27/2/09

Chuyện chung chuyện riêng

Hải Đường và con gái Thảo Hương (đứng bên trái ảnh)
cùng hội Trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân về thăm Tuy Lai 4/2008.
Trong ảnh còn có các anh Việt Khánh, Hồ Nguyên, Tùng Sơn
(cầm máy quay), Chích (con anh Dân) và chị Thanh Tuyền

TTST BND: Cách đây ít lâu, Tạp chí Thế giới Vi tính (Giải pháp và ứng dụng CNTT - SERIES B) có cuộc phỏng vấn và bài viết do Hạnh Lê thực hiện 12/2006, chúng tôi trích mấy đoạn rất "riêng tư", xin giới thiệu cùng các bạn.

CIO Trương Hải Đường: Chuyện chung chuyện riêng

Từng mơ ước trở thành nhà văn, thậm chí, có một số tác phẩm được nhà xuất bản Kim Đồng và báo Văn Nghệ đăng tải, nhưng "con tạo xoay vần", chị lại trở thành Giám đốc Trung tâm Tin học của Tổng Cục Thuế. Chị là nhân vật nữ duy nhất được vinh danh CIO Việt Nam và Đông Dương năm 2005 và 2006.

Vào nghề bởi một chữ "duyên"

Tốt nghiệp khoa Toán Kinh Tế, trường đại học Kinh Tế Kế Hoạch (nay là Kinh Tế Quốc Dân), Trương Hải Đường được nhận vào làm tại Cục Thuế Công Thương Nghiệp thuộc Bộ Tài Chính do... năng khiếu văn chương! Khi đó, bà Cục trưởng Cục Thuế thấy chị có một số tác phẩm đăng trên báo nên muốn chị về làm cho Bản Tin Thuế. "Tuy trái hẳn với chuyên ngành được đào tạo, nhưng tôi thấy rất thoải mái và yêu thích công việc này", chị tâm sự. Nhờ làm bản tin này, chị có cơ hội giao tiếp, học hỏi nhiều người, nhiều việc, được đi thực tế tại các địa phương để hiểu hơn về công việc của ngành thuế.

Sau gần 10 năm say sưa với nghề viết và biên tập, vào đầu những năm 90, cô "phóng viên nửa mùa" Trương Hải Đường được chuyển sang công tác tại bộ phận tin học. Lúc ấy chị vẫn muốn theo nghề viết, nghề của cha chị – một nhà báo kỳ cựu của mục xã luận báo Nhân Dân. Nhưng "con tạo xoay vần", chị bén duyên với nghề tin học cho đến tận bây giờ...

Sức ép 2 chiều

Gặp chị lần đầu tiên cách đây 4 năm, cảm nhận của tôi về chị hết sức thân thiện. Chị cởi mở và hòa nhã. Trên bàn làm việc của chị, cũng như bao người phụ nữ, là những hình ảnh về gia đình. Hình cô con gái nhỏ từ lúc 3 tuổi, hình 2 mẹ con lúc đi chơi... được chị bày trân trọng trong khung bên cạnh những tập tài liệu công việc. Chị tâm sự: "Trong công việc, người phụ nữ thường phải chịu sức ép lớn hơn nam giới, không những về mặt sức khoẻ mà còn vì khả năng và điều kiện quan hệ, giao tiếp thường không thuận lợi bằng. Chưa kể đến thiên chức của người phụ nữ trong gia đình".

...Là con người của công việc, với rất nhiều trách nhiệm phải đảm đương, thế nhưng, công việc cuối ngày của chị thường là đến trường đón con gái đi học về. Chị bảo: "Vì nhiều việc, tôi thường về đón con rất muộn. Nhiều hôm thấy cháu ngồi đợi mặt buồn thiu, giọng hờn tủi: "con đã đếm đến mấy nghìn rồi mà chẳng thấy mẹ đến". Khi đó, tôi thấy mình có lỗi với cháu quá." Sức ép sẽ còn hàng ngày đến với người phụ nữ từ những điều giản dị bình thường như thế...
-------------
GÓC RIÊNG

Khi rảnh rỗi chị thích làm gì?
Đưa con gái đi chơi hoặc thư giãn, ngắm trời xanh, mây trắng và cây cối qua khung cửa sổ để nhớ về những khoảng thời gian đã qua. Tôi rất thích hình dung lại những hình ảnh, những mẩu chuyện của mình lúc còn thơ ấu và thời sinh viên. Với tôi đó là khoảng thời gian đẹp và đáng nhớ nhất của cuộc đời.

Món quà lớn nhất của cuộc đời dành cho chị?
Đó là cô con gái mới 10 tuổi. Đây chính là món quà vô giá mà trời ban cho vợ chồng tôi. Cháu rất ngoan, hiền, cũng "mắt sáng trán cao", học cũng kha khá, nhưng vẫn lười và "ẩu" (chắc là giống tôi hồi nhỏ).
Hải Đường (kính đen)và con gái Thảo Hương (áo xanh),
cùng mọi người trên hồ Tuy Lai - Từ an-bom Tuy Lai

Chị có nhận được sự chia sẻ của chồng?
Chồng tôi và tôi đúng là một nửa của nhau. Mặc dù không cùng nghề, nhưng trong công việc, anh ấy luôn là chỗ dựa của tôi. Thông cảm - động viên – tư vấn, đó là những gì tôi nhận được từ anh ấy.

Chị có thường xuyên chơi thể thao?
Khi còn là sinh viên tôi đã từng là tuyển thủ cờ vua tham gia các giải cờ toàn quốc. Tôi chơi cầu lông cũng khá tốt, bơi lội cũng rất dai. Tôi có thể bơi 10 vòng bể bơi liên tục không nghỉ. Bây giờ thì tôi đã chuyển sang chơi tennis cùng với ông xã.

----------------------------------
CIO (từ tiếng Anh viết tắt): Người lãnh đạo Công nghệ Thông tin trong một tổ chức.

Xin mời xem thêm bài viết "Hải Đường với sự nghiệp công nghệ thông tin ngành thuế" đã đăng của Lưu Bình

21/2/09

Chia buồn

Tin buồn:
Nhà báo Trần Minh Tân, sinh năm 1926, nguyên công tác tại Tòa soạn Báo Nhân Dân, nghỉ hưu trí, đã từ trần hồi 21 giờ 16 phút ngày 16/02/2009.
Lễ viếng được tổ chức từ lúc 08 giờ đến 10 giờ ngày 23/02/2009 tại Nhà Tang lễ Thành phố, số 125 Phùng Hưng, Hà Nội.
Lễ truy điệu sẽ cử hành hồi 10 giờ cùng ngày. An táng tại Khu A, Nghĩa trang Cầu Cương, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Chúng tôi xin chân thành gửi đến các anh, chị Trần Trọng Thanh, Trần Thị Kha, Trần Thu Hương, Trần Anh Tâm cùng toàn thể gia đình lời chia buồn sâu sắc nhất!

Thay mặt Trại trẻ sơ tán Báo Nhân Dân


-----------
21/02/08, Thông tin thêm từ anh Khánh: nếu ai sắp xếp được công việc để cùng BLL đến viếng, tập trung trước 9:00 ngày 23/02 tại địa điểm trên.

20/2/09

Gia đình nhà báo

Ảnh: Nhà báo Huỳnh Hùng Lý và con trai, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (ảnh do anh Nhân cung cấp).

