31/10/07

Như người Mẹ hiền

Ba cậu con trai quây quần quanh người mẹ mới gội đầu xong, đang ngồi hong tóc. Bấy giờ đang lúc ngủ trưa, trại trẻ yên ắng lạ thường. Nồi chè vừa nấu chín, đang bốc lên ngào ngạt cái mùi thơm lịm của gừng với mật. Người anh cả đang say sưa với quyển truyện trong tay. Cậu hai, đang hí húi vẽ. Chỉ có cậu Út dường như không kìm được cơn thèm, xoa tay dậm chân, đòi mẹ được ăn chè. Người mẹ vẫn thong thả chải đầu. Đoạn bà nhìn ý tứ qua bức rèm tóc về phía cuối gian nhà , nơi vẫn còn một thằng bé khác đang ngồi ra vẻ chăm chú học bài nhưng mắt thỉnh thoảng lại liếc trộm về phía bốn mẹ con. Người mẹ đã múc xong ra bốn bát chè lưng lưng. Bát cuối cùng hình như không còn đủ để đầy bằng ba bát trước. Bà bảo cậu Út:
- Con mang cho các anh. Cả bát này cho bạn ngồi đằng kia nữa.
Cậu Út ngạc nhiên, nhưng bà chậm dãi nhắc:
- Làm đi con.
Thằng bé nọ, lúng túng đỏ mặt. Hình như nó xấu hổ vì một điều gì đó. Chỉ có người mẹ là hiểu tất cả. Vào cái thời bom đạn, đói kém ngày ấy, trẻ con thèm khát bất cứ thứ gì có thể cho vào mồm được. Huống chi đây là bát chè, thằng bé nấn ná không muốn đi là như vậy. Người mẹ nhẹ nhàng như thể nói với con trai mình:
- Ăn đi cháu.
- Cháu …cháu…không ăn đâu…ạ

Thế đấy. Đã thèm rỏ dãi, cấn cá ngồi lại để xem người ta ăn, đến khi được mời lại ra vẻ, thật là buồn cười cho trẻ con. Bà không những dỗ dành để cậu bé ăn, lại còn động viên các con mình ủng hộ lời mời đó. Cậu Hai bê bát chè lên và nói thật cảm động:
- Cậu với mình cùng lớp mà, ăn đi, xấu hổ gì.
Người mẹ bỗng làm thay đổi tình thế, khiến cả ba cậu con trai và thằng bé nọ thoáng chút ngạc nhiên:
- Ăn đi, đây là bột sắn và mật bố mẹ cháu gửi cô mang vào nấu cho tất cả cùng ăn đấy.
Anh cả và cậu Hai như hiểu ra, nên đã cùng hùa theo cái lý do rất tuyệt vời mà người mẹ vừa nêu để dỗ thằng bé:
- Thấy chưa, của nhà mình mà, ăn sợ gì
Thằng bé nọ được lời bà mẹ, như gạt bỏ được những ngăn trở hời hợt cuối cùng của cơn sĩ diện hão, từ từ bê bát chè lên và nói lúng búng:
- Cám ơn cô. Cám ơn anh và bạn.
Đã bốn mươi năm trôi qua, thằng bé nọ vẫn nhớ về bát chè, có lẽ ngon nhất trong đời mà nó từng được ăn, nhớ về hình ảnh một người mẹ chăm sóc và yêu thương tất cả trẻ con trong trại trẻ như con mình.
Thằng bé đó chính là tôi bây giờ. Người mẹ đó là bà Hồ Thị Vân, mẹ của anh Nguyên, Quang, Nam.
Khi tôi kể lại chuyện này cho đứa con mười tuổi của tôi nghe, nó bảo: “Thế mà bố cũng… tin ngay được là bột và mật của ông bà gửi vào”.

Hà Nội tháng 10/2007, Lưu Phương Bình

29/10/07

Tứ Bật Mã Ôn?

Đó là gì vậy?

Xin thưa: không phải Tôn Ngộ Không dùng phép thuật sinh ra Tứ Bật Mã Ôn, mà đó là mấy ông tướng kiếm cớ để kéo bạn bè đến vui vẻ!
Đúng là Kiều Tuấn, Lưu Bình, Đặng Nam, Tuấn Phong đều sinh nhật vào tháng 10 thật! (Xem ảnh bánh sinh nhật)
Tin nhắn nhe từ mấy hôm trước. Trưa nay, 29/10/2007, nhân Kiều Tuấn vừa ra Hà Nội, hơn chục người kéo đến quán Vọng Ba Lâu, ở ngách sau Xưởng phim truyện VN (Hồ Tây), để thổi nến (quả thực, không ai kịp đếm xem lúc Thúy Oanh cắm có đủ 51 que nến không!).
Nhiều bạn bận không đến được, nhưng lần này lại xuất hiện mấy gương mặt lạ (lạ là do trước chưa có mặt trong ảnh chụp - chính thức hoặc không chính thức - của blog Trại trẻ sơ tán báo Nhân Dân): Hồng Quân, Trung Thành, Huy Hồng!
Hồ Tây chiều thu yên ả, mát dịu, cảnh xa mờ ảo như sương mù, rất thích hợp với những câu chuyện không đầu, không cuối râm ran của bạn cũ trại trẻ từ 40 năm trước.
Đủ thứ chuyện, từ chuyện hai thằng bé tẹo Đặng Nam, Hà Tĩnh láu lỉnh bí mật chạy theo mấy anh Dũng, Phương, Chính, Dân, Thanh ra núi Sáo (Tuy Lai) bị các anh đuổi về vì sợ máy bay Mỹ, ngày ở Tuy Lai còn mấy đứa bé đến mức phải ở trong cũi, cho đến sao bây giờ về lại nhà thờ họ Phùng, nằm thử thấy nhà bé tý tẹo, thò cả chân ra ngoài - thế mà ngày xưa mấy chục đứa ở vừa!
Có một chuyện mới, đó là việc Thúy Oanh có thể làm mối cho Chân một cô giáo tầm tuổi như tiêu chuẩn của Chân...
Hôm nay lại nhớ thêm được tên mấy bạn nữa, nếu Việt Khánh thu thập được địa chỉ liên lạc thì danh sách Trại trẻ sẽ không dừng ở số 101 như hiện tại.
Tiệc sinh nhật ấm cúng, vui vẻ! (Xem ảnh Thúy Oanh cười tít với Kiều Tuấn)
Mong có nhiều bữa sinh nhật tập thể kiểu này!
Chúng tôi sẽ có bài tường thuật ảnh, mời các bạn xem ở Trang chuyên hình ảnh.
Ảnh kỷ niệm trên sân thượng Vọng Ba Lâu: Trung Thành, Hiếu Nam, Hoàn phề, Hữu Chân, Quốc Phong, Thúy Oanh, Đặng Nam, Hồng Quân, Kiều Tuấn, Hiếu Dân, Minh Quang, Việt Khánh (không có trong ảnh: Lưu Bình bận chụp ảnh, Hà Hồng có việc về sớm, Việt Trung chạy xuống nhà).

Hiếu Dân

23/10/07

SẮN XÃ LUẬN

Xin thắp một nén hương cho bạn tôi
và chia sẻ với bạn
một chuyện vui lúc nhỏ nơi trần thế


Số phận đã may mắn cho tôi biết đến món ăn này từ khi tôi còn làm việc như một liên lạc viên cho "Bộ chỉ huy" nghĩa là do việc được tiếp xúc thường xuyên với các "ông Tướng" hoặc chí ít cũng là các sỹ quan cao cấp trong Bộ. Cái bộ chỉ huy ấy được thành lập không biết do sáng kiến của ai nhưng nó là trò chơi con trẻ " hoành tráng" nhất và thu hút nhiều người tham gia nhất ( tất nhiên chỉ là con trai thôi ) ở Trại lúc bấy giờ và hoàn toàn phù hợp với không khí kháng chiến ( vào thời điểm ấy ) của toàn dân tộc. Ngoài những việc như tổ chức chia phe đánh trận giả, "Bộ chỉ huy" thường có các hoạt động không mang tính chất "Quân sự " lắm như phân công cán bộ chiến sỹ quét sân nhà ông Lê (địa điểm trú đóng thường xuyên của " Bộ chỉ huy" ) hoặc múc nước giếng lên đổ đầy chum hay đảo rơm phơi trên sân hộ nhà chủ …v.v.
Đứng đầu " Bộ chỉ huy " lúc ấy là hai ông tướng mà nay quy luật khắc nghiệt của cuộc đời đã cướp đi cuộc sống của họ rồi, có bao nhiêu sỹ quan còn lại trong cái Bộ ấy thì tôi không còn thể nhớ nổi nữa vì do việc phong chức cho các sỹ quan dưới quyền của Bộ chỉ huy lúc đó cũng tương đối tuỳ tiện và đặc biệt là không có văn bản.
Do nguồn lương thực hạn hẹp lúc thời chiến nên ngoài những bữa cơm chính của trại trẻ thỉnh thoảng " Bộ " cũng có liên hoan nhưng thức ăn của các buổi liên hoan ấy tối đa chỉ là hai món và chủ yếu là dưới dạng củ, quả như mít, ổi xanh, sắn thuyền hay khoai, sắn nướng,và chính nhờ những buổi liên hoan với các sỹ quan cao cấp trong " Bộ" tôi mới biết được cách chế biến đơn giản nhưng tuyệt vời của các món ăn này. Món sắn nướng giấy báo là món tôi khoái khẩu nhất hay cũng có thể là vì định lượng khẩu phần quân nhân lúc ấy không thể làm "ấm lòng chiến sỹ" được nên hương vị của nó càng trở nên ngon với tôi một cách lạ kỳ
Tôi và một ông làm công tác Hậu cần của Bộ (Ông Hà Tĩnh - Thật tội nghiệp vì bạn tôi nay đã mất ) thường chỉ được giao làm nhiệm vụ sơ chế như rửa sạch, bóc lột vỏ sắn phần chế biến còn lại do một sỹ quan nào đó của Bộ đảm nhiệm, thế nhưng tôi nhớ rất rõ sắn được rửa sạch ra sao, giấy báo được nhúng nước ướt và gói bọc bên ngoài như thế nào rồi vùi xuống tro rơm nóng sau đó khi sắn chín đem lột hết giấy báo ra và nướng hơ lại trên than hồng để khi ăn miếng sắn dòn, vàng ruộm và thơm phức, chỉ có điều một số chữ in trên báo bị dính vào miếng sắn, nhưng thực ra vấn đề này cũng không quan trọng lắm vì những chữ này bị ngược rất khó đọc và chúng tôi ( kể cả những lãnh đạo cao cấp nhất trong Bộ chỉ huy ) cũng không kịp đọc nó trước khi đưa lên miệng.

