30/9/10

Ký ức thời sơ tán (4)

TTST BND: Chuyện nọ nối tiếp chuyện kia trong bài viết của anh Nhi rất thú vị với những người đồng cảnh, câu chuyện dài lướt qua nhiều sự kiện, thực ra cũng là các nhấn nhắc gợi cho nhiều cựu thành viên trại trẻ những kỷ niệm của riêng mình thời sơ tán. Các bạn nhân dịp này hãy cùng góp thêm chuyện vào "Ký ức thời sơ tán" của anh Nhi, cùng chia sẻ với bạn bè và để gộp lại, biết đâu sẽ thành tập hồi ký sinh động tràn ngập kỷ niệm của chung hội ttst bnd.

Sau đây là các góp chuyện thêm vào bài viết đã được đăng (nếu nhìn ô "Nhận xét gần đây" ở cột bên phải của blog =>>, sẽ thấy 3 cái mới nhất trong tổng số hơn chục cái), xin mời bấm vào tiêu đề bên dưới để đến trang xem chuyện góp thêm cho mỗi bài:
+ Ký ức thời sơ tán (1)
+ Ký ức thời sơ tán (2)
+ Ký ức thời sơ tán (3)

Bài kỳ này:
Ký ức thời sơ tán (4)

Huỳnh Dũng Nhi

Những cuộc đi chơi, những trận ném nhau, những lúc dạo khắp đường làng tìm hái rau tập tàng… có thể diễn ra bất cứ ngày nào, bất cứ lúc nào trong tuần, chỉ trừ sáng ngày chủ nhật. Ngày đó, khoảng 8-9 giờ sáng, nhiều trại viên đã kéo nhau ra đầu làng, ngóng trên đường bên kia cánh đồng, chờ bóng một tốp người đi xe đạp. Đó chỉ có thể - và chắc chắn - là các bậc phụ huynh về trại thăm con thôi. Đứa nào cũng mong bố mẹ, còn nếu bố mẹ không về được thì vẫn còn hy vọng là có quà, có thư. Trong số những đứa trẻ trông ngóng, chờ đợi đó, không phải không có những đứa có “ngày chủ nhật buồn”. Nhưng chúng cũng rất hiểu rằng không phải là tuần nào bố mẹ cũng về thăm được, và không phải tuần nào cũng gửi quà được. Vì vậy, ngày chủ nhật buồn kết thúc vào lúc khoảng 10 giờ, khi tốp phụ huynh cuối cùng đã đến trại. Lúc này thì vui. Vui với cái không khí rộn ràng của trại. Vui với cái vui của các bạn, cũng như các bạn vui với cái vui của mình trong những lần khác vậy. Rồi những trại viên đó lại tiếp tục những trò chơi, những trò nghịch ngợm, tìm hiểu, khám phá của mình, chờ đợi tuần tới.

Rau tập tàng (ảnh: blog Miền Trung)
Đi hái rau tập tàng cũng là một trong những trò thú vị và thiết thực. Rau tập tàng của chúng tôi ngày ấy không phải là những thứ rau dân dã được chọn lọc để dùng kèm những món lẩu như lẩu mắm bây giờ. Tập tàng của chúng tôi hồi đó có nghĩa là hầm bà lằng, là tổng hợp bất cứ thứ lá gì ăn được. Lá ớt, lá găng, lá lốt, rau sam, rau dền dại, lá mồng tơi… Chỉ đi hái ven đường thôi, không thể lội trong vườn của người ta mà hái, mặc dù trong đó có thiếu gì thứ lá ăn được. Ớt ở đây là nói đến những cây ớt dại, còn mồng tơi là mồng tơi leo ở bờ rào, nhỏ xíu và còi cọc. Hái được một rổ là được một nồi luộc. Góp nhau mỗi đứa 1-2 xu đi mua ớt. Nước mắm thì xin các cô. Bữa rau luộc cải thiện, mỗi đứa gắp 1-2 gắp vậy mà ngon đáo để. Không phải bữa ăn của trại không có rau, mà tại vì rau đây là rau tự mình kiếm được, là kết quả của một bài sinh vật về các loại lá, là cái ngon của nước mắm loại một đồng mốt đi xin và ớt góp tiền mua. Nói vậy thôi, chứ gọi là bữa rau cải thiện cũng được. Cơm bữa ba chén (dù có phải độn ngô), một vài gắp rau, một hai miếng thịt kho được coi là đầy đủ, so với bữa ăn của nông dân thì có lẽ còn sang hơn, nhưng mỗi thứ ăn thêm đều có thể được coi là cải thiện. Tôi nhớ, có một lần “bắt được” một cái tem gạo 225 gr, tôi và một đứa bạn (quên mất là ai rồi) chung tiền nhau được mấy hào, lội bộ mấy cây số ra tận Chúc Sơn ăn cơm ở Cửa hàng ăn uống quốc doanh. Hai đứa một xuất, cơm trắng (không độn), canh và thịt kho, sao mà ngon thế. Ăn xong, lội bộ về đến nhà thì đã lại đói rồi. Nhưng dù sao thì cũng đã được mỗi đứa nửa bữa ăn cải thiện.

Cũng trên con đường đi Chúc Sơn này, tôi còn có một kỷ niệm nữa. Đó là một lần tôi mượn xe đạp chở mẹ tôi từ trại sơ tán ra Chúc Sơn để đón xe về Hà Nội. Từ Chúc Sơn về, đường vắng, không mưa, tôi đạp xe bon bon. Có một anh thanh niên (hồi đó hình như kêu bằng chú thì phải) đi xe chiều ngược lại, cũng bon bon không kém. Cả hai đều đi giữa đường. Tôi tránh qua phải thì anh ta tránh qua trái (của anh ta), tôi tránh qua trái thì anh ta lại tránh qua phải(của anh ta), nói tóm lại là đụng nhau chính giữa đường. Chẳng té, chẳng làm sao cả. Xe anh ta chỉ lệch ghi đông, kẹp bánh xe vào giữa hai đùi mà chỉnh lại là xong. Thế mà anh ta cứ một hai bắt tôi phải về cơ quan (của anh ta) để giải quyết. Bữa trưa đó tôi nhịn đói (cứ tiếc mãi tấm tem gạo 225 gr). Chiều tối, một anh khác phát hiện ra tôi, hỏi anh ta. Anh ta kể lại đầu đuôi câu chuyện. “Vớ vẩn, mày thật là… Thôi, cho nó về đi, tối rồi.”Anh ta cười khì khì. Thế là tôi về, một mình, trời tối, bụng đói. Trên đường về gặp một anh bộ đội, không biết có đói bụng không, nhưng cũng chỉ có một mình, “làm bò” kéo chiếc xe chở mấy bao gạo từ Chúc Sơn về. Tôi xuống xe, dắt bộ, phụ anh đẩy xe, trong bụng còn chưa hết tức cái anh chàng giam người trái phép kia và lo ngay ngáy, sợ các cô mắng vì mượn xe đi từ sáng sớm, đến bây giờ vẫn chưa về. Rồi tôi nghĩ đến phải viết một cái gì đó về một cậu bé tốt bụng và về một anh thanh niên xấu bụng, bắt nạt trẻ con... Đó có lẽ là lần đầu tiên tôi nghĩ đến viết báo, trừ một lần tôi bắt chước viết tin “hôm nay, quân và dân… bắn rơi hai máy bay Mỹ”, bị mẹ tôi la: “bắt chước làm gì mà”.

Hội TTST BND tạm dừng bên con đường Nguyễn Văn Trỗi, để sắp xếp
các quà tặng, trước khi về thăm nhà thờ họ Phùng ở xã Thống Nhất
2/2010 (giờ là Hữu Văn). Con đường nối từ Chúc Sơn, qua Tốt Động,
Hữu Văn và thẳng tới sân bay Miếu Môn, nơi gặp đường Hồ Chí Minh
Cũng trên con đường đi Chúc Sơn này, tôi có những kỷ niệm khác nữa, sẵn dịp kể luôn. Đây là con đường tôi thường xuyên đi lấy gạo cho lớp, hồi tôi học lớp 8, trường cấp III Lý Thường Kiệt, sơ tán ở Tốt Động, gần trại sơ tán báo Nhân Dân. Một lần vừa lấy gạo xong thì báo động, cả bọn chui xuống một cái hầm chữ A đã bong hết lớp đất phủ, nửa phần trên chỉ còn khung tre. Đang ngồi thì cộp một cái, một mảnh đạn cao xạ rơi trúng ngay thanh tre ngang trên đỉnh hầm. Tiếc là hồi đó tôi không giữ lại mảnh đạn ấy làm kỷ niệm. Lần đó đi lấy gạo về, thấy xóm Tròn, nơi lớp 8B của chúng tôi đóng quân, có vẻ hoang tàn, xơ xác vì lá cây rụng đầy ngõ, ít người qua lại trên đường. Thì ra có 2 quả bom ném vội nổ ngay đầu làng, thiệt hại là một chú trâu đang cột gần đó. Đi lấy gạo bằng xe bò, mà tôi luôn xung phong “làm bò” giống như anh bộ đội kia, chỉ khác là có các bạn đẩy nhiệt tình phía sau. Chính cái hăng hái, nhiệt tình đó, cộng thêm cái học lực không đến nỗi nào, tính tình chan hòa, vui vẻ, hớt tóc mỗi tháng một lần và không nói tục, không hút thuốc lá… mà tôi được kết nạp vào Đoàn năm 15 tuổi. Hầu như chủ nhật nào tôi cũng về trại sơ tán báo Nhân Dân, như về nhà vậy. Thú vị thật. Học ở trường sơ tán, về thăm trại sơ tán, như về nhà. Hai chữ sơ tán đối với tôi sao mà thân thiết quá. Sau này đi học ở Hungary, lúc các bạn đi sơ tán ở (hình như là) Thạch Thất (năm 1972), tôi vẫn hay nghĩ rằng, còn mình thì đi sơ tán xa, sơ tán dài hạn.

Đình làng gần nhà thờ họ Phùng (chụp ngày 28/02/2010 nhân hội TTST BND về thăm nơi sơ tán cũ)
(Còn tiếp)
Xem lại: Trại sơ tán: Ký ức thời sơ tán (1) / Ký ức thời sơ tán (2) / Ký ức thời sơ tán (3)

24/9/10

Viết cho Tôm vào lớp Một

Ba và Tôm (Từ an-bom HuynhDungNhan)
Các bạn quý mến,
Mấy hôm nay đọc nhiều bài viết về trại trẻ BND, vui quá, thừa thắng xốc tới, gửi các bạn xem một bài nữa cho thêm vui. Bài này mới viết sau hai tuần đưa con vào lớp 1, bị cô giáo mắng vốn liên tục, nên viết cho bớt tủi hờn...
Thân mến,
Huỳnh Dũng Nhân

XUYÊN VIỆT - PHỤ HUYNH VÀ CÔ GIÁO…

TÔM vào lớp 1. Ba Nhân lãnh trách nhiệm cực kỳ vinh dự và tự hào là đưa Tôm đi khai giảng.
Và ngay sau đó là một chuỗi ngày nghe mấy đứa nhỏ lớp 1 méc tội lỗi của bạn Xuyên Việt.
Ngày đầu tiên: Chú ơi, bạn Xuyên Việt làm bể bong bóng của con.
Ngày thứ hai: Bác ơi bạn Xuyên Việt đánh con. Ba cái!
Ngày thứ ba: Ba Xuyên Việt ơi, Xuyên Việt giành đồ chơi của bạn…
Ngày thứ tư: Bạn Xuyên Việt xóa bảng của một bạn gái làm bạn ấy khóc um sùm.
Ngày thứ năm, thứ sáu , thứ bảy…
Bạn Xuyên Việt xô, bạn Xuyên Việt giành, bạn Xuyên Việt giật, bạn Xuyên Việt…
Và ngày thứ N+…