TTST BND sưu tầm được thông tin về chú Hùng Lý, năm nay 82 tuổi, từ "Kỷ lục tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu", xin giới thiệu với các bạn:

Kỷ lục tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu:

Gia đình có truyền thống làm báo nhất

Gia đình nhà báo Huỳnh Hùng Lý với 3 thế hệ cùng hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Ông ngoại của ông vốn là một cụ đồ, có văn hay chữ tốt. Thừa hưởng cái “gien” quí đó từ ông ngoại nên những người con trong gia đình của nhà báo Huỳnh Hùng Lý đều có khiếu viết báo, đặc biệt là đam mê với nghề báo.

Nhà báo Huỳnh Hùng Lý (cha), đã làm báo từ khi còn rất trẻ, với nhiều bút danh khác nhau: Việt Hùng, An Bảo Minh, Huỳnh Lê, Thụy Nhân, Huỳnh Vạn Lý,… Những năm 1952-1955, là phóng viên rồi Thư ký Toà soạn báo Nhân Dân miền Nam. Năm 1969-1975, là Thư ký rồi Tổng biên tập báo Đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chiến đấu, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 1980-1985, là Trưởng ban chính trị rồi đại diện báo Nhân Dân tại các tỉnh phía Nam; Giám đốc Sở VHTT Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo… Cuối năm 1985, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục viết bài gửi cho các báo với những bài viết dày dặn, sắc sảo.

Các con của ông là nhà báo Huỳnh Dũng Nhi, công tác tại báo và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, hiện đã nghỉ hưu. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đang là Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo của Hội nhà báo thành phố Hồ Chí Minh. Các con dâu của nhà báo Huỳnh Hùng Lý cũng đều làm báo: nhà báo Huỳnh Thị Diệu, vợ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhi (Báo BRVT); cháu ngoại Huỳnh Thị Thùy Dung và cháu rể Tấn Lộc cùng làm ở đài PTTH, tỉnh BRVT.

Nhà báo cao tuổi nhất

Nhà báo Huỳnh Hùng Lý sinh năm 1927, bắt đầu tham gia cách mạng năm 1945 và được kết nạp Đảng ngày 25-9-1947. Con đường bước vào nghề báo của ông bắt đầu từ những hoạt động thông tin trong công tác Đoàn Thanh niên Cứu Quốc. Ông bắt đầu viết báo từ năm 1948, ban đầu cho tờ Tập san Thanh niên tỉnh Bến Tre.

Cuộc đời làm báo của ông gắn liền với những hoạt động cách mạng, chiến đấu chống giặc Pháp và Mỹ ở mặt trận miền Nam. Ông viết cho nhiều tờ báo với những bút danh khác nhau,… nhưng trong đó để lại dấu ấn nhất là tờ Nhân Dân. Những năm 1952-1955, là phóng viên rồi Thư ký Toà soạn báo Nhân Dân miền Nam. Năm 1969-1975, là Thư ký rồi Tổng biên tập báo Đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chiến đấu, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 1980-1985, là Trưởng ban chính trị rồi đại diện báo Nhân Dân tại các tỉnh phía Nam; Giám đốc Sở VHTT Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, Phó ban tuyên giáo tỉnh Bà rịa Vũng Tàu…

Ông là nhà báo cách mạng hoạt động sôi nổi trên mặt trận báo chí chống giặc ngoại xâm. Hoạt động cùng thời với các nhà báo lão thành khác như nhà báo Hoàng Tùng (Tổng biên tập Báo Nhân dân), nhà báo Trần Bạch Đằng (đã mất)… Cuối năm 1985, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục viết bài gửi cho các báo với những bài viết dày dặn, sắc sảo. Tuyển tập “Ngòi bút rượt đuổi thời gian”, là nơi tập hợp những bài báo mang tính thời sự nóng hổi của suốt một cuộc đời làm báo của ông. Đến nay, ở tuổi 81 nhà báo Huỳnh Hùng Lý vẫn đôi khi “đặt bút” viết và gửi bài cho các báo ở địa phương cũng như Trung ương, vì với ông “Còn viết được còn có niềm vui”.
(Kỷ lục tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu)
-------------------------------------------

TTST BND: Xin giới thiệu tác phẩm đầu tay của nhà báo Huỳnh Hùng Lý, cách đây từ 56 năm, được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cách mạng miền Nam (theo học giả Trần Bạch Đằng).

(Lao Động số 333) Đọc lại tác phẩm "Chiến đấu viên họ Trần":

Ngọc càng mài càng sáng

Tác phẩm đầu tay - tập hồi ký "Chiến đấu viên họ Trần" của nhà báo cách mạng Việt Hùng (tức Huỳnh Hùng Lý) được xuất bản đầu tiên năm 1953 tại miền Nam, do Trần Bạch Đằng viết lời tựa, đến nay đã được nửa thế kỷ. Cuốn sách đã gây được những ảnh hưởng và tình cảm sâu sắc trong lòng người đọc thời bấy giờ.

"Chiến đấu viên họ Trần" ghi lại cuộc đời anh dũng của nhà cách mạng Trần Xuân Độ, mà theo lời tác giả "cuộc đời đó thật là một thiên tiểu thuyết ly kỳ, hùng tráng, là một bài thơ hết sức đẹp đẽ, là một bức tranh màu sắc tuyệt vời". Sinh năm 1894, tại huyện Lục Bình, tỉnh Hà Nam, ông Trần Xuân Độ tham gia cách mạng năm 1926. Năm 1929, ông bị địch bắt sau cuộc khởi nghĩa thất bại của Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, ông bị tra tấn khốc liệt, bị tù đày từ Hỏa Lò, qua Sơn La đến Côn Đảo... song ông vẫn một mực giữ khí tiết, không khai báo cả tên họ của mình (tên Trần Xuân Độ là do địch bí quá phải đặt cho ông để làm hồ sơ). Năm 1936, ông đến với Đảng Cộng sản. Sau khi ra tù, ông là Bí thư Tỉnh uỷ Bà Rịa, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chiến đấu bên cạnh Trung tướng Nguyễn Bình, rồi làm cán bộ lãnh đạo Tổng Công đoàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Ông đã được nhận "Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng"; Huân chương Độc Lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp ngoại giao.

Với niềm kính trọng và yêu mến sâu sắc người cộng sản kiên cường và mong muốn phổ biến rộng rãi tấm gương sáng ngời này đến thế hệ trẻ ngày nay, nhà báo Huỳnh Hùng Lý đã tái bản tập hồi ký "Chiến đấu viên họ Trần". Trong tập tái bản, tác giả đã cất công gặp nhiều nhân chứng tìm hiểu và thêm vào nhiều bài viết về khoảng thời gian ông Trần Xuân Độ sinh sống và công tác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (từ năm 1945 -1948). Tiếp đến, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, công tác tại Báo Lao Động (con trai tác giả) cũng đóng góp công sức với cha mình để có một bài viết về cuộc sống người cộng sản kiên cường này, khi ông chuẩn bị đón nhận "Huy hiệu 60 tuổi Đảng". Ngoài ra, tập sách còn tập hợp nhiều bài viết của các tác giả khác về ông Trần Xuân Độ cho tới ngày ông mất, thọ 104 tuổi (năm 1998).

