25/11/10

“Bất cứ ở đâu, trong bất cứ việc gì, Tôi đều vượt quá giới hạn có thể ” - Đostoevski

Kỷ niệm ngày sinh nhà văn Nga Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, 11/11, Vũ Tuấn Hoàng có dịch bài viết nhan đề như trên của Stefan Zweig, đăng tại trang web của Hội Nhà văn. TTST BND trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

Hội nhà văn - vanvn.net:
Cập nhật: 16:12:00 11/11/2010
Stefan Zweig ( Nhà văn Áo)
Fyodor Mikhailovich Dostoevsky
Trong một bức thư gửi bạn, Đostoevski không dấu được vẻ tự hào đã tuyên bố một cách hùng hồn như vậy.
Truyền thống - một bức tường thành bằng đá được Quá khứ dựng lên bao vây xung quanh Hiện tại. Ai đó muốn lọt vào Tương lai thì phải vượt qua được bức tường đó. Tuy vậy, thiên nhiên không dung thứ cho sự nấn ná trong nhận thức. Nó rất cần một trật tự song lại yêu thích những ai phá bỏ trật tự đó để giải phóng sức mạnh của chính bản thân mình. Nó luôn luôn tạo nên những con người đi chinh phục, xuất phát từ những bến bờ gần gũi của tâm hồn để ra khơi vượt trùng dương tới những sứ sở xa lạ của Trái tim cũng như những miền đất chưa in dấu chân người của thế giới tâm linh. Nếu thiếu sự vượt ngưỡng này của những con người quả cảm, thì loài người đã bị cầm tù trong chính bản thân mình và sự tiến hoá của con người cũng chẳng khác gì chạy quanh cái cối xay, nếu thiếu những con người truyền tin vĩ đại này, những người vượt lên trên chính bản thân mình, thì các thế hệ sau sẽ chẳng tìm ra được con đường cho bản thân, nếu thiếu những con người mơ mộng vĩ đại này, thì loài người cũng đâu biết được cái sứ mệnh sâu xa của mình.
Trong những nhà văn vĩ đại vượt qua được những giới hạn trong văn chương, Đostoevski là người chiếm vị trí tiên phong. Trước ông, chưa một ai khám phá được trong tâm hồn con người nhiều những miền đất lạ đến như vậy. Trước ông, chưa bao giờ loài người lại nhận thức được một cách sâu sắc cơ chế cũng như sức mạnh phi thường của thế giới tâm linh. Nếu như không có ông bước qua những giới hạn, thì nhân loài sẽ rất hạn chế trong việc nhận biết các bí mật tiềm ẩn của mình. Đứng trên đỉnh cao của tác phẩm Đostoevski, chúng ta phóng tầm mắt về tương lai xa hơn bao giờ hết.
Giới hạn đầu tiên mà Đostoevski đã bước qua - Đó chính là nước Nga. Ông đã phát hiện ra chính dân tộc mình cho cả thế giới, mở rộng khái niệm Châu Âu và là người đầu tiên tạo nên khả năng nhìn thấu tâm hồn Nga như là một phần giá trị của tâm hồn nhân loại. Trước ông, nước Nga chỉ được xem như là danh giới để phận định Âu Á, là một khoảng trống trên bản đồ, một mảnh còn sót lại của một thời thơ ấu man dã của nhân loại. Lần đầu tiên, ông chỉ ra cho chúng ta thấy sức mạnh rời non lấp biển tiềm ẩn trên mảnh đất hoang vu này, qua tác phẩm của ông chúng ta cảm thấy nước Nga như cái nôi sinh ra một niềm tin mới, một chương mới trong bản anh hùng ca của nhân loài. Ông đã làm mầu mỡ thêm trái tim của con người bởi kiến thức và niềm hy vọng. Ông lay động và nhen nhúm lên trong tâm hồn chúng ta dự báo về những khả năng chưa đựơc biết tới. Ông là người đầu tiên đốt lên điểm sáng lung linh của một dân tộc mới và buộc chúng ta phải khao khát mong muốn làm sao để cái đốm sáng rực rỡ như tuổi thơ của nhân loài, thấm đẫm vẻ tươi mát tâm linh được rót chảy vào phần Châu Âu già cỗi, mệt mỏi. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, chúng ta đã cảm thấy tất cả những gì chúng ta biết về nước Nga. Chúng ta biết được là nhờ Đostoevski. Ông đã cho chúng ta khả năng cảm nhận được trong đất nước thù địch này một tấm lòng anh em.
Sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn – Đó là quá trình làm giàu văn hoá thế giới bởi tư tưởng Nga ( điều này, may ra chỉ có Puskin đạt được nếu như ở vào tuổi ba bảy ông không bị tử thương trong một cuộc đấu súng) . Còn sâu sắc và ý nghĩa hơn nữa - Đó là sự mở rộng to lớn quá trình tự nhận thức về tâm hồn chúng ta trong văn học. Đostoevski là một nhà tâm lý nhất trong các nhà tâm lý.Chiều sâu của trái tim con người cuốn hút ông một cách ma quái. Cái vô thức, cái tiềm thức, cái bí ẩn – Đó mới là thế giới đích thật của ông. Từ thời Sekspia, chúng ta không được biết nhiều đến như vậy về bí ẩn của thế giới tình cảm, về những qui luật huyền hoặc và sự đan xen hoà quyện giữa chúng, giống như người anh hùng huyền thoại Ođise, người duy nhất trở về từ địa ngục, ông kể về địa ngục của tâm hồn. Cũng giống như Ođise, ông luôn luôn được một thiên thần và một ác quỉ nào đó đi tháp tùng.
Căn bệnh động kinh đã nâng ông lên đến tột đỉnh của các miền cảm xúc mà những người khoẻ mạnh không biết tới được. Nó đẩy ông vào một trạng thái hoảng sợ đến mức kinh hoàng, một trạng thái đã ở bờ bên kia của sự sống. Căn bệnh quái ác đã tạo cho ông khả năng hít thở một bầu không khí lúc thì băng giá lúc lại nóng như hoả diệm sơn của thế giới vô sinh, ngoài sự sống. Như một con thú đêm đi trong bóng tối, ông lại nhìn thấy rõ hơn người khác giữa ban ngày. Trong một trạng thái “hoả diệm sơn” như vậy, người khác thì đã cháy thành tro, nhưng ông lại nếm trải được nhiệt độ đích thực của các cảm xúc. Ông đã sống qua một tâm hồn khoẻ mạnh và rơi vào một tâm hồn không bình thường – chính tại đây ông đã cảm nhận được cái bí ẩn sâu thẳm nhất của sự sống. Ông đã đối diện với sự mất trí. Như một kẻ mộng du, ông bước chênh vênh trên những đỉnh cao của cảm xúc mà nếu phải người bình thường thì đã ngã nhào xuống bất tỉnh. Đostoevski lặn sâu vào tầng tiềm thức bí ẩn, hơn cả các bác sĩ, luật sư, các chuyên gia về tội phạm, các nhà tâm thần học. Tất cả những gì khoa học phát hiện ra và khẳng định sau này, tất cả những gì mà khoa học trong khi thử nghiệm giống như dùng con dao mổ tách khỏi những kinh nghiệm chết cứng các hiện tượng như : thần giao cách cảm, ảo giác, bệnh điên và sự thoái hoá. Đostoevski đã phản ánh chúng nhờ khả năng huyền bí của nhà tiên tri nhìn thấu tương lai và sự đồng cảm. Khi lần theo các cung bậc khác nhau của thế giới tinh thần, Đostoevski đã đạt tới giới hạn của sự mất trí ( vượt ngưỡng của tinh thần) giới hạn tội ác ( vượt ngưỡng của tình cảm) để bộc lộ ra những khoảng không gian bao la chưa từng in dấu chân người của tâm hồn. Khoa học già nua đã gấp trang cuối cùng của cuốn sách và Đostoevski đặt những viên gạch đầu tiên cho nền tâm lý học mới trong nghệ thuật.
Nền tâm lý học mới là một khoa học của tâm hồn với những phương pháp biện chứng của mình. Nó là một nghệ thuật mà trong nhiều thế kỷ được hiện diện như một thể thống nhất không thay đổi và chỉ phục tùng những qui luật mới mà thôi. Trong bộ môn khoa học này, thường có những đột biến, những kỳ tích của nhận thức được thu lượm nhờ có những phân tích và qui định mới, giống như trong hoá học bằng con đường thực nghiệm dần dần giảm đi số lượng các nguyên tố cơ bản có cảm tưởng không thể phân chia được nữa và cho đến ngay nay vẫn tiếp tục tìm thấy những tổ hợp về chất được xem là đơn giản. Đối với tâm lý học cũng vậy, dưới tác dụng của những phân hoá tăng lên, nó hoà tan cái thống nhất của tình cảm vào các hành động và xung đột vô cùng của các tác nhân kích thích khác nhau. Không tính đến sự sáng suốt thiên tài của một số ít người, thì giữa tâm lý học cũ và mới có một dải phân cách là không còn nghi ngờ gì nữa. Từ Hôme cho đến Secxpia, có thể nói rằng chỉ tồn tại một dạng tâm lý đơn tuyến. Con người vẫn chỉ là một công thức bằng xương bằng thịt: Ođisei – tinh ranh, Akhin – Dũng cảm, Aiak - dễ nổi khùng, Hécto – Thông thái...Mỗi một quyết định, mỗi một hành động của những nhân vật này đều trưng ra giữa thanh thiên bạch nhật, trên bề mặt bằng phẳng của ý trí. Và, Secxpia, một nhà thơ đứng trên lằn ranh giới giữa nghệ thuật cũ và nghệ thuật mới, đã tái hiện các nhân vật của mình sao cho những điểm chủ đạo luôn luôn lấn át những làn sóng nổi lên chống lại của bản chất con người họ. Nhưng cùng với đó, ông là người đầu tiên gửi đến cho thời đại chúng ta một mẫu người mới mang tinh thần của thời Trung cổ. Trong nhân vật Hamlet của mình, lần đầu tiên ông tạo dựng nên được một con người hoài nghi, tộc trưởng có một tâm hồn phân hoá hoàn toàn mới. Ở đây, lần đầu tiên –trên tinh thần của tâm lý học mới – ý chí bị bẻ gẫy bởi những chướng ngại, tấm gương tự quan sát được lắp đặt ngay trong chính tâm hồn, con người được tái hiện đang nhận thức chính bản thân mình và sống một cuộc sống hai mặt - cả bên trong lẫn bên ngoài. Con người tư duy trong hành động và biểu hiện bản thân trong tư duy. Ở