Đó là ngày phụ huynh Nhân tình cờ gặp cô giáo chủ nhiệm của Xuyên Việt, cô giáo bắt đầu làm nhiệm vụ cao cả của nền sư phạm mầm non. Đó là nhắc nhở phụ huynh phải lưu tâm đến việc giáo dục thằng siêu quậy. (Phụ huynh miệng vâng bụng dạ, nhưng trong đầu thì không thể không đối thoại thầm với cô giáo của thằng siêu quậy)
- Anh à, Xuyên Việt quậy quá, các bạn đang đứng chơi là Xuyên Việt đến xô một cái làm mấy đứa nó té dúi dụi …
- (hồi nhỏ tui đâu có xô mấy đứa bạn cùng lớp, tui đá chúng nó không hà)
- Anh coi, Xuyên Việt nhỏ con mà lúc nào cũng uýnh mấy bạn lớn hơn …
- (hồi nhỏ tui cũng thế, sau này tui thuộc loại không thèm lớn, còn tụi nó to con gấp đôi tui, thấy mà ớn)
- Anh cứ thử nghĩ xem, con mình bị uýnh ai chả xót …
- (tui cũng xót, nhưng hỏi Xuyên Việt tại sao uýnh bạn thì nó bảo các bạn uýnh trước, nên nó uýnh lại. Hỏi nó ai bảo con uýnh lại? Nó trả lời: Ba!)
- Anh thấy thế nào chứ mấy phụ huynh cứ hỏi thăm xem Xuyên Việt là đứa nào mà quậy thế …
- (thì cứ bảo nó là …con tui, hồi xưa ba tui - tức ông nội Xuyên Việt - cũng phải đi xử mấy vụ do tui gây ra hoài)
- Về phương pháp sư phạm thì dạy mấy đứa lớp 1 rất khó anh ạ…
- (tôi cũng là giảng viên, cả mấy ngàn sinh viên báo chí của tôi chắc chắn cũng từng học lớp 1, nay đang xếp hạng ba trong thứ bậc nhất quỷ nhì ma …thứ ba học trò mà)
- Anh biết không, mấy đứa trong lớp thi nhau méc bạn Xuyên Việt suốt…
- (có gì là lạ, đi méc là một niềm vui của mấy đứa nhỏ. Hồi xưa Mao Trạch Đông toàn đánh anh trai nhưng rồi chủ động đi méc bố, kết quả là ông anh bị bố đánh đòn)
- Rồi chúng nó giành đồ chơi của nhau nữa, kể cả đồ chơi của mấy đứa con gái…
- (cũng bình thường thôi, Thủ tướng Chu Dung Cơ của Trung Quốc từng tiết lộ hồi nhỏ ông rất thích có đồ chơi mà không có một món đồ chơi nào…)
- Chúng ta đều biết các cháu phải học hành chăm ngoan ngay từ tấm bé mới thành người…
- (vâng, Bill Gate giàu nhất thế giới - cũng sinh năm 1955 như tôi - là người chưa hề tốt nghiệp đại học)
- Anh xem về bảo ban cháu thế nào chứ cháu hiếu động, hay đánh bạn quá…
Tôm không thích ảnh mà!
- (tui cũng từng phân tích cho nó nghe những tác hại của việc đánh bạn. Thứ nhất là, thứ hai là…Tui phân tích đến yếu tố thứ 5 thì hết vốn. Nó hỏi luôn: thế thứ sáu là gì ba?)
- Cảm ơn anh đã lắng nghe giáo viên trình bày…
- (dạ, cảm ơn cô giáo, thú thực là tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng thôi, vì lúc cô nói tui toàn nhớ về 50 năm trước, lúc tui vào lớp 1, khi đó tui được ba tui đưa đến lớp 1 trường gì đó ở ngay cạnh Nhà Thờ Lớn HN, và chỉ nửa buổi sau là tui bị cô giáo phạt đứng úp mặt vào tường vì giật tóc một đứa bé gái ngồi đằng trước…)

Nhưng từ đó, sau khi bị cô giáo mắng vốn vì tội lỗi của Xuyên Việt, thú thật là cả hai vợ chồng tui đều tranh giành nhiệm vụ đưa Xuyên Việt đi học buổi sáng sớm (vì thời điểm này ít đụng cô chủ nhiệm !!!) Và cả hai đều đùn đẩy, tránh né việc đón con về buổi chiều (vì lúc đó là lúc dễ bị nghe “bài ca sư phạm” về Xuyên Việt nhất).

Ôi con tui. Ôi thằng siêu quậy của tui. Con làm ba mẹ ngượng quá. Ba mẹ đi làm quần quật cả ngày để có tiền cho con ăn học. Nhà thì xa ngái tận Nhà Bè, tận cái xóm ngoại ô trẻ con đứa nào cũng quen nắng quen gió hơn là ngồi thỏ thẻ với người lớn. Ba mẹ cần phải gần gũi và khuyên bảo con là đôi khi học văn cần hơn…luyện võ (!?). Nhưng may là ba mẹ cũng được rất nhiều người chia sẻ và an ủi, rằng trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ, và từ những vĩ nhân cho đến người dân bình thường, ngày xưa còn nhỏ ai mà chả thế.

9-2010 - Mùa khai giảng - Ngày Xuyên Việt vào lớp 1
Ba Nhân của con


Báo Hỷ

Thân gửi các bạn thành viên hội Trại sơ tán báo Nhân Dân,

Xin báo với các bạn tin vui của gia đình chúng tôi: Chủ nhật này, ngày 26-9-2010, chúng tôi tổ chức lễ vu quy cho con gái chúng tôi là Huỳnh Thị Thùy Trâm, sánh duyên cùng Nguyễn Đức Lương, cùng ở Vũng Tàu.

Ở Vũng Tàu, có bạn Lưu Đức Sơn (con chú Lưu Đức Hiệp) đại diện cho hội Trại sơ tán sẽ đến dự, mừng đám cưới hai cháu.

Nhân đây xin giới thiệu thêm, là gia đình chúng tôi (hội viên của hội “Vịt giời”) có:

Đầu lòng hai ả Tố Nga
Thùy Dung là chị, em là Thùy Trâm.

Thùy Trâm và vợ chồng Thùy Dung đều nối bước cha ông, làm nghề báo (Đài PT-TH). Chồng Thùy Trâm là kỹ sư làm ở công ty sữa Dutch Lady, đang dự định xin chuyển về làm bia Carlsberg tại Vũng Tàu.

Thân ái chào các bạn!
Huỳnh Dũng Nhi

(Ảnh chụp: Thùy Trâm và Đức Lương)
Từ Dũng Nhi
-----------------------------

TTST BND:
Rất mừng biết vợ chồng anh Huỳnh Dũng Nhi gả chồng cho cô Út.
Chúc hai cháu Thùy Trâm và Đức Lương trăm năm hạnh phúc!

23/9/10

Ký ức thời sơ tán (3)

Huỳnh Dũng Nhi
(Tiếp theo kỳ trước (2))

Nhà thờ họ Phùng 2-2010, xã Thống Nhất (nay là Hữu Văn)
Tụy An là địa điểm thứ ba trại sơ tán báo Nhân Dân đóng quân. Đây là nơi có nhiều kỷ niệm nhất, có lẽ vì là nơi hạ trại lâu nhất, và là nơi chúng tôi ít nhiều trưởng thành sau hai năm sơ tán tập sự. Ở đây, nhiều sự việc, nhiều gương mặt bè bạn in nét rõ nhất trong ký ức của tôi. Khó mà có thể tập họp, sắp xếp bằng cách nào đó để kể cho hết được. Thôi thì nhớ đến việc gì, nhớ tới ai thì kể về việc đó, kể về người đó vậy. Trong việc có người, trong người có việc.

Tổng Hành dinh của trại là nhà thờ họ Phùng mà hình như bác Lê là trưởng họ. Khu nhà thờ họ này khá rộng. Ngoài dãy nhà chính là nơi thờ phụng, còn hai dãy nhà phụ, đâu lại thành hình chữ U, ở giữa là sân (hình như có mái che). Các cô phụ trách, các trại viên bé, “phòng hành chính”, bếp ăn của trại ở đây. Bọn con trai chúng tôi ở nhà bác Lê, cách nhà thờ họ khoảng 50 mét, đi qua một bụi nứa rậm rạp và một vườn có xoan, có bưởi. Tôi nhớ bụi nứa vì dưới bụi nứa này, ngoài nhiều trò khác, chúng tôi thường chơi cái trò không biết gọi là gì: một tay chĩa xuống đất, tay kia luồn dưới tay này nắm lấy tai bên ngược lại, rồi xoay tròn, đếm vòng. Không biết kỷ lục được lập ra là bao nhiêu vòng, nhưng đứa nào làm xong khi dừng lại đều không đi thẳng được, mà cứ lệch về một hướng, có khi đâm thẳng vào bụi nứa, có đứa đi được một hai bước là té cái rụi. Còn tôi nhớ có xoan vì đây là nơi Trần Dũng (con cô Bình Định) leo cây, gãy cành, rơi từ độ cao khoảng trên dưới 2 mét xuống đất. Chúng tôi xúm lại, định đỡ Dũng lên thì Khánh Hoài(con chú Khánh Căn) trong nhà chạy ra ngăn lại. Hoài bảo là người ta nói, người bị ngã cây phải cho nằm một lúc cho có hơi đất, không được đỡ dậy ngay. Không nhớ là chúng tôi có làm theo không, nhưng nói chung là Dũng chẳng bị làm sao cả. Tôi nhớ có bưởi là vì tôi, một xạ thủ súng cao su hạng bét, chưa bao giờ bắn trúng một con chim nào cả, hôm đó đi qua vườn, thấy trên cây có duy nhất một trái bưởi (hình như bác Lê để làm giống), bèn giương súng lên bắn một phát trúng cuống, rớt một cái bịch. Hoảng hồn bỏ chạy, bỏ cả chiến lợi phẩm. Nhân nói chuyện súng cao su, nhớ có một lần, Tảo ngồi học bên cửa sổ, loại cửa khi mở chống lên bằng một cái que, tôi đi ngang, giơ súng cao su nhắm cái que bắn một phát. Cánh cửa rơi sập xuống, đè gãy cây bút máy của Tảo. Không nhớ rồi sau đó có phải đền không.

Phương Hồng (áo sẫm)
Bọn con gái lớn thì ở một nhà xa hơn, hình như phải đi qua con đường giữa làng thì phải. Bọn con trai chúng tôi ít khi qua bên ấy, và cũng chẳng có lý do gì để mà qua bên ấy, nhất là có một dạo chia phe nam nữ, nghinh với nhau. Chẳng vì lý do gì cả. Báo tường do cánh con trai làm “chủ xị” đăng một bài kiểu xã luận, tựa đề “Vì sa cô”, nói xấu, phê phán bọn con gái. “Vì sa cô” thực ra là hai chữ “vì sao” mà chữ o được thay bằng chữ cô, theo cách xưng hô của người Nghệ An, Hà Tĩnh. Nếu như bây giờ mà viết “Visaco”, dám người ta hiểu là một công ty gì đó lắm. Trở lại chuyện phe phái. Đi chơi thì con gái một tốp, con trai một tốp, đi cùng đường nhưng cách xa nhau không quá xa, mà cũng không khá gần. Tủ sách của trại được giao cho bọn con gái phụ trách, chẳng có đứa con trai nào qua mượn. Một bữa, mấy thằng bàn nhau đột nhập nhà bọn con gái, lấy trộm sách. Cũng diễn tập kỹ càng. Đi theo kiểu bộ đội đặc công mới học lóm được. Tính đến cả cách vô hiệu hóa con chó hiền lành của chủ nhà. Cuộc đột nhập thành công. Bọn con gái la oai oái, thừa biết rằng chỉ có bọn con trai là thủ phạm. Cũng trong cái đoạn phe phái nay, có lần nghe Ngô Phương Hồng (chị của Ngô Phương Mai) kéo Violon, mặc dù nghe rất hay đấy, trong bụng rất phục đấy, nhưng tôi vẫn có ba câu truyền miệng cho các bạn: “Còn như cái Hồng-Đánh Violon-Như là gãi ghẻ”. Xin lỗi Hồng nhé, hồi đó còn con nít mà. Lời xin lỗi muộn màng, cũng như lời cám ơn muộn màng đối với Mai vậy.

Ngõ vào nhà bác Lê (nay mới xây tường
bên cạnh). Phải đi qua lối này để sang
nhà bọn con gái (nhà Phương Hồng ở)
Chuyện phe phái chỉ là chuyện nhất thời, còn nhìn chung, con trai con gái trong trại chơi với nhau rất thân mật. Có một dạo, bọn trẻ trong trại thành lập quân đội, phong quân hàm cho nhau. Con gái cũng tham gia, có đứa được phong quân hàm tới cấp thiếu úy, trung úy…Con gái cũng được phân công nhiệm vụ như cứu thương, giao liên, chị nuôi v.v… nhưng thường chẳng có việc gì làm. Bọn con trai thì thường có việc. Đó là đi ném nhau với bọn trẻ địa phương. Chỉ cần “trinh sát” chạy về thông báo là có bọn nào đó thách ném nhau, lập tức lệnh báo động được ban ra, và ào ào, mỗi đứa mỗi cái mũ rơm, kéo nhau lao ra chiến trường. Chiến trường là một khu đất rộng, giống như sân hợp tác hoặc tương tự như vậy, bên cạnh đó có một vùng đất cao, không biết nên gọi là đồi hay là gò. Quân sơ mít thường chiếm căn cứ trên cao này, ném nhau rất hào hứng. Thường là những cuộc ném nhau đều bất phân thắng bại. Quân đối phương khi xong trận, ai về nhà nấy, còn cánh sơ mít thì về trại, ngồi tụ lại, tha hồ khoe thành tích, nào là ném trúng tay thằng này, trúng chân thằng nọ, nào là tránh được một lúc ba cục đất liền... Những thành tích không được kiểm chứng, nhưng là những niềm tự hào không thể dấu được. Không ai nhớ được đã xảy ra bao nhiêu trận ném nhau, nhưng có điều chắc chắn là chẳng ai bị thương cả. Cũng ở cái “sân hợp tác” này, chúng tôi thường chơi trò bắn hoặc ném dơi. Chạng vạng tối, dơi bay ra rất nhiều, bay loạn xạ trên trời. Không bao giờ ném hay bắn trúng nó cả. Nó né rất tài. Đó cũng là một kiểm nghiệm thực tế cho kiến thức “dơi dùng sóng siêu âm để tránh chướng ngại vật” mà chúng tôi được biết qua sách báo.