Một cuốn sách đã lưu lạc qua nửa thế kỷ, nay đọc lại, người đọc thấy tấm gương người chiến sĩ cộng sản Trần Xuân Độ vẫn kiên cường và sáng ngời như ngọc.
(Minh Quân - Lao Động số 333)
-------------------------------------------

(TTST BND) Tác phẩm chính của nhà báo Hùng Lý:

- Chiến đấu viên họ Trần - 1953 và 2004
- Đường dài hữu nghị - 1976
- Tuổi trẻ xứ Dừa 9 năm chống Pháp - 1987
- Ngòi bút rượt đuổi thời gian - 2001
- Côn Đảo - Biển trời thiêng liêng, Tài nguyên đa dạng - 2005
- Nét đẹp Bến Tre - 2007

Ông Huỳnh Hùng Lý (áo trắng) và con trai - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Ông Huỳnh Hùng Lý (áo
trắng) và con trai -
nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
- trao học bổng cho học
sinh tiểu học xã Hưng Lễ
(ảnh: vietbao.vn)

13/2/09

có ai đó nhớ tới cũng thấy sướng

TTST BND: Sau khi thu thập được khá nhiều Thông tin phụ của các thành viên, BLL đã lên được Lịch Sinh nhật và bắt đầu từ tháng 2/2009, TTST BND đã có hoạt động kỷ niệm sinh nhật của các bạn. Hy vọng tạo được niềm vui, sự động viên nho nhỏ tới mỗi thành viên (bằng cách gọi điện thoại hoặc gửi thiệp điện tử để chúc mừng).
Đầu danh sách tháng 2 là chị Thúy Oanh, chị Bích Liên (anh Khánh thay mặt BLL đã gọi điện trực tiếp chúc mừng) và được mở hàng bằng e-card mừng sinh nhật (thiệp điện tử) là chị Ánh Nguyệt.

từ vn.hanoi
tới Nguyen Anh Nguyet
chủ đề: Mung Sinh nhat ban

Ngày 08/02!
Chúc Mừng
Sinh Nhật Vui Vẻ và luôn Hạnh Phúc!
TTST BND
----------------------------
từ anhnguyet
tới vn.hanoi
chủ đề Re: Mung Sinh nhat ban

Kính chào!
Kính cảm ơn!
He he he

Gần năm mươi tuổi rồi mà, vì thế chả mong tháng ngày trôi đi nữa.
Và vì thế đâu có mong sinh nhật tới.

Tuy nhiên, có ai đó nhớ tới sinh nhật mình cũng thấy sung sướng đấy.

Tôi thay mặt toàn thể gia đình và Phường nơi sinh sống, cảm ơn Ban liên lạc Trại trẻ Báo Nhân Dân đã quan tâm tới đời sống tinh thần của anh em trong tổ chức!

Nói thật ở làng Việt cổ Đường Lâm…

antg.cand.com.vn: Đường Lâm, trong cơn lốc làm du lịch, trong sự săn sóc vô duyên của những dự án thực hiện không phải bởi vì nâng niu những giá trị đích thực của làng Việt cổ đã bị biến dạng quá nhiều. Biến dạng đến tê tái.

Cổng làng Đường Lâm - Ảnh: thethaovanhoa.vn

1- Với tôi, khi mà làng Việt cổ Đường Lâm là cái làng tối cổ kết tinh 4.000 năm lịch sử của châu thổ Bắc Việt Nam, của nền văn minh sông Hồng, là cái làng cổ đầu tiên của đất nước Việt Nam đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; là làng duy nhất của Việt Nam sinh ra hai ông vua, anh hùng dân tộc Phùng Hưng, Ngô Quyền cùng nhiều bậc quốc sĩ rạng danh khác; là phim trường, là thế giới diệu kỳ cho giới họa sĩ, giới quay phim, nhiếp ảnh cả nước. Nó là một cái làng đặc biệt, cách hành xử của người dân và cơ quan chức năng với cái làng Việt cổ này biểu hiện rất nhiều điều. Làng cần được nhìn đủ chân thực, đủ không bàn giấy kinh viện, cái nhìn để Đường Lâm không bị giết chết với tốc độ như hiện nay.

Cho nên, tôi xin nói về Đường Lâm, bằng cái nhìn của một người sinh ra và lớn lên ở Đường Lâm, căn nhà tôi đang sinh sống mỗi cuối tuần, vẫn còn treo hai cái đầu võng vua ban cho cụ nhà tôi vinh quy bái tổ về làng.

2- Năm vừa qua, di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm xảy ra hai sự kiện làm đau đầu báo giới, các nhà khoa học và những người yêu văn hóa truyền thống, mà tôi là người trong cuộc (xin phép nói thật thẳng và thật là… thật thà!).

Chuyện thứ nhất, tôi về quê, thấy ông bố già kêu giời kêu đất, mộ của cụ tôi, quan Đốc học tỉnh Sơn Tây, người đã từ quan về dạy học đúng năm thành Sơn Tây thất thủ (1883), ngôi mộ và thân thế của ông từng được các nhà nghiên cứu, giới làm truyền hình, làm phim đề cập rất nhiều. Bố tôi hãi, là vì cái thế gối vào núi Ba Vì (gối sơn), đạp ra dòng sông Hồng, sông Tích (đạp thủy) của ngôi mộ tổ bị phá vỡ. Tôi không nói mê tín, mà tôi nói tín ngưỡng, tâm linh, phong tục cổ cần được tôn trọng. Nguyên do là vì có mấy gã trọc phú từ dưới phố phường Hà Nội kéo về làng cổ Đường Lâm để mua đất xây… sinh phần, xây lăng mộ hoành tráng đến… rợn người. Mấy trăm mét vuông một cái lăng xây bằng đá ong (cho nó ra mẽ làng cổ đá ong), họ chiếm hết, chặn hết đất tứ xung quanh và phá mất long mạch của các ngôi mộ cổ.

Mộ quan tuần phủ (làng kính trọng gọi là Lăng cụ Tuần), mộ cụ quan Án sát, lăng dòng dõi nhà cố Phó Thủ tướng Việt Nam Phan Kế Toại đều đứng trước nguy cơ bị bao vây bởi những cái lăng khổng lồ… chưa có mộ. Mấy chục cái lăng đã được xí phần, xí hết cả quả gò mà người Đường Lâm chuyên dùng để đặt mộ. Long mạch vỡ, con cháu hoang mang khóc lóc, đất gò Áng Độ hết, rồi đây người Đường Lâm về chầu tổ tiên sẽ được táng ở đâu?

Vài gã trọc phú tiếp xúc với tôi, họ bảo: do đọc báo, thấy viết long mạch ở làng cổ Đường Lâm rất tuyệt, nào tả thanh long, hữu bạch hổ, nào… đất phát nghiệp đế vương. Thế là họ ào lên mua. Ruộng trồng màu khốn khó, nay có người trả tới 70 triệu đồng/100m2, thì bà con nhảy cẫng lên, bán tuốt. Bán xong, chính họ lại thành thợ đánh đá ong, xây lăng mộ cho người tứ xứ. Đám con buôn tính toán: mua mộ ở nghĩa trang Vĩnh Hằng những mấy chục triệu một ngôi, mà chi chít toàn mộ địa, mà thế đất như cái đồi trọc vô duyên đến tội - trong khi, mua ở làng cổ tuyệt đẹp, lại có long mạch yểm trợ… rộng như mộ nhà đại quan.