đây lần đầu tiên con người sống như chúng ta cảm nhận cuộc sống và cảm như chúng ta cảm bây giờ - sự chân thật. Trong lúc chạng vạng của nhận thức : Hoàng tử Đan Mạch còn bị bao phủ bởi bao thứ màu mè của thế giới hư ảo. Thay vào ước mơ và những dự cảm, nước hoa và các loại rượu thần bí đã tác động lên trí óc đang run rẩy của chàng. Nhưng, chính ở đây đã xảy ra một sự kiện tấm lý quan trọng : Sự phân đôi tình cảm. Một khoảng trời mới của tâm hồn được phát hiện và đặt nền móng cho những nhà nghiên cứu trong tương lai. Các nhân vật lãng mạn của Bairơn, Gớt, Sheli và Vonter, cảm nhận được sự mẫu thuẫn vĩnh cửu giữa dục vọng của bản thân và thế giới lạnh lùng bên ngoài. Bằng các cảnh báo của mình, họ đã góp phần tác dụng lên quá trình phân chia cảm xúc về mặt hoá học. Khoa học chính xác thời đó đã cung cấp thêm một số kiến thức quí giá. Thế rồi Stanđan xuất hiện. Ông biết còn nhiều hơn tất cả các bậc tiền bối, về sự kết tinh của các trạng thái tình cảm, về tính đa diện và phức tạp của cảm xúc và khả năng biến hoá của chúng. Ông tiên cảm được sự giằng co bí ẩn của trái tim đối với mỗi quyết định của mình. Song, sự lười biếng tâm linh nằm trong chính thiên tài của ông, rồi cái uể oải bất cần đời của tính cách đã cản trở ông rọi sáng toàn bộ cái năng động của vô thức.
Chỉ có Đostoevski, một người chuyên phá huỷ sự thống nhất, một nhà nhị nguyên vĩnh cửu, mới đột nhập vào được cái lĩnh vực bí ẩn này. Nếu như ông không tạo dựng được một cách hoàn chỉnh phương pháp phân tích tình cảm thì cũng chưa có ai làm được điều đó. Thế giới tình cảm thống nhất của nhà văn bị băm nát ra giống như ở chính các nhân vật của ông – tâm hồn có một cấu trúc hoàn toàn không như những người khác. Trước ông, có nhà văn nào đó đã tiến hành những phân tích tâm hồn táo bạo nhất, thì cũng trở nên hời hợt nông cạn nếu đặt cạnh bên các tác phẩm của Đostoevski. Điều này có thể so sánh với quá trình phát triển của kỹ thuật điện tử ba chục năm trước đây : lúc đó mới chỉ phôi thai những nguyên tắc khởi thủy đầu tiên, chưa hề có những nội dung chi tiết và cơ bản. Trong môi trường tinh thần của ông không có thứ tình cảm đơn giản, những nguyên tố không thể chia cắt : bất cứ tình cảm nào cũng chỉ là chiếc đồng hồ đo điện, một hình thức nhất thời, chuyển đổi, quá độ. Trong quá trình biến hóa và hòa nhập bất tận, tình cảm chuyển động một cách run rẩy và loạng choạng, song cuộc tranh cãi điên cuồng giữa ý chí và sự thật khiến tâm hồn chao đảo. Khó khăn lắm mới đạt được những nên tảng cuối cùng cho quyết định hay mong ước, nhưng rồi lập tức những nền tảng mới, sâu sắc hơn lại mở ra. Lòng căm thù, tình yêu, những khát vọng ngọt ngào, sự yếu đuối, tính háo danh, kiêu hãnh, háo quyền lực, khiêm nhường và lòng kính trọng sâu sắc – tất cả những dục vọng này hòa quyện đan xen vào nhau…
( Còn tiếp)
( Trích trong tuyển tập :
Nhà Văn viết về Nhà Văn – Vũ Tuấn Hoàng biên soạn và dịch)
“Bất cứ ở đâu, trong bất cứ việc gì, tôi đều vượt quá giới hạn có thể ” - Đostoevski (Phần II)
Cập nhật: 10:06:00 24/11/2010
Trong các tác phẩm của Dostoevski – Tâm hồn là cả một thế giới hốn loạn và thiêng liêng. Nhân vật của ông có những kẻ nát rượu vì nỗi buồn nhớ sự trong sạch, kẻ tội phạm vì khao khát ăn năn hối cải, kẻ hiếp dâm vì tôn thờ cái trinh trắng, kẻ phỉ báng Thượng đế vì nhu cầu tín ngưỡng. Nếu như nhân vật của ông mong muốn điều gì, thì niềm hy vọng thực hiện nó luôn giằng co với khả năng không thực hiện được. Sự ngang bướng của họ, nếu dàn trải ra đến tận cùng, không là gì khác ngoài sự xấu hổ bị dấu kín. Tình yêu của họ - Một biến thái của lòng căm thù và lòng căm thù – lại ẩn chứa trong đó tình yêu. Mặt đối lập này sản sinh ra mặt đối lập khác. Nhân vật của ông ưa khoái lạc vì khao khát đau khổ, tự hành hạ bản thân vì tìm kiếm khoái lạc. Trong cái vòng xoáy điên cuồng, cơn lốc của ý chí cũng xoay vần điên đảo theo. Họ cảm thấy thành đạt trong niềm khát khao cháy bỏng, còn trong thành công lại đã có hương vị của sự ghê tởm, phạm tội ác để hưởng sự ăn năn sám hối, lúc xám hối đã có cảm giác của phạm tội. Thật chẳng khác môn lộn nhào, muôn mặt của cảm xúc. Việc làm của bàn tay họ - cũng chưa hẳn xuất phát từ trái tim họ. Ngôn ngữ của trái tim họ - cũng chưa hẳn là thứ ngôn ngữ phát ra từ cửa miệng. Trong từng tình cảm riêng biệt đã tồn tại sự phân chia, đa dạng và đa nghĩa.
Khó tìm thấy ở Dostoevski sự thống nhất của tình cảm, khắc họa con người trong mạng lưới của khái niệm. Chúng ta vẫn xem nhân vật Fedora Karamazov là kẻ hám sắc dục : khái niệm này dường như làm khô cứng bản chất con người anh ta. Tuy nhiên, Xvidrigailov hay chàng sinh viên vô danh trong tiểu thuyết “ Chàng thanh niên” – cũng là những kẻ hám dục. Thật là một trời một vực giữa hai con người này, giữa các tình cảm của họ. Xvidrigailov hám dục một cách lạnh lùng, một sự trụy lạc vô hồn, anh ta tính toán các chiến thuật tha hóa của mình. Còn hám dục của Karamazov – đó là khát vọng sống, sự trụy lạc được dồn đẩy đến mức ngụp lặn trong rác rưởi, một ham muốn sâu xa được vùng vẫy dưới đáy tận cùng của cuộc sống chỉ vì đấy mới là đích thực cuộc sống, khoan khoái tận hưởng sự đê tiện nhất bởi vì đây mới chính là sự thăng hoa của sức sống. Một người hám sắc dục vì buồn chán, người kia – dư thừa tình cảm, cũng tương tự như vậy : một người đầu óc bị kích thích một cách bệnh hoạn còn người khác lại là ngọn lửa hừng hực đốt cháy thường xuyên. Một mặt - Xvidrigailov là người có độ hám sắc trung bình, một tay trụy lạc, một sinh vật nhỏ bé tầm thường, một thứ côn trùng biết cảm nhận, còn chàng sinh viên vô danh – lại là sự trụy lạc của một tâm hồn nổi loạn.
Chúng ta nhìn thấy : nhiều ranh giới tình cảm được dựng lên giữa những con người cùng được xếp vào chung một khái niệm. Riêng chỉ khái niệm hám sắc dục đã được phân chia ra ra thành những nhánh nhỏ bí ẩn riêng.Mỗi tình cảm, mỗi trạng thái rung động ở Đostoevski luôn luôn đựơc đẩy đến chiều sâu tột cùng, đến cội nguồn của mọi sức mạnh, đến mâu thuẫn cuối cùng giữa “ tôi” và thế giới, giữa sự khẳng định “ cái tôi” và sự tự hy sinh bản thân, giữa lòng kiêu hãnh và sự nhẫn nhục, giữa sự phát tán và sức mạnh của lực ly tâm , giữa sự tự đề cao bản thân và tự hạ thấp bản thân, giữa cá thể và Thượng Đế. Có thể gọi những cặp phạm trù mẫu thuẫn này theo đòi hỏi của từng trường hợp riêng biệt, song đây luôn luôn là những tình cảm mâu thuẫn khởi thủy và cuối cùng giữa thể xác và tinh thần. Trước Đostoevski, chưa bao giờ chúng ta biết được nhiều như vậy về sự phong phú của tình cảm, về sự phức tạp đan xen của chúng trong tâm hồn con người.
Song tuyệt diệu hơn tất cả là Đostoevski đã phân chia nhỏ một thứ tình cảm đặc biệt nhất - đó là Tình Yêu. Đây là công lao vĩ đại nhất của ông. Từ thời kỳ cổ đại, tiểu thuyết hay nói đúng hơn là cả nền văn học đã tập trung cả vào cái tình cảm trung tâm giữa đàn ông và đàn bà như cội nguồn của sự tồn tại. Và, nhà văn đã nghiên cứu thứ tình cảm này đến tận cùng, vút lên cao hơn cùng với nó và cũng lặn xuống sâu hơn cùng với nó để đạt được sự nhận thức cuối cùng trọn vẹn. Đối với các nhà văn nhà thơ khác, Tình yêu là mục đích cuối cùng của cuộc sống, là mục đích của sự phán ánh trong các tác phẩm nghệ thuật. Những đối với Đostoevski, tình yêu không phải là yếu tố đầu tiên mà chỉ là một cấp độ sống. Đối với những người khác, giọng nói của sự hòa giải vang lên, mọi mẫu thuẫn đựơc giải tỏa trong cái khoảnh khắc vĩ đại khi tình cảm tự nhiên và siêu tự nhiên, khi hai giới tính hoàn toàn tan biến đi trong một cảm giác siêu phàm. Mọi xung đột trong cuộc sống ở các nhà văn khác trở nên nghèo nàn đến nực cười nếu đem so sánh với Đostoevski . Tình yêu chạm đến con người như một cây đũa thần từ trên thiên giới, là điều bí ẩn là phép thần thông vĩ đại nhất khó lòng lý giải và cũng không cưỡng lại được của cuộc sống. Khi người ta yêu : anh ta là người hạnh phúc nếu cô gái thuộc về anh và bất hạnh nếu chỉ có tình yêu đơn phương. Tình yêu cả hai phía là đỉnh cao chói lọi, là bầu trời của các nhà thơ trên thế giới. Song, bầu trời của Đostoevski còn cao hơn. Vòng tay ôm chặt đối với ông chưa phải là sự hòa hợp, sự hài hòa chưa hẳn là đồng nhất. Đối với ông tình yêu là một hạnh phúc không thể đạt được, không phải là sự dung hòa mà là khởi đầu của mâu thuẫn, là nỗi đau tái phát của một vết thương vĩnh cửu, là đau khổ dữ dội vì cuộc sống hơn ở những thời điểm bình thường khác. Khi các nhân vật của Đostoevski yêu nhau, họ bị mất đi sự bình yên. Trái lại, hơn bao giờ hết họ bị trấn động bởi các mâu thuẫn về sự tồn tại của mình trong thời điểm khi tình yêu gặp gỡ tình yêu. Họ không cho phép bản thân chìm ngập trong trạng thái mãn nguyện: Họ còn cố gắng nâng cao lên hơn nữa. Những đứa con đích thực của sự bất đồng bộ kiểu Đostoevski không bao giờ dừng lại ở khoảnh khắc này. Họ khinh bỉ sự cân bằng yên ả của những giây phút này (những giây phút mà đối với người khác là tột cùng của hạnh phúc) khi mà đôi uyên ương yêu nhau thắm thiết. Nếu có thể gọi đây là sự hài hòa, là giới hạn, thì các nhân vật của ông lại sống vì cái vô giới hạn. Họ không muốn yêu như những người khác vẫn thường yêu. Họ khao khát yêu và luôn luôn trở thành nạn nhân. Họ cho nhiều hơn nhận. Họ luôn ở trong một cuộc tranh đua cuồng loạn của tình cảm cho đến khi nào trò chơi êm dịu thoạt đầu chưa trở thành tiếng gào thét, sự đau khổ hay một cuộc ẩu đả thực sự.