24-10-2009 - Một lần giao lưu ở nhà Việt Phương

Ở trại, phong trào văn nghệ cũng xôm lắm. Bọn trẻ, đứa nào cũng biết hát, không biết có hay hay không, nhưng đúng giọng, đúng điệu. Có lẽ đó cũng là một trong những thế mạnh của dân thành phố. Chiều chủ nhật, nhiều đứa trai có, gái có, xúm quanh chiếc radio độc nhất của trại, học hát theo đài. Có lần, cô Tân Nhân (mẹ của Khánh Hoài, Khánh Châu, Khánh Như) về trại, có dạy cho bọn trẻ con chúng tôi một bài hát mới cứng, chưa nghe trên đài lần nào. Đó là bài “Tên lửa sông Đà”: “Đêm nay ta về bên sông Đà, rừng bát ngát nở hoa, suối róc rách reo vui…chiến sĩ…” Tôi chỉ nhớ được có hai câu đó, nhưng nhớ mãi cái cảm xúc được biết một bài hát mới, chưa nhiều người biết, và lại do một ca sĩ nổi tiếng như cô Tân Nhân dạy. Học hát trên đài, nghe hát trên đài, chúng tôi cũng lập ra đội đồng ca, dàn dựng một số bài hát, trong đó nhớ nhất là bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Có chia bè, có lĩnh xướng đàng hoàng. Khánh Châu lĩnh xướng giọng nam, Oanh (con cô Liên, chú Nghĩa) lĩnh xướng giọng nữ. Chẳng đi biểu diễn ở đâu cả, chỉ hát cho nhau nghe thôi. Hình như cũng có lần biểu diễn phục vụ các bậc phụ huynh vào thăm trại, dịp Phương Hồng đàn violon đó thì phải. Hồi đó phục Phương Hồng, vì cả trại, ngoài Phương Hồng ra, chẳng có ai được học nhạc một cách bài bản cả. Trong bọn con trai, có mấy đứa biết thổi sáo, cũng là do tự mò, tự học, thổi cho kêu, cho đúng bài là hay lắm rồi. Cả trại chỉ có một ống sáo, chuyền tay nhau thổi. Nhớ Khánh Hoài, không hiểu vì sao một dạo bị các bạn “te lô” (nghỉ chơi), có tật liếm vào lỗ thổi của sáo trước khi thổi. Cả bọn bàn nhau lấy ớt bôi vào sáo. Thấy sáo bỏ không, Hoài cầm lấy thổi, nhăn mặt, phun phèo phèo. Cả bọn được một trận cười. Cái ống sáo ngày ấy là vật bất ly thân của cả bọn. Trong một bài nào đó, Hiếu Dân có nhắc chuyện Trần Dũng bị rắn cắn trên đồng, buộc ga-rô bằng chiếc khăn quàng đỏ. Hồi đó, không biết đi ngủ có đeo khăn quàng đỏ không, chứ đi đâu, đứa nào cũng đeo khăn quàng. Lấy khăn quàng đỏ buộc ga-rô, xong dùng cái ống sáo bất ly thân đó xỏ vào, vặn cho chặt. Đưa về nhân viên y tế (tôi nhớ là chú chứ không phải là cô), đồng chí này dùng dao băm bèo rạch vết thương, nặn máu. Chi tiết này tôi chỉ nghe kể lại, không biết có đúng hay không. Đêm đó, chúng tôi đi ngủ trong niềm xúc động thật sự. Ai cũng lo, nhưng không nói ra. Sáng hôm sau thức dậy, nhìn Trần Dũng vui vẻ, mạnh khỏe, cả bọn cười ha ha. (Đang nói chuyện văn nghệ với ống sáo lại nhảy qua chuyện rắn cắn…Thì tôi nói rồi mà, nhớ gì kể nấy. Trong việc có người, trong người có việc, kể việc này lại nhớ đến việc kia, kể luôn kẻo phải tìm cơ hội khác để kể).

Hoài Nam bế con Mốc ở trung tâm bức ảnh. Chụp ở nhà thờ họ Phùng, có lẽ là năm 1966-1967
Trong ảnh, từ trái qua phải:
Hàng trước: Cường, Khánh, Phương Hà, Phương Liên, Thanh Tú, Khánh Như, Hoa Thiều;
Hàng giữa: Quang (em Thiều), Thanh Bình, Ninh Hà, Hoài Nam bế Mốc, Thúy Oanh, không rõ tên lấp sau Như, Hằng con cô Hảo, Lam Hồng;
Hàng 3: Ngọc (lấp sau Thanh Bình), Kiều Tuấn (lấp sau Ninh Hà), không biết là ai lấp sau Hoài Nam, tiếp đến đứng sau Oanh được đoán là Trần Tuấn, rồi đến Hạnh Phúc, Phương Mai và Bích Liên;
Cuối cùng, cắm mặt vào quyển sách có thể là Đặng Nam và Tuấn Phong (?)
(Còn tiếp)
Xem lại: Trại sơ tán (Ký ức thời sơ tán - kỳ 1) / Ký ức thời sơ tán (2)

19/9/10

Vinh danh

TTST BND xin giới thiệu những dòng tâm sự từ một lá thư của bạn đọc, chắc chắn là thành viên hội ttst bnd, nhưng không ghi tên, chỉ biết địa chỉ hòm thư lethanglong@..., vậy có lẽ "bút danh" là Lê Thăng Long. Đến nay Ban Bloc vẫn chưa biết đấy là ai:

Từ: Le Thang Long
Gửi tới: Anh quản trị Bloc
Chủ đề: Vinh danh

Cũng như nhiều thành viên của trại trẻ tôi rất xúc động khi đọc bài “Ký ức thời sơ tán” và hồi hộp chờ “Nhà Bloc” đăng tải kỳ tiếp theo.

Nếu như mọi người đã biết đến một Hùynh Dũng Nhân đa tài, năng động, chuyên nghiệp và sắc sảo trong lối viết, một Huỳnh Ngọc Thụy đằm thắm, mặn mà khi kể lại chuyện xưa, một Huỳnh Hoa Lê nhẹ nhàng, tình cảm khi nói về thời gian ở trại tuy lúc đó còn quá nhỏ và không nhớ được nhiều. Thì nay mọi người lại có dịp được biết đến một Huỳnh Dũng Nhi ôn tồn, điềm đạm, dí dỏm một cách lịch lãm khi đọc “Ký ức thời sơ tán” của anh.

Với lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, tràn ngập các sự kiện về ký ức của một cuộc sống thiếu thốn, gian nan nhưng lại thật thú vị với “con nít thị thành“, câu chuyện của anh đưa người đọc về với một tuổi thơ gian khổ nhưng thi vị và ngọt ngào. Khổ vì phải đi sơ tán, xa Hà Nội nhưng lại Sướng vì không phải bếp núc, nấu cơm v.v... Phải nói là lâu lắm rồi tôi mới có lại được cái cảm giác giống lúc nhỏ, hồi hộp chờ để được đọc một câu chuyện mình thích được đăng tải nhiều kỳ trên báo.

Cám ơn anh và Ban quản trị Bloc đã cho chúng tôi, những “trại viên” của trại trẻ cũ một lần nữa được sống lại những ngày tháng không thể nào quên của tuổi thơ. Đặc biệt cám ơn Ban quản trị Bloc đã không tiếc công sức, thời gian để duy trì một “điểm hẹn” mà tất cả chúng tôi, những thành viên trại trẻ đều rất biết ơn nhưng có thể cũng như anh Nhi nói: chưa có thói quen nói lời cám ơn!

-----------------------------------------------------

Tin tức hoạt động:

Theo tin từ Ban LL, ngày 15/9, các hội viên TTST BND đã thành kính tham dự lễ viếng, tiễn đưa cụ Vũ Thị Nhung (thân sinh các anh Hùng, Tuấn, Sơn và chị Yến) và chia buồn với gia đình. Sau đó, nhóm đại diện ttst bnd đã tổ chức đi thăm hỏi động viên hai cụ đang bị ốm nặng là cụ Hòe (mẹ anh Dân) và cụ Liên (mẹ các chị Oanh, Yến, Thúy).

-----------------------------------------------------

Sinh nhật: Hôm nay là của chị Việt Phương. Sau khi nhận được hoa (điện tử ) và lời chúc hạnh phúc, vui vẻ của hội ttst bnd, chị đã hồi đáp: "Cám ơn các bạn đã dành cho Việt Phương tình cảm ấm cúng và lời chúc tốt lành!".

Lời cám ơn

Hà Nội, ngày 18/09/2010

Chân thành cám ơn các anh chị, các bạn đã đến viếng, tiễn đưa mẹ chúng tôi và chia buồn với gia đình chúng tôi!
Tang gia bối rối, có gì sơ xuất xin được lượng thứ!

Thay mặt các em và toàn thể gia đình

Vũ Quốc Hùng

16/9/10

Ký ức thời sơ tán

Huỳnh Dũng Nhi

(Tiếp theo kỳ trước)

Núi Chày, một quả núi mồ côi nằm giữa đồng (từ an-bom ảnh Tuy Lai)
Thời gian trại sơ tán ở Thành Vật, nơi hạ trại đầu tiên, không lâu. Thành Vật, (tôi nhớ mang máng như thế) là xã (hay làng) có bệnh xá Vân Đình và trường cấp II Tân Phương đó. Tôi nhớ rằng, cũng trong năm đó, trại chuyển về xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Tây. Tôi nhớ Tuy Lai, vì hồi đó có bài hát chèo “Gái Tuy Lai gửi trai Cồn Cỏ”. Tuy Lai, nơi có hồ nước nhân tạo được tạo ra bằng cách đắp đê bao quanh chân núi, tạo điều kiện để cải tạo đồng chiêm trũng. Một lần, máy bay Mỹ bị bắn bị thương bên Hòa Bình nhào sang, cắt bom cho nhẹ để chạy thoát thân. Xã phát động căm thù “giặc Mỹ phá hồ, hòng gây ngập lụt, phá hoại mùa màng”. Một tốp dân quân được lệnh lên núi, ém quân phục kích ngang thung lũng. Chỉ vài ngày sau, một máy bay AD 6 của hải quân Mỹ bị tốp các nam nữ dân quân này bắn hạ (từ đó mới có bài “Gái Tuy Lai gửi trai Cồn Cỏ”), rớt ngay tại một làng gần trường cấp II mà tôi, Hiếu Dân (Hươu- các bạn khác thì viết là Hiêu, có lẽ là chữ Hiếu không dấu, nhưng tôi thì vẫn nghĩ là Hươu) và các bạn khác học. Máy bay đâm xuống một cái ao sát đường giữa làng, cháy mất cái nhà bếp, chết một con heo (sau đó làm thịt chiêu đãi mừng công dân quân luôn). Phi công người Úc nhảy dù, bị bà già, cô gái và em gái bắt sống. Bà già cầm cái liềm cắt cỏ, cô gái cầm súng trường, em gái cầm sợi chạc (dây) mũi trâu. Bà và cô tôi không biết tên, còn bạn gái ấy tên là Kéo, học lớp 6 cùng trường. (Giá như bạn Kéo, nay là bà Kéo đọc được những dòng này nhỉ). Tại sao tốp dân quân kia với súng trường CKC, tiểu liên AK lại bắn rớt được máy bay Mỹ? Ngoài câu trả lời quen thuộc là lòng yêu nước, căm thù giặc Mỹ, còn phải nói tới sự sáng tạo trong cách đánh. Bên kia rặng núi là Hòa Bình, có nhiều mục tiêu cho địch bắn phá, ắt hẳn có mặt trận phòng không dày đặc. Còn bên này, như xã phát động căm thù, mục tiêu chỉ có thể là cái hồ nước rộng lớn. Máy bay địch bị bắn rát bên Hòa Bình nhào theo khe núi sang bên này tránh đạn, phải bay thấp vì sợ tên lửa. Vậy là tốp dân quân cứ việc cơm nắm muối vừng ngồi chờ trên lưng chừng núi, nó luồn sang thì cứ đưa súng ngang ra mà bắn, chẳng cần đón trước “một thân, hai thân, ba thân” gì cả. Đúng là kiểu “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Tôi biết điều này là do các chú, các bác dạy cho. Một bài học cực kỳ dễ hiểu, dễ nhớ.