Vào một dịp " Cải thiện " như thế, tôi được phân công cùng ông Hà Tĩnh đi sơ chế cái món sắn nướng giấy báo nổi tiếng này. Toàn bộ số sắn chỉ có bốn củ, nó nhỏ lắm , chỉ như cườm tay của trẻ con và không biết được cung cấp bởi nguồn nào, hình như là do đi mót được, do xin hay đổi bánh kẹo gì đó với con nhà chủ cũng không biết nữa. Vì có sự nhòm ngó của quá nhiều cán bộ chiến sỹ khác cũng như không được để lộ công việc cho các cô, bác bảo mẫu của trại, tôi và Hà Tĩnh nhận được chỉ thị phải lột vỏ sắn tại vườn mít nhà Bà Hoàn, một địa điểm giáp ranh với khu vực trú đóng của Bộ chỉ huy. Thực ra nó chỉ cách căn nhà của Bộ chỉ huy một khoảng sân hẹp sau đó tới giếng nước và hàng rào cây Găng nên chúng tôi cũng không phải đi lại vất vả gì và công tác sơ chế cũng rất thuận tiện vì gần giếng.
Vườn mít mát mẻ và rậm rạp, chẳng ai thấy chúng tôi cả, vườn lại nằm sau lưng nhà bà chủ, phía trước sân nhà bà phơi sắn lát, công việc thì không đến nỗi khó khăn vả lại bốn củ sắn nhỏ được bóc trong khí thế ẩm thực hừng hực nên không mất mấy thời gian. Trước khi đem về giếng rửa, không biết xui khiến thế nào tôi lại nhìn thấy trên sân qua khoảng hẹp đầu hồi nhà bà Hoàn một củ sắn lớn. Những thiếu thốn về lương thực thường niên tại các bữa ăn của trại trẻ cộng với kinh nghiệm hiểu biết thực tế về cách chế biến món sắn nướng hội tụ thành một quyết tâm sôi sục trong người tôi. Gần như đồng thời ông bạn tôi cũng phát hiện ra củ sắn mà lúc đó chúng tôi cho là vô chủ. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in về chi tiết của cuộc trao đổi ngắn giữa chúng tôi lúc đó:
- Mày thấy củ sắn không ?
- Có
- Lấy chứ ?
- Nhưng nướng ở đâu ?
- Đừng lo
Và thế là chúng tôi hành động.
Khi bạn rơi vào những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, chính cuộc sống sẽ dạy cho bạn những kỹ năng để tồn tại. Dĩ nhiên là trong trường hợp này sắn của Bộ chỉ huy phải được nướng ở một chỗ khác rồi, nó được giao lại cho một "Sỹ quan" nào đó chế biến tiếp, còn chúng tôi thì bận bịu với công việc riêng của mình. Do tính chất không hợp pháp lắm của củ sắn nên chúng tôi tính toán chỉ sử dụng bếp sau khi bốn củ sắn của Bộ chỉ huy được chế biến hoàn tất. Loay hoay thế nào không biết nữa chúng tôi cũng kiếm được báo và nhúng ướt để bọc nó thế nhưng việc giấu củ sắn đã bọc báo ướt thật không đơn giản chút nào. Củ sắn quá to, kích thước của nó chí ít cũng phải gấp đôi hay gấp ba so với củ sắn của" Bộ". Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được chỗ giấu thích hợp – vùi nó vào cây rơm cạnh bếp.
Hồi trẻ, khi còn ít tuổi, khi sự hồn nhiên còn đầy ắp trong tâm hồn, bạn thật khó giấu giếm điều gì trong lòng, mọi biểu hiện để muốn giấu giếm một điều gì đó nó cứ lồ lộ ra ngoài, không cầm được. Chúng tôi cũng vậy, thay vì phải lảng đi thì lại cố gắng giữ một khoảng cách gần nhất với cây rơm, làm vu vơ một chuyện gì đó và thậm chí là bắt đầu hát, hát lộn xộn, không ra bài, thỉnh thoảng lại nhìn về nơi chôn giấu củ sắn hoặc nhìn nhau mỗi khi có người tới gần. Nhịp tim thì khỏi phải nói, nó giống như một cái trống đình được treo trên cuống phổi tiếng của nó như muốn vỡ ra trong lồng ngực và nghẹt thở.
Rồi sắn của "Bộ" cũng chín nó được đem lên chia phần tại gian nhà trên, nơi các sỹ quan cao cấp của Bộ chỉ huy đang chờ đợi, mọi người chẳng ai chú ý tới chúng tôi nữa, chúng tôi hành động nhanh, lấy sắn ra khỏi cây rơm, đem vào bếp vùi ngay nó xuống lớp tro rơm còn nóng hực, quyết định sáng suốt nhất của chúng tôi lúc đó là không đem nướng lại trên than sau khi sắn chín nữa vì sợ bị lộ. Cũng chẳng vất vả gì khi mang củ sắn đã nướng chín ra khỏi bếp, chỉ việc lấy que kều rơm xiên nó vào một đầu và chui lại qua vườn mít bà Hoàn. Do không được nướng lại nên củ sắn chín sau khi được bóc giấy báo ra trông trắng ngà, chín nứt và bốc khói, nhưng trên thân nó có nhiều chữ ở tờ báo dính qua.
- Chữ gì nhỉ ?
Bạn tôi hỏi khi chúng tôi cùng lột lớp giấy báo cuối cùng trên thân củ sắn, nó cố gắng xoay người len qua vai tôi trong căn hầm chữ A (nơi chúng tôi quyết định lấy làm địa điểm tổ chức tiệc) để hướng thuận chiều chữ trên củ sắn cho dễ đọc
- Tao không biết, chữ ngược khó đọc quá – tôi lầu bầu trong hồi hộp
- Xa.. ã…lu.. ân – Nó nheo mắt và cố đọc thì thào
- Xã luận , đúng rồi, sắn xã luận - cuối cùng nó khẳng định
Và chúng tôi cùng cười
Bữa sắn hôm đó ngon tuyệt.
Cho tới giờ, khi đầu đã hai thứ tóc, sau khi lặn lội đây đó đã nhiều, đã nếm không biết bao nhiêu món ăn ngon, lạ cả ở xứ ta lẫn xứ người, chẳng bao giờ tôi có lại được cảm giác ngon một cách mỹ mãn như thế nữa khi chúng tôi "chén" củ "sắn xã luận'' hôm ấy. Nó ngon một cách kỳ lạ, thơm phức và chín bùi.
Năm ngoái, khi có chút công việc nhỏ, tôi cùng hai anh bạn đồng niên ( trước đây trong kháng chiến chống Mỹ cũng từng đi sơ tán nhưng khác trại trẻ) phải tới lãnh sự quán Zimbabwe ở Kualalumpur để xin cấp thị thực, buổi trưa chúng tôi vào một nhà hàng Tàu ăn uống, do có thời gian chờ duyệt hồ sơ ở lãnh sự nên cao hứng chúng tôi gọi món ăn đầy bàn và ăn uống ngân nga. Sau khi chén đủ "Sơn sản " " Hải sản " bất giác tôi nhìn thấy bàn của mấy người Ấn Độ ngồi bên cạnh kêu bánh Nann, thứ bánh này nó tựa giống cái bánh "nắp hầm" bằng bột mỳ của nhà mình lúc chiến tranh, tự nhiên tôi lại nhớ tới cái món " sắn xã luận " và đem chuyện ra kể với mọi người, chúng tôi được một trận cười vui vẻ, cười sảng khoái, ngặt nghẽo hồn nhiên như con trẻ trong nỗi nhớ da diết về một thời lúc còn thơ trẻ ở quê nhà .

Saigon, tháng 10/ 2007, Vũ Quốc Lộc

22/10/07

Tâm sự của Vũ Quốc Lộc

Vũ Quốc Lộc sau đợt ra Hà Nội đã cảm kích trước sự đón tiếp của anh em, đặc biệt đối với anh Dân. Anh đã có thư hồi âm rất nhanh, TTSTBND xin trích đăng những lời tình cảm của anh

Hi Anh Hieu Dan
Cám ơn anh và tất cả những anh em bạn bè cũ ở Trại trẻ mà may mắn em được gặp lại trong đợt ra Hà Nội lần này.Và đặc biệt chắc phải cảm ơn Trời vì mình đã có một buổi tối tuyệt vời để ngồi hàn huyên những chuyện cũ, mới sau 40 năm "lưu lạc".Đôi khi em vẫn "tiêu cực" nghĩ rằng những dịp được gặp lại anh em bạn bè cũ như vậy từ nay cho tới cuối đời chắc cũng không có nhiều, mỗi người đều bận bịu với công việc riêng của mình, mặc dù em hiểu những năm tháng sống gian nan, thiếu thốn trong Trại Trẻ với quá nhiều những kỷ niệm buồn vui lúc thiếu thời vẫn luôn nằm lòng trong anh, trong em và trong mọi người. Không ít lần em còn thấy rất rõ "nó" giống như một cái "chất", một cái gì đó rất khó diễn tả, rất "Báo Nhân Dân" sâu lắng và đầy ắp tình người. Mỗi lần em thấy khi gặp lại anh, chị em bạn bè cũ ở Trại Trẻ tự nhiên mình có cảm giác giống như khi anh đi xa về lại nhà mình, ngồi trên cái ghế quen thuộc, nằm trên cái giường quen thuộc của mình, một cảm giác tuyệt vời về sự an toàn.
Cám ơn anh "một cán bộ sỹ quan trong ban chỉ huy" ( trong trò chơi cũ lúc nhỏ ) đã giành cho " tay liên lạc " quèn này một bài viết với những hình ảnh minh hoạ chi tiết, nhưng nghe nó có vẻ hơi "Quảng cáo" thế nào ấy, hay là anh ưu tiên cho người ở xa ? hay là cái máu làm báo có sẵn trong bọn mình rồi ? Em nghĩ chắc Blog của mình nên có một mục gọi là "nhắn tin" hay "tìm đồng đội" gì đó để mọi người có thể biết tin tức về nhau cụ thể hơn và việc giới thiệu ai ở trên mục đó sẽ không còn là trường hợp " nghe" như có vẻ đặc biệt nữa, chẳng hạn việc giới thiệu cá nhân từng người hay tin mới tìm ra bạn cũ hay có nhu cầu tìm kiếm một bạn nào đó để thăm hỏi sẽ đúng chuyên mục hơn.
Về việc anh nói trong thư em sẽ lục lại khi tìm ra căn cứ chính xác về ngày tháng em sẽ báo anh liền.
Vài hàng gửi anh và mong anh khoẻ, đợt tới khi ra em sẽ gọi anh nha.

Vu Quoc Loc

Nhớ Mẹ An, Người Mẹ của Trăm Con!

Cám ơn Ngọc Thuỵ đã gợi nhớ lại sự cố “Con chuột trong quần của Hải Đường”. Đó đúng là phen sợ khủng khiếp nhất đầu đời của tớ đấy. Hic.

Nỗi sợ thứ 2 của tôi đó là bị bôi thuốc ghẻ. Hồi đó, không hiểu vì lạ nước hay sao mà bọn trẻ chúng mình lại bị nhiều ghẻ thế, mà tôi luôn chiếm ngôi vô địch. Có lẽ vì tuổi nhỏ, da mỏng nên bọn ghẻ tấn công tôi từ trong ra ngoài, từ đầu chí chân, không chừa một centimet da nào. Đầu thì nhọt nhỏ nhọt lớn, tay thì ghẻ nước ghẻ khô, còn hai mông quần thì lúc nào cũng như cưng cứng như mo nang vì mủ nước chảy đóng khô lại. Vậy mà mẹ An rất chịu khó chữa trị cho các con. Đến bây giờ khi đã trở thành mẹ, tôi cũng không hiểu được là mẹ An lấy đâu ra nhiều tình thương như vậy để chăm sóc chúng ta. Con tôi mới chỉ mọc mỗi một cái mụn nước nho nhỏ ở tay mà tôi cứ quýnh quáng không biết xử lý ra sao. Nhiều lúc nghĩ lại thấy mình còn chưa đền đáp được gì với công ơn của mẹ An, bác Viên và các cô bác trại trẻ. Lại quay về chuyện xưa, cứ mỗi chiều, mẹ An gọi các cháu lại xếp hàng để bôi thuốc ghẻ là tôi muốn chui xuống đất. Không nhớ tên thuốc là gì, hình như iốt hay cồn gì đó, mỗi khi mẹ An bôi vào là lũ trẻ lại nhảy tưng tưng xuýt xoa, còn tôi thì la hét hoặc khóc ré lên. Còn Mẹ tôi, mỗi lần lên thăm đều chảy nước mắt vì xót thương con bị ghẻ hành hạ. Nhưng mỗi lần đi tắm, hễ nghe mẹ ngon ngọt “lại mẹ thương nào” để dỗ tôi ngồi vào cái chậu nước lá xoan mẹ mới chế biến chữa ghẻ thì tôi lại khóc toáng lên, chạy vòng quanh cái giếng nhỏ ở đầu nhà ăn như chơi trò “trốn tìm” nhằm thoát khỏi tầm tay mẹ vì sợ xót. Chắc cho đến cuối đời tôi cũng sẽ không thấy cái gì xót hơn cái nước lá xoan chữa ghẻ ấy nữa.

