28/3/11

Chia buồn


Cụ Lê Thị Hứa, tức Hoàng Thị Lân, nguyên Trưởng Phòng Quản trị Vật tư, Ban Trị sự Báo Nhân Dân, sinh năm 1924, sau thời gian lâm bệnh nặng, do tuổi cao sức yếu, đã từ trần vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 26 tháng 3 năm 2011, hưởng thọ 88 tuổi.

Lễ viếng được tổ chức từ 7 giờ 30, ngày 29 tháng 3 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 phố Trần Thánh Tông; Lễ truy điệu cử hành lúc 9 giờ cùng ngày; An táng tại Nghĩa trang Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Xin chân thành chia buồn với chị Hà Hoa Lý cùng toàn thể gia đình!
Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân

Thông tin thêm: Hội TTST BND sẽ tổ chức đến viếng và chia buồn cùng gia đình. Các thành viên tham dự có mặt tại địa điểm trên trước 8 giờ ngày 29/3.

26/3/11

Tin ngắn tháng 3-2011

Điểm qua các hoạt động của hội TTST BND trong tháng 3/2011:

13/3/2011: Hội trại tại đảo trên hồ Thiền Quang. Năm nay, các cụ (phụ huynh) tham gia rất nhiệt tình và như có một làn gió mới làm cho cuộc gặp vui vẻ, náo nhiệt hơn.

Dũng Nhân bận đưa cụ ông ra sân bay về trước, nhưng vẫn kịp có mặt chúc rượu và ứng khẩu một "diễn văn" chào mừng ngắn (trong ảnh có cả chị Hải Ba con gái Mẹ An) - chụp ảnh: Minh Phương (Bé)

Niềm vui dự hội trại của chú Trịnh Hải và cô Bình Định - chụp ảnh: Lưu Bình

Ngày 18/3/2011: thăm nhà Việt Phương


Ngày 19/3, cô Bình Định mời đại diện hội TTST BND đến dự sinh nhật thứ 85 của cô (chính thức là 21/6, nhưng đang vui ở Hà Nội thì tiện thể tổ chức luôn!)

Khá nhiều cụ được mời đến dự sinh nhật

Bánh sinh nhật, cô Dung mang đến (do anh Châu con cô đi đặt làm)


Ngày 20/3/2011: Về thăm nơi sơ tán ở nhà thờ họ Phùng, xã Thống Nhất, Chương Mỹ (nay là xã Hữu Văn)

Chụp kỷ niệm trước nhà thờ danh nhân Phùng Đình Nghĩa - chụp ảnh: Trịnh Sơn (góc chụp do chú Trịnh Hải chọn, đem đến một cảnh rất lạ và đẹp)

Chụp với gia đình nhà anh Tảo (sân nhà Bác Lê cũ)

Ngày 26/3/2011: tiễn cô Bình Định ra sân bay Nội Bài để về TP.HCM. Vẫn vui nhưng có cả buồn chia tay.




Đặc biệt, lần này về thăm nhà thờ họ Phùng, do rút kinh nghiệm năm ngoái về đã biết hoàn cảnh gia đình anh Lâu (con bác Lê, bạn học cùng lớp với Khánh Châu, Dũng Nhân v.v..., từng là bộ đội ở chiến trường Tây Nam), nên năm nay đoàn TTST BND tập trung quyên góp được khoảng 4 triệu đồng để giúp đỡ cho cháu gái 20 tuổi, con anh Lâu, nạn nhân chất độc da cam (xem ảnh dưới)

18/3/11

Một bức thư cảm động

hd: Chị Hồng và anh Lưu Bình cùng lúc chuyển tiếp đến blog một bức thư được gửi đi từ Nhật Bản cho một người bạn, tác giả là ông Hà Minh Thành, một cảnh sát Nhật gốc Việt đang tham gia công việc an ninh và khắc phục hậu quả thảm họa lịch sử của nước Nhật: động đất 9 độ Rich-te, kèm theo sóng thần và nổ lò nhà máy điện nguyên tử (bức thư được chuyển tiếp từ Mạng email Thöng báo và thông tin về khoa học và giáo dục).

Dưới đây là nguyên văn bức thư được người bạn của ông Thành gửi đi, mời các bạn chia sẻ và suy ngẫm, qua đó có thể thấy truyền thống bi hùng của dân tộc Nhật và hiểu thêm vì sao sau chiến tranh thế giới II, người Nhật bị Mỹ hủy diệt hai thành phố bằng 2 quả bom nguyên tử, hơn hai trăm ngàn người chủ yếu là dân thường bị tàn sát, dù là một đất nước không tài nguyên khoáng sản, nhưng họ vẫn hồi phục và phát triển thành một cường quốc công nghiệp, từng là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.