Chúng tôi chơi những gì mình thích...
(nguồn ảnh:
tuanvietnam.net, Lê Anh Dũng)
Ở Tuy Lai có núi Chày, một quả núi mồ côi nằm giữa đồng, gần sát dãy núi ngăn cách với Hòa Bình. Sau ngày máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Tuy Lai, ngày nào bọn trẻ sơ tán chúng tôi cũng vào hang núi Chày sơ tán. Sơ tán của sơ tán. Sáng tinh mơ đi, chập choạng tối mới về. Đường vào hang phải băng qua một cánh đồng, trên đường đi có một rãnh nước cắt ngang, là một trở ngại lớn, nhất là đối với bọn con gái. Không phải vì nước sâu, mà vì nhiều đỉa. Cứ đặt chân xuống là hàng chục con lúc nhúc lao tới. Cố đi thật nhanh, cẩn thận đến cỡ nào thì chí ít cũng bị một con bám vào. Nhưng sợ vẫn phải lội. Bị đỉa bám thì đã có cách trị. Không có vôi thì cứ nhổ nước bọt ra tay mà “vuốt lấy xác nó”. Đó cũng là một bài học của thời sơ tán, như bài ngồi sụp xuống khi bị chó tấn công vậy.

Hồ Tuy Lai nay là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng (an-bom Tuy Lai 06/4/2008)
Hang núi Chày khá rộng, có nhiều ngách. Hơn 10 ngày sơ tán vào hang, bọn con trai chúng tôi thám hiểm mọi ngóc ngách, phát hiện ra vỏ trấu trong một ngách, vỏ đạn ở một khe núi… Thời chiến tranh chống Pháp, hang Chày từng là căn cứ của dân quân, du kích. Mười ngày, nửa tháng sáng đi, tối về, chẳng thấy gì xảy ra cả. Đến một ngày chủ nhật, ngày có các ông bố, bà mẹ từ Hà Nội vào thăm con, gửi xe đạp ngoài làng, vào hang, thấy đất trời im ắng quá, đề nghị cho trại viên rút sớm để các cô, chú còn kịp đạp xe về Hà Nội. Mới lục tục khăn gói ra tới cửa hang thì ầm ầm, ào ào, rét rét, rít rít, đùng đùng…Không gian tóe lửa. Nắng chiều cũng như bị rách toạc ra. Từng đàn máy bay - như đàn chó dữ bên bờ sông Đáy hôm nào - bên Hòa Bình lao sang. Hình như chúng lao qua rồi lao lại, hết tốp này đến tốp khác, trên trời không lúc nào ngớt máy bay. Chúng bay rất thấp. Nhìn chiếc nào chiếc nấy đều to như chiếc thuyền nan cả. Mọi người lại rút vào hang, chỉ có bọn con trai chúng tôi đứng ngấp nghé ở cửa hang, xem máy bay Mỹ.

Sau đó ít lâu, trại lại dời địa điểm. Lúc trại dời đi, không biết tại sao tôi không có mặt tại trại. Nghe các bạn kể lại, trên đường dời trại, còn nghe tiếng bom đạn sau lưng. Thư từ Tuy Lai cho biết, máy bay Mỹ bắn phá điên cuồng, nhiều nhà bị trúng bom… Nhưng cái hồ nước vẫn còn.

Nhi và Hươu 1966
(trích từ ảnh của Nhân)
Hồi ở Tuy Lai, chúng tôi ở nhà ông Dem. Thực ra, Dem là tên của con ông, ở nông thôn người ta thường gọi cha theo tên con trai cả. Ông Dem hay kêu tôi cho ăn ốc luộc, lễ bằng gai bồ kết. Ông Dem hút thuốc lào bằng điếu bát. Có lần ông hút xong, tôi cầm xe điếu, hút sái, ho sặc sụa. Còn Dem là người có công dạy tôi cưỡi bò và bắt cua. Hồi đó tôi theo Dem đi bắt cua, bắt được bao nhiêu thì phần của ai, người đó bán. Một xâu cua mấy hào, đối với bọn nhóc chúng tôi cũng đã là nhiều. Một lần, Dem móc trong hang cua ra một con rắn. Dù chỉ là con rắn nước, nhưng tôi cũng hoảng hồn, từ đó bỏ nghề mò cua luôn.

Trước nhà Dem có một cái ao, không do ai đào cả, mà là một hố bom thời đánh Pháp. Ao nuôi cá rô phi và thả bèo. Giữa ao là một cây tre dài dùng để ngăn bèo. Cá rô phi rất dễ câu. Chỉ cần buộc vào sợi chỉ một đoạn ruột phanh xe đạp uốn thành lưỡi câu, móc hột cơm vào, thả xuống , chờ và giật lên. Cá lúc nhúc, giật đại cũng có con bị lưỡi câu móc vào mang, vào bụng. Còn ao bèo là một nơi tắm rất thú vị. (Bèo chỉ chiếm nửa ao do có cây tre ngăn lại, còn nửa ao thì tha hồ cho mọi người vẫy vùng, tắm giặt). Các cô ở trại thì cấm, còn bọn tôi lại rất thích tắm ao. Rủ nhau đi tắm ao thì gọi là “ùm bom”, nghĩa là nhảy một cái ùm xuống hố bom. Chính tại cái hố bom-ao bèo này mà tôi đã biết bơi. Không ai dạy, không bài bản, hoàn toàn là tự học. Đầu tiên là úp mặt xuống nước, nín hơi thả nổi. Sau đó là khua chân khua tay như con chó, gọi là bơi chó. Bơi chó thì không cần quan tâm lắm đến cách thở, vì đầu lúc nào cũng ngẩng cao trên mặt nước. Ráng bơi ra được đến cây tre rồi nghỉ một lúc, bơi về. Rồi bơi đến cây tre, không nghỉ, về ngay. Rồi tập bơi ếch. Bơi ếch mà đầu vẫn ngẩng cao. Rồi tập bơi ếch thở có bài bản. Cuối cùng là tập bơi sải. Tay bơi sải mà chân đạp ếch. Vẫn tốt như thường. Cốt là biết bơi, chứ có đi thi thố gì đâu. Chỉ trong một thời gian ngắn, “nghề bơi” của tôi tiến bộ trông thấy. Các bạn cùng trang lứa với tôi, người trước, người sau cũng đều biết bơi cả. Cái ao bèo trở nên chật chội đối với chúng tôi. Và hồ nước không tên dưới chân núi mới là bể bơi lý tưởng. Mặc dù hơi xa và phải đi trong trưa nắng nhưng đối với chúng tôi, điều đó chẳng hề hấn gì.

Hồ rất rộng và dài. Rộng chừng nửa cây số và dài chừng ba cây số. Không biết có đúng không, nhưng tóm lại là mênh mông. Không có chỗ cạn. Chỗ nào cũng sâu gần như nhau. Cứ hình dung như một cái bồn tắm khổng lồ vậy. Qua lại trên hồ chủ yếu là người đi củi. Cứ hễ chìm xuồng là chết đuối, có bám vào mấy bó củi cũng chìm. Người ta bảo dưới hồ có ma cà rồng. Có lần người ta thấy có người ôm bó củi chết chìm dưới đáy hồ. Đó là do ma bắt đấy. Chắc là hù dọa chúng tôi thôi, nhưng chẳng đứa nào sợ. Học trò mà, đứng thứ ba, chỉ thua ma (nếu ma có thật) một bậc.

Chỗ chúng tôi chọn để bơi là một góc sát chân núi. Ở đây có nhiều cây có cành xòa ra mặt nước, có cành cao dùng làm nơi “ùm” xuống rất tuyệt, có cành thấp làm nơi bám víu tạm nghỉ khi chưa muốn leo lên bờ. Nước hồ rất trong. Leo lên cây nhìn xuống thấy rõ từng bụi rong lớn dưới đáy. Chúng tôi bơi lội, lặn ngụp, đùa giỡn thoải mái chừng một tiếng đồng hồ thì về. Quần ướt, tóc ướt, nhưng trưa nắng chang chang, về đến nhà là khô, các cô không thể nào biết được là bọn chúng tôi trốn ngủ trưa đi tắm hồ.

Hươu và Dem (Ảnh về thăm Tuy Lai 06/4/2008)
Trò chơi thường xuyên của chúng tôi là đánh trận giả vào những buổi tối. Trận địa thường là… bãi tha ma cũ. Ở đó có nhiều ngôi mộ xây bằng đá ong. Núp sau những ngôi mộ ấy mà bắn bùm nhau thật là tuyệt. Chẳng có đứa nào sợ ma cả. Mà có sợ đôi chút thì cũng quên đi. Lúc này được chơi cùng bè bạn là trên hết.

Có những ngày chúng tôi kéo nhau lên đồi chơi, tìm hái trái mâm xôi, một thứ trái mà nếu không đi sơ tán, đố đứa nào biết. Sợ rắn, nhưng đi chơi thì cứ đi, bụi cây nào rậm rạp tới đâu cũng lủi vào để khám phá.

(Viết tới đây thì tôi tạm nghỉ. Cô con gái kiêm cô giáo vi tính của tôi “chích meo”, cho hay là tôi có thư chúc mừng sinh nhật của TTST gửi. Mừng quá, vui quá. Nhắn tin ngay cho Hiếu Dân để “thank you”, cho lời cám ơn có tính thời sự nóng hổi. Ngay sau đó lại có điện thoại của Khánh (Bẹt) chúc mừng. Nhân (đang chuẩn bị đi Hà Nội dự đại hội Hội Nhà báo), Thụy (đang công tác ở Austria), Lê - cũng là cựu trại viên TTST cả - đều gửi điện mừng. Tiện thể, tôi đọc luôn những bài cũ đăng trên trang Web của TTST. Có bài viết nói tới Tuy Lai, nhắc lại cho tôi một số địa danh mà tôi không nhớ, như thôn Giáp Bốn, tên hồ nước …, hay Dem học lớp mấy chẳng hạn. Nhưng tôi quyết định không sửa, không bổ sung vào những gì đã viết. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến những gì mình thật sự nhớ, cho dù là nhớ sai, những gì thật sự là kỷ niệm của tôi, là ký ức của một thời sơ tán đó).

(Còn tiếp)
Xem lại: Trại sơ tán (Ký ức thời sơ tán - kỳ 1)

13/9/10

Chia buồn

Cáo phó

Trân trọng báo tin buồn cùng thân bằng quyến thuộc, bạn hữu gần xa: Mẹ chúng tôi là cụ Vũ Thị Nhung đã từ trần ngày 12/9/2010 tại Hà Nội do tuổi cao sức yếu, hưởng dương 85 tuổi.

Lễ viếng tổ chức từ 15 giờ 30 đến 16 giờ 30 ngày 15 tháng 9 năm 2010 tại Nhà Tang lễ Thành phố, số 125 phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hóa thân tại Đài Hóa thân Hoàn vũ, Văn Điển - Hà Nội, cùng ngày.

Trưởng nam
Vũ Quốc Hùng
---

Chia buồn

Bạn bè thuộc Hội Trại trẻ Sơ tán Báo Nhân Dân xin chân thành chia buồn với các anh, chị Vũ Quốc Hùng, Vũ Thanh Yến, Vũ Như Tuấn, Vũ Thái Sơn cùng toàn thể gia đình!

Thông tin thêm: Hội TTST BND có tổ chức đến viếng. Mời các thành viên tham dự tập trung trước 16 giờ tại địa điểm trên.