Các nhân vật của Đostoevski chỉ hạnh phúc trong trạng thái tình cảm bị kích động tột độ, khi bị người đời hắt hủi, khinh rẻ, miệt thị, bởi vì lúc đó họ cho, họ hiến dâng và không hề đòi hỏi điều gì, bởi vì ông là một tay lão luyện của nghệ thuật tương phản, lòng căm thù cũng giống như tình yêu và tình yêu cũng chả khác gì lòng căm thù. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi, khi mà họ giường như yêu nhau với một sức mạnh cân bằng thì đúng lúc sự thống nhât của tình cảm bị nổ tung – các nhân vật của Đostoevski không bao giờ có thể yêu nhau đồng thời vừa bằng tình cảm vừa bằng tâm hồn, họ yêu hoặc bằng tình cảm này hoặc tình cảm kia – không bao giờ có sự hài hòa giữa thể xác và tinh thần.
Chúng ta hãy thử nhìn xem các nhân vật nữ của ông ra sao : tất cả họ đều là kiểu phụ nữ như Kunđri ( nhân vật nữ trong vở ca kịch cổ điển Pasifal của Verner – 1857- ND) tồn tại đồng thời trong hai thế giới của tình cảm. Bằng tâm hồn, họ phụng sự Thánh Glalia, nhưng đồng thời họ cũng trác táng đốt cháy thân thể mình tại các vườn hoa của Titurel.Tình yêu hai mặt là một trong những hiện tượng phức tạp nhất đối với nhiều nhà văn, song lại là rất đỗi bình thường và rất đỗi tự nhiên đối với Đostoevski. Nastasia Philipovna trong tiểu thuyết Thằng Ngốc đã yêu công tước Miskin, một thiên thần ủy mị bằng cái phần tinh thần của mình và yêu Rôgzin, kẻ thù của Miskin bằng những đam mê thể xác. Trên ngưỡng cửa của Nhà thờ, cô ta đã rời bỏ công tước để đâm bổ vào giường với người khác, rồi sau khi rượu chè bê tha say lướt khướt lại quay trở lại với vị cứu tinh của mình. Tình thần của cô từ trên cao kinh hãi nhìn xuống những việc làm của thể xác. Thể xác thiếp đi như bị thôi miên khi tâm hồn cô thăng hoa. Điều này cũng xảy ra với Grusenka, cô đồng thời vừa yêu lại vừa căm thù kẻ quyến rũ đầu tiên mình, yêu cháy bỏng Đmitry của mình, song lại cũng phải lòng Aliosa da diết về tinh thần. Người mẹ trong “ Thời niên thiếu” yêu vì lòng biết ơn đối với người chồng đầu tiên, song đồng thời vì những tình cảm phụ thuộc, nô lệ, vì sự cam chịu thái quá vẫn yêu Versilov.
Các nhà tâm lý học dễ tính khác đã đem nhốt chung vào một từ “ Tình yêu” những biến thái của một khái niệm vô giới hạn, không đong đếm được. Đó cũng chính là hiện tượng thời xưa, các bác sĩ đã gộp nhiều nhóm bệnh lý vào một tên gọi mà ngày nay chúng ta có danh sách hàng trăm tên bệnh, hàng trăm phương pháp chữa bệnh. Tình yêu ở Đostoevski có thể biến thái thành lòng căm thù ( nhân vật Aleksandr) thành sự đồng cảm ( Đunhia) tính bộc trực lỗ mãng (Rôgozin) tính đa cảm ( Fêdo Karamzin) hoặc là một kiểu áp lực đối với bản thân, song đằng sau Tình yêu bao giờ cũng là một tình cảm gì đó rất khác và mang tính chất khởi thủy. Không bao giờ có chuyện tình yêu trong tác phẩm của ông lại không lý giải được, không phân chia được, lại là một cái gì đó kỳ diệu hay một hiện tượng nguyên thủy không bình thường. Ông luôn luôn lý giải, phân chia cái tình cảm cháy bỏng nhất này. Những biến thái tình cảm này thật vô giới hạn! Mỗi trạng thái tình cảm lại lấp lánh như cầu vồng bảy sắc, lúc băng giá vì lạnh lúc lại hừng hực hỏa diệm sơn. Vô cùng tận, đầy bí ẩn như chính cuộc sống đa diện vậy. Xin được lấy chỉ một ví dụ : nhân vật Katerina Ivanovna. Cô gặp gỡ Đmitri tại vũ hội. Anh đã tỏ ý không mặn mà với mong muốn làm quen của cô. Điều này khiến cô bị sỉ nhục. Cô căm thù anh. Anh trả thù lại và rẻ rúng cô. Và thế là cô phải lòng anh, chính xác hơn là cô yêu không phải bản thân anh mà yêu cái “rẻ rúng” của anh. Cô đưa mình ra làm vật hy sinh cho anh và nghĩ rằng yêu anh. Song, cô chỉ yêu cái tinh thần xả thân của chính mình mà thôi. Cô càng tưởng rằng yêu anh bao nhiều thì cũng lại càng căm thù anh bấy nhiêu. Lòng căm thù này đổ sập vào cuộc đời và hủy hoại con người anh. Trong cái khoảnh khắc khi cô làm hỏng cuộc đời anh, sự hy sinh bản thân của cô lộ ra mặt giả dối của nó, khi sự “rẻ rúng” được phục thù – thì lại là lúc cô yêu anh. Lưới tình của Đostoevski thật vô cùng rắc rối. Làm sao có thể so sánh được cái mê cung bí ẩn này với những cuốn sách được kết thúc bởi hai người yêu nhau và tìm thấy nhau giữa bao nguy hiểm của cuộc đời? Ở chỗ nào người đời thường đặt dấu chấm hết thì ở đó bi kịch của Đostoevski mới bắt đầu. Ông không tìm thấy ý nghĩa và khúc khải hoàn của thế giới này trong tình yêu, càng không phải trong sự hài hòa ấm cúng của người đàn ông và người đàn bà. Ở đây, ông tiệm cận lại gần với những truyền thống vĩ đại của cổ xưa, nơi mà ý nghĩa cũng như sự vĩ đại của cuộc đời trần thế không phải ở việc chiếm đoạt người đàn bà mà là trong công cuộc chinh phục thế giới và thần linh. Ông sản sinh ra kiểu người không hướng cái nhìn vào người đàn bà mà hướng mặt mình về phía Thượng Đế. Cái bi kịch của ông cao cả hơn nhiều cái bi kịch giới tính, bi kịch của người Đàn bà và người Đàn ông.
Nếu thấu hiểu Đostoevski trong chiều sâu nhận thức này, trong sự phân chia đầy đủ các cảm xúc thì sẽ sáng tỏ một điều : xuất phát từ ông không có con đường ngược lại, trở về quá khứ. Nếu nghệ thuật muốn chân thực, nó không thể làm cái công việc phục hồi những bức tranh thánh rẻ tiền của tình cảm đã bị vỡ nát, không cần phải làm những cuốn tiẻu thuyết cho một giới nhỏ hẹp của xã hội và tình cảm, không cần phải cố gắng che đậy những mảng còn bí ẩn của tâm hồn. Đostoevski đã trao vào tay chúng ta một thông điệp về con người và làm giàu tri thức của chúng ta còn hơn nhiều phát minh trước đó. Không ai có thể đo đếm được, trong suốt năm chục năm kể từ khi sách của ông ra đời, chúng ta giống các nhân vật của ông đến mức nào, rồi bao nhiêu những tiên tri của ông trở thành hiện thực trong huyết quản chúng ta, bao nhiêu những viễn tri đã được biện giải trong thế giới tâm linh của chúng ta! Những miền đất mới mà ông là người đầu tiên đặt chân tới – có thể, đã là mảnh đất của chúng ta. Những giới hạn mà ông đã vượt qua – là quê hương đích thực của chúng ta.
Những chân lý cuối cùng mà chúng ta ngày nay trải qua, đã được chính Đostoevski đích thân khai mở như một nhà tiên tri. Ông khai thác được những kích thước hoàn toàn mới lạ của chiều sâu bản thể con người : không có một người trần mắt thịt nào sống trước ông lại thấu hiểu được nhiều bí ẩn của tâm hồn như ông. Song cũng thật lạ : ông đã mở toang đến vô cùng hiểu biết của chúng ta về chính chúng ta, dạy chúng ta nhiều điều bổ ích, song đồng thời chúng ta cũng học được ở ông cái tình cảm cao thượng của sự ẩn nhẫn, nhún nhường, học được cách cảm nhận tính huyền hoặc của cuộc sống. Nhờ có ông, chúng ta trở nên giác ngộ hơn, song sự giác ngộ này không nô dịch mà giải phóng tâm hồn chúng ta hơn. Điều này cũng giống như những người đương thời cảm thấy được sự hùng vĩ của ánh chớp cũng không kém gì những thế hệ trước họ cho dù người ta đã biết được bản chất của hiện tượng tự nhiên này và gọi nó là sự tích tụ và phóng điện khí quyển. Cũng như sự hiểu biết về cấu trúc của hệ thần kinh con người không hề làm giảm đi sự ngưỡng mộ sùng kính nhân loài. Chính Đostoevski đã chỉ ra cho chúng ta tất cả các thành tố của tâm hồn. Nhà phân tích, nhà giải phẫu tâm hồn vĩ đại đã khai mở một thế giới tình cảm sâu rộng và khái quát còn hơn tất cả các nhà thơ của thời đại chúng ta. Ông thấu hiểu con người sâu sắc hơn bất kỳ ai sống trước ông, hơn bất cứ ai có lòng thành kính đối với những điều không thể hiểu nổi – đối với thế giới thần linh, đối với Thượng Đế.
( Trích trong tuyển tập :
Nhà Văn viết về Nhà Văn – Vũ Tuấn Hoàng biên soạn và dịch)