From: Nguyen Dinh Dang
To: undisclosed-recipients:;
Date: Thu, 17 Mar 2011 11:56:15 +0900
Subject: Một bức thư cảm động

Xin chào anh Đăng,

Xin được giới thiệu tôi tên là Hà Minh Thành. Qua anh Nguyễn Hữu Viện tôi mới được biết anh và trang tin của anh dù tôi làm việc cách chỗ của anh cũng không bao xa. Xin hân hạnh được làm quen với anh.

Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tui đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người không thôi. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp.

Ký giả của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất chắc cũng vài chục triệu yen nhưng mà chẳng ai thèm nhặt đã phải thốt lên: "50 năm nữa , kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ."

Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy. Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.

Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói". Thằng bé nhận túi lương khô của tôi, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng.Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là "Nhân sinh nhất mộng , bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật". Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa. Những công án thiền của Bích Nham Lục, Vô môn quan hoàn toàn vô nghĩa so với hành động của một đứa bé 9 tuổi.

Xưa nay tôi không phục lắm người Nhật từ khi còn đi học, làm kỹ sư rồi làm cảnh sát thì phải luôn tiếp xúc với những người Nhật ở mặt trái của xã hội. Nhưng mà hành động của người dân Nhật trong vùng động đất bây giờ đã khiến tôi phục họ thật sự.

Tình hình quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn còn an ninh, hiện tại tụi tôi đã được phát sẵn khẩu trang và đồng phục nylon. Ông Kan sáng nay họp báo dự tính đến tình huống xấu nhất là bỏ cả vùng miền Đông. Tôi không phải chuyên ngành về nguyên tử lực như anh nên không hiểu lắm về tác hại của phóng xạ. Nhưng tôi nghĩ cũng đang nguy hiểm. Tụi TEPCO vụ này chủ quan quá. Anh Đăng nếu được nên sắp xếp cho vợ con về VN trước thì tốt nhất. Tôi sợ tới lúc xấu nhất không còn vé máy bay. Tôi thì bà xã người Nhật, con gái cũng mới ra trường y tá và cũng đang hoạt động cứu trợ thiện nguyện ngay tại Fukushima này. Tôi hỏi con gái tôi "Tình hình có vẻ nguy hiểm , con có muốn đi VN lánh nạn không". Nhỏ con gái của tôi trả lời "Đi đâu bây giờ , xung quanh con với cha người ta chết với bị thương hàng hàng lớp lớp. Không lẽ bỏ chạy. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó." Tôi gọi điện thoại về hỏi bà vợ tôi tính sao, có cần chạy qua quê chồng trú tạm lánh nạn một mình không thì bà xã tôi nói với tôi rằng người Nhật của họ thì 36 kế của Tôn Tử binh pháp họ chỉ dùng được tới cái kế 35. Cái chước cuối cùng "Tẩu vi thượng sách" không có chỗ dùng vì cái xứ đảo này không có chỗ nào để mà chạy nữa. Cùng lắm chịu chết thôi. Thôi thì tôi thân phận dính líu tới cái tổ quốc thứ hai này rồi. Vợ con gì cũng không chạy không lẽ một mình tôi bỏ nhiệm sở. Già rồi có hít chút phóng xạ vô nữa cũng chẳng sao cả. Mang cái ơn nghĩa với đất nước này cũng nhiều thôi thì bây giờ cùng đến lúc có cơ hội để trả ơn cho họ vậy.

Hy vọng không có gì xảy ra , khoảng 3 tuần nữa có thể trở về Saitama. Hy vọng được gặp anh Đăng nếu anh còn ở Nhật, anh em mình tâm sự nhiều hơn. Tôi năm nay 56 tuổi. Chắc cở tuổi của anh.

Chúc anh và gia quyến an toàn.

Hà Minh Thành

-----------------------------------------------
END of the forwarded message
-----------------------------------------------
hd: Sau đây là bài đăng lại trên Báo Dân trí điện tử:
Thứ Năm, 17/03/2011 - 14:56
Bạn đọc viết
(Dân trí) - “Một câu chuyện cảm động về cậu bé 9 tuổi ở Nhật đã dạy cho tôi bài học làm người trong lúc khốn khó nhất.”
Một bé trai tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagy, chờ lấy nước sôi để ăn mỳ.
Dưới đây là bài viết cảm động một độc giả đã gửi báo Dân trí về cách ứng xử tuyệt vời trong cơn hoạn nạn ở Nhật của một cậu bé mới 9 tuổi.

Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho những người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà em lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến lượt của em thì chắc chẳng còn thức ăn nên mới lại hỏi thăm... (Để xem tiếp , bấm vào đây)

hd: Trong thời đại thông tin bùng nổ, mà người đầu tiên phát tán bức thư này cũng chỉ cốt chia sẻ tới mọi người một câu chuyện cảm động đáng suy ngẫm, nhưng thật buồn cười là có một số người ở Việt Nam lại nhân đây muốn nổi tiếng hơn, chẳng hạn như mặt trơ xin nhận cậu bé 9 tuổi ở Nhật nói trên làm con nuôi(!), hoặc trán bóng kiện Báo Dân trí điện tử vì dám không xin phép mà đăng lại của ông nhà văn nào đó đã đăng trước bức thư này lên blog (!). Các bạn tò mò có thể bấm vào đây hoặc đây để xem.

-----------------------------------------------

hd: Và tiếp theo đây, blog cũng vừa mới nhận được email từ chị Tường Vi, thêm một thư được chuyển tiếp nữa, cũng với mục đích chia sẻ thông tin. Thiết nghĩ nhà blog không cần truy tìm nguồn gốc bức thư làm gì. Sự thật hay hư cấu cũng không quan trọng, mời các bạn hãy đọc và cảm nhận, suy xét phù hợp với mỗi người (cũng như trên, tôi đăng lại nguyên văn)

-----
Kính gửi các Anh/Chị và mọi người đọc nhé!
Nguyen Hung la CEO cong ty Ashahi

Xin chào anh Nguyen Hung

Em là Minh Thành đây. Anh và gia đình khỏe không ? Mấy ngày nay mọi sự đều quay cuồng lên cả. Mở mắt cũng thấy xác chết, nhắm mắt cũng thấy xác chết. Mỗi thằng tụi em mỗi đứa phải trực 20h/một ngày. Ước gì thời gian dài 48 tiếng một ngày để mà còn đi tìm cứu người. Điện nước không, thực phẩm gần như số không? Di tản dân chưa xong thì lại có lệnh đưa dân đi di tản tiếp.

Em đang ở Fukushima, cách nhà máy điện Fukushima 1 khoảng cách 25km, có rất nhiều chuyện có thể viết nên thành sách về tình người trong hoạn nạn.

Ngày hôm kia em đã tìm thấy và cứu được một người VN. Anh ta tên là Toàn đến từ Mỹ, kỹ sư nguyên tử lực làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, anh ta bị tai nạn ngay cơn động đất đầu tiên, mọi thứ hỗn loạn nên chẳng ai giúp anh ta liên lạc cả. Tình cờ biết được em đã liên lạc với Đại sứ quán Mỹ và phải công nhận tụi Mỹ nó nhanh, ngay lập tức trực thăng của quân đội Mý đến bệnh viện bốc anh ta đưa thẳng ra hạm đội.

Còn lại một số tu nghiệp sinh VN ở trong vùng này thì em đang tìm vẫn chưa có thông tin rõ ràng. Nếu có thông tin chính xác tên tuổi, nơi làm việc của họ thì dễ tìm kiếm hơn. Ở Nhật cảnh sát không có quản lý gắt gao về hộ tịch như ở VN và luật bảo hộ thông tin cũng khiến cho việc tìm thông tin của họ cũng khó. Em gặp một phụ nữ Nhật có làm việc chung với 7 cô gái đến từ VN làm việc với tư cách tu nghiệp sinh, chỗ họ làm cách bờ biển khoảng 3km, bà ta nói rằng họ không biết tiếng Nhật và lúc chạy loạn thì họ chạy theo bà ta, nhưng sau đó thì không biết chạy đi đâu còn sống hay là chết. Trong đó bà ta chỉ nhớ tên một cô gái tên là Nguyễn Thị Huyền (Có thể tên là Hiền) vì làm việc chung nhau.

Nhân viên Đại sứ quán và chính phủ VN vẫn chưa thấy xuất hiện ở đây, dù đọc trên báo mạng của VN thấy họ nói lo lắng cho dân VN rất tốt, toàn xạo cả.

Ngay cả cảnh sát tụi em còn đói khát tả tơi thì huống chi tới mấy đứa nhỏ tu nghiệp sinh VN. Nỗi khổ nhất ở vùng này bây giờ là Lạnh, Đói, Khát, không có điện, thiếu thông tin. Dân chúng thì vẫn bình tĩnh, lòng tự trọng và luân lý của họ tốt nên chưa đến nỗi loạn nhưng nếu tình hình này kéo dài thêm chừng 1 tuần nữa thì có khả năng tình hình an ninh không thể kiểm soát nổi. Họ cũng là con người mà, khi cơn đói khát đã vượt quá lòng tự trọng và nhân cách thì cái gì cũng phải làm thôi. Chính phủ đang lập cầu không vận thực phẩm và thuốc men vào vùng này nhưng chỉ như muối bỏ biển.