Ban Liên lạc, thay mặt TTST BND

9/9/10

Trại sơ tán

Huỳnh Dũng Nhi

Ký ức thời sơ tán

Nếu nói đến trại sơ tán báo Nhân Dân, thì có thể nói trại viên đầu tiên là tôi, Huỳnh Dũng Nhi, lúc đó 12 tuổi, học lớp 6. Trên chuyến xe đầu tiên của báo Nhân Dân chở những vật dụng ban đầu của trại về địa điểm sơ tán có khoảng bốn, năm người đi tiền trạm, trong đó có cô Bình Định, chú Ninh… Tôi được ba mẹ cho đi theo để trông coi số đồ đạc của gia đình. Tên làng, xã, huyện tôi không nhớ rõ lắm, còn tỉnh thì chắc chắn là Hà Tây. Ở gần đó là trường cấp II Tân Phương (tôi nhớ vì liên hệ tới tên chú Tân Phương, bố của Hạnh (Phúc), Hoàn và Bé). Còn có bệnh xá Vân Đình (tôi nhớ vì chỉ mấy tháng sau, tôi có dịp ghé thăm). Khu đất của nhà ông chủ (tôi không nhớ tên), nơi trại đóng quân, khá rộng, nhiều cây cối. Nhà có nhiều chó, khá dữ. Ông chủ có ba người vợ.

Không nhớ là bao lâu sau, năm, mười ngày hay nửa tháng gì đó, tốp trại viên đầu tiên nhập trại. Bắt đầu những ngày sơ tán đầy thú vị. Không biết các bạn khác thì sao, chứ đối với tôi, những ngày sơ tán đem lại biết bao điều mới mẻ, bổ ích mà ở Hà thành, ít đứa con nít nào có được. Tôi học cùng Trần Dũng, còn ai nữa hay không thì không nhớ. Thật ra thì thời gian tôi ở trại lúc này không dài, ở những trại sau thì nhớ tên các bạn nhiều hơn. Chúng tôi, cả 4 anh em đều ở trại cả: tôi, Dũng Nhân, Ngọc Thụy và Hoa Lê. Mẹ tôi, cô Lê Thị Lý, còn gọi là Hoa Lý, thời gian này cũng là một trong những “cô nuôi dạy trẻ” của trại. Đoạn cuối trong danh sách trại viên có đoạn nhắc tới các cô, trong đó không có tên mẹ tôi, chắc tại quên, vì thời gian mẹ ở trại cũng không lâu.

Chăn trâu chiều hè (Trung Kiên - Minh Yến, Vietnamnet)
Ở trại sơ tán thật là tuyệt. Đi học về là có cơm ăn ngay, không phải đụng tay vào việc bếp núc, khác với khi còn ở Hà Nội, cỡ tuổi như tôi, Nhân…đều phải lo nấu cơm, luộc rau để ba mẹ đi làm về là có cơm ăn liền. Ở trại, sáng đi học, chiều học bài, xong thì đi chơi. Không thiếu gì thứ để chơi. Đi bơi ư? Không cần đến Tăng Bạt Hổ mua vé, cứ việc ra sông Đáy, không biết bơi thì cũng là tắm sông. Đi dạo chơi? Cứ theo đường làng, rồi ra xóm dọc bờ sông. Trên đường ấy có nhà nuôi khá nhiều chó, dữ như cọp. Nhà có cổng bằng lưới thép, luôn đóng chặt, nhưng hễ thấy có người đi ngang qua là cả đàn chó xồ ra, chồm lên, sủa chát chúa. Một đứa trong bọn tôi, không biết nghe ai dạy, bảo chúng tôi: cứ ngồi thụp xuống là chúng nó sợ, tưởng mình lượm đá ném. Chúng tôi làm theo. Quả là như vậy thật. Thú vị, bọn tôi thử đi, thử lại nhiều lần. Trên đường đi lại có nhà trồng nhiều cây roi. Bọn tôi, không đứa nào không biết quả roi, nhưng hoa roi thì lần đầu tiên mới biết. Không rõ các bạn khác thì sao, chứ quả thật là có đi sơ tán, lần đầu tiên tôi biết được đâu là cái cày, đâu là cái bừa, cũng là hột thóc mà ra nhưng lúc nào thì gọi là mạ, lúc nào thì gọi là lúa…

Bọn trẻ trong làng nhanh chóng làm quen với chúng tôi, đám trẻ thị thành mà chúng nó gọi một cách hài hước là “dân sơ mít”. Bọn chúng hò reo, chạy theo từng đàn mỗi khi thấy ô tô của báo Nhân Dân về. Đầu tiên, bọn chúng không tin là nhóc con như chúng tôi mà biết đi xe đạp, phải chờ đến lúc mượn xe của các bậc phụ huynh về thăm con biểu diễn cho chúng nó xem, chúng nó mới phục lác mắt. Ngược lại, chúng tôi lắc đầu thán phục và ước làm được như chúng nó: leo lên lưng bò, cưỡi bò, đứng trên lưng bò, điều khiển bò đi nhanh, đi chậm, quẹo trái, quẹo phải, với những mệnh lệnh nghe rất lạ tai như: “vắt- diệt- họ”… Còn khi trong bọn tôi có mấy đứa có học tiếng Nga bập bẹ: sờ-tô ê-tơ, ê-tơ đôm… thì đúng là mấy ông tây con hiện hình trước mắt đám trẻ làng chưa hề có khái niệm gì về ngoại ngữ.

Kỷ niệm khó quên của tôi trong những ngày sơ tán đầu tiên là bị gãy chân. Hôm đó là chủ nhật, ở Hà Nội có ô tô về trại. Một chiếc Din hai hay ba cầu gì đó. Các chú thanh niên làm việc của các chú, hình như đào hầm thì phải, chiều sẽ trở về Hà Nội. Tôi và các bạn sang một nhà hàng xóm chơi, được chiêu đãi món khoai lang trần (trần nước sôi chứ không luộc). Tôi, tay cầm miệng nhai nhưng vẫn chơi trò vật nhau với một đứa bạn (quên tên rồi, trước đây có nhớ tên bố của bạn ấy, bây giờ cũng quên luôn). Té ngã, không hiểu bằng cách nào mà bạn ấy đè lên chân làm tôi gãy chân. Nói chung là rất đau. Đưa về Tổng hành dinh của trại, nằm đó, không sơ cấp cứu gì cả, chờ đến chiều theo xe ra bệnh xá Vân Đình. Chỗ chân gãy bỏng rát, bàn chân lật ngang (đố ai có thể làm cho bàn chân nằm ngang trên chiếu như tôi lúc đó được). Mai (Ngô Phương Mai – con bác Quỹ và cô Nghệ) ngồi quạt chân cho tôi. Lúc đó tôi rất biết ơn Mai, nhưng chưa có thói quen nói lời cám ơn. (Bây giờ, khi viết những dòng này, xin gửi lời cám ơn muộn màng đến Mai nhé. Ông già 58 tuổi bây giờ cám ơn thay cho cậu bé 12 tuổi lúc đó).

***

Phương Mai đứng ở giữa, trong lần
được nhận quà tặng do học giỏi (khoảng năm 67)
Khoảng 5 giờ chiều, mẹ gói cho tôi một bộ quần áo và 1 đồng trong chiếc khăn tay rồi đưa tôi lên xe. Phải ngồi ở ca-bin, mà leo lên, mặc dù có sự giúp đỡ của người lớn đối với tôi là một cực hình. Chiều chủ nhật, bệnh xá Vân Đình vắng hoe, chỉ có một cô y tá trực. Cô nẹp cố định cho tôi bằng hai thanh tre mới vót, cho ăn cơm với bắp cải xào, bảo tôi chờ đến tối có xe đưa đi bệnh viện Hà Đông cùng 2 bệnh nhân nữa. Xe đưa chúng tôi đi là một chiếc com-măng-ca đít vuông, tôi được ưu tiên chiếm một băng ghế dài trên xe. Một trong hai bệnh nhân cùng đi bị giun chui vào túi mật, rên rỉ, kêu la suốt dọc đường. Đến bệnh viện, cô y tá “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, đi đâu mất. Tôi được vào một phòng bệnh rộng, có hàng chục giường, không phải giường nào cũng có người nằm. Chắc hồi đó dân chưa đông, người bệnh ít hơn bây giờ. Giường khá cao, rất may tôi chỉ phải leo xuống có một lần, tự thân vận động. Cái khổ lúc này không còn là vết gãy chân, mà chính là đầu hai cái que tre cọ xát vào mắt cá . Sáng hôm sau, bác sĩ cho đi chụp X-Quang. Chụp cẳng chân bằng máy chụp phổi, nghĩa là phải đứng một chân trên một cái ghế đẩu, hễ té thì gãy cổ chứ đừng nói gì đến gãy chân. Bác sĩ kết luận: vết gãy có đầu xương nằm gần mạch máu, phải chuyển về bệnh viện Việt Đức điều trị. Thế là được về Hà Nội. Cũng một xe Com-măng-ca, một chú lái xe và một cô y tá. Đến bệnh viện, xong việc, có lẽ cô y tá và anh lái xe tranh thủ đi dạo Hồ Gươm nên biến mất luôn. Bác sĩ ở phòng cấp cứu soi chân tôi bằng chiếc máy soi giống như một cái bảng có cắm điện, tôi nhìn thấy rõ khúc xương gãy màu trắng trên nền xanh của tấm bảng. “Gãy cả 2 xương cẳng chân, 1/3 dưới xương chày, 1/3 trên xương mác”. Thế là nhờ đi sơ tán, bị gãy chân, nhờ bác sĩ ở bệnh viện Việt-Đức mà tôi biết được cẳng chân có 2 xương: xương chày và xương mác - hóa ra trong lúc nào, ở hoàn cảnh nào cũng học được một cái gì đó. Rồi tôi được đưa lên phòng bó bột. Lúc nằm chờ, có một anh đang bị nắn xương, kêu la thảm thiết. Tôi hỏi bác sĩ: “chân cháu có phải nắn không?”. “Có chứ. Không nắn cho thẳng thì làm sao mà bó được.” Tôi hồi hộp, lo sợ, chờ đợi. Đến lúc bó bột, ông bác sĩ khác bảo: “Xương thẳng thế này đâu cần phải nắn”. Thế là bó luôn. Tôi mừng quá, và nghĩ “chắc tại lúc nằm dài cho xe Com-măng-ca đít vuông nhồi lắc, xương đã tự sắp xếp lại, chứ trước đó, bàn chân nằm ngang ra kia mà”. Bó bột xong, trở lại phòng cấp cứu. Bây giờ thì về đâu, báo cho ai bây giờ? Ba tôi lúc đó đang học ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Người đầu tiên tôi nghĩ đến là chú Ngô Lê Dân. Hồi gia đình tôi còn ở 71 Hàng Trống, tôi quý mến nhất chú Dân, người thường chở tôi đi dạo phố trên chiếc xe đạp sườn ngang, hay đưa tôi đi ăn kem ở Bờ Hồ, dạy tôi chèo thuyền trên hồ Hoàn Kiếm. Tôi hỏi mượn điện thoại và gọi về báo Nhân Dân. Số điện thoại của báo Nhân Dân thì tôi thuộc nằm lòng. Một lúc sau chú Dân đến, vẫn bằng chiếc xe sườn ngang đó. Chú gọi xe xích lô, đưa tôi về cơ quan. Chiều, ba tôi về. Tôi được ở một phòng trong dãy nhà phía sau, gần phòng bác Nhuệ lái xe, sau chuyển xuống dãy nhà ở “phố Hàng Cống”, gần bếp ăn tập thể của báo, ở cùng với bác Viên. “Xuống ở đây cho gần hầm hố, nhỡ có báo động…” Các chú, các bác bảo thế. Bố của bạn vật nhau với tôi thường lui tới, mua quà sáng cho tôi. Một đồng mẹ cho vẫn còn, khi chân đã lành, tôi đi bộ ra Bách hóa tổng hợp mua ngay một cái súng lục nhựa màu xanh lá cây. Chân tôi lành khá nhanh. Thời gian bó bột quy định là 1 tháng, nhưng mới 2 tuần tôi đã chống cái ghế đẩu đi khắp cơ quan, tuần sau nữa thì chống gậy. Từ lúc bị gãy chân đến lúc trở lại trại sơ tán là gần 2 tháng. Gần 2 tháng nghỉ học, tôi bị đúp lớp 6. Còn Nhân, cũng thời gian này phải đi mổ tai, đúp lớp 3.

***
(Còn tiếp kỳ sau 15:30 16/9/2010)

8/9/10

Rôm rả về 3 năm blog

(Các email mới nhất được bổ sung ở cuối bài)

Trích email:
Vào lúc 16:32 ngày 07 tháng 9 năm 2010, vn.hanoi đã viết: "Chào các anh chị thành viên ... ... Thay mặt Ban LL, xin gửi tới các chị thông báo... ... Xin cám ơn!"