Bố tôi thở dài, 4.000 năm qua, làng tôi vẫn truyền miệng cái câu: “Sống giữa làng, chết Gò Cang, Áng Độ”. Sống thì đừng có ở mặt phố, ở đầu đường xó chợ, mà phải ở giữa làng. Cũng như đi ăn cỗ ngoài đình, người quân tử, đầu bếp nó chặt miếng thịt không vuông rìa sắc cạnh thì không thèm ăn. Khi chết, người làng tôi ai cũng phải ra Gò Cang, cái nơi đắp đất vùi sâu chôn chặt một kiếp người; sau 3 năm cải cát mới thanh sạch lên gò Áng Độ nằm vĩnh viễn.

Bố lo mất long mạch, lo làng mình sẽ biến thành cái nghĩa địa của người tứ tán, lo bố nằm xuống thì Áng Độ đã không còn đất để đặt mộ nữa. Nỗi lo rất thật, người làng cổ là vậy, từ nhỏ, các cụ đã dạy “tử đắc táng vi vinh”. Không cứ phải ầm ĩ, linh đình, trưởng giả; nhưng rõ ràng, người cổ từng nói thế, lo cho cái chết có khi còn quan trọng hơn lo cho cái sống.

Sau cái vụ long mạch bị đứt, nghe đâu, con cháu làng cổ Đường Lâm nổi tiếng địa linh nhân kiệt, năm liền đó, không một cháu nào đỗ đại học. Các cụ họp nhau lại, rủ rỉ: may mà ngăn chặn được bọn “nhân bất học bất tri lý” nó chiếm hết gò Áng Độ, chứ nếu không thì tai ương còn khiếp nữa.

Một trong 3 ngôi nhà cổ nhất làng Đường Lâm - Ảnh: thethaovanhoa.vn

3- Đường Lâm thành tài sản quốc gia và quốc tế. Cây đa, bến nước, sân đình của làng được giới truyền thông và những người ưa xê dịch, về nguồn biết đến quá nhiều. Đến nỗi, mỗi khi dáng đa, dáng cổng làng cổ Đường Lâm vừa xuất hiện, hầu hết chúng ta đều nhanh chóng đọc thành tên: “Đất Hai vua Đường Lâm”. Cho nên, báo chí gọi cây đa và cổng làng Đường Lâm là cặp bài trùng được chụp ảnh quay phim nhiều nhất Việt Nam cũng rất có lý.

Thế mà năm 2008, cây đa đã ầm ĩ công luận bởi sự thật: bị rụng lá và chết héo từng ngày do sự nhẫn tâm của con người! Cây đa đã hơn 500 năm tuổi, người làng trân trọng đến mức gọi là “cụ đa”, danh tính của người trồng đa và cung cách trồng bóng cả cho cổng làng, qua nhiều đời truyền khẩu vẫn được ghi tạc bằng “bia miệng”. Bà con đi làm đồng về, người xa trở về, người chết trước khi được khênh ra khỏi làng về với đất, nhất nhất đều được “trình báo” dưới tán rợp sum suê của đa. Không một đám tang nào của Đường Lâm, nếu đi qua cổng làng, mà không dừng lại dưới tán đa để các cụ chèo đò “đưa linh”.

Đa kỳ vĩ, bí ẩn, bao dung; nhưng đa cũng như tấm biển “Hạ mã” nghiêm cẩn (xuống ngựa) với bất kỳ ai từng trầm lòng đi qua phom cổng làng cổ kính ở Đường Lâm. Từng có vị đại quan thời phong kiến, về làng mà gặp bóng đa không xuống ngựa, các cụ ra, vác ba toong mắng như té nước. Bắt phải hạ mã, xỏ chân vào guốc mộc thì mới được qua tán đa, qua vòm cổng cũ, vào làng.

Vậy mà đùng một cái, “có nguồn” mười mấy tỉ đồng thế là người ta đè nghiến đình làng (cũng là một di tích quốc gia nổi tiếng) ra, dỡ toàn bộ, biến ngôi đình mấy trăm năm tuổi thành bình địa theo đúng nghĩa đen. Tôi về làng mà rùng mình như thế giới đang sụp đổ trong gang tấc, khi có thể nhìn thông thống qua một khoảng không gian mênh mông, mà từ đời cụ tôi, ông tôi, bố tôi và tôi nữa, chưa bao giờ nó “thoáng” thế. Đình làng đã bị dỡ. Đình đã án ngữ như một bức bình phong bảo vệ văn hóa làng ở đó. Qua bao trận mạc, loạn ly, chưa bao giờ đình bị dỡ như vậy cả. Thế mà có tiền là họ dỡ, tòa đình bề thế không có một dấu hiệu xuống cấp nào, họ cũng cứ… phá. Nhiều bô lão nức nở, nó ăn thịt chó trong gian giữa đình làng, rồi leo lên mái đình đạp đổ hàng vạn viên ngói âm dương rào rào xuống. Thay tất, không hỏng cũng thay. Thay thì mới có… tiền phần trăm chứ.

Tôi đã viết một bài khóc buồn: “Thành hoàng cũng khóc!” (đăng Báo Lao Động), về những trò ma tịt và sai lầm trong việc phá ngôi đình nổi tiếng của quốc gia, sau đó, đơn vị thi công đã phải ngậm ngùi và… căm phẫn lát lại toàn bộ đình làng, sửa lại các hạng mục làm ẩu làm sai. Nhưng cái quan trọng hơn là hướng đình bị lệch (so với nguyên bản) thì vô cùng tai họa, không sửa được.

Nếu “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt chứ mình gì tôi” như ca dao nói, cả làng tôi bị toét mắt tất thì sao (thí dụ vui như thế để thấy việc sửa một ngôi đình lừng danh mà đơn vị thi công ấu trĩ, manh động, hách dịch đến mức không thèm họp dân trưng cầu ý kiến và để các bô lão giám sát là cực kỳ phản văn hóa).

Họa sĩ Thành Chương, nghe tin người ta tống hết gỗ đá quý của đình làng ra, tống đồ dở hơi tân kỳ vào, bèn lớn tiếng phản đối để bảo vệ ngôi đình tuyệt kỹ của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam, phản đối không được, xót xa quá, anh Chương bèn lên Đường Lâm gặp bô lão và đơn vị thi công để thương lượng xin mua lại ít gỗ đá cổ kính về… thờ.

“Phá” xong đình, họ quay sang phá nốt cả cổng làng. Phá ra xây mới hẳn hoi (trừ hai bức tường cũ là để nguyên). Phá xong cổng, thì cũng là lúc cây đa héo rũ lá và đòi… chết. Cả làng hoảng hồn, bèn mời các bậc túc nho “trên thông thiên văn dưới tường địa lý” ra gốc đa, dâng lễ vật, hương đăng xì xụp, bà con quỳ gối cầu xin thần đa tha tội. Xin thần đừng chết. Đa chết, cổng làng bị dỡ ra làm mới khi chưa hề hỏng hóc, thì còn gì là làng Việt cổ Đường Lâm hả giời? Cúng xong, đa vẫn héo lá.