Có nhiều chuyện muốn kể cho anh nghe để đăng trang tin của anh nhưng mà nhiều đến độ bây giờ em cũng chẳng biết gì mà viết nữa.

Có một câu chuyện cảm động ngày hôm qua một đứa bé Nhật đã dạy cho một người lớn như em một bài học làm người.

Tối hôm qua em được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng em chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, em sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm.Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhiìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe em hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh em mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của em bị rơi ra ngoài, em nhặt lên đưa cho nó và nói: " Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".

Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Em tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng , em hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nỏ trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Em nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy em một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.

Nghĩ lại câu nói của ông già Fuwa nguyên chủ tịch Đảng CS Nhật giáo sư dạy em về Tư bản luận đã nói rằng " Nếu Mac sống lại, ông ta sẽ thêm một câu vào trong cuốn Tư bản luận đó là " Chủ nghĩa CS chỉ thành công trên đất Nhật".

Vài dòng gửi cho anh, chúc anh khỏe. Tới giờ em vào phiên trực nữa rồi.

Chúc anh và gia đình vạn sự an khang.

Hà Minh Thành

16/3/11

Đi chơi ngày Chủ nhât, 20/3


TTST BND: Mời các bạn tham dự cuộc đi chơi (đi về trong ngày):

Ban Liên lạc đang sắp xếp chương trình ngày Chủ nhật 20/3/2011 về thăm nơi sơ tán cũ.

Dự kiến sẽ về thăm nhà thờ họ Phùng ở xã Thống Nhất (nay là xã Hữu Văn, Chương Mỹ) và ghé qua nơi trại trẻ sơ tán đầu tiên, ở Vân Đình (thôn Thành Vật, xã Đồng Tiến, Ứng Hòa).

Cô Bình Định nói, nếu được đi cùng hội Trại trẻ Sơ tán BND lần này thì cô rất mừng, sẽ chưa về TP.HCM vội và ở lại để tham dự.

Các bạn có góp ý kiến gì về chương trình đi không?
Những ai tham dự được xin mời đăng ký gấp để còn sắp xếp tổ chức, thuê xe!

------------------------

Hoàng Tuấn Vũ:
Re: Chuc mung Sinh nhat

Cám ơn các anh nhiều vì sự quan tâm đến các thành viên.
Em, Vũ

------------------------

Nguyễn Hữu Chân
Re: Chuc mung Sinh nhat

Cám ơn hội TTST BND rất rất nhiều! Mỗi năm một già thêm, sợ lắm!
Chân

13/3/11

Gặp mặt Xuân Tân Mão

Hôm nay, cuộc gặp mặt đầu Xuân vui vẻ là nhờ công lớn của các cụ đã đến cổ vũ cho hội TTST BND. Để các bạn gần xa biết tin tức mới, xin đăng ảnh kỷ niệm chụp riêng các cụ, các ảnh khác sẽ đăng dần sau:

Từ 13-03-2011
Từ trái sang phải,
Hàng đầu: cô Ký, cô Phạm Thanh (cô Xuyên), cô Linh, cô Trịnh Hải (cô Hà), cô Minh, cô Lê Bình (cô Hòa), cô Định, cô Hồ Vân, cô Yến (Ban Tư liệu), cô Liên
Hàng sau: chú Quang An, chú Phạm Thanh, chú Đặng Phò, chú Đặng Ha, chú Tích (người đã đi khỏi báo ND từ năm 1957, hôm nay rất vui vì được mời tham dự), chú Nguyễn Sinh, chú Ngô Thi, cô Sửu (thực ra gọi là chị Sửu thì hợp tuổi hơn, nay là nhà thơ với bút danh Hồ Thu), chú Trịnh Hải

Còn chú Trần Quỳnh không thấy trong ảnh, không hiểu chú chạy đâu. Hôm nay chú vác đến một máy quay phim trông hiện đại và liên tục tác nghiệp "phục vụ" nhiệt tình cho cuộc giao lưu của hội TTST BND.

5/3/11

Có một blog …

Từ: Phạm Thanh Hà
Em vừa lang thang miền tây Nghệ An về, trước khi đi đã gửi bài của chị Ninh Hà viết về hội ttst bnd để đăng nội san nhân dịp báo Nhân Dân 60 năm, giờ gửi lên đây để mọi người chia sẻ nhé, em chỉ viết lời dẫn thôi.
Cũng sắp đến lúc viết về thế hệ sau của Trại trẻ báo Nhân dân rồi. Báo Thời Nay giờ có hai cháu: Lưu Phương Mai (con anh Lưu Phương Bình) và Phạm Minh Nguyệt (con chị Thái Hòa) đang làm việc. Em thật sự vui mừng vì các cháu đều đã và sẽ là những phóng viên rất tốt.