12/11/10

Thủ thuật tìm kiếm (2)

Xem lại kỳ trước về những thủ thuật với Google: Thủ thuật tìm kiếm
Kỳ này, bài đăng trên PCWorld VN, dành cho những ai muốn thử với các chương trình tìm kiếm "nội".

Thủ thuật tìm kiếm hiệu quả (phần 2)

PC World VN:
Thứ Bảy, 30/10/2010 12:00 (GMT+7)

Tác giả: Minh Hoàng

Các công cụ tìm kiếm trong nước có lợi thế lớn về ngôn ngữ và khả năng xử lý ngôn ngữ tiếng Việt.
Trong bài trước, chúng ta đã biết các thủ thuật và cách kết hợp các toán tử về tìm kiếm đối với Google và các công cụ tìm kiếm sử dụng tiếng Anh. Hiện tại, nhiều công cụ tìm kiếm trong nước (SE - Search Engine) cũng đã khẳng định được tên tuổi ở một số lĩnh vực nhất định, với những tính năng độc đáo mà các SE nước ngoài không có.
Tích hợp sẵn bộ gõ tiếng Việt
Đây là lợi thế lớn nhất của các SE trong nước mà không cần phải cậy nhờ tới các bộ gõ tiếng Việt như Vietkey, Unikey, VietSpell… như khi dùng các SE nước ngoài.
Theo mặc định, chức năng gõ tiếng Việt được ưu tiên bật lên. Nếu bạn cần gõ từ khoá không dấu hoặc tiếng Anh, nhấn vào nút có chữ “V” để chuyển sang biểu tượng “E”.
Các biện pháp tìm kiếm kết hợp thuần Việt
Một số SE trong nước như Xa lộ (xalo.vn) cho phép sử dụng các phương pháp và các từ tìm kiếm kết hợp (gọi là toán tử) thuần Việt: và, hoặc, trừ… để kết hợp các từ khóa lại với nhau. So với các SE dùng tiếng Anh, rõ ràng dùng toán tử tiếng Việt dễ hiểu hơn rất nhiều, nhất là với người dùng còn "i tờ" tiếng Anh.
Toán tử
Mặc định, Xa lộ tìm các tài liệu có tất cả các từ khóa mà bạn nhập. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng các toán tử hoặc + để đảm bảo kết quả trả về có tất cả các cụm từ mà bạn muốn tìm. Ví dụ: "Hạ Long" và "Động Thiên Cung".