Cây ruối cổ với bộ thân mãng xà trườn ngay ở cổng làng đã ám ảnh nhiều thế hệ người biết đến Đường Lâm kia cũng đột ngột bị gãy ngang thân giữa ban ngày ban mặt. Người làng càng hãi hùng. Họ bắt đầu bàn luận về cái việc Ban quản lý di tích lập “bốt” canh làng cổ ngay gần gốc đa, rằng cánh du khách, cánh bán vé, bán hàng ngày đêm ở dưới gốc đa chắc lại ăn nói tục tằn, chim chuột nhau thế nào đó làm thần cây đa (thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề) thấy bị xúc phạm nên đành “bạt” (bỏ chạy) đi.

Cái tin thần cây đa làng Việt cổ Đường Lâm bị “bạt” mất đã làm những người có trách nhiệm và tâm huyết với di tích này choáng váng. Chưa bao giờ làng đón nhiều ôtô đến thế. Bài báo viết về tình trạng “Đào giao thông hào để cứu “cụ” đa ở làng cổ Đường Lâm” phát hành ngày 21, thì ngày 22 người ta kéo về, lập tức làm hội thảo cấp quốc gia ở tại làng để bàn phương kế cứu “cụ đa”. Như thế để thấy vai trò mọi mặt của cây đa trong tâm thức và cả trong kế hoạch… làm du lịch của chúng ta nó lớn tới mức nào.

Nhìn vị chuyên gia cứu cây cổ thụ (từng cứu cây đa Tân Trào) xin phép hội đồng bô lão địa phương để đẽo một miếng vỏ đa (bóc sát thân gỗ) rồi ông chậm rãi, nghe ngóng, liếm láp vị đắng của đa, gật gù “vẫn còn nhớt, nhựa, tức là còn cứu được” - nhìn cảnh ấy người làng cổ xúc động rơi nước mắt.

Thời gian sau, bằng những nỗ lực phi thường của cơ quan chức năng, “cụ đa” đã ra lộc trở lại. Bấy giờ nhìn lại, thì “cháy nhà ra mặt chuột”: xưa kia, bà con buộc trâu bò, dựng cây rơm ải mục tràn ngập gốc đa, đa chỉ càng xanh tốt. Nay họ thành lập Ban quản lý di tích do tỉnh, thành quản lý. Họ xây cất nhà cửa khang trang, hình như chỉ để lấy của mỗi du khách vào làng 15.000 đồng tiền vé. Còn Ban quản lý di tích lại nằm ở dưới gốc đa, cứ như chú Cuội cả ấy. Đi mãi, đổ bê tông vào mãi, gốc đa bị lỳ ra, đất và rễ cây không còn thở được nữa. Đã thế, khi đa héo lá, người ta còn đem trai tráng ra đào giao thông hào chằng chịt, xẻ nước vào để… cho gốc đa thoáng, thở - một biện pháp chữa cháy sai lầm.

Khi các nhà khoa học yêu cầu tìm xem dưới gốc đa có cái gì làm cụ đa bị bạt vía, thì ôi thôi, dưới đó toàn gạch ngói, trát vữa (xà bần) mà khi làm đường nhựa, xây dựng các công trình họ đã vô trách nhiệm, tống tất cả những thứ thừa mứa kia xuống gốc đa. Bới lên, dọn sạch, lễ phép với “cụ đa”, hồn cụ lại nhập về. Đa giờ đã lên xanh, như suốt 500 năm qua “cụ” vẫn hằng xanh như thế.

4- Qua mấy câu chuyện không kiêng dè, gần đây nhất, nóng hổi nhất trong cái bát nháo của cung cách bảo tồn làng Việt cổ Đường Lâm suốt mấy chục năm qua, có thể thấy tình yêu với Đường Lâm của chúng ta thật lớn. Bài học từ Đường Lâm thật lớn. Và (tự thanh minh chút) việc cánh báo chí chúng tôi liên tục giám sát và “dằn vặt” cái kiểu “chọc tiết di sản” của cơ quan chức năng cũng chẳng phải là vì hết việc làm hay vì ngứa mồm miệng. Mà chúng tôi muốn loại trừ sự vô lối, việc quá thiển cận trong cách hành xử với giá trị vô giá muôn một của làng Việt cổ đá ong Đường Lâm.

Thỉnh thoảng, ở phố thị, ngó tivi, báo chí, tôi hay thấy các “chuyên gia” nói về cung cách trùng tu, tôn tạo, bảo vệ Đường Lâm, và tôi lại tái mặt. Trời ạ, họ nói chung chung, họ cứ nói giời bể những cái điều mà họ cho là họ đã biết (thường là những điều ai cũng biết), có người chưa về Đường Lâm nghiên cứu bao giờ cũng cứ nói (mà sao nhà báo lại cứ đi hỏi “loạn” như thế?) - trong khi, những gì diễn ra ở Đường Lâm thì bị bỏ bẵng. Đường Lâm đang chết từng ngày, bởi tốc độ sống quá nhanh, tràn về quá nhanh.

Vừa qua, có vụ cướp bịt mặt, giữa ban ngày, đi qua đình làng, qua ủy ban xã, vào gặp một người giàu cướp vàng và tiền, đâm cho bà chủ một nhát rồi biến. Con nghiện từ phố thị coi làng cổ là bến đỗ “bình yên”. Xe đạp của bà con, từ thời có cái xe đạp đến giờ, vốn vẫn vứt chỏng chơ ở bờ ruộng để cấy cày, nay hở ra là bị dắt mất, mất hàng chục chiếc.

Di tích bị tàn phá bằng lối trùng tu ngớ ngẩn. Làng cổ mà nếp nhà xưa biến mất với tốc độ, nếu đi công tác lâu ngày về, người Đường Lâm có thể không nhận ra… làng mình nữa. Bạn bè tôi từ trong và ngoài nước về thăm Đường Lâm, họ ngán ngẩm như vừa bị dính quả lừa kiểu “mả bố thằng nào nói với thằng nào” trong truyện Trạng Quỳnh. Tôi lại nhớ lời nhà sử học Dương Trung Quốc, cứ đà buông lỏng quản lý xây dựng này, rồi phố cổ Hà Nội sẽ là cái gì? - rồi ông tự thở hắt giả nhời: Nó sẽ giống bất cứ cái phố nào trên đất nước này, trên thế giới này. Và, tôi nghĩ, làng tôi rồi cũng sẽ như thế.

Suốt mấy thập niên qua (từ khi không gian làng cổ còn nguyên vẹn đến nay), số công trình nghiên cứu, số giấy tờ hội thảo về Đường Lâm, có lẽ đã đủ để rải kín hai ba lớp trên đất làng tôi. Nhưng tuyệt nhiên không có ai khoanh vùng bảo vệ, không có ai ngăn chặn các hành vi trùng tu tôn tạo ngớ ngẩn, hay giám sát việc “phá di sản để làm mới” - những hành vi xây cất vô trách nhiệm với cha anh và mai hậu.

Người ta cứ bàn luận và người ta cứ phá, một đằng ở trên tivi, trên hội thảo, hội nghị; một đằng cầm dao xây thước thợ, máy xúc máy ủi trên chính đất đai mà cha ông họ để lại. Lỗi này, xin đừng đổ một mình cho ý thức của những người nông dân ở Đường Lâm. Bà con có quyền ở trong những ngôi nhà sang trọng khi họ có tiền, họ có quyền thụ hưởng các giá trị vật chất đang làm quay cuồng cả thế giới xung quanh họ; còn công việc bảo tồn là phải khoanh vùng, tạo hành lang dung hòa giữa hai chiều cũ mới kia để tôn vinh di sản một cách đích thực nhất. Rõ ràng, các nhà bảo tồn đã quá mải rao giảng mà bỏ trống trận địa.