Dưới đây là bài viết:

Những đứa con một thế hệ nhà báo – chiến sĩ
Vũ Ninh Hà - Tháng 1-2011

Bọn trẻ “đại gia đình con nhà báo” của chúng tôi
thời đạn bom ngày ấy…(khoảng 1967)
Có một blog mang tên “Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân dân” (ttst bnd), mà blast có thể ngạc nhiên trong giới chơi blog: “Ngày ấy chúng ta vẫn quen gọi là "TRẠI TRẺ", thành lập cuối năm 1964, từ khi Mỹ bắt đầu ném bom đánh phá miền Bắc, cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết tháng 01/1973 mới giải thể. Trại đã là TỔ ẤM cho đám trẻ gồm đủ các lứa tuổi, từ bé lẫm chẫm cho đến 14, 15” . Hơn ba năm nay, blog ttst bnd cũng trở thành một tổ ấm với nhiều thành viên trại trẻ, xưa lẫm chẫm thì giờ cũng đã ngấp nghé tuổi “tri thiên mệnh”, xưa thiếu niên nhanh nhẹn giờ tóc điểm sương. Người đã thành ông, bà, cũng có người đã khuất. Hơn 135 thành viên, cho dù mỗi người một cảnh ngộ, mỗi người một phương trời, bao giờ nhớ kỷ niệm của thời sơ tán thì lại vào blog, gửi cho nhau những lời thân thiết, kể với nhau vô vàn kỷ niệm, cùng sống lại một thời ấu thơ mà có lẽ không thế hệ nào nữa sau này phải trải qua, đầy gian khó nhưng tuyệt đẹp.

Bài viết với tựa đề “Những đứa con một thế hệ nhà báo - chiến sĩ” là của một trong những thành viên trại trẻ, chị Vũ Ninh Hà, con gái nhà báo Vũ Tuất Việt và nhà báo Tuệ Quỳnh. Chị Ninh Hà vẫn thường xuất hiện trên trang quốc tế báo Thời Nay, một ấn phẩm sau này của báo Nhân Dân, với tư cách cộng tác viên, bút hiệu Hà Nam Nhi.



… Đó là một con ngõ nhỏ, như bao ngõ nhỏ khác của Hà Nội, nằm trên đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), nhìn sang Hỏa Lò (một thời còn được gọi là “Hilton Hà Nội”, nay chỉ còn góc nhỏ chứng tích) và Tòa án nhân dân tối cao. Con đường chạy giữa khu phố “Tây”, có hàng sấu cổ thụ… “Hà Nội không lẫn vào đâu được”, cùng những ngôi biệt thự nhỏ mang phong cách kiến trúc colonial làm nên nét duyên thầm của của thành phố. Từ trong ngõ đi ra, rẽ sang bên phải, vượt qua tòa Đại sứ quán Cộng hòa Cu Ba, sẽ tới phố nhỏ Dã Tượng. Bên kia là phố Thợ Nhuộm…

Cha mẹ chúng tôi - các nhà báo Hà Nội ngày ấy
bên gốc đa nay đã trở thành biểu tượng
Khu nhà của đám trẻ nhỏ chúng tôi – sinh ra trước và sau 1954 một vài năm, có thể coi là thế hệ trẻ đầu tiên của Hà Nội ngày hòa bình lập lại - nằm trong ngõ phố nhỏ đó. Bố mẹ chúng là cán bộ, phóng viên, biên tập viên của một tờ báo trung ương. Hà Nội những năm sáu mươi, sau ngày giải phóng Thủ đô, trước khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, đối với chúng tôi là cả một thiên đường thanh bình. Sáng sáng, trước giờ tới lớp, chỉ cần đi bộ tới đầu đường Dã Tượng, Thợ Nhuộm là các cô cậu học trò đã có thể thỏa sức ăn xôi chỉ với một vài hào (một phần mười đồng). Xôi lạc, xôi đậu xanh, đậu đen, bánh đa kê, xôi xéo, xôi ngô (bắp) gói trong lá sen, đến giờ vẫn dậy thơm ngào ngạt một miền ký ức trong tôi. Có một ông bán hàng, có lẽ người gốc Hoa, chuyên quảy đôi thạp gỗ, ngày nào cũng rao bán tào phớ (tàu hũ), chí mà phù (chè mè đen) tận trong hẻm nhỏ. Lại có một “bà lông gà lông vịt” (theo “ngôn ngữ” của bọn trẻ chúng tôi ngày ấy) chuyên thu mua lông gia cầm, chai lọ, phích nước (bình thủy) vỡ, dùng kẹo mạch nha đổi lấy. Giờ này, nếu còn trên dương thế thì các bác ấy có lẽ đã không còn có thể quảy gánh được nữa rồi…