Toán tử hoặc
Nếu bạn muốn tìm các tài liệu chứa một trong các từ hoặc cụm từ thì bạn có thể sử dụng toán tử hoặc hay ký tự | ngăn cách giữa các cụm từ. Ví dụ: "Hạ Long | Đồ Sơn"; hay là: "Hạ Long hoặc Đồ Sơn".

Toán tử trừ
Nếu bạn muốn một tài liệu không có một từ hoặc một cụm từ, bạn có thể thêm dấu - hay thêm trừ vào trước từ khóa. Ví dụ: -“khách sạn” hoặc trừ "khách sạn". Lưu ý cần phải có dấu cách trước dấu -.
Kết hợp các toán tử
Bạn có thể kết hợp các toán tử với nhau trong việc tìm kiếm. Ví dụ, nếu bạn muốn tìm tài liệu có từ "Hạ Long" hoặc tài liệu có từ "Đồ Sơn" và có cả từ “Khách sạn" thì Xa lộ sẽ tìm các tài liệu có chứa "Hạ Long" hoặc "Đồ Sơn" và phải có cả "Khách sạn".

Chi tiết bảng kết hợp các toán tử bạn có thể xem ở phần cuối bài viết
Giới hạn phạm vi tìm kiếm
Không giống như các SE nước ngoài chỉ chú ý đến phần tìm kiếm web chung, nhằm giúp bạn giới hạn phạm vi tìm kiếm, SE trong nước phân chia phạm vi tìm kiếm theo Web, Tin tức, Ảnh, Diễn đàn, Blog, Rao vặt... Bạn hãy chọn phạm vi tìm kiếm của mình trước khi gõ từ khoá hoặc sau khi gõ từ khoá, bạn chọn phạm vi giới hạn. Cả hai phương pháp đều cho kết quả như nhau.
Tìm kiếm theo giới hạn sẽ tiết kiệm thời gian và công sức của bạn hơn, sát với nội dung cần tìm kiếm.
Tận dụng chức năng xem theo thời gian
Khi bạn tìm kiếm trong phạm vi Tin tức, phía bên phải kết quả trả lại có phần lọc theo dòng thời gian theo thứ tự mới nhất đến cũ nhất. Đây là tính năng rất hay khi bạn cần tìm những bài báo, nhưng trang thông tin đưa tin theo trình tự thời gian.
Bạn hãy click khoảng thời gian mình cần. Xa lộ sẽ chỉ đưa ra kết quả trong khoảng thời gian mà bạn lựa chọn.
Dùng SE Việt làm công cụ tổng hợp và điểm tin
Hiện có một vài SE Việt cung cấp dịch vụ tìm kiếm, đồng thời tổng hợp lại các nội dung tin tức từ những trang báo điện tử trong nước. Có thể kể đến như news.xalo.vn, news.socbay.vn, news.zing.vn, tintuc.timnhanh.com… Nhiều công cụ thể hiện giao diện giống như một trang tổng hợp tin chuyên dụng chứ không đơn thuần là một trang tìm kiếm thông tin.
Để xây dựng và hoàn thiện chức năng tổng hợp tin không phải là đơn giản. Những nỗ lực của một số SE dám mạnh dạn cung cấp thêm dịch vụ tiện dụng cho người dùng rất đáng khích lệ. Hiện tại, khá nhiều người đã có thói quen lướt qua các dịch vụ tổng hợp tin để xem tình hình trong nước và thế giới hàng ngày, bớt khá nhiều công sức phải vào lần lượt từng trang tin khác nhau. Hy vọng trong thời gian tới, những SE này sẽ tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện để mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng.
Điểm khác biệt giữa các chuyên trang về tổng hợp tin như Báo Mới, Việt Báo… với những SE có chức năng tổng hợp tin là các chuyên trang tổng hợp tin thường lấy dữ liệu từ các trang khác nhau và cho phép người dùng đọc luôn thông tin trên những trang này. Trong khi đó, với lợi thế là máy tìm kiếm, các SE có khả năng cập nhật tin rất nhanh nhưng vẫn trả lại traffic cho các trang tin gốc do người dùng vẫn đọc tin ở trang gốc còn các SE chỉ làm nhiệm vụ tìm kiếm và tổng hợp.
Dùng SE Việt làm công cụ tra từ
Hiện nay, nhu cầu tra từ điển với nhiều ngôn ngữ khác nhau ngày càng phổ biến. Do đó, từ điển trực tuyến là một công cụ tra cứu hết sức tiện dụng. Chỉ cần máy tính có kết nối Internet, người dùng có thể truy cập vào một website hỗ trợ tra cứu trực tuyến là có thể làm việc như đang sử dụng những bộ từ điển được cài ở máy tính cá nhân. Nếu ngại những công cụ tra cứu cồng kềnh, người dùng có thể sử dụng ngay tính năng tra từ ở các SE.
http://tratu.baamboo.com - Baamboo Tra từ là hệ thống từ điển chuyên ngành được xây dựng trên nền tảng Mediawiki cho phép người dùng tra cứu nghĩa của từ trong các lĩnh vực khác nhau. Người dùng có thể chọn các từ điển như Oxford, Việt-Anh, Anh- Việt, Việt-Pháp, Pháp-Việt... Ngoài ra, Baamboo còn xây dựng nhiều từ điển chuyên ngành khác nhau. Đây là một bộ từ điển có giao diện trực quan và dễ sử dụng.
Socbay là một trang web tìm kiếm nhưng cũng đã xây dựng dịch vụ tra từ online với nhiều bộ từ điển thông dụng như Anh-Việt, Việt-Anh, Việt-Pháp...
Xa Lộ tra từ (XLTT) là tiện ích hỗ trợ người dùng tra từ điển trực tiếp trên giao diện Web của máy tìm kiếm Xa Lộ. Ưu điểm nổi trội của XLTT là tốc độ tra từ nhanh, thuận tiện và đơn giản. Đặc biệt, bạn có thể tra một lúc nhiều từ.
Bảng các toán tử tiếng Việt hay sử dụng:
Cú pháp
Ý nghĩa
Ví dụ
Mô tả ví dụ
tiêu đề:
Tìm các từ trong tiêu đề tài liệu
tiêu đề:"Tài chính"
Tìm các tài liệu có từ "Tài chính" trong tiêu đề.
đường dẫn:
Tìm theo đường dẫn của trang
đường dẫn:about
Tìm các tài liệu có đường dẫn chứa từ about
tên miền:
Tìm theo tên miền
domain:xalo.vn
Tìm các tài liệu có tên miền là xalo.vn
thời gian:
Tìm tài liệu theo thời gian
thời gian:1/1/2008
Tìm ngày tài liệu trong ngày 1/1/2008
thời gian:1/1/2008 10/1/2008
Tìm ngày tài liệu từ ngày 1/1/2008 đến 10/1/2008
thời gian 1/1/2008 3/1/2008 5/1/2008
Tìm ngày tài liệu trong ngày 1/1/2008 hoặc 3/1/2008 hoặc 5/1/2008
trước ngày:
trước ngày:1/1/2008
Tìm tài liệu trước ngày 1/1/2008
sau ngày:
sau ngày:1/1/2008
Tìm tài liệu sau ngày 1/1/2008
tổ chức:
tổ chức:"Tinh Vân"
Tìm tài liệu nói về tổ chức Tinh Vân
địa danh:
Tìm theo địa danh
địa danh: "Ninh Bình"
Tìm các tài liệu nói đến Ninh Bình
nhân vật:
Tìm theo nhân vật
nhân vật:"Trương Hán Siêu"
Tìm các tài liệu nói về Trương Hán Siêu
định dạng:
Tìm theo định dạng tài liệu
định dạng:pdf
Tìm các tài liệu Adobe Acrobat PDF
kích thước:
Tìm tài liệu theo kích thước
kích thước:5KB
Tìm các tài liệu có kích thước 5KB
kích thước:1KB 5KB
Tìm các tài liệu có kích thước từ 1KB đến 5KB
kích thước:1KB 5KB 7KB
Tìm các tài liệu có kích thước 1KB hoặc 5KB hoặc 7KB
kích thước<
kích thước<10kb
Tìm các tài liệu có kích thước <10kb
kích thước>
kích thước>10KB
Tìm các tài liệu có kích thước >10KB
username:
Tìm kiếm bài viết trên diễn đàn theo username
username:dinhnn
Tìm các tài liệu do dinhnn viết
tuổi:
Tìm thông tin của các blogger theo tuổi
tuổi:20
Tìm thông tin của các blogger có tuổi là 20
tuổi:18 20
Tìm thông tin của các blogger có tuổi từ 18 đến 20
tuổi:13 16 20
Tìm thông tin của các blogger có tuổi là 13 hoặc 16 hoặc 20
tuổi>
tuổi>15
Tìm thông tin của các blogger có tuổi lớn hơn 15
tuổi<
tuổi<20
Tìm thông tin của các blogger có tuổi nhỏ hơn 20
năm sinh:
Tìm thông tin của các blogger theo năm sinh
năm sinh:1982
Tìm thông tin của các blogger có năm sinh là 1982
năm sinh:1982 1990
Tìm thông tin của các blogger có năm sinh từ 1982 đến 1990
năm sinh:1982 1990 1995
Tìm thông tin của các blogger có năm sinh là 1982 hoặc 1990 hoặc 1995
tuổi>
năm sinh>1982
Tìm thông tin của các blogger có năm sinh sau năm 1982
tuổi<
năm sinh<1982
Tìm thông tin của các blogger có năm sinh trước năm 1982
sở thích:
Tìm kiếm thông tin blogger theo sở thích
sở thích:"truyện trinh thám"
Tìm thông tin của các blogger thích "truyện trinh thám"
sống ở:
Tìm kiếm thông tin blogger theo nơi ở
sống ở:Ninh Bình
Tìm thông tin của các blogger sống tại Ninh Bình
học:
Tìm kiếm thông tin blogger theo nơi học
học:ĐH Quốc Gia Hà Nội
Tìm thông tin của các blogger học tại ĐH Quốc Gia Hà Nội
ngôn ngữ:
Tìm kiếm thông tin blogger có biết ngôn ngữ
ngôn ngữ:"tiếng nga"
Tìm thông tin của các blogger biết sử dụng tiếng Nga
giới tính:
Tìm kiếm thông tin blogger theo giới tính
giới tính: nữ
Tìm thông tin của các blogger là nữ
chiều rộng:
Tìm kiếm ảnh theo chiều rộng
chiều rộng:200 500
Tìm chiều rộng của ảnh từ 200px đến 500px
chiều cao:
Tìm kiếm ảnh theo chiều cao
chiều cao:200 500
Tìm chiều cao của ảnh từ 200px đến 500px
album:
Tìm kiếm bài hát theo album
album:Your Head
Tìm kiếm bài hát nằm trong album "Your Head"
ca sỹ:
Tìm kiếm bài hát theo tên ca sỹ
ca sỹ:Hồng Nhung
Tìm kiếm bài hát được ca sỹ "Hồng Nhung" thể hiện
tác giả:
Tìm kiếm bài hát theo tên tác giả
tác giả:Nguyễn Hoài Anh
Tìm kiếm bài hát do tác giả "Nguyễn Hoài Anh" sáng tác
lời:
Tìm kiếm bài hát theo tên tác giả
lời:Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa
Tìm kiếm bài hát có lời chứa "Lá trên cành từng chiếc cuốn bay xa"
giá:
Tìm tin rao vặt theo giá
giá:1000000 2000000
Tìm tin rao vặt giá từ 1triệu đến 2 triệu
giá<
giá<1000000
Tìm các tin rao vặt có giá nhỏ hơn 1 triệu
giá>
giá>1000000
Tìm các tin rao vặt có giá lớn hơn 1 triệu
nơi đăng
Tìm tin rao theo nơi đăng tin
nơi đăng:Hà Nội
Tìm các tin rao vặt đăng tại Hà Nội