Tường rào, nhà trong làng xây bằng đá ong tạo nên nét riêng - Ảnh: thethaovanhoa.vn

5. Tóm lại là gì, tóm lại là cảm giác của tôi: tôi thấy cái chiêu bài bảo vệ không gian văn hóa lịch sử cổ xưa ở Đường Lâm, dù dự án mấy trăm tỉ, dù nó rất tuyệt, nhưng nó đã được thực thi một cách thật là điêu trá. Sự điêu trá, vô trách nhiệm này không những đẩy Đường Lâm vào tình trạng không giữ được những giá trị vô giá mà lẽ ra có thể giữ được; hơn thế, nó sẽ giết chết ngay cả những giá trị bình thường khác của Đường Lâm, mà ở rất nhiều làng quê vẫn đã có. Ví dụ như sự thanh bình bờ xôi ruộng mật, những lũy tre xanh, bầu không khí trong lành, sự mộc mạc của người nông dân sương nắng ngoài đồng. Đường Lâm, trong cơn lốc làm du lịch, trong sự săn sóc vô duyên của những dự án thực hiện không phải bởi vì nâng niu những giá trị đích thực của làng Việt cổ đã bị biến dạng quá nhiều. Biến dạng đến tê tái.

Bây giờ, tôi nghĩ, vẫn còn chưa quá muộn để các nhà văn hóa, bảo tồn, quy hoạch ra tay nâng niu trân trọng giá trị muôn một của Đường Lâm một cách thiết thực, hiệu quả hơn.

Đỗ Doãn Hoàng

-----------------------------
Góp chuyện:

Ngày 24 tháng giêng năm Mậu Tý. Làng cổ Đường Lâm nghe tiếng đã lâu nay mới có cơ hội thưởng ngoạn cảnh quan.

Xuất phát từ Hà Nội nhằm đúng giờ thìn, cả đoàn hướng đường cao tốc Láng-Hòa Lạc, giữ vững tốc độ 40Km/giờ. Sau khoảng một giờ rưỡi chui qua mây bụi...(bấm để xem tiếp)

12/2/09

Hãy đến Đà Nẵng và Quảng Nam ăn Tết nữa

Các bạn ơi!

Tôi đã vào trang blog, đọc bài viết và xem ảnh về chuyến đi Đà Nẵng vừa rồi. Nhìn thấy các bạn trong đoàn TTST Báo Nhân Dân đi đây đó ở Đà Nẵng thấy mà thèm! Dẫu rằng mình đã từng ở Đà Nẵng hơn 30 năm, lại mới xa Đà Nẵng chưa lâu!

Đà Nẵng, sau những ngày mưa tầm tã, dài lê thê và buồn bã, khi mùa xuân đến lại trở nên đẹp khác lạ thường, bầu trời trong xanh hơn, cao hơn và thanh tịnh. Tôi rất tiếc vì có công việc của mình, đã không đưa được gia đình cùng đi với các bạn. Chắc phải hẹn đến mùa xuân sau thôi!

Trong khoảng thời gian có hạn như vậy, đoàn các bạn đã đến được những nơi cần đến, cả về cảnh quan lẫn ẩm thực. Vẫn còn có rất nhiều chỗ các bạn cần đi đến nữa. TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam bây giờ đã thay đổi nhiều, hàng năm tự làm đẹp dần mình lên và vẫn hấp dẫn bao người từ nơi khác đến, chẳng hạn như đường lên bán đảo Sơn Trà với chùa Linh Sơn 3 và các resorts vui chơi giải trí, có đường Bạch Đằng Tây được coi là đường đi bộ đẹp nhất nước Việt Nam (nói không ngoa đâu!), có Viện Cổ Chàm với kho lưu trữ đã thêm những cổ vật mới được khai thác, sẽ giúp các bạn hiểu được những gì đã xảy ra trên mảnh đất này thời xa xưa và sau này là thời Trịnh Nguyễn phân tranh, có Bà Nà - núi Chúa cách TP. Đà Nẵng chỉ có 40km thôi, nhưng có đủ 4 mùa trong ngày như ở Đà Lạt vậy, có bãi biển Cửa Đại đẹp, dài và phẳng với một loạt khách sạn 5 sao được dựng lên, có Cù Lao Chàm đã thêm nhiều chỗ vui chơi mới, với các chuyến tàu cao tốc chở khách từ đất liền qua lại hàng ngày, chưa kể đến sẽ có thêm ít nhất hai cầu cáp treo loại lớn bắc qua sông Hàn ở TP. Đà Nẵng, ...

Một thú ăn Tết mới được hình thành ở nơi đây: Vài bạn bè của tôi là chủ các doanh nghiệp ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sau khi thu xếp xong xuôi công việc của mình, giải quyết chu đáo tiền lương, tiền thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp, đến chào các đối tác hoặc tổ chức các tiệc tất niên với các khách hàng của mình, rồi họ không quên để lại quyển số ghi chép và bút ngoài cổng cùng với trang đầu ghi lời xin lỗi không ở nhà tiếp khách được, sau đó họ cùng gia đình bay đi nghỉ Tết một tuần lễ ở Đà Nẵng và Hội An, tại các khách sạn 4 sao hoặc 5 sao. Xa hẳn những thói quen ăn Tết thường có: những tiệc nhậu ăn tết ồn ào, náo nhiệt, mệt đến bã người, những ngày ngược xuôi trên xe ô tô hay xe máy đến thăm người thân, bạn bè và quan chức, miệng luôn cười nói những lời chúc sáo rỗng vô hồn, những cảnh cực nhọc chen chúc lên chùa và đền khấn vái cầu an mà lòng giận sôi người. Họ đi nghỉ Tết ở xa để rồi được tận hưởng không khí trong lành, tinh khiết và khung cảnh yên tĩnh, thanh tịnh, nhấm nháp ngon lành những món ăn dân dã nhẹ nhàng đầy hương vị quê hương, thả mình xuống bãi cát mặc cho những con sóng biển lăn tăn "massage" lên thân mình, hay tung tăng trong làn nước biển nô giỡn các con sóng lớn. Có thú vui khoái cảm nào bằng! Để rồi sau đó, cơ thể tràn đầy sinh khí, tâm hồn thư thái, sẵn sàng bước tiếp vào những lo toan căng thẳng hàng ngày, vì sự sinh tồn của doanh nghiệp mình... Tôi lại tiếc lần nữa không đi cùng các bạn đó được. Nhưng qua các cuộc trao đổi điện thoại với nhau, tôi cũng mường tượng ra được các bạn của tôi đã hào hứng như thế nào với những gì họ cảm nhận được tại Đà Nẵng và Quảng Nam.

Vậy, khi mùa xuân sau đến, xin mời các bạn chúng ta hãy đi đến Đà Nẵng và Quảng Nam ăn Tết, như các bạn của tôi và các bạn trong đoàn TTST báo Nhân Dân chúng ta đã làm. (Chỉ mùa xuân thôi nhé, vì sau đó ở đây sẽ là những ngày nắng nóng ghê người, và tiếp đến là mùa mưa với những ngày mưa thối trời thối đất!).