Trò chơi của bọn trẻ trai thường là đánh khăng, đá cầu, chơi bi… Con gái thì chơi chuyền, nhảy dây, chơi ù… Chúng tôi cũng thường ra đường Lý Thường Kiệt, hóng làn gió lao xao thổi dọc con đường, thẩn thơ dưới hàng sấu xanh mát (màu xanh lạ lùng của lá cây sấu qua bốn mùa mưa nắng luôn làm người Hà Nội ngỡ ngàng). Mùa hoa nở, hoa sấu nhỏ li ti, rụng thành thảm trắng ngà trên vỉa hè. Biết đâu có một trái sấu chín vàng rụng xuống! Cây hoàng lan trong sân ngôi biệt thự đầu ngõ nhiều tuổi rồi, lúc nào cũng ngây ngất hương hoa. Hàng rào một ngôi biệt thự khác lại phủ đầy ti-gôn sắc hồng, gợi nhớ đến bài thơ lãng mạn nổi tiếng một thời của T.T.K.H. Đôi khi chúng tôi theo đường Quang Trung, nơi có Nhà hát thành phố (nay là Cung văn hóa Hữu Nghị), Sở Công an, qua các phố Trần Quốc Toản, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du tới tận hồ Thuyền Quang vây quanh bởi những ngôi biệt thự trầm mặc, nhặt lá đa chơi hay ngắm mặt nước hồ yên ả. Trưa tới, giữa bầu không gian trong vắt, tiếng nhạc hiệu “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam” cất lên ngân nga, thiêng liêng mà ấm áp. Sớm chủ nhật, cả ngõ nhỏ rộn ràng những “Bài hát theo yêu cầu thính giả”, với các giọng ca Thương Huyền, Quốc Hương, Tân Nhân, Trần Khánh, Trần Hiếu… hay những buổi giới thiệu âm nhạc cổ điển (mà sau này “biến thành” hành trang văn hóa của chúng tôi tự lúc nào)…

… và bây giờ, đây là bọn trẻ ngày xưa
Bọn trẻ chúng tôi thích nhất là được theo cha mẹ đến cơ quan làm việc. Đến “cơ quan” đối với chúng tôi tựa như về với gia đình lớn quen thuộc vậy. Cuộc sống của người lớn đã đành, nhưng của cả bọn trẻ chúng tôi nữa, cùng chung nhịp với nhịp độ làm báo của tòa soạn, nếu không nói là với những chủ đề thời sự lớn của đất nước. Trụ sở báo đặt trong một tòa biệt thự lớn của chính quyền thuộc Pháp ngày xưa, khuôn viên rất rộng. Mặt trước là phố Hàng Trống, đối diện với Nhà thờ lớn nằm ở đầu kia phố Nhà Thờ, sau lưng có thể nhìn thấy Tháp Rùa giữa Hồ Gươm, rồi đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc. Bên kia hồ là Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, vườn hoa Chí Linh, xa hơn tới Ngân hàng quốc gia, đài phun nước Con Cóc, Nhà hát Lớn… Từ đây, chúng tôi có thể đi đến hiệu sách tổng hợp ở phố Tràng Tiền hay đến rạp Kim Đồng trên phố Hàng Bài xem phim – những địa chỉ văn hóa quen thuộc của thế hệ trẻ Hà Nội sinh ra ngay trước hoặc sau ngày hòa bình, ra phố hàng Đào đầu khu 36 phố phường ngắm xe điện chạy leng keng, ăn kem Bốn Mùa… đều gần.

Hồi đó, xe đạp là phương tiện đi lại thuận tiện nhất. Từ Lý Thường Kiệt tới Hàng Trống, chúng tôi thường theo đường Hỏa Lò, gặp Hai Bà Trưng thì đi tiếp đường Phủ Doãn (bên kia bờ tường là bệnh viện Phủ Doãn, nơi bà nội đã sinh ra cha tôi, nay là bệnh viện Việt Đức) rẽ vào Ấu Triệu, ngang qua sân rộng Nhà thờ lớn, hết quãng ngắn của phố Nhà Thờ là đến…

Trong vườn tòa báo có một gốc đa cổ thụ, tuổi đã trăm năm có lẻ. Chúng tôi thường cột hai chùm rễ đa buông lại với nhau, làm thành chiếc ghế đu mà đứa trẻ nào cũng muốn được ngồi để bay lên cao tít. Chính bên gốc đa này, chúng tôi thường có “cơ hội” được gặp mặt các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước lúc ấy, thường xuyên tới tòa soạn chỉ đạo làm báo hoặc thăm hỏi cán bộ. Hơn năm chục năm sau, hình ảnh gốc đa vẫn in sâu trong ký ức chúng tôi, trở thành biểu tượng thân quen của tòa soạn. Trước tòa nhà chính là một hoa viên, với những khóm cây được cắt tỉa chu đáo làm thành những khối cầu lớn hay lớp rào ngay ngắn. Lại một cây sấu cổ thụ nữa, mọc cao vượt lên mấy tầng nhà.

Ban biên tập và tổ thư ký của báo làm việc trên tầng này. Những người cha, người mẹ – nhà báo của chúng tôi chỉ trở về khi maquette của bản báo sớm mai đã hoàn tất. Đôi khi tôi được thức cùng cha. Rồi để được ông đưa đi ăn một bát phở hay một tô mì nóng dù trời đã khuya. Đó là một trong những giờ khắc hạnh phúc nhất tuổi ấu thơ tôi…

Những ngày tin tức dồn dập, khi màn đêm buông xuống từ lâu, ngước lên, các phòng làm việc vẫn sáng đèn. Đêm 5-8-1964 là một trong những đêm như thế. Những ngày sau đó, biết bao đêm tòa soạn sáng ánh đèn, ánh sáng có sức hút chúng tôi dõi về hướng Thủ Đô thân yêu những ngày đạn bom sắp tới…


Tạm biệt Hà Nội, tạm biệt những tháng ngày yên bình trong trẻo. Cả nước hành quân, cả nước lên đường. Cả nước đêm đêm chong đèn thức cùng miền Nam. Còn nhỏ, nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là tránh đạn bom thù và học cho giỏi. Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua chiến tranh trong đại gia đình “con cái các nhà báo” của chúng tôi như thế. Hết Vân Đình, tới Tuy Lai, Tụy An, Thống Nhất (một số địa phương thuộc tỉnh Hà Tây cũ). Đến trường với mũ rơm trên đầu và túi cứu thương trên vai, học đào giao thông hào, dựng hầm chữ A, ăn cơm độn bột mì, khoai sắn… Những ngày chiến sự tạm lắng xuống, có dịp về lại Hà Nội một hai ngày, thành phố với tôi vừa quen vừa lạ. Khu nhà chúng tôi ở giờ có thêm những căn hầm trú ẩn, đường đến cơ quan mỗi khúc lại có một tăng-xê (hố trú ẩn tròn nhỏ). Lâu lâu còi báo động lại hụ lên giữa thành phố vắng tiếng con trẻ. Cũng như cha mẹ của nhiều bạn bè khác, mẹ tôi đến cơ quan đầu đội mũ cứng gắn sao vuông. Bà là phóng viên Ban Miền Nam, vì công việc sau đó đã đi từ Mục Nam Quan tới bờ bắc sông Bến Hải. Cha tôi lúc ấy đã là phóng viên ở chiến trường B, bỏ lại gia đình nhỏ ở Hà Nội mười mấy năm đằng đẵng…

Hai thế hệ cùng chung vui
Thế hệ chúng tôi, những đứa con của những nhà báo – chiến sĩ, đã lớn lên như thế. Tình yêu đất nước và lòng nhớ thương Hà Nội đã thành hình như thế. Học thương cha mẹ, thương mình, thương bạn như thế. Trong số bọn trẻ chúng tôi thuở ấy, một số tham gia quân ngũ, có người đã nằm lại chiến trường, mãi mãi ra đi không trở về. Nhiều người đến lượt mình tiếp tục theo đuổi nghiệp làm báo của cha anh, như các nhà báo Huỳnh Dũng Nhi (mới mất), Huỳnh Dũng Nhân (Tổng biên tập tạp chí Nghề Báo – hai con trai nhà báo Huỳnh Lý), Hoàng Tuấn Phong (Báo Nhân Dân), Hoàng Tuấn Vũ (nhà văn, nhà báo – hai con trai nhà báo Hoàng Tuấn Nhã), Hà Huy Hiệp (TTXVN), Hà Huy Hồng (Báo Nhân Dân – hai con trai nhà báo Ngô Thi), Phan Vị Hoàng (con trai nhà báo Phan Quang), Phạm Thanh Hà (con gái nhà báo Phạm Thanh)…Nhiều người trở thành nhà khoa học với học hàm tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư, doanh nhân thành đạt hay hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ hoặc lập nghiệp ở nước ngoài… như giáo sư Lê Khánh Châu (con trai nhà báo Lê Khánh Căn và nghệ sỹ Tân Nhân), tiến sỹ Huỳnh Ngọc Thụy (con gái nhà báo Huỳnh Lý), Đặng Hoàng Nam (con trai nhà báo Đặng Minh Phương), như Trương Hải Đường, Trương Việt Khánh (con gái và con trai nhà báo Lê Dân), Phạm Hiếu Dân (con trai nhà báo Phạm Lợi), Nguyễn Hồ Nguyên (con trai nhà văn Nguyễn Văn Bổng), Đỗ Huy Bắc (nhà sưu tập nghệ thuật, con trai nhà báo Lê Điền), Vũ Quốc Lộc (con trai nhà báo Vũ Quang Chí), Nguyễn Văn Ngọc, Trần Minh, Phan Hoài Nam (cùng chị Phan Bích Diệp và em Phan Phương Liên – các con gái của nhà báo Phan Thao, cháu nội cụ Phan Khôi), bốn chị em Ngô Phương Hồng, Mai, Hà, Điệp (các con gái bác sĩ – nhà báo Ngô Văn Quỹ), Vũ Ninh Hà (con gái nhà báo Vũ Tuất Việt)… Và còn rất nhiều gương mặt khác mà tôi thành thật xin lỗi vì không thể kể ra hết.