4/11/10

Leningrad du ký

Trung tâm lịch sử của thành phố (wikipedia)
Sắp tới ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7/11), nhớ chuyến du lịch "dù" đến Leningrad cách đây 37 năm, viết một bài gửi các bạn đọc chơi.

Thân ái
Huỳnh Dũng Nhi


Chuyến đi đó là vào tháng 8 năm 1973, sau kì nghỉ phép đi về Việt Nam thăm gia đình, đứng lại thêm một lần trên cái nền nhà đã trở thành sân thượng sau một đợt bom B.52 tháng 12-1972, ra ga lần cuối tiễn “người tình qua những lá thư” đi Liên Xô, rồi mấy ngày sau rời Hà Nội lên tàu liên vận đi Budapest.

Đến Moskva lần thứ ba, cùng các bạn đồng hành Việt Nam đi Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc ở tại Zalatoi kalos một ngày rưỡi chờ tàu đi tiếp. Nghe nói, có thể ở lại bao lâu cũng được, khi nào đi mới đem vé ra ga đăng ký, tôi quyết định nhân cơ hội này đi Leningrad một chuyến. Người ta bảo đến nước Nga mà chưa đi Leningrad thì coi như chưa biết nước Nga. Tôi lại có thằng bạn thân học ở Leningrad. Hồi đó, lưu học sinh việt Nam ở các nước Đông Âu muốn “xuất ngoại” rất khó, nếu như không nói là không thể được. Vậy thì đây là cơ hội tốt. Ý định “bắc du” của tôi được Bích Thuận, cô bạn học ở Đức nhiệt tình hưởng ứng. Tôi quen với Thuận năm 1970, khi hai đứa cùng trong đoàn học sinh Việt Nam chuẩn bị đi Đức. Chuyện tôi bị chuyển từ đội đi Đức sang đội Hung là một chuyện giống như cầu thủ bị tung vào sân phút 89, tôi nghi là có liên quan đến quyền lợi của một “con ông cháu cha” nào đó, nhưng thôi chẳng nhắc lại ở đây, lạc đề.

Ngay ngày hôm sau, tôi và Thuận ra ga mua vé đi Leningrad. Xếp hàng đã đời, đến lượt mình thì người ta không bán, nói xì xà xì xồ gì đó chẳng hiểu gì cả. Thuận nói tiếng Đức, bà bán vé cứ “nhet, nhet”. Tôi thì chẳng thử nói tiếng Hung làm gì. Trên thế giới hơn 3 tỷ rưỡi người này, chỉ có khoảng 15 triệu người nói tiếng Hung, mà bà bán vé - một trong hai trăm rưỡi triệu công dân Xô-viết ít có khả năng biết tới thứ tiếng có ngữ pháp được coi là khó nhất thế giới đó. Thuận đi từ đầu hàng đến cuối hàng, gặp ai cũng “Haben Sie Deutsch sperechen ?”. May quá, một cậu sinh viên có học tiếng Đức, nhận lời làm trung gian đối thoại với bà bán vé. Thì ra họ đòi mình phải có giấy phép của Intourist. Vậy là “đaxviđanhia”. Trở lại Zalatoi kalos, Thuận quyết định đăng ký vé đi Đức gặp ông người yêu nghiên cứu sinh đã ba tháng ròng mong đợi. Còn tôi thì không bỏ cuộc. Tối hôm đó, mọi người đi Hung mang hành lý lên tàu, tôi xách hai cái valy ra Metro đến Lomonosov.

Không nhớ bằng cách nào mà tôi lọt được vào Lomonosov, trường Đại học nổi tiếng thế giới kiêm cả ký túc xá này. Chị Cậy, người yêu của anh Cừ học cùng trường với tôi, vui mừng đến ngỡ ngàng đón tôi. Sau những câu chuyện thăm hỏi về “hòn ngọc bên bờ sông Đanuyp” xa xôi mà gần gũi với chị, chị cho biết là chuyện đi Leningrad của tôi dễ ợt, có thể giải quyết một cái một. Hôm sau, chị cùng một cô bạn gái Nga có cái tên dễ thương và khó nhớ ra ga. Tối đó, chị tiễn tôi lên tàu đi Leningrad. Chị đưa tôi thêm ít tiền làm lộ phí, gửi gắm tôi cho một anh Nga cùng toa nhờ giúp đỡ rồi chúc tôi thượng lộ bình an. .

Trên tàu, tôi bắt đầu “chia động từ” với anh bạn mới người Nga. Nào là “Ja uchus vờ vengrii”, nào là “môi bratôm zưvet vờ Leningradze”, rồi chìa mảnh giấy và “êtơ evo adress”. Anh ta nói gì đó, đại khái là từ ga về, anh ta cũng đi ngang ký túc xá đó, sẽ báo cho tôi khi cần xuống. Vốn liếng tiếng Nga học suốt năm lớp 4 và lớp 6, bị tiếng Hung lấn áp ba năm qua, xem ra cũng còn đủ xài trong những lúc như thế này.

Xuống xe điện, tôi đến đúng số nhà đã ghi. Bước vào là một cái sân rộng, bao quanh là ba khối nhà đồ sộ, không có vẻ gì là ký túc xá . Đang bơ vơ, ngơ ngác thì gặp một bà già. Tôi chìa tờ giấy. Bà ta gật gật đầu, rồi nói cái gì đó, đại loại như “nó ở bên cạnh đấy”. Tôi bước sang. Có kinh nghiệm ra vào các ký túc xá ở Budapest, nên tôi hơi chần chừ trước khi đẩy cửa bước vào, vì mới 6 giờ sáng, vào giờ này thì chắc chắn bị phát hiện là “việt cộng” lạ. Nhưng ngoài trời lạnh quá. Tôi liều bước vào. Ngoài ông thường trực ra, còn có mấy Ivan đang co ro nhún nhảy. Tất cả đều không biết thằng việt cộng ngơ ngác này muốn gì ở đây, vào giờ này, mặc dù tôi đã vận dụng hết vốn từ vựng ruski của mình, cộng thêm sự trợ giúp của mấy câu English. May thay, có mấy việt cộng đi thực tập sớm trên lầu bước xuống. “À, hóa ra mày là thằng Dũng ở bên Hung hả. Thằng Sơn nhắc tới mày hoài”. Rồi quày quả lên lầu, kêu Sơn. Sơn mắt nhắm mắt mở chạy xuống, la lên, nhào vô ôm chầm lấy tôi. Tôi cũng vậy. Hai thằng ôm nhau như hai Sumo , không phải để đấu, mà để biểu lộ hết cái mừng. Đúng là Sơn không thể ngờ là gặp được bạn cũ trên xứ sở mà cả mùa đông và mùa hè đều có cung điện này cả.

Mấy người bạn bỏ buổi đi thực tập, cùng Sơn dẫn tôi lên phòng, sau khi được ông thường trực nhắc nhở là phải báo với bà chủ ký túc xá. Bà này bảo “khơrátsô” nhưng phải được phép của công an thành phố. Sơn “áp tải” tôi đến công an thành phố. Ở đây, sau một cuộc thi vấn đáp bằng tiếng Nga giữa thầy giáo công an và thí sinh Sơn vốn giỏi thực hành món điện trung áp hơn sử dụng thứ tiếng có đến 6 cách này, kết quả nhận được không mấy khả quan. Việc này vượt quá thẩm quyền của công an thành phố, phải lên công an tỉnh. “Thôi kệ mẹ nó, công an thành phố còn khó vậy, công an tỉnh chắc còn khó hơn. Mày chịu khó làm việt cộng nằm vùng vậy. Tụi tao sẽ có cách.” - Sơn bảo tôi vậy. Cách của Sơn là cả bọn chịu khó dậy sớm ra khỏi ký túc xá, đi chơi suốt ngày, rồi về thiệt trễ. Phương án đó được đám bạn nhiệt tình ủng hộ và triển khai thực hiện ngay. Vậy là từ hôm đó, cứ 6 giờ sáng là biến. Một bạn to con nhất hội được phân công khoác áo ba-đờ -suy, dạng tay chống bàn trước mặt ông thường trực, để sau lưng cả bọn, chủ yếu là tôi, chuồn. Tối về cũng vậy. Đi chơi, ngoài tôi và Sơn, anh Ba-đờ-suy đó không thể vắng mặt.

Chính vì vậy mà tôi được đi chơi khá nhiều ở Leningrad. Những chuyến đi thú vị và đáng nhớ nhất là đi thăm Ermitarge, đi Cung điện Mùa Hè, Cung điện Mùa Đông…Tôi thật sự choáng ngợp trước kho tàng nghệ thuật ở Ermitarge. Tôi đặc biệt thích những tác phẩm nghệ thuật của thời renaissence, những tác phẩm tả chân, tả thật vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên đến mức kỳ lạ, mà chữ thiên tài cũng chưa thể nói lên hết tài năng của những vĩ nhân đã tạo nên những tác phẩm đó. Người ta nói phải mất cả tiếng đồng hồ để chiêm ngưỡng một bức tranh, một bức tượng như vậy. Còn tôi, chỉ có thời giờ dừng lại trước mỗi siêu tác phẩm này một hai phút, mà Sơn nói, đi cả ngày mới hết Ermitarge. Vừa say sưa với những tranh, những tượng, tôi vừa nghĩ có lẽ sau chiến công to lớn 900 ngày đêm bảo vệ Leningrad, thì có lẽ là sự bảo vệ an toàn tuyệt đối viện bảo tàng những kiệt tác của nhân loại- Ermitarge-trước những trận oanh tạc, pháo kích của cái thằng vừa hít vừa le ấy, là một kỳ tích đáng ghi vào sử sách.

Cung điện Mùa Đông (wikipedia)
Chúng tôi đi thăm di tích Chiến hạm Rạng Đông, chiến hạm nã đạn pháo vào Cung điện Mùa Đông báo hiệu phút mở màn của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, nhớ người người lính thủy Tôn Đức Thắng kéo cờ đỏ trên chiến hạm France vùng Biển Đen nói lên ý chí bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Mười và chính quyền Xô-viết non trẻ. Đi Cung điện Mùa Hè giữa mùa thu phương Bắc, tuy trời không nóng nực nhưng vẫn cảm thấy mát lạnh với hàng trăm đài phun nước đủ loại, đủ kiểu. Nhưng tượng hình nhân vàng óng gợi nhớ tới nét đẹp con người một thời La mã. Lần đầu tiên tôi đi tàu cánh ngầm trên dòng Neva chui qua “cầu mở trong đêm trắng”, ao ước ngày những chú thiên nga như thế này lướt trên sông Hồng, dưới cầu Long Biên. Chúng tôi đi công viên, chụp hình bên tượng Puskin và Piotr đại đế. Còn đi nhiều nơi khác nữa, không nhớ xuể.

Bốn năm ngày ở Leningrad, hầu như ngày nào tôi cũng được xem phim, phải xem phim, mà phim nói riêng trong những ngày đó, toàn là phim dở ẹt. Xem phim để xài bớt quỹ thời gian thừa thãi trong ngày, thường là 14 tiếng, từ 6 AM đến 8 PM. Và ăn sáng, ăn trưa ở những quán ăn bình dân nhất trong các loại quán ăn. Món ăn Nga không ngon, từ khi được ăn lần đầu tiên trong toa ăn xe lửa trên đất Nga tôi đã cảm nhận như vậy. Món mustar thì cay hơn mustar ở Hung. Sơn đã cảnh báo, nhưng tôi ỷ y coi thường, dích một miếng bự đùng, ăn cay chạy lên tận chân tóc. Rồi đi nhậu bình dân. Bia hơi, và một món gì đó thật rẻ, đại loại tương đương với lạc rang húng lìu bên mình chẳng hạn. Nhớ nem chua Hà Nội. Gặp một ông già áo vét ca-rô, móc trong túi ra một gói giấy báo bọc con cá khô bự đùng, trải tờ báo ra bàn đập cho rớt hết vảy, hào phóng mời mấy chú việt cộng dzô dzô. Riêng tôi được ông ta tặng cho chiếc huy hiệu nhỏ ông đang đeo trên ve áo. Từ lâu tôi đã biết dân Ivan có duyên với vodka, đây là lần đầu tiên gặp ông già uống bia hơi với cá khô. Một lần, 6 giờ sáng, đám di tản tụi tôi bắt gặp một ông già khoác bành tô nằm chò co trên tam cấp một tòa nhà, bên cạnh có chai rượu, chắc không phải là vodka.