Thân,
Hồ Nguyên

Việt Phương nhập thân tượng thần
Từ anbom Giaoluu_TetKySuu

Tháp Chăm còn mãi với thời gian
Từ anbom Giaoluu_TetKySuu

6/2/09

Thay đổi nhịp

TTST BND: Về chuyến đi của nhóm TTST BND từ Hà Nội vào và gia đình anh Bắc từ TP. HCM ra, gặp nhau ở Đà Nẵng, xin trình các bạn một phóng sự ảnh.

Cảm nhận của mọi người về chuyến đi là giống nhau: Quá mức Tuyệt Vời!

Thay vì cuộc sống đều đều gõ nhịp, làm cho người ta trơ dần với cảm xúc, với thiên nhiên, với từng chi tiết dù nhỏ nhưng đáng ghi nhớ của đời thường, nhóm 7 thành viên TTST BND đã quyết định làm một cuộc thay đổi dịp Tết Kỷ Sửu: "dứt áo" ra đi Đà Nẵng Du Xuân (Hiếu Dân, Huy Bắc, Hồng Quân, Việt Phương, Th. Yến, Hồng Thúy, Thanh Hà).

Và chẳng ai phải hối tiếc gì, bởi bỗng khám phá thấy quang cảnh, cuộc sống trên dọc đường mình đi, ở nơi mình đến sao đẹp quá tới từng chi tiết, mặc dù trong đoàn có khá nhiều người đã từng đi đến Đà Nẵng, thậm chí có 3 người trước đây đã sống nhiều năm liền ở Đà Nẵng (Hiếu Dân, Việt Phương, Hồng Thúy). Hóa ra, khi thoát khỏi các lo toan, thì mọi thứ xung quanh mình như khác hẳn.

Đẹp, thú vị, hấp dẫn, mới lạ, đầm ấm, ngon và vui quá... là những cảm nhận mà cả nhóm du xuân này ghi nhớ mãi.

Nhóm thành viên TTST Hà Nội đi tàu hỏa vào Đà Nẵng
để tận hưởng cái cảm giác bị quên lãng: ăn ngủ
trên tàu và ngắm phong cảnh bên đường sắt
(Từ anbom Giaoluu_TetKySuu

Lăng Cô lúc nào cũng huyền diệu, kể cả khi có
những cây cầu mới vắt ngang đi vào hầm đường bộ Hải Vân
(Từ anbom Giaoluu_TetKySuu

Hữu duyên thiên lý, ở tận Đà Nẵng có nhà hảo tâm
cho mượn chiếc xe 12 chỗ để đoàn đi chơi, anh Dân lái,
cùng với xe 7 chỗ của anh Bắc nữa. Xe rộng mặc sức chở theo đồ.
(Từ anbom Giaoluu_TetKySuu

Chờ ăn trưa: Nhà hàng bánh tráng cuốn thịt heo,
chấm mắm nêm ở Khuê Trung. Ăn ngon và ăn tham quá,
nên chẳng có bức ảnh nào chụp lúc đang ăn cả!
(Từ anbom Giaoluu_TetKySuu

Ngày đầu tiên đã có trò vui: mang rượu ngâm thảo mộc
ra nhắm và hàn huyên tại hội chợ đêm ẩm thực Đà Nẵng
(Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Bê thui Cầu Mống, chế biến thành nhiều món hấp dẫn.
Nhà hàng này trên đường Đà Nẵng đi Mỹ Sơn, nếu chưa biết
thì kể như chưa đến Quảng Nam - Đà Nẵng.
(Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Ăn cao lầu Hội An tại chợ, món ăn độc đáo,
không khí ăn cũng đặc biệt. Đây là món ẩm thực
bán chạy nhất ở Phố Cổ.
(Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Nhóm rất vinh dự có được cô Xuyên (mẹ của
Thanh Hà) cùng đi (Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Lên Ngũ Hành Sơn, được Hòa thượng cầu phúc
(Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Một ngôi nhà cổ Hội An (Từ đường họ Trần)
(Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Ở Hội An, hai anh Huy Bắc và Hồng Quân cùng mọi người
cười vui như Tết (Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Biển Mỹ Khê (Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Cu Bin (Khôi), cháu gọi chị Thúy bằng bác, rất hãnh diện
phất lá cờ "Vô địch" ở Cửa Đại (Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Khó tả được cảm giác lâng lâng, thoát mọi ưu tư
của mọi người cũng như bố con anh Quân lúc ở Thánh địa Mỹ Sơn
(Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Dáng cây kỳ lạ trên Thánh địa Chăm-pa
(Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Chụp kỷ niệm Mỹ Sơn. (Từ trái sang phải) Hiếu Dân,
cháu Bin (nhà Th. Hà), Việt Phương, cô Xuyên, cháu Bin (Khôi),
cháu Bum (nhà Th. Hà), Hồng Thúy, Th. Yến, cháu An (nhà H. Bắc),
má Thảo và cháu Nhi (nhà H. Bắc), cháu Linh (nhà H. Quân), cháu
Chích (nhà H. Dân), cuối cùng là Hồng Quân, Huy Bắc - vắng Thanh
Hà và cháu Linh (nhà Yến), chắc một trong hai người đã bấm máy
(Từ an bom Giaoluu_TetKySuu

Còn rất nhiều ảnh đẹp và thú vị, bởi vì trong chuyến đi này có tới 4 tay máy ảnh, trong đó, riêng Thanh Hà vừa mới sắm hẳn một chiếc Canon PowerShot G10 14.7 Megapixel mới toanh. TTST BND sẽ có dịp giới thiệu các ảnh còn lại sau.

2/2/09

Bức tranh quê hương khắc gỗ

Từ: Ninh-Ha Nguyen-Quoc
Ngày 02 tháng 2 năm 2009, 09:25
Chủ đề: Chuc mung Nam Moi (muon)!

BBT blog ơi,

Cho Ninh Hà gửi lời chúc Tết muộn tới tất cả các bạn bằng bài viết này nhé!

Chúc cho tất cả chúng ta một năm mới thật nhiều điều tốt lành!

Chúc các bạn tham gia blog ngày càng... liên tục!

(Ở xa, rất muốn được biết Hà Nội ăn Tết thế nào. Thỉnh thoảng BBT có thể làm một phóng sự ảnh về Hà Nội được không? Ví dụ: Trận lụt lịch sử vừa qua; những ngày rét lịch sử vừa qua; những chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; những làng nghề xưa; một gallery tranh; một con phố; một tiệm bán hàng thủ công...).

Chúc BBT nhiều sức khỏe và luôn giữ ấm ngọn lửa nhiệt tình...
Ninh-Hà

Ảnh: Nguyễn-Quốc

Tùy bút:
Bức tranh quê hương khắc gỗ

Anh mệnh Mộc. Mộc là cây. Cây mọc lên từ đất. “Ai mà chẳng “mọc” lên từ đất!” – anh nói.

Anh xa quê hương mấy chục năm. Ra đi khi mái tóc còn xanh, lúc trở về đã là một vị giáo sư tiến sỹ trung niên, nghiêm nghị, đằm tính. “Những người như tôi ai cũng “mệnh Mộc” cả, có điều gốc rễ ẩn sâu trong lòng đất nhiều khi không nhìn thấy” – anh dùng hình ảnh để bộc bạch tâm sự.