Vừa nhận được tin blog tròn 3 năm tuổi, nhiều thành viên hội ttst bnd đã có email hồi đáp. Mỗi người một phong cách tạo nên sự sinh động, vui không ngờ. Dưới đây là một số trong những cái đó:

Trong lần giao lưu hội ttst bnd đến thăm cô phụ trách cũ
Cám ơn Ban liên lạc!
Chúng tôi sẽ chờ đọc bài của anh Dũng Nhi. Như vậy là sức khỏe anh Nhi đã tốt hơn trước. Chúc mừng anh!

Hoài Nam
------------------

Giời ơi, bác Dân em dỗi hay sao thế?
Em bận quá nên lâu không viết, nhưng em vẫn vào đọc vì đây là vẫn là ngôi nhà chung của chúng ta mà!

Hà Phạm
------------------

Em Bình Thao đây. Rất vui khi nhận được những thông tin từ BLL.
Mong được gặp các anh tại TP. HCM . Chúc mọi người khỏe!
------------------

Kg Ban Liên lạc!
Tôi vẫn thường xuyên theo dõi hoạt động của Ban LL và blog, đừng quên tôi nhé!

Nguyễn Văn Ngọc
------------------

Alo, xin chào các anh chị em bà con cô bác!
Xin giới thiệu bạn Thụy con của mẹ Lý đây ạh, bạn T đang ở xa quá (khoe tý nhé, đang ở Vienna), nên ỷ y không reply mặc dù vẫn thường xuyên theo dõi, nhưng với "i-meo" quyết liệt vừa rồi, khả năng bị ra khỏi danh sách nhận "meo" là rất cao và để đường dây liên lạc giữa địa chỉ i meo của mình tới ttst bnd cũng không bị mốc, bạn Thuỵ quyết định sẽ "reply" ngay, và đều đặn, xin hứa với lời hứa của trại viên trại trẻ BND.

Chúc hộp thư của trại mình ngày càng phát triển, và chắc chắn là thế vì sắp tới chúng ta sẽ hưu trí hàng loạt nên hộp thư sẽ được "sinh hoạt" đều đặn hơn. Mọi người ko viết chắc cũng vì còn tiết kiệm thời gian tý đó thôi, mà còn có lý do nữa là làm biếng (giống bạn Thuỵ).
Chúc sức khoẻ cả nhà!
Ciao!
------------------

Chào các anh, các chị và các bạn!
Chúc mừng blog ttst bnd tròn ba tuổi, chúc cho blog của chúng mình ngày càng sinh động và có thêm nhiều thành viên tích cực tham gia.
Rất mong lại có dịp để được đi chơi, giao lưu cùng mọi người!.

Tường Hạnh
------------------

Ban Liên lạc TTSTBND thân mến,

Công việc của các anh chị trong thời gian qua rất đáng trân trọng và hữu ích. Nó giúp các thành viên trại trẻ gần nhau hơn dù ở xa cách. Điều đó càng quý khi tuổi của chúng ta ngày một cao!

Nếu có một góp ý nào đó thì tôi thấy điều lưu ý trong email này (ví dụ: "Kể từ nay, có thể đây là lần cuối cùng...") có thể nhẹ nhàng hơn. Group email bao giờ cũng vậy, có rất nhiều người theo dõi trong yên lặng, và đấy đã là sự tham gia quý báu. Trong trường hợp một số người không muốn tham gia thì rất đơn giản là ở cuối email của Ban Liên lạc các anh chị để một vài lựa chọn để họ có thể nhấn vào: hoặc để gia nhập, hoặc để xin ra v.v...

Cảm ơn Ban Liên lạc và chúc mọi điều tốt lành!

P. H. Giao
AIT
------------------

Hy vọng là tôi không nằm trong danh sách "không bao giờ trả lời". Xin gửi các bạn bài "LOẠI MỘT VÀ LOẠI TÁM", bài viết từ hồi xưa về HN - coi như một kỷ niệm 1000 năm Thăng Long!.

H.D.Nhân
------------------

Kính chào tất cả các anh chị!

Em vẫn nhận, đọc mail đều và enjoy các thông tin anh chị gửi. Thực sự có nhiều thông tin rất thú vị mà các anh các chị sưu tầm được. Tuy nhiên, vì em đang đi làm, lại ở cơ quan cổ phần nên thời gian khá bận, không feedback được nhiều.

Vẫn mong nhận được thông tin của cả nhà ạ!

Nhân đây em xin chia sẻ với các anh chị 1 món quà nhỏ mà em nhận được trong ngày sinh nhật và cảm thấy rất thích (slideshow 49 cách sống khỏe). Hy vọng các anh chị cũng thích nó.

Dự Hương
------------------

Chào các bạn,

Mình vẫn đọc e-mail đấy ạ và vẫn rất thích đấy ạ. Chỉ có điều là bận quá nên nhiều khi chỉ “thưởng thức” thôi mà không trả lơi. Đừng xoá tên mình đi nhé.

Cảm ơn các bạn nhiều nhiều!

Lê Hương Chi
------------------

Chúc mừng sinh nhật Blog TTST BND 3 tuổi. Chúc blog TTST BND lớn mạnh cùng năm tháng và luôn đem lại niềm vui cho các thành viên!

Cám ơn Ban Liên lạc TTST BND!

Đỗ Lan Bình - Thành viên TTST BND.
------------------

Chúc mừng Tròn 3 năm blog ttst bnd !!!

Trần Minh
------------------

Thực sự mà nói không có 1 cơ quan nào có một trại trẻ tuyệt vời như trại trẻ của chúng ta đâu, càng tuyệt vời hơn khi được giao lưu, liên lạc với nhau tới tận khi mà chúng ta đã có con, cháu. Và chúng ta có quyền tự hào về điều ấy. Đó là kết quả của lòng nhiệt tình và tình cảm quý báu của chúng ta, những người đã, đang và sẽ tham gia thành viên hội. Cho em gửi lời cảm ơn Ban LL và chúc sức khỏe tới tất cả mọi người!

Hoa Lê
------------------

Chào tất cả nhà!

Tôi gửi mail này đến Các Bạn, đều là những người nhiệt thành và vui vẻ với các thông tin từ hòm thư vn.hanoi, và cũng phải tự nhận là: Kể ra không nên gửi email "nặng" đến tất cả mọi người (theo như ý kiến của Huy Giao). Thực tình Chỉ có Vài người Không bao giờ có phản hồi mà thôi!
Còn nhiều người khác không thường xuyên mở hòm thư, đến khi phát hiện ra mình có thư mới thì nội dung trong thư nhận được đã không còn mới, không "nóng" nữa, nên cũng không muốn hoặc không cần trả lời.

Nhân dịp blog ttst bnd tròn 3 năm tuổi, Chúc tất cả các thành viên Vui Vẻ và Thuận lợi trong mọi mặt của cuộc sống!
Chân thành!

Hiếu Dân
(Đôi khi hích một cái cho vui đấy mà!)
------------------

Chúc mừng blog ttst bnd tròn 3 tuổi, mình ở xa nhưng vẫn theo dõi thường xuyên hoạt động của hội, thấy nhiều hoạt động thú vị quá, tiếc là không ở VN để tham gia, nhớ đừng quên mình nhé!

Thanh Yến
------------------

Hôm qua, đọc bài Trại sơ tán đăng trên blog của trại sơ tán, mới nhận thấy mình đã quên điền tên thật cho bài viết. Tên "Trại sơ tán báo Nhân Dân" là tên tạm lúc đầu, có tính chất đánh dấu, còn tên chính thức của bài viết mình đặt là "Ký ức thời sơ tán". Hoàn thành bài viết, mình đã đọc lại nhiều lần, sửa từng lỗi đánh máy, vậy mà quên điền tên chính thức cho bài viết. Các bạn thông cảm và giúp mình sửa lại nhé.

Dù có muộn màng cũng cho mình gửi lời chúc mừng đến blog của trại trẻ sơ tán: Bước vào tuổi lớp Mầm, chắc chắn Blog của chúng ta sẽ chóng lớn, dễ thương và xinh đẹp hơn!

Thân ái chào các bạn.
Huỳnh Dũng Nhi
------------------

Trời ơi, mọi người dù không trả lời email này vẫn âm thầm theo dõi đó thôi, há chi có cần thiết phải lên tiếng không nhỉ? Mà mọi người vẫn âm thầm nhận mình vẫn là một thành viên của trại, của blog này, vẫn dõi theo blog này, vì nó vẫn rất là riêng của chúng ta, để ta nhớ dĩ vãng đầy kỷ niệm không thể nào quên, và chúng ta ở tuổi chẳng còn lãng mạn nữa, để chết đi vẫn còn kỷ niệm đẹp khó quên được này mang theo. Vậy đấy! Mình xin chúc mừng blog ta tròn 3 tuổi đầy yêu thương còn tồn tại theo ta quãng đường còn lại đó, rất chân thành cảm ơn rất nhiều đến Ban Liên lạc của ta (bạn Khánh, anh Dân, bạn Việt Phương, bạn Thanh Hà...) đã rất chịu khó nhiệt tình, duy trì kết nối, khi anh em ta không còn bên cạnh nhau như thời ta còn con trẻ được dìu dắt bởi các cha mẹ cô chú bác. Theo mình, nên vẫn duy trì phiền hà như cũ, cho dù có bị phiền hay tin gửi đến có bị cũ đi nữa, chẳng sao cả, mỗi người đều có một cái riêng mà, chẳng ai giống ai cả, rất người và thân thiện. Thế đó, cho mình viết vài lời nhỏ bé này gửi nhớ các bạn trong Trại ta ngày xưa của thời chống Mỹ. Như bài hát của Trịnh Công Sơn: "Bao nhiêu năm rồi còn nhớ nhau không? đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt... trên hai vai ta cho đầy cuộc tình, Người mãi trong tôi, tình mãi cho đời... " (hát trại cho vui zậy). Còn đây là ảnh vợ chồng cùng hai nhóc của mình, coi cho vui!.

Quang béo

(Bấm nút Play để xem tiếp)
------------------

Chào các bạn,

Ngày 15-8, nhân dịp có chú Như Đàm ở Hà Nội vào chơi, các "cựu binh" báo Nhân Dân ở TP Hồ Chí Minh lại có dịp gặp nhau và dùng chung bữa tại Cơ quan đại diện Báo Nhân Dân.

Ninh Hà đã đưa mẹ tới dự. Tham gia buổi họp mặt có chú Như Đàm, chú Ngô Lê Dân, bác Trần Quốc Khải, bác Trần Đĩnh, cô Bình Định, chú Hiệp, chú Đinh Phong, chú Thanh Phương, chú Nguyễn Kiến Phước, cô Tuệ Quỳnh (mẹ Ninh Hà) và một cô mà NH không biết rõ (thành thật xin lỗi cô).

Như ngày nào, chú Ngô Lê Dân luôn là người nhiệt tình với các công tác xã hội. Đây là vài bức hình trong số những hình ảnh mà chú Dân đã chụp trong buổi gặp mặt (vì thế mà chú không có trong hình!). Xin gửi tới các bạn.

Các "bậc tiền bối" của chúng ta vẫn "phong độ" lắm, phải không?

NH mới được đọc phần đầu tập "hồi ký" của anh Nhi, thấy thú vị lắm. Phần sau chắc còn hay hơn nữa. Anh Nhi nhớ tài thật đấy, viết lại dí dỏm, nhẹ nhàng mà tình cảm nên rất dễ đọc. Biết đâu trên cơ sở này chúng mình có thể cùng nhau viết lại hồi ký của TTSTBND. Đúng là một món quà ý nghĩa mừng sinh nhật 3 tuổi của blog.

Nhờ internet mà đám trẻ ngày xưa giờ đây lại có thể cùng nhau hàn huyên, dĩ nhiên chẳng ai muốn nó "biến mất". Mọi người ai cũng muốn cám ơn các bạn trong "BBT" rất nhiều.

Ninh-Ha
Từ trái sang phải: Chú Thanh Phương, chú Như Đàm, bác Trần Đĩnh, cô Bình Định, cô Tuệ Quỳnh, chú Hiệp (ba của Sơn) - (Cô Tuệ Quỳnh ngồi gần ống kính)

Từ trái sang phải: Chú Đinh Phong (Tuất), chú Kiến Phước (Tấn Thọ), chú Thanh Phương, chú Như Đàm

Từ trái sang phải: Cô Tuệ Quỳnh, bác Trần Đĩnh, cô Bình Định, chú Đinh Phong
------------------

Xin chào anh chị em Trại trẻ thân thương!

Dạo này Hải Đường lu bu nhiều việc quá, không có thời gian để hồi tưởng lại thời thơ ấu nên không viết thêm được bài gì gửi Blog.

Nhân dịp kỷ niệm 3 năm Blog chúng ta tròn 3 tuổi, tôi xin chúc Ban Biên tập (gọi thế cho “oách” chứ chắc chỉ có anh Dân là chính) luôn vui vẻ, dẻo dai để duy trì trang tin trại trẻ BND. Chúc toàn thể cô bác, các anh chị em trại trẻ Báo Nhân dân sức khoẻ và “vạn vạn sự như ý”!.

Tuy không có thời gian viết bài, nhưng hy vọng sẽ được đọc nhiều hồi tưởng của các anh chị như anh Dũng Nhi đã thể hiện. Nhớ lại ngày xa xưa thật bồi hồi, xúc động. Quá khứ thời trại trẻ qủa thực là góc sáng nhất trong cuộc đời của nhiều thành viên chúng ta. Càng gợi càng thấy sáng.

Hải Đường
------------------

Nếu có huân chương "Vì Tình Bạn", tôi đề nghị tặng thưởng Ban LL và Blog ttst bnd tấm hạng nhất. Nhờ có Ban LL mọi người vẫn thấy như gần nhau!

Lưu Phương Bình

( Bài đăng được bổ sung lần cuối lúc 14:09 ngày 19/9/2010)

7/9/10

Tròn 3 năm blog ttst bnd

1. TTST BND: Kỷ niệm 3 năm hoạt động của trang web-blog chung của chúng ta, Xin Cám ơn Các Bạn Thành viên TTST BND vẫn thường xuyên theo dõi thông tin, tham gia đóng góp ý kiến, bài viết hoặc gửi ảnh cho Trang Web-Blog ttst bnd!.

"ttst bnd : Giao lưu - Ôn kỷ niệm - Hướng về Tương lai
Liên lạc với Quản trị: vn.hanoi - Email: vn.hanoi@gmail.com - Từ: 03/9/2007"

Đó là những dòng chữ mà mỗi lần bấm vào nút "Liên lạc" ở thanh ngang phía trên blog các bạn sẽ nhìn thấy. Nó đánh dấu ngày 03/9 là Sinh nhật của trang blog chung ttst bnd, đồng thời cũng ghi nhớ nguyên tắc cao nhất của việc Giao lưu hội Trại trẻ Sơ tán BND để Ôn lại kỷ niệm của chúng ta, từ những ngày gian khổ mà vẫn ngọt ngào trong ký ức tuổi thơ, và cuối cùng, kết hợp với cuộc sống mới hôm nay, hy vọng sẽ rút ra được điều gì đó có ích cho tương lai, cho thế hệ sau của ttst bnd!

Vừa đúng dịp kỷ niệm 3 năm hoạt động, hôm 31/8 anh Tuấn Vũ đã gửi đến blog bài viết thú vị và sinh động về cuộc sống người Việt đáng tự hào ở xứ sở bạch dương, Ô-đe-xa, thành phố bên bờ Biển Đen. Cũng trong tuần đầu tháng 9, anh Dũng Nhi đã gửi đến tập hồi ký mà anh đặt tên là "Trại Sơ tán" rất hấp dẫn và cảm động.

Nhà bà Ánh ở Tuy Lai, vẫn còn để nguyên từ hồi chống Mỹ
(anh em Hồ Nguyên đã ở nhờ nhà này)
Trong hồi ký, có nhiều tình tiết được moi trong trí nhớ đã phủ bụi thời gian dày gần 50 năm nên chưa chắc đã chính xác, anh Nhi cho biết: "Tiện thể, tôi đọc luôn những bài cũ đăng trên trang Web của TTST. Có bài viết nói tới Tuy Lai, nhắc lại cho tôi một số địa danh mà tôi không nhớ, như thôn Giáp Bốn, tên hồ nước..., hay Dem học lớp mấy chẳng hạn. Nhưng tôi quyết định không sửa, không bổ sung vào những gì đã viết. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến những gì mình thật sự nhớ, cho dù là nhớ sai, những gì thật sự là kỷ niệm của tôi, là ký ức của một thời sơ tán đó."

Blog sẽ đăng hồi ký của anh Dũng Nhi làm nhiều kỳ, bắt đầu từ 15:30 thứ 5 ngày 09/09/2010. Mời các bạn theo dõi và tham gia ý kiến!.

2. Vừa qua, nhân dịp sinh nhật thành viên TTST BND, Ban Liên lạc đã gửi tới các anh chị lời chúc mừng chân thành. Sau đây là một số hồi âm:

Cảm ơn các bạn rất nhiều! Thân mến, Hà Huy Hiệp

---------------

Xin cảm ơn các anh chị, các bạn Trại trẻ sơ tán Báo Nhân dân đã chúc mừng sinh nhật Hà!
Lê Thu Hà

---------------
Các anh thân mến,

Em cảm ơn các Anh rất nhiều, mấy ngày qua, kể từ 02/09 em được "biệt phái" đi công tác tại nhà Bà ngoại (vì cô giúp việc về quê) nên em ko vào mạng, nhưng biết chắc rằng sẽ luôn có email gửi đến với lời chúc sinh nhật thật cảm động. Anh Khánh cũng còn nhắn tin qua điện thoại chúc mừng em, phấn khởi ghê!

Mong rằng cứ mỗi thu về, anh em mình lại được chúc nhau thêm tuổi Anh nhỉ. Cám ơn các anh chị!

Em Thủy Tiên

2/9/10

Ô-đe-xa, thành phố bên bờ Biển Đen

Thư từ Ucraina:
Chào anh HD!
Vì công viêc "cơm áo gạo tiền", lâu nay cũng không đóng góp gì được cho Trang Web-blog ttst bnd, nhân có bài viết Tạp chí Đối ngoại của BCHTW Đảng đặt viết, em gửi anh góp vui.
Chúc anh và các bậc trưởng huynh an khang!
H.T.V


TTST BND: HTV vừa có bài đăng ở Tạp chí Đối ngoại, số tháng 8/2010, trang 59. Như các bạn thấy, ảnh chụp trang đầu đăng trên tạp chí trình bày khá đẹp. Dưới đây là toàn bài viết của Hoàng Tuấn Vũ:

Odessa, thành phố bên bờ Biển Đen

Odessa là một trong những thành phố độc đáo và đa sắc màu nhất Liên Xô trước đây. Điều đập ngay vào mắt tôi khi bước chân ra khỏi nhà ga là khung cảnh thành phố rất giống… Hà Nội và Pari. Một lần nữa, ảnh hưởng của văn hóa và kiến trúc Pháp đặt dấu ấn lên không chỉ các nước thuộc địa cũ ở châu Á và châu Phi mà cả một nước đế quốc hùng mạnh vào đầu thế kỉ XX nữa, đó là nước Nga. Dưới thời Liên Xô cũ, mọi người thường nói với nhau: “Đây là thành phố cần phải được nhìn bằng… đôi chân”, ý muốn nói rằng du lịch thành phố cảng này tốt nhất là đi bộ. Cũng như Hà Nội, khu kiến trúc cổ nằm ở trung tâm thành phố, nơi tập trung những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất của Odessa. Có lẽ, tôi nên bắt đầu cuộc hành trình của mình từ phố Rishelevski, từ tòa nhà màu trắng toát theo phong cách phương Đông trông như một Thánh đường Hồi giáo. Đây là Trung tâm văn hóa Arập, được xây dựng cách đây không lâu dưới sự bảo trợ của một thương nhân giàu có người Arập. Không chỉ riêng tôi mà nhiều người tham quan chắc cũng có cùng suy nghĩ: trong khu phố cổ không tòa nhà nào giống tòa nhà nào, mỗi nhà đều có một điểm gì đấy khác biệt. Đây cũng là một nét độc đáo trong kiến trúc của Odessa. Rảo bước theo con phố Puskin đến đoạn cắt với phố Bunhin, chúng ta bắt gặp Nhà hát giao hưởng quốc gia Odessa (trước đây là tòa nhà của Sở chứng khoán). Đây là một công trình kiến trúc được trang trí bằng những bức tranh bích họa, những bức phù điêu đắp nổi và một số lượng rất lớn những cửa kính bán nguyệt đủ màu sắc… Trên phố Puskin hiện diện bức tượng cao bằng người thật của nhà thơ Nga vĩ đại với chiếc batoong sau lưng. Thấy tôi đưa tay lên vuốt cán của chiếc gậy bằng đồng đã lên nước sáng bóng, một ông già đang tưới cho mấy luống hoa ở cạnh đó bước lại nói: “Chiếc gậy bằng đồng đó khiến tôi mất ăn mất ngủ đấy. Đã hai lần bị kẻ trộm cuỗm mất. Cuối cùng, sợ bị đuổi việc, tôi đã hàn chặt nó vào với tay của nhà thơ. Hồi nhỏ, tôi không thích thơ Puskin và bị điểm kém về môn văn, khi về già suýt bị mất việc vì cái batoong của nhà thơ”.


Đeribasovski là tên của con phố nổi tiếng nhất Odessa, cũng là tên của người đầu tiên đã có công đặt nền móng xây dựng thành phố. Đây là phố chỉ dành cho người đi bộ. Nếu ai đã từng tới Pari thì sẽ có cảm giác con người cũng như sinh hoạt của con phố này chẳng khác gì một con phố ở quận 13: Cũng vẫn cái vẻ thanh bình pha chút uể oải kiểu nghệ sĩ, những dãy hàng quán cà phê chạy sát ra tận lề đường và chìm mình dưới bóng những cây sồi cổ thụ hàng trăm tuổi. Khác với nhiều thành phố khác của Ucraina, quán xá ở đây làm việc gần như thâu đêm. Cũng trên phố này còn có một số tượng đài mang tính chất biểu tượng của thành phố: Tượng đài đôi sư tử, tượng đài 12 chiếc ghế (lấy từ tiểu thuyết trào phúng nổi tiếng cùng tên của Ilf và Petrov), tượng đài của công dân danh dự, diễn viên kiêm ca sĩ Leonhid Utesov.

Vừa đi hết đoạn cuối của phố Đeribasovski, nhìn chiếc đồng hồ trên cửa của một hiệu bán đồ lưu niệm, tôi bỗng nhớ ra cuộc hẹn từ trước với một người Việt Nam nổi tiếng nhất thành phố Odessa - ông Nguyễn Văn Khanh - Bác sĩ Công huân của Ucraina. Tôi vội rảo bước đến ngay bến xe buýt ở bên trái Nhà hát Opera Odessa, một trong hai nhà hát còn lại được xây theo kiểu kiến trúc baroc của Viên. Mặt tiền của nhà hát được trang trí bởi các pho tượng theo huyền thoại Hy Lạp và phía trước là hàng tượng bán thân của những nhà văn Nga nổi tiếng: A.Puskin, M.Glinka, A. Griboedov, N. Gogol. Nơi bác sĩ Khanh làm việc là một tòa nhà cũ kĩ hai tầng, vôi vữa tường lở lói, chắc đã lâu không được sửa chữa. Nhìn thấy tôi, anh bảo vệ không cần nghe câu hỏi, chỉ tay qua ô cửa sổ nhỏ, nói ngay:

- Đến bác sĩ Khanh phải không? Đi thẳng, rẽ tay phải và lên tầng hai!

Chắc hẳn, rất nhiều người Việt Nam tại Odessa khi ốm đau đã đến đây nhờ vị bác sĩ này. Khu bệnh viện giải phẫu lồng ngực đang tiến hành sửa chữa nên bàn ghế, giường tủ… xếp ngổn ngang ngoài hành lang. Đứng trước cánh cửa sơn trắng với tấm biển bằng đồng in chữ nổi: “Trưởng khoa Ngoại, Phó tiến sĩ khoa học, Chuyên gia phẫu thuật cao cấp”, trong lòng tôi không khỏi dâng lên cảm giác tự hào về người đồng hương Việt Nam vì tôi biết rằng để thành đạt được trên mảnh đất còn mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa này, để được đồng nghiệp tôn trọng, nể phục, hơn nữa được Tổng thống Ucraina vinh danh là một việc không hề đơn giản chút nào. Đây không phải là kết quả của một hành động anh hùng nhất thời, không phải sự thành công của một doanh nhân gặp vận may phất lên. Trước hết, đây là tài năng, là sự khổ luyện công phu ngay từ khi còn ngồi trên ghế sinh viên y khoa, là những năm tháng âm thầm lao động thực tế tại các bệnh viện, là sự đối mặt hàng ngày với nỗi đau và cái chết của đồng loại…

Sau mấy tiếng gõ cửa rụt rè của tôi, cánh cửa phòng bật mở. Đứng trong khung cửa là một người đàn ông có tầm vóc nhỏ nhưng rắn rỏi, cặp mắt thông minh ẩn sau cặp kính trắng và mái tóc đã bạc nhiều. Chúng tôi bắt tay nhau và tôi đi thẳng luôn vào vấn đề chính mà mình quan tâm:

- Biết bác sĩ rất bận, nên tôi chỉ dám làm phiền 30 phút. Thú thật, tôi không hình dung ra phòng làm việc của một bác sĩ Công huân Ucraina lại khiêm tốn như thế này. Thưa bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, việc ông là người Việt Nam đầu tiên được phong danh hiệu cao quí “Bác sĩ Công huân Ucraina” do Tổng thống Ucraina tặng khiến tôi nhớ đến câu chuyện của bác sĩ Hồ Đắc Di thời Pháp thuộc, người Việt không được quyền mổ người Tây, bác sĩ Di là người Việt đầu tiên làm việc này. Ông có thể cho biết những cảm nhận của người bệnh là “ông bà Tây” khi bác sĩ cầm con dao mổ là người Việt đến từ một đất nước còn nghèo nàn và lạc hậu?

- Bệnh viện luôn luôn tạo điều kiện cho người bệnh được quyền chọn bác sĩ phẫu thuật cho mình. Việc họ chọn tôi là do sự mách bảo của những bệnh nhân từng được tôi phẫu thuật. Ở các nước tư bản chủ nghĩa không có sự lựa chọn này. Theo tôi, vấn đề sắc tộc ở đây không có chỗ đứng, người bệnh cần một bác sĩ có tay nghề cao chứ không phân biệt là người Xlavơ, Việt Nam hay châu Phi.

- Đâu là nguồn động lực thúc đẩy ông đạt được danh hiệu cao quí này, một danh hiệu mà đến các bác sĩ người bản xứ còn phải mơ ước? Phải chăng lòng tự trọng dân tộc bị thách thức?

- Hai chữ Việt Nam luôn luôn gắn liền với tôi từ khi bắt đầu bước chân vào giảng đường Đại học Y khoa Odessa. Đối với người dân ở đây, Việt Nam gắn liền với chiến tranh, nghèo nàn và lạc hậu. Con đường duy nhất mà tôi đã tâm niệm và theo đuổi từ khi còn là một cậu học trò nghèo của trường chuyên toán Thanh Hóa là con đường học vấn. “Dao có mài mới sắc, người có học mới khôn”. Nhờ có những thành tích học tập tốt trong những năm đại học nên sau khi ra trường việc tìm chỗ làm cũng thuận lợi hơn. Chính vì là người Việt Nam nên tôi thấu hiểu và tâm niệm rằng, để thành công mình phải nỗ lực, cố gắng gấp đôi người bản xứ.

- Để đạt được danh hiệu cao quí “Bác sĩ Công huân”, chắc chắn ông đã có những đóng góp không nhỏ cho nền y học Ucraina?

- Tôi không có phát minh sáng chế nào cả. Trước tiên đó là sự đánh giá quá trình đóng góp cho sự nghiệp y tế Ucraina trong suốt hơn 25 năm qua, sau đó là đề nghị của tôi áp dụng một cơ chế mới trong Viện Lao giúp tiết kiệm được nhiều tiền cho nhà nước và chính người bệnh, đó là tiến hành mổ các bệnh ngoại lao ngay tại Viện Lao Odessa, mổ nội soi cho các bệnh nhân ngoại lao cũng tại bệnh viện này. Danh hiệu này có giá trị về mặt tinh thần nhiều hơn là vật chất, được thưởng một khoản tiền và được tăng 20% lương. Chế độ hưu trí cũng được quan tâm hơn, đặc biệt nếu muốn mở phòng mạch tư thì không cần xin giấy phép hành nghề của Bộ Y tế.

- Xin ông cho biết đôi nét về bức tranh toàn cảnh của ngành y tế Ucraina theo con mắt của mình?

- Tôi là người sống qua hai thời kì: xã hội chủ nghĩa của Liên Xô cũ và Ucraina độc lập phát triển theo hướng kinh tế thị trường hiện nay. Thực sự là ngành y tế Ucraina đang lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc trước sự đổ vỡ của một hệ thống các giá trị trước đây. Xã hội cũng như trong ngành y tế thiếu hẳn những chuẩn mực về đạo đức. Hay nói cụ thể hơn, có đến 80% bác sĩ bây giờ làm việc chỉ vì đồng tiền và từ đây đẻ ra mọi tệ nạn xã hội bê bối trong ngành. Bộ máy hành chính quan liêu vẫn còn rất nặng nề, giấy tờ sổ sách chồng chéo, phiền hà… Song, cái mà tôi cho là tệ hại nhất là sự khủng hoảng lòng tin vào con người, vào chính quyền, vào tương lai của bản thân và đất nước.

- Ông có thể chia sẻ với bạn đọc một kỉ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời hành nghề bác sĩ trên mảnh đất Ucraina, được không?

Bác sĩ Khanh ngả người ra sau ghế và tháo cặp kính trắng ra dụi mắt. Không khí trong phòng chùng hẳn xuống, nghe rõ tiếng con ong đất ri ri ngoài cửa sổ. Tôi hiểu rằng, 25 năm là khoảng thời gian dài biết bao biến cố và sự kiện trong công việc thực hành bề bộn và vất vả của một bác sĩ phẫu thuật. Vài phút im lặng trôi qua, ông đứng dậy và bước lại bên cửa sổ nhìn ra đường…

- Anh đã bao giờ phải đối mặt với một đôi mắt trẻ thơ tuyệt vọng đang gào khóc cầu xin giúp đỡ mà mình lại bất lực chưa? Tôi đã làm hết khả năng của mình nhưng không cứu được người phụ nữ đó. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn trông thấy và nghe thấy đôi mắt cầu xin và tiếng kêu cầu cứu ấy: “Bác sĩ ơi, cứu mẹ cháu với!”. Đôi mắt ấy ám ảnh tôi nhiều năm trời, nó làm tôi suy nghĩ rất lung về sứ mệnh của người bác sĩ và ý nghĩa của cuộc sống. Luôn phải tiếp xúc và chứng kiến bệnh tật và cái chết của con người nên tôi rất yêu quí cuộc sống và nâng niu trân trọng từng khoảnh khắc mong manh của nó…. Nói đến đây, ông đưa tay mở mạnh cánh cửa làm ùa vào căn phòng nhỏ yên tĩnh những âm thanh náo động và cái không khí nóng ẩm kiểu nhiệt đới của một thành phố biển chứa đựng trong mình nhiều di tích và huyền thoại.

Tôi biết bác sĩ Khanh là người rất am hiểu về văn học thi ca Nga, ưa thích âm nhạc cổ điển và là một người chơi piano nghiệp dư có đẳng cấp. Ánh mắt tôi bắt gặp trên giá sách cuốn “ Bông hồng vàng” của K. Paustovski, nhà văn mà tôi yêu thích thời sinh viên. Tôi bước lại và xin phép được xem ấn bản in rất cũ, khoảng những năm 60 của thế kỉ trước. Bác sĩ Khanh đặt cốc trà lên bàn và nói bằng giọng vẫn còn đậm chất Thanh: “Cách đây mấy hôm, Bảo tàng Paustovski ở Odessa có tổ chức lễ tưởng niệm 42 năm ngày mất của nhà văn. Nghề văn và nghề y gần gũi nhau, cùng đối tượng nghiên cứu và phục vụ là con người. Nghề y là thể xác, còn nghề văn là tâm hồn. Nếu anh có thời gian nên ghé qua thăm nơi sống và làm việc của Paustovski trong thời gian 1919 - 1922, cũng gần đây thôi, đầu tiên là đến Cầu thang 192 bậc nổi tiếng Pochiômkin và từ đó đi bộ dọc theo phố Biển Đen, nhà số 8”.


Tôi đứng trên đầu cầu thang và đưa mắt nhìn xuống những bậc thang huyền thoại màu xám đã bị rêu phong bởi thời gian, nắng và gió biển Đen. Xa hơn một chút, toàn bộ khu cảng chính phơi mình lồng lộng dưới ánh mặt trời phương Nam như bộ ngực trần nở nang của chàng lính thủy. Đây là một di tích nổi tiếng thế giới và đã đi vào lịch sử văn hóa của đất nước nhờ những bài ca, trường ca, tiểu thuyết và phim ảnh kể từ khi được khởi công xây dựng từ năm 1825 theo đơn đặt hàng của Công tước Voronsov để làm quà tặng cho vợ là Elizabet. Cầu thang đã chứng kiến bao sự kiện thăng trầm của lịch sử Nga, chính vì thế mà cũng được thay tên đổi họ đến bốn lần. Nó thực sự nổi tiếng thế giới nhờ bộ phim “Chiến hạm Pochiômkin” của đạo diễn Xôviết lừng danh Xergây Endenstanh vào năm 1925. Nhà đạo diễn điện ảnh thiên tài của Liên Xô đã làm cho bộ phim trở thành kiệt tác bất hủ của nhân loại nhờ những cảnh quay diễn ra trên cầu thang này. Chính bộ phim đã khiến người ta quên luôn những tên gọi trước đây của cầu thang này và gọi nói là Cầu thang Pochiômkin.

Phố Chernomorski kề ngay sát mép biển, nhỏ hẹp và yên ả. Hai bên đường trồng những loại cây lá giống như cây phượng tím. Đây là một ngõ phố thì đúng hơn vì chỉ còn lại vẻn vẹn bảy ngôi nhà đã cũ. Bảo tàng Paustovski được thành lập năm 1998 theo sáng kiến của “Hội những độc giả yêu thích Paustovski” tại ngôi nhà mà nhà văn đã sống những năm 1919 - 1922. Chính tại ngôi nhà thấp bé, với những căn phòng nhỏ hẹp này, những tác phẩm hay nhất viết về biển và thành phố Odessa đã ra đời. Tôi cảm động đến trào nước mắt khi ngắm nhìn những đồ vật sử dụng hàng ngày của nhà văn mà mình ngưỡng mộ: cái lò sưởi bằng gang cũ kĩ, chiếc bàn là sắt bé như bàn tay, bộ ấm chén bằng gốm và cứ đi quanh ngắm nghía mãi chiếc máy đánh chữ cổ lỗ sĩ đã han gỉ. Đồ nghề của một Nghệ Nhân Chữ bậc thầy thật giản dị nhưng cũng vô cùng huyền bí. Tranh thủ lúc bà trông coi bảo tàng ra ngoài, tôi khẽ lướt mấy ngón tay của mình lên những phím chữ đã mòn với ý nghĩ mê tín rất trẻ con là “ma lực văn” của ông sẽ truyền vào tay mình.

Bảo tàng này là chi nhánh của Bảo tàng văn học Odessa (hầu hết các nhà văn lớn của Nga đều có thời gian sinh sống và làm việc tại đây), nơi gìn giữ những bản thảo đầu tiên của các tác phẩm viết về biển, về thành phố của Paustovski mà đỉnh cao là truyện vừa “Thời khát vọng”. Chính tại đây, các nhà văn Nga cùng thời đã thành lập câu lạc bộ những người viết văn trẻ “Dưới gốc cây táo” mà người khởi xướng là Paustovski, Isac Bebel và Isac Livsixa. Thật khó diễn tả được cảm xúc khi nâng niu trên tay bản in đầu tiên cuốn Bông hồng vàng” với lời đề tựa trên trang nhất bằng kiểu chữ tiếng Nga cổ: “Chỉ có văn học không thừa nhận cái chết” của nhà văn Nga Santưkov-Sedrin và “Cần phải luôn luôn hướng tới cái đẹp” của đại văn hào Pháp O. Banzak. Ông V. Glusakov - Giám đốc Bảo tàng chỉ cho tôi bông hồng bằng đồng để trên nắp chiếc đàn piano ở góc phòng và nói: “Một nghệ nhân Odessa đã đúc bông hoa hồng kia và gửi tặng nhà văn. Mỗi người dân Odessa đều tìm thấy trong tác phẩm của ông một cái gì đó của mình, gần gũi, ruột thịt”. Những trang sách về biển của Paustovski đã dẫn dắt ông - trước đây vốn là một thủy thủ tới bảo tàng này và ông quyết định dành phần đời còn lại cho sự nghiệp bảo tồn và gìn giữ di sản của một bậc thầy văn chương thế giới…

Nếu một lần đặt chân lên thành phố biển Odessa, có thể bạn sẽ không bị níu giữ bởi vẻ đẹp hiện đại, lộng lẫy hay cổ kính, trầm tư như các thành phố lớn khác trên thế giới mà bạn sẽ bị mê hoặc bởi những dấu chân của các nghệ sĩ, nhà văn nổi tiếng trên thế giới - đã từng lưu lại đây - làm cho Odessa có một bản sắc riêng không thể trộn lẫn được.


(Các ảnh trong bài: chụp lại từ bài đăng trên Tạp chí Đối ngoại)