anh. Cũng nhờ bài báo đó, anh mới biết mình…cũng có thể viết được phóng sự.

Một phong cách phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân được hình thành từ đó - phong cách phóng sự “văn trong báo, báo chứa văn”. Những tác phẩm báo chí sau này như: “Ăn Tết trong rừng chó sói”, “Ký sự xuyên Việt”, “Tôi đi bán tôi”... xuất hiện vào thập niên 90 đã tạo nên một bước ngoặt, mang phong cách đặc trưng trong tiến trình phát triển, đổi mới phóng sự báo chí.

Muốn thành công, phải trả giá

Nhiều người thích đọc phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân bởi nhận ra trong tác phẩm của anh một cái “tôi” khó lẫn, một cái “tôi” đầy tình nhân văn, khao khát đến cháy bỏng tình yêu với cuộc đời. Anh nói “Lạ lắm, mỗi một bài báo mang lại cho tôi  những cảm xúc lạ lẫm. Càng viết tôi càng yêu hơn cuộc sống này, thấy mình không vô dụng và nhờ đó càng say mê”.
Huỳnh Dũng Nhân là người  hướng nội. Anh mang đời sống nội tâm của mẹ nhưng lại ảnh hưởng lý tưởng làm người quân tử của ba. Anh thương mẹ nhưng lại không tránh được “vết xe đổ” của ba. Quá đam mê theo đuổi lý tưởng nghề báo, suốt ngày rong ruổi trên mọi ngả đường, lúc lên rừng khi xuống biển nên đã có lúc anh phải trả giá đắt cuộc sống riêng của mình. Đã có lúc anh phải sống những ngày tháng khổ đau, mất phương hướng như thế này: “Mỗi tan tầm ba rẽ sang đường khác/ Số nhà mới vẫn thỉnh thoảng ba quên/ Mỗi trưa nắng ba dừng xe ghé chợ/ Thương hai con những bữa cơm buồn/ Vẫn đôi lần xe chợt quen lối cũ/ Vội quay đi như một kẻ nhầm đường/ Đêm mưa về nhìn lên ô cửa sáng/ Nhà bốn người thiếu một hoá neo đơn…”(Viết cho con). 

Với “gia sản” nghề báo của gia đình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có thừa cơ hội để có thể chọn cho mình một chỗ đứng nhàn hạ theo cách kiếm sống thông thường. Nhưng anh đã không chọn cách sống đó bởi anh biết mọi sự thành công không bao giờ đến một cách dễ dàng. Giờ đây, ở cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tạm chuyển hướng. Anh chuyển sang viết văn, làm thơ và làm quản lý. Hiện anh là Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo của Hội nhà báo TPHCM, giảng viên môn Phóng sự của Khoa Báo chí, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM. Giữa tháng 6 vừa qua, ba cuốn sách của anh: Giáo trình phóng sự; Tuyển tập phóng sự và tập thơ Dã quỳ tím được tái bản. Ba cuốn sách này đã  từng được bạn đọc yêu quý đón nhận. Đó chính là món quà quý nhất anh nhận được sau 30 năm “Tôi đi bán tôi” cho nghề báo.

Võ Thủy