Tôi còn một kỷ niệm sâu sắc nữa với mẹ An, đó là việc mẹ chữa trị thói mút tay của tôi. Từ bé tí tôi đã mắc tật mút tay. Chắc hồi đó bọn trẻ chúng mình đói ăn, nên tật mút tay khá phổ biến. Tôi thì nghiện món này từ khi chúa cho tôi sống trên đời này. Khi bé còn ở nhà với ba mẹ, tôi đã từng trốn trong rương (hòm to để quần áo) từ sáng đến chiều để chỉ ngồi mút tay, không ăn, không uống, mặc ba mẹ hoảng hốt kiếm tìm. Lên trại trẻ, tôi đã hơn 5 tuổi, nhưng vẫn sài món mút tay ngon lành. Mẹ An thấy mất vệ sinh quá nên ra sức dỗ dành tôi đừng mút tay nữa, nhưng tôi rất “kiên định” dứt khoát không từ bỏ món “khoái khẩu” nhất của mình. Nhiều lần khuyên, dỗ không được, mẹ An bắt đầu chuyển sang dùng “chiêu ác liệt” hơn. Mẹ bôi ký ninh vàng khé cả ngón tay cái mà tôi hay mút. Mẹ nghĩ rằng tôi sợ đắng mà không mút nữa. Nhưng chỉ vài phút sau, tôi chui ra một xó khuất tầm mắt của mẹ, rồi nhăn nhó liếm hết thuốc và lại ung dung ngồi mút ngon lành. Mẹ An thấy chưa ăn thua nên chuyển sang món bôi ớt. Tôi lại có cách đối phó bằng cách nhổ nước bọt đầy vào ngón tay đang sưng vì ớt cay và lấy váy lau sạch rồi lại mút say mê. Mẹ An giận lắm, lấy ngay dây váy tôi đang mặc để buộc hai tay tôi vào thành gường. Khi mẹ vừa khuất dạng, không rõ loay hoay lộn đầu, lộn đuôi thế nào mà một lúc cái miệng của tôi lại vẫn tiếp xúc được với ngón tay thân thương để lại mút chùn chụt. Mẹ An dùng “món võ cuối cùng” là dắt tôi ra cây chuối, cạnh cái miếu nhỏ gần nhà ông Huấn và phạt bắt tôi ngồi đó một mình trong buổi chiều xâm xẩm để doạ cho tôi sợ mà hết mút tay. Tuy “đầu gấu” tôi trong bụng có sợ, nhưng ”món tay” đã làm cho tôi trở nên dũng cảm hơn, tôi vừa nhấp nhổm mút tay, vừa chăm chắm nhìn vào cái hốc đen của miếu một cách cảnh giác. Cuối cùng, mẹ An phải “xin hàng” và tôi tiếp tục mút tay cho đến hết năm 7 hay 8 tuổi gì đó. Đến nay, tôi mới thấm thía rằng không nghe lời mẹ An nên tôi không thể tham dự giải “bàn tay hậu” vì đến tận bây giờ các ngón tay bàn tay trái của tôi vẫn còn cong queo và bé hơn hẳn bàn tay phải, đặc biệt, ngón cái thì to bè bè còn ngón út thì thành tật cong như con tôm nhỏ.

Từ đáy lòng, con xin mẹ An ở nơi suối vàng hãy tha thứ cho những gì con đã không phải với mẹ. Cầu chúc cho vong linh mẹ yên nghỉ thanh thản ngàn thu. Con ngàn lần cám ơn mẹ về những gì mẹ đã chăm sóc, dậy dỗ chúng con!

Trương Hải Đường

Cảnh cũ, người xưa...

Lời Ban Biên tập: Bài này đã được đăng từ ngày 06/10/2007. Bây giờ, sau khi có thêm một số thông tin hữu ích, chúng tôi đã sửa chữa đôi chút và xin đăng lại để các bạn cùng chia sẻ.
Chị Trương Hải Đường thuộc lứa sinh năm 1959 của Trại trẻ chúng ta, hiện đang là Cục trưởng Cục công nghệ thông tin của Tổng Cục Thuế.
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, tiếp nối được truyền thống nền nếp từ ba má chị - bác Lê Dân, Hải Đường là một người năng động, xốc vác, rất chu đáo và trọn nghĩa vẹn tình (chúng tôi cảm nhận được điều này trong khi xem, nghiền ngẫm các câu chuyện của chị gửi đăng trên blog, từ Đôi mắt đổi màu, Câu chuyện “Ngày xưa”, Dạy con, Những bài học tuổi ấu thơ v.v…).
Xin giới thiệu với các bạn hình thức mới của bài viết này!


Chúng ta cùng cố nhớ lại, cho dù không còn thật chính xác!

Hồi ở trại trẻ, vì khá nhỏ tuổi nên tôi được xếp ở ngay tại nhà thờ họ … (Họ gì đó thì tôi quên rồi). Ở giữa là một khoảnh thềm vuông có 4 cột và mái ngói cổ kính. Mùa hè chim thường về làm tổ trên nóc mái. Có lần, một số anh lớn cố trèo lên bắt chim bị bác Viên phạt sợ phát khóc.
Bác Viên thường ngồi trên chiếc chõng tre nhỏ kê trên bậc thềm trước gian thờ.
Gian nhà phía bên phải kê các dãy gường của tôi, chị Oanh, Yến, Thuý, cậu Hiền “giữ của” và một số người nữa tôi không nhớ.
Giường của chị em chị Oanh liền với giường tôi nên mỗi tối, chúng tôi thường vén thông màn với nhau để ngủ cho vui. Có lần, giữa đêm có một người đàn ông lạ chui vào gường của chúng tôi. Tôi tỉnh giấc sờ thấy cái đầu tròng trọc lởm chởm tóc, sợ gần chết nhưng không cất nổi tiếng, mãi lúc sau chị Oanh mới phát hiện hét ầm lên làm cả trại tỉnh giấc và lão lạ mặt chạy mất tiêu.
Gian phía đối diện là giường mẹ con bác Bốn - Chị Tú, giường của chị em Minh Hiền - Minh Hồng và giường chị Khánh Như (hồi đó chị Như rất hay dầm tè nên phía dưới giường là một khoảnh đất luôn sẫm màu, nồng nồng).
Đối diện với đền thờ là gian bếp được lợp tạm bằng tre nứa, bàn ghế ăn cũng bằng tre. Mỗi chiều, mẹ An thường ủ bột mỳ vào chậu để sáng mai trộn bột làm bánh hấp cơm hoặc rán vàng cho các cháu ăn. Hôm nào bột ủ chưa chua là bột hấp cứng như cục đất.
Sau dãy nhà ăn, tôi nhớ là khu vườn, rồi đến con đường mòn nhỏ của làng. Qua đường là nhà cầu hai ngăn trên mặt ao. Mỗi lần đi vệ sinh là cả lũ 2-3 đứa thường rủ nhau đi cùng cho vui và còn thi xem ai bắn cầu vồng nước xuống ao được xa nhất (mà là con gái đấy nhé!).
Khu vườn là nơi gắn khá nhiều kỷ niệm với anh em tôi, nhất là hình ảnh chú ngan thối của anh Khánh Bẹt. Hồi đó, anh em tôi nuôi một con gà mái đẻ và một chú ngan. Ngày nào hai anh em tôi cũng bắt chị gà ra để thò tay vào bụng sờ xem đã sắp đẻ trứng chưa và rồi quẹt tay chùi vào áo, thất vọng vì trứng còn non quá. Còn chú ngan Thối của anh Khánh thì chắc nhiều người còn nhớ. Hồi đó, hình như anh Khánh sau khi đọc truyện “Quả trứng vuông” đã tự sáng chế ý tưởng lấy dây lạt thắt chặt 2 cánh chú ngan cho rụng đi để dồn thịt cho thân mình ngan béo lên. Chỉ sau vài ngày, cả trại trẻ bốc mùi vì 2 cánh thối rữa của ngan. Mỗi lần chú ngan lạch bạch đến gần là mẹ An tá hoả, không chịu nổi cái mùi của nó và lại ca một bài rày la anh Khánh.

Hồi đó, ba Lê Dân của tôi hình như là Bí thư Đảng ủy nên cụ rất “gương mẫu” hạn chế lên thăm con, mà chỉ thường gửi quà lên. Đến giờ tôi vẫn giữ được khá nhiều bức thư ba tôi gửi cho anh em tôi, trong những bức thư đó có cả những chiếc bánh trực đêm của ba, nhưng ba đã nhịn để dành gửi lên cho chúng tôi.
Đọc lại những bức thư đó tôi đã không cầm nổi nước mắt và càng thấm hiểu tấm lòng của người cha rất mực thương yêu con, đồng thời rất cảm phục thế hệ các cụ đã có những nghị lực sống phi thường, có một tư tưởng sống đáng kính phục. Ở thời đại này, tưởng tượng lại thời của các cụ mới thấy về nghị lực có lẽ đời con cháu còn xa mới bằng các cụ.
Hồi đầu, anh em tôi còn thấy tủi vì ít được ba mẹ lên thăm (mẹ tôi bận học tận trên Vĩnh Phúc), nhất là khi nhìn cảnh mẹ con cô Lục và Lộc “cộc đuôi” âu yếm nhau. Tôi vẫn nhớ như in đôi mắt to, đen ươn ướt của anh Lộc khi ngẹo đầu làm nũng trên vai mẹ và thầm ao ước mình cũng được mẹ bế như vậy.
Nhưng lâu rồi cũng quen, anh em tôi cũng không còn cảm thấy buồn nữa. Mỗi chủ nhật, các anh chị náo nức chạy theo con đường nhỏ hai bên là hàng rào bằng cây duối xanh mướt sau nhà bác Huấn để ra con đường lớn đứng ngóng bố mẹ lên thăm thì anh em tôi cũng háo hức chờ được nhận những món quà ba mẹ gửi như: lọ magi, hộp đường, bánh và món thịt viên băm trộn với mắm (một món miền Trung mà hiện có bán nhiều ở chợ Hàng Bè).Tôi nhớ mỗi buổi tối ở trại thật vui. Lũ trẻ chúng tôi thường kê gối sát tường rồi trồng cây chuối xem ai trồng được lâu hơn. Rồi tập hát, chúng tôi thi nhau ngân xem ai dài hơi hơn theo đoạn cuối của bài hát “Chiếc đàn Ta lư” mà nghệ sỹ Tường Vi thường hát: “đàn em reo ca …a…a…a…a….a….., ới đàn ta lư, rừng núi quê ta….a…a…a…a…, từng bừng reo ca”. Rồi tập múa, các chị lớn hơn tự dậy, tự sáng tác các điệu múa cho chúng tôi. Hồi đó, nhìn Minh Hồng – con bác Hoàng Tùng mặc chiếc váy nilon hoa phớt xanh, phớt hồng múa thật đẹp, trong trí tưởng tượng của tôi, chiếc váy đó chỉ có trong chuyện cổ tích. Vì vậy, bọn con gái cùng lứa chúng tôi thèm có chiếc váy đến “rỏ rãi”, còn tôi thì nhiều đêm nằm mơ thấy được bà tiên ban cho mình chiếc váy giống hệt, tỉnh dậy tiếc quá, cố ngủ để mơ tiếp mà không được. Bây giờ, con gái tôi có hàng chục chiếc váy còn đẹp hơn thế mà nó hoàn toàn dửng dưng. Thế mới biết, thế hệ chúng ta hạnh phúc hơn thế hệ ngày nay. Cuộc sống có khổ mới biết sướng, có gian truân mới biết hạnh phúc. Bây giờ sướng quá mà không biết là mình sướng – đó chính là những bất hạnh của thế hệ con trẻ thành phố ngày nay.
Xin tạm dừng dòng hồi nhớ tại đây vì còn phải đi đón con đi học về. Hẹn lúc rỗi sẽ lại nhớ tiếp.

Rất muốn các anh chị, các bạn cùng vẽ lại bức tranh Ngày Xưa của chúng ta!

Trương Hải Đường

Ghi thêm của Ban Biên tập: Sau khi bài này được đăng, chị Huỳnh Ngọc Thụy đã đính chính lại cho chúng tôi, nhà thờ mà Trại trẻ chúng ta ở nhờ chính là nhà thờ họ Phùng, do bác Phùng Hữu Lê làm thủ đền.
Ảnh 1: Chị Hải Đường đứng giữa các anh Hoàng Nam, Tương Lai và Minh Quang (ngày 23/9/2007).
Ảnh 2: Hải Đường ngày bé, xấu xí và ghẻ đầy người, bắt đầu rèn luyện sự "cứng đầu" từ khi xa ba mẹ.
Ảnh 3: Hải Đường nhận danh hiệu Lãnh đạo CNTT xuất sắc khu vực Đông Dương (2006)

21/10/07

Quà "xế"

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy vô cùng yêu thích ăn trứng vịt luộc, yêu thích hương vị của nó mỗi khi lột vỏ, không chỉ vì mùi thơm thơm hấp dẫn, mà còn vì mùi trứng luộc nhắc tôi nỗi niềm ngày sơ tán...

Tôi còn nhớ mãi, mỗi buổi trưa khi ngủ dậy, mẹ An lại làm cái việc phát quà trưa, hay như bây giờ nhà trẻ thường gọi là "ăn xế" bằng cách điểm danh từng tên trại viên, ví dụ, "Khánh Như", "Lộc cộc đuôi", "Kim Yến" hay Oanh, Thúy gì đó... bằng cái danh sách ghi không giống ai và có lẽ chưa có ở đâu bao giờ, đó là đọc tên trên quả trứng... Mỗi người được xướng tên, sẽ nhận được một quả trứng chín còn dính cơm, quả trứng thơm thơm mùi cơm, khi lột vỏ lộ ra lòng trắng trắng bóc, màu đỏ cam của lòng đỏ ửng lên bên ngoài. Quả trứng sau khi lột vỏ sao mà trông ngon đến thế, lòng trắng thì sần sật, lòng đỏ bùi bùi, béo ngậy. Người nào được gọi tên thì sung sướng lắm, nhưng cũng có người được gọi hoài, ngày nào cũng gọi thì lại ngán, đón nhận rất thờ ơ. Riêng tôi, tôi đã rất háo hức với món quà "xế" ấy, theo chân mẹ An từ lúc mẹ An chọn quả trứng, rửa sạch sẽ xong, mẹ An lấy cái viết mực cẩn thận viết tên từng người được ba mẹ gửi trứng luộc, sau đó canh cho lúc cơm gần cạn, mẹ An hay cô Thi sẽ thả trứng vào hấp lên. Khi cơm chín, trước lúc phát cơm, mẹ An lấy trứng ra xếp vào rổ để qua một bên, cất đó chờ đến lúc sau khi ngủ trưa sẽ phát. Hàng ngày, hàng ngày, mẹ An làm công việc ấy một cách cẩn thận dưới sự theo dõi say sưa của tôi...