Vui với bạn bè, còn ham tìm hiểu về thành phố phương bắc, tôi chưa biết đến lúc nào rồi phải chia tay. Cho đến hôm sảy ra sự cố. Hôm đó phá lệ, không đi ra đường mà ở nhà tìm hiểu đời sống ký túc xá của quân ta. Các bạn ở 6 người một phòng, 4 việt cộng, 2 anh bạn Cu ba da đen “luôn cùng một chiến hào”. Đang tán gẫu thì bà chủ ký túc xá vào. Bà ta đi tìm một chú nào đó từ Rumani sang thăm người yêu, đang trốn chui trốn nhủi trong ký túc xá. Thấy tôi, bà ta hỏi, đám bạn trả lời là không phải, thằng này là sinh viên mới toanh, chưa biết tiếng Nga, học ở trường Đại học Nông Lâm. Nói dóc vậy mà cũng nói được. Ai mà không biết là sinh viên Việt Nam mới sang bao giờ cũng học tiếng Nga một năm trước khi vào đại học. Nhưng bà chủ không quan tâm đến điều đó. Bà lại sực nhớ đến chú nhỏ học ở Hungary tên là Dũng sang thăm bạn mà hôm trước bà bắt phải đi trình diện công an. Bà ta hỏi, thằng đó bây giờ ở đâu. Tụi bạn nói nó đi rồi, chia tay với Leningrad rồi. Bán tín bán nghi, bà ta đi gọi điện thoại hỏi Đại học Nông Lâm. Một thằng bạn đi theo nghe lén, hốt hoảng quay về báo : “Nguy rồi, bên ấy người ta bảo không có ai tên là Dũng cả, không có ai chưa biết tiếng Nga cả. Bà ấy đang quay lại đấy, trốn mau đi”. Thế là vọt lẹ. Đang ở lầu hai, leo lên lầu ba. Bà ta lên lầu ba, chuồn lên lầu bốn. Bà ta lên lầu bốn, trốn lên tầng thượng, tầng mà người ta chứa toàn những ghế gãy chân, xa-lông thủng bụng ấy. May mà bà ta không leo lên tiếp, chắc tại lo lắng cho cái thân hình tám mươi mấy kí lô của mình. Bà ta đi gọi công an, sau khi dặn ông thường trực là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhất là đối với dân việt cộng. Vậy là một cuộc rút quân bí mật lại diễn ra. Anh Ba-đờ-suy nghĩ ngay đến câu chuyên tiếu lâm vừa mới đọc được, dạng tay chống bàn kể cho ông thường trực nghe. Sau lưng anh, cuộc “hành quân đêm” diễn ra lúc khoảng 10 giờ sáng. Ra đến đường, nhìn sang hướng tây, đã thấy bà chủ hăng hái dẫn đường cho hai chú công an đi về phía ký túc xá. Còn chúng tôi đi về hướng Đông, về phía Đại học Nông Lâm không có “Nhi học sinh” chưa biết tiếng Nga đó.

Trong một số tiểu thuyết Nga, bức tượng Kỵ sĩ đồng này
thức dậy và chạy trên đường sá Sankt-Peterburg.(wikipedia)
Bà thường trực ký túc xá Đại học Nông Lâm rất vui vẻ và dễ tính. Đối với bà ta, cái đám choai choai đầu đen mũi tẹt này giống nhau như một bầy chim sẻ, chẳng cần biết và cũng chẳng hại gì nếu trong bầy có một con sẻ lạ, nhất là khi con sẻ ấy cũng đến từ một xứ phe ta. Các bạn ở Đại học Nông Lâm vui vẻ , chân tình đón tiếp các bạn đồng hương di tản. Một bữa tiệc đơn sơ, có cả rượu táo được chuẩn bị chớp nhoáng. Cuối tiệc là phần bàn về kế hoạch hành động sắp tới. Theo kế hoạch đó, ngày mai đồng chí Dũng phải trở về Moskva để đi Budapest. Sáng mai đi mua vé cho chuyến tàu đêm và mua tặng đồng chí một con lật đật, để đồng chí làm quà cho bồ (nếu có).

Tôi chợt nhớ đến “người tình qua những lá thư”. Lần tiễn em đi trên ga Hàng Cỏ là dấu chấm hết cuối cùng của một trăm, trăm rưỡi hay hơn trăm tám lá thư của tôi suốt ba năm qua mà em gói lại cẩn thận, gửi lại trọn vẹn cho tôi với lý do là va ly em đã chật cứng, sau này em về nước em sẽ nhận lại. Một lời cự tuyệt vẹn tròn và khéo léo. Sang đến Liên Xô, em gửi thư cho Sơn. Đọc thư viết cho Sơn, tôi biết em học ở Erevan. Sơn bảo, đến đó phải đi bằng máy bay. Nhưng ai lại bắt các bạn cuối tháng ăn bánh mỳ chấm đường phải lo vé máy bay cho mình để đi tặng con lật đật và trao lại bó thư bị gửi trả.

Buổi tối, các bạn tiễn tôi ra ga. Tạm biệt Leningrad, thành phố tôi mới quen, chưa xa đã nhớ. Tôi không biết cái tên Peterbourgrad đối với người Nga thiêng liêng như thế nào, nhưng trong tôi, hồi trước cũng như bây giờ, Leningrad vẫn mãi mãi là Leningrad.

***

Tàu về đến Moskva vào lúc 6 giờ sáng hôm sau. Lần này cũng nan giải như buổi sáng đặt chân đến Leningrad. Ga vắng và rất lạnh. Ngồi xớ rớ ở đây dễ bị công an tới hỏi thăm, rất nguy hiểm khi mình chỉ biết cười và cám ơn, cho dù ông ta có nói mình là thằng bụi đời ngoại quốc đi chăng nữa. Về Lomomosov thì còn quá sớm, liệu có vào trót lọt như lần trước không. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn cứ đi. Vào vành đai một, nơi kiểm tra tất cả mọi người ra vào khu vực trường đại học, không có ai trực cả. Chưa đến giờ học, chưa đến giờ làm việc, chẳng ai ra vô giờ này. Nhưng ở cửa ải thứ hai, nơi có cái lift lên mấy chục tầng lầu của ký túc xá thì lại có người trực. Một bà già ngái ngủ chặn tôi, lúc đó đang cố làm ra vẻ thản nhiên bước vào thang máy, nói một câu gì đó, tất nhiên là chứa đựng nội dung không lấy gì làm thú vị, tôi chỉ nghe được mấy chữ là “gdze bilet ?”.Tôi vò đầu ra vẻ hối hận, đáp cụt ngủn : “vơ komnache.” Bà ta lại xổ ra một tràng dài, chắc là không có quyền để quên thẻ trong phòng, cuối cùng tôi nghe được mấy chữ “Idzi che”. Tôi vội vã cám ơn rồi theo chiếc lift bay bổng lên lầu 21, nơi chị Cậy ở.

Hai hôm sau, chị Cậy tiễn tôi ra ga đi Budapest. Chia tay chị, trong valy chứa đầy quà của các bậc phụ huynh ở Hà Nội gửi cho con học ở Hung, vẫn có đủ chỗ cho gói quà của chị gửi người yêu ở Budapest.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp chị. Năm 2005, gặp anh Cừ ở Vũng Tàu, tôi hỏi thăm, mới biết anh Cừ đã góa vợ, người vợ thân yêu anh đã cưới sau bao nhiêu trắc trở từ hai phía gia đình và những tháng năm xa cách đến hai múi giờ dưới mảnh trời Âu.

Tượng đài Peter Đại đế (wikipedia)
1-11-2010
HUỲNH DŨNG

-----
Sankt Peterburg ngày nay (theo wikipedia):

Trải qua nhiều thế kỉ tên của thành phố cũng bị thay đổi nhiều lần, thí dụ Sankt PeterburgSankt Peterburh. Sau khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, vào năm 1914 người ta đã đổi tên thành phố thành Petrograd để tránh tên gốc Đức (vì Nga đang giao chiến với Đức). Mười năm sau Petrograd lại đổi thành Leningrad, để tưởng niệm Vladimir Ilyich Lenin – vị lãnh tụ đã mất của nước Nga Xô Viết. Cuối cùng, sau khi Liên Xô tan rã thành 15 nước khác nhau, thành phố được trả lại tên ban đầu sau một cuộc trưng cầu dân ý, tên thành phố từ Leningrad đổi thành cái tên cũ là Sankt Petersburg (tiếng Nga: Санкт-Петербург). Nền kinh tế bắt đầu khôi phục lại. Tự do ngôn luận đã tạo một môi trường sôi động cho đời sống xã hội. Các hoạt động tôn giáo và nghệ thuật được phát triển. Du lịch trở thành nền kinh tế chính của thành phố. Các điểm đến du lịch hấp dẫn, như Cung điện Mùa đông, Cung điện Mùa hè... đẹp tuyệt vời sáng chói giữa phương Bắc lạnh giá của Nga khiến cho thành phố này như một Venice của phương Bắc.

Tuy nhiên, cái góc tối của nó mới là điều ghê sợ. Ở đây từng được mệnh danh là "thủ đô tội phạm". Nếu bạn có du lịch ở đây, bạn không nên đi lại vào buổi tối.