Có thể, nếu tình hình trong nước chưa được thuận lợi như ngày nay, nếu cơ hội làm việc trong nước không lúc nào nhiều như lúc này, thì có lẽ anh vẫn đang còn cặm cụi trong phòng thí nghiệm của một trường đại học nước ngoài, ngày ngày lên mạng trao đổi với đồng nghiệp quốc tế, tìm hiểu những thông tin chuyên ngành mới nhất, viết bài cho các tạp chí khoa học, hướng dẫn sinh viên đến từ nhiều quốc gia làm luận án thạc sỹ, tiến sỹ, chuẩn bị thêm tài liệu cho bài giảng ngày mai… Trong phòng làm việc có một bức tranh phong cảnh, một rừng cây bạt ngàn lộng lẫy lá đỏ.

Trở về nước làm chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao của thành phố, anh bảo: Tôi may mắn được làm một công việc “đúng việc, đúng người”. Những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng làm việc ở nước ngoài giờ đây có thêm những giá trị mới mà có lẽ những người như anh mới thực sự cảm nhận được hết.

Cũng cần một chút thời gian để thích nghi lại. Cuộc sống không lúc nào ngừng trôi. Trở về, anh làm một việc mà người Việt đi xa khi trở về thường làm là cùng người em trai tạo lập khu nhà vườn, làm nơi thờ cúng ông cha. Thờ gia tiên, đó là đạo lý ngàn đời của người Việt. Khu vườn nhỏ thôi, nằm ven bờ kênh, có một nếp nhà, một hồ thả cá mà vào những buổi cuối tuần thư thả anh có thể ngồi buông câu, buông miên man cả dòng suy nghĩ, một rặng trúc ngà trước cổng, một hàng cau xanh dẫn khách vào vườn, đôi ba bụi chuối đứng bồng trái, gốc đu đủ đầu hè, hương lan, hương lài ngan ngát. Trong vườn, xoài, mít, cam, ổi chen chân…

Không biết có phải vì là người mang “mệnh Mộc” mà anh muốn làm một bức tranh khắc gỗ để trang trí cho ngôi nhà vườn hay không. Nói gỗ là thứ vật liệu truyền thống, mộc mạc, gần gũi cũng được. Nói gỗ là thứ nguyên liệu “quý tộc”, “thời thượng” của thời đại “xanh” ngày nay cũng được. Ít thứ vật liệu nghệ thuật nào hội đủ những đặc tính cao sang, bình dị, thân thiện như gỗ.

Tình cờ anh làm quen với một chàng trai trẻ, tốt nghiệp trường Sân khấu Điện ảnh, tâm hồn nghệ sỹ… một lòng đam mê gỗ. Một già, một trẻ. Một là nhà khoa học, một là diễn viên nghệ thuật. Vậy mà hợp nhau mới lạ, phải chăng nhờ “duyên” của gỗ. Anh muốn khắc họa một bức tranh quê. Không phải về một nơi chốn cụ thể nào, một bức tranh quê Việt, vậy thôi.

Một bức tranh có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa hạ hái trái trên cây, bắt cá ngoài đồng. Mùa thu thơm hương gạo mới. Mùa đông co ro ăn củ khoai lùi ngọt lịm. Mùa xuân óng ánh mai vàng, đất trời tinh khôi. Một bức tranh có đủ Mai, Lan, Cúc, Trúc. Mai thanh tao, Lan quyền quý, Cúc trung trinh, Trúc quân tử. Trong tranh, Ngư ông bắt cá, Tiều phu gánh củi, Nông phu làm ruộng, Mục đồng thổi sáo lưng trâu. Sĩ, Nông, Công, Thương, kẻ buôn thúng bán bưng, người chạy xe thổ mộ, ông đồ già cho chữ trong gian nhà nhỏ. Đầm ấm cảnh “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” hay “lọng anh đi trước, võng nàng theo sau”. Vịt bơi trên đồng, cá lội giữa ao sen, thấp thoáng mái rạ, xa xa một ngôi chùa nhỏ cuối đường làng... Anh không quên hình ảnh những buổi chiều sương tím buông, đàn trâu lững thững trở về trong tiếng chuông chiều sâu lắng. Đâu phải chỉ là cảnh, mà là tình, chan chứa biết bao tình, bức tranh quê ấy...

Trương Hoàn Mỹ được thừa hưởng từ cha và ông lòng yêu gỗ và nghề khắc gỗ. Những người như cha cậu nay không còn nhiều. Người trẻ tuổi yêu gỗ như cậu lại càng hiếm. Là diễn viên điện ảnh (cậu vừa hoàn tất vai diễn tướng Tô Ký trong bộ phim Vó ngựa trời Nam) nhưng Mỹ có thể ngồi nói chuyện hàng giờ về nghệ thuật khắc gỗ. Cậu giúp anh biến ý tưởng thành hiện thực. Chỗ này khắc hai con tuần lộc, một mẹ, một con, dưới gốc tùng, là tích “Tùng-Lộc” thể hiện sự vững bền, may mắn. Gốc đa cổ thụ, cánh hạc ngang trời, hàm ý vững chãi, dài lâu. Mỹ nói, ngay họa tiết chữ Vạn khắc quanh khung bức tranh bây giờ không phải ai cũng làm được. Hay kích thước bức tranh, dài rộng thế nào, cả thảy bao nhiêu nhân vật… người xưa đều có tính toán cả.

Bức tranh khắc gỗ giản dị, không chỉ ẩn chứa tình cảm, hoài niệm mà còn gửi gắm ước vọng dài lâu. Nó thể hiện triết lý của người Á Đông về “Thiên, Địa, Nhân, Hòa”, với lời cầu mong “Phúc, Lộc, Thọ” mà người Việt thường tặng cho nhau những ngày đầu năm mới. Bàn tay nghệ nhân thật tài hoa. Tấm lòng làm bàn tay nở hoa.

Trong ngôi nhà mới ẩn giữa khu vườn yên tĩnh của anh, bức tranh quê hương khắc gỗ được treo ở vị trí trân trọng nhất...

NINH-HÀ NGUYỄN-QUỐC (Canada)

1/2/09

Ngẫm thơ Chúc tết của cụ Tú Xương

Kiều Thành

Bài thơ chúc tết của nhà thơ Tú Xương ... đã có từ thời xa xưa, cách nay đến hơn 100 năm, mà như đang phản ánh cuộc sống thời hiện tại.
Thời 1870 đã quá xa, mà lối sống thời 2009 ít đổi thay!

Im lặng đọc, lẳng lặng ngẫm.
Đường đông quá, dẫm lên nhau.

Đứa chạy sau, nước biển dìm.
Ngước lên nhìn, núi cao quá.

Băng tuyết tan, nước ngập tràn.
Núi cao thấp, đều như nhau.

Mặt trời đốt, nước bay hơi.
Sa mạc hoá, toàn cầu hoá(*).

(*) toàn cầu hoá sa mạc

(Có lẽ nếu cứ mải mê tranh nhau làm giầu, bất chấp mọi thủ đoạn, đốt - phá rừng, nổ mìn bắt cá, xả khí thải - chất độc hại ra môi trường,... thì môi trường sống sẽ bị huỷ hoại đến... biến mất)