22/1/08

Tản văn

Cũng là nhà báo như Thanh Hà (hiện công tác tại báo Nhân Dân), Huỳnh Dũng Nhân (hiện công tác tại báo Lao Động) lớn lên từ Trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân viết rất nhiều. Anh là người có cách quan sát rất riêng trước các vấn đề đời thường. Sau tâp Ký sự nhân vật "Những người đi trong gió" năm 2005, Tản văn "Giọt lệ trên trời" là tâp sách mớí nhất của Huỳnh Dũng Nhân (theo "điều tra" của TTSTBND - không kể cuốn sách chuyên môn về giảng dạy "Phóng sự - Từ giảng đường đến trang viết").
Với niềm tin bạn đọc "người nhà" trên Blog TTSTBND sẽ đón chào và trân trọng chia sẻ các cảm xúc của anh, chúng tôi xin giới thiệu một số bài tản văn thu thập từ huynhdungnhan's blog

Viết cho con gái
Trước ngày con được sinh ra đời, cả nhà xúm lại đặt tên cho con tới mấy ngày mới quyết định được. Bà nội đã phải giở cả từ điển ra tìm cho con một cái tên đẹp... Ngày con chào đời, ba phải đi vay tiền mua sữa cho con, nhưng ba mua nhầm loại bột lúa mạch, vậy mà con vẫn ăn ngon lành... Khi con lên ba tuổi, con bị sốt xuất huyết tím bầm cả người. Ba đưa con đến bệnh viện, bác sĩ gắt ba sao đưa con đến muộn thế làm ba hết hồn. May mà con đã vượt qua nguy kịch và khi khỏe lại đã đòi ăn bắp... Khi con lên bốn tuổi, con đòi ăn kem. Lần ấy ba không có tiền. Ba đã chạy đi ứng trước tiền lương chỉ để khỏi phải nhìn thấy gương mặt thất vọng vì bị từ chối của con... Khi con lên năm tuổi, con lần đầu chứng kiến ba chạy về nhà lấy đồ nghề, máy ảnh để lao vào viết về một đám cháy lớn gần nhà. Và con đã khóc khi biết đấy là nghề báo... Khi con bắt đầu bước vào lớp 1, rồi đến khi con bắt đầu mặc áo dài và khi bắt đầu biết rằng thế giới này có những thứ vô cùng hấp dẫn là vi tính và điện thoại di động... ba vẫn nhớ những ngày đầu tiên con chập chững vào đời ngồi sau chiếc Honda suốt ngày phải đẩy của ba. Ba đã mơ ước một ngày được chở con đi thi đại học... Hôm nay ba dậy sớm sau một đêm trằn trọc như chính ba là người đi thi, để đưa con đến trường thi. Và ba lại dặn dò con đủ thứ phải cẩn thận, như bà nội dặn ba mấy chục năm về trước... Ba chẳng có gì để tặng con ngoài những hồi ức tản mạn này. Và chắc là hàng trăm phụ huynh đang chờ con mình từ phòng thi bước ra cũng thế.