…Hà Nội của tôi “một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Chỉ trong quãng đời ngắn ngủi hơn năm mươi năm, chúng tôi có diễm phúc được chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội, của đất nước, với những thời khắc sáng chói và những sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Những đứa trẻ ngõ phố nhỏ ngày nào giờ đã tỏa đi khắp bốn phương, nhưng những tự tình về một thuở nhớ thương và kiêu hãnh không thể quên trong lòng vẫn ào ạt chảy…

4/3/11

Nhân ngày Quốc tế Phụ Nữ

Ban Liên lạc có thể cho mình xin danh sách?

TTST BND: Mời bạn xem qua vài e-mail gửi về blog, trong đó hay nhất có lẽ là thắc mắc và đề nghị của anh Lê Thanh Bình (anh của chị Thu Hà, con chú Lê Bình), làm mọi người thấy thật có lỗi, áy náy vì sao không "kết nạp" anh LTB vào hội TTST BND từ lâu rồi (?)

-----
22/02/2011 4:18 CH

Kính gửi các anh các chị TTST BND,

Em xin chân thành cám ơn các anh các chi đã gửi thiệp chúc mừng sinh nhật. Nhân đây em cũng chúc các anh các chi sức khỏe và tràn ngập những niềm vui trong năm mới 2011.

Em Tường Vân

-----
05/03/2011 11:35 SA

Xin gửi lời cảm ơn đến các anh, chị và các bạn đã chúc mừng sinh nhật Trịnh Sơn. Mong rằng tình đoàn kết, thương yêu của anh em trại trẻ báo Nhân Dân mãi bền vững và luôn phát triển.

Trịnh Sơn

-----
Từ: Lê Thanh Bình
Ngày gửi: 02 tháng Ba, 2011, 5:25 PM

Thân gửi các bạn TTST BND,

Rất vui được biết có trang web blog của Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân.
Rất tiếc là hồi đó mình lại sơ tán bên Trại trẻ Nhà In Báo Nhân Dân nên không biết mình có được vào là thành viên hay không (cô em gái mình là Lê Thu Hà thì đã là thành viên TTST BND rồi).

Vậy Ban Liên lạc có thể cho mình xin danh sách và địa chỉ e-mail của các bạn TTST BND không?

Nếu được mình rất cám ơn.

Mình có gặp nhiều bạn TTSTBND trong một lần khi viếng đám tang cô Tân Nhân, buổi tối đó có Ngọc (con chú Lưu) đãi tiệc nhân Khánh Châu (con chú Khánh Căn) từ Đức về (chịu tang mẹ).

Hôm đó có đông đủ các chú trong Ban Liên lạc Hưu trí, các bạn Trần Minh, Huy Bắc, Dũng Nhân... (rất tiếc sau đó mình thất lạc số di động của mọi người... kg có dịp gặp lại).

Cũng vì không cập nhật danh sách, nên mình muốn mà không thể tham gia đoàn TTST viếng anh Dũng Nhi.

Qua danh sách này và qua blog, mình có lại được mối liên hệ với các bạn.

Thân chào
Lê Thanh Bình
(con chú Lê Bình)

-----
TTST BND Xin gửi các bạn thông báo gấp:

Ngày 9/3/2011 cô Bình Định (cựu phụ trách TTST) ra HN để họp mặt Báo Nhân Dân (họp hôm 10/3 - để kỷ niệm 60 năm BND ra số đầu).

Các bạn có cao kiến gì về chương trình sinh hoạt hội TTST BND nhân dịp cô Bình Định ra (họp mặt, đi tham quan v.v... vào Thứ 7 12/3 và Chủ nhật 13/3 )??? ..... Xin báo lại ngay nếu có ý kiến!