Món quà xế thứ 2 cũng thường được phát theo cách tương tự là món bánh qui. Dù là chiến tranh gian khổ thế, ác liệt thế, cái gì cũng thiếu thốn thế, nhưng sao tôi vẫn có cảm giác cái bánh qui ngày xưa ngon hơn bây giờ, thơm hơn bây giờ rất nhiều, bánh hình vuông, vàng rơm, làm từ khuôn bánh có những bông hoa đơn giản nhưng làm cho chiếc bánh qui thêm hấp dẫn con trẻ. Chỉ mới đưa gần lại miệng thôi, chưa cắn mà nước miếng đã tứa ra vì mùi thơm của trứng gà, của bơ sữa, cần vào cái bánh dòn rộm, miếng bánh tan ra trên lưỡi, ngon đến tận giờ còn thấy ngon... Mà càng ngon, càng thèm hơn nữa khi anh em chúng tôi thật hiếm khi được mẹ An gọi tên sau khi ngủ trưa, chỉ đơn giản vì nhà chúng tôi có tới 4 anh chị em, ba mẹ chắc lo không xuể, thử nghĩ xem, nếu 1chục trứng, nhà con một ăn được 10 bữa thì nhà 4 con chỉ ăn được 2 bữa rưỡi mà thôi, nghĩ lại mà thương các ba mẹ, thương các anh em mình quá. Món quà xế nhỏ nhoi như thế nhưng cũng không nhiều người trong trại trẻ được nhận. Bây giờ, mấy đứa trẻ chịu ăn quà xế bằng cái bánh qui hay bằng quà trứng luộc như ngày xưa?... Ôi cái ngày xưa ấy!

Mà tôi chợt nhận ra, những kỷ niệm này ám ảnh tôi hay các bạn cùng lứa tôi nhiều hơn các anh lớn, vì các anh chị lớn không ở nhà chung, mà ở trong nhà dân, nên kỷ niệm của các anh chị có thể là khác với lứa tụi mình. Cũng dễ hiểu tại sao mà mới chỉ thấy tụi mình ôn nghèo kể khổ, có phải vì tụi mình còn quá nhỏ để kiềm chế lòng thèm ăn (chứ không phải tham ăn đâu nhé), thèm được vui chơi, thèm được giang nắng trốn ngủ trưa, đi tuốt lúa đòng đòng... Nên mỗi lần có bất cứ sự kiện gì thỏa mãn nỗi niềm khao khát con trẻ ấy là nhớ mãi, nhớ đến tận hơn 40 năm sau vẫn còn nhớ.

Còn các anh chị thì sao? Sao các anh chị mình kể ít thế nhỉ?

Thụy Huỳnh

Vũ Quốc Lộc , tại Hà Nội

Vũ Quốc Lộc vùa tiết lộ một tin rất hay giữa giữa những ngày tháng 10 tại thủ đô : anh đã từng viết nhật ký từ thời trại trẻ và hiện nay còn giữ cuốn nhật ký đó. Thật là điều kỳ diệu cho những ai muốn sống lại ký ức thời trẻ thơ. Hãy chờ nhé, BLL sẽ có cuốn nhật ký đó và tùy theo sự cho phép của chủ nhân, sẽ có trích đoạn hay đăng cả trên Blog. Trong cuốn nhật ký này, Vũ Quốc Lộc sẽ kể cho chúng ta nghe về cái hang ở Tuy Lai, về chuyện anh Dũng con cô Bình Định (đã hy sinh anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ) đã lấy thân mình che chở cho các em khi bom Mỹ rơi ra sao. Chuyện cái giếng có phiến đá để giặt ở giữa, chuyện tình bạn giữa Lộc, Hoàn, Chân, Giao…

Lộc còn làm thư ký thường trực BLL Trương Việt Khánh giật mình khi anh cung cấp thông tin của 2 cựu thành viên nữa là Lê Hà, Lê Hóa con ông Lê Kiều. Lê Hà đã mất trong SG, Lê Hóa hiện giờ chưa ai biết tung tích ở đâu, nếu anh Hóa đọc thông tin này đề nghị liên lạc ngay với BLL.

Như vậy, thêm Lê Hóa, trại của chúng ta đã có con số 101 người.

Vũ Quốc Lộc là một doanh nhân đã từng bôn ba khắp châu Âu, đặc biệt giờ đây anh đang say sưa khám phá thị trường châu Phi. Ai có ý định đi châu Phi mà khó khăn visa hãy liên lạc ngay.

Mời các bạn vào Trang hình ảnh hoặc xem bài chi tiết trực tiếp ở đường dẫn này


Ảnh trong bài do Lưu Bình chụp (từ trái sang phải): Minh Quang, Việt Khánh, Hiếu Dân, Vị Hoàng, Quốc Lộc, Minh Hoàn và Quốc Phong lúc khoảng 20h, tại nhà hàng Du thuyền (hồ Thiền Quang)

16/10/07

Chuồn chuồn ớt và chuồn chuồn kim...

Chào các anh chị, cùng mọi người ở Trại trẻ Báo Nhân Dân!
Em là Điệp con bố Quỹ, mẹ Nghệ.
Sau khi xem các bài viết và hình ảnh của tất cả mọi người trong buổi gặp mặt (23-9), em thật sự xúc động và rất tiếc là không được tham dự.
Nhìn hình em nhận ra chị Hoài Nam, chị Phương Liên, chị Bình, chị Phương, chị Oanh, Yến. Các chị vẫn vậy. Còn Hồng, Điệp vẫn nhận ra, chỉ có Hải Đường là hoàn toàn Điệp không hình dung nổi. Hồi xưa bọn mình cùng lứa học chung với nhau, cả Ngọc Thụy, Thủy Tiên nữa nhỉ.
Một thời để nhớ
Xem tấm ảnh ngôi nhà thờ họ, nơi mà Trại trẻ đã từng cư ngụ tại đấy, tôi nhớ hết. Góc nhà, nơi để cái tủ đựng bánh kẹo mà bố mẹ gửi lên, mỗi người một hộp đều có tên không ai lấy nhầm của ai. Cạnh cái tủ là cái cửa nhỏ đi ra một khoảng sân rộng. Một lần chú Tuất Việt, bố của chị Ninh Hà đi B trở ra Bắc, lên sơ tán thăm chị Ninh Hà, cả trại tập trung ở cái sân ấy để nghe chú Tuất Việt kể chuyện miền Nam. Góc giường trong cùng nơi tôi ngủ, phía bên ngoài là gia đình của cô Huỳnh.

Nhớ hồi đấy có đợt tiêm chủng, cô y tá của trại dùng ống trích loại mới. Tôi còn nhớ là nó bằng sắt sáng loáng trông hiện đại lắm, cứ bấm một cái là xong không thấy thay kim gì hết, thế là gần như cả trại bị áp xe. Tôi cũng không nằm ngoài số đó. Thấy bị như vậy tôi thích lắm, vì sẽ được về Hà Nội chữa, ai dè không được về, lại bị mẹ An dắt một đám đi xa lắm, hình như sang bệnh viện nào đấy để rạch ra làm thuốc. Đến bây giờ vết sẹo vẫn còn sâu hoắm. Sau đấy, cô y tá bị nghỉ việc, và thế là cái bát ăn cơm nghe nói là bằng pha lê của cô ấy bị đập mãi mới bể, mọi người chia nhau mỗi người mấy mảnh cho vào lọ penixilin nhỏ xíu và cảm thấy thích lắm vì nó đẹp (hình như hồi ấy bọn con gái đứa nào củng có 1 lọ). Tôi nhớ nhất cảnh mùa đông trời lạnh buốt, mưa phùn, đường thì trơn mà bọn tôi hồi đấy đang học lớp 2, lớp 3 thì phải, cứ hai đứa một cái sọt, cầm theo hai cái cây tre nhỏ, đi theo mấy bác dắt trâu bò đi làm đồng từ tờ mờ sáng, chỉ để tranh nhau hót cái mà con trâu, con bò nó thải ra, để nộp cho nhà trường trồng cây. Chỉ vì tranh nhau mà tôi bị té, người dính đầy bùn, nhưng vẫn thích vì đã tranh được. Còn quần áo dính bùn, khô thì tự rụng, vì trời mưa ai giặt quần áo cho, mà giặt thì cả tuần mới khô, lúc đó cuối tuần các cô mới lùa một đám trẻ con ra giếng “để tổng vệ sinh”. Hồi đó, buổi sáng mỗi lần đi học là tôi sợ nhất, một là bị bọn trẻ con ở làng nó đuổi chó ra cắn, hai là vào đến cổng trường lại có hai đứa ở làng đứng chặn hai bên cầm roi, vừa quất vừa nói “sơ tán ăn bám nhà quê”. Biết là đau đấy nhưng vẫn phải cắn răng chịu.

Đúng là chỉ có những đứa trẻ phải đi sơ tán mới thấu hiểu những sáng chủ nhật ngóng mẹ lên thăm như thế nào. Tôi còn nhớ, từ Trại trẻ đi qua một con đường dốc tới một cái ao, ở đó có rất nhiều cây bưởi hoa trắng thơm ngào ngạt. Bọn trẻ con thường rủ nhau trèo lên mấy chẽ cây, nhìn về phía bờ đê, khi thấy một bóng nhỏ từ xa xuất hiện tranh nhau đoán xem đó là mẹ của ai. Mong mãi, mong mãi, tới gần trưa mới chịu về vì cứ sợ biết đâu mẹ lên trễ, mình về thì không được nhìn thấy mẹ từ xa.

Lúc đầu, bốn chị em tôi Hồng, Mai, Hà, Điệp cùng với chị Diệp, chị Nam, chị Liên con cô Bích Hà, rồi Chi, Anh con chú Chính Yên cùng một nhà (hồi đấy chị Chi hay khóc mà lại khóc dai, tiếng khóc không nghe hu...hu mà nghe như là hến...hến, nên cả đám cứ xúm lại chọc cho chị Chi khóc). Sau này các chị lớn của tôi đi học chỗ khác, còn tôi vẫn ở Trại trẻ nên được chuyển về ở trại chính. Lúc đó thật sự bước vào vòng kỷ luật, mỗi trưa bác Viên đi kiểm tra từng đứa một bắt ngủ, không còn được dang nắng đi bắt chuồn chuồn ớt và chuồn chuồn kim nữa…

Vài dòng hồi tưởng để mọi người cùng nhớ một thời đã cùng nhau trải qua.

Ngô Phương Điệp

Đồng nghiệp

Chưa có gì đáng gọi là một mối tình công sở- nghĩa là chưa thân thiết quá- chỉ là như tất cả mọi người, trong cùng một nhóm đi ăn trưa với nhau (thường xuyên), đi liên hoan, đi karaoke cùng nhau (thỉnh thoảng), dăm ba lần đi cùng xe máy một cách vô tư, ai nhìn thấy cũng không ngại ( cây ngay không sợ chết đứng đã đành, chẳng qua vì lòng chưa thấy gợn tý teo nào cái gọi là tình cảm riêng tư)... Chia nhau công việc trong phòng, rồi tâm sự với nhau (cũng thường xuyên) những chuyện tầm tầm trong gia đình, đại loại như con cái đạt danh hiệu gì ở lớp, bố chồng mẹ chồng, bố vợ mẹ vợ dạo này đau ốm ra sao, hàng xóm mới tậu được một ti-vi màn hình phẳng của Trung Quốc, sê- cần- hen thôi mà cực nét...v.v, tóm lại chỉ có thế. Chị không tin được rằng lại có ngày về nhà bỗng thấy nhớ nhung đồng nghiệp. Cũng có thể không hẳn là nhớ nhung, không ai gọi là nhớ những người ngày nào đến chỗ làm việc cũng gặp, cho đến tận khi tiễn nhau về hưu mới thôi, nhưng rõ ràng là có âm thầm nghĩ tới hay vô thức nhắc lại một lời nói, một cử chỉ nào đó của người ấy, vu vơ thế cũng gần gần với nhớ
Mà nhớ, thì không phải lỗi hoàn toàn ở chị. Tại anh dạo này hay tỏ ra chăm sóc chỉ hơn bình thường. Anh quan tâm đến màu áo chị mặc, sách chị đọc. Cơm hộp văn phòng, có gì đâu, dạo này bao giờ anh cũng chọn những món mà anh biết làm cho chị dễ nuốt hơn, đi hát karaoke cũng ghi những bài chị hát được hoặc muốn nghe, điều hoà trong phòng làm việc không dám hạ nhiệt độ thấp quá vì sợ chị ho...Nói chung là cảm động! đàn bà ở nhà nếu ít được sự quan tâm của chồng, đến cơ quan có ai đó chăm sóc một chút, một chút chút nhỏ nhất, thế nào cũng có ngày trái nắng trái gió bỗng dưng cảm thấy một nỗi xao xuyến không hiểu được len lén chuồn vào tim. Rồi có đi có lại, chị cũng bày tỏ với anh những cử chỉ ân cần và dịu dàng tương tự. Đàn ông ở nhà bà vợ hay cáu bẳn, quản lý khắt khe, đến cơ quan gặp ai đó dịu hiền nhường nhịn, thì nhìn là biết ngay thái đó muốn bao bọc che trở...nhưng mà cũng mới chỉ thế, thế thôi, cho ngày đi làm vui hơn, cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Đôi khi, chị cảm thấy không khí trong phòng làm việc dịu dàng và êm ả, chị có lý do để sáng đi làm ăn mặc cần thận hơn một chút, thoa son đậm hơn một chút hay không ngần ngại chấm vài giọt nước hoa vào sau tai. Đàn bà nhiều khi phải có cớ mới chịu chăm sóc mình
Sáng nay đi làm, chị đã chấm vài giọt nước hoa như thế, áo mới cổ hơi rộng và tóc buộc cao, chị thấy mình trẻ trung trong gương, trẻ trung đến mức dường như có thể đủ mạnh mẽ để làm được một việc gì đó khác với mọi ngày và chị muốn mỉm cười với mình.
Sáng nay xe anh ấy hỏng, vợ anh ấy và anh ấy đi chung xe đến cơ quan. Họ chạm trán ngay cửa. Vợ anh ấy và chị cười tươi với nhau, đã gặp mấy lần rồi mà. "Chào!" anh ấy bảo, giọng rất nhạt, " Sao hôm nay đi làm sớm thế?." " à vâng , đưa con đi học nên đến sớm", chị thấy giọng mình cũng nhạt hoét. Nghe đúng là hoàn toàn khách quan và dửng dưng, giọng của hai người qua đường tử tế nhưng không quen biết, như chưa từng bao giờ quan tâm đến cơm hộp văn phòng, karaoke, sách vở hay điều hoà nhiệt độ
Thì thế, chỉ là đồng nghiệp thôi mà

Hà Phạm

12/10/07

Được lúc rảnh rỗi!

Gió heo may thổi dạt một nhóm Trại Trẻ vào phía Nam nhiều gió biển và nắng rát, đây có thể là nhóm ồn ào lắm chuyện nhất, rất nhiều kỷ niệm. Họ im lặng mãi, rồi người đầu tiên bước lên diễn đàn: Huỳnh Ngọc Thụy!.

Sau đây là một lô ký ức tìm thấy khi chị “được lúc rảnh rỗi” (như tiêu đề chị gửi cho TTSTBND):

Bây giờ vào những lúc rảnh rỗi hiếm hoi của mình, tôi lại có thêm cách thư giãn là vào blog của trại trẻ như muốn tìm về tuổi thơ ấu ngày xưa. Các anh chị và các bạn viết rất hay, rất dí dỏm, sinh động, đúng thật “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Tôi cũng thử tập tành, nhớ lại và chép ra đây gọi là góp nhặt kỷ niệm cùng các anh chị bạn bè…

Ngày đó tôi chỉ mới gần 6 tuổi, cái tuổi sắp vào lớp 1 bây giờ, thế mà đã phải xa mẹ, xa rời tổ ấm, thay mặt mẹ để chăm sóc đứa em nhỏ hơn mình 1,5 tuổi. Nhớ mãi điểm đầu tiên đến sơ tán của trại trẻ Báo nhân dân là Tuy lai, tôi vẫn nhớ trại trẻ đóng quân ngay nhà đầu làng, trống hoác, những trại viên nhỏ tuổi sẽ ở đó, một số anh chị lớn hơn thì vào ở nhà dân bên trong làng. Điều này làm tôi ghen tị nên nhớ tới giờ vì tôi chỉ thích được ở cùng các anh chị lớn, chắc chắn sẽ có nhiều trò hay thú vị hơn là đám nhỏ tụi tôi. Chỉ mới vừa tới nơi ngày hôm trước, hôm sau tôi cùng các bạn đã phải một phen chạy máy bay kinh hoàng, nhớ lúc đó trại trẻ có Cô Bình Định, mẹ An, cô Thi… Máy bay tới, tiếng rít của nó thật gần, đinh tai nhức óc, mẹ An kêu các chị lớn dẫn các em nhỏ (là tôi gần 6 tuổi, Hoa Lê 4 tuổi rưỡi và các em nhỏ khác mà lúc đó tôi chưa kịp làm quen nên chẳng nhớ tên) chạy ra giao thông hào, cách trại chỉ là một khoảng sân nhỏ, vậy mà chị em chúng tôi phải 2-3 lần nằm xuống tránh máy bay lượn trên đầu, rồi lại ngóc lên chạy tiếp. Nhớ lúc ra sát đến bờ tường cạnh giao thông hào rồi mà mẹ An còn kêu lên: “nằm xuống” vì máy bay đã quay lại, mấy chị em lại hấp tấp nằm ép sát vào bờ tường, chị Ninh Hà đã ôm một em nhỏ vào lòng che cho em, hành động đó của chị làm tôi nhớ mãi và có lẽ chính vì thế trong suốt thời gian đi sơ tán và cả sau này nữa tôi rất thích chị và luôn tìm cách học theo chị. Ơn trời là lúc đó còn quá bé để hoàn toàn tin tưởng vào cái giao thông hào trước mặt, nên chẳng biết sợ, chẳng nghi ngờ gì, chẳng biết rằng chỉ một quả bom thì xong hết, không cần phải chạy đi đâu, chẳng giao thông hào nào cứu được. Nhưng là nói thế thôi, chứ lúc đó bảo chạy là chạy, hô nằm xuống là nằm ngay tắp lự mà chẳng cần hỏi là tại sao nằm, tại sao chạy…có biết vì sao đâu. Ở Tuy lai, ấn tượng của tôi là cái quạt “trần” bằng chiếu mà mẹ An, cô Định giăng lên trên trần nhà, rồi cô Định nằm ở góc nhà nắm sợi dây nối với cái “quạt” chiếu, giật qua giật lại, phe phẩy cho mát cả đám trẻ nằm sắp lớp bên dưới, nhưng đêm về thì các cô cũng không thể thức suốt đêm quạt cho tụi tôi được. Thế là tôi đã trải qua một đêm thức trắng, Hoa Lê còn quá nhỏ, đòi chị quạt cho suốt đêm, hễ tôi buồn ngủ quá, vừa ngủ thiếp đi, tay rũ xuống không quạt nữa là Lê lại khóc lên đòi quạt. Cứ thế suốt đêm, có lẽ đến gần sáng tôi mới ngủ được. Ấn tượng quá nên tôi nhớ tới giờ. Bây giờ nghĩ lại, đêm đầu tiên mình thức trắng lại không phải là thao thức vì tương tư, cũng chẳng phải vì ở độ tuổi bắt đầu biết day dứt, trằn trọc, mà chính lại là đêm đầu tiên xa nhà đến nơi sơ tán, thay mẹ lo cho em khi chỉ mới vừa 5 tuổi rưỡi, cái tuổi mà bây giờ nếu là con mình thì nâng như nâng trứng, mới hiểu lòng cha mẹ mình ngày ấy thắt ruột thắt gan thế nào khi gửi các con nhỏ thế đi sơ tán, mới biết là hồi đó mình khổ thật, khổ quá sức tưởng tượng, thế mà trong gian khổ ấy, tất cả anh chị em mình vẫn rất vui vẻ, văn nghệ văn gừng, học hành giỏi giang, để lại một ký ức tuổi thơ biết bao kỷ niệm mà không phải thời nào cũng có được.

Tuy Lai lúc đó quá nguy hiểm nên thời gian ngắn sau là chuyển đi nơi khác. Bây giờ nhớ lại chỉ vài hình ảnh rất lờ mờ, một con đường mòn, một cái miếu-hay là đình -đầu làng, vài cái cây, ruộng lúa dựng nên hình ảnh một miền quê xơ xác. Một hình ảnh nữa tôi còn nhớ là chiều chủ nhật sau khi thăm trại sơ tán, chú Lê Dân (chú Ngô Lê Dân) và chị Giang con bác Thịnh cùng về, chỉ ra đến cánh đồng lúa là mưa gió mịt mù, lúc đó vì lo lắng dõi theo chú và chị Giang, tôi cứ thắc mắc mãi, sao mới thấy 2 bóng người 2 xe đạp mà bây giờ lại chỉ còn một bóng? (mưa to quá nên đứng sát lại nhau). Có lẽ đó là điểm khởi đầu của tình yêu 2 người chăng? Thật tiếc sau này “anh” chị không còn đi chung nữa…

Tôi cũng không nhớ rõ lắm mình bắt đầu học lớp 1 ở đâu, hình như ở Thống nhất, là nơi có nhà thờ họ Phùng, mà Hải Đường đã tả lại rất rõ, tôi ở dãy đối diện với Hải Đường, nhớ là có Thủy Tiên, chị Thanh Bình, chị Việt Phương, Khánh Như, hình như H.Đường nhớ lộn, vì tôi nhớ chị Như ở cùng dãy tụi tôi, gần Thủy Tiên…. Ngày ấy tập văn nghệ, tôi và M.Hồng múa bài con bướm là con bướm xinh, là con bướm là con bướm hồng, ..bướm ơi là bướm mời bướm hãy về đây chơi…, múa say sưa đến nỗi hết bài rồi, lẽ ra phải dừng lại cho tiết mục khác nhưng tôi và Hồng đã quyết định múa tiếp một lần nữa để “phục vụ”, mấy bạn hát cho chúng tôi múa ngơ ngác nhưng rồi vẫn hát tiếp cho hết bài, sau đó xuống sân khấu mọi người xúm lại trách chúng tôi làm mất thời giờ của mọi người, làm chúng tôi buồn mãi vì mọi người không hiểu lòng “nhiệt tình phục vụ” của mình. Một hình ảnh nữa tôi vẫn nhớ là hình ảnh Hải Đường tự dung túm chặt ống quần phía trên đùi, khóc ré lên, la cái gì đó mà không ai nghe được, mọi người xúm lại hỏi han, dỗ dành Đường nói lý do nhưng chỉ có tiếng khóc dữ dội hơn, mãi sau mẹ An dụ được H.Đường cho mẹ An biết bên trong ống quần mà tay Đường đang nắm chặt là gì, Đường nói trong tiếng nấc “ có con gì ở trong quần cháu, híc..híc”, mẹ An giở ống quần lên rồi bảo Đường thả tay ra, một con chuột phóng ra làm cả vòng con nít hiếu kỳ la hét, dạt ra ngoài hết. Một trận nhớ đời phải không Đường?

Hồi nhỏ hay ra giếng tập văn nghệ, tôi thèm đi xem lắm nhưng em tôi thì đòi đi ngủ sớm nên những cuộc vui đó tôi ít được tham gia, mà ra giếng chơi rồi thì Hoa Lê hay đòi về sớm, tôi lại dũng cảm dẫn em về dù phải đi qua mấy bụi tre kẽo kẹt, sợ ma quá chừng luôn.Có lần dẫn em đi tiêu ở cái hố xí 2 ngăn toàn ruồi nhặng, phía trước mặt là cái mương có bèo hoa dâu và giấy vệ sinh vứt dơ bẩn, chân Hoa Lê bị “cước” sưng phồng to nên bước khó khăn, vừa bước lên bậc nhà vệ sinh thì ngã ngửa ra sau, lăn tòm xuống mương trước mặt, tôi đã hoảng hốt kêu to “có ai không, cứu em cháu với” thì có chú gì nhà bên cạnh trại trẻ đang ngồi bên bờ ruộng chạy qua lôi em lên, một phen tắm rửa kỳ cọ ra trò mà 2 ngày sau mới “khử mùi” hoàn toàn…

Con đường làng dẫn tới trường những ngày mưa thường trơn trợt, xe trâu đi để lại trên đường những lằn ngoằn nghèo, tôi nhớ những ngón chân nhỏ xíu của mình cứ bíu chặt xuống mặt đường vì sợ bị vồ ếch. Bạn cùng học khóa lớp 1 ngày ấy là Thủy Tiên, Minh Hồng, H.Đường, Hiếu Nam, Tương Lai, mỗi lần đi học thường phải rủ nhau đi cùng vì sợ bọn ở làng ra “trấn lột”, sợ cả những con ngỗng cổ dài ngoẵng, kêu kíu kíu đuổi theo làm chạy toán loạn, sau này đi chung Hiếu Nam, bạn ấy đã đứng ra xua đuổi lũ ngỗng cho chúng tôi cùng đi qua, từ đó đến giờ chẳng gặp lại các bạn cùng lứa, ao ước khi nào cùng nhau về thăm lại nơi sơ tán ngày xưa, huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Hà Tây…ngày đó thú vui của trẻ em trại trẻ là chủ nhật nào cũng ra đê ngóng mẹ, hễ có bóng người xuất hiện là đoán già đoán non xem là ai cho đến khi dự đoán trở thành hiện thực, ngày mẹ đạp xe lên thăm, mừng vì được thoát ly khỏi cái đám trẻ còn lại vẫn đang trông ngóng, hãnh diện vì có mẹ thăm, giờ mẹ về, đứng dõi theo khi cái bóng mẹ chỉ còn là cái chấm nhỏ xíu, thương cái bóng mẹ lẻ loi giữa con đường rộng…lúc mong mẹ không thấy, đến tận trưa mà vẫn ngóng trông không chịu về ăn cơm, hy vọng mẹ đến muộn vì lý do nào đó…

Đã hết giờ “thư giãn”, còn nhiều chuyện nữa nhưng xin hẹn khi khác. Chỉ tiếc là lúc đó tôi còn quá nhỏ nên chẳng nhớ nhiều như các anh chị, vài chuyện vẩn vơ chép lại để nhớ. Lần sơ tán thứ 2 thì đã lớn hơn, nhớ nhiều hơn, mà cũng nghịch ngợm hơn, tôi sẽ từ từ nhớ và kể, chỉ mong được chắp thêm vào bức tranh trại trẻ cho thêm màu thêm sắc, thêm sinh động…

Huỳnh Ngọc Thụy

11/10/07

Bác ấy

Súp củ cải đỏ, sa lát Nga, sườn cừu nướng, bánh mỳ đen…tất nhiên rồi, thêm một smetalla nữa, một bắp cải cuộn, một đĩa pho mát sợi, một con cá Astrakhan, bánh mỳ đen, bơ, pho mát sợi, một chai Zenka để lạnh, nước khoáng. À, xúc xích Nga, bơ và bánh mỳ đen…
Mặt bàn ăn đã đầy chặt. Chúa ạ, có hai mẹ con, ăn hết làm sao ngần ấy thứ, người ngoài không thể tự hỏi- mà con bé , rõ là mới đi học về, khăn quàng đỏ vừa tháo ra cất vào cặp, hình như không thích hợp với những món ăn vừa gọi. Nó hỏi mẹ có cơm và trứng rán không. Đây là quán Nga con ạ, mẹ nó trả lời dịu dàng, trứng có thể có, nhưng tráng bằng bơ, Để mẹ hỏi xem có món trứng rán bình thường không. Tại mẹ lâu rồi không rán trứng cho con ăn, nên con thèm trứng. Con bé bảo, mà sườn cừu nướng, phomát… mấy món khó ăn đó bác ấy lại thích hả mẹ? Bác ấy sống ở Nga, Liên xô cũ ấy, một thời gian rất lâu, nên nhớ các món ăn Nga, mẹ nó trả lời. Ai đó sống qua một thời gian thế nào thì nhớ những món ăn thời đó đúng không mẹ? Như con nhớ dạo còn bố mẹ hay nấu cho con món canh riêu cua. Quán này có món canh riêu cua không ? Có thể có, mẹ chưa thử, mẹ nó vẫn nói bằng giọng dịu dàng, nhưng đây là quán Nga, con thử các món ăn Nga đi Con sẽ thử, con bé trả lời bằng giọng quả quyết, chắc bác ấy sẽ thích, có điều là bác ấy đến muộn quá. Con tưởng chỉ có bố ngày xưa mới thế…
Đàn ông mà con, mẹ nó trả lời nó như với người ngang hàng. Một nét mặt không buồn không vui. Câu trả lời ấy quả thật đáng chú ý, nó ngân lên xót xa trong một quán ăn 24/24 tiếng văng vẳng điệu Kachiusa. Đàn ông mà, biết được đàn bà thời chiến hay đàn bà thời bình không có những nỗi đợi chờ dằng dặc ngang nhau. Gần hết buổi trưa đã trôi qua, con bé ăn tạm hai lát bánh mỳ đen với muối, một cốc sữa chua và một cốc nước khoáng- con no rồi ạ- nó bảo mẹ nó, bác ấy vẫn chưa đến, mặt bàn ăn đầy ắp, mẹ nó chưa đụng vào một miếng nào- bác ấy bận quá, hôm nay họp công ty- Cũng bận như bố ngày xưa đúng không mẹ? Không, khác lắm con ạ. Bác ấy hiền hơn bố, không hay cáu gắt và không uống rựơu, chỉ có điều, bác ấy cũng bận. ừ, cũng bận, hôm nay bác hẹn mẹ con mình mười hai giờ mà giờ vẫn chưa đến được thì chắc là bận lắm.
Tất cả đàn ông đều bận,chỉ mẹ con mình là phải chờ đợi thôi- con bé nói, như người lớn. Mẹ ơi, 2 giờ con phải vào lớp rồi, mẹ chờ bác ấy một mình nhé.Con sẽ tự đến lớp mẹ ạ…
Bản Kachiusa vẫn văng vẳng lúc con bé một mình ra khỏi quán.

Hà Phạm

10/10/07

Bờ sông gió

Bờ sông hun hút gió. Điều này quá quen, không chỉ bởi câu tả cảnh quen, như trong một bài văn nào đó, mà vì bờ sông bao giờ chẳng gió, nhất là một ngày đầu đông như thế này.
Bờ sông hun hút gió và lại còn hoang vắng nữa.
Quán nhậu chẳng có ai. Đang là buổi sớm đã đành, mà có nhậu mùa này người ta cũng muốn chui vào một nhà hàng ấm cúng, chứ ít ai đi ra bờ sông nghe gió rít trên rặng tre. Những dãy bàn ghế vắng không, bụi phủ và lá tre khô chốc chốc lại bay vèo qua mặt. Cô bé chạy bàn nói giọng miền trong, đưa cho anh chai ruợu và đĩa lạc xong cứ thập thò chờ gọi thêm. Lát nữa cũng phải gọi mấy đồ ăn gì đó cho cô bé yên tâm, nhưng giờ thì anh chưa muốn “Chú còn đợi bạn thêm một lúc…”- anh nói để cô bé đi vào nhà, dù sao anh cũng đang rất muốn được một mình, vào lúc bờ sông hun hút gió, tận hưởng cái thú được ngồi một mình không phải lúc nào cũng dễ.
Mà đúng là một mình không dễ thật. Phía bãi sông, gió còn lồng lộng hơn ở đây, một người đàn bà đi lên, tà áo mỏng bay phần phật. Chị ta không phải đi lên phía anh mà ngồi ngay chỗ kè sông bê tông phía dưới, nhặt dăm ba chiếc lá tre lên, xếp lại như quân bài rồi thả cho lá bay vèo, cứ thế…Một người đàn bà chắc là điên. Nhưng điên một cách hiền lành, không có gì để ngại, anh nghĩ vậy. Chỉ cố điều quen quá, cái lối xếp lá khô trên tay rồi thả lá bay theo gió. Anh đã nhìn thấy lúc nào, ở đâu rồi, chắc chắn thế.
Phải rồi, anh nhớ ra mình đã nhìn thấy một cô bé, xếp lá vàng rồi thả lá bay đi suốt cả buổi chiều, chưa lâu lắm. Một lần uống cà phê gần Nhà hát lớn, nhìn ra cái vườn hoa đầu Cổ Tân, anh đã thấy, giống hệt thế. Cô bé ấy chơi với lá lâu quá, không một đứa trẻ nào vào thời buổi này lại chơi với một đám lá lâu như thế, điều ấy khiến anh tò mò. Khi đến gần anh mới biết trò chơi của nó thật ra là vô cùng bất đắc dĩ. Nó chẳng thể làm gì khác, chẳng thể đứng lên được, chẳng thể chạy đi , thậm chí chẳng thể thay đổi tư thế , vì nằm trong cỏ, ngủ mà vẫn giữ chắc lấy chân nó, là một người đàn ông cụt cả hai chân. Hai bố con nó vẫn đi ăn xin trên phố, anh đã có lần cho tiền vào mũ người đàn ông nhưng không để ý lắm đến con bé con. Cái hình ảnh con bé ngồi chơi với lá cây, xếp những chiếc lá rơi lại thành một tập rồi thả tay cho lá bay đi, hóa ra khó quên hơn anh tưởng.
Giờ lại thế, vào lúc anh ngồi một mình, mong muốn ngồi một mình thế này, bỗng đâu xuất hiện người đàn bà kia với trò xếp lá. Không phải một cô bé, không ai giữ chặt lấy chân mình, vẫn xếp lá rồi thả cho gió cuốn đi. Những người đàn bà lạ lùng. Lớn hay bé cũng đều lạ lùng, với trò xếp lá ấy.
Bạn chú không đến, anh nói với cô phục vụ bàn khi trả tiền rượu. Dẫu sao cũng chẳng thể ngồi một mình được nữa. Cũng chẳng thể đi xuống bãi sông. Giờ mới biết vì sao Trịnh Công Sơn viết thế, lòng người như lá úa đã đành, sống trong đời sống phải có một tấm lòng, để làm gì để gió cuốn đi…Trước khi gió cuốn đi, lạy Trời đừng có bàn tay nào ngồi xếp lại.

Hà Phạm

Kiều Tuấn, con người sống bằng kỷ niệm

Kiều Tuấn vừa trở về từ Praha. Không cần biết anh về vì có công chuyện làm ăn tại Việt Nam hay đi nghỉ, nhưng riêng việc đầu tiên là anh gọi "bọn trại trẻ" đã khiến mọi người cảm động. Câu chuyện của anh dường như lúc nào cũng ngấn lệ. Nào là hồi ấy, dạo ấy, rồi lại chúng mình, thích thật v.v... toàn những câu nói chân tình.

Rất tình cờ, một loạt những bạn bè sinh tháng 10 năm 1956 đã nhận được từ anh lời mời sẽ tổ chức sinh nhật tập thể vào một ngày nào đó trong tháng 10 này.

Đúng phong cách Việt Kiều... Anh Tuấn!

Lưu Phương Bình

9/10/07

Tư liệu mới từ Trịnh Tùng Sơn

Kính gửi: các anh, chị và các bạn ở Trại trẻ sơ tán của báo Nhân Dân,

Tôi là: Trịnh Tùng Sơn, con ông Trịnh Hải, hôm qua tôi được Phạm Thanh Hà thông báo các anh, chị ở trại sơ tán làm trang web đăng tải các nội dung sinh hoạt của trại. Đây là một trang rất hay đối với chúng ta con của các phóng viên, biên tập viên làm báo Nhân Dân trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trịnh Sơn xin gửi các anh, chị tấm ảnh này chụp ở Đỗ Động ngày 1-10-1972.

Hà Nội ngày 8/10/2007, Trịnh Tùng Sơn

(TTST BND: Xem chi tiết ảnh và lời ghi thêm của anh Sơn ở Trang chuyên hình ảnh)

7/10/07

Bác Quỹ - bố chị Hồng, như tôi biết

Bác Quỹ bố chị Hồng, tuy không công tác ở báo Nhân Dân nhưng nhiều người chúng ta lại biết về bác, đặc biệt những hình ảnh không thể quên của cụ trong những năm chúng ta ở Trại trẻ. Nhân đọc thư chị Hồng, được sự đồng ý của vợ, tôi xin gửi đăng một đoạn về bác Quỹ trong Blog của vợ tôi - Lưu Phương Bình.

Họ đúng là những người bạn. Những gì tôi biết về họ là tất cả dấu ấn về những đổi thay thăng trầm của xã hội, những cái nhìn ấu trĩ về con người. Những vui buồn của họ là buồn vui của một thời đại, có cả những cảm xúc hào hùng, có cả nõi niềm riêng tư mà thời ấy không phải ai cũng hiếu. Có một lần, tôi nhận ra là cần phải ghi lại hình ảnh của họ như hình mẫu về những người bạn và tôi cậy cục bắt chồng tôi mượn máy ảnh chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của họ. Còn một lần khác, khi ấy bác Hồ Trúc đã ốm nặng không đi lại được, bác Quỹ từ trong Nam ra, bác Tấn bị gẫy chân đến mấy năm mới sang chơi với bố tôi, nghe bác Quỹ bảo đây là lần gặp cuối cùng, tôi lại đi gọi thợ ảnh. Không ngờ đấy lại là những tẩm ảnh duy nhất họ chụp với nhau… Nhưng cũng là không đủ. Bố tôi bảo, ngày xưa, có ai nghĩ đến phải chụp ảnh cùng nhau đâu.
Trong ký ức của tôi, những hình ảnh của họ đẹp lắm, những câu chuyện về họ mà tôi biết, tôi nghe kể cứ như mới đây.

Chuyện về ông Ngô Văn Quỹ - ông bác sĩ nhân hậu, hào hoa, yêu cách mạng

Ngày ấy, ông Quỹ là một chàng trai hào hoa,thông minh, sinh viên trường thuốc được bạn bè rủ đi theo cách mạng. Nghe đâu, có hai chi em cô Quy, cô Phượng, đẹp nhất Hà thành, mê ông Quỹ như điếu đổ. Nhưng trong đám bạn có ông Hồ Trúc đặt vấn đề với cô Quy, thế là xôi hỏng bỏng không. Cô Quy ấy cứ mê ông Quỹ cơ. Ông Quỹ khéo nói, lại đẹp trai nên tiểu thư theo ông không ít, chẳng biết có phải ông kén không mà không đăt vấn đề vói cô nào.Về sau này, bạn bè trêu, bảo ông sợ thành phần tư sản nên lấy cô vợ là tá điền. Bố tôi bảo không phải thế, mà lên Tuyên Quang, ông Quỹ ốm lay lắt, có một người phụ nữ tốt bụng hết lòng chăm sóc ông, thế là thành vợ. Ông Quỹ nhân hậu lắm, có trách nhiệm lắm, nhưng ông cũng biết là bà vợ không hợp chuyện với đám bạn nên không bao giờ ông mang vợ đến nhà mấy ông bạn nối khố chơi cả và họ đến nhà cũng chẳng bao giờ gặp bà Nghệ, vợ ông. Nhưng ông thì như ông bố đẻ của anh em chúng tôi vậy. Cái năm anh tôi chiến đấu ở Quảng Tri, không có tin tức gì, bố mẹ tôi khóc ròng, ông sang nói chuỵện gì đó mà tôi thấy bố mẹ tôi lại vui vẻ, tin tưởng anh tôi sẽ về. Bác tôi bị huyết ạp cao, ốm mấy năm chẳng nhận ra ai cả, nhưng ông Quỹ sang thì bác tôi lại mấp máy nói được “Quỹ!” rôi chảy nước mắt. Ông Quỹ cũng ôm bác tôi mà khóc. Năm 1991, tôi phát hiện thấy khối u ở ngực, chẳng cần suy nghĩ, tôi bay ngay vào Nam nhờ bác Quỹ khám. (Sau năm 1975, ông vào xây dựng bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh). Rôi chỉ là bệnh tưởng nhưng tôi cũng được căn dặn đủ điều phải đề phòng. Ông Quỹ có biệt tài làm cho ai bi quan nhất cũng thành lạc quan!
Ông có cái nhìn cuộc sống rất sắc sảo, rất vui. Đại loại là khi ông sang ăn cỗ muộn, bác tôi trách, ông bảo: ”Chị ơi! Mình em 14 mụ đàn bà vất vả lắm chứ có như bọn này đâu!” (ông nói thế là vì nhà ông có 10 con gà đẻ và con ông toàn con gái). Những năm bao cấp khó khăn ông nuôi thêm gà ở trên gác để có trứng cho con, nhưng bao giờ ông cũng nhận phần dọn phân gà.
Tuy là bác sĩ nhưng ông Quỹ có tâm hồn của một nghệ sĩ. Ông quan hệ rộng, hiểu biết nhiều nên cả những khi có ông Như Phong, hay các ông bà ở viện văn học, những câu chuyện về văn học của ông vẫn cứ giòn giã.
Khi bà Nghệ mất, tôi bảo đi gửi điện hoa, bố tôi nghĩ mãi rồi không cho gửi. Bố tôi bảo:
- Bác Quỹ biết rõ là bố không muốn nhắc đến nỗi đau buồn, bạn bè, bố chỉ muốn giữ những hình ảnh đẹp nhất về nhau!
Ông Quỹ cũng biết là bố tôi không thích đến thăm bạn bè ốm. Vậy nên khi ông bị bệnh, ông chẳng nói gì với bố tôi cả. Ông vẫn nhắc nhở bố tôi chỉ còn hai thằng, phải giữ gìn sức khỏe. Rồi ông lại đi trước… Cái Tết cuối cùng ông cũng gọi điện cho bố tôi hẹn sang chơi với bố tôi , thế rồi không sang, mà ông mất cả nhà tôi không ai biết. Khi nghe tin ông Quỹ mất tôi chẳng dám nói với bố tôi. Mà làm sao dạo đó bố tôi lại hay kể về bạn mình nhiều vậy, hết kể với tôi lại kể với các cháu. Nhưng sự thật thì chẳng giấu được. Biết tin, bố tôi lặng lẽ cả tháng trời. Rồi ông bảo tôi:
- Bố cũng chỉ sống vài năm nữa thôi con ạ! Sống thế này chán lắm!
- Sao bố lại chán ạ? Con cháu có chuyện gì đâu hả bố? – tôi hỏi.
- Bạn bè chết hết cả, chả có ai mà nói chuyện.
Điều ấy thì tôi chịu rồi. Tôi nghĩ rằng sắp tới vào Nam, việc đầu tiên là tôi sẽ đến thắp hương cho ông Quỹ. Tôi luôn nghĩ ông là cha tôi.

Về anh Khánh

Từ: Hải Đường
Ngày: 21/9/2007 9:35 AM
Tôi là Hải Đường – em anh Khánh Bẹt. Tiếc quá! Tôi đang rất hồi hộp hy vọng được gặp lại bạn Giao - người mà ngày xưa ở Trại trẻ mọi người hay chế gán ghép đôi với tôi (Đường – Giao). Hồi bé bị ghép, tôi đã từng rất “căm thù” bạn đấy (không rõ là bạn hay anh, nếu là anh thì xin lỗi trước). Bây giờ mà gặp lại thì chắc là Tiếc phải biết? Hihi.

Từ: Chi, Le H
Ngày: 21/9/2007 10:02 AM
Hai Duong oi, Anh Khanh nha em lay vo chua, lan truoc chi hoi khong thay tra loi. Chi hoi nghiem chinh day. O cho chi co may co be chua co chong, chi co the lam moi. Mac du rat nhiet tinh nhung chua duoc "mat tay" lam nen chua thanh cong dam nao ca. Biet dau day ....
Chi Chi/ Con bo Chinh Yen.

Từ: Hải Đường Ngày: 21/9/2007 1:47 PM
Cam on chi. Anh Khanh nha em lay vo va da san xuat ra 2 nhoc trong 2 nam roi chi a. Anh ay cham nhung mat may (mát máy) lam a.

Từ: Chi, Le H Ngày: 21/9/2007 1:47 PM
The ma chi cu tuong ban ay con roi ra~i nen rat cham chi, nhiet tinh voi viec thanh lap Ban lien lac. :)))

Từ: Hải Đường
Ngày: 21/9/2007 1:54 PM
Tinh anh ay the day chi a, luon nhiet tinh voi moi nguoi, ke ca ban giat ta cho 2 dua (1 tuoi va 2 tuoi)

6/10/07

Thư cảm ơn

Từ: Vũ như Tuấn
Ngày: 06 tháng mười 2007 7:50 CH

Gửi các cô chú bác cùng các anh chị, bạn bè,

Thay mặt gia đình, em xin cám ơn các anh chị cùng bạn bè, đã chia xẻ nỗi mất mát lớn lao cùng gia đình. Em cũng nhờ các anh chị, chuyển lời cám ơn đến các cô chú bác, vì tuổi già, xa cách đã điện thoại đến mẹ em. Đặc biệt cám ơn đến các cô chú bác cùng các anh chị, bạn bè, đã thu xếp thời gian, đến dự tang lễ, đưa bố em, ông Vũ Như Oánh, đến nơi an nghỉ cuối cùng, cũng như ngay sau đó đã đến thăm hỏi gia đình em. Chắc chắn chúng em có nhiều thiếu sót, mong các cô chú bác cùng các anh chị và các bạn thông cảm.
Em và chị Yến, cũng đã từ nước ngoài, về kịp thời đưa tang bố. Ngay sau tang lễ, Sơn đã đi công tác Âu châu ngắn ngày. Em và chị Yến, cũng vừa bay trở lại nơi sinh sống. Sơn sẽ trở về Sài gòn trong tuần tới này.

Thay mặt mẹ Vũ Thị Nhung, anh Vũ quốc Hùng, chị Vũ thị thanh Yến, em Vũ Thái Sơn

_____

Thông tin đã đăng ở đây: Tin buồn

Dạy con

Dù bận đến mấy đi chăng nữa, dù phải thức khuya đến 1 - 2 giờ sáng để kịp hoàn thành một bài trình bày hay một bản báo cáo còn dở dang nào đó, thì hàng tối, người mẹ cũng không bao giờ bỏ việc dành hơn một vài giờ đồng hồ để hướng dẫn con gái học bài.

- Con đọc kỹ bài Tiếng Việt ngày mai chưa?
- Dạ, kỹ lắm rồi mẹ ạ?
- Nào, mẹ bắt đầu hỏi nhé. Vì sao Lan cho Hà mượn bút?
- Dạ, vì bạn Hà quyên bút ở nhà ạ.
- Vì sao Lan cho Nam một nửa cục tẩy của mình?
- Dạ, vì bạn Nam đánh mất tẩy ạ.
- Thế con nghĩ gì về bạn Lan nào?
- Dạ, bạn Lan là người bạn tốt, biết giúp đỡ bạn trong học tập ạ.
- Đúng rồi. Vậy con nhớ là khi bạn có khó khăn gì con phải giúp các bạn nhé.
- Vâng ạ.
Cô bé ngoan ngoãn học bài và chăm chú nghe lời mẹ dạy bảo.

Vài ngày sau, khi người mẹ đến đón con ở trường. Vừa nhìn thấy mẹ, cô bé đã chạy ào tới như một con lốc, miệng ríu rít khoe:
- Mẹ ơi, hôm nay con cho bạn Kiên cái bút chì mới rồi. Bạn ấy nói bạn ấy quên bút ở nhà ạ.
- Ôi, con của mẹ ngoan quá. Mẹ rất mừng vì con đã biết giúp đỡ bạn. Chút chút chút - người mẹ hôn con tới tấp.

Vài ngày tiếp. Cô bé lại phấn khởi khoe:
- Con cho bạn Độ giấy kiểm tra mẹ ạ. Mẹ bạn ấy quên chưa mua.
- Ừ, được con ạ. Con nói bạn ấy nhắc mẹ bạn ấy mua giấy nhé.

Mấy hôm sau nữa:
- Con cho các bạn trong tổ hết cả giấy thủ công rồi mẹ ạ. Các bạn ấy nói bị thiếu giấy màu ạ.
- Con cho hết à?
- Còn mỗi một tờ ạ.
Người mẹ lặng im.
Những đồ dùng học tập của cô bé cứ ngày càng hết một cách nhanh chóng.

Rồi đến một hôm, người mẹ ngồi soạn sách vở cùng con, bất chợt nhìn thấy cục tấy nham nhở trong hộp bút, người mẹ cầm cục tẩy lên mân mê, nét mặt đăm chiêu suy nghĩ. Hồi lâu, người mẹ hỏi:
- Con lại cho bạn nửa cục tấy phải không?
- Dạ, bạn Kiên lại quên tẩy mẹ ạ.
- Con không được cho bạn nữa. - Giọng người mẹ chợt rung lên, rồi chuyển dần gần như rên rỉ: "Trời ơi! Các bạn lợi dụng con, con có biết không?"
- "Lợi dụng" là gì hả mẹ? Cô bé ngước cặp mắt sáng trong lên hỏi.
- Là biến con thành cái "Kho văn phòng phẩm", hiểu chưa?
- "Văn phòng phẩm" là gì hả mẹ? - Thấy mẹ có vẻ bực, cô bé sợ sệt lí nhí hỏi.
Không kiềm được lòng mình, người mẹ đánh vào tay cô bé một cái. Tay cô bé đỏ hồng vết tay mẹ. Cô bé không hiểu vì sao mẹ đánh mình, oà khóc tức tưởi. Ngồi nhìn con khóc, người mẹ lặng thinh, rồi khoé mắt người mẹ ậng dần, ậng dần nước. Những giọt nước mắt thương con, những giọt nước mắt lo lắng cho sự bị lạm dụng lòng ngây thơ, thật thà của con mình.
- Mẹ cấm con, từ giờ không được cho bạn một thứ gì cả. Mẹ cấm tuyệt đối, nghe chưa? - Những mệnh lệnh khô khốc, lục cục rơi vào khoảng không nửa sáng, nửa tối. Cô bé vẫn chưa hết sợ, tay quyệt ngang khuôn mặt dàn dụa nước mắt, rồi rụt dè ấp úng hỏi:
- Nhưng ... sách .... sách dạy thế .... mà mẹ?.
- Không sách vở gì cả. Mẹ dạy con là đủ rồi. - Người mẹ nói to.
- Dạ, vâng...vâng ạ.- Cô bé cuống quít.

Và ... ngày hôm sau. Khi người mẹ vừa xuất hiện ở cửa trường, cô bé đã lại chạy ào tới như một cơn lốc và lại ríu rít khoe:
- Mẹ ơi, hôm nay con dứt khoát, kiên quyết không cho bạn Độ giấy vệ sinh mẹ ạ. Cho dù bạn ấy van vỉ, lạy con, con cũng nhất quyết không cho - Khuôn mặt ngây thơ cố tỏ vẻ quyết đoán.
- Biết vâng lời mẹ là ngoan. - Người mẹ trả lời con mà thấy đắng trong lòng.
- Nhưng mà con không thể chịu nổi...- Cô bé chun chun cái mũi xinh xắn một cách ngộ nghĩnh.
- Sao vậy con? Người mẹ âu yếm hỏi.
- Bạn ấy cố nhịn, nhịn mãi …. nhịn mãi, rồi … cuối cùng không chịu nổi, bạn ấy "đùn" ra lớp. Thối tịt cả mũi mẹ ạ.
Hà Nội, đêm ngày 1/2/2005, Trương Hải Đường
(Viết trong lúc giải lao khi sửa Chương trình tin học hoá đến 2010 để ngày mai kịp nộp Tổng cục)

Những bài học tuổi ấu thơ

(Thảo Hương – con chị Đường 30 năm sau)
“Khi các bạn đã có con, hãy hiểu rằng bạn luôn là tấm gương để cho con bạn soi vào đó mà nhận biết dần cuộc sống xung quanh”.

Những ngày thơ ấu, sống bên ba mẹ, con đã hiểu được nhiều điều :

Khi mới 4 tuổi, con đã dùng que trêu chọc chú chim vẹt bé bỏng và cười khanh khách khi thấy chú ta hoảng loạn nhảy nhót trong chuồng và cuối cùng, nó đã chết vì mệt. Về nhà, mẹ đã nâng niu chú chim nhỏ trong lòng bàn tay, xót thương, mắt ngấn lệ. Và … con đã hiểu thế nào là tình thương mến.
Ngày Tết đi chùa, con ném vội đồng lẻ vào nón người ăn xin, rồi lẳng lặng bỏ đi. Ba đã nhẹ nhàng nói con quay lại, nhặt lên để lễ phép đưa tiền cho người tàn tật ăn xin đó. Và … con đã hiểu thế nào là tình đồng loại.
Đi học về, con khoái chí kể cái bạn nam hay bắt nạt con, hôm nay đã bị trượt ngã, chảy cả máu đầu. Mẹ không cười mà chỉ nhìn con buồn bã. Và … con đã biết thế nào là xấu hổ.
Những ngày đông giá rét, đêm đêm mẹ ngủ không yên, chốc chốc lại khẽ khàng kéo chăn đắp lại cho con khỏi lạnh. Và … con đã hiểu thế nào là tình mẫu tử.
Ngắm nhìn ba vụng về cắm từng bông hoa vào lọ để đón ngày mẹ đi công tác xa về. Và… con đã biết thế nào là tình chồng nghĩa vợ.
Nhìn mẹ hoà mình vui đùa cùng các cô chú cơ quan trong những ngày nghỉ hè. Con đã cảm nhận được thế nào là tình đồng nghiệp.

Ngàn vạn những hành động, cử chỉ rất bình thường hàng ngày, ba mẹ tưởng con không nhìn thấy, nhưng con lại thấy rất nhiều và đã dạy cho con những bài học đầu đời thật quý giá. Con muốn cảm ơn tất cả những món quà và tình thương mà ba mẹ đã dành cho con. Mọi lời nói, cử chỉ yêu thương hay sự rầy la, trách mắng khi con có lỗi,… đều là những viên gạch lát hoa cương cho con vững bước trên đường đời. Con mãi mãi biết ơn và yêu thương ba mẹ như biển trời bao la.
Hà Nội, ngày 2/3/2007, Trương Hải Đường

5/10/07

THÔNG BÁO VỀ PHIẾU THU THẬP TƯ LIỆU

Được sự đồng ý của Ban Liên Lạc, Blog TTSTBND xin trân trọng thông báo :
De co tu lieu cho cuon bien nien su se duoc bien soan trong thoi gian toi, de nghi cac anh cac chi tham gia dien vao PHIẾU THU THẬP TƯ LIỆU sau va gui den dia chi vn.hanoi@gmail.com

1. Ho ten
2. Sinh nam
3. Mot ảnh cũ (neu co) va mot ảnh hien tai
4. Hien dang lam gi
5. Hãy ke lai mot (hoac nhieu) cau chuyen ve thoi trai tre ma anh/chi cho la sau sac

TTSTBND

3/10/07

Không phải trẻ con nào cũng muốn kẹo

Siêu thị đang lúc đông người, mấy quầy thanh toán đều cả một dãy xếp hàng đợi đến lượt mình. Thời bao cấp xếp hàng dằng dặc để mua hàng đã đành, thời này thì xếp hàng đợi trả tiền.
Thế mà một bà khách hàng, mấy túi lớn túi bé đã xếp đầy ắp, vẫn không chịu rời khỏi hàng người đông đúc chờ đợi, chỉ vì bảy tám trăm tiền lẻ gì đó, cô thu ngân trả bằng kẹo, bà ta không nhận. Trông rõ là người khó tính, bảy tám trăm lẻ, chưa đến một nghìn, mua rau muống cũng chỉ được nửa mớ, đáng gì cơ chứ. Hay vì cái cách cô thu ngân vứt mấy cái kẹo lên mặt quầy chẳng nói chẳng rằng làm bà ta khó chịu? Mấy cô ấy lúc nào chẳng thế, nhất là lúc đông người. Kẹo thì đã sao, thế mà thêm một lần nữa, bà gạt nhẹ những cái kẹo xanh đỏ lại phía cô thu tiền:
- Cô ạ, tôi không lấy kẹo!
- Cháu không có tiền lẻ, bác thông cảm, cầm kẹo cho cháu ...
- Thiếu gì tiền lẻ, tiền xu ấy cũng được, tôi không lấy kẹo!
Hàng người đứng sau cáu kỉnh xầm xì:
- Khó tính thế bà? lấy kẹo đi cho nhanh!
- Cháu đã nói là cháu không có tiền lẻ - giọng cô thu tiền đã cao hơn một chút. Bác không ăn kẹo thì cầm cho trẻ con cũng được chứ sao?
- Không phải trẻ con nào cũng muốn kẹo - bà khách hàng vẫn kiên quyết gạt những cái kẹo lại.
- Thì đây! Cô thu ngân quyết định đầy bất ngờ - một đồng tiền xu năm hào và một đồng tiền xu hai hào - Cháu không có một trăm đâu.
Bình thường, người trẻ tuổi nói bằng cái giọng ấy, theo cách ấy, thì gọi là hỗn. Nhưng bà khách hàng có vẻ không để ý, bà nhặt hai đồng xu lên, hai tay hai túi lễ mễ, bà đi khỏi hàng người trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của những người đứng sau.
Rồi lễ mễ như thế, bà dừng lại trước hòm kính nơi gần cửa, bà đặt hai túi hàng xuống đất, moi trong túi ra, rất nhiều tiền lẻ, tiền xu, nhiều hơn bảy trăm tiền xu lúc nãy, thả tất vào trong hòm kính, rồi lại lễ mễ cầm túi lên đi ra cửa siêu thị.
Trong cái hòm kính ấy, cài hòm kính có hàng chữ đỏ "Giúp đỡ trẻ em nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam", toàn tiền lẻ và cũng lẫn vài cái kẹo. Quả thật, nhìn những cái kẹo trong hòm tiền ấy, cứ thấy chúng xanh đỏ lạc lõng thế nào ấy.
Không phải trẻ con nào cũng muốn kẹo!
Hà Phạm

Quà cho mẹ

Có một hôm Minh thấy mẹ buồn, rất buồn. Nó không hiểu vì sao. Trẻ con buồn vui có cớ chứ người lớn thì chịu. Người lớn thấy trẻ con buồn, thường là biểu hiện giản đơn bằng nước mắt, thì sẽ hỏi bằng được tại sao mà trẻ con lại buồn. Rồi an ủi, cũng có khi mắng mỏ…đại loại thế. Minh muốn báo cho mẹ biết là mình đang có chuyện, chỉ cần tý xíu nước mắt là đủ. Mẹ trông thấy nước mắt có khi chẳng hỏi cũng biết vì sao mà buồn. Còn người lớn thì phức tạp lắm, buồn, nhưng chẳng phải lúc nào cũng khóc, chỉ im im, phải nhìn mà đoán. Có hỏi lại bị mắng là trẻ con vớ vẩn. Như hôm nay, Minh cảm thấy mẹ buồn là vì…trông mẹ buồn. Thế thôi. Mẹ nấu canh bị mặn và đánh vỡ một cái bát. Đáng nhẽ thơm Minh một cái thật kêu trước giờ đi học, thì lại chỉ vuốt tóc Minh rồi thôi. Minh vào lớp mà cứ nghĩ ngợi lung tung. Nói chung, người lớn không nên tỏ ra buồn để trẻ con phải nghĩ nhiều như thế.
Minh nghĩ về chuyện mẹ có vẻ buồn cho đến tận lúc tan lớp chờ mẹ đón. Đúng ra, lúc tan lớp chờ mẹ đón thì Minh nhớ ra rằng hôm nay trông mẹ buồn, vì cả ngày chơi với bạn vui quá quên mất. Chú ta muốn làm một cái gì đó cho mẹ. Hôm nay không có bài kiểm tra, chẳng kiếm được điểm 10 nào, chán thế. Cũng may hôm nay các anh chị lớp trên lại bày ra một lô những hàng thủ công làm tay trên một cái bàn nhỏ ở vườn hoa. Hình như các anh chị tập kinh doanh. Minh quyết định nhịn ăn sữa chua, mua quà cho mẹ. Một cái vòng mảnh mảnh bằng dây đồng, có quả chuông nhỏ. Chắc là mẹ thích. Minh cầm sẵn cái vòng ở tay, sà ngay ra khi mẹ dừng xe
-Mẹ, con mua quà cho mẹ đây này, một cái vòng!
Mẹ ngạc nhiên lắm, Minh biết, có lần mẹ bảo trong nhà chẳng ai biết mua quà cho mẹ, mồng 8-3 cũng không có hoa, mấy bố con là đàn ông đều đoảng như nhau. Hôm nay là lần đầu tiên mẹ được tặng quà.
Mẹ ngạc nhiên thật, và nói đúng một câu như thế thật
-Lần đầu tiên mẹ được tặng quà đấy. Cám ơn con! Nhưng có đúng là con mua cho mẹ không?
-Đúng mà, Minh phấn khởi, con mua cho mẹ, bằng tiền sữa chua. Mẹ sẽ đeo cái vòng này nhé.
Mẹ đột nhiên cười rũ
Mẹ không đeo cái vòng này được, con yêu ạ. Vì đây là vòng đeo cổ chó, con nhìn quả chuông nhỏ này mà xem, khi nào con chó chạy, chuông sẽ lắc rất vui tai. Đấy, có một con chó nhỏ trong vườn hoa đang chạy đấy, nó đeo đúng cái vòng như thế này, con trông thấy không?
Minh tý nữa thì khóc.
Không sao đâu, mẹ rất thích cái vòng này, mẹ sẽ giữ nó. Món quà đầu tiên con mua cho mẹ mà- mẹ lại cười. Cười rất nhiều
Mẹ cười. Minh không còn nhìn thấy vẻ buồn trên mặt mẹ sáng nay nữa. Hay nhất là nhiều lần sau đó, mỗi lần mẹ có vẻ buồn, hình như mẹ lại lấy cái vòng đeo cổ chó đó ra xem, và mỗi lần thế, mẹ đều cười.
Hà Phạm