Nhân vật chính
Trong cuộc sống mấy khi người ta được trở thành nhân vật chính. Bởi cái cơ hội ấy không dành và không chia đều cho mọi người. Ngay cả trong đám cưới hay sinh nhật, cũng sẽ có những người chia sẻ cái quyền của nhân vật chính. Hình như chỉ có một trường hợp, đó là khi người ta được sinh ra đời. Nhân vật chính của chúng ta khi ra đời là trong veo. Tội lỗi duy nhất là đái dầm và có thể là hay khóc nhè. Nhóc đích thực là nhân vật chính. Mọi người đều cưng chiều và chăm sóc nhóc. Tặng cho nhóc những từ ngữ đẹp nhất và dùng cả tên các loài vật như cún con, vịt con, nhím con đặt cho nhóc. Mọi người tự nhiên hoá thành trẻ thơ như nhóc. Mọi người bỗng thích nói ngọng khi nói chuyện với nhóc. Mọi người trở nên yêu thương nhau hơn khi có nhóc ra đời. Mọi mâu thuẫn bất hoà trong gia đình tạm gác sang một bên. Nhóc có thể không bụi bặm như ba và không dễ thương như mẹ, nhưng ai cũng cố tìm được những nét để khen giống hai người. Có lẽ không nơi nào có nhiều lời lẽ yêu thương độ lượng như ở bên cạnh chiếc nôi của nhóc. Rõ ràng nhóc là nhân vật chính và không bị ai ganh tị hay bon chen với tầm quan trọng ấy của nhóc. Bởi vì ngay từ lúc ấy người ta đã công nhận đứa con trai là một con người, là một công dân của trái đất rất cần được nâng niu. Lúc ấy nhóc hoàn toàn chưa biết gì về cuộc hành trình phức tạp của kiếp người. Nhưng tôi luôn muốn dành cho nhân vật chính - đứa con trai của tôi - một tâm niệm này: "Cuộc sống chỉ đúng nghĩa là khi con chào đời, riêng con khóc còn mọi người đều cười và khi con chia tay với cuộc đời này chỉ con cười còn mọi người đều khóc".

Đảo ngói
Hồi nhỏ cơ số quần của anh chỉ có hai cái. Dùng đến cũ nát mới vứt đi. Cái nào còn tốt thì đem nhuộm lại, có khi nhuộm đến hai ba lần. Nhuộm màu xanh công nhân hoặc màu đen, nhờ đó mà anh luôn luôn có quần "mới". Đó là khái niệm và kỷ niệm đầu tiên của anh liên quan đến động từ nhuộm.Kỷ niệm thứ hai thì không phải của anh mà của mấy người miền Nam tập kết ra Bắc kể. Một người đọc tấm bảng "Ruộm là hấp tẩy" thắc mắc suốt không biết cái món ruộm là cái gì, hỏi ra mới biết ruộm là nhuộm, nhuộm là làm cho mới.Và bây giờ quá nửa đời người, anh lần đầu đi nhuộm tóc. Lúc đầu anh phản đối quyết liệt. Phần thì vì nhớ tới mấy cái quần nhuộm đi nhuộm lại hồi xưa mà nổi da gà. Phần thì nghe ai đó tán rằng "Nhất muối tiêu nhì Việt kiều", nhuộm làm gì cho mất giá. Tóc bạc thì có sao, U.60 vẫn ngon lành như thường. Cái vẻ phong sương lãng tử của mái tóc "ánh kim" dứt khoát thi vị hơn cái mái tóc nhuộm đen đến khả nghi kia.Thế mà cuối cùng anh cũng phải mang cái mái tóc phong sương ấy cho mấy cô bé õng ẹo ngoài tiệm cào xới. Nhuộm tóc xong anh không nhận ra anh nữa. Về nhà con chó thấy anh sủa inh ỏi. Bà bán bia chỉ hơn anh chục tuổi gọi anh bằng con ngọt lịm. Cô nàng tiệm ảnh kêu anh bằng em,dù sau đó anh dò hỏi biết cô ta thua anh đến 4 tuổi. Đến cơ quan mấy đồng nghiệp gọi nhau ra xem anh "đảo ngói" và bưng miệng cười. Đám sinh viên của anh cứ kếu tiếc cái màu muối tiêu của thầy ngày xưa...Và anh nghiệm rằng : Người xưa bảo cái răng cái tóc là vóc con người đúng quá. Đến con chó cưng cũng không nhận ra chủ nữa thì sao chịu nổi ? Đảo ngói? Ừ, dùng cái từ ấy thay cho từ Nhuộm nghe có vẻ lịch sự hơn chăng?

Ảnh trong bài:
1
. Với cái mũ nồi ngày xưa, hình ảnh quen thuộc, Huỳnh Dũng Nhân chơi rất "mu" bóng đá và bóng bàn.
2. Huỳnh Dũng Nhân (đứng bên phải) là thành viên Ban giám khảo tại Lễ hội Blogger Việt 2007 (30/9/2007), chụp ảnh kỷ niệm với những Bloggers đoạt giải trong cuộc thi viết blog nhanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét