22/4/10

Những kỷ niệm khó quên

Ngô Phương Hồng

Chúng tôi, 17 cô gái học ở trường trung cấp hóa Slaviansk, một thành phố nhỏ gần Đonesk. Cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi là cô Doia Petrovna. Ngày ấy, chúng tôi còn rất trẻ, mới 18 – 19 tuổi, hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng rất bồng bột. Cô Doia chăm sóc chúng tôi chu đáo như một người mẹ, người chị. Cô đưa chúng tôi đi mua quần áo ấm, cô lo bữa ăn chúng tôi ăn không hết suất. Ngày tết, biết chúng tôi buồn vì nhớ nhà, cô mời cả lớp đến nhà cô chơi. Thầy trò cùng xắn tay vào bếp, vừa làm vừa trò chuyện vui vẻ. Chúng tôi như tìm thấy được hơi ấm gia đình.

Gặp lại cô giáo cũ sau 35 năm.
Hồng và cô giáo Doia Petrovna
trong chuyến đi thăm Vịnh Hạ Long vừa qua

Những ngày Mỹ leo thang mang bom sang bắn phá Hà Nội, hôm sau đến lớp gặp chúng tôi, câu đầu tiên cô hỏi: “Có ai nhà ở Khâm Thiên không? Gia đình các em có ai làm sao không?”. Không riêng gì cô giáo của chúng tôi mà những người dân Nga sống quanh chúng tôi cũng rất tình cảm. Khi biết chúng tôi là người Việt Nam là họ ôm lấy chúng tôi hỏi han, chia sẻ. Họ nói đất nước họ cũng từng trải qua chiến tranh chống phát xít Đức nên họ rất hiểu và đồng cảm với chúng tôi. Những năm học trôi qua nhanh chóng, chứng kiến cho những cố gắng, nỗ lực, niềm vui và nỗi buồn của thầy trò chúng tôi. Và kết quả là kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng, 15 người đạt điểm giỏi và 2 người đạt điểm khá. Kết quả thật mỹ mãn. Bà giáo già dạy môn hóa phân tích chạy ào từ trên bục của hội đồng thi xuống, giang rộng tay ôm lấy chúng tôi, nước mắt bà chảy tràn hai má: “Ôi! Các con, các con của tôi!”.

Tiếp đến là những ngày bận rộn, chúng tôi gói ghém đồ đạc, sách vở chuẩn bị về nước. Hầu như chẳng còn thời gian để theo dõi tình hình chiến sự trong nước. Một buổi sáng tinh mơ, bà trực nhật chạy lên đập cửa phòng chúng tôi: “Các cô gái, các cô gái! Dậy mau, có điện của sứ quán gửi xuống”. Chúng tôi bật dậy và tất cả như vỡ òa trong niềm vui khôn tả: Đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi ôm lấy nhau mà nhảy, vừa la hét, vừa cười, vừa khóc. Không sao tả hết được nỗi mừng vui lúc đó. Chúng tôi đã đánh thức cả ký túc xá dậy vì nỗi mừng vui của mình.

Hôm đấy là ngày 1/5/1975.

Sau đấy, nhà trường tổ chức một buổi liên hoan, vừa để tiễn chúng tôi lên đường về nước, vừa để chúc mừng đất nước Việt Nam đã được thống nhất trên toàn vẹn lãnh thổ. Tất cả các thầy cô đã từng dạy chúng tôi đều đến để chia tay và chúc mừng chúng tôi.

Ngày hôm sau, cô giáo chủ nhiệm mời chúng tôi về nhà cô. Thầy trò cùng ngồi bên nhau chuyện trò, cô căn dặn chúng tôi rất nhiều điều. Chồng cô bật cho chúng tôi nghe cuốn băng ghi lời chào tạm biệt của cô mà khó khăn lắm cô mới ghi lại được. Ông kể, cô đã ngồi suốt buổi sáng mà không sao ghi nổi vì cứ nói được vài câu cô lại khóc, lại xóa đi ghi lại. Cứ như vậy cho đến chiều, khi đã bình tâm trở lại cô mới ghi âm được. Tuy vậy, giọng cô trong băng vẫn run run, nghẹn ngào, kìm nén. Cô nhắc lại những kỷ niệm với từng người trong chúng tôi, cô chúc chúng tôi khỏe mạnh, hạnh phúc và trở thành những công dân tốt của đất nước Việt Nam. Sau những lời chào tạm biệt của cô là bản nhạc do cô con gái – Vita, 8 tuổi của cô chơi tặng chúng tôi trên đàn piano. Nghe xong cuốn băng, tất cả chúng tôi đều bật khóc, thầy trò ôm lấy nhau, nước mắt dàn dụa.

Gần 40 năm trôi qua, giờ chúng tôi đã trở thành những người mẹ, những người bà và đều đã nghỉ hưu nhưng những kỷ niệm về những năm tháng sống và học tập trên đất nước Liên xô cũ vẫn còn sau đậm trong tâm trí mỗi người. Chúng tôi sẽ mãi chẳng bao giờ quên được những tấm lòng người Nga bao dung, nhân hậu đã mở lòng ra tiếp đón, dạy dỗ chúng tôi trở thành những người như hôm nay.

Biết cảm ơn làm sao cho đủ bấy nhiêu nghĩa tình...

2 nhận xét:

  1. Bài viết hay quá, mà rất mộc mạc!

    Truyền thống uống nước nhớ nguồn, trọng tình nghĩa đã thành một bản tính của dân Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  2. Cuộc sông thời đó rất đẹp, trong sáng và hạnh phúc vô cùng. Ở Bulgari nơi tôi sống và học đại học, cũng như ở Liên xô, nơi tôi từng đến nghỉ hè, người dân ở đâu cũng vậy, đôn hậu, hiền lành và rất yêu quý những người Việt Nam chúng tôi, những sinh viên sang học tập.
    Cám ơn chị Hồng và các bạn của chị đã làm một việc rất tốt mà nhiều người chúng tôi chưa có điều kiện thực hiện được, đã thể hiền lòng biết ơn và đền đáp được phần nào những gì họ đã thương yêu và giúp đỡ chúng ta hồi đó!

    Trả lờiXóa